Bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia tiêu chuẩn của hội DN.HVNCLC và ông Nguyễn Công Luận, phó tổng giám đốc công ty rau quả thực phẩm An Giang, tại hội thảo chiều 20/2 trong phần nói về tiêu chuẩn nông sản.

Làm nông nghiệp theo LocalG.A.P. chắc chắn sẽ đạt khoảng 30% tiêu chuẩn của GlobalG.A.P. Và đó là những tiêu chuẩn quan trọng nhất, đóng vai trò chủ chốt, được ví như “trái tim” của GlobalG.A.P.

Đây là khẳng định của các chuyên gia tại hội thảo “Đôi cánh nào để hàng Việt bay ra thị trường thế giới”, diễn ra bên cạnh lễ công bố HVNCLC 2019 tại TP.HCM vào chiều 20/2 vừa qua.

Vừa sức

Bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia tiêu chuẩn của hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (DN.HVNCLC), cho biết tiêu chuẩn GlobalG.A.P. ra đời trong bối cảnh khủng hoảng thực phẩm ở châu Âu và manh nha vào Việt Nam vào khoảng năm 2005 – 2006. Tuy nhiên, giai đoạn này, GlobalG.A.P.còn mới và quá sức đối nông dân Việt Nam, nên họ cảm thấy bị hụt hơi. Do đó, nông dân nhận thức rằng nếu như đưa thẳng yêu cầu quốc tế vào những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, thì gần như  bất khả thi. Và nó không tạo ra được động lực cho những người sản xuất chưa có khái niệm cơ bản về tiêu chuẩn tham gia vào dây chuyền quốc tế!

Còn đối với bộ tiêu chuẩn LocalG.A.P. do hội DN.HVNCLC mới xây dựng thì con đường để kết nối, giúp người sản xuất hướng đến tiêu chuẩn toàn cầu GlobalG.A.P. là trong tầm tay. Với bộ tiêu chuẩn này, nông dân sẽ thấy dễ tiếp cận, hoàn toàn khả thi.Mặc dù mới, nhưng với cách xây dựng và vận hành của mình, ngay trước mắt LocalG.A.P.đạt hẳn 30% tiêu chí của GlobalG.A.P.

Ông Nguyễn Công Luận, phó tổng giám đốc công ty rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), một trong những đơn vị tiên phong đạt chứng nhận GlobalG.A.P., chia sẻ rằng sản xuất theo tiêu chuẩn là một trong những trăn trở của Antesco. Trước đây, khi nông dân nói chuyện và tiếp xúc với GlobalG.A.P.thì họ thấy quá xa vời. Và để tiếp cận và đạt được tiêu chuẩn này, họ phải trả chi phí khá cao. Do đó, họ tìm đến những tiêu chuẩn như VietG.A.P. VietG.A.P. bước đầu đáp ứng được những đòi hỏi về thực hành nông nghiệp tốt, nhưng mới chỉ “gói gọn” trong thị trường Việt Nam, chứ chưa được quốc tế công nhận.

Nay, với sáng kiến của hội DN.HVNCLC cho ra đời bộ tiêu chuẩn LocalG.A.P. trên nền tảng GlobalG.A.P., là một bước đệm khá thuận lợi, giúp nông dân và các nhà sản xuất nông nghiệp dễ dàng tiếp cận và đưa sản phẩm ra thị trường thế giới. Antesco đã kết nối với hội DN.HVNCLC, mạnh dạn hướng dẫn nông dân tại các vùng nguyên liệu triển khai sản xuất theo LocalG.A.P.

Phải chịu cực!

Tại hội thảo, khi được hỏi sản xuất theo tiêu chuẩn, người sản xuất phải cực khổ như thế nào, ông Nguyễn Công Luận cho rằng cực thì cực, nhưng để sản phẩm có chất lượng, đầu ra ổn định, giá tốt thì bà con phải cố gắng. Khi đưa được sản phẩm ra thị trường thế giới chắc chắn nhà nông sẽ “rất sướng”. Chúng ta cũng phải hướng đến việc vận động, khuyến khích nông dân từ bỏ thói quen canh tác truyền thống trước đây. Bởi, thị trường hiện nay đòi hỏi khắt khe sản phẩm đạt chất lượng. Để đáp ứng, không có cách nào khác nhà nông canh tác theo quy trình, theo tiêu chuẩn. Đây cũng là cách nhà nông cải thiện, bảo vệ sức khoẻ cho chính mình.

Bà Nguyễn Kim Thanh cho biết, khi đi thực tế đánh giá về nhận thức cũng như mức độ sẵn sàng của nông dân trong việc sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn LocalG.A.P., đã đặt ra những câu hỏi liên quan trực tiếp đến sức khoẻ của người dân. Phản hồi khá tích cực khi người dân cho biết, nếu không làm theo theo tiêu chuẩn, cứ sử dụng hoá chất thì người chịu ảnh hưởng trực tiếp chính là người sản xuất, là cộng đồng, là xóm làng,sau đó mới đến người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Kim Thanh cho biết, hội DN.HVNCLC đang và sẽ phối hợp với các hội khuyến nông địa phương, hợp tác xã, hội quán nông dân… để từng bước đưa LocalG.A.P.vào nông hộ. “Rất mừng là LocalG.A.P.được tổ chức GlobalG.A.P. ủng hộ, các cơ quan chức năng Việt Nam khuyến khích, nhà nông đón nhận”, bà Kim Thanh cho biết.

Ban đầu, thời gian dự kiến để đạt tiêu chuẩn LocalG.A.P. từ 3 – 5 năm, nhưng với thực tế nhiều doanh nghiệp, nông trại, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã được tổ chức khá tốt, chặt chẽ, nên chỉ cần hai năm để nâng cấp, thay đổi hành vi của xã viên… thì hoàn toàn có thểđể đạt được tiêu chuẩn này.


Phút ‘đắng lòng’ của bí thư tỉnh Đồng Tháp

Có mặt tại lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) 2019 với chủ đề: Số hoá – chuẩn hoá – chinh phục thị trường, ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp chia sẻ: “Nông dân Đồng Tháp và đồng bằng sông Cửu Long mấy hôm nay đang ngồi trên đống lửa, vì giá lúa gạo xuống thê thảm. Tôi đi thăm hợp tác xã và bà con nông dân, khi vào huyện uỷ họ đãi cơm bằng gạo của Campuchia. Người Đồng Tháp nói ăn gạo Campuchia chất lượng hơn. Thật đắng lòng khi bà con mình đang lao đao không có đầu ra, thì mình lại ăn gạo Campuchia”.

Trong khi đó, CEO Cỏ May Phạm Minh Thiện cho biết, gạo Cỏ May hiện nay đang không đủ hàng để bán ở thị trường Mỹ. Ông Thiện kể về quá trình vào Mỹ như sau: tại Cỏ May có bộ phận quản lý tiêu chuẩn, trước khi đi Mỹ đã nghiên cứu kỹ thị trường và test tất cả những mẫu gạo mà Cỏ May đang có, để đối chiếu với hơn 200 chỉ tiêu vào Mỹ. Từ đó biết được những chỉ tiêu không an toàn. Nếu không an toàn tôi sẽ không bán, vì ban đầu mà bán không được thì sau này sẽ rất khó vào”, ông Thiện nói.

Trao chứng nhận “HVNCLC – Chuẩn hội nhập” cho 14 doanh nghiệp

Cũng tại lễ công bố HVNCLC 2019, hội DN.HVNCLC đã trao chứng nhận “HVNCLC – Chuẩn hội nhập” cho 14 doanh nghiệp, gồm: 1/Công ty cổ phần Bibica; 2/Công ty cổ phần One – One miền Trung; 3/Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Châu Á; 4/Công ty cổ phần bánh kẹo Tràng An 2 – Việt Nam; 5/Công ty cổ phần đồ uống cao cấp Thái Lan; 6/Công ty cổ phần XNK điều Việt Hà; 7/Công ty TNHH Koyu & Unitek; 8/Công ty TNHH thực phẩm 3F Việt; 9/Công ty TNHH Angst – Trường Vinh; 10/Công ty cổ phần thương mại Khải Hoàn; 11/Công ty cổ phần thực phẩm Phạm Nghĩa; 12/Công ty cổ phần muối Vĩnh Hảo; 13/Cơ sở kinh doanh thực phẩm Gia Long Ký; 14/DNTN cơ sở khai thác chế biến hải sản Thanh Quốc. Như vậy, sau hai năm triển khai, đến nay đã có 102 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “HVNCLC – Chuẩn hội nhập”.

Tuấn Anh