Xoài xuất sang Trung Quốc trong thời gian tới có thể bị ảnh hưởng bởi hành vi "mượn mã số" mới bị phát hiện. Ảnh: Công Hân/Thanh Niên.
(Từ 17/8-23/8/2020)
CÂU CHUYỆN TUẦN NÀY: NỖI LO NÔNG SẢN XUẤT KHẨU
Trong tháng 6, phía hải quan Trung Quốc cho biết phát hiện 220 lô xoài tươi nhập khẩu từ Việt Nam trong giai đoạn 2019 – 2020 bị nhiễm sâu gây hại, thông tin trên bao bì và chứng nhận lại không khớp nhau, trong đó nhiều lô gắn xoài từ HTX Mỹ Xương.
Thực tế, có 2/82 vùng trồng xoài và 1/12 cơ sở đóng gói của Đồng Tháp trong danh sách vi phạm này. Điều đáng nói là, ngay sau khi Trung Quốc công bố việc ngưng nhập khẩu xoài từ HTX Mỹ Xương, đại diện của HTX này đã có phản hồi cho rằng, HXT chưa từng xuất lô hàng nào sang Trung Quốc.
Về việc này, Cục Bảo vệ thực vật giải thích, báo cáo từ phía Đồng Tháp là do doanh nghiệp sử dụng không đúng mã số, “mượn” mã số của nhau để xuất khẩu nên xảy ra hệ lụy trên.
Báo Thanh Niên dẫn lời ông Võ Việt Hưng, Giám đốc HTX xoài Mỹ Xương, nhận định tình trạng này không phải từ trên trời rơi xuống mà đâu đó đang tồn tại lối làm ăn giả tạo, không trồng xoài nhưng lại mua xoài, mạo danh HTX để bán hàng.
Vụ việc này đáng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các nhà sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh thị trường EU đã mở với EVFTA. Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tại Hội nghị tập huấn về phòng vệ thương mại khi thực thi Hiệp định EVFTA do Bộ Công thương tổ chức ngày 21/8, nông sản là mặt hàng có mức ‘nhạy cảm số 1’ về phòng vệ thương mại khi xuất sang EU.
Cụ thể, theo Cục Phòng vệ thương mại, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông lâm thủy sản sang EU tuy không lớn như các nhóm hàng điện tử, điện thoại, dệt may… nhưng nông thủy sản có mức “nhạy cảm số 1” với EU vì EU là nền kinh tế đứng đầu thế giới về trợ cấp nông nghiệp. Hiện nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang EU khoảng hơn 2 tỷ USD và thủy sản là 1,25 tỷ USD.
Trong khi xoài bị cấm nhập khi đã hết vụ thì nhãn lồng Hưng Yên đang chính vụ nhưng lại chịu cảnh rớt giá thảm khi cũng tắc đường sang Trung Quốc. Vốn nổi tiếng là đặc sản của Hưng Yên, giá bán cao hơn bất kỳ các loại nhãn nào trồng ở các địa phương khác, nhãn lồng năm ngoái có giá từ 50.000 – 70.000 đồng/kg thì nay chỉ còn từ 10.000 – 15.000 đồng/kg.
Theo UBND tỉnh Hưng Yên, vụ nhãn năm 2020, trên địa bàn tỉnh này có hơn 4.600 ha, nhãn được mùa lớn, ước sản lượng khoảng 50.000 tấn. Tại huyện Khoái Châu (Hưng Yên), nơi được coi là “thủ phủ” của nhãn lồng, nhiều hộ nông dân sợ dịch Covid-19 lan rộng nên đã thu hoạch ồ ạt. Do dịch bệnh, thương lái Trung Quốc không thể sang thu mua, khiến giá nhãn có thời điểm chỉ rẻ bằng 1/3 các năm trước. Nhãn loại đẹp chỉ còn 12.000 đồng/kg; loại 2, loại 3 chỉ còn 7.000 – 10.000 đồng/kg.
Cũng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giống chuối già nuôi cấy mô xuất khẩu ở Đồng Nai cũng bị kẹt đầu ra, đặc biệt là ở thị trường Trung Quốc. Giá chuối già nuôi cấy mô hiện được thương lái thu mua tại vườn ở tỉnh Đồng Nai với giá từ 2.000 đến 2.500 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mức giá từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg vào thời điểm thị trường xuất khẩu tốt.
Đây là mức giá thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất khiến nông dân trồng giống chuối già cấy mô rơi vào cảnh thua lỗ.
Cũng liên quan đến nông sản, tuần qua, một trong những bài được đọc nhiều nhất trên TGHN là bài: “Phát hiện hơn 4 tấn lúa giống nhái thương hiệu ST24”. Cụ thể, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bạc Liêu đã phát hiện 100 bao lúa giống ST 24 (trọng lượng 40kg/bao) nhái thương hiệu lúa ST 24.
Số lúa giống nhái ST24 này được phát hiện đại lý thức ăn gia súc, gia cầm Tư Nghị (xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) và kho lưu trữ hàng hóa của HTX Nông nghiệp Quyết Thắng (xã Lộc Ninh, huyện Hồng Dân).
Theo báo Người Lao Động đại diện HTX Nông nghiệp Quyết Thắng, cho rằng “do thấy nhu cầu lúa giống ST24 trong sản xuất ngày một tăng cao mà các trung tâm giống tại địa phương lại không đủ nguồn cung nên HTX đã tìm mua lúa ST24 ở Sóc Trăng về sàng lọc, sau đó đóng bao bì của HTX để bán cho người dân trên địa bàn.”
Tuy nhiên, đoàn kiểm tra đã thông báo việc làm này của HTX Quyết Thắng đã “vi phạm pháp luật vì sản xuất kinh doanh lúa giống ST24 khi chưa được chủ sở hữu là DNTN Hồ Quang Trí nhượng quyền phân phối.”
A – NHẬT KÝ HÀNG VIỆT
ABC Bakery giới thiệu nhiều loại bánh tại Lễ hội bánh trung thu Saigon Centre: Ngày 21/8 tại Trung tâm thương mại Saigon Centre diễn ra Lễ hội bánh Trung thu, với sự tham dự của hơn 10 doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Tại sự kiện, công ty ABC Bakery chính thức giới thiệu nhiều loại bánh trung thu mới mang hương vị truyền thống Việt Nam, kết hợp hài hòa phô mai California (Mỹ) và các loại nông sản. Lễ hội bánh Trung thu Saigon Centre diễn ra từ ngày 21/8 – 13/9/2020 tại địa chỉ 65 Lê Lợi, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM.
NutiFood mở cửa trang trại bò sữa hơn 1.000 héc-ta ở Gia Lai: Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng NutiFood ngày 20/8 công bố chính thức ra mắt trang trại bò sữa đầu tiên của hãng rộng hơn 1.000 héc-ta trên cao nguyên Gia Lai.
Xuất khẩu cá tra sang ASEAN giảm mạnh: Đến giữa tháng 7, tổng giá trị xuất cá tra sang thị trường ASEAN đạt 73,1 triệu USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 3 thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á (ASEAN), Thái Lan có mức giảm mạnh nhất với 33,2%, tiếp đến là Malaysia, Singapore lần lượt sụt 31,3% và 3,3%.
Hàn Quốc tăng mua mực, bạch tuộc từ Việt Nam: Theo Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 6 xuất khẩu mực, bạch tuộc từ Việt Nam sang Hàn Quốc đã tăng trưởng dương sau 3 tháng giảm liên tiếp trước đó. Kim ngạch xuất khẩu mực, bạch tuộc của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng 23,5% trong tháng 6.
Thái Lan chi 4,5 triệu đô la nhập dừa từ Việt Nam: Số liệu Tổng cục Hải quan cho biết từ thống kê của Cơ quan Hải quan Thái Lan, trong 6 tháng đầu năm nhập khẩu dừa của Thái Lan từ Việt Nam đạt 2.280 tấn, trị giá 140 triệu Baht (tương đương 4,5 triệu USD), tăng hơn 212% về lượng và tăng 332% về trị giá. Tỷ trọng nhập khẩu dừa từ Việt Nam chiếm tới 36% tổng lượng dừa của Thái Lan.
Từ 27 – 30/8: BSA tổ chức khóa học online + offline cho doanh nghiệp khởi nghiệp: Đối tượng tham dự khóa học là doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thành viên CLB Sáng tạo khởi nghiệp, CLB đặc sản thanh niên, Thanh niên làm kinh tế giỏi, HTX làng nghề…
Đưa hàng Việt vào các“đại siêu thị” của thế giới: Ngày 20/8, Bộ Công Thương, các hiệp hội ngành hàng đã phối hợp với các tập đoàn phân phối lớn của thế giới tại Việt Nam như Aeon, Wallmart, Central Retail, Lotte, Mega Market… tổ chức hội thảo trực tuyến kết nối hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam với các hệ thống phân phối nước ngoài.
Điện máy Xanh mở rộng thị trường với ‘mô hình supermini’: Sau thời gian thử nghiệm một vài vị trí, từ ngày 20/8 hệ thống bán lẻ Điện máy Xanh (thuộc Thế Giới Di Động) chính thức triển khai mô hình supermini đặt đầu tiên tại Tiền Giang.
Samsung bác bỏ thông tin chuyển sản xuất smartphone từ VN sang Ấn Độ : Ngày 18/8, Samsung Việt Nam đã chính thức lên tiếng về thông tin Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) có thể chuyển một phần sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam sang Ấn Độ.
91 doanh nghiệp Nhà nước phải cổ phần hóa trong năm 2020: Theo Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp – Bộ Tài chính, trong 7 tháng đầu năm 2020, đơn vị nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa của 6 doanh nghiệp, trong đó có 1 doanh nghiệp thuộc kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg.
Không chịu nổi Covid-19, hàng loạt khách sạn ở Hà Nội phải rao bán : Khi dịch Covid-19 kéo dài, du lịch đóng băng, du khách nước ngoài không có, đã khiến việc kinh doanh thua lỗ kéo dài. Dù đã cắt giảm chi phí, tạm đóng cửa song nhiều doanh nghiệp vẫn không thể kham nổi, buộc phải trả lại hoặc rao bán nhà với giá từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng.
Gian nan giải cứu lô hồ tiêu hơn 3 triệu USD : 62 container hồ tiêu trị giá hơn 3 triệu USD của 15 doanh nghiệp bị mắc kẹt tại Nepal, Ấn Độ chưa biết đến khi nào mới có thể đưa về Việt Nam
Tắc đường sang Trung Quốc, nhãn lồng Hưng Yên rớt giá thảm : Theo UBND tỉnh Hưng Yên, vụ nhãn năm 2020, trên địa bàn tỉnh này có hơn 4.600 ha, nhãn được mùa lớn, ước sản lượng khoảng 50.000 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc tiêu thụ nhãn đang gặp nhiều khó khăn.
Đồng Nai: Chuối rớt giá do xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó : Theo Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giống chuối già nuôi cấy mô cung cấp cho thị trường xuất khẩu gặp khó khăn về đầu ra, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị chững lại.
Vissan khuyến mãi hấp dẫn giảm giá lên đến 15% : Nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công ty Vissan triển khai chương trình khuyến mãi “Đồng hành cùng bạn chống dịch” với nhiều ưu đãi hấp dẫn dành cho khách hàng.
Saigon Co.op giảm 20%-50% giá bán nhiều mặt hàng thiết yếu : Đây là đợt giảm giá thứ 2 trong tháng 8/2020, kéo dài liên tục trong 21 ngày, tập trung cho các sản phẩm nhu yếu như các loại sữa, rau củ quả, thịt cá, các loại xà bông, dầu gội đầu và dụng cụ nhà bếp.
Ipsos: 3/4 người tiêu dùng VN sẽ giảm tần suất mua sắm và giải trí : Báo cáo mới cập nhật của Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos về “Hành vi người tiêu dùng Việt Nam sau thời gian giãn cách xã hội” cho thấy, có tới 3/4 người tiêu dùng sẽ giảm tần suất mua sắm và giải trí.
Video: Đưa dược liệu người Dao đi bốn phương
Video: Snack dừa được làm như thế nào?
Video: Gần 200 lượt học viên tham gia tập huấn khởi nghiệp do BSA tổ chức
B – HỘI NHẬP
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản cân nhắc mở rộng đầu tư ở Việt Nam : JETRO cho biết 41% các doanh nghiệp Nhật Bản đang cân nhắc mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong 3 năm tới, tăng 5,5% so với 1 năm trước đó.
Nhập khẩu máy móc từ Trung Quốc: nguy cơ thành ‘bãi thải công nghệ’ : Gần 50% máy móc, thiết bị của Việt Nam nhập khẩu trong nửa đầu năm nay là từ Trung Quốc.
Việt Nam nên tìm hướng thay thế ‘những động lực tăng trưởng truyền thống’: Bà Stefanie Stallmeister, quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khuyến nghị Việt Nam nên tìm hướng thay thế cho những động lực tăng trưởng truyền thống khi sức cầu ở nước ngoài và tiêu dùng ở trong nước đang yếu dần đi.
Kinh tế châu Âu có thể mất nhiều thời gian phục hồi sau Covid-19 : Các nền kinh tế châu Âu, vốn được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại sau suy thoái mạnh hơn Mỹ, có thể mất nhiều thời gian hơn để vượt qua những khó khăn mà dịch Covid-19 gây ra.
Xuất khẩu điện thoại và linh kiện 7 tháng đầu năm 2020 đạt 26,2 tỷ USD : Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan (TCHQ) xuất khẩu điện thoại và linh kiện 7 tháng đầu năm đạt 26,2 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Doanh nghiệp nhỏ khối ASEAN quan tâm đầu tư công nghệ : Công nghệ là lĩnh vực được các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực ASEAN ưu tiên cao nhất năm 2020, nhằm ứng phó với dịch Covid-19.
Ông Trump dọa trừng phạt công ty Mỹ từ chối ‘đem việc làm về nước’ : Tổng thống Donald Trump hôm 20/8 khẳng định nếu tái đắc cử, ông sẽ áp lệnh trừng phạt lên những công ty Mỹ từ chối mang việc làm từ nước ngoài về nước.
Đài Loan siết chặt đầu tư từ Trung Quốc : Đài Loan siết chặt quy định về đầu tư, cấm các nhà đầu tư cá nhân hoặc doanh nghiệp Trung Quốc có liên hệ với chính phủ hoặc quân đội.
Mỹ chính thức chấm dứt 3 thỏa thuận song phương với Hong Kong : Các thỏa thuận bao gồm các vấn đề dẫn độ tội phạm trốn chạy, bàn giao đối tượng bị kết án, cũng như miễn thuế qua lại đối với lợi nhuận thu được từ hoạt động vận chuyển quốc tế của các tàu.
Indonesia cấp tín dụng cho lao động bị mất việc và người nội trợ: Indonesia vừa công bố chương trình tín dụng vi mô (KUR) mới dành cho lao động bị mất việc và những người nội trợ sở hữu các doanh nghiệp siêu nhỏ nhằm giúp họ phục hồi sau đại dịch Covid-19.
Các công ty Mỹ và EU có thể tốn 1.000 tỷ USD để rời khỏi Trung Quốc : Theo nghiên cứu của Ngân hàng Bank of America; các công ty Mỹ và châu Âu có thể phải tiêu tốn tới 1.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để dịch chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc…
VN phản đối Indonesia kết luận chống bán phá giá tôn mạ lạnh : Việt Nam vừa gửi thư tham vấn kèm theo lập luận pháp lý đối với kết luận của Indonesia trong vụ việc chống bán phá giá sản phẩm tôn mạ lạnh Việt Nam.
Nền kinh tế Thái Lan suy thoái sâu nhất trong hơn hai thập kỷ : Tổng sản phẩm quốc nội giảm 12,2% so với một năm trước, Hội đồng Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia cho biết hôm thứ hai, 17/8, mức sụt giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.
Trung Quốc đã phải bơm thêm 101 tỷ USD tiền mặt : Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã bổ sung 700 tỷ nhân dân tệ (101 tỷ đô la) tài trợ một năm thông qua cơ sở cho vay trung hạn.
Hơn 1 tỷ dân Ấn Độ sẽ được cung cấp thẻ ID sức khỏe : Ấn Độ sắp thực hiện một canh bạc lớn về dữ liệu y tế. Quốc gia này đã công bố kế hoạch cấp cho mỗi người dân người một thẻ “Health ID”.
Apple trở thành tập đoàn Mỹ đầu tiên có giá trị vốn hóa 2.000 tỷ USD : Theo tính toán của Bloomberg, kể từ tháng 3 đến nay, giá trị cổ phiếu của Apple đã tăng xấp xỉ gấp đôi và trở thành công ty Mỹ đầu tiên đạt mốc 2.000 tỷ USD giá trị thị trường.
Australia yêu cầu Google phải ‘trả phí báo chí’ : Ngày 20/8, Viện Australia đã hối thúc công ty công nghệ Google Mỹ ngừng sử dụng nền tảng của mình để “dọa dẫm” công chúng, đồng thời yêu cầu hãng này phải trả tiền cho các cơ quan báo chí địa phương theo quy định mới của nước này.
Mỹ ban bố thêm lệnh cấm mới với Huawei : Bộ Thương mại Mỹ đã công bố các hạn chế mới đối với Huawei Technologies Co. nhằm cắt quyền truy cập của công ty Trung Quốc vào các chip thương mại.
CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ – TRUNG: WECHAT VÀ NỖI LO SME TRUNG QUỐC
Tác giả Đồng Phước trên báo Thanh Niên ngày 18/8/2020 đã có một phân tích rất đáng chú ý về hậu của của việc cấm WeChat đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa của Trung Quốc.
Theo tác giả bài báo, WeChat chính là cái cầu nối giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa SME (Small and Medium Enterprises) của Trung Quốc với các đối tác ở Mỹ. Do các SME Trung Quốc vốn rất ít khi dùng email trong giao dịch, nên WeChat được sử dụng rộng rãi trong kinh doanh và gọi vốn đầu tư của các đối tác Mỹ. Mọi khâu từ đặt hàng đến thanh toán đều thông qua WeChat vì tiện dụng và nhanh chóng, Khi WeChat bị cấm dùng ở Mỹ, các SME Trung Quốc phải chuyển sang phương thức thanh toán khác thay cho WeChat Pay (như thanh toán tín dụng thư qua ngân hàng) vốn có thủ tục rườm rà, tốn thời gian và chi phí cao. Theo báo tài chính Fortune, hiện chưa có ứng dụng nào của Mỹ có đầy đủ các tính năng và tiện ích như WeChat.
Nếu gặp nhiều khó khăn trong giao dịch với các bạn hàng Trung Quốc, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ nản lòng và quay sang tìm nguồn cung từ các nước khác. Trong thời điểm kinh tế thế giới đình trệ vì đại dịch Covid-19, người bán nhiều hơn người mua thì việc tìm kiếm nguồn cung thay thế – dù có thể không “nhanh, nhiều, rẻ” như Trung Quốc – không là phải là điều quá khó. Cộng thêm việc chính phủ Mỹ khuyến khích các doanh nghiệp của họ rút dần khỏi Trung Quốc đại lục, Mexico, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đã tận dụng thời cơ thu hút được nhiều khách hàng Mỹ, càng làm các SME Trung Quốc “khó thở” hơn.
Tác giả phân tích, gây khó khăn cho các SME Trung Quốc là đánh vào chỗ hiểm của kinh tế Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế thế giới nhận định động lực chính để kinh tế Trung Quốc phát triển như ngày nay không phải là các tập đoàn lớn, mà chính là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo thống kê của Statista, năm 2019 Trung Quốc có 43 triệu SME, chiếm 99% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp đến 60% GDP hàng năm và tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân (82% lực lượng lao động Trung Quốc làm việc cho các SME). Có đến 68% SME hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, đóng góp phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Nhóm thông tin hội nhập