Ảnh Internet

Ở các quận vùng ven Sài Gòn, cứ mở mắt là thấy một cửa hàng thực phẩm tiện lợi xuất hiện. Nay thì VinMart+. Mai là Bách hoá Xanh (BHX). Thỉnh thoảng có Satrafoods. Lâu lâu thấy Co.op Food xuất hiện.

Nhiều người tặc lưỡi, cạnh tranh kiểu đó chỉ có lợi cho những ai có mặt bằng.

Thi nhau mở

Ngày 20/10/2018, BHX có hai thành viên mới tại số 2 đường số 17 (Tân Kiểng, quận 7, TP.HCM) và 141 Hoàng Diệu 2 (KP.3, phường Linh Trung, Thủ Đức, TP.HCM). Đây là siêu thị thứ 420 và 421 của hệ thống bán lẻ thực phẩm và tiêu dùng nhanh này. Nói về tốc độ tăng trưởng, mô hình bán lẻ BHX chỉ đứng sau VinMart+ nhưng dẫn đầu thị trường về diện tích của từng cửa hàng.

Theo ông Trần Kinh Doanh, phụ trách hệ thống BHX, mỗi cửa hàng BHX “tiêu chuẩn” có diện tích nhỏ nhất là 160m2, có những cửa hàng rộng trên 250 – 300m2. Mục tiêu của BHX trong năm 2018 là 500 cửa hàng, chủ yếu tại quận 2, quận 9, Thủ Đức, quận 4, quận 7, Bình Chánh, Nhà Bè và các tỉnh lân cận…

Nói về số lượng, VinMart+ có số cửa hàng lớn nhất. Tính đến chiều ngày 22/10/2018, hệ thống này có 821 cửa hàng. Nhìn vào số lượng cửa hàng VinMart+ ở từng quận, thấy rõ mục đích của Vincommerce (chủ đầu tư hệ thống VinMart và VinMart+) muốn mô hình cửa hàng thực phẩm tiện lợi VinMart+ có mặt “đủ và nhiều” tại các vùng dân cư đông, nhưng có thu nhập thấp. Giữa tháng 1/2018, tại hội nghị với các đối tác chiến lược, bà Thái Thị Thanh Hải, tổng giám đốc Vincommerce cho biết, sẽ có 4.000 cửa hàng VinMart+ trên toàn quốc vào năm 2020.

Satrafoods vừa khai trương cửa hàng thứ 210, trong đó ở TP.HCM có 200 cửa hàng, còn Cần Thơ có mười cửa hàng. Như vậy, từ đầu năm 2018 đến nay, Satra có thêm 53 cửa hàng Satrafoods. Các cửa hàng Satrafoods phục vụ khoảng 4.000 mặt hàng, trong đó hơn 80% mặt hàng là thực phẩm từ các công ty thành viên hoặc từ nguồn nông sản của nông dân ở các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng…

Tháng 12/2008, Saigon Co.op cho xuất hiện chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn – tiện lợi, gọi tắt là Co.op Food, với mục tiêu mở rộng mạng lưới bán lẻ tại TP.HCM để thực thi chiến lược đa dạng hoá mô hình bán lẻ, tăng thị phần. Tính đến nay, có khoảng 250 cửa hàng Co.op Food trên toàn quốc.Cuối năm 2017, Co.op Food có mặt tại thị trường Hà Nội, còn hiện nay đã có năm cửa hàng.

Thành hay bại chưa rõ, nhưng việc Co.op Food có mặt tại thị trường Hà Nội, được giới bán lẻ nể phục, vì dám “xăm mình” ở khu vực mà khách hàng “quá khó tính”.

Lời hay lỗ?

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Kinh Doanh cho biết, lãi gộp đang tăng, ước chừng 16 – 17%, còn trong tương lai có thể lên 20%.

“Trong tháng 10/2018, doanh thu của hệ thống BHX có thể lên tới 460 – 470 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi cửa hàng có doanh thu 1,1 – 1,2 tỷ đồng/tháng. Hiện BHX có hai cửa hàng lớn (diện tích 300m2) tại Thủ Đức và Bình Tân, có doanh số khoảng 3 tỷ đồng/tháng/cửa hàng. Trong khi đó, vào tháng 10 năm ngoái, bình quân mỗi cửa hàng có doanh thu chừng 600 triệu đồng. Hiện nay, bình quân mỗi ngày BHX nhập vào từ 160 – 170 tấn thực phẩm tươi sống (rau, củ, quả, thịt, cá…), còn những ngày cuối tuần có khi lên tới 200 tấn”, ông Doanh tiết lộ. Đến nay, nếu tính đủ vẫn còn lỗ 2%.

Dù không công bố con số, nhưng đến thời điểm này, chuỗi bán lẻ thực phẩm Satrafoods vẫn lỗ, dù mô hình này có các công ty thành viên cung ứng hàng tự sản xuất như Vissan, Cofidec, CJ Cầu Tre… Nhìn vào lượng khách hàng đến mua sắm, VinMart+ còn lỗ nặng hơn, nhưng không bao giờ lãnh đạo Vingroup chịu nói về chủ đề bán lẻ, từ hàng số đến hàng thực phẩm tươi sống, chế biến…

Hiện đại bóp truyền thống?

Những tưởng, việc các hệ thống bán lẻ thực phẩm tiện lợi đua nhau mở chuỗi sẽ triệt tiêu mô hình chợ truyền thống.Nhưng không.

Bà Loan, chuyên bán rau các loại, cá, gà tại một khu chợ “chồm hổm” trên đường Lê Văn Thọ (Gò Vấp, TP.HCM) chỉ tay vào cửa hàng BHX đối diện, rồi nói: “Họ bán chuyện của họ, mình bán là chuyện của mình. Mỗi quầy sạp ở đây đều có khách hàng ruột.Nếu mà lỗ thì tui bỏ sạp chạy cách đây vài tháng.Nhưng khi họ về đây, mình phải thay đổi giá cả, chất lượng và cả cách nói chuyện để giữ mối”. Còn bà Thảo, chủ quán bún bò trên đường 15 (P.11, Gò Vấp) cười: “Từ khi mấy cửa hàng bao quanh đây đến nay đã gần hai  năm rồi mà tôi có bước chân vào đó đâu. Nếu tôi mua đồ ở đó, bình quân mỗi ngày 1 triệu đồng thì đến giờ này tui là khách lớn rồi.Cần gì, cứ gọi cho mối, đem hàng đến tận nhà, mà toàn hàng ngon”.

Nhiều bà nội trợ còn cho biết, chỉ đến mấy cửa hàng tiện ích, kể cả Co.op Food khi cần mua mấy món hàng chế biến, còn đồ tươi sống, cứ ghé qua chợ, đến mối quen, vừa được “tám” vừa được mua hàng ngon và rẻ.

Bà T.Q, chuyên gia về mô hình kinh doanh thực phẩm tươi sống, nói: “Có thể họ mở dày để gia tăng hình ảnh thương hiệu, cũng như tăng giá trị cho mặt bằng đó. Tôi ngờ rằng, có những thương hiệu mở cửa hàng để kiếm sống, nhưng cũng có thể mở cho nhiều để sau này dễ bán cả cụm”.

Cuộc chiến của mô hình bán lẻ thực phẩm tiện lợi đang trong hồi quyết liệt.     


Sướng nhất là cho thuê mặt bằng

Vào thời điểm này, có mặt bằng cho các nhà bán lẻ thuê để mở cửa hàng là… ngon nhất. Bà Nga (đường số 8, Gò Vấp) cho biết, vừa bị chủ nhà đòi mặt bằng, ra thời hạn trong vòng 20 ngày phải trả lại mặt bằng để cho một nhà bán lẻ thuê lại với giá 25 triệu đồng/tháng và trả trước tiền thuê nhà trong vòng hai năm. Theo lời bà Nga, chưa bao giờ giá thuê mặt bằng trên đường số 8 lại cao như vào thời điểm này. Vì giá thuê cao, theo một nguồn tin của BHX, nhiều chủ đất chủ động nhắn tin, gởi email chào mặt bằng, nhất là các quận, huyện ngoại thành.

Minh Tú