Một cánh đồng khô hạn ở phía Bắc thủ đô Manila. Có đến 90% số người tham gia khảo sát từ Philippines lo ngại về an ninh lương thực của nước này. Ảnh: Reuters
Đông Nam Á đang lo ngại rằng biến đổi khí hậu sẽ đe dọa đến nguồn cung lương thực trong khu vực. Việt Nam và các nước Đông Nam Á đang hướng về Israel – quốc gia đứng đầu thế giới về công nghệ và bí quyết canh tác mới – để tìm giải pháp thoát khỏi các nguy cơ đe dọa an ninh lương thực và khôi phục các đứt gãy trong sản xuất.
Biến đổi khí hậu làm ASEAN lo ngại
Có tổng cộng 610 nhà nghiên cứu, doanh nhân, quan chức chính phủ và các nhà chuyên môn khác đã tham gia khảo sát theo khảo sát của viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak của Singapore.. Kết quả được công bố hôm 16-9 với 81% đồng ý rằng biến đổi khí hậu đang gây nguy hiểm đến sản xuất nội địa và nhập khẩu lương thực, cao hơn con số 72% trong khảo sát trong năm 2020.
“Có thể những người tham gia khảo sát (đáp viên) đang cảm nhận được tác động của các đợt tăng giá lương thực toàn cầu trong năm vừa qua”, nhà nghiên cứu Sharon Seah thuộc ISEAS-Yusof Ishak nói. Bà cũng ghi nhận rằng chỉ số giá thực phẩm của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã đạt các đỉnh kỷ lục trong thập niên qua.
Dữ liệu của FAO cho thấy chỉ số giá đã đạt đỉnh 127,8 điểm trong tháng 5-2021 và vẫn giữ mức cao 127,4 điểm trong 8 vừa rồi, tăng 30% so với năm trước. Gián đoạn sản xuất nông nghiệp do thời tiết cực đoan là một trong những yếu tổ ảnh hưởng đến các đợt tăng giá.
Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng cũng khiến việc canh tác một số loại rau và cây ăn trái khó khăn, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu.
Trong khu vực ASEAN, những người tham gia khảo sát từ Philippines là lo lắng nhất về an ninh lương thực với tỷ lệ 90%. Bà Seah chỉ rằng Philippines chịu những cơn bão khủng khiếp nhất trong lịch sử nước này trong năm trước. Điều này giải thích tại sao giới chuyên môn của Phippines cho rằng biến đổi khí hậu tác động mạnh đến an ninh lương thực. “Các cơn bão gây thiệt hại nhân mạng, tổn hại sản xuất nông nghiệp và làm đói nghèo trầm trọng và lan rộng hơn”, bà nói.
84% đáp viên từ Singapore lo ngại về ảnh hưởng của biến động khí hậu bởi quốc gia thành phố phụ thuộc vào nguồn thực phẩm nhập từ nước ngoài dù Singapore có nỗ lực tăng sự tự chủ lương thực. Số người trả lời từ Thái Lan và Campuchia ít lo lắng hơn, với tỷ lệ lần lượt là 60% và 59%.
Trong khi đó, chỉ 21% người được khảo sát nói rằng quốc gia họ đã có các chính sách và kế hoạch để bảo đảm nền nông nghiệp trước các tác động thời tiết. 22% nói những chính sách này “đang được chuẩn bị” – với ý rằng các nhà lập chính sách đang bắt đầu nhận ra áp lực của vấn đề.
Khảo sát của ISEAS-Yusof Ishak được thực hiện trực tuyến từ 11-6 đến 2-8 với các đáp viên từ 10 nước thành viên ASEAN. Khoảng 37% số người trả lời đến từ giới học thuật và các viện nghiên cứu, 16% là quan chức chính phủ và 10% đến từ các doanh nghiệp.
Đại sứ Israel Nadav Eshcar: “Chúng tôi muốn góp phần thành công trong hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Israel, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mà Israel có thế mạnh”. Ảnh: BSA Media
Chọn hướng đi công nghệ thực tế và hiệu quả từ Israel
Các nước Đông Nam Á đang thực hiện một số biện pháp bảo đảm an ninh lương thực, như thúc đẩy giảm tỷ lệ hao hụt hay lãng phí lương thực, phát triển các công nghệ tăng năng suất nông nghiệp và thủy hải sản. Singapore đang nổi lên là trung tâm nghiên cứu và phát triển các loại hải sản và thịt chế tạo từ thực vật hay tế bào.
Không đủ vốn đầu tư lớn vào các công trình nghiên cứu tốn kém và lâu dài như Singapore, các nước Đông Nam Á đang tìm kiếm cơ hội từ một nền kinh tế phát triển bậc cao Israel. Các sáng tạo công nghệ nông nghiệp Israel đang phổ biến trên đồng ruộng Đông Nam Á thông qua các chương trình hợp tác song phương.
Tháng 10-2020, Israel mở rộng chương trình hợp tác với Thái Lan bằng việc khai trương nhà kính thứ hai ở tỉnh Petchburi sau nhà kính đầu tiên vào năm 2018. Hai cơ sở này là mô hình cho nông dân trong vùng học hỏi với hệ thống tưới tiêu hiện đại và chuyên gia tư vấn từ Israel.
Một ví dụ khác là Việt Nam và Israel sẽ ký hiệp định hợp tác lao động, có thể trong năm 2021 này. Theo thỏa thuận, Việt Nam sẽ đưa công nhân sang Israel để học hỏi công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp của quốc gia Trung Đông. Tại Vĩnh Phúc, các khu nhà kính với công nghệ thủy canh của Israel cũng mở ra.
Trao đổi với chúng tôi, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar nói rằng Israel đang tìm kiếm cơ hội hợp tác trong nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam. “Chúng tôi cung cấp các giải pháp công nghệ thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên nước và thức ăn nhưng cho ra sản phẩm an toàn và đạt chất lượng cao”, ông nói.
Tại diễn đàn kinh tế Mekong Connect 2019 ở Cần Thơ, ông Eshcar đã giới thiệu về công nghệ tạo giống tôm của Israel. Ông giải thích rằng, trong tự nhiên tỷ lệ tôm càng đực và tôm cái là 50-50, và tôm càng đực nặng hơn tôm cái 200-300gram. Nhưng các nhà nghiên cứu tạo ra công nghệ nhân giống cho ra hoàn toàn 100% tôm đực. “Tại An Giang, chúng tôi đã có một trại nhân giống tôm càng xanh toàn đực như thế, sau đó sẽ bán loại tôm giống này ra thị trường để các bạn có thể thụ hưởng thành quả này”.
Ông cũng nói đến những công nghệ nông nghiệp mới chưa được bán rộng rãi trên thị trường Đông Nam Á như drone hái trái cây, công nghệ cắt vỏ dưa hấu hay dưa lưới để tạo ra những miếng dưa đã gọt vỏ đều nhau và tự đóng gói, hay mắt thần đếm cá tôm nuôi trong các ao vèo (ao nhân tạo trên mặt đất, không phải ao đào dưới đất hay đặt dưới sông hồ) để kiểm soát số lượng và trọng lượng của vật nuôi…
Israel có khoảng 600 công ty công nghệ nông nghiệp và công nghệ thực phẩm có thể mang lại các giải pháp thích hợp với các điều kiện canh tác bên ngoài lãnh thổ nước này – theo Nikkei Asia.
Trong một báo cáo năm 2019, Viện Tony Blair về thay đổi toàn cầu ở London đã ghi nhận rằng Israel đang nỗ lực để đứng đầu thế giới trong quản lý nông nghiệp và nguồn nước mặc dù 2/3 nguồn tài nguyên của nước này là khô cằn hay hoang mạc với chất lượng đất rất thấp.
Nhưng đất nước nhỏ bé này có thể đạt năng suất 300 tấn cà chua mỗi hectare đất, gấp 6 lần năng suất trung bình trên thế giới chỉ 50 tấn. Israel cũng đứng đầu thế giới về công nghệ sau thu hoạch, với chỉ 0,5% thất thoát trong kho chứa, so với tỷ lệ toàn cầu là 20% – tức gấp 40 lần.
Một nhà kính tại Vĩnh Phúc với công nghệ canh tác thủy canh của công ty Netafilm của Israel. Hãng công nghệ nông nghiệp đang mở rộng xuất khẩu thiết bị và công nghệ đến Việt Nam và Đông Nam Á. Ảnh: Netafilm
Hồi phục sau đại dịch nhờ công nghệ
Khi Đông Nam Á đang phải vật lộn với các nguy cơ mất an toàn lương thực do biến đổi khí hậu và gián đoạn sản xuất do dịch Covid, các kinh nghiệm trong nông nghiệp từ Israel đã thu hút sự chú ý của khu vực trong nỗ lực tăng cường canh tác tốt trên đồng ruộng và trang trại.
Với trên 100 triệu ha đất nông nghiệp, một vài nước Đông Nam Á là những nhà sản xuất, cung ứng và xuất khẩu chủ yếu một số loại nông sản, như gạo chẳng hạn.
Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á đã chỉ ra rằng lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm của ASEAN là dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch Covid. Các biện pháp khống chế dịch hiện nay ở nhiều nước đã ảnh hưởng đến nguồn cung cho các chợ và người tiêu dùng, trong nước cũng như xuất khẩu.
Bảo đảm an ninh lương thực là chìa khóa để khu vực phát triển bền vững. Năm 2019, lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm đã đóng góp 717 tỉ đô la cho các nền kinh tế Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam, tăng 30% so với con số của năm 2015 – theo số liệu của Oxford Economics. Lĩnh vực nông nghiệp cũng đóng vai trò chủ yếu trong việc giải quyết việc làm ở các nền kinh tế này với 127 triệu người lao động – chiếm tỷ lệ 48%.
“Khi ASEAN đang tìm cách thoát khỏi khủng hoảng và trở nên mạnh mẽ hơn, điều quan trọng là các nhà lập chính sách cần mang lại một môi trường mà ngành công nghệ nông nghiệp và thực phẩm có thể tự hồi phục và từ đó cất cánh”, James Lambert, giám đốc tư vấn vùng châu Á của Oxford Economics nhận định.
Theo KTSG