Sự tương thích về linh kiện giữa iPhone và iPad đã giúp Apple giải quyết nạn thiếu hụt chip bằng cách cắt sản lượng iPad 50%, tăng lượng iPhone 13 đang thiếu hụt
Apple đã cắt giảm đến 50% sản lượng iPad so với kế hoạch trong tháng 9 và 10 vừa rồi, để dồn các linh kiện tương thích cho sản xuất iPhone 13. Nikkei Asia nói rằng đây là dấu hiệu cho thấy nguồn cung chip khan hiếm đã ảnh hưởng đến “nhà táo” nghiêm trọng hơn tưởng tượng trước đây.
Apple đang có chiến lược ưu tiên rõ ràng cho iPhone 13 bởi dự báo nhu cầu loại smartphone này cao hơn hẳn ở các thị trường châu Âu và Bắc Mỹ – vốn chiếm đến 66% thị phần của Apple. Doanh số của iPhone thường lên đỉnh trong vài tháng ngay sau iPhone mới tung ra. Vì thế, hoàn thành kế hoạch sản xuất iPhone 13 – được giới thiệu ngày 24-9 vừa qua – là ưu tiên hàng đầu của Apple sau khi hãng này đã thiệt doanh số đến 6 tỷ USD do gián đoạn sản xuất tại Việt Nam và Trung Quốc.
Nhu cầu đối với iPad cũng tăng mạnh nhờ sự gia tăng của khả năng làm việc và học tập từ xa. Theo số liệu của IDC, các lô hàng iPad trên toàn cầu đã tăng 6,7% so với cùng kỳ năm ngoái lên 53,2 triệu thiết bị, chiếm 32,5% thị phần toàn cầu, bỏ xa vị trí thứ hai là Samsung 19,1%, theo số liệu của IDC. Tổng lượng iPad xuất xưởng là 40,3 triệu chiếc trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 17,83% so với cùng thời điểm một năm trước.
Các lô hàng máy tính bảng toàn cầu cho năm 2020 đạt 164,1 triệu chiếc, tăng 13,6% so với năm trước.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple ưu tiên iPhone hơn iPad. Vào năm 2020, họ đã phân bổ lại một số bộ phận của iPad cho iPhone 12, dòng thiết bị cầm tay 5G đầy đủ đầu tiên của Apple để bảo vệ sản phẩm mang tính biểu tượng nhất của hãng thoát khỏi ảnh hưởng của đứt gãy chuỗi cung ứng trong các đợt bùng phát Covid.
Trong thời gian tới, khách hàng phải chờ đáng kể để có iPad mới. Tại châu Mỹ hoặc châu Âu, những người đặt mua iPad có dung lượng lưu trữ 256 GB vào cuối tháng 10 sẽ phải đợi đến ngày 15-12 để được giao hàng, theo trang mạng của Apple. Đối với những người đặt mua iPad mini mới nhất, thời gian giao hàng sẽ vào khoảng tuần đầu tiên của tháng 12. Người tiêu dùng ở Trung Quốc, thị trường lớn thứ ba của Apple, cũng phải đợi tới sáu tuần để có được một chiếc iPad mới.
Apple đã thừa nhận tác động của những hạn chế về nguồn cung toàn cầu. Giám đốc tài chính Luca Maestri cho biết trong một cuộc họp báo thu nhập gần đây rằng doanh thu iPad trong quý cuối 2021 sẽ giảm do thiếu linh kiện. Ông Maestri cũng nói thêm rằng iPad là sản phẩm duy nhất dự kiến ​​bị giảm sản lượng. CEO Tim Cook cũng chính thức xác nhận doanh thu quý 3 thấp hơn dự kiến 6 tỷ USD do tình trạng thiếu chip toàn cầu và gián đoạn sản xuất liên quan đến Covid. “Tác động trong quý cuối có thể lớn hơn”, ông dự báo.
Brady Wang, một nhà phân tích công nghệ của Counterpoint Research, nói với Nikkei Asia rằng việc Apple ưu tiên iPhone hơn iPad trước những hạn chế về linh kiện là điều đương nhiên.
“Quy mô lô hàng iPhone khoảng 200 triệu chiếc mỗi năm lớn hơn nhiều so với iPad. Hệ sinh thái quan trọng và chủ yếu nhất của Apple đều xoay quanh iPhone, sản phẩm mang tính biểu tượng của hãng. Thêm một điểm nữa, iPad không có tính thời vụ mạnh mẽ như sản phẩm chủ đạo iPhone vốn thường được tung ra vào mùa thu”, Wang nói.
Trong khi đó, Apple đã chứng tỏ vị trí thống lĩnh trên trên thị trường máy tính bảng với iPad. “Sẽ ít có khả năng người chuyển sang sử dụng máy tính bảng Android khi họ đang muốn mua iPad của Apple mà phải đợi khá lâu. Tuy nhiên, khả năng lớn hơn là mọi người có thể chuyển sang smartphone Android nếu họ không thể mua ngay iPhone”, nhà phân tích nói thêm.
Bản Tin Thị Trường
1/ Giá vàng miếng SJC tại TP.HCM giao dịch mua – bán quanh mức 57,8 – 58,5 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm trước. Chênh lệch giá hai đầu vẫn 700.000 đồng. Giá vàng thế giới giao ngay ở quanh mức 1.784 USD/ounce, giảm 8 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm hôm trước. Thị trường đang chờ kết quả cuộc họp của Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ kết thúc sáng mai – theo giờ Việt Nam. Các nhà phân tích dự báo Fed có thể giảm lượng mua trái phiếu và nâng lãi suất sớm hơn dự kiến.
2/ Kim ngạch nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu về Việt Nam trong 9 tháng năm 2021 đạt gần 649,6  triệu USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ năm 2020.Trung Quốc là thị trường chủ yếu, với nguồn nhập khẩu vào Việt Nam đạt 290,34 triệu USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 44,7 % tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này. Nhập khẩu từ Ấn Độ đạt 79,63 triệu USD, tăng rất mạnh 41,9% so với cùng kỳ, chiếm 13,3% trong tổng kim ngạch. Nhập khẩu thuốc từ thị trường Singapore đạt 51,24 triệu USD, tăng 16,8%, chiếm 7,9% trong tổng kim ngạch.
3/ Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam liên tục tuột dốc từ năm 2016 dù sản lượng liên tục tăng. Năm 2017 là 1,12 tỷ USD; năm 2018 xuống 758,8 triệu USD; năm 2019 là 722 triệu USD. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu tiêu của Việt Nam chỉ còn 666 triệu USD, thấp hơn cả giá trị xuất khẩu năm 2010, trong khi khối lượng xuất khẩu tăng gấp 2,3 lần so với năm 2021, đạt 288.000 tấn.
Tuy nhiên, nhờ giá bán tăng cao trong năm nay, xuất khẩu hạt tiêu trong 10 tháng đã đem về 783 triệu USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng. Ngành hồ tiêu đang tự tin sẽ giành lại mốc 1 tỷ USD trong năm 2021 này.
4/ Trong báo cáo vừa được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gửi Bộ Công thương ngày 2-11, có 146 dự án điện gió, công suất 8.171 MW đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN. Tuy nhiên, tới hết ngày 31-10 vừa rồi – là thời điểm cuối cùng để công nhận ngày vận hành thương mại của các dự án điện gió để được hưởng giá mua điện theo quyết định 39 của Thủ tướng chính phủ – thì vẫn có 62 dự án điện gió với công suất 3.479,45MW đã không thể hoàn thành thủ tục vận hành thương mại.
5/ Theo số liệu của Meta, tên công ty mẹ của Facebook, hơn 80% người Việt tham gia khảo sát cho biết họ quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu và muốn có nhiều thông tin về lĩnh vực này. Về mặt chính sách, hơn 90% ủng hộ Việt Nam tham gia vào Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trung bình 80% người được hỏi cho rằng biến đổi khí hậu nên là một ưu tiên ở mức cao đến rất cao của Chính phủ. Ngoài ra, nhiều người chia sẻ họ “có phần lo lắng” hoặc “rất lo lắng” về vấn nạn biến đổi khí hậu.
Vấn đề năng lượng cũng được người Việt quan tâm. Có 80% cho rằng Việt Nam nên sử dụng nhiều hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo, 67% tin rằng giảm thiếu tác động của biến đổi khí hậu sẽ cải thiện tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm nhiều so với hiện tại.
6/ Tính từ đầu năm đến nay, lượng vốn mạo hiểm đổ vào các startup phát triển các công nghệ chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu đã đạt mức kỷ lục 32 tỷ USD, vượt qua con số của cả năm 2020. Theo báo cáo công bố vào tuần trước của Công ty phân tích vốn mạo hiểm Dealroom (Hà Lan) và Công ty quảng bá và xúc tiến đầu tư London & Partner (Anh), con số trên đã tăng hơn 4 lần kể từ năm 2016 khi giới đầu tư mới chỉ rót 6,6 tỷ USD vào các startup công nghệ chống biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, châu Âu đang là khu vực chứng kiến tốc độ huy động vốn khởi nghiệp nhanh nhất trong lĩnh vực này. Vốn mạo hiểm ở châu Âu đổ vào các startup công nghệ biến đổi khí hậu đã tăng gấp 7 lần kể từ năm 2016, từ 1,1 tỷ lên 8 tỷ USD. London là nơi quy tụ các startup công nghệ chống biến đổi khí hậu đông đảo nhất ở châu Âu và chỉ đứng sau Thung lũng Silicon ở bang California, Mỹ nếu xét trên trên bình diện toàn cầu.
7/ Hãng thanh toán điện tử Mynt đã gọi vốn thành công thêm 300 triệu USD, nâng giá trị của công ty lên khoảng 2 tỷ USD.  Một trong những sản phẩm thành công nhất của Mynt là ví điện tử GCash, được định giá khoảng 1 tỷ USD với hơn 48 triệu người sử dụng – gần 50% dân số trưởng thành ở Philippine. Trong năm nay, tổng các giao dịch thanh toán qua ví điện tử GCash đã lên đến 60 tỷ USD. Giới chuyên môn nhận định sự tăng trưởng này do các đợt giãn cách xã hội.
Khối nợ hơn 300 tỷ USD đang liên tục de dọa Evergrande khi hầu như mỗi tuần “chúa chổm” này đều phải trả lãi suất hay tiền nợ gốc đến hạn. Đồ họa Nikkei Asia
8/ Nhiều công ty phát triển bất động sản lớn ở Trung Quốc đang cố gắng bán tài sản để có tiền mặt trả nợ nhưng đây không phải là một việc dễ dàng ở thời điểm này…  Hãng tin Bloomberg nói những khách mua tiềm năng đều đang găm vốn thay vì tìm kiếm tài sản để mua lại trong bối cảnh doanh số bán nhà lao dốc và Bắc Kinh đẩy mạnh chiến dịch giảm nợ trong ngành bất động sản.
Tháng trước, China Evergrande Group – công ty địa ốc đang ngập trong hơn 300 tỷ USD nghĩa vụ nợ – ngậm ngùi kết thúc cuộc đàm phán bán lại cổ phần kiểm soát trong một công ty con về quản lý bất động sản. Nếu thành công, thương vụ này mang về cho Evergrande 2,6 tỷ USD mà công ty đang rất cần để thanh toán cho các khoản nợ đáo hạn. Tiếp đó, kế hoạch bán một cao ốc văn phòng ở Hồng Kông của Evergrande cũng bất thành. Tuần trước, Modern Land China cũng lâm cảnh tương tự khi không thể bán bất động sản để trả 250 triệu USD trái phiếu đáo hạn.
9/ Mặc dù chính quyền đã gỡ bỏ các hạn chế, một tỷ lệ lớn các nhà hàng ở Tokyo vẫn duy trì số giờ mở cửa ngắn hơn thường lệ do không biết chắc khách có đến hay không. Một khảo sát bằng hình ảnh 500 nhà hàng do hãng Nikkei tiến hành cho thấy 105 nhà hàng, tức 21%, vẫn chưa hoạt động như giờ mở cửa thường lệ. Làm việc tại nhà đã khiến người tiêu dùng ít la cà quán xá hơn. Thay vì đóng cửa 11 giờ tối như trước đây, nhiều nhà hàng đã chọn đóng cửa sớm hơn lúc 9 giờ bởi vắng khách.
10/ Do mưa lớn bất thường kèm theo lụt, giá rau trong tháng 10 ở Trung Quốc đã tăng 16% so với tháng trước – theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc. Giá 26 loại rau đã tăng từ tháng 9, trong đó dưa chuột và rau chân vịt tăng lần lượt là 80% và 45% trong tháng 10. Giá tăng đã khiến người trẻ Trung Quốc thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như phải thắt chặt hầu bao, chẳng hạn tìm mua rau rẻ vào ban đêm hoặc qua các nền tảng bán rau trực tuyến. Tại Thượng Hải, một số loại rau đã tăng lên đến 20 nhân dân tệ/kg, ngang bằng mức giá các loại thịt. Các cư dân mạng cũng chuyển sang trữ bánh và các thịt hộp sau các khuyến cáo chống dịch của chính quyền.
Ricky Hồ / BSA 
https://bsaonline.vn/32347-2/