Jack Ma, cha đẻ của Alibaba

Alibaba, đang hướng tới chiến lược toàn cầu hóa, nhưng liệu công ty này có thể đạt được mục tiêu?

Nhiều lần Alibaba nói với công chúng, đừng nghĩ về gã khổng lồ thương mại điện tử như một công ty nữa. Và mới đây, Alibaba tiết lộ tham vọng trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nền kinh tế Alibaba là một hệ sinh thái gồm các nền tảng cốt lõi như Tmall, Taobao, Ali Express và các đơn vị truyền thông kỹ thuật số, giải trí Youku, Alibaba Music, Weibo, v,v…, các dịch vụ tại địa phương, dịch vụ thanh toán và tài chính Alipay, kho vận, dịch vụ tiếp thị và quản lý dữ liệu, và điện toán đám mây.

Kết nối toàn bộ hệ sinh thái này là công nghệ dữ liệu rộng lớn mà Alibaba coi là chiếc chìa khóa thiết lập đế chế. Alibaba hiện đang thử nghiệm một số công cụ dữ liệu mới nhằm giúp các nhà tiếp thị, các thương hiệu theo dõi và bắt trúng nhu cầu người dùng, đồng thời tiến tới vốn hóa các tài sản ở mức độ cao hơn.

Vài năm qua, Alibaba tập trung phát triển cửa hàng toàn cầu Tmall. Công ty hiện đã chuyển trọng tâm sang các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Mỹ, Australia và New Zealand nhằm kết nối các doanh nghiệp này với người tiêu dùng Trung Quốc. Tháng trước, công ty đã giới thiệu Tmall World nhằm thu hút 100 triệu người tiêu dùng nói tiếng Trung.

Đây là một phần trong mục tiêu thống trị ngành công nghiệp thương mại điện tử thế giới. Tại Trung Quốc, Tmall kiểm soát gần 60% thị trường thương mại điện tử. Các nền tảng của Alibaba giờ đây quyền lực đến mức các thương hiệu ngày càng tăng cường sử dụng như kênh quảng bá cho mình.

Báo cáo kết quả hàng quý gần nhất, Alibaba cho biết 60% tăng trưởng tổng doanh thu, đạt 38,6 tỷ nhân dân tệ (5,6 tỷ USD), trong đó doanh thu từ thương mại điện tử tăng 47%, đạt 31,6 tỷ nhân dân tệ (4,6 tỷ USD).

Với việc thu hút 507 triệu người dùng hàng tháng, Alibaba đang để mắt đến bán lẻ ngoại tuyến. Alibaba đầu tư vào công ty điều hành trung tâm mua sắm Intime Retail của Trung Quốc, hợp tác với gã khổng lồ siêu thị-tập đoàn Bailian Group nhằm xóa nhòa ranh giới giữa thương mại điện tử và bán hàng thực tế như một phần trong chiến lược “bán lẻ kiểu mới”.

“Alibaba đã biến thương mại điện tử thành giải trí, biến việc mua sắm thành môn thể thao,” Kenneth Tan, giám đốc điều hành mảng kỹ thuật số của công ty Mindshare China nhận định.

Chiến lược của Alibaba được chứng minh rõ nhất qua cơn sốt mua sắm “Ngày độc thân 11/11″. Lễ hội thường niên này đã bùng nổ thành một sự kiện giải trí toàn diện, cùng những hoạt động mua sắm sôi nổi và những ưu đãi hấp dẫn trong nhiều tuần. Năm ngoái, sự kiện này mang về khoản doanh thu phá kỷ lục là 120,7 tỷ nhân dân tệ (17,4 tỷ USD).
“Đó là một chương trình kéo dài bốn tiếng, bạn có thể thắng giải thưởng tiền mặt hoặc sản phẩm và tất cả đều diễn ra trên sóng trực tiếp của một trong những kênh truyền hình hàng đầu Trung Quốc trong khung giờ vàng. Đó là một đêm dành riêng cho giải trí.” Ông Tan nhận định.

Một yếu tố then chốt trong thành công của Alibaba là dịch vụ thanh toán trên di động Alipay. Alipay chiếm hơn một nửa (54%) hoạt động thanh toán trực tuyến tại Trung Quốc. Sử dụng Alipay, người tiêu dùng không chỉ có thể mua các sản phẩm trực tuyến mà còn có thể mua sắm tại các cửa hàng, thanh toán hóa đơn, đặt vé máy bay, vé xem phim, v,v… Dịch vụ thanh toán trên điện thoại di động đã trở nên phổ biến tại Trung Quốc đến nỗi nhiều người không còn mang theo tiền mặt hay thậm chí cả ví tiền, và thay vào đó chỉ cầm theo điện thoại di động của mình.

Với Alibaba, dịch vụ này cũng mang đến một cách khác để kết nối với khách hàng, thu thập dữ liệu về cách tiêu tiền và những hàng hóa mà người tiêu dùng bỏ tiền ra mua, thúc đẩy ưu đãi và khuyến mại đặc biệt, và cuối cùng bán chéo các sản phẩm từ hệ sinh thái của họ.
Alibaba cũng đang sử dụng Alipay để tiến vào các thị trường khác. Trong 12 tháng vừa qua, công ty đã ra mắt tại các quốc gia ở châu Á -Thái Bình Dương, châu Âu, Canada, Nam Phi và Mỹ. Công ty Ant Financial thuộc Alibaba cũng đã đầu tư vào nhiều tài chính, bao gồm Kakao Pay của Hàn Quốc, công ty công nghệ tài chính Ascend Money của Thái Lan, trang thanh toán trên di động Paytm của Ấn Độ và công ty công nghệ tài chính Mynt của Philippines. Ant Financial cũng sắp mua lại công ty chuyển tiền MoneyGram của Mỹ.
Đương nhiên, những tham vọng của Alibaba không dừng lại ở đó.

Jack Ma, cha đẻ của Alibaba đặt mục tiêu đạt mốc hai tỷ khách hàng toàn cầu vào năm 2020. Để hiện thực nó, Alibaba đầu tư và mua lại các “ông lớn” thương mại điện tử như Lazada ở Đông Nam Á, Weibo – ứng dụng tiểu blog kiêm Twitter của Trung Quốc, Didi Chuxing – ứng dụng xin đi nhờ xe đã hạ bệ Uber.

Alibaba còn nhúng tay vào ngành công nghiệp giải trí với tập đoàn truyền thông và nội dung kỹ thuật số Alibaba Digital Media and Entertainment, sở hữu ứng dụng truyền hình trực tiếp Youku Tudou, xưởng phim Alibaba Pictures, đơn vị năm ngoái đã đặt bút ký thỏa thuận với hãng Amblin Pictures của đạo diễn lừng danh Steven Spielberg.
Ngành kinh doanh nội dung và giải trí của Alibaba đang bắt đầu thúc đẩy tăng trưởng, đóng góp mức tăng 234% lên 3,9 tỷ nhân dân tệ (571 triệu USD) trong quý 1.

“Alibaba muốn trở thành một doanh nghiệp thương mại mạng xã hội,” Humphrey Ho, Giám đốc quản lý Hylink Digital, công ty đại diện lớn nhất Trung Quốc cho hay. “Họ đang thống trị mảng thanh toán và họ biết mọi người muốn gì. Họ có dữ liệu chi tiêu cho thương mại điện tử chặt chẽ suốt sáu năm, và giờ họ muốn thử sức trong thế giới mạng xã hội.”

Christian Solomon, giám đốc MediaCom tại Trung Quốc cũng đồng tình: “Alibaba đã đi từ thương mại điện tử tới việc trở thành một nền tảng thương mại điện tử qua mạng xã hội để làm tốt việc quảng bá thương hiệu cũng như bán sản phẩm. Năm nay, họ đang chuyển dịch các nền tảng của mình thành các trải nghiệm thương hiệu cũng như trải nghiệm mua sắm qua việc sử dụng những ngôi sao có sức ảnh hưởng (KOL), truyền hình trực tiếp và các sự kiện trong ngày thương hiệu hàng tháng.”

Tuy nhiên, Major Lin, đối tác quản lý kiêm giám đốc kỹ thuật số của OMD China lại tin rằng những thách thức đặt ra cho Alibaba vẫn rất đơn giản.

“Nhìn chung Tập đoàn Alibaba vẫn dựa trên nền tảng thương mại điện tử, và thách thức vẫn là làm sao để xây dựng thương hiệu và thanh lọc những đơn vị bán hàng giả, hàng rẻ tiền khỏi hệ thống. Hầu hết người dùng trên toàn cầu vẫn nghĩ Alibaba chỉ là một nền tảng thương mại điện tử, và hàng giả vẫn là một vấn đề không nhỏ.”

Để khắc phục, Alibaba đã loại bỏ hàng nhái và những nhà cung cấp không đáng tin cậy khỏi Taobao. Alibaba đã đưa ra một loạt các sáng kiến như Liên minh chống làm giả dữ liệu lớn với sự tham gia của Louis Vuitton, Samsung và Mars, cũng như kêu gọi chính phủ Trung Quốc đưa ra những điều luật chặt chẽ và hình phạt nghiêm khắc hơn cho những người làm hàng giả.

Alibaba vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng điều đó sẽ không ngăn công ty tiến về phía trước nhằm đạt được mục tiêu trở thành một nền kinh tế toàn cầu đầy quyền lực.

Mai Nguyễn (Theo Vietnam+)