Drone của hãng Day Best được sử dụng trong các chiến dịch vận chuyển vaccine đến những vùng hẻo lánh, trắc trở.
Tiêu điểm
Ấn Độ dùng drone vận chuyển vaccine để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng
Từ đầu tháng 10, Ấn Độ bắt đầu sử dụng những chiếc drone sản xuất trong nước để đưa vaccine ngừa Covid-19 đến những vùng hẻo lánh, khó tiếp cận. Đây là bước tiến mới nhằm giúp đất nước đông dân thứ hai trên thế giới có thể hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn bộ dân số trưởng thành 940 triệu người vào cuối tháng 12 năm nay.
Có tên là iDrone, chương trình là sáng kiến của Hội đồng nghiên cứu y khoa Ấn Độ do Bộ Y tế quản lý. Một trong những chuyến bay vận chuyển vaccine đầu tiên là đến đảo Karang nằm giữa hồ nước ngọt lớn nhất vùng Đông Bắc ở tỉnh Manipur. Quãng đường 31 cây số được iDrone thực hiện trong 15 phút, thay vì đến bốn tiếng đồng hồ nếu đi xe và thuyền.
Công nghệ mới có thể là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong việc đáp ứng các thách thức của dịch vụ y tế tại những nơi hẻo lánh. “Đây là lần đầu tiên drone ‘Make in India’ được sử dụng ở Nam Á trong vận chuyển vaccine. Tôi tin chắc rằng sáng kiến này sẽ giúp chúng ta đạt được độ tiêm phủ cao nhất có thể”, Bộ trưởng Y tế Mansukh Mandaviya phát biểu.
Các chuyến chở vaccine bằng drone đã được cấp phép ở các tiểu bang vùng Đông Bắc như Manipur, Nagaland và các đảo dưới sự quản lý của chính quyền liên bang là Andaman và Nicobar.
Tính đến sáng 13-10, Ấn Độ đã tiêm 955 triệu liều, với hơn 73% dân số trưởng thành tiêm ít nhất một mũi và 28% tiêm đủ hai mũi. Khởi động từ tháng 1-2021, chương trình tiêm chủng quốc gia của Ấn Độ đạt trung bình 7,87 triệu liều mỗi ngày trong tháng 9 vừa rồi, tăng gần gấp đôi tỷ lệ tiêm hàng ngày 4,34 triệu liều vào tháng 7 – theo dữ liệu của Bộ Y tế.
Hiện Ấn Độ đang sử dụng Covishield – loại vaccine được hãng AstraZeneca nhượng quyền cho Viện Serum Ấn Độ, Cavaxin do hãng dược nội địa Bharat Biotech sản xuất và Sputnik V của Nga.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tiêm chủng 940 triệu dân số trưởng thành vào cuối năm, Ấn Độ cần phải tăng tốc chiến dịch tiêm chủng ở mức trên 10 triệu liều mỗi ngày. Trong gần 10 tháng qua, Ấn Độ chỉ có 5 ngày đạt mục tiêu đó kể từ cuối tháng 8 rồi.
Trong khi đó, chính phủ dường như lại lạc quan. “Chúng ta đang đi đúng hướng, đúng tốc độ”, V.K. Paul, cố vấn cấp cao của chính phủ về Covid-19, trả lời báo chí trong tuần rồi.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC hiện đang ở mức 57,40 – 58,1 triệu đồng/lượng, tăng 150.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá hai đầu vẫn 700.000 đồng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đang ở mức 1.762,2 USD/ounce, tăng 8,4 USD, tương đương 0,48% so với chốt phiên trước. Được biết, giá vàng cũng được hưởng lợi khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu vì rủi ro gia tăng dưới ảnh hưởng của sự tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, áp lực giá và các mối đe dọa từ biến thể Delta của Covid-19.
2/ Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, riêng tháng 8, giá trị xuất khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam sang thị trường Hàn Quốc đạt 11,1 triệu USD, tăng 13,66% so với cùng kỳ năm ngoái. Luỹ kế 8 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc đạt 107,25 triệu USD, tăng 3,47% so với cùng kỳ 2020. Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có 6 loại trái cây tươi đã được phép xuất khẩu chính thức vào thị trường Hàn Quốc gồm: dừa, dứa, thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, xoài, chuối. Tuy nhiên, lượng trái cây này sang Hàn Quốc còn thấp. Trong đó, sản lượng chuối Việt Nam chỉ chiếm xấp xỉ 2% thị phần của Hàn Quốc và đang cạnh tranh mạnh với chuối Philippines (chiếm 75,8% sản lượng nhập khẩu loại quả này của Hàn Quốc).
Nông dân ở Hàm Thuận Nam thu hoạch thanh long trong vườn. Ảnh: Việt Quốc
3/ Theo Bloomberg, các đơn vị sản xuất của Samsung, Intel Electronics đã đặt mục tiêu khôi phục hoàn toàn hoạt động nhà máy tại TP. HCM vào cuối tháng 11. Được biết, Khu Công nghệ cao TP. HCM hiện đang giúp đỡ các doanh nghiệp tại đây hoạt động hết công suất vào tháng tới, trong đó nhiều đơn vị đang hoạt động với khoảng 70% công suất. Động thái này được hy vọng sẽ giúp hỗ trợ cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Vào tháng 7 vừa qua, Samsung đã phải đóng cửa 3 trong số 16 phân xưởng của doanh nghiệp tại Khu công nghệ cao Sài Gòn (SHTP). Đồng thời, họ cũng cắt giảm hơn một nửa số công nhân tại HCMC CE Complex. Tương tự, Intel, có nhà máy tại SHTP, cũng đã cho công nhân ở lại nhà máy hoặc thuê khách sạn cho nhân viên để tránh phải tạm dừng hoạt động.
4/ Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích cây trồng và vật nuôi đã chuyển đổi trên đất lúa năm 2021 tại các tỉnh Nam Bộ ước đạt 77.328 ha. Theo đó, việc chuyển đổi trên đất lúa giúp sử dụng nước tiết kiệm và mang lại lợi nhuận cao hơn trồng lúa, hệ số sử dụng đất tăng lên từ 1,5 – 2,2 lần tùy điều kiện của từng vùng. Tuy nhiên, một số vùng chuyển đổi còn mang tính tự phát, chưa phù hợp với kế hoạch chung, chưa có nhà máy chế biến và chưa có nhiều doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Một số cây trồng khi chuyển đổi nhưng lại có lợi thế cạnh tranh kém, đầu ra tiêu thu sản phẩm chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào canh tác, kiểm soát chất lượng.
5/ Sáng ngày 13/10, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam xuống 2-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% công bố hồi tháng 9. Theo đó, mức dự báo mới dựa trên cơ sở GDP quý III suy giảm sâu 6,2% (so với cùng kỳ năm trước); và mức độ kinh tế phục hồi mạnh mẽ trong quý 4 khi hai đầu tàu kinh tế Hà Nội, TP.HCM đang gỡ bỏ dần các lệnh hạn chế. Để gỡ bỏ những nút thắt về logistics và kinh tế, WB nhấn mạnh Việt Nam cần tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vaccine, đồng thời khuyến khích dịch chuyển lao động. Tuy nhiên theo WB, việc vận hành trở lại của nền kinh tế cũng sẽ đối diện với một số thách thức trong thời gian tới.
6/ Theo Bloomberg, Apple hiện đang phải cắt giảm khoảng 10 triệu chiếc iPhone 13 trong năm 2021 do tình trạng thiếu hụt chip, khiến các chuỗi cung ứng không thể giao đúng sản lượng như dự kiến. Theo đó, các nhà cung ứng chủ chốt của Apple gồm Broadcom và Texas Instruments không thể cung cấp đủ số lượng linh kiện cần thiết, vì vậy Apple buộc phải yêu cầu các bộ phận khác trong dây chuyền sản xuất cắt giảm sản lượng đầu ra. Với quy mô sản xuất lớn, Apple vẫn được các nhà cung cấp ưu tiên về mọi thứ, do đó, việc thiếu chip vẫn chưa tác động lớn đến iPhone. Tuy nhiên, doanh số bán iPhone trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Được biết, sau khi thông tin này được đăng tải, cổ phiếu của Apple đã giảm 1%.
7/ Giá dầu thế giới tiếp tục tăng mạnh trong những ngày gần đây và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo đó, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đã lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua. Theo tính toán, giá dầu thô Brent đã tăng trong 5 tuần qua. Còn giá dầu WTI đã tăng 7 tuần liên tiếp. Hiện giá cả hai loại dầu này đều neo ở mức cao trên 80 USD/thùng. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu chưa có dấu hiệu dừng lại và các chuyên gia dự báo, giá dầu có thể tăng vọt lên 100 USD/thùng khi mùa đông đến. Các nhà phân tích cho biết, nguyên nhân khiến giá dầu tăng lên mức cao kỷ lục trong những ngày gần đây là do tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu và châu Á thúc đẩy một số quốc gia chuyển sản xuất điện từ khí đốt sang dầu khiến nhu cầu dầu thô tăng mạnh dẫn đến giá dầu và khí đốt trên toàn thế giới tăng mạnh.
8/ Trung Quốc sẽ không phải là quốc gia châu Á duy nhất vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng, khi mà Ấn Độ cũng đang đứng trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng điện. Theo đó, các nhà máy điện ở Ấn Độ hiện đang có lượng than tồn kho thấp kỷ lục khi nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh để phục hồi sản xuất. Theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ, 80% trong số 135 nhà máy điện than của nước này chỉ còn đủ nguồn cung dưới 8 ngày, hơn một nửa trong số đó có kho dự trữ than dưới 2 ngày. Các nhà phân tích cho rằng sự kết hợp của các yếu tố nguồn cung và lượng than nhập khẩu giảm đã dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Ấn Độ đã chứng kiến nhu cầu điện tăng đột biến từ tháng 4 đến tháng 8, khi nền kinh tế lấy lại động lực sau làn sóng Covid-10 thứ hai.
Cột điện và ống khói tại nhà máy điện Trombay Thermal của Tata Power tại Mumbai, Ấn Độ. Ảnh: Bloomberg
9/ Startup CellX tại Thượng Hải đã sản xuất thành công thịt heo nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Startup này đang đặt mục tiêu sản xuất thịt thân thiện với môi trường hơn với giá thành cạnh tranh tại Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ thịt hàng đầu thế giới vào năm 2025. Theo đó, thịt nuôi cấy hoặc thịt nhân nuôi từ tế bào cơ động vật trong phòng thí nghiệm sẽ làm giảm đáng kể tác động đến môi trường, đồng thời sạch và lành mạnh, và tránh được các vấn đề về phúc lợi động vật và bệnh tật. Theo hãng tư vấn toàn cầu McKinsey tính toán và đưa ra dự báo: Thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm có thể đạt giá thành ngang bằng với thịt thông thường vào năm 2030, khi ngành công nghiệp này tăng quy mô và tinh chỉnh khâu nghiên cứu và phát triển (R&D).
10/ Giá đậu nành hữu cơ của Mỹ, được sử dụng để làm thức ăn chăn nuôi và sản xuất sữa đậu nành, đã tăng lên mức cao kỷ lục. Lý do được cho là vì khối lượng hàng nhập khẩu chiếm phần lớn nguồn cung của Mỹ suy giảm, gây ra sự tăng giá đối với thực phẩm, bao gồm cả gà nuôi hữu cơ. Dù giá đậu nành thông thường chưa phải mức kỷ lục nhưng vẫn đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm. Điều này khiến các nhà sản xuất gà hữu cơ đang cắt giảm chi phí hoạt động để bù đắp chi phí thức ăn cao và tranh giành nguồn cung ứng nội địa thay vì ở nước ngoài. Theo ước tính của ngành nông nghiệp, Mỹ nhập khẩu khoảng 70% đậu nành hữu cơ và sản lượng hữu cơ của Mỹ hiện không tăng đủ lượng để bắt kịp với nhu cầu.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA