Việc nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê cần phải được đặt lên hàng đầu. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

(Cafenews)- Để mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng cao thì cần xây dựng thương hiệu một cách bài bản, gắn với chỉ dẫn địa lý nhằm phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của mặt hàng “tỷ đô”.

Là một trong 10 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, mỗi năm kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng cà phê thu về hàng tỷ USD cho đất nước.

Việt Nam cũng là một trong những nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, đặc biệt là cà phê Robusta.

Nhiều chuyên gia cho rằng, để mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng cao thì cần xây dựng thương hiệu một cách bài bản, gắn với chỉ dẫn địa lý nhằm phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của mặt hàng “tỷ đô”.

Thời gian qua, nhiều chính sách, giải pháp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, các địa phương đã được triển khai để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản thông qua việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Hiện nay, Việt Nam đã có hai chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cà phê là “Cà phê Buôn Ma Thuột” và chỉ dẫn địa lý “Cà phê Sơn La”.

Nằm trên vùng núi phía Tây Bắc, Sơn La được biết đến là vùng đất của cà phê Arabica. Cây cà phê được người Pháp đưa vào trồng ở Sơn La từ đầu thế kỷ 20, trải qua nhiều giai đoạn phát triển thăng trầm, đến nay Sơn La đã có gần 20.000 ha cà phê, sản lượng hàng năm đạt 30.000 tấn.

Đây là nguồn thu nhập chính của hàng nghìn hộ nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù, cà phê Sơn La đã được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới như Nga, Mỹ, Nhật, EU và nhiều thị trường khác, nhưng 95% sản phẩm xuất khẩu dưới dạng cà phê nhân, giá trị gia tăng thấp và chưa có thương hiệu.

Do đó, những năm gần đây, vấn đề phát triển thương hiệu cho cà phê đã được tỉnh Sơn La quan tâm với nhiều giải pháp; trong đó có giải pháp bảo hộ và phát triển chỉ dẫn địa lý cho cà phê Sơn La.

Với hướng tiếp cận phù hợp từ khâu quy hoạch, lựa chọn sản phẩm bảo hộ và đặc biệt là thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn vào quá trình bảo hộ, phát triển thương mại sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm cà phê Sơn La đã được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý với 3 loại sản phẩm: cà phê nhân – cà phê rang – cà phê bột.

Với chủ trương phát triển thương hiệu gắn với doanh nghiệp, tỉnh Sơn La đã khuyến khích được các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, thúc đẩy liên kết hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân, hợp tác xã trong việc áp dụng các tiến bộ trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Các doanh nghiệp cũng phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng trong xuất khẩu như bộ tiêu chuẩn cà phê 4C, UTZ… từng bước thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ ra thị trường, xây dựng sản phẩm “product of Vietnam” trên thị trường quốc tế.

Với nỗ lực của doanh nghiệp và chính sách khuyến khích đầu tư chế biến sâu các nông sản của tỉnh, hoạt động chế biến cà phê thành phẩm cung cấp cho thị trường trong nước đã được đẩy mạnh trong 5 năm gần đây.

Tuy mới gia nhập thị trường sản phẩm chế biến, nhưng sản phẩm chế biến từ cà phê Sơn La đã được người tiêu dùng đón nhận với hướng tiếp cận phù hợp bằng việc đưa ra các sản phẩm cà phê nguyên chất dùng cho pha máy, pha phin truyền thống và cà phê hòa tan tiện dụng.

Theo ông Đặng Văn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH cà phê Sơn La, hiện nay, cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Sơn La nói riêng đang xuất khẩu nhưng chưa mang thương hiệu.

Hiện mới có cà phê Buôn Ma Thuột được công bố chỉ dẫn từ năm 2005 nhưng chưa mang lại hiệu quả cao, còn cà phê Sơn La mới được công bố chỉ dẫn địa lý từ tháng 10/2017.

“Sau khi được công bố chỉ dẫn địa lý cho cà phê Sơn La, tác động trên thị trường đã thấy rõ rệt, người tiêu dùng biết đến nhiều hơn, sự nhận biết trên thị trường tốt hơn” – ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, để thương hiệu cà phê Sơn La nói riêng và cà phê Việt nói chung có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế, tỉnh Sơn La cần tiếp tục có những chính sách và giải pháp đồng bộ hơn trong thời gian tới, đặc biệt là vấn đề quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm nâng cao hình ảnh cà phê Sơn La trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng.

Tại Đắk Lắk, nơi có cà phê Buôn Ma Thuột được bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ năm 2005, ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, đến nay đã có 12 doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cà phê nhân nằm trong vùng địa danh được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” với diện tích đăng ký là hơn 15.300 ha.

Các doanh nghiệp chủ động giới thiệu, quảng bá và đưa ra thị trường gần 20.000 tấn cà phê nhân có thương hiệu với giá trị tăng thêm từ 3 đến 5%.

Mặc dù, số lượng đăng ký chưa nhiều nhưng việc triển khai hệ thống quản lý nội bộ, liên kết với nông dân sản xuất thông qua các hợp đồng, lớp tập huấn, hướng dẫn cũng như giám sát quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đã tạo được nhận thức vượt bậc cho người trồng cà phê về vấn đề thương hiệu và chất lượng sản phẩm.

Ông Minh cho biết, trên thị trường quốc tế, việc phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cũng được đẩy mạnh với 12 quốc gia, vùng lãnh thổ (đăng ký bảo hộ) chấp nhận chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột”.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là để tận dụng được cơ hội này, việc nâng cao chất lượng sản phẩm cần phải được đặt lên hàng đầu.

Ông Trịnh Đức Minh cho rằng, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý là vấn đề lâu dài và phải có quá trình xây dựng, phát triển, do đó Việt Nam chưa nên đặt nặng vấn đề lợi ích kinh tế, giá trị tăng thêm mà phải tạo ra sự nhận biết và thừa nhận đối với khách hàng. Còn giá trị tăng thêm đủ bù đắp cho chi phí xây dựng hệ thống quản lý, thương mại là có thể chấp nhận được.

Vì vậy, các doanh nghiệp cà phê cần kiên trì chiến lược quảng bá, tiếp thị ngoài các thị trường truyền thống, đồng thời chú trọng thị trường ở các quốc gia mới nổi vì họ dễ dàng chấp nhận cũng như nhu cầu tiêu thụ cà phê tại các quốc gia này có chiều hướng ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” cũng cần liên kết để tạo tiếng nói chung nhằm mục đích đưa logo thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” vào hợp đồng mua bán cũng như in hình ảnh trên bao bì sản phẩm, cùng với nâng cao chất lượng từ vườn cây đến sản phẩm hoàn thiện.

Về lâu dài, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào cà phê có chỉ dẫn địa lý, gắn việc phát triển chỉ dẫn địa lý “Cà phê Buôn Ma Thuột” với thương hiệu quốc gia; trong đó, cần hình thành chuỗi liên kết và thành lập quỹ ngành hàng cà phê để xúc tiến hoạt động thương mại, quảng bá thương hiệu và cho nông dân vay vốn với lãi suất 0% để tái canh cà phê.

Các tổ chức có liên quan đến quản lý chất lượng cần tiến hành việc cấp chứng nhận chất lượng hàng năm cho cà phê có chỉ dẫn địa lý.

Ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn cho rằng, để thương hiệu cà phê Việt nói chung có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp, thì Nhà nước đóng vai trò quan trọng, bởi cà phê Việt hay chỉ dẫn địa lý là hình ảnh quốc gia.

Do đó, cần những chính sách để thúc đẩy, quản lý và bảo vệ hình ảnh đó làm cơ sở để doanh nghiệp có điểm tựa thúc đẩy thị trường, phát triển sản phẩm trên nền tảng có sự quản lý của Nhà nước.

Đặc biệt, cần có các chính sách và giải pháp đồng bộ của Nhà nước để quảng bá, giới thiệu sản phẩm nhằm nâng cao hình ảnh cà phê Việt trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị, thúc đẩy thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng./.

Thành Trung/BNEWS/TTXVN