Ảnh minh họa. Nguồn internet

Tìm đỏ mắt vẫn không thấy chiến lược hoặc chính sách nhắm đến kiến tạo nền tảng phát triển chợ truyền thống.

Như trong phân tích từ bài viết trước, sự giảm sút về lợi thế cạnh tranh của chợ truyền thống đã tăng dần qua từng năm và ở tất cả các chỉ số: số người mua hàng, tần suất mua hàng, giá trị giỏ hàng, cũng như chất lượng dịch vụ. Vậy có thể thấy rằng, nếu mô hình chợ không có những thay đổi đột phá, khó khăn trong kinh doanh sẽ tiếp tục, ảnh hưởng đến đời sống hàng chục ngàn tiểu thương, mất cân bằng thương mại giữa các kênh bán hàng.

Ngoài ra, còn có một bất cập khác: hiện nay khi mỗi lần nói về chủ đề “hệ thống phân phối Việt Nam liệu có đang rơi vào tay nước ngoài hay không”, người ta cũng chỉ nói về kênh bán hàng hiện đại (vốn chỉ chiếm 20% dung lượng thị trường) mà quên đi kênh truyền thống. Sự “quên” này không chỉ nằm ở truyền thông xã hội mà còn ở… chính sách nữa. Cụ thể là tìm đỏ mắt vẫn không thấy có bất kỳ chiến lược hoặc chính sách được đưa ra để kiến tạo nền tảng phát triển cho chợ truyền thống.

Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đưa ra các đề xuất với tầm nhìn mười năm và hơn nữa, để làm sao thay đổi và phát triển mô hình thương mại chợ truyền thống, trước mắt là tại các thành phố lớn, nơi các kênh bán hàng khác đang phát triển nhanh, gây áp lực lớn cho chợ.

Quản lý theo hướng xã hội hoá

Sự thay đổi không gì khác chính là mô hình quản lý. Nhà nước nên có tính toán kỹ để “xã hội hoá” việc quản lý kinh doanh chợ, cần tạo cơ chế và môi trường thuận lợi để tư nhân và các thành phần kinh tế khác có thể tham gia. Mỗi đơn vị chợ cần hoạt động như mô hình một doanh nghiệp thương mại, chịu trách nhiệm kinh doanh không gian chợ, hàng hoá đến các dịch vụ khác.

Doanh nghiệp này có thể do Nhà nước nắm quyền chi phối hoặc không, nhưng sẽ có những quy định đặc thù để luôn đảm bảo vừa tạo môi trường lành mạnh để phát triển kinh doanh của tiểu thương, vừa hài hoà lợi ích của nhà đầu tư.

Nguồn thu của doanh nghiệp quản lý là chi phí thuê không gian mua bán, chi phí cung ứng các dịch vụ, giải pháp kinh doanh cho tiểu thương, dịch vụ cho người mua hàng, chi phí quảng cáo và thực hiện các hoạt động chiêu thị từ doanh nghiệp…

Doanh nghiệp quản lý chợ hoạt động trên cơ sở chuyên nghiệp (về cơ bản có thể giống như mô hình một doanh nghiệp đang vận hành một siêu thị) sẽ giúp hiện đại hoá chợ, tạo ra các dịch vụ chất lượng cao, đem lại lợi ích cho người mua hàng, người bán lẻ và chính bản thân doanh nghiệp. Trong đó, sẽ có rất nhiều giải pháp mà ở đó doanh nghiệp quản lý và tiểu thương có thể chia sẻ lợi nhuận, hai bên cùng có lợi.

Chẳng hạn: ban quản lý sẽ chuẩn hoá và có đầu mối làm việc với các công ty có nhu cầu quảng cáo, đảm bảo mức giá có lợi nhất, phù hợp nhất cho các bên. Ban quản lý chuyên nghiệp sẽ tạo ra cơ chế cạnh tranh để tối đa hoá doanh thu quảng cáo cho đôi bên.

Hệ thống tiêu chuẩn mới cho việc kinh doanh ở chợ

Trước hết cần khẳng định, chợ không cần một “không gian máy lạnh, đóng kín”, nhưng phải đảm bảo các tiêu chuẩn cốt lõi.

Các tiêu chuẩn cốt lõi bao gồm:

– Nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Mối lo ngại lớn nhất và khiến cho người mua hàng thiếu sự tin tưởng vào chợ là: “thượng vàng thì ít, hạ cám thì nhiều” về chất lượng sản phẩm. Cơ chế và quy định cho một sản phẩm được kinh doanh tại chợ hiện nay rất lỏng lẻo, dẫn đến tiểu thương hầu như có thể bán bất kỳ cái gì, kể cả hàng giả, hàng nhái. Chính ban quản lý và tiểu thương sẽ chịu trách nhiệm với chế tài cụ thể nếu xảy ra tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Phương pháp quản lý về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm phải giống như một siêu thị, vì quyền lợi người tiêu dùng.

– Không gian mua sắm: qua một số mô hình chợ mới tại các nước phát triển, cũng như một số nước khu vực châu Á, có thể thấy rằng việc bố trí không gian mua sắm của họ thật sự sáng tạo, chuyên nghiệp và hiện đại. Họ xác định đi chợ không chỉ là mua sắm các sản phẩm thông thường, mà có nhắm đến trải nghiệm cho người mua hàng liên quan đến bố trí các ngành hàng, phương pháp bố trí quầy kệ, các kênh truyền thông tại điểm bán, niêm yết giá cả, hình thức khuyến mãi… Hay thiết kế không gian thư giãn, nghỉ ngơi cho khách hàng…

– Dịch vụ: Một trong những yếu tố mà các kênh bán hàng khác “bỏ xa” chợ chính là các dịch vụ, bao gồm những gì giúp cho chuyến mua sắm của khách hàng từ đầu đến cuối được thuận lợi nhất. Từ việc gửi xe, hỗ trợ thông tin trong quá trình mua sắm, giao hàng tận nhà, đến việc chăm sóc khách hàng sau bán hàng.

Chúng tôi đã thật sự ấn tượng khi thấy một chợ tại Malaysia trang bị năm màn hình để giúp khách hàng tra cứu các sản phẩm có khuyến mãi trong ngày…

Hỗ trợ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Trước hết cần khẳng định, công nghệ áp dụng trong bán lẻ không chỉ áp dụng cho bán lẻ hiện đại mà cho cả chợ truyền thống. Hiện nay, hệ sinh thái các công nghệ này cho bán lẻ truyền thống tụt hậu khá xa so với phần còn lại. Chúng tôi đã trò chuyện cùng nhiều nhà cung cấp shoptech (công nghệ bán lẻ) thì thực tế họ rất muốn đầu tư và nhìn thấy đây là thị trường lớn, nhu cầu cao. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận là rất ít, vì nhu cầu phân mảnh (họ không thể tiếp cận hàng ngàn tiểu thương bán lẻ) mà cần có một đầu mối, cộng với chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.

Vậy những công nghệ nào có thể phù hợp cho tiểu thương tại chợ:

– Phần mềm quản lý cửa hàng (doanh thu, tồn kho, hàng hoá, lợi nhuận…).

– Phần mềm kết nối cửa hàng và khách hàng (người mua hàng, nhà cung cấp).

– Phần mềm kết nối cửa hàng và ban quản lý: để chia sẻ các dịch vụ chung (các nước đã có).

Nói tóm lại, việc thay đổi mô hình kinh doanh và quản lý chợ hiện nay không chỉ là CẦN mà là PHẢI. Một chuyên gia tư vấn bán lẻ hàng đầu nói, về giá trị thị trường, tiềm năng kinh tế chợ hiện nay tính bằng chục tỷ đô, nhưng đến nay vẫn chưa được đánh thức. Chợ cần một cơ chế đột phá để có thể vươn mình.

https://www.youtube.com/watch?v=6IneeAZ9BHI

Phan Tường (Chuyên gia phân tích thị trường)