Các nước chịu ảnh hưởng nhất đều phụ thuộc cao vào xuất khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, ôtô và vận chuyển. 

Công nhân làm việc tại nhà máy chế tạo xe điện ở thành phố Sanmenxia, trung tâm tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.

Mười tháng sau khi Tổng thống Donald Trump khởi xướng cuộc chiến thuế quan, con đường dẫn đến tương lai của thương mại tự do và bình đẳng ngày càng hẹp lại. Một mặt, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng ở Mỹ đe dọa đẩy lùi hàng thập kỷ quá trình tháo gỡ các rào cản thương mại.

Mặt khác, chính sách công nghiệp ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ không dành đủ nguồn lực cho các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với các đối thủ quốc tế.

Nguồn cơn của những gì đang xảy ra hiện nay bắt đầu vào ngày 10/11/2001. Hôm đó, tại cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ở Doha, Trung Quốc đã chính thức trở thành thành viên thứ 143 của WTO. Sau đó, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã hứa Trung Quốc sẽ  “cân nhắc cẩn thận giữa việc tôn trọng các cam kết và quyền lợi của mình”.

Bộ trưởng Ngoại thương Trung Quốc Shi Guangsheng ký văn bản gia nhập WTO vào năm 2001.

Kết quả ban đầu khá tích cực. Tại Trung Quốc, xuất khẩu tăng vọt đã thúc đẩy nền kinh tế giữ vững mức tăng trưởng ở hai con số trong nhiều năm, đưa hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo. Các công ty quốc tế khai thác lực lượng lao động giá rẻ của quốc gia này để cắt giảm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận. Tăng trưởng toàn cầu rất mạnh, với mức trung bình 4,5% từ năm 2002 đến năm 2008, tăng từ 3,5% từ năm 1995 đến năm 2001. Tăng trưởng thương mại toàn cầu đạt mức tăng trung bình hàng năm 6% trong vòng 7 năm trước khi Trung Quốc gia nhập WTO  lên 14,7% từ năm 2002, và kéo dài cho đến khi bùng nổ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Tuy nhiên,  vấn đề đã xuất hiện (Hình 1).  Doanh số bán hàng ở nước ngoài của Trung Quốc bùng nổ, nhưng các dây chuyền lắp ráp vẫn phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu từ Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản. Các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh lo ngại rằng nước này có nguy cơ bị mắc kẹt trong chuỗi giá trị gia tăng thấp của chuỗi cung ứng.

Giá trị xuất khẩu thay đổi theo từng năm

Tại Hoa Kỳ và châu Âu, lực lượng lao động phổ thông bị ảnh hưởng trầm trọng bởi hàng nhập khẩu giá rẻ. Một nghiên cứu ước tính rằng từ năm 1999 đến năm 2011, có tới 2,4 triệu việc làm ở Hoa Kỳ đã bị mất sang Trung Quốc. Lực lượng lao động ở Mỹ đã có những phản ứng dữ dội. Ông Trump đã tận dụng triệt để sự giận dữ này vào trong chiến dịch tranh cử tổng thống của ông. Ông đã liên tục đưa ra thông điệp về bảo đảm quyền lợi cho người lao động Mỹ, chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc.

Việc các ứng cử viên tổng thống Mỹ dùng lá bài Trung Quốc không có gì mới: ông Clinton, ông Bush, và ông Obama cũng đã làm như vậy. Tuy nhiên, ông Trump đã biến những lời nói thành hiện thực. Vào cuối tháng 10/2018, Hoa Kỳ đã áp đặt mức thuế 25 phần trăm lên 50 tỷ đôla hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và10 phần trăm trên 200 tỷ đôla bổ sung. Mức thuế sau cùng này dự kiến sẽ tăng lên 25 phần trăm vào đầu năm 2019, và ông Trump đe dọa sẽ tăng thuế trên toàn bộ hàng xuất khẩu trị giá 505 tỷ đôla của Trung Quốc vào Hoa Kỳ.

Không chỉ dừng lại ở vai trò là công xưởng của thế giới, các quan chức ở Bắc Kinh đã bắt đầu một loạt các sáng kiến ​​nhằm biến Trung Quốc thành trung tâm công nghệ của thế giới trong các lĩnh vực robot, bán dẫn và sản xuất xe sử dụng năng lượng mới, được chi tiết hoá trong chương trình “Made in China 2025”.

Kế hoạch này đã rung hồi chuông báo động cho Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan là các nền kinh tế thống trị các lĩnh vực mà Trung Quốc đang hướng đến. Trung Quốc đã không còn chào đón các dự án đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực mang lại lợi nhuận thấp như sản xuất quần áo, giày dép và đồ chơi. Nếu kế hoạch “Made in China 2025” thành công, các pháo đài còn lại của lợi thế so sánh sẽ đối mặt với một thách thức mới (Hình 2). 

Tỷ lệ GDP toàn cầu

Nếu tính đến mốc 20 năm kể từ khi Trung Quốc trở thành thành viên WTO, tình thế đã đảo ngược. Tỷ lệ của Hoa Kỳ trong nền kinh tế toàn cầu đã thu hẹp lại. Trong khi đó, cam kết của Trung Quốc đối với cải cách thị trường  đã được tách ra thành chính sách hoạt động công nghiệp, thách thức các giới hạn của các quy tắc WTO.

China 2025 và sự trở lại của Chính sách Công nghiệp

Theo quan điểm của các nhà hoạch định công nghiệp của Trung Quốc, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay,  các nhà máy trong nước “lớn nhưng chưa mạnh”. Bằng cách cố gắng đạt được lợi thế về công nghệ mới và tích hợp chúng vào chuỗi cung ứng sản xuất, Trung Quốc năm 2025 sẽ không còn những yếu điểm như hiện nay.

Chính phủ Trung Quốc xác định 10 lĩnh vực chính: công nghệ thông tin tiên tiến, công cụ máy điều khiển số và robot, máy bay, thiết bị đại dương và tàu chuyển, thiết bị vận tải đường sắt, xe năng lượng mới, thiết bị điện, thiết bị nông nghiệp, vật liệu mới và dược phẩm sinh học và trang thiết bị y tế. Mục tiêu là nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển, tăng cường năng lực sản xuất để tránh phụ thuộc vào các linh kiện nhập từ nước ngoài.

Quy hoạch công nghiệp của Trung Quốc không lệch hướng với chiến lược phát triển của các cường quốc sản xuất khác bao gồm Nhật, Hoa Kỳ và Châu Âu.

Ba điểm nổi bật trong kế hoạch đến năm 2025 của Trung Quốc:

 Hỗ trợ của chính phủ: Các khoản đầu tư từ chính quyền trung ương và địa phương, các ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước tài trợ cho China 2025 là rất lớn. Giá trị của các vụ mua bán sáp nhập trong lĩnh vực công nghệ của các doanh nghiệp Trung Quốc với các doanh nghiệp nước ngoài trong giai đoạn 2015-2017 là 35 tỷ đôla, cao hơn gần bốn lần so với giai đoạn ba năm trước đó. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin đã phân bổ 1,5 tỷ USD để hỗ trợ các ngành công nghiệp mục tiêu. Trong khi đó, Đức đã phân bổ 230 triệu USD cho chương trình “Công nghiệp 4.0” của mình.

 Thách thức cạnh tranh công bằng: Theo báo cáo của Đại diện Thương mại Hoa Kỳ được công bố vào tháng 3, Trung Quốc bị cáo buộc không tuân theo các quy tắc. Tài liệu 215 trang này kết luận rằng Trung Quốc đang dùng tiền để “gây tổn hại” cho các công ty nước ngoài và “làm suy yếu hệ thống thương mại toàn cầu”.

● Quy mô và chính trị của Trung Quốc: Đài Loan, Hàn Quốc, và thậm chí Nhật Bản có thể biến mình thành các cường quốc công nghiệp mà không ảnh hưởng đến sự cân bằng quyền lực toàn cầu. Trung Quốc, với dân số 1,4 tỷ người, phải tiếp tục nỗ lực phát triển nữa để vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới. Là một quốc gia theo chế độ một đảng và là một đối thủ địa chính trị của Hoa Kỳ, Trung Quốc sẽ thách thức trật tự toàn cầu khi giữ vai trò lãnh đạo kinh tế.

Các thương vụ của các công ty Trung Quốc trong các ngành nghề thuộc kế hoạch Made in China 2025

Người thắng và kẻ thua từ “Made in China 2025”

Xét về mặt vĩ mô, nỗ lực của Trung Quốc để bắt kịp và khẳng định mình trong vai trò dẫn dắt công nghệ toàn cầu vẫn phát triển ổn định. Chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển đã tăng lên 2,1% tổng sản phẩm quốc nội trong năm 2016, từ mức 0,9% trong năm 2000. Năm 2010, Trung Quốc xếp hạng 43 trong Chỉ số Đổi mới Toàn cầu do Đại học Cornell, INSEAD và Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tiến hành. Vào năm 2018, Trung Quốc nó đã vượt lên vị trí thứ 17, trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao nhất.

Ở cấp độ ngành, trong một số lĩnh vực chẳng hạn như thiết bị vận tải đường sắt, Trung Quốc đang bành trướng ra thị trường toàn cầu. Trong các lĩnh vực công nghệ khác như robot, khoảng cách giữa các công ty trong nước và toàn cầu vẫn còn lớn. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh các hoạt động mua bán sáp nhập các công ty quốc tế về công nghệ, và các nhà cung cấp trong nước đã chứng kiến ​​sự sụt giảm thị phần của họ.

Nhìn chung, nhiều chuyên gia cũng cho rằng những lo ngại về chính sách hoạt động công nghiệp của Trung Quốc có thể bị thổi phồng. Mặc dù vậy, vẫn cần xem xét xem ai sẽ chịu thiệt hại nhất nếu đất nước này thành công với tham vọng của mình. Dựa trên một báo cáo của Trung tâm Thương mại Quốc tế (WTO), Đức, Hàn Quốc và Đài Loan là những nước chịu ảnh hưởng đầu bảng. Những nước này đều có sự phụ thuộc cao vào xuất khẩu và nằm trong các lĩnh vực mà “Made in China 2025” nhắm đến. Ôtô Đức, thiết bị điện tử, ôtô và tàu hàng của Hàn Quốc và thiết bị điện tử Đài Loan đều phải đối mặt với một mối đe dọa cạnh tranh từ Trung Quốc.

Nhật Bản, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha có phần ít bị tác động hơn. Ôtô ở Tây Ban Nha và Nhật Bản, động cơ ở Vương quốc Anh, máy bay ở Pháp và thiết bị điện tử ở Nhật Bản là những nhóm hàng dễ bị tổn thương nhất.

Hoa Kỳ là nước an toàn nhất, do phụ thuộc thấp vào xuất khẩu và hầu như không có nhiều ngành nằm trong kế hoạch thúc đẩy phát triển của Trung Quốc. Một ngoại lệ duy nhất là máy bay, nhưng cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa đủ tầm để trở thành đối thủ của Mỹ trong lĩnh vực này.

Cái giá phải trả của cuộc chiến thương mại

Trung Quốc đã tiến hành các nỗ lực hòa giải, bao gồm việc mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng và ôtô, hứa hẹn về nâng cao bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và thậm chí cam kết mua thêm thịt bò, gia cầm và khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ để giảm thâm hụt thương mại. Vào tháng 7/2018 chính quyền Trump đã áp đặt mức thuế 25% lên 34 tỷ đôla hàng xuất khẩu của Trung Quốc, và sau đó tăng lên thêm 16 tỷ đôla. Tính đến cuối tháng 10, Hoa Kỳ đã áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc trị giá 250 tỷ đôla, gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ. Tổng thống Trump đã đe dọa tiếp tục nâng cao mức thuế hơn nếu cần thiết.

Nền kinh tế toàn cầu sẽ ra sao nếu cuộc chiến thương mại leo thang?

● Kinh tế thực: Chi phí nhập khẩu cao hơn làm tăng lạm phát, ảnh hưởng sức mua của các hộ gia đình và kéo tiêu thụ xuống. Các doanh nghiệp sẽ phải đối phó bằng cách giảm đầu tư, tăng thêm suy thoái. Trong trung hạn, tăng trưởng năng suất chậm do vướng các rào cản.

● Thị trường tài chính: Chiến tranh thương mại đe doạ đến doanh thu của công ty. Giá cổ phiếu liên tục sụt giảm sẽ tác động đến túi tiền, niềm tin của các hộ gia đình, và làm hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng, đồng thời sẽ làm tăng chi phí, sụt giảm lòng tin của doanh nghiệp và làm giảm đầu tư.

Nhìn chung, một cuộc đối đầu leo ​​thang có thể gây tác động xấu, và không chỉ cho Trung Quốc và Mỹ. Trong một thế giới lý tưởng, các quốc gia nên cùng nhau nỗ lực giảm bớt căng thẳng và tìm ra các quy tắc mới cho thương mại toàn cầu, đảm bảo quyền lợi cho tất cả các nền kinh tế.

Ngân Giang (theo Bloomberg)