Hội thảo “Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới”. Ảnh Phan Nhơn

Trong thời đại công nghệ 4.0, muốn lên được kệ hàng thế giới, bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn với sự hỗ trợ mang tính quyết định của công nghệ.

Chính vì vậy, hiện nay tại nhiều doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, các nhà lãnh đạo trẻ đã và đang từng bước ứng dụng công nghệ, số hóa vào quá trình sản xuất kinh doanh.

Đây là thông tin được các chuyên gia, doanh nghiệp cho biết tại hội thảo “Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới” do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao (Hội DN.HVNCLC) tổ chức tại TP.HCM, chiều 20/2.

Trong bối cảnh hội nhập, hầu hết các nước ASEAN đều có chiến lược, chính sách đào tạo và hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp địa phương trong việc số hóa để nâng năng lực cạnh tranh. Ngoài ra, nhiều nước khu vực ASEAN đang có sự đầu tư mạnh mẽ cho vấn đề số hóa, công nghệ, cũng như áp dụng cải tiến công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương.

Các nước  đang trong quá trình chuyển dần từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế sản xuất “công nghệ cao, có giá trị cao” bằng cách thúc đẩy sử dụng công nghệ tiên tiến, khoa học và đổi mới song song với việc phát triển cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh.

Dẫn chứng cụ thể, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN.HVNCLC cho hay, Malaysia đã có chương trình đào tạo doanh nghiệp nhỏ từ ba năm trước. Singapore có chương trình Go digital và hiện nay là Start digital với chính sách đặc biệt hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ. Riêng các quốc gia như Philippines, Indonesia đều có chính sách hỗ trợ từ vốn, kỹ năng quản lý, đặc biệt là số hóa. Còn Thái Lan có chính sách khuyến khích áp dụng cải tiến công nghệ tiên tiến cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương…

Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền Chính phủ Malaysia chia sẻ tại tọa đàm.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, Cố vấn về nhượng quyền Chính phủ Malaysia, doanh nghiệp những quốc gia khác đã đầu tư chuyển đổi số hóa, công nghệ cách đây khoảng 5 năm và bây giờ bắt đầu gặt hái thành quả. Doanh nghiệp cần có lộ trình ngắn hạn và dài hạn trong sự kết hợp hài hòa để hội nhập về kinh tế hiệu quả và thành công tại nhiều thị trường.

Trên thực tế, sự chuyển động của kinh tế, dẫn đến những thị trường đang là thị trường tiêu dùng lớn nhất có thể kể đến, gồm: châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông – châu Phi… Để chinh phục được thị trường, có 1/2 dân số thế giới đã online, 53 % người tiêu dùng online cảm thấy lạc lõng khi bị cắt kết nối, 31% người tiêu dùng online chỉ muốn liên lạc online, nên doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài số hóa và ứng dụng công nghệ.

Việt Nam từng là một trong những thị trường tiêu dùng có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, nhưng hiện nay các nước có thị trường tiêu dùng phát triển nhanh nhất thế giới chuyển động về khu vực châu Phi. Chính vì vậy, doanh nghiệp không nên chủ quan, cần chuyển hướng phục vụ cho người tiêu dùng như thế nào, trong đó chú trọng người nông thôn và thành thị trên cơ sở nền tảng phát triển các cụm thành phố để đưa hàng hóa vào những khu vực này.

Còn theo bà Nguyễn Kim Thanh, Chuyên gia Chuỗi an toàn thực phẩm, Chương trình LocalG.A.P được sự thừa nhận rộng rãi của đa số các thị trường khó tính thế giới. Theo đó, các sản phẩm được chứng nhận LocalG.A.P sẽ được tổ chức GlobalG.A.P cấp mã số GLN (Localgap Number) và được đăng thông tin các sản phẩm trên website của G.G.

Đặc biệt, LocalG.A.P nhằm tạo sức mạnh cho các doanh nghiệp địa phương hội nhập bền vững vào thị trường toàn cầu, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và tiêu chuẩn ở mức độ địa phương và quốc tế, sau đó hỗ trợ cho doanh nghiệp trong thương mại và hợp tác trên phạm vi toàn cầu.

Thống kê trong những năm gần đây có hơn 80% giá trị/lượng giao dịch thương mại quốc tế chịu sự tác động của tiêu chuẩn. Đồng thời, có 84% tổ chức thương mại sử dụng tiêu chuẩn trong các chiến lược/hoạt động xuất khẩu của mình.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, có hơn 1 triệu tiêu chuẩn (quốc tế, khu vực, quốc gia, cơ sở) được xây dựng, công bố và áp dụng trên thế giới. Trong đó, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, quy trình/thủ tục đánh giá sự phù hợp có thể trở thành rào cản kỹ thuật đối với hàng hoá trong nhiều trường hợp xuất nhập khẩu. Tiêu chuẩn mang lại lợi ích cho tất cả các bên, gồm: người tiêu dùng, doanh nghiệp, Chính phủ, nhất là tạo ra lòng tin thị trường thương mại tự do.

Đối với Việt Nam, trong thời gian qua đã ký kết tham gia đa dạng Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tạo ra nhiều cơ hội, cũng như thách thức về thị trường sản phẩm hàng hóa, dịch vụ và quy mô người tiêu dùng. Vì vậy, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có  những chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương đến địa phương về các giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp để tận dụng tốt, hiệu quả những lợi thế cạnh tranh, phát huy các cơ hội hội nhập.

Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra đối với doanh nghiệp Việt Nam đó là cần chủ động thực hiện các giải pháp trong việc đổi mới công nghệ, sản phẩm, tăng cường ứng dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng tiên tiến… Từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, giảm chi phí, qua đó nâng cao năng suất lao động và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Nhân Phương