Ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam tăng trưởng ngày càng mạnh, có thể đạt khoảng 10,9% trong giai đoạn 2015 – 2020. Giá trị tiêu thụ thực phẩm của người Việt cũng tăng gần 10% mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay, thị trường gần như bão hòa, cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập.

Và theo các chuyên gia chia sẻ tại Vietnam Foodexpo 2018 (diễn ra từ 14 – 17/11 tại TP. HCM), thì tiêu chuẩn và công nghệ được coi là giải pháp giúp nông sản, thực phẩm Việt Nam ra thế giới.

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại sự kiện

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải nhận định, ứng dụng khoa học công nghệ được xem là một trong những nhân tố giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thời gian qua.

“Đây là hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Còn theo bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam, Hà Lan có diện tích sản xuất nông sản nhỏ hơn Việt Nam nhiều lần, nhưng lại là quốc gia xuất khẩu nông sản đứng thứ hai thế giới.

Bà Elsbeth Akkerman, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam

“Bởi Hà Lan có những mô hình khác nhau trong nông nghiệp, với chu trình ngắn hơn, tập trung hơn để có thể sản xuất bền vững và không lãng phí…”.

“Hà Lan đưa ra tầm nhìn đến năm 2030 là quốc gia tiên phong trong phát triển nông sản bền vững trong môi trường cạnh tranh. Do đó, những ứng dụng công nghệ trong thương mại nông sản, thực phẩm được xem là nền tảng tạo ra năng lực cạnh tranh”.

Chia sẻ tại Vietnam Foodexpo 2018, ông Gerald H. Smith, Tùy viên Nông nghiệp cấp cao, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM, cho hay, các quốc gia phải chủ động dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, tự đánh giá rủi ro để quy định các biện pháp của mình và đảm bảo các biện pháp đưa ra là cần thiết để đạt được mức độ bảo vệ phù hợp.

Ông Gerald H. Smith, Tùy viên Nông nghiệp cấp cao, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM

“Khía cạnh thương mại quốc tế xoay quanh hiệp định SPS, hiệp định này yêu cầu đề ra các quy tắc cơ bản bao gồm các tiêu chuẩn nông phẩm. Hiệp định SPS tham chiếu từ 3 tổ chức đưa ra các tiêu chuẩn, là Codex, OIE, IPPC”.

Trong khi đó, theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Nhã Nam, giám đốc công ty TNHH giải pháp công nghệ Minerva, hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà ở một số nước khác trên thế giới có điểm chung là các nguyên liệu thường không đồng đều. Đây là một thách thức lớn đối với các nhà máy chế biến thực phẩm. Các loại cam, cà rôt, cà chua… phải khác nhau tùy theo yêu cầu khách hàng, một nhà máy có thể cần phải sắp xếp nhiều loại rau đặc biệt dựa trên kích thước, hình dạng hoặc màu sắc…

Những bài học thành công được tiến sĩ Nguyễn Ngọc Nhã Nam, giám đốc công ty TNHH giải pháp công nghệ Minerva đưa ra tại hội thảo

Để tìm ra chính xác những gì khách hàng muốn là một điều không hề dễ chút nào, nên công nghệ AI đang là lựa chọn hàng đầu để giúp giảm nhẹ tối đa thử thách đó.

Bên cạnh đó, một số nội dung liên quan đến truy xuất nguồn gốc đối với mặt hàng nông sản thực phẩm; ứng dụng công nghệ thông tin trong thương mại nông sản, thực phẩm tại Hà Lan… cũng được chia sẻ tại hội thảo.

Tại Vietnam Foodexpo 2018 có nhiều các đoàn thương nhân, khách mua hàng tiềm năng đến từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Ấn Độ, Thái Lan… và từ nhiều địa phương trên cả nước.

Một số hình ảnh tại sự kiện

Hội thảo tại VietNam Foodexpo 2018 thu hút gần 200 doanh nghiệp tham dự
Nhiều đối tác trong khu vực và trên thế giới đến tìm cơ hội hợp tác
Lãnh đạo tham quan gian hàng biểu diễn ẩm thực của Hà Lan tại hội chợ

Trần Quỳnh