Ngay ngày đầu đến Thái Lan, đoàn thanh niên khởi nghiệp đã được học nhiều điều lý thú về cách trưng bày sản phẩm, thiết kế bao bì thân thiện môi trường…thông qua việc tham quan, học hỏi từ chợ đầu mối lớn nhất Thái Lan.

Từ ngày 14 đến 19/2, gần 30 chủ dự án khởi nghiệp sẽ tham gia chương trình tập huấn về sản xuất, kinh doanh nông nghiệp sạch tại Thái Lan.

Chuyến đi do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA tổ chức với mục tiêu hỗ trợ các chủ dự án khởi nghiệp, những người đoạt giải thưởng tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp mùa thứ 4, năm 2018 tích lũy kiến thức, kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển dự án.

Trong 6 ngày tại Thái Lan, các chủ dự án đến từ Sơn La, Hòa Bình, Bắc Kạn, Hà Giang, Hà Nội, Tp HCM, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Lâm Đồng, Ninh Thuận… sẽ tham quan, học hỏi kinh nghiệp từ các nông trại sản xuất nông sản hữu cơ, sản xuất các loại trái cây nhiệt đới, mô hình hoạt động du lịch…

Ngay trong ngày đầu đặt chân lên thủ đô BangKok, các thành viên của đoàn đã được tham quan, tìm hiểu các loại nông sản sạch, an toàn tại chợ đầu mối Talaad Thai. Khu chợ này rộng 80 hécta, cách thủ đô Bangkok khoảng 40 km.

Chị Soottiporn Vadee (May), đại diện BQL chợ đầu mối Talaad Thai chia sẻ thông tin và cách vận hành của BQL chợ

Chị Soottiporn Vadee, đại diện BQL khu chợ, Talaad Thai là chợ đầu mối trung tâm buôn bán hàng nông sản lớn nhất của Thái Lan với 3.500 buôn bán tại chỗ. Cùng với đó là gần 200.000 thương lái, luân chuyển khoảng 12.000 tấn hàng hóa mỗi ngày.

Giữa các khu chợ là khoảng trống dành chứa xe, sức chứa trên 20.000 chiếc container. Từ Talaad Thai các loại rau củ quả, hoa tươi được đóng thùng chuyển đi 76 tỉnh thành của Thái Lan và xuất khẩu. Sản phẩm được sản xuất chủ yếu ở Thái Lan, số ít đến từ Myanmar, Lào, Campuchia.

Về nguồn hàng, BQL chợ yêu cầu các nông trại phải sản xuất theo đúng yêu cầu của chợ về chất lượng theo tiêu chuẩn, an toàn và đặc biệt là phải có truy xuất nguôn gốc (QR code) và phải sơ chế kỹ lượng. Điều này khác xa hoàn toàn với sự nhếch nhác ở các chợ đầu mối tại Việt Nam.

Các chủ dự án khởi nghiệp tham quan, tìm hiểu nông sản, cách trưng bày sản phẩm, thiết kế bao bì tại chợ Talaad Thai

Một năm trở lại đây, Talaad Thai tiếp tục xây dựng riêng khu vực kinh doanh trái cây quốc tế với diện tích 9.500 m2, hoạt động 24/24h. Sức chứa của khu này lên đến 15 nghìn container mỗi năm. Các loại nông sản ở khu vực này chủ yếu đến từ Trung Quốc với các mặt hàng trọng điểm như nho, táo, đào. Bên cạnh đó, có đến 112 gian hàng của một khu vực dành riêng cho các loại trái cây đến từ Mã Lai, Úc, Nam Phi, Nhật Bản, Hàn Quốc… chị Soottiporn Vadee cho biết.

Tại Talaad Thai, không chỉ hiểu về quy mô, các thành viên của đoàn còn được tham quan trực tiếp các gian hàng, học hỏi cách buôn bán của các thương gia Thái Lan hay tìm hiểu về cách trưng bày sản phẩm, cách sử dụng các loại bao bì thân thiện với môi trường,…

Kết thúc ngày đầu tham quan, học tập tại chợ Talaad Thái, ngày 15/2, đoàn tiếp tục học tập kinh nghiệm về hoạt động du lịch văn hóa, mô tả lối sống dân tộc của Karens và Ban Nam Nor Noi, tại Ban Huai Tom Royal Project ở Lamphun, nơi phát triển nghề dệt và nhuộm màu tự nhiên, một dự án của Hoàng Gia Thái Lan trong việc hỗ trợ đồng bào dân tộc Karen.

Đoàn chụp hình lưu niệm tại làng du lịch ở Lamphun

Những ngày tiếp theo, các chủ dự án sẽ được chuyên gia của Trung tâm Phát triển Dự án Hoàng gia Thái Lan. Đây là trung tâm chuyên nghiên cứu cây trồng dành cho khu vực miền núi chia sẻ về những kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp thuận tự nhiên và nhiều chương trình giúp những người tham gia trải nghiệm về cách thực hiện dự án du lịch nông nghiệp, cách thiết kế bao bì, đóng gói sản phẩm.

Cùng với đó, chuyến đi còn có nhiều hoạt động giúp chủ dự án khởi nghiệp học cách phát triển thị trường, chinh phục khách hàng và xây dựng thương hiệu.

Một số hình ảnh đoàn tìm hiểu, tham quan chợ Talaad Thai

Tìm hiểu mô hình chợ đầu mối Talaad Thai
Tìm hiểu mô hình chợ đầu mối Talaad Thai
Chụp ảnh lưu niệm cùng BQL chợ Talaad Thai
Đoàn tham quan chợ Talaad Thai

Hai chủ dự án Sùng Y Xía và Lưu Thị Hòa tìm hiểu sản phẩm dệt tại Ban Huai Tom Royal Project ở Lamphun

Tuấn Anh