Lễ hội Sức khỏe và Dinh dưỡng 2018: Cuộc hội ngộ của các nhà bán lẻ toàn cầu

1537

Tại Lễ hội Sức khỏe và Dinh dưỡng 2018, nhiều đơn vị là nhà phân phối, bán lẻ từ châu Âu, châu Á và các hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam sẽ tham gia sự kiện và tìm kiếm đối tác cũng như các mặt hàng là sản phẩm thực phẩm hữu cơ, an toàn, các sản phẩm truyền thống, sản phẩm chỉ dẫn địa lý…

Thông tin này được BTC và các chuyên gia chia sẻ vào sáng 10/10/2018 tại buổi họp báo về “Lễ hội Sức khỏe và Dinh dưỡng 2018”, diễn ra tại TP.HCM.

Lễ hội Sức Khỏe và Dinh dưỡng 2018 là sự kiện hoàn toàn mới, lần đầu tiên được Hội DN HVNCLC tổ chức, với sự cố vấn của Ban quản lý an toàn thực phẩm, quy tụ hàng ngàn sản phẩm thực phẩm hữu cơ, an toàn, các sản phẩm truyền thống.

Đây là sản phẩm của các đơn vị đạt chứng nhận “HVNCLC chuẩn hội nhập”; đạt chứng nhận quốc tế; đạt chứng nhận do Ban Quản lý an toàn Thực phẩm TP.HCM cấp cùng với đặc sản địa phương có chỉ dẫn địa lý, đặc biệt sản phẩm được bảo hộ của Cộng đồng châu Âu (EU)…

Đặc biệt, sự kiện sẽ có nhiều khách hàng là nhà phân phối, bán lẻ từ các quốc gia EU như Hà Lan, Pháp, Bỉ; Hiệp hội bán lẻ Trung Đông, các nhà mua hàng từ Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc và các hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam như: Co.op Mart, Auchan, Aeon, GS25, Big C, Vinmart, Lotte,… đến tham quan, tìm kiếm nguồn hàng, tìm kiếm đối tác.

Lễ hội Sức khỏe và Dinh dưỡng 2018 khai mạc vào sáng 18/10 và kéo dài đến hết ngày 21/10 tại Nhà thi đấu Nguyễn Du, TP.HCM với nhiều hoạt động sôi nổi, các buổi tọa đàm, Matching, gặp gỡ nhân vật nổi tiếng, các chương trình tương tác, gameshow…


Lễ hội của nước mắm chỉ dẫn địa lý Phúc Quốc

Nóng nhất tại buổi họp báo sáng nay là những vấn đề liên quan đến nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc, được EU bảo hộ. Vì thế, 6 đơn vị đến từ Phú Quốc sẽ tham gia trưng bày, bán các sản phẩm nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc được EU bảo hộ và nước mắm truyền thống Phú Quốc tại sự kiện. Đây là cơ hội để người tiêu dùng tìm hiểu, phân biệt sự khác nhau của 2 loại sản phẩm này với các loại nước mắm công nghiệp trên thị trường.

Chuyên gia An toàn thực phẩm Vũ Thế Thành chia sẻ: Lo ngại nhất của chuỗi kết nối trong vấn đề thực phẩm là việc nguồn nguyên liệu, truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là an toàn thực phẩm. Doanh nghiệp phải chứng minh việc kiểm soát được tất cả quy trình sản xuất. Chuỗi sản xuất phải rõ ràng như thế nào chứ không đơn thuần là kiểm soát ở khâu thành phẩm. Thí dụ, nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc chẳng hạn thì nguồn gốc cá cơm bắt buộc là đánh bắt ở vùng Phú Quốc, vịnh Thái Lan…

Hiện nay, với phương tiện khoa học hiện đại, người ta có thể dùng enzim để phân giải cá và chỉ mất 5 đến 6 tháng là chiết rót ra nước mắm. Tuy nhiên, để đúng với yêu cầu sản phẩm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc thì việc ủ chượp phải ít nhất 1 năm mới có nước mắm đạt chuẩn, bởi nó đạt được các tiêu chí như độ đạm, mùi thơm…

Việc sản xuất nước mắm ở Phú Quốc chỉ là một trong những điều kiện cần chứ không thể đủ. Nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc được EU bảo hộ phải có thời gian ủ chượp đủ 1 năm thì mới được cấp tem chứng nhận, và bị kiểm soát rất gắt gao từ cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn. Nước mắm loại này có độ sánh, thơm đặc trưng do protein từ cá tiết ra. Độ sệt tự nhiên của nước mắm Phú Quốc đạt tiêu chuẩn và được chứng nhận chỉ dẫn địa lý khi quệt lên thùng thì nó sẽ chảy xuống, còn nước mắm không phải như vậy thì không chảy ra.

Bà Hồ Kim Liên – Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc trả lời báo chí về các vấn đề liên quan đến nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc, được EU bảo hộ

Trong khi đó, bà Hồ Kim Liên – Chủ tịch Hội nước mắm Phú Quốc cho rằng: Châu Âu là thị trường rất khó tính nhưng, từ cuối 2016, nước mắm Phú Quốc được châu Âu công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý là điều hết sức đáng mừng. Quá trình sản xuất được kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang kể từ khâu đánh bắt, cho đến quá trình muối, ủ chượp, cho đến những chai nước mắm thành phẩm đến tay người tiêu dùng.

Do đó, không phải cứ nước mắm sản xuất tại Phú Quốc đều là nước mắm truyền thống và đạt chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, nước mắm chỉ dẫn địa lý Phú Quốc phải đảm bảo tỷ lệ trên 85% cá cơm và phải sản xuất theo chuỗi, theo quy trình đúng chuẩn và được cơ quan chức năng đóng mã số trên từng thùng. Nếu doanh nghiệp nào làm giả tem chứng nhận sẽ bị xử lý và báo đến quản lý thị trường trên 63 tỉnh thành vào cuộc và giúp cho nước mắm Phú Quốc bảo vệ được thương hiệu.

Trước thắc mắc của giới truyền thông về việc người tiêu dùng làm sao biết được sản phẩm nước mắm Phú Quốc có chỉ dẫn địa lý được EU bảo hộ, bao bì, nhãn hiệu như thế nào… Bà Liên cho biết, chỉ với nước mắm Phú Quốc có chỉ dẫn địa lý thì chữ “Phú Quốc” mới được in to hơn thương hiệu doanh nghiệp và có gắn tem chỉ dẫn địa lý.

Dòng sản phẩm nước mắm cũng sản xuất tại Phú Quốc nhưng không tuân thủ đúng các yêu cầu thì không được cấp tem: Ví dụ, nước mắm truyền thống Khải Hoàn có 2 dòng sản phẩm. Một loại có chỉ dẫn địa lý thì có các dấu hiệu nhận biết như trên. Loại còn lại không theo chỉ dẫn địa lý thì không có chữ Phú Quốc mà đây chỉ đơn thuần là sản phẩm sản xuất tại Phú Quốc. Tại Lễ hội Sức khỏe & Dinh dưỡng sắp tới, người tiêu dùng sẽ có cơ hội để nhận biết rõ hơn.

Theo BSA