Các nhà cung cấp thực phẩm cho TP.HCM có ba tháng để chuẩn bị cho hàng hoá vào ba chợ đầu mối đúng theo quy định, kể từ ngày 31/12/2018.

Trước đó, đầu tháng 9/2018, sở Công Thương TP.HCM đã có công văn số 6611/SCT-QLTM gởi đến sở công thương các tỉnh, thành thuộc khu vực miền Đông Nam bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn những quy định mới, trong đó có việc sơ chế đóng gói hàng hoá tại nguồn trước khi đưa về chợ đầu mối, nhằm đảm bảo truy xuất nguồn gốc hàng hoá.

Ông Nguyễn Minh Đức, chi cục trưởng chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản Hậu Giang, nói: “Từ tháng 9/2018, Hậu Giang đã tổ chức tập huấn cho 40 cơ sở và nông hộ sản xuất. Đến nay tỉnh đã hình thành trên mười chuỗi sản xuất liên kết. Nhiều hợp tác xã, chủ cơ sở sản xuất được hướng dẫn sản xuất, sơ chế, đóng gói ghi rõ tên đơn vị, địa chỉ nơi sản xuất và cam kết sản phẩm nông – thuỷ sản đạt chất lượng an toàn”.

Tại Cần Thơ, ông Phạm Trường Yên, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cần Thơ cho biết, năm 2017, 2.780 chủ cơ sở, nhà sản xuất và cán bộ làm công tác đảm bảo an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tới nay, Cần Thơ có 26 chuỗi, 87 sản phẩm tham gia thị trường. 30 mô hình sản xuất, trong đó có ba mô hình chế biến đạt tiêu chuẩn HACCP, một cơ sở chăn nuôi đạt chuẩn VietG.A.P., hai cơ sở đạt chuẩn VietG.A.P. trong trồng trọt và 24 mô hình nuôi thuỷ sản theo VietG.A.P. Cần Thơ hiện có 638 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông – lâm thuỷ sản, trong đó có 101 cơ sở loại A, 455 cơ sở loại B, không có cơ sở loại C. Đã có 57 cơ sở buộc phải tạm ngưng và 25 cơ sở đã thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

ThS Đoàn Ngọc Thanh Xuân, phụ trách trung tâm Thông tin nông nghiệp – nông thôn (sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long), nói: “Nông dân lớn tuổi khi nghe nói quy định đã thấy mệt, do đó, từ năm rồi trung tâm tập hợp và hỗ trợ theo nhóm, mở “room” cho lớp trẻ kế thừa, tập huấn chuyên đề, còn nông dân lớn tuổi được tập huấn cách xử lý công việc tại nguồn. “Thấy mừng khi nhiều anh ở hớp tác xã đã biết cách tổ chức hàng hoá, đóng gói; lớp trẻ lo làm nhãn hàng, tự chào bán”, bà Xuân nói. Bà Xuân cho biết thêm, vài năm trước Vĩnh Long được khen là đi đầu trong việc quan tâm tới sản phẩm nông sản an toàn, “nhưng đến nhiều nơi mới thấy bao bì xấu quá, truy xuất hàng hoá không xong, thương hiệu với nhãn hiệu cứ lộn hoài”. Hiện trung tâm hỗ trợ mỗi cơ sở 5 triệu đồng để thiết kế, in ấn bao bì. Cuối năm sẽ có thêm bốn cơ sở đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc bằng mã QR code.

Vấn đề thực tế là hàng hoá của hợp tác xã, cơ sở nhỏ không đủ lớn nên hầu hết bán sang tay qua thương lái. Hàng tại nguồn làm đúng yêu cầu nhưng sơ chế, đóng gói, pha trộn lại do thương lái. Nếu ban quản lý chợ có trách nhiệm kiểm soát hàng ra – vào chợ, mọi việc sẽ tốt hơn.

Hoàng Lan – Đức Toàn (theo TGTT)