Vòng bán kết 2 “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” lần 8 đã khép lại tại Hà Nội vào chiều 18/9 với 12 dự án được chọn vào thi chung kết. Đây là những dự án thể hiện được sự vượt trội trong phần thi thuyết trình, sản phẩm thực tế ở phần trưng bày đã thuyết phục được các thành viên ban giám khảo.
Theo đó, Bắc Kạn, Nam Định và Thanh Hóa cùng có 2 dự án đi tiếp. 6 dự án còn lại vào chung kết thuộc về Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Sơn La và Lạng Sơn. Đặc biệt, ngay ở vòng bán kết này, đã có nhiều phần thưởng phụ được trao tặng cho các dự án. Quỹ phát triển Nông nghiệp gắn với Văn hóa và cộng đồng trao tặng cho 2 dự án Bảo tồn nghề thêu dệt gắn với văn hoá người Pà Thẻn (Hà Giang) và Nuôi Vịt bản địa thả suối gắn với sinh kế cho phụ nữ thoát nghèo (Lạng Sơn), mỗi dự án 5 triệu đồng.
Công ty TNHH MTV Tư Vấn QP Consulting trao tặng gói tư vấn xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì 2 sản phẩm mẫu, dành cho dự án Các sản phẩm chiết xuất thảo mộc mang thương hiệu Bình An Natural của Lưu Thị Thanh Thùy (Thanh Hóa). Doanh nghiệp này cũng hỗ trợ, kết nối gửi sản phẩm mẫu đến bếp trưởng Hoàng Tùng của 2 nhà hàng Top 100 nhà hàng tốt nhất châu Á. Các dự án nhận được phần thưởng này gồm có Bún ngũ sắc và Trà hoa hồng (Bắc Kạn), Giấm mơ (Nam Định) và sản phẩm Chẩm chéo của Sơn La.
Chuyên gia Trần Trí Dũng – Cố vấn chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ trao tặng giải Mentor cho dự án là “Làng sinh thái ven biển”, hướng dẫn về mô hình kinh doanh và thiết kế tour trải nghiệm văn hoá.
Giám khảo Hoàng Sơn Công – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam
Tại vòng bán kết, giám khảo Hoàng Sơn Công – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và Chuyển giao công nghệ ngành bán lẻ Việt Nam cho rằng ở cuộc thi lần thứ 8 này có yếu tố phát triển sinh kế cộng đồng rất cao, gần như 100% dự án tham gia vòng bán kết này đều như vậy. Có nhiều nhóm thi khá mạnh, làm cho ban giám khảo bối rối. Ngoài chất lượng được chuẩn bị chu đáo, các đội nhóm thi được hỗ trợ rất mạnh. Đó phải kể đến tỉnh đoàn Bắc Kạn, Lạng Sơn hỗ trợ các dự án thi rất tốt, hoặc là nhóm hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Thanh Hóa, Hà Giang cũng có tinh thần tập thể, hỗ trợ tốt cho các dự án kể cả trong khâu chuẩn bị, trưng bày sản phẩm và phần thi thuyết trình.
Chị Đặng Thanh Phương – Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ Phát triển Thanh niên FYE chia sẻ rằng rất ấn tượng với các dự án tham gia vòng bán kết. Các bạn tham gia mang hết tâm huyết không chỉ về khởi nghiệp mà còn mong muốn phát triển, bảo tồn, duy trì những sản phẩm bản địa. Chị còn ấn tượng với những người phụ nữ vùng núi cao như thí sinh Ván Thị Chi (dân tộc Pà Thẻn), chủ dự án Bảo tồn nghề thêu dệt gắn với văn hoá người Pà Thẻn (Hà Giang) hay các dự án nông nghiệp từ tài nguyên bản địa ở Sơn La, Bắc Kạn… Các chủ dự án đã có nhiều tiến bộ nhờ được gặp gỡ với chuyên gia nên giờ đã biết cách phân tích tài chính, biết được điểm hòa vốn. Câu chuyện biết cách ứng dụng khoa học kỹ thuật không chỉ trong sản phẩm mà còn ứng dụng trong marketing được các dự án thực hiện ngày càng bài bản.
Cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp Nông nghiệp – đổi mới sáng tạo” lần 8 – 2022 nhằm cổ vũ, khuyến khích và xây dựng tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp, tham gia phát triển kinh tế của thanh niên nông thôn; tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên Việt Nam trong quá trình khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển tài nguyên bản địa.
Năm 2022, Cuộc thi do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (TT.BSA), Hội doanh nghiệp HVNCLC tổ chức với sự đồng hành của Qũy hỗ trợ phát triển Thanh niên, Công ty Cổ phần phân bón dầu khí Cà Mau, Dự án HVNCLC Chuẩn hội nhập đồng tổ chức.  Đồng hành cùng cuộc thi còn có nhiều doanh nghiệp hội viên Hội HVNCLC như Công ty Cổ phần Vinamit, Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, Công ty TNHH Minh Long I, Công ty Cổ phần Cơ điện Tân Hoàn Cầu, Công ty TNHH SX TM DV Qui Phúc, Công ty TNHH MTV Tư Vấn QP Việt Nam, Công ty TNHH Lợi Lợi Dân, Công ty Tư vấn Kinh doanh Hội nhập Toàn Cầu GIBC, Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan….
DANH SÁCH 12 DỰ ÁN KHU VỰC MIỀN BẮC GIÀNH VÉ VÀO CHUNG KẾT
Số thứ tự Địa phương Tên dự án Tên thí sinh
1 Bắc Kạn Mô hình tổ chức liên kết trồng, chế biến Sâu Hoa hồng theo chuỗi giá trị có kiểm soát Hà Thị Nhâm
2 Bắc Kạn Dự án chế biến bún ngũ sắc Phan Thị Tố Mười
3 Hà Nội Reo Coffee –  Hệ sinh thái vườn rừng Đỗ Lan Hương
4 Hải Phòng  Sổ gạo – Cánh đồng sẻ chia Bùi Ngọc Cường
5 Lạng Sơn Sản xuất các sản phẩm từ quả Mác Mật Dương Hữu Điện
6 Nam Định DA phát triển làng nghề giấm truyền thống Bách Cốc cổ Vũ Minh Ngọc
7 Nam Định Làng sinh thái ven biển Doãn Thị Thoa
8 Nghệ An NANOSALT – Muối dược liệu Việt Nam Trần Thị Hồng Thắm
9 Thái Bình Khôi phục làng nghề dệt lụa đũi Nam Cao kết hợp du lịch công đồng Lương Thanh Hạnh
10 Thanh Hoá Sữa gạo lên men Amazake Nguyễn Mạnh Tiến
11 Thanh Hoá Nước mắm Vị Thanh – HTX Chế biến Thủy sản Hải Bình Nguyễn Thế Hoàng
12 Sơn La Nâng cao giá trị nông sản Sơn La- Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Bùi Phương Thanh

Một số hình ảnh tại vòng bán kết

Dự án Sản xuất các sản phẩm từ quả Mác Mật trình bày bài thi
Dự án Nâng cao giá trị nông sản Sơn La- Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số bản địa trình bày bài thi
Phần thi thuyết trình của dự án Khôi phục làng nghề dệt lụa đũi Nam Cao kết hợp du lịch công đồng (Thái Bình)
Sản phẩm của dự án Khôi phục làng nghề dệt lụa đũi Nam Cao kết hợp du lịch công đồng (Thái Bình)
Công ty Tập đoàn đầu tư Ruby Sun Việt Nam trao tặng cho 2 dự án Bảo tồn nghề thêu dệt gắn với văn hoá người Pà Thẻn (Hà Giang) và Nuôi Vịt bản địa thả suối gắn với sinh kế cho phụ nữ thoát nghèo (Lạng Sơn), mỗi dự án 5 triệu đồng.
Công ty TNHH MTV Tư Vấn QP Việt Nam trao tặng gói tư vấn xây dựng thương hiệu, thiết kế bao bì 2 sản phẩm mẫu, dành cho dự án Các sản phẩm chiết xuất thảo mộc mang thương hiệu Bình An Natural của Lưu Thị Thanh Thùy (Thanh Hóa).
Chị Ván Thị Chi – Chủ dự án Bảo tồn nghề thêu dệt gắn với văn hoá người Pà Thẻn (Hà Giang)