Tiến sĩ Nguyễn Quân - Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ đặt câu hỏi cho các thí sinh

Các chủ dự án có thể sử dụng luôn công nghệ của các nhà khoa học ở trong nước và quốc tế, đưa công nghệ mới vào trong sản xuất và kinh doanh.

Tại vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp do Trung tâm BSA cùng các đối tác chiến lược tổ chức vừa mới kết thúc tại TP.HCM, 34 dự án đều rất quan tâm đến vấn đề ứng dụng công nghệ vào sản phẩm của mình, trong đó có cả công nghệ cao trong các thiết bị.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Quân – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, thành viên giám khảo,  để duy trì và phát triển tốt, về mặt khoa học công nghệ, các thí sinh cần lưu ý những vấn đề sau.

Tiến sĩ Nguyễn Quân (trái) – Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ là 1 trong 11 thành viên Hội đồng giám khảo tại vòng chung kết cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4

3 lưu ý chính dành cho dự án ứng dụng công nghệ

Qua phần trưng bày sản phẩm và trình bày bài thi của 34 dự án tại chung kết, Tiến sĩ Nguyễn Quân đánh giá rất cao các dự án tham gia cuộc thi năm nay, vì các nhóm khởi nghiệp đến từ những vùng rất khó khăn, từ miền núi phía Bắc cho đến Tây Nam bộ và Tây Nguyên. Các thí sinh đều đã vượt qua được những khó khăn của bối cảnh kinh tế, xã hội địa phương mình, lựa chọn được đúng sản phẩm và tương đối thành công, nhiều sản phẩm đã ra thị trường.

Tuy nhiên, có 3 vấn đề liên quan đến những dự án ứng dụng khoa học công nghệ mà Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ khuyên các thí sinh lưu ý để xây dựng, duy trì và phát triển ổn tốt dự án.

Theo ông Nguyễn Quân, việc đầu tiên là các dự án ứng dụng công nghệ khoa học cần lựa chọn công nghệ phù hợp với sản phẩm của mình. Nếu công nghệ có hàm lượng chất xám cao càng tốt. Thứ 2 là các chủ dự án nên đi cùng, kết hợp với các nhà khoa học, đặc biệt là kết nối với các Viện, Trường để có những Mentor, những nhà tư vấn có trình độ giúp ứng dụng được công nghệ thành công nhất. Các chủ dự án có thể sử dụng luôn công nghệ của các nhà khoa học ở trong nước và quốc tế, đưa công nghệ mới vào trong sản xuất và kinh doanh.

Vấn đề thứ 3 là các những người chủ dự án phải quan tâm đến vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Ví dụ như văn bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, chỉ dẫn địa lý… Để làm được điều đó thì bên cạnh việc tìm hiểu để đăng ký đúng quy trình, thủ tục để được công nhận những sản phẩm sở hữu trí tuệ, các dự án cần phải liên kết với các tổ chức xã hội, các hội nghề nghiệp để bảo vệ thương hiệu của mình, tránh tình trạng bị xâm phạm.

“Khi thương hiệu được bảo hộ, các sản phẩm mới có sự phát triển tốt và đem lại giá trị gia tăng cao cho doanh nghiệp Việt nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng”. Tiến sĩ Nguyễn Quân chia sẻ.

Máy lọc nước biển thông minh, sản phẩm của nhóm thí sinh đến từ Lâm Đồng có ứng dụng khoa học công nghệ
Bền Chí Thịnh, Kon Tum sử dụng công nghệ để sản xuất sản phẩm nước Hồng Đẳng Sâm

Các dự án chọn lựa sản phẩm phù hợp

Nhận xét về sản phẩm của các dự án tại vòng chung kết, Tiến sĩ Nguyễn Quân cho rằng: Từ trước đến nay, sản phầm chủ lực của Việt Nam là những mặt hàng nông sản như lúa gạo, hạt tiêu, cà phê và một số loại nông sản khác. Tuy nhiên những lĩnh vực này đã có quá nhiều nhà đầu tư quan tâm và trên thực tế Việt Nam là quốc gia xuất khẩu những sản phẩm chủ lực ấy, có vị trí trên bản đồ thế giới.

Việc các dự án khởi nghiệp tập trung vào những sản phẩm bản địa, chưa nổi tiếng và đang ở dạng các sản phẩm thông thường như hoa quả, cá tra, thịt gà, thịt lợn mang bản sắc của địa phương mình nên khá phù hợp. Nếu phát triển tốt và trong tương lai, những sản phẩm này trở thành sản phẩm chủ lực là điều quá tốt. Chúng tôi khuyến khích nhóm khởi nghiệp đi vào những sản phẩm bản địa mang sắc thái của địa phương, có tính năng, tác dụng tốt mà chưa được ai quan tâm, đầu tư.

Việc phát triển tài nguyên bản địa tất nhiên có cái khó về thị trường, bởi đây chưa phải là sản phẩm chủ lực, thành ra sự quan tâm của nhà đầu tư còn hạn chế. Tuy nhiên, nó sẽ có sự thuận lợi và dễ cho các nhóm khởi nghiệp, đó là cái mà chưa ai làm. Ví dụ tại cuộc thi, có một số sản phẩm như sa sâm Việt (Bến Tre) chẳng hạn thì chưa ai làm, nhưng nếu làm sâm Ngọc Linh thì có quá nhiều người làm rồi. Hay như dự án thắt lá dừa của Bến Tre thì đây là một sản phẩm rất bình thường, ít ai để ý nhưng nếu phát triển tốt sẽ trở thành sản phẩm du lịch, phát triển tốt về kinh tế, xã hội của tỉnh nghèo như Bến Tre.

Tiến sĩ Nguyễn Quân tìm hiểu về dự án phát triển bột sa sâm Việt của Phù Tường Nguyên Dũng, Bến Tre

Riêng với các dự án của nhóm thanh niên dân tộc ít người như: Phát triển thị trường cho sản phẩm gà nướng & chẩm chéo của đồng bào dân tộc Thái – Tây Bắc của Sơn La; Kora Group – Thực phẩm dược liệu bản địa từ Sâm Ngọc Linh của Kon Tum…, mục tiêu của họ không chỉ gói gọn trong địa phương mà còn mong muốn mở rộng ra phạm vi cả nước và xa hơn nữa. Đây là hướng đi đúng.

“Một số nhóm khởi nghiệp rất có bản lĩnh khi các chuyên gia, giám khảo góp ý nên thay đổi chất lượng sản phẩm để phù hợp với nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng ở các vùng miền khác nhau thì các nhóm kiên quyết bảo vệ tính đặc thù sản phẩm của họ. Họ sẽ thuyết phục khách hàng các vùng miền khác, người tiêu dùng các thành phố để dần dần người ta cảm nhận và thích sản phẩm của họ theo nguyên bản, chứ không phải chạy theo thị hiếu, làm mất đi bản sắc riêng của sản phẩm đó”. Tiến sĩ Nguyễn Quân chia sẻ thêm.

Nhóm thí sinh từ Hà Giang dự thi thuyết trình với dự án “Farmstay – Nông nghiệp bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu sổ Đồng Văn – Hà Giang”
Các thí sinh đến từ dân tộc thiểu số nhận học bổng từ Ủy Ban dân tộc

Cuộc thi “Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4” được thực hiện dưới sự bảo trợ từ Đề án 844 của Chính phủ về việc Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua Bộ KHCN, do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp BSA, Hội DN HVNCLC, các đối tác chiến lược tổ chức, gồm:

Tập đoàn cà phê Trung Nguyên, Công ty Cổ phần Vinamit cùng các doanh nghiệp khác như Công ty Cổ phần Cơ điện Tân Hoàn Cầu,  Công ty Cổ phần Tập đoàn Thiên Long, Công ty TNHH Minh Long 1, Công ty TNHH SX-TM Thời trang Việt Hưng, Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan, Công ty TNHH SX TM DV Quà Việt, Công ty TNHH SX – TM Dịch vụ Quy Phúc, CT TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Yeshue… Cuộc thi nhằm hỗ trợ những thanh niên có ý tưởng, dự án kinh doanh khởi nghiệp phù hợp trong các lĩnh vực: nông nghiệp nông thôn, có ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thực hiện sản phẩm.

Nhóm Đặng Thị Huyền Mi, Sơn La đoạt giải nhất nhóm cùng chụp hình với doanh nghiệp tài trợ YesHue
Sản phẩm của các đối tác đồng hành, doanh nghiệp tài trợ tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4
Sản phẩm của các đối tác đồng hành, doanh nghiệp tài trợ tại cuộc thi Dự án khởi nghiệp nông nghiệp lần 4

Được phát động từ tháng 5/2018, cuộc thi Dự án khởi nghiệp lần 4, do Trung tâm BSA cùng các đối tác chiến lược tổ chức đã thu hút 159 dự án, ý tưởng nộp hồ sơ tham gia, tăng gần 30% so với cuộc thi lần 3 năm 2017. Các đề tài dự thi đều đáp ứng được tiêu chí theo chủ đề “Phát triển tài nguyên bản địa bằng sức mạnh công nghệ”.

Kết thúc cuộc thi, dự án “Phát triển thị trường cho sản phẩm gà nướng & chẩm chéo của đồng bào dân tộc Thái – Tây Bắc” của Đặng Thị Huyền Mi, Sơn La đoạt giải nhất nhóm. Giải nhất cá nhân thuộc về dự án “Du lịch phát triển tài nguyên bản địa – Dự án C2T” của Võ Văn Phong, Bến Tre.

Tiến sĩ Nguyễn Quân cùng Chuyên gia kinh tế, Nguyên thành viên Tổ Tư vấn của Thủ Tướng Chính phủ – Phạm Chi Lan chụp hình với 2 dự án đoạt giải nhất cuộc thi
Thực phẩm dược liệu bản địa Kora Group, Kon Tum – sản phẩm được ứng dụng công nghệ trong sản xuất

Anh Tuấn