Là con gái của bộ đôi “quyền lực” trong làng bánh, Kao Huy Minh và Kao Huy Phương, hai ái nữ của ông Kao Siêu Lực – sáng lập thương hiệu ABC Bakery với khao khát chinh phục khách hàng bằng bánh và kem.
Hai cô với hai “tham vọng” trái ngược, nhưng lại củng cố thêm cho vị thế của một thương hiệu Việt: chinh phục khách hàng không chỉ trong nước, mà còn là vươn ra thế giới.
TGHN đã trò chuyện với gia đình ABC Bakery – là một trong những doanh nghiệp gia đình phát triển mạnh trong hơn mười năm qua. Câu chuyện về thế hệ kế tiếp của doanh nghiệp gia đình ABC Bakery, với hành trình bắt đầu từ đam mê rất riêng của hai cô gái họ Kao này.
Tiệm bánh fusion
Tiệm bánh mới khai trương cuối tháng 9 ở Đà Nẵng, nằm ở một con đường sầm uất của quận Hải Châu. Tiệm có thứ mà đứa con nít nào cũng mê: quầy kem tươi với nguyên liệu nhập từ Ý, nhưng làm ra chất Việt Nam. “Ở đây có kem thanh long, kem trái bơ, kem cà phê, kem lá dứa, kem cơm dừa và cả kem mè đen, bởi người Đà Nẵng thích món này”, Kao Huy Minh – con gái thứ của ông chủ ABC, cũng là giám đốc cửa hàng này – giới thiệu với khách. Cô giám đốc trẻ cũng nói rằng kem tươi và bánh tươi được làm từ khuya hoặc rạng sáng, để luôn tươi ngon.
Ở đây, có những loại bánh mới, rất “ngộ” cho thấy hướng đi của người chủ: dùng công nghệ chế biến và bánh đặc trưng châu Âu, nhưng kèm theo nguyên liệu Việt Nam mà khách hàng địa phương yêu thích. Các loại bánh Đan Mạch có nhân khoai lang, bánh croissant Pháp nhân trứng muối. Các cô bán bánh cũng chiều khách. Ví dụ một khách mua cặp bánh mì kem trứng dạng baguette, thì cô bán bánh nói chờ chút, rồi lấy bịch kem tươi bơm vào thêm để “nhân bánh tươi hơn, ngon hơn” – theo lời cô.
Không chỉ vậy, cái bao bì cũng được “đầu tư” công phu, chăm chút cẩn thận, cũng là giấy màu vàng nhưng có miếng lót giấy kiếng bên trong để lộ hình cái bánh trông rất hấp dẫn.
Cô gái trẻ cũng không giấu giếm ý đồ của mình khi tạo ra một dòng kem tươi và bánh tươi theo khuynh hướng fusion của thế giới: kết hợp cái tốt, cái hấp dẫn nhất của hai trường phái ẩm thực. Tại tiệm bánh Hải Châu là công nghệ và bánh châu Âu hoà quyện với nguyên liệu Việt Nam, và đáp ứng khẩu vị địa phương.
Chỉ trong bốn năm, ABC Bakery đã mở được bốn phân xưởng, 39 tiệm ở TP.HCM và hai tiệm ở Phnom Penh. Tiệm ở quận Hải Châu là quán thứ 42 của ABC Bakery và cũng dường như là hướng kinh doanh của Kao Huy Minh: khai thác thị trường nội địa và địa phương.
Mùi bánh đã bay xa
Kao Huy Minh mới gia nhập ABC khoảng năm năm nay, sau khi bỏ công việc marketing ở một toà báo tại Singapore. Còn Kao Huy Phương đã phụ cha mình gầy dựng ABC Bakery trong giai đoạn đầu.
Phương về làm việc với ba sau những ngày suy nghĩ rất lâu. Cô kể, năm 2007 sau khi học xong ngành thực phẩm ở Singapore thì thầy cô và mọi người thúc giục cô xin học bổng danh giá của Tổng thống Singapore. “Thầy hiệu trưởng nói thầy sẵn sàng trải thảm đỏ sau khi tôi theo học cao hơn. Nhưng cứ nhìn thấy ba già đi từng ngày mà vẫn ngập trong công việc, tôi quyết định về”, Phương kể.Cô nói mùi bánh của ngày còn nhỏ và ký ức tuổi thơ đã kéo cô về với ba, bỏ ước mơ làm giáo sư đại học.
Mùa Trung thu năm 2007, từ ý tưởng của Phương, ABC Bakery hợp tác với Walt Disney, in hình những nhân vật hoạt hình nổi tiếng của hãng này lên từng chiếc bánh. Kết quả là hơn 400.000 bánh trung thu ABC được bán hết sạch.
Nhưng mãi đến tết năm 2010, Phương mới dành trọn vẹn thời gian để giúp ông Kao Siêu Lực. Cô mang theo con trai đầu lòng chưa tròn tuổi và chồng người Singapore – cũng ngành thực phẩm – về Sài Gòn.
Trong khi ông Lực theo hướng bỏ vốn riêng hay cùng bà con, người thân hùn vốn mở tiệm, thì thế hệ sau muốn phát triển theo hướng khác. Trước năm 2009, các thương hiệu thức ăn nhanh như Lotteria, KFC hay Burger King tìm đến ABC Bakery để mua nguyên liệu làm bánh. Cột mốc diễn ra khi chuỗi McDonald’s chuẩn bị vào Việt Nam và tìm đến ABC Bakery. Ông đem chuyện kể với các con, Phương và hai em nói: “Ba cố gắng ‘lấy’ McDonald’s thì tiếng tăm mình sẽ tốt hơn”.
Với sự hợp lực của hai con gái, ABC giờ trở thành nhà cung cấp cho hơn 50 thương hiệu ẩm thực quốc tế mở cửa hàng tại Việt Nam. Từ chuỗi thức ăn nhanh như KFC, McDonald’s, Popeyes, Burger King và Dunkin’ Donuts đến chuỗi cà phê, nước uống như kem DQ, Starbucks, The Coffee Bean & Tea Leaf… Rồi chuỗi cửa hàng tiện lợi như Family Mart, Shop & Go, Auchan hay các hệ thống nhà hàng của Golden Gate, rạp chiếu phim CGV, hệ thống cửa hàng sân bay của Sasco…
Đó là “xuất khẩu tại chỗ” của ABC Bakery.Kao Huy Phương muốn bánh của gia đình đến với thị trường nước ngoài. Năm 2018, cô đàm phán xuất sang các nước Đông Nam Á khoảng 80 container, tương đương 1.200 tấn bánh, chủ yếu là bánh mì và bánh bông lan. Mảng xuất khẩu này mới làm trong hai năm nay, nhưng chiếm 16% tỷ trọng doanh thu 600 tỷ đồng trong năm ngoái của ABC Bakery. Đầu năm nay, Phương chốt hợp đồng xuất khẩu khoảng 35 tỷ đồng bánh mì và bánh bông lan sang Nhật. Cô tin tưởng tỷ trọng xuất khẩu của năm 2019 sẽ cao hơn năm trước.
Chuyển giao đam mê, tâm huyết
Hôm khai trương tiệm bánh ở quận Hải Châu, cả ông Lực và con gái thứ hay nhắc đến “đam mê và tâm huyết” khi phát biểu.
Cả nhà chia sẻ trước rất nhiều khách hàng và cả bạn bè đã từng cùng họ qua bao năm tháng, vì thế, đó là tiếng nói cất lên tự đáy lòng và không có “hợp đồng” để nói giống nhau. Ông bố thì không giấu niềm vui về tài dạy học trò: “Hôm nay tôi muốn cám ơn đội ngũ làm bánh giỏi của tôi mà có đồng nghiệp nói là phải… ganh tị, vì các bạn sống chết với nghề và đi cùng tôi nhiều năm đến nay”. Còn cô con gái cất tiếng trong nỗi xúc động từng lời: “Mỗi ngày tôi làm việc bây giờ là một ngày học hỏi các chú, các anh chị”.
Nói vậy để thấy rằng, lúc mới bắt đầu vào nghề cùng bố, không phải lúc nào sự xuất hiện của hai cô con gái cũng giành được tình cảm, sự ủng hộ của khách hàng hoặc từ những người vai vế lớn hơn trong một doanh nghiệp gia đình. Mọi người đến ABC Bakery thì đều vì tên tuổi của ông Ba Lực hay ông Kao. “Khách hàng đến làm việc hỏi có ông Kao không.Nếu không có, họ nói đợi ông Kao về rồi họp”, Kao Huy Minh chia sẻ về việc không được tin tưởng trong những năm đầu. Mọi quyết định của Đức Phát hay ABC Bakery đều tập trung vào ông Lực. Vai trò lúc này của Minh chính vẫn là người phụ trách đối nội và quản lý – cô xây dựng hẳn hệ thống dữ liệu giúp dự báo kinh doanh.
Nhận xét về sự khác biệt của hai thế hệ trong quản lý, Kao Huy Phương cho rằng: “Thế hệ sáng lập mạnh về sản xuất, kỹ thuật, trong khi thế hệ kế cận có lợi thế về công nghệ, tốc độ, quản trị hệ thống. Nếu thế hệ đầu thiên về ổn định, thì thế hệ sau dám thử những điều mới”.
Phương nhắc lại kế hoạch đầu tư nửa triệu USD vào công nghệ và thiết bị mới, đã giúp ABC Bakery giành được hợp đồng của McDonald’s và sau đó là các thương hiệu lớn khác. Nhờ áp dụng hệ thống, sản lượng bánh tại xưởng hiện tăng lên gần năm lần, cho ra 14.000 bánh mỗi ngày, so với 3.000 chiếc bánh như trước kia… Cô nói đến kế hoạch mở rộng mô hình cà phê – tiệm bánh, hay mô hình ABC Bakery Express nhỏ, nhưng hiện đại và linh hoạt hơn.
Hai con gái của ông Lực luôn là người thúc giục ba phải thay đổi, nhưng “các bậc công thần” trong công ty không phải lúc nào cũng chấp nhận. Những thay đổi giai đoạn bị các “bô lão” phản đối, hai con gái “chiêu binh mãi mã” để thay thế và ứng phó để công ty không dừng hoạt động. Các quy định mới được đưa ra, không để những người lợi dụng tình cảm gia đình tồn tại. Mọi việc trôi chảy, ông Lực không can thiệp công việc của hai con nữa. “Ba tôi là người biết lắng nghe”, Phương nói.
Di sản
Lịch làm việc của ông Lực kín mít, thì thời gian biểu của hai con gái cũng vậy. Phương mời khách đến ăn trưa, thì khi khách đến món ăn đã được chọn sẵn. “Thời gian còn lại để tranh thủ làm việc”, cô khéo léo giải thích. Phương kể ba cô tận dụng mọi thời gian của bữa ăn chung cha con để trò chuyện kinh doanh. “Cái máu mê làm việc di truyền từ ba sang”, Phương nói.
Di sản của ông Lực để lại là cái tâm làm ra sản phẩm, an toàn từ lúc chọn nguyên liệu. Bên cạnh đó là sự chăm lo cho đời sống người làm công. Từ hồi ông Lực và vợ chưa ly dị, Đức Phát là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi xây dựng nhà trọ cho công nhân để họ an tâm làm việc. “Thế hệ chúng tôi sẽ tiếp tục”, Phương nói.
Ông Lực đã bớt lo về thế hệ thứ hai của ABC Bakery, nhưng dường như cái máu kinh doanh đã truyền cho thế hệ kế tiếp. Phương kể con trai lớn mười tuổi mê khoa học và toán, hai cô gái tám tuổi và sáu tuổi thì mê nghệ thuật và vẽ. “Một lần đến trường tôi thật sự bất ngờ. Dưới mỗi bức tranh mà hai con gái vẽ là giá tiền. Bức này đề 400.000 đồng, còn bức kia đề 500.000 đồng. Cái máu nghệ thuật thì chắc chắn là từ má tôi, còn máu kinh doanh thì từ cả ba và má”, Phương kể.
Còn chuyện nghề bánh? Phương nói hãy còn dài, vì có thể sau này các con của cô, của Huy Minh và của Hớn Phong cũng sẽ “một ngày nào sẽ nhào vào lò bánh, vì thấy ba mẹ đã già”.
ABC được viết tắt công ty bánh kẹo Á châu (Asia Bakery Confectionary), nhưng cũng được lấy từ chữ cái tên tiếng Anh của Angela (con thứ Kao Huy Minh), Bruce (con trai út Kao Hớn Phong) và Christine (con gái lớn Kao Huy Phương). Hai con gái học ở Singapore ngành thực phẩm và quản trị doanh nghiệp. Con trai út là bản sao làm bánh của ông Lực và cũng là người vẽ logo của ABC Bakery.
Tiền thân của doanh nghiệp là tiệm bánh Đức Phát, đặt theo tên vợ ông – bà Dư Đức Phát. Ông Lực là Việt kiều từ Campuchia hồi hương về Việt Nam năm 1975, tự học tiếng Việt và tự làm nghề bánh. Ban đầu, Đức Phát chỉ bán bánh bông lan, rồi dần sang bánh croissant, rồi bánh dừa lưới và các loại khác. Năm 2005, cả hai ly hôn. Bà phát triển Đức Phát, còn ông và ba con gầy dựng từ đầu thương hiệu ABC Bakery.
Nguyên Thảo