Ông Lê Đặng Trung: Không phải cứ áp dụng công nghệ là phải chi thêm tiền

Thị trường Trung Quốc đang thay đổi, họ đang đi theo hướng tiêu chuẩn, chất lượng, nên nếu doanh nghiệp và nông dân không thay đổi sẽ không thể cạnh tranh trên thị trường.

Đó là thông tin được ông Lê Đặng Trung – Công ty Real – time Analytics đưa ra tại hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chính ngạch vào các thị trường phát triển” do Hội DNHVNCLC và công ty BSAS tổ chức mới đây ở TPHCM.

Theo ông Lê Đặng Trung, có hai điểm lớn mà nông dân, doanh nghiệp Việt Nam cần xem lại.

Ông Lê Đặng Trung chia sẻ tại cuộc hội thảo

Thứ nhất, bản thân thị trường Trung Quốc lâu nay vốn dễ tính nhưng thời gian gần đây họ đã khác, họ bắt đầu và đòi hỏi mạnh mẽ hơn trong vấn đề tiêu chuẩn hàng hóa nông sản.

“Bây giờ xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch phải có hồ sơ sản phẩm rõ ràng”, ông Trung nói.

Thứ hai, bản thân người nông dân Việt Nam cũng như doanh nghiệp có nhu cầu đa dạng hóa thị trường. Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, và đó theo tôi không phải là chiến lược đúng, dù thị trường Trung Quốc rất lớn. Trong khi các thị trường khác như châu Âu, châu Mỹ là thị trường lớn còn nhiều tiềm năng và giá trị cao.

“Nếu ta cứ nghĩ rằng mình phục vụ thị trường Trung Quốc sẽ không có sự chuyển bị, chuyển mình thì rất sớm chúng ta sẽ thua, vì Trung Quốc đang thay đổi với việc đòi hỏi tiêu chuẩn”.

Công nghệ sẽ cho ra “chuẩn – chất”

Lâu nay người nông dân chưa có thói quen ghi chép lại nhật ký sản xuất, gần đây, những sức ép của thị trường làm cho nhiều người bắt đầu nghĩ đến việc ghi chép.

Ông Trung cho rằng, việc làm nhật ký sản xuất theo cách ghi chép trên sổ sách gặp không ít khó khăn cho nông dân bởi: Thứ nhất, hàng ngày họ ra đồng làm việc, tối về nhớ xem mình đã làm gì để ghi chép là khó. Thứ hai, ngay cả những người ghi chép đàng hoàng, bài bản thì việc chuyển thông tin ra cho người cần thông tin như nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ gặp nhiều khó khăn, tốn chi phí…

Ông Lê Đặng Trung: Không phải cứ áp dụng công nghệ là phải chi thêm tiền

“Chúng ta hoàn toàn có thể nghĩ tới việc ứng dụng công nghệ, nhất là những app trên smartphone hiện nay rất phổ biến, không chỉ ở thành thị mà cả ở khu vực nông thôn. Các thiết bị này ngày càng dễ dùng và rẻ tiền. Cách này có thể thay thế cách làm truyền thống hiện nay.

Ông Trung cho biết, “bằng cách người nông dân vừa thực hiện hoạt động gì xong, dành thêm 5 – 10 giây nữa để chụp hình hay chọn một biểu tượng nào đó… tất cả những công đoạn còn lại để báo cáo công nghệ sẽ tự làm cho người nông dân”, ông Trung nói.

Công nghệ đa dạng có trên các mobile app cho người nông dân sản xuất những ngành hàng khác nhau, từ rau củ, trái cây, lúa… với những ngành hàng như thế, chúng ta tạo ra các from biểu mẫu trên bảng điện tử.

“Như với người trồng lúa, khi vừa làm đất xong, chỉ cần mở đúng from làm đất, quét mã QR code luống đất, chọn vài biểu tượng trên màn hình thì xem như đã báo cáo xong hoạt động này”.

Khi những sản phẩm này ra thị trường, trên mỗi sản phẩm gắn những QR code riêng, thể hiện toàn bộ lịch sử của tiến trình sản xuất, từ lúc bắt đầu chuẩn bị đất đến gieo trồng, chăm sóc, bón phân, có hình ảnh, video, tọa độ… của quá trình.

“Tức là mình thể hiện được toàn bộ lịch sử của quá trình này, và lịch sử này không ai có thể can thiệp vào được vào dữ liệu này”.

Rau Happy Vegi có bán tại Phiên Chợ Xanh Tử Tế có truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Về mặt chi phí, ông Trung cho rằng, người nông dân lâu nay nghĩ rằng, truy xuất nguồn gốc là tốn chi phí. Đây là quan điểm sai lầm, bởi nếu chúng ta xem thông tin là loại hàng hóa, thì thông tin có thể được bán. Trong thời đại ngày nay, thông tin là loại hàng hóa có giá trị cao nhất, nhiều giá trị nhất.

“Vậy nên người nông dân càng thể hiện được nhiều thông tin trong quá trình sản xuất của mình, càng có cơ hội bán được nhiều hơn”.

“Người nông dân hoàn toàn có thể được sử dụng miễn phí. Vì sao, vì chúng tôi hoàn toàn có thể tính tiền từ phía doanh nghiệp, những đơn vị thu mua.

“Chi phí trả cho chúng tôi chỉ là một phần rất nhỏ, phần mà họ tiết kiệm được, chứ không phải khi áp dụng công nghệ là phải chi thêm tiền”.

Trần Quỳnh