Ông Phạm Việt Anh cho rằng, LOCAL G.A.P là bước chuyển giúp DNVN ra thế giới bền vững

“Đòi hỏi của GLOBAL G.A.P rất cao, trong bối cảnh doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam còn nhỏ lẻ, để đạt được chuẩn GLOBAL G.A.P trong ngắn hạn thì rất khó. Do vậy chúng tôi xây dựng LOCAL G.A.P để có bước trung gian, tiếp cận từ những bước thấp hơn trong những khoảng thời gian nhất định.

“LOCAL G.A.P là giai đoạn chuyển tiếp để các doanh nghiệp, nhà sản xuất có cơ hội chuyển sang GLOBAL G.A.P”.

Đó là những chia sẻ của ông Phạm Việt Anh, đại diện tổ chức GLOBAL G.A.P Việt Nam cho biết, tại Hội thảo: “Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch vào các thị trường phát triển” diễn ra ngày 21/12 ở TP.HCM, do Hội DNHVNCLC và công ty BSAS tổ chức.

Ông Phạm Việt Anh cho hay, việc thực hiện LOCAL G.A.P, các doanh nghiệp có được nhiều lợi thế.

Thứ nhất, các doanh nghiệp sẽ được cấp một mã số, từ số này những nhà bán lẻ trên thế giới nhìn vào và thấy doanh nghiệp đã phần nào thực hiện theo chuẩn GLOBAL G.A.P, như thế họ sẽ kết nối để mua hàng. Và cơ hội để bán trong nước, quốc tế sẽ lớn hơn rất nhiều.

Thứ hai, về mặt chi phí, một doanh nghiệp sản xuất phải trả để làm LOCAL G.A.P thấp hơn rất nhiều so với làm GLOBAL G.A.P.

“Chúng tôi đặt ra lộ trình tối thiểu là 5 năm để một doanh nghiệp từ Local g.a.p sẽ đạt được GLOBAL G.A.P.  Chỉ chưa đến 100 uro/1 năm, như thế sẽ không là gì so với lợi nhuận mà doanh nghiệp đạt được”, ông Việt Anh nói.

Ông Phạm Việt Anh, đại diện tổ chức GLOBAL G.A.P Việt Nam chia sẻ tại hội thảo

Theo thống kê, đến thời điểm hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam đã suất siêu trên 7,45 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu nông sản của Việt Nam chưa bền vững, còn phụ thuộc lớn vào xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc, quy mô sản xuất của doanh nghiệp còn nhỏ lẻ, phân tán…

Muốn xuất sang các thị trường khó tính hơn, hàng hóa xuất khẩu phải có giấy chứng nhận quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, chứng chỉ GlobalGAP được xem là giấy thông hành tốt để đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối trên thế giới.

Về vấn đề này, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, Dự án Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập đã được GLOBAL G.A.P đồng thuận cùng nhau xây dựng tiêu chuẩn local g.a.p như một nhịp cầu trung chuyển đưa các nhà sản xuất nông sản chính thức bước những bước mở đầu vào thị trường xuất khẩu.

Localg.a.p được Hội DN HVNCLC và GLOBAL G.A.P đồng thuận cùng nhau xây dựng

Bà Hạnh cho rằng, sau bước đệm LOCAL G.A.P, các doanh nghiệp sẽ có thời gian và điều kiện để thực hiện thêm nhiều tiêu chí khác để đủ điều kiện được cấp chứng chỉ GLOBAL G.A.P.

“Trách nhiệm của các nhà bán lẻ rất quan trọng cho nên họ bắt buộc chúng ta phải có chứng chỉ GLOBAL G.A.P. Khi chưa có chứng chỉ này, chứng nhận LOCAL G.A.P được chấp nhận. Hiện nay, các nhà bán lẻ ở khắp nơi trên thế giới kiểm tra nghiệm ngặt chất lượng hàng hóa. Vì vậy chúng ta phải quan tâm đến chứng chỉ GLOBAL G.A.P nếu muốn xuất khẩu nông sản ra thế giới”.

Trần Quỳnh