Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Tổng giám đốc Vietravel.

Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Kỳ xác nhận đã nộp đơn xin thành lập hãng hàng không riêng tên Vietravel Airlines.

“Điều gì đang xảy ra? Rõ ràng các hãng du lịch lớn nước ngoài đang hoàn thiện hệ sinh thái của họ. Chúng ta cần nằm trong xu hướng này. Chúng tôi cũng phải hoàn thiện hệ sinh thái của mình để bước ra thế giới”, ông Kỳ nhấn mạnh và giải thích rằng chưa vội đề cập đến Vietravel Airlines vì ngại “nói trước bước không qua”.

Tại hội thảo “Doanh nghiệp Việt ra biển lớn” sáng nay (2/4), ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Vietravel xác nhận đã nộp đề án thành lập Công ty Hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) lên Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế.

Lý giải về động cơ tham gia vào thị trường hàng không, ông Kỳ cho biết, năm 2018, sau khi ký hợp tác với công ty du lịch lớn nhất Thượng Hải là Spring Tour, ông được mời trải nghiệm dịch vụ của đối tác và rất ấn tượng khi biết công ty này sở hữu đến 137 máy bay.

Gần đây hơn, sau khi dòng máy bay Boeing 737 Max bị cấm bay vì hai tai nạn liên tiếp, hãng du lịch hàng đầu châu Âu là TUI (Đức) công bố phải đóng cửa 30% lực lượng bay trong tổng số 200 chiếc máy bay của công ty. Thông tin này  cho thấy xu hướng hãng du lịch sở hữu đội bay riêng.

Một chuyên gia trong ngành hàng không nhận định, Vietravel nộp đơn lên Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế là đúng quy trình. Tuy nhiên, việc thành lập hãng hàng không sẽ không dễ như kinh doanh theo kiểu charter (một chuyến bay thuê bao dành riêng cho du khách) trước đây. Ngoài thỏa mãn điều kiện về vốn đầu tư, nhân sự, đội bay, hậu cần thì công ty này còn phải đáp ứng các yêu cầu khác của Cục Hàng không.

Trao đổi với VnExpress, một lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải nói chưa nhận được hồ sơ xin thành lập hãng hàng không của Vietravel. Vị này cũng cho biết thêm, theo quy trình, sau khi xin phép Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên – Huế, Sở Kế Hoach đầu tư Thừa Thiên – Huế chấp thuận thì kế hoạch thành lập mới gửi lên trình Thủ tướng và Bộ Giao thông Vận tải.

Việt Nam hiện có 5 hãng hàng không là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vasco.

Theo Nghị định 92 mức vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không khai thác đến 10 máy bay và có đường bay quốc tế là 700 tỷ đồng. Mức vốn tối thiểu yêu cầu sẽ tăng tương ứng với số máy bay khai khác. Hãng có đường bay quốc tế, khai thác 11-30 máy bay cần có vốn tối thiểu 1.000 tỷ đồng và cần có vốn từ 1.300 tỷ đồng để khai thác trên 30 máy bay và có bay quốc tế.

Viễn Thông – Thi Hà (VNE)