Cầm trên tay chiếc điện thoại smarphone, ông Huỳnh Kim Tước, giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sihub) hướng về phía các bạn trẻ khởi nghiệp để họ xem một hình ảnh một chiếc mắt kính.

Chiếc mắt kính này đang được bán tại sân bay Paris với giá 400 euro. Điểm đặc biệt là sản phẩm này là do một bạn trẻ khởi nghiệp ở Củ Chi (TPHCM) làm ra, với gọng kính hoàn toàn từ tre.

Ông Huỳnh Kim Tước cho xem hình mắt kính tại sự kiện

Câu chuyện ông Huỳnh Kim Tước chia sẻ tại hội thảo “Đổi mới sáng tạo năm 2019” do Trung tâm BSA, phối hợp với Sihub tổ chức làm nhiều bạn trẻ tham dự chương trình hứng thú.

Theo ông Tước, ngoài gọng kính được làm hoàn toàn bằng tre, thì hai khớp nối giữa gọng kính và tròng kính được làm bằng những mắt tre già.

Ông Huỳnh Kim Tước cho rằng, sở dĩ mắt kính trên bán mắc như thế mà vẫn có người mua, bởi bạn trẻ này đã nắm bắt được xu hướng dùng các sản phẩm thiên nhiên, tự nhiên của người tiêu dùng trên thế giới.

“Đó là khởi nghiệp từ những ưu thế bản địa, tài nguyên thiên nhiên địa phương”, ông Tước nói

Câu chuyện ở đây là gì, ông Huỳnh Kim Tước cho hay, đó là là phải dùng công nghệ, kỹ thuật để xử lý thân tre như thế nào để ra được chuẩn mực của thị trường.

Như vậy, từ một gốc tre thông thường có rất nhiều ở các vùng quê Việt Nam mà bạn trẻ này đã tạo ra giá trị gia tăng rất nhiều.

Từ đây ông Tước cho rằng, bạn trẻ khởi nghiệp sẽ thành công khi am hiểu thị trường, am hiểu văn hóa, và chọn cho mình một phân khúc thị trường, kết hợp với việc tìm ra được những công nghệ để hoàn thiện sản phẩm.

Đồng tình với việc khởi nghiệp từ các sản phẩm bản địa ở từng vùng miền, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc công ty Cổ phần Vinamit cho hay: Thế giới hiện nay nghiên cứu theo công nghệ sinh học, các vùng quê Việt Nam có rất nhiều nguồn tài nguyên quý từ cây, trái, nên bạn trẻ nên học tập, tìm hiểu để khởi nghiệp, khai thác có hiệu quả.

Ông Nguyễn Lâm Viên chia sẻ với bạn trẻ khởi nghiệp ở TPHCM và các tỉnh lên tham dự sự kiện

“Tôi đã sấy thành công trái tầm bóp cho bạn Bùi Thị Nga (Lâm Đồng), hay lấy sản phẩm ống hút bằng tre cho một bạn trẻ khởi nghiệp ở Quảng Nam… đó là những sản phẩm bản địa có giá trị cao tại các địa phương”, ông Viên nói.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng, khi làm ra sản phẩm đừng đụng đến hóa học, vì sẽ làm tổn thương đến sức khỏe người tiêu dùng. Nên từ khi khởi nghiệp năm 24 tuổi, ông Viên luôn theo đuổi nền tảng này.

Còn ông Nguyễn Hải An, giám đốc Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao vui mừng cho rằng, thời gian gần đây có nhiều hiệu ứng tốt trong hoạt động khởi nghiệp Việt Nam, nhất là về nông nghiệp.

Nói về vấn đề khởi nghiệp, theo ông Hải An, ý tưởng kinh doanh là quan trọng, nhưng năng lực thực thi (tài chính, kinh doanh, bán hàng, nghiên cứu…) còn quan trọng hơn cả.

“Nên nhiều bạn trẻ khởi nghiệp làm một mình rất khó để thành công, phải có đội, nhóm, mỗi người có những thế mạnh riêng thì khả năng thành công sẽ cao hơn”, ông Nguyễn Hải An nói.

Mặt khác, cũng theo ông Hải An, trong quá trình khởi nghiệp, việc đa dạng hóa sản phẩm cũng cần được lưu ý để có sự tiếp cận da dạng với người tiêu dùng.

Cũng trong chương trình Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019, Trung tâm BSA, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Sihub) và Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ đã ký kết hợp tác về: Kết nối cơ hội phát triển về thị trường cho hoạt động khởi nghiệp tại địa phương có nhu cầu.

Đại diện 3 bên tham gia ký kết hợp tác về khởi nghiệp

Một số hình ảnh của Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo 2019

Các loại trà từ gian hàng khởi nghiệp trưng bày và bán trong phiên chợ khởi nghiệp

Phiên chợ khởi nghiệp thu hút sự tham gia của gần 70 đơn vị là các bạn trẻ khởi nghiệp ở nhiều tỉnh thành

Khu vực dành cho các sản phẩm khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa của từng địa phương
Chương trình hội thảo thu hút sự quan tâm của hơn 100 người tham dự

Trần Quỳnh