Hội thảo thu hút sự quan tâm tham dự của đông đảo doanh nghiệp và báo giới. Ảnh: BSA Media.
Từ 1/1/2026, Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon CBAM của châu Âu chính thức vận hành đầy đủ. Các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với thêm một khó khăn khác đó là làm sao để giảm phát thải, nếu muốn xuất khẩu hàng sang châu Âu và các thị trường lớn khác.
Sáng 4/6, tại Saigon Hotel đã diễn ra Hội thảo: “Giải pháp xanh cho doanh nghiệp trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu – cơ hội và hành động”. Hội thảo do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao – Chương trình Chuẩn hội nhập tổ chức với sự đồng hành từ các đối tác có kinh nghiệm chuyển đổi bền vững như Vũ Phong Energy Group, Duy Tân Recycling, các chuyên gia đến từ các viện trường. Cùng với đó là sự tham dự của các doanh nghiệp trong hệ sinh thái HVNCLC và hơn 40 phóng viên đến từ các cơ quan báo đài trung ương và địa phương.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc Trung tâm BSA cho biết, vừa rồi hội chợ ThaiFex (Hội chợ chuyên ngành Thực phẩm và Đồ uống hàng đầu châu Á), đã đưa ra 10 xu hướng thực phẩm và đồ uống của năm, và trong vòng mấy năm gần đây, chủ đề sức khỏe luôn là chủ đề trọng tâm, với 8 xu hướng liên quan đến câu chuyện tốt cho sức khỏe. Trong đó có hai vấn đề sức khỏe quan tâm đó là sức khỏe con người với xu hướng chuyển từ đạm động vật sang đạm thực vật, và thứ hai là sức khỏe của thiên nhiên, biến đổi khí hậu.
“Hai vấn đề sức khỏe này tương tác với nhau. Chưa bao giờ tình hình kinh tế toàn cầu lại bất ổn, bất định như hiện nay. Sự thay đổi về chính sách thuế quan, chiến tranh, làm cho tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đứng trước thêm nhiều khó khăn. Chúng tôi hiểu hơn lúc nào hết, những khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, đặc biệt là khi hiện nay, khi giới thiệu sản phẩm nào, lập tức người ta hỏi: tiêu chuẩn gì? Không có tiêu chuẩn người ta lập tức bỏ đi. Người ta không tin vào các lời cam kết sáo rỗng, mà phải có tiêu chuẩn. Sắp tới đây có thể chúng ta có những khó khăn nhất định với thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ, khi thị trường châu Âu càng quan trọng, mà thị trường châu Âu thì ai cũng biết họ khắc nghiệt với tiêu chuẩn xanh như thế nào” – bà Vũ Kim Hạnh nói.
“Trong bối cảnh những thay đổi đó, Hội DNHVNCLC và BSAS mấy tháng qua đã họp bàn và quyết định tái khởi động chương trình chuyển đổi xanh với mục tiêu làm sao cho doanh nghiệp nhận thức rõ và sâu vai trò của tiêu chuẩn xanh, cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi xanh trong hoạt động của mình” – bà Vũ Kim Hạnh cho biết thêm.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, Giám đốc Trung tâm BSA, phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: BSA Media.
Tại hội thảo, ông Phạm Đăng An phó Tổng Giám đốc Vũ Phong Energy Group, cho biết, từ năm 2009, Vũ Phong Solar tiên phong trong lĩnh vực điện mặt trời với các dự án lớn và sau đó là giải pháp Zero Capex Solar cho nhà máy sản xuất. Đến năm 2025, Vũ Phong Energy đã triển khai mô hìnhZero Capex – group cung cấp các phương án giảm phát thải song song với việc tối ưu chi phí cho nhà máy sản xuất cho các đối tác.
Theo ông Phạm Đăng An theo tiêu chuẩn chúng ta đang có ba phạm vi phát thải. Phạm vi phát thải 1 (thát thải trực tiếp) từ việc đốt nhiên liệu cho thiết bị cố định, chẳng hạn như máy phát điện.Đốt nhiên liệu cho thiết bị di động, đó là các phương tiện vận chuyển nội bộ. Phương tiên giao thông bộ, như xe đưa đón CBNV, xe tải, container… và rò rỉ khí nhà kính từ các thiết bị như máy điều hòa, thiết bị làm lạnh… Phạm vi phát thải 2 (từ năng lượng mua vào) bao gồm: Tiêu thụ điện năng ít; Tiêu thụ năng lượng khác (hơi, nhiệt, lạnh, khí nén). Phạm vi phát thải 3 (tất cả các phát thải gián tiếp trong chuỗi cung ứng) là dịch vụ vận tải bên thứ ba; Sản phẩm dịch vụ mua ngoài, các phương tiện, thiết bị mua ngoài;Tái chế cho thuê, nhượng quyền thượng hiệu…
“Từ 1/1/2026 “CBAM – Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism)” của châu Âu chính thức vận hành đầy đủ. Bạn giảm phát thải như thế nào, nếu không giảm phát thải thì vui lòng nộp thuế. Toàn bộ hệ sinh thái của chúng ta từ khi nhập hàng, sản xuất, và phân phối đến người tiêu dùng đều phải tính đến yếu tố phát thải. Đây là điều mà toàn bộ doanh nghiệp phải quan tâm” – ông Phạm Đăng An nói.
Trong xu hướng này, theo ông An, năm 2030 một cột mốc đầy cảm hứng khi giảm thải Phạm vi 1 và Phạm vi 2 với cam kết giảm 50% lượng khí thải của các nhãn hàng lớn như Unilever, Nestle, H&M, PepsiCo. ASICIS và Nike hai nhãn hàng thời trang lớn cam kết giảm 65% khí thả. Thậm chí một số “ông lớn” như Google, Microsoft, Apple, TetraPak cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 ở cả hai Phạm vi 1 và 2.
Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp đầu tư giảm phát thải lại là một bài toán khó, nhất là trong bối cảnh những khó khăn chung của thị trường hiện nay. Ông Trần Thanh Tâm – Phó phòng KHCN và Quan hệ đối ngoại, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cho biết, để giảm phát thải, áp lực tài chính là rất lớn. Tuy nhiên, đây là yêu cầu mà các doanh nghiệp không thể làm ngơ, khi từ 1/1/2026 báo cáo CBAM chính thức được yêu cầu. “Như vừa rồi có một đơn vị sản xuất đồ gỗ xuất sang châu Âu, bất ngờ bị nhà nhập khẩu châu Âu yêu cầu làm báo cáo CBAM. Nếu không có CBAM thì không xuất khẩu được” – ông Tâm kể.
Đồng ý với ý kiến của ông Tâm, ông Võ Minh Quân – Ban dự án HVNCLC – Chuẩn Hội Nhập cho biết, theo thống kê của cuộc khảo sát tiêu dùng xanh của Hội DN HVNCLC năm 2024 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ – chiếm phần lớn trong nền kinh tế – chưa có chiến lược ESG rõ ràng. Nhiều doanh nghiệp vẫn xem ESG và phát triển bền vững là “chi phí” chứ không phải “đầu tư”. Do đó, các doanh nghiệp đang bị bị động trước các quy định pháp lý mới như CBAM, Luật môi trường… và các yêu cầu từ đối tác xuất khẩu như: nhãn sinh thái, chứng nhận carbon… Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng thiếu nhân sự chuyên trách ESG, khí hậu, hoặc quản lý môi trường. Chưa có hệ thống thu thập – phân tích dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu phát thải, năng lượng, nước, chất thải… Thiếu các chương trình đào tạo nội bộ và cập nhật kiến thức từ các tổ chức chuyên môn.
Hiểu rõ những khó khăn của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình chuyển đổi xanh, tại Hội thảo, ông Nguyễn Tấn Kiến Phước – Giám đốc Công Ty TNHH Dịch vụ Ứng dụng Hỗ trợ Doanh nghiệp đã công bố chương trình đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp dài hạn, bắt đầu từ năm 2025, chương trình “Kích hoạt chuyển đổi xanh”. Mục tiêu hướng đến đối tượng chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ, đang quan tâm đến Chất lượng & các Tiêu chuẩn Xanh – Bền vững và có nhu cầu hỗ trợ để xuất khẩu. Chúng tôi muốn giúp hình thành tư duy hệ thống. Doanh nghiệp cần hiểu rằng chuyển đổi xanh không chỉ là “làm một vài hoạt động môi trường”, mà là tái cấu trúc toàn bộ cách vận hành. Kế đến là giúp doanh nghiệp nâng cao kỹ năng thực hành tiêu chuẩn xanh. Giúp doanh nghiệp đo lường phát thải, áp dụng ISO đến xây dựng báo cáo ESG minh bạch. Chúng tôi cho rằng đào tạo là bước đầu tiên để doanh nghiệp “hiểu đúng – làm chuẩn – thay đổi thật” trong chuyển đổi bền vững” – ông Nguyễn Tấn Kiến Phước nói.
Theo ông Nguyễn Tấn Kiến Phước, các doanh nghiệp được lựa chọn tham gia chương trình sẽ được tham gia khóa đào tạo gồm bốn giai đoạn, kéo dài trong khoảng thời gian từ 6-8 tháng, với bốn giai đoạn. Giai đoạn 1 – Đào tạo. Các doanh nghiệp sẽ được tham dự 4 khóa tập huấn cơ bản. Sau đó, giai đoạn 2 – Khảo sát nhà xưởng. Trong giai đoạn này các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ hoàn toàn các chi phí cho hoạt động khảo sát thực tế, chuyên gia tư vấn chỉnh sửa, nâng cấp nhà xưởng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn. Sang giai đoạn 3 – Tư vấn, các doanh nghiệp được hỗ trợ hoàn toàn các chi phí cho hoạt động tư vấn nhà xưởng, hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, bao gồm: Tư vấn và đào tạo, hướng dẫn thu thập thông tin và lập báo cáo Kiểm kê khí nhà kính (ISO 14064-1). Tư vấn và đào tạo các tiêu chuẩn xuất khẩu cơ bản cho DN: HACCP, ISO 22000, ISO 9001, ISO 14001, ISO 45001, ISO 50001. Giai đoạn 4 – chứng nhận sau khi hoàn thành ba giai đoạn trên, doanh nghiệp được hỗ trợ hoàn toàn các chi phí cho hoạt động đánh giá và cấp chứng nhận năm đầu tiên.
“Đặc biệt, chương trình sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cho cả bốn giai đoạn này cho doanh nghiệp. Mục tiêu của dự án tìm được 10 doanh nghiệp, với tổng chi phí hỗ trợ 120 triệu đồng/doanh nghiệp, như vậy tổng chi phí hỗ trợ dự kiến trong năm 2025 là hơn 1,2 tỷ đồng” – ông Nguyễn Tấn Kiến Phước nói.
Tại Hội thảo đã diễn ra Lễ ký kết hợp tác chiến lược Chuyển đổi xanh và phát triển bền vững giữa BSAS và Vũ Phong Energy Group. Ảnh: BSA Media.
Cũng chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Đăng An cho biết, hiện Vũ Phong Energy đang cung cấp Giải pháp Zero Capex Solar Điện mặt trời 0 đồng cung cấp cho doanh nghiệp không vốn đầu tư ban đầu. Theo đó, Vũ Phong Energy Group sẽ đầu tư, phát triển hệ thống điện mặt trời chất lượng cao trên mái nhà máy doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ thuê lại hệ thống điện mặt trời mái nhà được đầu tư bởi Vũ Phong Energy Group, toàn bộ sản lượng điện sản sinh bởi hệ thống sẽ phục vụ sản xuất của doanh nghiệp. Khi hết thời gian thuê, hệ thống sẽ được chuyển giao toàn bộ cho doanh nghiệp miễn phí (0 đồng), hiệu suất hệ thống khi chuyển giao cam kết trên 80%.
Ra mắt Nhóm chuyên gia và tư vấn viên Hỗ trợ Doanh nghiệp về chuyển đổi xanh. Ảnh: BSA Media.
Theo ông Phạm Đăng An phương án chuyển đổi kép Zero Capex có thể giúp doanh nghiệp giảm phát thải Phạm vi 1 và Phạm vi 2 ngay từ 2025. Ở Phạm vi 1 –giảm phát thải từ năng lượng trong sản xuất (Energy as a Service) bằng cách sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời mái nhà tự tiêu thụ, mua bán điện trực tiếp (DPPA). Sử dụng năng lượng hiệu quả bằng việc tối ưu hóa năng lượng (AI &Platform) và lưới điện thông minh (Smartgrid & BESS). Phạm vi 2 – Giảm phát thải từ Vận tải & Tự động hóa trong sản xuất bằng việc sử dụng xe nâng (forklift) điện từ 100% năng lượng tái tạo,sử dụng cánh tay Cobot (collaboration robot) từ 100% năng lượng tái tạo, thay thế phương tiện vận tải nội bộ bằng EVs (phương tiện vận tải điện).