
Sáng 9/11, tại Hội trường Dinh Thống Nhất, TP.HCM, vòng Chung kết Cuộc thi Ý tưởng/Dự án Khởi nghiệp Xanh – Phát triển bền vững lần thứ 10 năm 2024 đã chính thức diễn ra. Vòng chung kết cuộc thi năm nay có sự tham gia của 36 ý tưởng/dự án, chia làm 2 bảng: bảng A là 12 ý tưởng/dự án và bảng B là 24 dự án.
Phát biểu khai mạc bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), cho biết: “Mỗi một lần tổ chức cuộc thi lại thêm có nhiều điểm mới. Điểm mới năm nay của cuộc thi là chúng tôi không chỉ chấm các dự án khởi nghiệp mà còn chấm thêm cả các ý tưởng. Chủ yếu các ý tưởng là các bạn đồng bào các dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Khi chúng tôi đọc các ý tưởng của các bạn thấy có rất nhiều triển vọng với các ý tưởng khai thác rất tốt các giá trị tài nguyên bản địa. Vì vậy cuộc thi năm nay có hai bảng: một bảng 12 ý tưởng/dự án và bảng thứ hai là 24 dự án đã hoạt động đến 4-5 năm”.
Vòng Chung kết thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia, doanh nhân và cộng đồng khởi nghiệp.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, cho tới nay sau 10 năm chúng ta đã có 2.300 thí sinh đến dự cuộc thi, trong đó có đến 1.600 dự án. Các ý tưởng, dự án tham dự cuộc thi mỗi năm sẽ góp phần bổ sung, mở rộng, làm mạnh thêm, đa dạng thêm cộng đồng doanh nông khởi nghiệp.
“Cuộc thi năm nay có 12 ý tưởng và 24 dự án đến từ 26 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Chúng tôi rất mừng vì cuộc thi năm nay thu hút được nhiều ý tưởng, dự án từ miền Trung và nhiều tỉnh cực Bắc của tổ quốc. Chúng tôi mừng vì sở dĩ trước đó TP.HCM và các tỉnh đồng bằng đã có nhiều dự án tham dự và đã có những sản phẩm thâm nhập sâu vào thị trường trong nước và thế giới, thì nay sự tham dự của các ý tưởng/dự án miền Trung và miền Bắc là tín hiệu mới mà chúng tôi thấy rất mừng” – bà Vũ Kim Hạnh nói.
Chia sẻ thêm về cuộc thi, bà Vũ Kim Hạnh cho biết, sáng nay bà đã từ đến sớm, đi một vòng các dự án, thấy rất mừng khi gặp nhiều bạn của các dân tộc, Dao, Mông, Tày, Nùng, Thái… tham gia.
“Sau khi các bạn tham gia vào chương trình này, bất kể có đến được chung kết hay không, thì các bạn đều được tham gia vào các bussiness tour, các cuộc triển lãm… Đặc biệt, mỗi bạn tham gia được tham gia vào 30 suất học mà chúng tôi tổ chức hàng tuần, hàng tháng. Năm nay, việc kết nối với thị trường quốc tế được coi trọng hơn, để các bạn có thể sớm tiếp cận với tiêu chuẩn và thị trường quốc tế” – bà Vũ Kim Hạnh khẳng định.
Ban tổ chức trao chứng nhận cho các đội tham dự vòng chung kết.
Cuộc thi năm nay do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp – BSA phối hợp cùng Công ty CP Vinamit, Tập đoàn Trung Nguyên Legend tổ chức. Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là 967.000.000 VNĐ, trong đó 222.000.000 VNĐ tiền mặt cho các ý tưởng/dự án đạt giải ở cả 2 bảng A – B.
Bảng A có 5 giải thưởng trị giá 200.000.000 VNĐ, trong đó tiền mặt là 45.000.000 VNĐ; Các giải quy đổi ươm tạo khác là 155.000.000 VNĐ.
Bảng B có 11 giải thưởng trị giá giải thưởng: 650.000.000 VNĐ, trong đó tiền mặt: 180.000.000 VNĐ; Các giải quy đổi hoạt động khác là 470.000.000 VNĐ.
Bên cạnh đó, tương ứng với những giải đạt được, các ý tưởng/dự án còn có thêm cơ hội tham gia Hội chợ quốc tế có liên quan đến nông nghiệp – công nghệ thực phẩm cùng Trung tâm BSA; Tham gia các lớp học nâng cao kiến thức về phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, thực hành tiêu chuẩn; tham gia kỳ study tour trong nước (học thực tế tại doanh nghiệp, nông trường, trang trại có chuyên gia huấn luyện trong 2-3 ngày); Các phiếu mua vật tư nông nghiệp; tham gia Phiên chợ Khởi nghiệp xanh; thực hiện các clip truyền thông ngắn giới thiệu doanh nghiệp…
Cùng với đó, Ban tổ chức còn có thêm một số giải thưởng chuyên môn khác: Giải thưởng Đồng hành cùng Khởi nghiệp Xanh: Quy đổi hoạt động chụp sản phẩm tại studio chuyên nghiệp của Công ty KV Production dành cho cả 2 bảng A và B; 30 suất tham gia khóa học và thực tập về bao bì, tư vấn thiết kế bao bì… học trực tiếp tại nhà máy Tafuco (Bà Rịa).
Ban tổ chức trao quà cho các đội tham dự vòng chung kết.
Cuộc thi được chia thành 2 bảng:
Bảng A: Dự án là cá nhân/nhóm có ý tưởng, đang trong quá trình nghiên cứu và đã có sản phẩm mẫu, sản phẩm đã ra thị trường, thời gian triển khai hoạt động dự án dưới 01 năm.
Bảng B: Dự án là cá nhân, tập thể thuộc tổ hợp tác/ hợp tác xã/doanh nghiệp có thời gian hoạt động trên 01 năm (căn cứ theo thời gian cấp GCN/Giấy thành lập doanh nghiệp/HTX). Có sản phẩm/ dịch vụ đã được thương mại hóa và thời gian hoạt động không quá 05 năm kế từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.
36 dự án đến từ 26 tỉnh, thành, trải dài từ Bắc – Trung – Nam, như: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, TP.HCM, Vũng Tàu, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang. Trong đó, có nhiều bạn trẻ, thanh niên nông thôn là đồng bào các dân tộc: Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Raglai… tham gia với các dự án từ tài nguyên bản địa quê mình.
Các đội tham dự vòng chung kết chụp ảnh lưu niệm với ban giám khảo và ban tổ chức.