• Từ 6/10 – 12/10 

CÂU CHUYỆN TUẦN NÀY: LẠI “GIẾT” NƯỚC MẮM TRUYỀN THỐNG BẰNG… KHOA HỌC

Ta thường nghe nói ăn cá biển bị dị ứng, nổi phong, tức nổi mề đay, gây ngứa ngáy khó chịu. Nhưng khách quan mà nói, từ bao đời nay chưa có ai nói: “ăn nước mắm” bị nổi mề đay hay ngộ độc.

Việc bị dị ứng, nổi mề đay khi ăn cá biển chính là do histamine. Nói dị ứng là không đúng mà thực ra là ngộ độc histamine, do lượng histamine cao trong cá.

Theo chuyên gia an toàn thực phẩm Vũ Thế Thành, histamine phát sinh ra từ histidine. Histidine là một acid amin cấu thành protein. Về lý thuyết, cá nào có protein chứa histidine đều có tiềm năng phát sinh ra histamine. Histicine tự do thường có trong các loại cá di trú, bơi nhanh, có vây, thịt đỏ, khi bảo quản không kỹ dễ gây ngộ độc. Cá nước ngọt có lượng histidine tự do rất ít nên không gây ngộ độc histamine.

Ngộ độc là do tiêu thụ chất độc vượt mức trong cá. Thực tế thì ngộ độc histamine thuộc loại nhẹ, xảy ra rất nhanh, chỉ khoảng 10 phút-2 giờ sau khi ăn, nhưng thường là tự khỏi sau 24 giờ. Nước mắm bị nhiễm histamine do quá trình ủ chượp cả hơn một năm, điều kiện nắng nóng là rất lý tưởng để vi khuẩn hoạt động. Dù nhiều loại vi khuẩn không sống được ở điều kiện ủ chượp do độ mặn cao, nhưng vẫn có những loại vi khuẩn chịu mặn (halophilic), nên vẫn phát sinh enzyme để chuyển histidine thành histamine. Nước mắm truyền thống do độ đạm cao (30-40 độ đạm hay hơn nữa), nên xưa nay lượng histamine cao, cả ngàn ppm/lít là chuyện bình thường.

Trước đây, Ủy Ban Codex quốc tế (Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế) đã công bố quy định mức histamine là 400 ppm/lít nước mắm, kết quả này do Việt Nam hợp tác với Thái Lan xây dựng nên mà Thái Lan chỉ làm nước mắm công nghiệp. Tại một hội thảo về “histamine trong nước mắm” do Cục An Toàn Thực phẩm VN tổ chức gần đây, sau ý kiến các chuyên gia, Cục ghi nhận và sẽ phối hợp với Codex Việt Nam để đề xuất với Codex quốc tế nới rộng mức histamine.

Vậy mà… Vậy mà hiện nay có dự định đưa ngưỡng histamine 400 ppm/lít vào qui chuẩn nước mắm truyền thống. Châu Âu và Hoa Kỳ hiện qui định ngưỡng histamine trong cá biển là : 100 ppm histamine /kg cá . Có nghĩa là, mỗi người trung bình ăn 200 gr cá hàng ngày, sẽ tiêu thụ số đơn vị histamine có ngưỡng là: 20 ppm histamine. Nay nếu quy định ngưỡng histamine trong nước mắm là 400 ppm/lít thì coi như chỉ cho phép người ăn (hay uống) nước mắm được tiêu thụ 8 ppm histamine (vì khác với ăn cá, chúng ta chỉ dùng 20 gr nước mắm/ngày thôi).

Tại sao ngưỡng histamine trong NMTT bị ép xuống thấp vậy? Vì hễ là nước mắm truyền thống, làm bằng cá thì có đạm, và đạm càng cao thì histamine càng vượt ngưỡng 400 ppm/ lít. Chỉ có nước mắm công nghiệp là không có hay có rất ít histamine. Qui định đó là có lợi và đảm bảo “an toàn tuyệt đối” cho nước mắm công nghiệp.

Vì vậy, dự tính đưa 400 ppm vào qui chuẩn quốc gia về nước mắm là chắc chắn nhằm xóa sổ NMTT. Thực tế là nước mắm truyền thống từ miền Trung ra miền Bắc có độ đạm cao hơn NMTT Phú Quốc nhiều.

Xem ra “kiếp nạn” của NMTT vẫn còn dài. Đã làm nước mắm từ cá, thì “định mệnh” này sẽ phát sinh ra đủ thứ, mới nghe thì rất “khoa học” như nạn “nhiễm thạch tín” (tức arsenic) cao, nay tới histamine vượt ngưỡng sẽ còn đeo đuổi cho tới khi xóa sổ hẵn chăng?

Lẽ nào được cấp chỉ dẫn địa lý, cả bảo hộ bởi EU mà bị xóa sổ dễ thế? Một món quốc hồn quốc túy ngàn đời của dân tộc này, không hết lòng bảo vệ, phát triển thì thôi, chứ để NMTT bị tiêu diệt do cạnh tranh thị trường thì dù lý do có cao siêu khoa học đến đâu cũng là …quá sức tưởng tượng và không thể chấp nhận.

PS. Làm NMTT gian nan cỡ nào để đảm bảo đúng qui định chỉ dẫn địa lý, tại Lễ hội Sức khỏe và Dinh dưỡng mời bạn đến gặp các nhà thùng, 6 công ty NMTT Phú Quốc sẽ mời bạn dùng thử, ăn với cơm trắng Việt để sẻ chia chuyện đời thực “một giọt nước mắm truyền thống bằng ngàn giọt mồ hôi, nước mắt”…Ảnh. NMTT Khải Hoàn có mặt tại Lễ Hội SKDD. Bửa ăn “cơ bản” của người nghèo Việt: cơm trắng cá khô + nước mắm. Chai nước mắm PQ có đủ 2 nhãn Chỉ dẫn địa lý VN và EU. Tem kiểm soát được ban kiểm soát dán ngay tên lưng thùng khi bắt đầu quá trình chượp NMTT.  (Kim Hạnh)

TIN BSA

Trong tuần qua, BSA MEDIA và website bsa.org.vn đã đăng tải nhiều nội dung liên quan đến Lễ hội Sức khỏe và dinh dưỡng sắp diễn ra tại TP.HCM từ ngày 18 – 21/10 tại Nhà thi đấu Nguyễn Du.

Đầu tiên là những chia sẻ của Ban tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp với các cơ quan truyền thông. Có gần 30 đơn vị truyền thông tham gia và đưa tin về sự kiện Lễ hội Sức khỏe và dinh dưỡng này. Đây được coi như là Cuộc “dạm ngõ” của các nhà bán lẻ và phân phối toàn cầu.

Thông tin chi tiết mời quý doanh nghiệp cùng bạn đọc xem tại đây. https://bit.ly/2pOIx0Z

Và để chuẩn bị tốt nhất cho những cuộc gặp gỡ các đối tác này, trong cuộc chia sẻ ngày 11/10 tại BSA với các doanh nghiệp thực phẩm chuẩn bị tham dự Lễ hội Sức khỏe và Dinh dưỡng, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Vinamit cho rằng: Có 5 yếu tố mà doanh nghiệp nên quan tâm khi đi hội chợ, đặc biệt là ở hội chợ quốc tế.

Thông tin chi tiết tại đây. https://bit.ly/2yusFoc

BSA MEDIA

Thông tin chi tiết các hoạt động họp báo tại đây https://bit.ly/2ywEqKN

Nước mắm Phú Quốc là thương hiệu duy nhất của Việt Nam được châu Âu bảo hộ về Chỉ dẫn địa lý, hành trình để châu Âu chấp nhận kéo dài trong 6 năm. Ngoài điều kiện quy định về lượng cá cơm, các nhà thùng ở Phú Quốc buộc phải tuân thủ thêm những yêu cầu, như cá làm nước mắm phải là cá cơm đánh bắt ở vùng Kiên Giang, Cà Mau, Vịnh Thái Lan. Phải ướp muối ngay trên tàu sau khi đánh bắt, theo tỉ lệ 1kg muối cho 3 kg cá. Muối phải được bảo ôn ít nhất là 60 ngày mới được dùng. Phải ủ chượp trong thùng gỗ, thời gian chượp từ 12-15 tháng… Loại gỗ làm thùng phải được làm từ gỗ đặc trưng của Phú Quốc như bời lời, dên dên, mỗi thùng có 52 miếng gỗ, và dùng nhựa cây gỗ dầu mít chét kín các đường nối… Tất cả yêu cầu này chỉ nhằm “bảo tồn” hương, vị và màu của nước mắm Phú Quốc mà cha ông họ đã làm cả gần hai trăm năm nay. Nước mắm truyền thống sẽ có tại Lễ hội Sức khỏe và dinh dưỡng.

Hành trình giọt nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc có tại clip dưới đây. https://bit.ly/2pO5wJn

Bên cạnh đó, một clip rất dễ thương về nước mắm. Mời quý doanh nghiệp cùng độc giả quan tâm theo dõi tại đây.https://bit.ly/2pQ1SPm

+ Lưu Thị Hòa sinh ra tại Đồng Văn, Hà Giang, từng học khoa Quốc tế học, trường ĐH KHXH&NV – ĐHQG Hà Nội. Với ngoại hình xinh đẹp, cao ráo và khả năng giao tiếp tự tin, Hòa từng đoạt giải Nhất và giải thí sinh có gương mặt đẹp nhất cuộc thi Người đẹp miền cao nguyên đá lần thứ nhất năm 2014, lọt top 60 (vòng chung kết) cuộc thi Hoa hậu các dân tộc Việt Nam năm 2013. Là một người con dân tộc thiểu số thuộc nhóm dân tộc có số người ít nhất cả nước (có bố là người dân tộc Cờ Lao, mẹ là người Pu Péo), Hòa được kế thừa tình yêu nông nghiệp của bố mẹ, sự thấu hiểu với những khó khăn của đồng bào. Sau 02 năm công tác cho các tâp đoàn trong và ngoài nước, cô Hoa khôi ngày nào ấp ủ việc trở về, làm giàu cho quê hương. Dự án “Farmstay – Nông nghiệp bền vững cho đồng bào DTTS Đồng Văn – Hà Giang” bước đầu tập trung vào phần liên kết và sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, khắc phục những khó khăn trong quá trình canh tác và kết nối những sản phẩm đặc sản đến với các thị trường rộng lớn hơn.

Video giới thiệu về hoa khôi cao nguyên đá khởi nghiệp tại đây. https://bit.ly/2QJSp7t

+ Sau ba vòng bán kết tại Bến Tre, TPHCM và Hà Nội, BTC cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4 chọn ra 34 dự án xuất sắc nhất tham gia vòng bán kết diễn ra tại TPHCM vào ngày 27 và 28.10 tới. Theo đánh giá của BGK, dự án tham gia năm nay có sự phong phú đa dạng. Đề tài về nghề truyền thống, du lịch được trải dài khắp các miền Nam – Trung – Bắc và có sự sáng tạo trong cách thực hiện, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Dự án khôi phục ngành nghề truyền thống dệt thổ cẩm Hòa Bình của chị Sùng Y Xía mà chúng tôi sắp giới thiệu chính là một trong số đó. Mời quý độc giả cùng theo dõi tại đây https://bit.ly/2Nz93os

Dự án HVNCLC chuẩn hội nhập thuộc Hội DN HNCLC hoạt động hơn 2 năm qua. Đến nay đã có 76 DN đạt chứng nhận này. Ban dự án HVNCLC CHN thời gian qua đã có nhiều buổi đi thực tế đánh giá các DN để nám bắt tình hình sản xuất, bên cạnh việc xem xét các hồ sơ mà DN cung cấp Vừa qua thì ekip của chương trình chuẩn chất là số 1 chúng tôi có dịp theo chân các chuyên gia trong dự án HVNCLC CHN đánh giá 2 DN tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. Mời các bạn cùng xem, thực tế những buổi đánh giá này như thế nào nhé.https://bit.ly/2QJfGqc

BSA Channel – kênh thông tin thị trường, cập nhật tin tức và cung cấp kiến thức cần thiết cho doanh nghiệp và người quan tâm đến kinh doanh

► Fanpage: https://www.facebook.com/BSACenterVN/

► Website: http://bsa.org.vn/

► Youtube :https://www.youtube.com/c/BSAChannel

A – NHẬT KÝ HÀNG VIỆT

– Đẩy mạnh kết nối thị trường và đăng ký chỉ dẫn địa lý cho hàng Việt: Tính đến giữa năm 2018 đã có 60 chỉ dẫn địa lý ở 39 tỉnh, thành phố và đã được cập nhật, giới thiệu, bảo hộ bên cạnh hàng ngàn mặt hàng đặc sản khác nhau như nước mắm Phú Quốc, cam Vinh, tỏi Lý Sơn… Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam” năm 2018 sẽ chuyển mình bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng một môi trường sinh thái. Trong đó, kết nối các đơn vị sản xuất kinh doanh, phân phối để mở ra những không gian kết nối phát triển sản phẩm và thị trường. Đây là thông tin được cho biết tại Lễ khởi động Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam – Tự hào hàng Việt Nam năm 2018 và Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt Nam do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM, ngày 11/10.

– Ứng dụng FastGo xuất ngoại: Ứng dụng gọi xe FastGo của Việt Nam dự định ra mắt dịch vụ tại Indonesia và Myanmar vào tháng 12 và hy vọng sẽ trở thành một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực này ở Đông Nam Á.Việc mở rộng ra thị trường nước ngoài chỉ sau 5 tháng ra mắt tại Việt Nam chính là câu trả lời của công ty cho Grab, công ty lớn nhất Đông Nam Á, và Go-Jek của Indonesia với ứng dụng vừa được đưa vào hoạt động tại Việt Nam vào tháng trước.

– Trái ớt Việt Nam gặp khó ở thị trường Malaysia: Cục Bảo vệ thực vật – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa cho biết, cơ quan này nhận được thông báo từ Cục Nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Chế biến nông sản Malaysia về việc Cơ quan Kiểm tra và Kiểm dịch nước này phát hiện nhiều lô ớt của Việt Nam xuất khẩu nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép của Malaysia. Do đó, Malaysia tạm dừng cấp phép nhập khẩu đối với ớt của Việt Nam kể từ ngày 14/9/2018. Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu, theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Malaysia, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín của nông sản Việt Nam.

– Bộ trưởng NN-PTNT: Không lo ngại bị thanh long Trung Quốc cạnh tranh: Sau khi dư luận rầm rộ thông tin về tình trạng thanh long miền Trung, miền Nam rớt giá do Trung Quốc ngừng thu mua, ngày 10/10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đã lên tiếng phủ nhận thông tin này. Theo lý giải của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, do là hoa cuối vụ, chất lượng quả thanh long rất xấu, mẫu mã không đẹp nên sức tiêu thụ giảm. Cũng do sản lượng tăng nên thị trường, thương lái không theo được nhịp độ này. Bình thường, vào dịp 1-10, Trung Quốc bước vào kỳ nghỉ lễ lớn, mọi hoạt động giao thương chậm lại nên sản lượng nhập khẩu giảm. Về thông tin Trung Quốc đang có tham vọng mở rộng vùng trồng thanh long lên 30.000ha vào năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận là đúng và cho biết chủ yếu ở khu vực đảo Hải Nam và tỉnh Quảng Tây, hiện đã đạt 20.000ha. “Nhưng chúng ta không quá lo ngại về điều này”

– Kim ngạch cà phê tăng không tương ứng với lượng: Tháng 9/2018, xuất khẩu cà phê tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 130 ngàn tấn, kim ngạch đạt 225 triệu USD, tăng 62,6% về lượng và tăng 20,7% về trị giá so với tháng 9/2017. Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu cà phê ước đạt 1,46 triệu tấn tăng 20,1% về lượng nhưng do giá cà phê xuất khẩu bình quân 9 tháng giảm đến 16,4% nên chỉ mang về 2,77 tỷ USD, tăng 0,4% về kim ngạch so với cùng kỳ 2017. Cà phê giảm giá là do sức ép dư cung trên thị trường cà phê toàn cầu. Dự báo trong ngắn hạn, giá cà phê khó khởi sắc do Việt Nam chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch mới.

– Khánh thành nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền: Ngày 5/10/2018, Tập đoàn TTC và Công ty Cổ phần Điện Gia Lai (GEC), đơn vị thành viên Tập đoàn, đã tổ chức khánh thành Nhà máy điện mặt trời TTC Phong Điền tại thôn Mỹ Hòa, xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà máy Điện mặt trời TTC Phong Điền do Công ty Cổ phần Điện Gia Lai làm chủ đầu tư. Dự án nằm cách thành phố Huế theo đường chim bay khoảng 50 km về hướng Bắc, cách trung tâm thị trấn Phong Điền khoảng 16 km về phía Đông, được xây dựng trên khu đất 45 ha, có công suất 35 MW, tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.

– Xuất khẩu thực phẩm vào Mỹ: Khó từ những quy định khắt khe: Tuy được đánh giá là những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam (Việt Nam) sang Hoa Kỳ, nhưng nhóm hàng thủy sản, nông sản, thực phẩm, dược phẩm và đồ uống của Việt Nam hiện vẫn đang phải đối phó với nhiều rào cản thương mại của Hoa Kỳ, cũng như những khó khăn trong việc tăng năng lực sản xuất trong nước. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam đạt giá trị 102,2 triệu USD năm 2017, chiếm tỷ trọng 0,25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ là con số Bộ Công Thương đưa ra.

– Vinasoy hướng đến mục tiêu doanh thu một tỷ USD vào năm 2027: Công ty sữa đậu nành nỗ lực duy trì tăng trưởng 20% mỗi năm bằng cách đa dạng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu và phát triển vùng nguyên liệu. 6 tháng đầu năm 2018, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam (Vinasoy) ghi nhận mức doanh thu 1.755 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 687 tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Ông Ngô Văn Tụ – Giám đốc điều hành Vinasoy cho biết đang dồn lực đầu tư bài bản ở nhiều mặt với mục tiêu đưa công ty vào top doanh nghiệp có doanh thu tỷ USD vào năm 2027.

– Vingroup bị Fitch hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm: Ngày 10/10, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch công bố báo cáo đánh giá triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Tập đoàn VingroupVIC-3.6%. Theo đó, dù giữ nguyên mức xếp hạng ở B+, triển vọng xếp hạng của tập đoàn này bị điều chỉnh từ ổn định xuống tiêu cực. Theo Fitch, mức triển vọng “tiêu cực” của Vingroup phản ánh rủi ro đang tăng lên trong hoạt động kinh doanh của tập đoàn này. Điều chỉnh xuất phát từ việc Vingroup vay vốn để tài trợ cho lĩnh vực sản xuất ôtô khiến rủi ro đòn bẩy tài chính tăng lên.

– CEO Vingroup: Muốn không bị hạ bậc tín nhiệm thì đừng làm ôtô: Ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vingroup cho rằng điều này đã nằm trong dự liệu của tập đoàn. “Đầu tư vào lĩnh vực ôtô có độ rủi ro cao nên việc các tổ chức đánh giá tín nhiệm hạ bậc là không tránh khỏi. Các chuẩn mực xếp hạng tín dụng là như thế, nếu không muốn bị hạ bậc chỉ có cách duy nhất là không thực hiện dự án này”, CEO Vingroup chia sẻ.

– Bkav ra mắt Bphone 3 màn hình tràn đáy, giá từ 6,99 triệu đồng: Sáng 10/10, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội), Bkav chính thức trình làng mẫu smartphone Bphone 3 với nhiều thay đổi so với hai thế hệ Bphone đầu tiên.Phát biểu tại buổi lễ ra mắt, ông Nguyễn Tử Quảng – CEO của Bkav cho biết, Bphone 1 và 2 là những mẫu smartphone ghi được dấu ấn nhất định đến người dùng. Trong đó, mẫu Bphone 2 bán được 12.000 chiếc, dù không nhiều nhưng cũng đã có chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.

B – CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

– Thị trường chứng khoán VN ‘ngập trong sắc đỏ’, mất hàng tỷ đô la: Ngày 11/10, gần 460 cổ phiếu giảm giá trên hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội đã làm thị trường chứng khoán có một phiên chao đảo lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 2/2018 đến nay. Cuối phiên giao dịch, chỉ số VN-Index đã mất đi 48,07 điểm, tương ứng giảm 4,84%, còn 945,89 điểm. Tại sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index cũng mất đi 6,59 điểm, tương ứng giảm 5,79%, còn 107,17 điểm. Với việc giảm mạnh này, vốn hóa của hai sàn chứng khoán đã mất đi gần 8 tỷ USD. Tình trạng bán cổ phiếu ồ ạt diễn ra ngay sau khi thị trường mở cửa, càng ngày càng lan rộng. Nhiều nhà đầu tư càng về sau càng cố thoát hàng trong cơn hoảng loạn khi thị trường chứng khoán châu Á nhiều nơi cũng chìm trong sắc đỏ. Thậm chí có thời điểm trong phiên sáng, khoảng 11 giờ, VN-Index mất gần 58 điểm.

– Điều gì khiến chứng khoán bị bán tháo?: Với mức giảm 4,84% của VN-Index, ngày 11/10 trở thành phiên giảm mạnh thứ hai kể từ đầu năm, chỉ sau phiên ngày 5/2 (giảm 5,1%). Hơn 150.000 tỷ đồng giá trị vốn hóa trên sàn HoSE đã mất trong một phiên giao dịch mà theo các chuyên gia “xuất phát từ chính tâm lý nhà đầu tư”. Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng, nhà đầu tư chịu ảnh hưởng tâm lý nhiều từ diễn biến đêm qua trên thị trường thế giới.

– Hơn 1.000 cổ phiếu Trung Quốc giảm kịch sàn 10%: Phiên bán tháo “kinh hoàng” vào ngày thứ Năm chứng kiến hơn 1.000 cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm kịch biên độ cho phép 10%. Lúc đóng cửa, chỉ số Shanghai Composite Index giảm 5,2%, dù trong phiên có lúc giảm hơn 6%. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số này kể từ tháng 2/2016. Với hơn 1.000 cổ phiếu giảm hết biên độ, tính trung bình cứ 4 cổ phiếu thì lại có một cổ phiếu giảm sàn. Chốt phiên, Shanghai Composite Index về dưới 2.600 điểm, ngưỡng điểm mà chỉ số này thậm chí không hề xuyên thủng trong hai đợt sụt giảm gây chấn động vào năm 2015 và 2016.

– Chứng khoán châu Á chạm đáy khi đồng nhân dân tệ trượt giá: Thị trường chứng khoán châu Á đã chạm đáy 17 tháng vào ngày thứ Ba khi Trung Quốc cho đồng nhân dân tệ trượt giá gây ra cảnh bán tháo trên thị trường trong nước, tạo thêm áp lực cho các đồng tiền mới nổi khác. Việc  IMF cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu cho cả năm nay và năm tới, bao gồm cả việc hạ mức triển vọng của Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu đã khiến tình trạng chung trở nên bất ổn. Các nhà phân tích của  JPMorgan cho biết trong một đánh giá “Các nhà đầu tư đang vô cùng lo lắng và giá cổ phiếu vẫn đang trong xu hướng giảm”. “Với đà phát triển kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm cùng với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ, thì việc làm suy yếu đồng nội tệ là không thể tránh khỏi”, JPMorgan cảnh báo. “Có thể vượt qua mức 7.0 vào cuối năm nay.” Ngân hàng trung ương của Trung Quốc hôm thứ Ba đã giữ mức đồng nhân dân tệ ở mức 6,9019 một đô la, vượt mức 6.9000 và các nhà đầu cơ lớn đã đẩy đồng đô la lên ngưỡng 6,9320 trên thị trường tự do.

– Ông Trump đổ lỗi FED khiến chứng khoán Mỹ bị bán tháo: Sau khi thị trường chứng khoán Mỹ trải qua phiên giao dịch tồi tệ vào ngày thứ Tư, Tổng thống Donald Trump liên tục chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về việc tăng lãi suất, cho rằng FED là “thủ phạm” phía sau cú sụt chóng mặt ở Phố Wall. Theo hãng tin CNBC, xuất hiện trên kênh Fox News vào buổi tối cùng ngày, ông Trump nói ông “không vui” với FED và không thể hiểu nổi vì sao FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

– Người giàu nhất thế giới vừa mất 9,1 tỷ USD sau một đêm: Chứng khoán toàn cầu lao dốc trong phiên giao dịch ngày 10/10 khiến tài sản của 500 người giàu nhất thế giới giảm 99 tỷ USD. Đây là phiên sụt tài sản mạnh thứ 2 từ đầu năm đến nay của nhóm Bloomberg Billionaires Index – gồm 500 tỷ phú giàu nhất thế giới. Trong đó, tài sản của người sáng lập Amazon – Jeff Bezos sụt mạnh nhất khi “bay hơi” 9,1 tỷ USD do giá cổ phiếu hãng thương mại điện tử này giảm mạnh nhất trong vòng hơn 2 năm qua. Cú giảm khiến tài sản của Bezos còn 145,2 tỷ USD, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2018.

– Bầu Đức hủy niêm yết chứng chỉ lưu ký trên sàn London: Đây là chứng chỉ lưu ký đầu tiên của một doanh nghiệp Việt Nam được chấp thuận niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế vào năm 2011. Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HAG) vừa thông qua việc hủy niêm yết chứng chỉ lưu ký toàn cầu đang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán London vào ngày 9/11. Lý giải về nguyên nhân hủy niêm yết, Chủ tịch HĐQT Đoàn Nguyên Đức cho biết công ty không còn nhu cầu giao dịch do số lượng chứng chỉ lưu ký quá nhỏ và đã được mua lại.

– VinCommerce mua toàn bộ hệ thống siêu thị Fivimart: Ngày 28/9/2018, Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup, công bố chính thức hoàn tất thương vụ mua lại toàn bộ chuỗi siêu thị Fivimart. Thương vụ nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart vào năm 2020. Với việc mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty Cổ phần Nhất Nam, VinCommerce đã chính thức sở hữu toàn bộ hệ thống gồm 23 siêu thị Fivimart. Đây là một trong những đơn vị bán lẻ đã có hơn 10 năm hoạt động trên thị trường, sở hữu các điểm kinh doanh tại các khu phố trung tâm đông dân cư, thuận lợi giao thương.

– Sơn Hà mất một năm để thâu tóm Toàn Mỹ: Công ty cổ phần Quốc tế Sơn Hà (mã chứng khoán: SHI) vừa thông báo hoàn tất phát hành 17,96 triệu cổ phiếu hoán đổi để sở hữu 8,98 triệu cổ phần, chiếm 99,78% vốn điều lệ Công ty cổ phần Sản xuất – Kinh doanh Toàn Mỹ. Tỷ lệ hoán đổi là mỗi cổ đông sở hữu một cổ phần Toàn Mỹ tại thời điểm chốt quyền được đổi lấy hai cổ phần SHI. Trên thị trường, cổ phiếu này đang giao dịch dưới mệnh giá với tham chiếu mở cửa phiên sáng 11/10 là 6.900 đồng.

– Parkson – biểu tượng bách hóa tổng hợp đang hụt hơi: Từng thành công rực rỡ và trở thành hiện tượng đình đám của thị trường bán lẻ Việt Nam gần hai thập kỷ trước, hiện nay Parkson đang vấp phải rất nhiều khó khăn được giới chuyên môn gọi tên là “hồi kết buồn của mô hình bách hóa tổng hợp”. Việc bảng hiệu của Parkson bị tháo xuống khỏi mặt tiền cao ốc Cantavil đầu tháng 10/2018 chỉ là điệp khúc lặp lại bởi trước đó, đại gia bán lẻ này đã từng đóng cửa 4 khu mua sắm trên cả nước. TP HCM chỉ còn 7 bách hóa tổng hợp với 102.000 m2 sàn hoạt động, trong khi các mô hình bán lẻ khác chiếm 1,5 triệu m2 sàn trên thị trường.

– Doanh nghiệp như “ngồi trên lửa” vì lệnh cấm nhập khẩu lúa mì: Doanh nghiệp ngành bột mì đang lúng túng khi Cục Bảo vệ thực vật ra thông báo cấm nhập khẩu lúa mì vì có chứa cỏ Cirsium Arvense, loại cỏ được cảnh báo là độc tố.  Quyết định này sẽ ảnh hưởng lớn đến rất nhiều doanh nghiệp ngành sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi. Đây là thông tin tại tọa đàm “Khó khăn của doanh nghiệp Việt khi nhập khẩu lúa mì” do Hiệp hội Lương thực Tp.HCM tổ chức ngày 8/10.

– Việt Nam giảm mạnh nhập khẩu thuốc trừ sâu và phân bón Trung Quốc: Dù là nước nông nghiệp, lượng thuốc trừ sâu phải sử dụng nhiều song Việt Nam phải nhập khẩu gần như 100% thuốc trừ sâu, do không đủ năng lực, trình độ để sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ước tính, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong tháng 9/2018 đạt 78 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này trong 9 tháng đầu năm 2018 đạt 681 triệu USD, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2017.

– Xuất khẩu clinker và xi măng sang Trung Quốc tăng đột biến: Trong tháng 8/2018, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc 44,2 triệu USD mặt hàng clinker và xi măng, tăng 53% so với tháng trước đó. Tính chung 8 tháng, Trung Quốc đã nhập khẩu 203 triệu USD mặt hàng này của Việt Nam. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc đạt gần 24,4 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2017.

– Thu 6 tỷ USD từ xuất khẩu hàng nông sản sang Trung Quốc: Theo số liệu mới nhất từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản 9 tháng năm 2018 đạt 29,6 tỷ USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2017. Các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng nhanh, riêng thị trường Trung Quốc lớn nhất, tổng giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD, tăng 5,7%. Trung Quốc nhập nhiều của Việt Nam gồm gạo, sắn, rau quả, cao su, gỗ, thuỷ sản…

– Vietnam Airlines – Vingroup ký thỏa thuận hợp tác: Ngày 4/10/2018, tại Hà Nội, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Tập đoàn Vingroup đã chính thức ký thỏa thuận hợp tác xây dựng các sản phẩm kết hợp hàng không và du lịch trên toàn bộ mạng đường bay và cơ sở lưu trú du lịch của hai bên; đánh dấu bước phát triển mới trên thị trường hàng không – du lịch – dịch vụ Việt Nam. Mục tiêu của thỏa thuận là hợp tác phát triển thương hiệu Vietnam Airlines và Vingroup nhằm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm dịch vụ, xây dựng chương trình khách hàng thường xuyên của cả hai đơn vị trên thị trường, mang lại lợi ích tối ưu cho khách hàng.

– Hãng bán lẻ từng lớn nhất thế giới “sắp đệ đơn xin phá sản”: Sears Holdings Corp. đang chuẩn bị nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo Chương 11 luật phá sản Mỹ, sau nhiều năm doanh thu sa sút liên tục – nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters ngày 10/10. Thông tin này làm dấy lên những câu hỏi về khả năng tiếp tục tồn tại của hãng bán lẻ từng có thời lớn nhất thế giới. Việc Sears nộp đơn xin phá sản sẽ chấm dứt cuộc đối đầu giữa Giám đốc điều hành (CEO) Eddi Lampert – cổ đông lớn nhất kiêm chủ nợ lớn nhất của hãng – và một ủy ban đặc biệt mà Sears thành lập để cân nhắc một kế hoạch giải cứu công ty mà ông Lampert đưa ra bao gồm bán tài sản và tái cơ cấu nợ.

– BMW chi 4,2 tỷ USD nhằm thâu tóm hãng xe đối tác Trung Quốc Brilliance:
 Brilliance, hãng xe Trung Quốc nhưng “ruột BMW” sắp bị chính đối tác Đức vung tiền thâu tóm. Theo CNN, ngày 11/10, BMW vừa thông báo sẽ chi khoảng 4,2 tỷ USD để nắm quyền kiểm soát Brilliance, đối tác tại Trung Quốc mà hãng đang nắm 50% cổ phần. Thương vụ sẽ nâng sở hữu của BMW tại Brilliance lên 75% và trở thành cổ đông quyết định của hãng xe Trung Quốc này.

C – HỘI NHẬP

– Xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản: Thêm nhiều ý tưởng, đề xuất mới: Với chủ đề “Cơ hội mới, tầm nhìn mới trong đầu tư nước ngoài tại Việt Nam”, Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản ngày 10/10 đã có thêm nhiều ý tưởng, đề xuất mới, những khuyến nghị, cách thức để biến những ý tưởng đó thành những kế hoạch đầu tư thật cụ thể. Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức đã thu hút hơn 1.200 doanh nhân Nhật Bản và Việt Nam tham dự.

– Doanh nghiệp Việt – Nhật ký hợp tác gần 10 tỷ USD: Ngày 10/10, tại hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam – Nhật Bản nhân chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhật, lãnh đạo Chính phủ đã chứng kiến nhiều lễ ký, trao đổi thoả thuận hợp tác giữa doanh nghiệp 2 nước với tổng giá trị gần 10 tỷ USD. Đây là giá trị tính chung gồm các văn bản đã được trao tại buổi hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và người đồng cấp – Thủ tướng Shinzo Abe cách đây 2 ngày,

– Doanh nghiệp Việt chậm chân ở thị trường ASEAN: Tại hội thảo Thị trường ASEAN: Lối đi nào cho doanh nghiệp Việt tổ chức ngày 10/10, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đến nay, Việt Nam đã giảm thuế nhập khẩu cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức 0-5% theo ATIGA (Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế. Năm 2018, Việt Nam sẽ hoàn tất lộ trình loại bỏ thuế.Vì vậy, theo bà Anh, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh, mở rộng thị trường; đồng thời cũng có ưu đãi khi nhập khẩu vì thuế quan giảm, nguồn hàng chất lượng hơn,… Tuy nhiên, theo ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, trên thực tế, sau gần 3 năm thành lập AEC, hàng hóa của các nước trong khu vực đã tràn vào Việt Nam khá lớn, nhất là hàng từ Thái Lan. Trong khi đến thời điểm này, dường như các doanh nghiệp Việt vẫn còn quá thờ ơ và bỏ qua các thị trường 630 triệu dân này.

– Chuỗi cung ứng toàn cầu: khâu ‘ngon ăn’, doanh nghiệp Việt vẫn đứng ngoài: Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới, ông Brian Mtonya đưa ra nhận định trên tại “Ngày hội các nhà cung cấp 2018” do Hiệp hội Thương mại Mỹ (AmCham Vietnam) tổ chức tại TP.HCM hôm 4/10. Nêu những thách thức của Việt Nam trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Brian Mtonya nói, cơ hội đối với những công ty sản xuất trong nước bị thu hẹp do các công ty đầu tư nước ngoài dẫn đầu như Samsung, Ford, Toyora… thường sử dụng cùng một nhóm các nhà cung ứng toàn cầu ở mọi nơi. Thứ nữa, do liên kết giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước yếu nên hầu hết các chức năng có giá trị gia tăng cao như đổi mới, thiết kế, dịch vụ hậu sản xuất… vẫn đang ở bên ngoài Việt Nam. Việt Nam dễ bị mắc kẹt trong “bẫy giá trị gia tăng”, không phát triển được những chức năng có giá trị cao hoặc khả năng đổi mới… Rủi ro trong dài hạn là khi các đối thủ cạnh tranh có chi phí thấp hơn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài rời khỏi Việt Nam.

– Bà Phạm Chi Lan: Doanh nghiệp vẫn rất lo lắng về tương lai: Theo Nguyên chủ tịch VCCI, môi trường kinh doanh vẫn cải cách khá chậm so với những nỗ lực và mong muốn của Chính phủ. Bà Phạm Chi Lan – nguyên Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ sự lo ngại khi đánh giá sức khỏe doanh nghiệp ba quý đầu năm 2018 tại họp báo công bố kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) ngày 10/10. Lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 48% so với cùng kỳ 2017, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập chỉ tăng 2%. Nguyên nhân theo bà Lan, môi trường kinh doanh chưa cải thiện như mong muốn của doanh nghiệp. Chính phủ và Thủ tướng tốn nhiều công sức, nhiều năm để nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh nhưng sự đổi mới vẫn khá chậm. Chi phí, thời gian và công sức của doanh nghiệp nội địa Việt Nam bỏ ra để kinh doanh bị lãng phí và mất mát quá nhiều và đây trở thành rủi ro, lực cản cho doanh nghiệp.

– EVFTA có thể giúp Việt Nam trở thành cổng giao thương cho khu vực: Ngày 9/10, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã công bố Báo cáo “Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA): Góc nhìn từ Việt Nam”. Theo kết quả báo cáo này, gần 80% doanh nghiệp tham gia khảo sát tin rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam tăng tính cạnh tranh, trong đó có 72% đánh giá Việt Nam sẽ trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp châu Âu trong khu vực Đông Nam Á. Ngoài tác động tích cực về mặt kinh tế, doanh nghiệp thành viên EuroCham nhận định EVFTA sẽ cải thiện các vấn đề xã hội và môi trường tại Việt Nam, từ chuyển giao kiến thức và nâng cao lực lượng lao động địa phương cho đến quyền lợi người lao động. Cụ thể, có khoảng 1/3 số lượng doanh nghiệp cho biết EVFTA sẽ tác động đáng kể đến việc tăng cường phát triển bền vững và bảo vệ môi trường tại Việt Nam.

– AmCham kết nối doanh nghiệp nội địa và nước ngoài: Ngày 4/10, Ngày hội nhà cung cấp 2018 do Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam, chi hội TP.HCM (AmCham Việt Nam) tổ chức đã thu hút hàng trăm DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và nhà cung cấp nội địa Việt Nam. Đây là lần thứ 5 liên tiếp AmCham Việt Nam tổ chức sự kiện Ngày hội nhà cung cấp, đồng thời khác với những năm vừa qua, năm nay AmCham Việt Nam mở rộng quy mô và thay đổi cách thức tiếp cận cho nhà cung cấp và nhà sản xuất để góp phần phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu.

– EuroCham: Môi trường kinh doanh Việt Nam cải thiện đáng kể: 
Kết quả khảo sát Chỉ số Môi trường Kinh doanh (BCI) do Hiệp hội DN châu Âu (EuroCham) thực hiện vào quý 2/2018 cho thấy sự lạc quan của cộng đồng DN thành viên khi đánh giá tình hình kinh doanh tại VN. Theo đó, BCI quý 2/2018 đạt 84 điểm, tăng đến 6 bậc so với chỉ số vào quý 1/2018. Đây cũng là đánh giá tích cực nhất trong 18 tháng qua và chỉ thấp hơn 2 bậc so với mức cao nhất từng đạt vào quý 3/2016. Cộng đồng doanh nghiệp thành viên EuroCham cũng lạc quan về triển vọng kinh doanh, căn cứ vào các khía cạnh khác nhau như kế hoạch đầu tư, dự đoán doanh thu hay kế hoạch tuyển dụng và tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

– Nikkei: Việt Nam lên kế hoạch nới lỏng các hạn chế về sở hữu nước ngoài: Việt Nam có kế hoạch gỡ bỏ hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các công ty nhà nước và các doanh nghiệp niêm yết vào cuối năm 2019, khi chính phủ tìm cách mở rộng nền kinh tế đang khát vốn để duy trì tăng trưởng nhanh. Bộ Tài chính đang soạn thảo những thay đổi cho luật chứng khoán, và đây là sửa đổi lớn đầu tiên kể từ năm 2010. Việc sửa đổi này thể hiện mong muốn đưa cổ phiếu Việt Nam gia nhập Chỉ số Thị trường mới nổi của MSCI nhằm mang lại dòng vốn vào các sàn giao dịch địa phương.

– Qatar Airways tăng cường nhiều chuyến bay thẳng đến Việt Nam: Hãng hàng không Qatar Airways vừa cho biết, ngày 19/12 tới, hãng này chính thức mở đường bay thẳng tới Đà Nẵng. Bốn chuyến bay mỗi tuần sẽ sử dụng máy bay Boeing 787-8, với 22 ghế hạng thương gia và 232 ghế hạng phổ thông. Hiện, hãng hàng không này đang có hai chuyến bay thẳng mỗi ngày đến Hà Nội và 10 chuyến mỗi tuần đến thành phố Hồ Chí Minh.  Với việc mở đường bay thẳng tới Đà Nẵng vào tháng 12 tới sẽ nâng tổng chuyến bay của Qatar Airways đến Việt Nam 28 chuyến mỗi tuần.

– Ở đâu trả lương hậu hĩnh nhất cho lao động nước ngoài? Theo kết quả khảo sát lao động nước ngoài được HSBC thực hiện, 45% lao động làm việc ở nước ngoài nói họ được trả lương cao hơn khi chuyển ra nước ngoài làm việc so với mức lương làm việc trong nước. Có 28% nói họ ra nước ngoài làm việc để được thăng tiến. Tại Thụy Sỹ, quốc gia nổi tiếng với giá cả đắt đỏ, thu nhập hàng năm của lao động nước ngoài đến nước này làm việc tăng bình quân 61.000 USD so với khi làm việc trong nước. Lao động nước ngoài ở Thụy Sỹ nhận lương trung bình 203.000 USD/năm, cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu.

– Ông Trump tiếp tục dọa áp thuế lên 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc: Phát biểu với báo giới tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Donald Trump cho rằng Trung Quốc chưa sẵn sàng để đạt được thỏa thuận thương mại, theo Reuters. “Trung Quốc muốn có một thỏa thuận và tôi nói rằng họ chưa sẵn sàng”, người đứng đầu Nhà Trắng cho biết. Khi được hỏi liệu Mỹ có áp thêm các biện pháp trừng phạt trong trường hợp có sự đáp trả từ Trung Quốc, Trump trả lời “chắc chắn”. Ông Trump tiếp tục nhắc lại lời đe dọa sẽ áp tiếp thuế lên số hàng hóa với tổng giá trị 267 tỷ USD của Trung Quốc.

– Mỹ muốn hình thành thành lập liên minh thương mại chống Trung Quốc: Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế tại thủ đô Washington, Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow cho biết Mỹ đang tiến tới thứ mà ông coi là một liên minh thương mại sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc. Washington hiện đang trao đổi lại với Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản. Ông Kudlow cũng cho biết Washington vẫn duy trì các kênh liên lạc với Bắc Kinh song hiện không có kế hoạch có thêm các hoạt động ngoại giao coi thoi giữa hai nước. Tháng trước, Mỹ, Nhật Bản và EU đã thông báo đang cùng nhau xem xét “các biện pháp có thể” chống lại những hoạt động công nghiệp bất bình đẳng liên quan nhiều tới Bắc Kinh, như dư thừa sản lượng, tấn công mạng và cưỡng ép chuyển giao công nghệ.

– Trung Quốc nỗ lực bảo vệ nền kinh tế đang giảm tốc: Ngân hàng trung ương Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, hôm Chủ Nhật đã giảm lượng tiền  dự trữ của các ngân hàng lần thứ tư vào năm 2018, giải ngân 174 tỷ đô la cho các khoản vay mới. Cùng với việc cắt giảm thuế mà Bắc Kinh đã công bố đầu năm nay, động thái này nhằm để bảo vệ nền kinh tế Trung Quốc tránh khỏi tổn thương thuế quan. Trước việc Trung Quốc nỗ lực bảo vệ nền kinh tế đang giảm tốc càng khiến cho tuyên bố mới nhất của Tổng thống Trump rằng Washington đang chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến thương mại trở nên có cơ sở hơn.

– Giới siêu giàu của Trung Quốc cũng lao đao vì cuộc chiến thương mại: Theo kết quả khảo sát do tạp chí Hurun Report công bố ngày 10/10, số người Trung Quốc giàu có sở hữu tài sản ròng trên 2 tỷ nhân dân tệ (khoảng 290 triệu USD) đã giảm 237 người xuống còn 1.893 người. Cho dù nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn tự hào về số lượng tỷ phú USD nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng hơn một nửa số người giàu nhất Trung Quốc chứng kiến khối tài sản của họ sụt giảm hoặc không thay đổi kể từ đầu năm đến nay. Chưa dừng lại ở đó, có tới 456 “đại gia” bị ra khỏi bảng xếp hạng – con số sụt giảm kỷ lục trong vòng 20 năm qua.Lĩnh vực sản xuất đặc biệt chịu tác động nặng nề khi chính sách đánh thuế của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ảnh hưởng tới một nửa số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

– Kinh tế Hong Kong bị mắc kẹt giữa cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung: “Mỹ và Trung Quốc hai quốc gia thương mại lớn nhất trên thế giới, và họ giao thương với nhau qua cửa ngõ Hong Kong”, Nicholas Kwan, Giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Phát triển Thương mại Hong Kong (HKTDC) cho biết. “Vì vậy, khi họ đánh nhau, rất nhiều trung gian bị tổn thương, và Hong Kong là trung gian nổi bật nhất trong số đó.”

– Kinh tế Việt Nam năm tới ra sao giữa căng thẳng Mỹ – Trung?: Nếu chiến tranh thương mại kéo qua năm sau, Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt nhưng đi kèm áp lực tỷ giá từ hai đồng tiền lớn.Trong một xem xét khá thận trọng, HSBC Việt Nam cho rằng, GDP năm 2019 sẽ ở mức 6,7%, tương đương với mức dự báo tăng trưởng cả năm nay của ngân hàng này. Cùng với đó, GDP bình quân đầu năm sẽ cải thiện từ mức 2.321 USD năm 2017 lên 2.734 USD vào năm sau. Tuy nhiên, lạm phát sẽ ở mức 4,2%. “Kinh tế Mỹ đang phát triển tốt nhưng kinh tế thế giới đang đi xuống và trì trệ. Tuy nhiên, Việt Nam là ngoại lệ trong khi các nước trong khu vực có biểu hiện đi xuống”, ông Phạm Hồng Hải – Tổng giám đốc HSBC Việt Nam bình luận tại hội nghị “Triển vọng cơ sở hạ tầng 2018” diễn ra sáng 11/10.

– Trung Quốc đứng thứ hai thế giới về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài: Theo một báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia (NBS) và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE), tính đến cuối năm 2017, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của nước này đã vượt 1.800 tỷ USD, đưa Trung Quốc xếp vị trí thứ hai trên thế giới. Zhang Xingfu, một quan chức của Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC), cho biết Trung Quốc đã đầu tư vào 189 quốc gia và khu vực trên toàn cầu, chiếm 5,9% tổng ODI toàn thế giới. Chỉ riêng trong năm 2017, ODI của Trung Quốc đạt 158,29 tỷ USD, song vẫn giảm 19,3% so với năm trước đó, ghi nhận mức giảm đầu tiên kể từ năm 2003.

– Dân Trung Quốc giao dịch thanh toán trực tuyến lên tới 543.000 tỷ USD: Năm ngoái, 66,5% cư dân ở các vùng nông dân đã sử dụng các ứng dụng thanh toán di động, và thực hiện thanh toán khoảng hơn 9 tỷ giao dịch. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC – ngân hàng trung ương) mới đây đã công bố báo cáo cho biết hơn 76% người trưởng thành ở nước này đã thực hiện tổng cộng 160 tỷ giao dịch thanh toán trực tuyến nội địa trong năm 2017, với tổng giá trị lên tới 3.759 tỷ nhân dân tệ (tương đương 543.000 tỷ USD), tăng 1,97% so với cùng kỳ năm 2016.

– Malaysia từng là ‘con hổ châu Á’ nhưng nay chỉ là ‘con mèo nhỏ’: Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad ngày 9/10 cho biết chính quyền có thể ban hành thêm các loại thuế mới và bán tài sản để trả nợ. Phát biểu tại một hội nghị đầu tư ngày 9/10, Thủ tướng Mahathir Mohamad nói rằng chính quyền đang cân nhắc đưa ra một số loại thuế mới để đảm bảo nguồn thu trước viễn cảnh thất thu do đã bãi bỏ một loại thuế hàng hóa và dịch vụ vài tuần sau cuộc bầu cử hồi tháng 5. AFP dẫn lời ông Mahathir nói rằng ngoài việc ban bố thuế mới thì chính quyền cũng cân nhắc bán đất và “một số tài sản giá trị khác” để có tiền trả nợ. Ông Mahathir tuyên bố Malaysia từng là một “con hổ của châu Á” nhưng giờ đây đang là “con mèo nhỏ” vì những vấn đề mà chính quyền tiền nhiệm để lại.

– Gần 1 tỷ USD tiền ảo bị đánh cắp trong 9 tháng: Các vụ đánh cắp thông qua tấn công mạng (hack) nhằm vào các sàn giao dịch tiền ảo đã lấy đi lượng tiền kỹ thuật số trị giá 927 triệu USD trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 250% so với cả năm ngoái – hãng tin Reuters dẫn một báo cáo từ công ty an ninh mạng CipherTrace có trụ sở ở Mỹ cho hay. Bản báo cáo công bố ngày thứ Tư cho thấy sự gia tăng đáng kể về số vụ tấn công tiền ảo có quy mô nhỏ hơn, dao động trong khoảng 20-60 triệu USD mỗi vụ. Trong quý 3, những vụ tấn công như vậy đã đánh cắp lượng tiền ảo trị giá 173 triệu USD.

– Dừng thu phí cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi từ 0 giờ ngày 12/10: Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể vừa ký quyết định tạm dừng thu phí trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi từ 0 giờ ngày 12/10 để khắc phục triệt để các hư hỏng trên tuyến đường này. Theo Bộ GTVT,  tuyến cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngâi đoạn sử dụng vốn JICA (Km0-Km65) xuất hiện một số vị trí mặt đường bê tông nhựa bị rạn nứt, tạo ổ gà, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe dọa tính mạng con người. Việc sửa chữa tạm thời chỉ thực hiện sau khi dư luận, báo chí lên tiếng, bên cạnh đó, việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm gây dư luận xã hội không tốt.

– Nhật Bản được miễn thị thực nhiều nhất thế giới: Nhật Bản đã vượt qua ingapore để khẳng định vị trí dẫn đầu trên bảng tổng sắp 2018 Henley Passport Index, sau khi đạt được miễn thị thực đến Myanmar trong tháng này. Nhật Bản hiện nay được hưởng miễn thị thực/truy cập visa tại nơi đến ở 190 điểm đến, so với Singapore chỉ tổng cộng có 189. Những quốc gia này theo sít sao nhau kể từ khi cả hai leo lên hạng nhất hồi tháng 2, đẩy Đức xuống hạng nhì lần đầu tiên kể từ năm 2014. Đức hiện nay đã rơi xuống vị trí thứ 3, và chia đồng hạng với Hàn Quốc và Pháp. Mỹ và Vương Quốc Anh, cả hai với 186 điểm đến, đã tụt xuống thêm một hạng nữa – từ 4 xuống 5

– Chủ tịch Cuba mở tài khoản Twitter tăng tương tác với người dân: Chỉ vài giờ sau khi mở tài khoản Twitter mới mang tên DiazCanelB và đăng tải dòng trạng thái đầu tiên, trang cá nhân của Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã thu hút lượng theo dõi lên tới gần 9.000 người. Trong dòng trạng thái trên Twitter ngày 10/10, nhà lãnh đạo Cuba viết “Chúng tôi đang có mặt tại nông trang #LaDemajagua, nơi ngập tràn cảm xúc yêu nước lớn lao nhất…” Đây là chia sẻ của ông nhân dịp tham dự lễ kỷ niệm 150 năm sự kiện đánh dấu thời điểm bắt đầu phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân Cuba chống lại ách đô hộ của thực dân Tây Ban Nha.

– Nobel Kinh tế 2018 vinh danh công trình nghiên cứu về khí hậu và tăng trưởng nội sinh: Nobel Kinh tế năm nay được trao cho hai nhà kinh tế học người Mỹ William D.Nordhaus và Paul M. Romer. Cả hai đều mang quốc tịch Mỹ. Ông Nordhaus sinh năm 1941, hiện là giảng viên Đại học Yale (Mỹ). Ông Romer sinh năm 1955, đang giảng dạy tại Trường Kinh doanh Stern thuộc Đại học New York (Mỹ). Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận xét, Nordhaus và Romer đã đưa kinh tế vĩ mô lên quy mô toàn cầu, nhằm giải quyết một số thách thức lớn nhất của thế giới. Đó là những thiệt hại gây ra bởi biến đổi khí hậu, và cách đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế vững mạnh.

– Ba chàng Mỹ khởi nghiệp ở Trung Quốc đạt danh hiệu xuất sắc: Jay Thornhill tốt nghiệp Đại học Nam California vào năm 2007. Vào năm 2016, anh thành lập một công ty cùng với hai người Mỹ xa quê sống trong nhà anh. Công ty Baopals là một nền tảng thương mại điện tử cho phép người nước ngoài ở Trung Quốc mua sản phẩm bằng tiếng Anh từ các trang thương mại điện tử Taobao và Tmall. Trang web của anh ta hoạt động bằng cách kéo dữ liệu từ hai nền tảng do Alibaba hỗ trợ và dịch thông tin sang tiếng Anh. Baopals cũng cung cấp một trung tâm dịch vụ khách hàng giúp tạo thuận lợi cho các giao dịch và hậu cần.

– Một startup Israel giành được khoản tài trợ 2 triệu USD cho phần mềm chống lãng phí thực phẩm: Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia ”cuộc chiến” chống lãng phí thực phẩm, ngày 9/10, Wasteless, một công ty của Israel, đã giành được khoản tài trợ 2 triệu USD để tiếp tục phát triển giải pháp làm giảm tình trạng lãng phí thực phẩm và tiết kiệm tiền cho người tiêu dùng.Công ty Wasteless đã bán phần mềm cho các siêu thị để giúp các siêu thị quản lý hàng trong kho và giảm giá thành những mặt hàng thực phẩm sắp hết hạn sử dụng, góp phần làm giảm tình trạng lãng phí thực phẩm và tăng lợi nhuận.

– Microsoft đầu tư vào hãng taxi công nghệ Grab Hãng công nghệ khổng lồ Microsoft cho biết vào cuối ngày 8/10 hãng sẽ đầu tư một khoản tiền không tiết lộ vào hãng taxi công nghệ Grab gốc Singapore như là một phần của quan hệ đối tác chiến lược.Hai công ty cũng sẽ cộng tác trên các dự án công nghệ trong những lĩnh vực như dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, trong khi Grab hiện nay sẽ sử dụng một số sản phẩm của Microsoft trong đó có dịch vụ điện toán đám mây Azure, theo một công bố chung.

– Google tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động của mạng xã hội Google+: Google ngày 8/10 tuyên bố sẽ chấm dứt hoạt động của mạng xã hội không thành công của Google+ trong 10 tháng tới và thắt chặt chính sách chia sẻ dữ liệu của mình sau khi công bố dữ liệu hồ sơ cá nhân của ít nhất 500.000 người dùng có thể bị hàng trăm nhà phát triển ứng dụng bên ngoài tiếp cận. Vấn đề trên được phát hiện và vá lỗi vào tháng 3 như một phần của việc xem xét cách Google chia sẻ dữ liệu với các ứng dụng khác. Google cho biết trong một bài đăng trên blog rằng không có nhà phát triển nào khai thác lỗ hổng hoặc dữ liệu bị rò rỉ.

– Chứng minh thư kỹ thuật số – con đường cao tốc mới cho châu Phi:  Một hệ thống chứng minh thư kỹ thuật số giống như Aadhaar – một nền tảng tương tự tại Ấn Độ, sẽ đóng vai trò thúc đẩy tăng trưởng tại châu Phi không hề thua kém các con đường mà Trung Quốc xây dựng tại lục địa này.Hệ thống Aadhaar của Ấn Độ tạo ra một mã số nhận dạng duy nhất gồm 12 chữ số cho mỗi công dân, được ban hành trên cơ sở dữ liệu sinh trắc học và nhân khẩu học. Vào thời điểm Châu Phi đang xây dựng nhiều đường cao tốc hơn bao giờ hết, thì hệ thống chứng minh thư kỹ thuật số có thể là một “con đường cao tốc khác” thật sự cần.

D – DOANH NGHIỆP & NHÀ NƯỚC

– Hà Nội công khai danh sách 181 đơn vị nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất: Cục Thuế thành phố Hà Nội vừa tiếp tục công khai đợt tháng 10/2018 danh sách 181 đơn vị nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất với số nợ 1.083 tỷ đồng. Trong đó, có 8 doanh nghiệp nợ 749 tỷ đồng tiền sử dụng đất, số nợ tính đến thời điểm 30/9/2018. Theo danh sách được Cục thuế Hà Nội công khai từ các năm trước (năm 2015, 2016 và 2017), thì có tới 31 doanh nghiệp vẫn chây ỳ nợ hơn 209 tỷ đồng tiền thuế.

– Hà Nội sẽ công khai doanh nghiệp trúng thầu dự án sữa học đường sau 30 ngày: Chương trình Sữa học đường của Hà Nội công bố với tổng kinh phí thực hiện dự kiến hơn 4.180 tỷ đồng, trong đó ngân sách hỗ trợ hơn 1.290 tỷ đồng; doanh nghiệp hơn 890 tỷ đồng và phụ huynh đóng hơn 2.000 tỷ đồng. Theo thông tin mới nhất từ Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, phiên đấu thầu chọn nhà cung cấp sữa học đường diễn ra ngày 10/10. Hà Nội đã bán hết 11 bộ hồ sơ dự thầu cho 11 doanh nghiệp sữa, trong đó có nhiều doanh nghiệp sữa lớn trên thị trường hiện nay.  Bộ hồ sơ sau khi đóng thầu sẽ được đánh giá, thẩm định, chấm thầu bởi một đơn vị tư vấn độc lập do Hà Nội thuê ngoài. Sau khi đóng thầu 20-30 ngày, Hà Nội sẽ công bố đơn vị trúng thầu.

– ĐBSCL: nhu cầu công nghệ gia tăng: Báo cáo hiện trạng công nghệ và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp khu vực ĐBSCL, xác định 100 nhu cầu tiếp nhận công nghệ của các doanh nghiệp; 50 tổ chức và cá nhân có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật. TechDemo 2018 đã tập trung vào các lĩnh vực như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hoá, vật liệu mới… là những lĩnh vực mà TP Cần Thơ đang nỗ lực kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực để tập trung phát triển hướng đến mục tiêu ứng dụng mạnh mẽ và đổi mới KH&CN toàn diện, trên nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống, theo ông Võ Thành Thống, chủ tịch UBND TP Cần Thơ, kỳ vọng, TechDemo 2018 sẽ thúc đẩy thị trường KH&CN phát triển, góp phần phát triển bền vững kinh tế – xã hội TP Cần Thơ, vùng ĐBSCL và cả nước.

– Hai bộ vào cuộc kiểm tra dự án ‘đổi 100 ha lấy 1,39 km đường’ tại Bắc Ninh: Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo liên quan đến việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường H2, thành phố Bắc Ninh. Theo đó, lãnh đạo Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư và Bộ Tài chính, cùng các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ tổng mức đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư, quỹ đất dự kiến thanh toán… tại dự án dài hơn 1,39 km được tỉnh Bắc Ninh đầu tư theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”

– VEPR: Thuế môi trường tăng 1.000 đồng, lạm phát thêm 1,6%: Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố đánh giá, lạm phát năm 2018 có thể kiểm soát dưới 4%, nếu không có cú sốc lớn về giá năng lượng trong quý IV. Giá xăng dầu nếu tiếp tục tăng sẽ ảnh hưởng tới giá cả hàng hoá cuối năm và lan sang cả năm sau. “Chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2019 sẽ vượt xa mức mục tiêu 4% mà Chính phủ và Quốc hội đặt ra cho những năm gần đây”, ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR nhận xét.Quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thêm 1.000 đồng mỗi lít từ 1/1/2019, theo Viện trưởng VEPR, có thể làm tỷ lệ lạm phát tăng thêm 1,6 điểm phần trăm trong một năm tới.

– Thủ tướng yêu cầu cưỡng chế thu hồi phí bảo trì chung cư: Thủ tướng vừa có chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư. Trong văn bản này, lãnh đạo Chính phủ chỉ ra một số bất cập trong công tác quản lý nhà chung cư như tình trạng tranh chấp, khiếu nại liên quan đến tổ chức hội nghị nhà chung cư, ban quản trị, chọn đơn vị quản lý vận hành, tính diện tích chung – riêng, sử dụng quỹ bảo trì, phòng cháy chữa cháy…Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành cưỡng chế thu hồi quỹ bảo trì và xử lý các ban quản trị sử dụng khoản tiền này sai quy định.

– Bộ Công Thương: Không nên cấm nhập máy đào tiền ảo: Đề xuất cấm nhập máy đào tiền ảo của Bộ Tài chính được Bộ Công Thương cho là chưa phù hợp với Luật Quản lý ngoại thương. Trong văn bản gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ không áp dụng biện pháp ngừng nhập khẩu với máy xử lý dữ liệu tự động (máy đào tiền ảo) có mã phân loại HS 8471.80.90 như đề xuất trước đó của Bộ Tài chính.

TTOL