• Từ 29/9 – 5/10/2018

Câu chuyện tuần này: Chatbot có thể tiếp quản hầu hết các công việc dịch vụ khách hàng

Trong khi Trung Quốc đại lục đang phát triển thành một cường quốc trong công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP), Hồng Kông cũng đang tìm cách chen chân vào cuộc chơi với một số công ty khởi nghiệp về chatbots cho các ứng dụng cụ thể, kể cả những ứng dụng có thể giao tiếp bằng tiếng Quảng Đông.

Chatbot, chương trình máy tính thực hiện các cuộc hội thoại thông qua phương pháp thính giác hoặc văn bản, đã trở nên thông minh hơn trong những năm gần đây, phát triển song song với sự gia tăng nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo. Các công ty chatbot của Hong Kong bao gồm Clare.AI, Mindlayer và Rocketbots đều hy vọng sẽ tung ra các dự án lớn với khách hàng trong những tháng tới, cho phép người dùng trò chuyện với trí tuệ nhân tạo trên các nền tảng như Facebook Messenger và WeChat.

Gerardo Salandra, giám đốc điều hành của Rocketbots, cho biết công nghệ chatbot sẽ được sử dụng để nâng cao dịch vụ khách hàng, với 80% công việc dịch vụ khách hàng trên thế giới được thực hiện bởi máy móc trong vòng ba năm tới. Ông nói: “Mọi thứ đã sẵn sàng bằng tiếng Anh, giờ chỉ cần triển khai”.

Ken Yeung, một đồng sáng lập của Clare.AI, cho biết một bộ công cụ NLP độc lập sẽ giúp các start-up đảm bảo sự riêng tư và bảo mật dữ liệu tốt hơn.

“Chúng tôi xây dựng công nghệ dựa trên nghiên cứu và nguồn mở”, ông nói, “Chúng tôi không dựa vào Google hoặc Microsoft hoặc các dịch vụ đám mây khác để  có thể triển khai công nghệ của mình một cách an toàn.” Yeung cho biết rất nhiều dịch vụ khách hàng và nguồn nhân lực sẽ được xử lý bởi trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là trong ngành ngân hàng với khoản chi 150 triệu đô la Mỹ hàng năm cho dịch vụ khách hàng.

TIN BSA – WEBSITE BSA.ORG.VN

+ Thông tin quan trọng đầu tiên mà Hội DN HVNCLC muốn gởi đến quý doanh nghiệp là về cuộc điều tra, bình chọn HÀNG VIỆT NAM CHẤT LƯỢNG CAO NĂM 2019. Năm nay, ngoài việc phỏng vấn trực tiếp người tiêu dùng như mọi năm, chúng tôi dự định áp dụng thêm công nghệ mới vào cuộc khảo sát.

Từ đó, Hội quyết định mời doanh nghiệp “Tự giới thiệu sản phẩm để tham gia bình chọn Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao 2019”, chương trình dành cho tất cả các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam (gồm cả DN đã từng đạt và chưa đạt danh hiệu HVNCLC), đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ ở các địa phương…Đây là hoạt động nhằm mục đích tích hợp & chuẩn hóa dữ liệu cho cuộc khảo sát bình chọn, tạo sự công bằng cho tất cả các doanh nghiệp.

Thông tin về cách làm quý doanh nghiệp đọc và tải mẫu đánh giá trong bài dưới đây: https://bit.ly/2O8zFld

+ Thông tin đáng chú ý tiếp theo là “Lần đầu tiên Hội DN HVNCLC tổ chức Lễ hội Sức khỏe và Dinh dưỡng”. Theo đó, từ 18/10 đến 21/10/2018, tạiNhà thi đấu Nguyễn Du TP. HCM, Hội DN HVNCLC, dưới sự cố vấn của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức một Lễ hội lớn và hoàn toàn mới mang tên: LỄ HỘI SỨC KHỎE VÀ DINH DƯỠNG 2018. Tên tiếng Anh là “Nutrition and Natural health Festival 2018”.

Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận trực tiếp với những nhà phân phối, bán lẻ hàng đầu, như: Hiệp hội bán lẻ toàn cầu, Hội bán lẻ Hà Lan, các nhà mua hàng từ Indonesia, Phillipine, Trung Đông… Các nhà phân phối nội địa, Coop, Vinmart, Lotte, Central Group, AEON…

Doanh nghiệp quan tâm vui lòng xem và đăng ký thông tin tại đây: https://bit.ly/2QrQnIY

+ Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ – Trung Quốc đang ngày một căng thẳng, hai bên liên tiếp có những chiêu ra đòn về phía nhau. Vậy DNVN cần làm gì, nhìn nhận như thế nào. Hãy nghe Tiến sĩ VŨ THÀNH TỰ ANH –  Giám đốc Nghiên cứu chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng chia sẻ trong một cuộc gặp mới đây với các thành viên Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu – LBC.

Qúy doanh nghiệp muốn tìm hiểu sâu hơn về nội dung này, vui lòng xem thêm tại đây: https://bit.ly/2xYp6HA

+ Tại Nhật Bản, Hàn Quốc có những mô hình về “mỗi làng một sản phẩm” được xây dựng và làm cho nhiều vùng đất nghèo của họ phát triển vượt bậc. Trong một hội thảo mới đây với chủ đề: “Nâng cao sức cạnh tranh trong ngành thực phẩm thông qua tiêu chuẩn và thương hiệu” tổ chức tại TP.HCM, ông Phạm Xuân Đà, Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra mô hình “mỗi làng một sản phẩm”.

Thông tin cụ thể tại đây: https://bit.ly/2QreKXp

+ Về mảng khởi nghiệp, cuộc thi Dự án khởi nghiệp năm thứ 4 liên tiếp đã tìm ra những đội cuối cùng lọt vào vòng chung kết cuộc thi. Ngày 29/9, tại Hội trường Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hà Nội, 20/26 dự án khu vực phía Bắc đã tham gia tranh tài ở vòng bán kết 3, cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4. Kết quả, 9 dự án xuất sắc đã giành vé vào chung kết xếp hạng.

Những nội dung này có tại đây: https://bit.ly/2IBBGAl

BSA MEDIA

+ Sự kiện đáng chú ý nhất tuần qua là ngày 1/10/2018, VinFast chính thức công bố tên gọi hai mẫu xe đầu tiên là LUX A2.0 cho dòng Sedan và LUX SA2.0 cho dòng SUV, đồng thời ra mắt công chúng lần đầu tiên vào ngày 2/10 tại Triển lãm quốc tế Paris Motor Show 2018.

Theo Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Thành Viên của Tập đoàn Vingroup), tên RoLux là tiền tố trong từ Luxury với ý nghĩa sang trọng, đẳng cấp, định vị phân khúc cao cấp của dòng xe đầu tiên do VinFast sản xuất, trong đó LUX A2.0 và LUX SA2.0 là hai mẫu xe mở đầu.

Clip được BSA Channel đăng tải ở đây: https://bit.ly/2yerb1n

ĐỂ CẬP NHẤT NHỮNG VIDEO MỚI NHẤT TRONG NHIỀU LĨNH VỰC QUÝ DOANH NGHIỆP VUI LÒNG ĐĂNG KÝ BẰNG LINK DƯỚI ĐÂY

► Đăng ký để theo dõi những videos mới hàng ngày: http://bit.ly/bsachannel

► Fanpage: http://bit.ly/HVNCLC_fanpage http://bit.ly/bsachannel_fanpage

+ Trong những hội chợ Thực phẩm quốc tế, các chuyên gia thị trường cho biết, hầu như doanh nghiệp tham dự đều nghiên cứu trước những xu hướng mà thị trường cần, nên sản phẩm đem đến giới thiệu đều khá sát với thực tế, được đối tác quan tâm. Bên cạnh đó, tiêu chí làm sản phẩm đạt chuẩn chất lượng theo các thị trường khó tính cũng được DN đặt ra ngay từ đầu. Nhằm giúp các doanh nghiệp thực phẩm Việt Nam hiểu rõ hơn về vấn đề này, Hội DN HVNCLC và dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập đã có nhiều chương trình hội thảo để cung cấp thông tin về tiêu chuẩn, thị trường cho doanh nghiệp.

Cụ thể những chuyên gia và doanh nghiệp chia sẻ cách làm gì, thông tin có trong phóng sự của chương trình NIỀM TIN HÀNG VIỆT do BSA phối hợp cùng Đài truyền hình Vĩnh Long thực hiện ở đây: https://bit.ly/2xY6FCv

+ Xuất hiện tại góc bếp của Phiên chợ xanh tử tế số 135A pasteur, P6, Q3, TPHCM. Đầu bếp Trần Cường Thịnh khiến cho nhiều khách hàng trầm trồ bởi một “rừng” trái cây đầy màu sắc trông rất bắt mắt. Chúng tôi đang muốn nhắc đến một loại bánh được rất nhiều trẻ con ưa thích. Với hương vị thơm ngon gần gũi Bánh đậu xanh tạo hình trái cây chính là gợi ý cho thực đơn tráng miệng tuần này.

Đó là món gì, mời quý doanh nghiệp cùng bạn đọc theo dõi clip dưới đây, biết đâu những ý tưởng kinh doanh mới lại được khởi xướng từ đây:https://bit.ly/2NkfVWJ

+ Những doanh nghiệp dẫn đầu trong Câu lạc Bộ LBC ăn trưa làm việc cùng Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh được chúng tôi ghi nhận lại ở clip dưới đây:https://bit.ly/2Ov5nsv

+ Và giữa tháng 11 này, một sự kiện kinh tế lớn nhất đồng bằng Sông Cửu Long sẽ chính thức diễn ra. Đó là sự kiện gì, mời quý doanh nghiệp hãy theo dõi trong phần giới thiệu ngắn của BSA media chúng tôi. https://bit.ly/2E0wreX

A – NHẬT KÝ HÀNG VIỆT

– Doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài 330,9 triệu USD trong 9 tháng: Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm nay có 99 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn 286 triệu USD. Ngoài ra, có 23 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 44,9 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) trong 9 tháng năm 2018 đạt 330,9 triệu USD. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm đầu tư nhiều nhất, đạt 105,8 triệu USD, chiếm 32% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ hai là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 63,8 triệu USD, chiếm 19,3%. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo xếp thứ ba với 45,9 triệu USD, chiếm 13,9%. Trong 9 tháng có 30 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó dẫn đầu là Lào với 95,2 triệu USD

– World Bank dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,8% năm nay: Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố Báo cáo Cập nhật Kinh tế Khu vực Đông Á – Thái Bình Dương. Theo đó, kinh tế Việt Nam được đánh giá tiếp tục đạt kết quả tốt nhờ kinh tế toàn cầu hồi phục bền vững và nhiều biện pháp cải cách trong nước được thực hiện. Tăng trưởng dự báo của Việt Nam năm nay được nâng lên 6,8%, so với 6,5% trong báo cáo này hồi tháng 4. Dù vậy, trước đó, tốc độ này đã được WB nâng lên trong báo cáo Điểm lại về kinh tế Việt Nam hồi tháng 6.

– EuroCham: Môi trường kinh doanh Việt Nam cải thiện đáng kể:
 Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) vừa công bố kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) quý II/2018 với 84 điểm, tăng đến 6 bậc so với chỉ số vào quý I/2018. Đây cũng là đánh giá tích cực nhất trong 18 tháng qua và chỉ thấp hơn 2 bậc so với mức cao nhất từng đạt vào quý III/2016. Cộng đồng doanh nghiệp thành viên EuroCham lạc quan về triển vọng kinh doanh, căn cứ vào các khía cạnh khác nhau như kế hoạch đầu tư, dự đoán doanh thu hay kế hoạch tuyển dụng và tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

– Gạo trắng Tám Trang đạt chuẩn xuất khẩu: Gạo trắng sạch mang tên Tám Trang đã được chứng nhận tiêu chuẩn đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Là vựa gạo lớn, Long An có nhiều loại gạo ngon nổi tiếng khắp gần xa, tuy nhiên trong đó không thể nào không nhắc đến sản phẩm gạo trắng sạch thương hiệu Tám Trang. Sản phẩm gạo trắng sạch được sản xuất đúng quy trình và tiêu chuẩn sạch, có chất lượng cao và đảm bảo đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định hiện hành. Hiện tại doanh nghiệp Tám Trang đang có hai xưởng, một xưởng dành cho sản xuất gạo, xưởng còn lại dùng để cung ứng gạo trong nước và xuất khẩu.

– Tỏi rớt giá, nguy cơ đổ bỏ hàng trăm tấn tại Khánh Hòa:  Diện tích trồng tỏi của Khánh Hòa năm 2018 lên đến gần 600 ha, với nguồn giống vốn từ đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) do lâu nay nghề trồng tỏi mang lại thu nhập khá cho người dân. Năm nay, nông dân xã Vạn Hưng phấn khởi vì thu hoạch được mùa tỏi, năng suất đạt 10 tấn/ha, tăng 4 – 5 tấn/ha so với năm ngoái. Đầu mùa, giá tỏi tươi được thương lái thu mua với mức 25.000 đồng/kg, nhưng rất ít người bán bởi họ cho rằng giá đầu vụ thấp và hy vọng khi hết mùa thu hoạch giá tỏi có thể tăng cao trở lại. Tuy nhiên, sau đó liên tục bị rớt giá cộng với việc thương lái không hỏi mua, hàng trăm tấn tỏi của nông dân Khánh Hòa đang lâm vào tình trạng hư hỏng. Nếu tiếp tục không tiêu thụ được thì nguy cơ đổ bỏ hàng trăm tấn tỏi hoàn toàn có thể xảy ra.

– Thanh long chín rộ ùn ứ không tiêu thụ được, rớt giá còn 1.500 – 2.000 đồng/kg: Hiện nay, tại 2 xã Bông Trang và Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc – vùng trồng thanh long lớn nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có hàng trăm tấn thanh long đã đến thời kỳ chín rộ, thương lái trả giá cũng chỉ từ 1.500 đến 2.000 đồng/kg thanh long ruột đỏ, còn hầu như các vườn thanh long ruột trắng hầu như không ai hỏi mua.

– Giá thu mua mía chạm đáy, ngành mía đường lo khủng hoảng thừa: Hiện nhiều nhà máy đường ở các tỉnh phía Nam đã công bố giá thu mua mía cho niên vụ 2018-2019 giảm từ 100-150 đồng/kg so với niên vụ trước. Giá thu mua giảm nhưng ngành mía đường đang lo lắng đầu ra vì lượng đường tồn kho cao kỷ lục. Tại tỉnh Hậu Giang, 2 doanh nghiệp Lusuco và Casuco được tỉnh giao bao tiêu mía cho bà con với tổng diện tích gần 7.500 ha, chiếm hơn 70% tổng diện tích mía toàn tỉnh, tuy nhiên đến nay số lượng các nhà máy ký cam kết thu mua cũng chỉ chiếm hơn 60% trên tổng số được giao.

– Amazon, Alibaba dồn dập chiêu mộ nhà cung ứng Việt Nam: Hơn 2.000 người đã đổ về hai hội thảo về bán hàng toàn cầu do Amazon phối hợp với Hiệp hộiThương mại điện tử Việt Nam (VECOM) tại TP.HCM và Hà Nội vào cuối tháng 9 vừa qua. Kể từ tháng 3/2018, Amazon đã có hàng loạt động thái tiếp cận các nhà cung ứng Việt Nam bằng việc kết hợp với VECOM để tổ chức nhiều chương trình đào tạo và hội thảo. Thậm chí, gần đây nhất, Amazon Global Selling còn công bố trang web và trang Facebook chính thức bằng tiếng Việt nhằm xóa bớt khó khăn về rào cản ngôn ngữ cho các cá nhân, doanh nghiệp nhỏ Việt Nam khi muốn bán hàng trên Amazon.

B – CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

– ‘Nho tím kỳ lạ’ Nhật Bản giá gần 300.000 đồng mỗi quả: Nửa tháng nay, vài cửa hàng trái cây nhập khẩu tại TP HCM, Hà Nội và các cá nhân bán hàng xách tay trên mạng xã hội bắt đầu rao bán quả Akebi, hay còn gọi là quả “nho tím kỳ lạ”. Quả này có hình dáng như củ khoai lang, vỏ màu tím, ruột giống quả chanh dây có màu trắng, hạt đen.
Akebi hay còn được gọi là quả “nho tím kỳ lạ” đang được nhập từ Nhật Bản về Việt Nam với giá dao động 250.000 – 290.000 mỗi quả.

– Nửa triệu một kg cà chua thân gỗ: Trái hình bầu dục, thịt dày, mùi vị đặc trưng nên cà chua thân gỗ trồng ở Đà Lạt dù giá đắt đỏ vẫn khá hút khách. Chị Hồng, ở quận 3 (TP HCM) vốn chuộng các loại cà chua, nên tỏ ra thích thú khi vừa mua được 2 kg cà chua thân gỗ (hay còn gọi Tamarillo) có hình dáng như trái hồng Đà Lạt. “Tôi mua một kg giá 500.000 đồng, đắt gấp nhiều lần so với cà chua khác nhưng vì hàng lạ nên mua về dùng thử”, chị Hồng nói.

– Năm 2018, TPHCM có thể sản xuất 180 triệu con cá cảnh, xuất khẩu 20 -21 triệu con, giá trị tương đương 22 -23 triệu USD. Theo Chi cục Thủy sản (Sở NN-PTNT TPHCM), 9 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp tại TPHCM sản xuất 137 triệu con cá cảnh, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2017 (115 triệu con), chủ yếu là cá dĩa, chép Nhật, Hòa Lan, Hồng Kim, Bạch Kim, Trân Châu, ông Tiên, ba đuôi, Koi, Ngựa Vằn, La Hán, chép Nam Dương, Neon…Trong quý 4-2018, TPHCM dự kiến sản xuất thêm 40 – 45 triệu con cá cảnh, xuất khẩu 4,5 – 5 triệu con với giá trị 5 – 6 triệu USD

– Doanh thu ngành bảo hiểm tăng trưởng mạnh trong quý 3/2018: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm quý 3/2018 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước tính tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 14%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 20%. Ước tính doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 9 tháng tăng 22% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ tăng 13%, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng 27%.

– Hawee IDC làm tổng thầu EPC xây dựng nhà máy điện mặt trời tại Long An:
 Hawee IDC vừa phối hợp với Công ty Cổ phần Điện TTC Đức Huệ Long An tổ chức lễ động thổ Nhà máy Điện mặt trời TTC Đức Huệ 1. Nhà máy điện mặt trời TTC Đức Huệ 1 nằm trong chiến lược phát triển 20 dự án điện mặt trời của Tập đoàn Thành Thành Công (TTC Group), nâng tổng năng lượng mặt trời sẽ đạt 1.000 MW vào năm 2020.

– Gần 20.000 tỷ đồng đầu tư vào các dự án điện năng lượng mặt trời tại Tây Ninh: 
Tính đến cuối tháng 9/2018 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã có 8 nhà đầu tư đang triển khai thực hiện 10 dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn 4 huyện Trảng Bàng, Bến Cầu, Tân Châu và Dương Minh Châu với tổng công suất phát điện là 808 MW, tổng mức đầu tư là 19.646,4 tỷ đồng và tổng diện tích đất sử dụng cho các dự án là 1.083 ha; trong đó, gần 900 ha là sử dụng đất bán ngập trong lòng hồ Dầu Tiếng. Đến nay đã có 9/10 dự án đã khởi công xây dựng, phấn đấu hoàn thành đưa vào phát điện trước tháng 6/2019.

– Doanh nghiệp quốc tế quan tâm ngành nhựa Việt Nam: Xuất khẩu ngành nhựa Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ổn định và được đánh giá còn nhiều tiềm năng phát triển. Điều này dẫn đến các nhà cung cấp máy móc, thiết bị của ngành trên thế giới tăng cường sự hiện diện ở thị trường trong nước, trong đó đáng chú ý là sự tham gia đông đảo của các thương hiệu lớn tại các triển lãm chuyên ngành như tại VietnamPlas 2018 sẽ được tổ chức tại Tp.HCM từ ngày 4 đến 7-10 tới.

– Trung Đông: Thị trường tiềm năng lớn chưa được khai thác tốt: Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC) phối hợp với Tổng lãnh sự quán Kuwait tại Tp.HCM vừa tổ chức hội thảo “Hành trình đến với thị trường Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Kuwait”. Đây là hai thị trường được giới nghiên cứu xúc tiến thương mại đánh giá nhiều tiềm năng ở khu vực Trung Đông hiện nay. Nhiều nước Trung Đông có nhu cầu rất lớn về nhập khẩu lương thực, thực phẩm, thủy sản, vật liệu xây dựng, máy móc, ô tô, đồ may mặc…

– PVcomBank siết nợ tòa nhà cao nhất quận Hà Đông: Trong thông báo gửi tới các khách hàng mua nhà, Ngân hàng Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cho biết đã thu giữ tài sản đảm bảo là Dự án Tokyo Tower để xử lý nghĩa vụ tài chính. Đồng thời, PVcomBank cũng thu giữ toàn bộ tài sản là quyền phát sinh từ các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư giữa Công ty Thương mại Hoàng Vương và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01. Trong thông báo trước đó vào đầu tháng 9, PVcomBank cho biết Công ty Hoàng Vương đang nợ ngân hàng này với tổng dư nợ gần 114 tỷ đồng.

– Cảng Cát Lái vẫn tồn đọng hàng nghìn container phế liệu:
 Theo Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Sài Gòn Khu vực 1, tính đến ngày 3/10/2018, số container tồn đọng tại cảng Cát Lái là 35.020 container; trong đó, có 5.021 container tồn bãi trên 90 ngày.

– Cổ phiếu hãng dược Nhật Bản Ono Pharma tăng nhờ giải Nobel Y học:
 Loại thuốc mới – do hãng dược Ono Pharmaceutical của Nhật Bản và Bristol-Myers Squibb của Hoa Kỳ đồng phát triển – dự kiến sẽ mang lại cho riêng hãng dược Nhật Bản doanh số 90 tỷ yen (790 triệu USD) trong năm tài chính này. Giá cổ phiếu Ono Pharmaceutical đã tăng 6,9% trong buổi giao dịch sáng 2/10 và đạt 3.430 yen, mức cao nhất kể từ tháng 8/2016. Mức giá đóng cửa đạt 3308 yen, tăng 3,5% so với ngày trước đó.

– Thái Lan như “ngồi trên lửa” vì lượng du khách Trung Quốc sụt mạnh: 
Theo tin từ Bloomberg, lượng du khách Trung Quốc thăm Thái Lan giảm 12% trong tháng 8, mức giảm mạnh nhất trong hơn 1 năm, kéo tổng lượng du khách nước ngoài đến nước này trong tháng xuống gần mức thấp nhất 16 tháng. Giới chức Thái Lan hiện đang lo ngại bởi du khách Trung Quốc chính là nguồn thu ngoại tệ chính của ngành du lịch – lĩnh vực chiếm khoảng 1/5 tổng sản phẩm trong nước (GDP) của quốc gia này.

– Đồng Rupiah của Indonesia chạm đáy 20 năm: Đồng Rupiah của Indonesia ngày 2/10 lần đầu tiên trong 20 năm rớt qua ngưỡng 15.000 Rupiah đổi 1 USD, trong bối cảnh giới đầu tư trở nên dè chừng hơn với tài sản các nền kinh tế mới nổi và giá dầu tăng mạnh. Theo hãng tin Bloomberg, đồng Rupiah đã mất giá khoảng 10% trong năm nay, dưới sức ép của việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất khiến đồng USD tăng giá. Ngoài ra, tỷ giá đồng Rupiah còn giảm do thâm hụt cán cân vãng lai của Indonesia khiến nước này dễ chịu ảnh hưởng của những biến động tài chính xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina.

– Thêm một hãng gọi xe Bắc tiến, tuyên chiến với các đối thủ: Hãng giao nhận bằng xe 2 bánh Lalamove vừa ra mắt tại Hà Nội, tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ là Grab, Go-Viet. Hãng này đặt mục tiêu có 10.000 tài xế vào quý I/2019. Có mặt tại TP.HCM vào tháng 7/2017, phải sau hơn 1 năm, ứng dụng giao nhận Lalamove mới ra mắt tại Hà Nội vào sáng 3/10. Lalamove chào đời ở Hong Kong vào cuối năm 2013 với tên khác là EasyVan. Đơn vị này cung cấp dịch vụ giao hàng trên khắp châu Á trong vòng 1 giờ và từng được so sánh như “Uber phiên bản Hong Kong”.

– Bùng nổ cuộc đua giao hàng, đồ ăn trực tuyến: Gần đây, Hà Nội liên tiếp đón thêm các hãng công nghệ cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hoá, đồ ăn. Sau một năm hoạt động tại TP HCM, Lalamove vừa gia nhập thị trường Thủ đô sáng nay (3/10). Hôm qua, Grab cũng chính thức cung cấp dịch vụ giao nhận đồ ăn (GrabFood) tại Hà Nội sau một thời gian thử nghiệm. Trước đó, Go Việt – đối tác chiến lược của “ông lớn” trong lĩnh vực đi chung xe Indonesia Go Jek ra mắt cùng lúc dịch vụ xe ôm công nghệ (Go Bike) và giao hàng (Go Send) với sự tham dự của Tổng thống Joko Widodo hồi giữa tháng 9.

– Go-Jek sẽ tham gia thị trường gọi xe tại Singapore: Thông tin này xuất hiện chỉ một tuần sau khi Grab và Uber bị phạt 13 triệu SGD bởi Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore (CCCS). Cơ quan này kết luận việc Grab mua lại Uber tại Đông Nam Á đã làm giảm sự cạnh tranh trên thị trường gọi xe. Grab đang dẫn đầu thị trường gọi xe tại Singapore với khoảng 80% thị phần, theo CCCS. Do đó, sự tham gia của Go-Jek được kì vọng sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường.

– Cho vay tiêu dùng xuất hiện nhiều ‘tân binh’: Ngày 1/10, Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance) chính thức giới thiệu thương hiệu tài chính tiêu dùng Easy Credit tại TP HCM. Trước đó giữa tháng 8, Công ty Tài chính TNHH MTV Sài Gòn – Hà Nội (SHB Finance) cũng đã khai trương trụ sở mới tại Hà Nội. Mới đây, Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng cũng đổi tên thành Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit Finance Company), hay Ngân hàng Đông Nam Á – SeABank công bố mua lại toàn bộ vốn góp của Tập đoàn VNPT tại Công ty Tài chính Bưu điện. Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng tỏ rõ mong muốn gia nhập thị trường này như Vietcombank, ACB hay OCB.

– Công ty cho vay online Trung Quốc đòi nợ như xã hội đen ở Indonesia: Nhiều công ty cho vay trực tuyến của Trung Quốc hoạt động trái phép và đòi nợ theo kiểu xã hội đen tại Indonesia. Và Việt Nam có thể sẽ là điểm đến tiếp theo của các công ty này.4 người ở Indonesia không thể trả nợ sau khi vay trực tuyến kể với Reuters rằng các ứng dụng cho vay của Trung Quốc đã kiểm soát danh bạ điện thoại và bắt đầu tìm tới đồng nghiệp và bạn bè của họ. Yustines cảm thấy choáng váng khi những người đòi nợ liên tục gọi điện thoại cho sếp của cô và thông báo cô chỉ có một tuần để trả khoản nợ với lãi suất 20%. “Những người đòi nợ yêu cầu sếp và bạn trai tôi trả nợ. Tôi cảm thấy thật xấu hổ khi họ bị đối xử như thể là vật thế chấp”, Yustine nói.

– Bức tranh sơn dầu được bán giá kỷ lục 65 triệu USD: Một bức tranh sơn dầu trừu tượng có tên “Juin-Octobre 1985” của họa sĩ gốc Trung Quốc Zao Wou-Ki vừa được đấu giá thành công với giá 510 triệu Đôla Hồng Kông (65 triệu USD), theo Bloomberg. Mức giá này cao gấp 28 lần giá bán trước đó của “Juin-Octobre 1985” và lập kỷ lục mới là tác phẩm nghệ thuật châu Á được bán đấu giá đắt nhất.

C – HỘI NHẬP

– Tập đoàn AIC của Việt Nam đoạt giải xuất sắc tại cuộc thi toàn cầu về Thành phố Thông minh: Tập đoàn AIC của Việt Nam đã đoạt giải “ý tưởng, mô hình quốc gia thông minh” xuất sắc nhất tại Cuộc thi toàn cầu về Thành phố thông minh 2018 (Global Smart Cities Contest 2018) do Tổ chức Thành phố thông minh thế giới, phối hợp với Viện Khoa học Điều khiển thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga và Hiệp hội Công nghệ Normandie French Tech (Pháp) tổ chức tại Anh.

– Nhà máy đóng tàu Romania nhận 130 công nhân Việt Nam: Nhà máy đóng tàu Vard Braila, đơn vị sử dụng lao động lớn nhất tại thành phố Braila, miền Đông Romania, đã nhận 70 công nhân Việt Nam vào làm việc và có kế hoạch tuyển thêm 60 công nhân người Việt để bù đắp sự thiếu hụt lao động. Nhà máy đóng tàu Braila là một bộ phận của công ty Vard (Na Uy) – chi nhánh của tập đoàn Fincatieri (Italy). Năm ngoái, một nhà máy đóng tàu khác của tập đoàn này ở Tulcea (miền Đông Romania) cũng đã nhận khoảng 300 công nhân Việt Nam.

– Điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất:
 Chiều 1/10, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cùng UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức công bố quyết định điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 >> 2030, với mục tiêu nâng tổng công suất của toàn cảng đạt 50 triệu hành khách/năm. Tổng diện tích đất theo quy hoạch điều chỉnh là 791 ha (không bao gồm diện tích đất quốc phòng trực tiếp quản lý), trong đó diện tích Cảng hàng không Tân Sơn Nhất hiện hữu là 545,1 ha, diện tích đất quốc phòng đã tạm bàn giao làm sân đỗ là 19,79 ha, diện tích đất quốc phòng liên doanh với hàng không dân dụng là 18,8 ha, diện tích đất quy hoạch bổ sung phía Nam là 35,66 ha và diện tích đất bổ sung phía Bắc là 171,65 ha.

– AmCham kết nối doanh nghiệp nội địa và nước ngoài: Ngày 4/10, Ngày hội nhà cung cấp 2018 do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, chi hội TP.HCM (AmCham Việt Nam) tổ chức đã thu hút hàng trăm DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và nhà cung cấp nội địa Việt Nam. Đây là lần thứ 5 liên tiếp AmCham Việt Nam tổ chức sự kiện Ngày hội nhà cung cấp, đồng thời khác với những năm vừa qua, năm nay AmCham Việt Nam mở rộng quy mô và thay đổi cách thức tiếp cận cho nhà cung cấp và nhà sản xuất để góp phần phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử, khu vực triển lãm với gần 70 gian hàng từ các doanh nghiệp sản xuất các ngành nghề khác nhau và 90 nhà cung cấp tham gia trưng bày, tìm hiểu và kết nối.

– Hàng trăm doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ tham dự Techfest Vietnam 2018: Ngày 4/10 tại Hà Nội, Bộ KH&CN đã tổ chức buổi Họp báo Quý 3 của Bộ KH&CN. Theo đó, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh đến một sự kiện lớn sắp diễn ra là “Ngày hội khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia năm 2018” (Techfest Vietnam 2018), đồng thời đưa ra các dẫn chứng cho thấy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã hình thành và đang phát triển rất sôi động. Cụ thể, Techfest Vietnam 2018 hướng đến hai nội dung:“Khởi nghiệp sáng tạo 4.0” và “Kết nối toàn cầu”. Techfest năm nay dự kiến sẽ đón hơn 4.500 lượt người tham dự, hơn 250 doanh nghiệp khởi nghiệp, trên 150 nhà đầu tư. Đây sẽ là nơi liên kết phát triển các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

– Một tuần đạt 2 thỏa thuận thương mại, ông Trump rảnh tay để “đấu” Trung Quốc: Với hai thỏa thuận thương mại đạt được trong vòng chỉ 1 tuần, một với Canada và Mexico và một với Hàn Quốc, Tổng thống Mỹ Donald Trump giờ đây có thể củng cố lập trường cứng rắn trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc – giới chuyên gia nhận định khi trao đổi với hãng tin CNBC. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích giữ quan điểm Trung Quốc sẽ không nhượng bộ và sẽ đáp trả những hành động leo thang căng thẳng xa hơn của Mỹ bằng cách gia tăng trở ngại pháp lý đối với các doanh nghiệp Mỹ làm ăn ở Trung Quốc đại lục.

– Ông Trump: Còn quá sớm để đàm phán thương mại với Trung Quốc: Theo hãng tin Reuters, có vẻ như người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng hàng rào thuế quan mà ông dựng lên đối với hàng hóa Trung Quốc chưa đủ để tạo áp lực buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ Washington tại bàn đàm phán. “Trung Quốc quá muốn đàm phán rồi, và tôi nói: ‘Thực lòng mà nói, giờ còn quá sớm để đàm phán’. Không thể đàm phán lúc này, vì họ chưa sẵn sàng”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng. “Nếu mọi người cứ muốn có thỏa thuận thật nhanh, thì các bạn sẽ chẳng có được một thỏa thuận đúng đắn cho người lao động của chúng ta và đất nước của chúng ta”.

– Thủ tướng Malaysia: “Ai đó nên học cách sống chung với Trung Quốc”: Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia cách đây ít hôm đã chia sẻ với Washington một số bài học về ứng phó với Trung Quốc. Ông Mahathir cho rằng Trung Quốc đã tồn tại hàng nghìn năm và sẽ tiếp tục tồn tại cho dù có phải chịu sức ép kinh tế như thế nào – tờ báo Nikkei Asia Review cho hay. “Cho dù ai đó có muốn hay không, thì Trung Quốc vẫn ở đó, và Trung Quốc sẽ đóng một vai trò ngày càng lớn trong các vấn đề của thế giới”, ông Mahathir phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở New York hôm thứ Tư tuần trước. “Bởi vậy, ai đó nên học cách sống chung với Trung Quốc”, vị Thủ tướng nhấn mạnh, và cho rằng Trung Quốc sẽ vượt qua được thiệt hại của bất kỳ cuộc chiến tranh thương mại nào.

– 5G của Trung Quốc còn đáng lo hơn chiến tranh thương mại: Mặc dù căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ngày càng trở nên sâu sắc, nhưng khả năng Trung Quốc vươn lên thống trị không gian mạng cũng là vấn đề đáng lo ngại không kém, đặc biệt là mạng di động 5G và các công nghệ liên quan, theo ông Richard Fisher, cựu chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas.

– Đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc lần đầu tiên giảm: Vốn đầu tư trực tiếp (FDI) ra nước ngoài hàng năm của Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong năm 2017 – hãng tin CNBC dẫn một báo cáo do Chính phủ nước này công bố hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy. Thống kê của Chính phủ Trung Quốc cho thấy vốn FDI ra nước ngoài của nước này trong năm 2017 giảm 19,3%, còn 158,29 tỷ USD, từ mức 196,15 tỷ USD trong năm 2016. Đây là lần đầu tiên vốn FDI ra nước ngoài của Trung Quốc giảm kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được ghi nhận vào năm 2002. Cũng trong năm ngoái, vốn FDI của Trung Quốc vào Mỹ đạt 6,43 tỷ USD, giảm 62,1% so với năm 2016.

– Tổng thống Nga: Chính Tổng thống Mỹ khiến giá dầu tăng cao: Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 3/10 nói Tổng thống Mỹ Donald Trump đúng khi phàn nàn giá dầu thế giới quá cao, nhưng người đứng đầu điện Kremlin cũng cho rằng chính ông Trump là nguyên nhân khiến giá dầu tăng cao như vậy. “Nhưng thực lòng mà nói, ở một vài góc độ, giá dầu cao như vậy là kết quả từ chính quyền Mỹ mà ra. Tôi đang nói về lệnh trừng phạt đối với Iran, và vấn đề chính trị ở Venezuela và cả những gì đang diễn ra ở Libya”, ông Putin nói.

– Năm nay, Chủ tịch FED đã “thổi bay” 1,5 nghìn tỷ USD của chứng khoán Mỹ?: Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã gây thiệt hại lớn cho thị trường chứng khoán nước này năm nay – theo các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase. Trang MarketWatch dẫn một báo cáo của JPMorgan Chase cho biết, chứng khoán Mỹ đã “bốc hơi” khoảng 1,5 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa sau những phát biểu của ông Power – vị sếp ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới.

– 10 người giàu nhất nước Mỹ nắm tài sản gần 730 tỷ USD: Một phần nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc, danh sách 400 người giàu nhất tại Mỹ Forbes 400 của Tạp chí Forbes năm nay ghi nhận nhiều kỷ lục mới. Theo đó, để vào được danh sách này cần tối thiểu 2,1 tỷ USD – cao hơn 100 triệu USD so với năm ngoái và là mức cao nhất kể từ trước tới nay. Có tới 204 tỷ phú Mỹ, chiếm hơn 1/3 tổng số, không được xếp vào danh sách này vì chưa “đủ giàu”. Lần đầu tiên kể từ năm 1994, ngôi giàu nhất nước Mỹ có chủ mới: Jeff Bezos – người đồng sáng lập, CEO của Amazon, phá kỷ lục 24 năm dẫn đầu của Bill Gates – đồng sáng lập Microsoft. Tổng tài sản các tỷ phú trong Forbes 400 tăng lên 2.900 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2017 và lập kỷ lục mới. Tài sản trung bình của các thành viên trong danh sách là 7,2 tỷ USD, tăng từ 6,7 tỷ USD trong năm 2017.

– Tỷ phú gốc Việt Hoàng Kiều rớt khỏi danh sách những người giàu nhất Mỹ: Từ vị trí 278 trên 400 người giàu nhất nước Mỹ năm 2017, tỷ phú gốc Việt Hoàng Kiều đã không còn nằm trong danh sách này theo xếp hạng mới nhất của Forbes.

– WTO: Công nghệ sẽ giúp tăng thêm 1/3 kim ngạch thương mại từ nay đến năm 2030:
 Đây là đánh giá được Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Roberto Azevedo đưa ra trong Báo cáo thương mại thế giới của WTO công bố ngày 3/10 tại Geneva (Thụy Sĩ). Ông Azevedo nhấn mạnh công nghệ truyền dữ liệu blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IOT), in 3D và các công nghệ mang tính đột phá khác sẽ thay đổi căn bản thương mại. Theo ông Azevedo: “Đây là một cuộc cách mạng”

– Ra mắt tàu siêu tốc Hyperloop chở khách tốc độ 1.000 km/h: Startup Mỹ Hyperloop Transportation Technologies (HyperloopTT) vừa ra mắt tàu siêu tốc Hyperloop với kích thước đầy đủ được thiết kế để chở khách với vận tốc lên tới 1.000 km/h, có tên “Quintero One”. Quintero One ra mắt tại Puerto de Santa Maria, Tây Ban Nha, gần cơ sở hàng không vũ trụ Airtificial – một đối tác của HyperloopTT, nơi con tàu được chế tạo.

– Australia dự kiến thu kỷ lục 182 tỷ USD từ xuất khẩu tài nguyên: Chính phủ Australia dự kiến xuất khẩu tài nguyên và năng lượng của nước này sẽ đạt kỷ lục 252 tỷ Đôla Australia, tương đương 182 tỷ USD trong tài khóa 2018-2019, nhờ giá của nhiều mặt hàng như khí đốt tăng và nhờ sự giảm giá của đồng nội tệ.

– Facebook bị cáo buộc vi phạm luật về quyền riêng tư của trẻ em Ngày 3/10, liên minh gồm nhiều tổ chức của Mỹ ủng hộ vấn đề sức khỏe cộng đồng và trẻ em đã kêu gọi Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) điều tra và có chế tài cụ thể với Facebook, cho rằng trang mạng xã hội này vi phạm luật riêng tư của trẻ em.

– 10 startup vào chung kết nông-công nghệ của Tesco Tổng cộng có mười startup quốc tế được chọn để giới thiệu giải pháp nông-công nghệ của họ cho nhà bán lẻ hàng đầu Anh quốc Tesco, vào ngày 15/10/2018. Được chọn từ hơn 100 bài thi quốc tế, những đơn vị chiến thắng sẽ được quyền truy cập nhanh vào chuỗi cung ứng của Tesco và được tư vấn từ nhóm Tesco Agriculture. Mười chung kết viên và giải pháp:

D – DOANH NGHIỆP & NHÀ NƯỚC

– Bàn giao 28 chi cục quản lý thị trường khu vực phía Bắc về Bộ Công thương: Việc bàn giao chi cục quản lý thị trường các tỉnh về một đầu mối quản lý là Bộ Công Thương là một bước để hướng tới xây dựng lực lượng quản lý thị trường chuyên trách, chính quy hiện đại. Nhiệm vụ của cán bộ quản lý thị trường là kiểm tra thị trường, kiểm soát hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống các vi phạm về giá, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

– Vụ Con Cưng: Bộ Công Thương đề nghị xử lý hai Phó cục Quản lý thị trường: Trong quá trình kiểm tra vụ Con Cưng, các công chức lãnh đạo Cục Quản lý thị trường là ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng và ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật và của Bộ Công Thương về phát ngôn, ảnh hưởng đến hoạt động quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, gây ra những hiệu ứng không tốt, hiểu sai, hiểu chưa đúng bản chất sự việc. Một số thông tin cung cấp cho báo chí chưa thật sự chính xác đã gây thắc mắc cho người tiêu dùng về số lượng hành vi/tên hành vi vi phạm của doanh nghiệp. Việc này cần phải được khắc phục, sửa chữa ngay và rút kinh nghiệm nghiêm túc trong hoạt động công vụ kiểm tra, kiểm soát thị trường.

– Yêu cầu loạt bộ ngành vào cuộc xử lý dự án thua lỗ ngành công thương: Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo đối với những tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có ý kiến chỉ đạo đối với những tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương.

– Đã qua thời kỳ “cho không” ODA: Trong thời gian dài, nhiều địa phương “lầm tưởng” hoặc cố tình “lầm tưởng” ODA là vốn “cho không”, nên tiêu xài khá phung phí. Điều này sẽ phải chấm dứt khi Chính phủ vừa ban hành một nghị định mà trong đó, chính thức kiểm soát chi ODA như đối với chi ngân sách nhà nước.

– Về “siêu” Ủy ban, Tổng công ty Đường sắt không được giao dự án của Bộ Giao thông: Theo quy định tại Nghị định số 131 ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có 7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao Ủy bantrực tiếp làm đại diện chủ sở hữu. Trong số này, có 5 tổng công ty thuộc Bộ Giao thông Vận tải gồm Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

– Thủ tướng yêu cầu lý giải vì sao doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao:
 Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng diễn ra ngày 1/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề và yêu cầu các bộ ngành, địa phương lý giải vì sao số lượng doanh nghiệp thành lập mới còn thấp, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân chưa được như mong đợi.Theo thủ tướng, các bộ ngành, địa phương “phải tự hỏi nguyên nhân của tình trạng trên là vì đâu trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phải chăng là khâu thực thi của các cấp chưa hiệu quả”.

TTOL