Ông Hiroki Oka, chuyên gia về IBP của Deloitte.

Theo đánh giá của các chuyên gia của Deloitte, thị trường Việt Nam chưa bao giờ là đơn giản đối với doanh nghiệp.

Các kênh thương mại truyền thống rất mạnh, bên cạnh đó, kênh bán hàng điện tử cũng phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, nhiều vấn đề như chi phí logistics còn cao, các doanh nghiệp phải làm việc với nhiều chuỗi, nhiều đơn vị khác để bán hàng… do đó nhiều vấn đề còn phức tạp.

Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến việc bán hàng, cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho người tiêu dùng. Hãy hình dung ra những thách thức cơ bản khiến việc bán hàng khó khăn, đó là việc giao hàng chậm hoặc hàng không đến được tay người tiêu dùng, khiến họ than phiền, không hài lòng. Vậy nên, để giảm những nhược điểm này, các doanh nghiệp chỉ có cách tăng lượng hàng hóa trong kho để ở chế độ “sẵn sàng”, và tăng số lượng xe vận chuyển để kịp thời giao hàng đúng thời gian. Ngoài ra, cần phải thay đổi cách xác định đơn hàng dựa vào các công nghệ hiện đại.

Để xảy ra tình trạng trên là do doanh nghiệp không đánh giá trước thị trường hoặc năng lực dự báo yếu, chính sách không được xác định rõ ràng, chưa tận dụng tốt các hệ thống thông minh trong quản lý khách hàng, đơn hàng, hàng hóa… Vậy nên chương trình IBP có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp lập kế hoạch kinh doanh, tài chính, sản xuất, bán hàng hoặc lập kế hoạch về nhu cầu, kế hoạch đầu vào… Mục tiêu của IBP là giúp đơn giản hóa các khâu quản lý của doanh nghiệp bởi IBP dựa trên nền tảng Excel nên hoàn toàn dễ xử lý.

Các chuyên gia về IBP của Deloitte chia sẻ tại Hội thảo “Cải thiện nội lực doanh nghiệp bằng kế hoạch kinh doanh tích hợp”, do Hội DN HVNCLC, CLB doanh nghiệp dẫn đầu LBC tổ chức vào sáng 31/10 tại TP.HCM.

Ông Ankit Gupta – Chuyên gia về chuỗi cung ứng của Deloitte

Theo Deloitte, đã đầu tư công nghệ thì phải làm sao để đáp ứng được thị trường, phải có đủ năng lực sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, khả năng phân tích rất chắc chắn để đo lường các dự đoán, hiện thực hóa vốn đầu tư của doanh nghiệp, nhà máy… Máy móc chạy với công suất 80% tức là bán hàng đang tốt, nhưng xuống dưới 60% thì chắc chắn đang có vấn đề. Vậy thì phần mềm sẽ giúp các bộ phận trong doanh nghiệp nhận ra được những điểm yếu, sự hợp tác giữa các bộ phận đã tốt hay chưa?

“Lập kế hoạch không hề đơn giản và có thể gây thay đổi cấu trúc hoạt động của doanh nghiệp… Họ phải thiết kế lại quy trình hoạt động để có sự nhất quán, sau đó mới triển khai rộng rãi. Để hoạt động tốt thì doanh nghiệp cần có bảng biểu rõ ràng và cập nhật thường xuyên cho các bộ phận thông qua phần mềm IBP”.

Mấu chốt của lập kế hoạch kinh doanh tích hợp là quá trình dự báo mang tính chất dài hạn. Nhu cầu tăng lên nhưng doanh nghiệp thiếu nguồn cung… thì sẽ đưa ra được kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Đơn cử như nguồn lực doanh nghiệp đang tập trung vào kênh phân phối nào và kênh nào còn thiếu, yếu thì phải tìm hiểu nghiên cứu lý do… và phần mềm IBP sẽ giúp chia sẻ kế hoạch với bên phân phối để có sự hỗ trợ.

Trong phần tọa đàm, các chuyên gia dành nhiều thời gian để trả lời các câu hỏi của doanh nghiệp tham dự về việc ứng dụng phần IBP trên thế giới, khả năng áp dụng cho doanh nghiệp Việt, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

IBP đã ứng dụng trong ngành nào?

Các công ty ở châu Âu, Đông Nam Á, châu Á Thái Bình Dương… là những nơi sử dụng IBP nhiều nhất. Phiên bản trước đây của IBP chính là phần mềm IBO nhưng do quá phức tạp nên ít được sử dụng. IBP được các doanh nghiệp áp dụng nhiều trong bán lẻ nhất là ngành đồ ăn và đồ uống và ngành thời trang. Bởi nó quản lý được lượng lớn danh mục hàng hóa. Khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp sử dụng phần mềm này với mục đích tập trung vào việc tăng doanh số bán.

Với các công ty vừa và nhỏ, IBP còn là cách để các bộ phận có được sự đồng thuận, tương tác và phối hợp với nhau nhịp nhàng hơn, tìm được cơ hội kinh doanh, xác định được kế hoạch kinh doanh trong tương lai. Tất cả đều được đồng bộ, vậy nên IBP cần được triển khai, tuy nhiên doanh nghiệp có được khả năng, chính sách để sử dụng nó hay không mới là điều cần quan tâm.

Các mô hình, giải pháp khác nhau thì mức phí thu triển khai phần mềm IBP sẽ khác nhau, nó dựa vào quy mô doanh thu của các doanh nghiệp. Nếu những đơn vị có doanh thu mạnh thì chi phí cho ứng dụng IBP sẽ cao hơn, còn đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh thu ít thì chi phí không đáng kể.

BSA