Thái Lan lên kế hoach mở cửa đón du khách nước ngoài trở lại với việc thí điểm mở cửa du lịch ở Phuket, đảo lớn nhất của Thái Lan.

(Từ 24/8-30/8/2020)

CÂU CHUYỆN TUẦN NÀY: THÁI LAN VÀ CAMPUCHIA TÌM CÁCH MỞ CỬA DU LỊCH

Tuần qua, báo chi Thái lan dẫn lời Bộ trưởng Du lịch Phiphat Ratchakitprakarn hé lộ kế hoạch cho phép khách du lịch nước ngoài vào nước này từ ngày 1/10.

Ông Phiphat nói: “Tôi đã đề nghị thủ tướng chấp thuận đề xuất ấn định 1/10 là ngày cho phép khách du lịch nước ngoài vào Thái Lan. Tôi cũng đã yêu cầu sử dụng Phuket làm mô hình thí điểm cho chương trình du lịch đảm bảo an toàn trong đại dịch Covid-19 và đã nhận được sự đồng thuận của Trung tâm vì Quản lý Tình hình Kinh tế”.

Trong chương trình thí điểm, du khách nước ngoài sẽ được phép đến Phuket, đảo lớn nhất của Thái Lan, và sẽ phải cách ly tại một khu resort được chính phủ chỉ định trong 14 ngày.

Theo ông Phiphat, 4 khu resort trên bãi biển Patong nổi tiếng ở Phukhet có thể được chỉ định để tạo điều kiện cho khách du lịch bị cách ly.

Du khách nước ngoài sẽ được xét nghiệm Covid-19 khi từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc giai đoạn cách ly. Sau đó, họ sẽ được tự do đi lại trên đảo Phukhet.

Các nhân viên của resort được chỉ định sẽ không được phép rời khỏi nơi đó. Họ cũng sẽ được xét nghiệm Covid-19 thường xuyên.

Trong khi đó, Chính phủ Campuchia thành lập Liên minh Bảo hiểm Sức khỏe Covid-19, chịu trách nhiệm chi trả phí điều trị cho tất cả khách nước ngoài nhập cảnh vào Campuchia.

Các công ty bảo hiểm sẽ chi trả toàn bộ chi phí điều trị tại bệnh viện được Bộ Y tế Campuchia chỉ định cho bất kỳ khách hàng nào có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19. Tổng chi phí điều trị Covid-19 có thể được bảo hiểm chi trả lên tới 50.000 USD.

Youk Chamroeunrith, Giám đốc điều hành Forte Insurance và là đại diện của Liên minh bảo hiểm, ngày 26/8 nói rằng dịch vụ bảo hiểm Covid-19 được tiến hành trực tuyến và phí bảo hiểm là 90 USD cho 20 ngày hoặc thấp hơn.

Khách nước ngoài phải mua bảo hiểm Covid-19 từ khi còn ở trong nước để thanh toán phí điều trị, chăm sóc và xét nghiệm máu trong trường hợp mắc bệnh khi nhập cảnh vào Campuchia.

Ngành du lịch của cả Thái Lan và Campuchia đều chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, hai nước này hi vọng, với những sáng kiến mới đưa ra, có thể sớm được mở cửa đón du khách quốc tế trở lại.

A – NHẬT KÝ HÀNG VIỆT

Sữa tươi Việt Nam đạt chất lượng chuẩn thế giới: NutiFood cho biết vừa trở thành thương hiệu sữa Việt Nam đầu tiên được Walmart cấp phép phân phối hàng trong hệ thống đại siêu thị này. Sản phẩm của NutiFood vừa “lên kệ” tại hơn 450 chi nhánh Walmart ở Trung Quốc.

VASEP khiếu nại VTV dùng tôm minh họa cho thực phẩm bẩn: Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản gửi Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Công ty TNHH Nhất Nhất… khiếu nại về việc VTV sử dụng hình ảnh sản phẩm tôm trong quảng cáo thuốc Tonka của Công ty TNHH Nhất Nhất.

Tọa đàm: “Kinh nghiệm bán hàng trên sàn thương mại điện tử quốc tế”: Buổi tọa đàm do Hội DN HVNCLC cùng BSA tổ chức vào sáng 25/8 vừa qua, thu hút 70 DN HVNCLC, DN khởi nghiệp. Đây là một trong những sự kiện của chuỗi hoạt động của Hội DN HVNCLC và Trung tâm BSA, nhằm hỗ trợ cho DN chào bán hàng ra thị trường quốc tế thông qua công cụ online trong tình hình dịch bệnh đang ngày càng diễn biến khó lường.

Ngành nông nghiệp xuất siêu 6,2 tỷ đô la: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết trong tám tháng năm 2020, giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6,2 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhiều doanh nghiệp châu Âu ở Việt Nam có niềm tin kinh doanh tốt : Nếu trong quí 1/2020, chỉ 10% số thành viên của EuroCham tham gia khảo sát dự đoán rằng hiệu suất của họ sẽ được cải thiện trong ngắn hạn thì trong cuộc khảo sát mới nhất cho thấy có 24% số thành viên tham gia khảo sát mô tả tình hình kinh doanh của họ là “tốt” hoặc “xuất sắc” trong ba tháng vừa qua.

Công khai ngân sách nhà nước trên cổng thông tin điện tử: Kể từ ngày 26/8, Bộ Tài chính đã chính thức công khai ngân sách nhà nước trên Cổng Công khai ngân sách Nhà nước tại địa chỉ https://ckns.mof.gov.vn.

Cần Thơ đóng lô gạo đầu tiên xuất khẩu vào EU với thuế suất 0% :Ngày 27/8, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An đang triển khai đóng lô gạo đầu tiên xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU) với mức thuế suất 0%.

Phạt nặng cơ sở bán lúa giống nhái thương hiệu ST24 : Ngoài số tiền bị xử phạt là 90 triệu đồng, HTX Nông nghiệp Quyết Thắng còn tịch thu toàn bộ 51 bao lúa giống nhái thương hiệu ST24

Xoài Việt Nam vẫn xuất sang Trung Quốc bình thường : Trung Quốc chỉ đóng 2 mã vùng trồng và 1 mã nhà xưởng bị doanh nghiệp mạo danh. Ngoài 2 mã vùng trồng vi phạm thì 75 mã vùng trồng còn lại trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp và 2 mã nhà xưởng vẫn được xuất khẩu bình thường cho các vụ mùa tiếp theo.

Trung Quốc đang có nhu cầu lớn với cà phê, thủy sản Việt Nam : Người Trung Quốc đang có nhu cầu rất lớn về thủy hải sản sau dịch Covid-19 và cũng đang hình thành văn hóa uống cà phê, số lượng quán cà phê ngày càng nhiều lên, nên các doanh nghiệp Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu.

Bộ Công an thông báo kết quả điều tra vụ Asanzo  : Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa có thông báo kết quả điều tra về vụ việc liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo.

Hỗ trợ doanh nghiệp vay lãi 0% để trả lương nhân viên : Bộ LĐ-TB-XH đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 42/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.

TP.HCM: Hơn 90% doanh nghiệp lữ hành tạm ngừng hoạt động : Thống kê của Sở Du lịch TP.HCM cũng cho thấy, tính đến thời điểm hiện nay có khoảng 90-95% các doanh nghiệp lữ hành đã tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít doanh nghiệp còn hoạt động để xử lý những công nợ với đối tác, khách hàng.

Video: Chả ốc chiên giòn xốt ngò gai

– Video: Khởi nghiệp với thanh nhãn Củ Chi

– Video: Nước mắm Việt ra thế giới bằng thương mại điện tử

– Video: Niềm tin hàng Việt

B – HỘI NHẬP

Mỹ đưa tập đoàn Tam Hiệp vào tầm ngắm, căng thẳng gia tăng : Ngày 28/8, Lầu Năm Góc đưa ra danh sách cập nhật, trong đó có Tập đoàn Tam Hiệp, Tập đoàn Sinochem và công ty Spacesat Trung Quốc. Mặc dù động thái này của Lầu Năm Góc không đưa ra trừng phạt nhưng một đạo luật năm 1999 quy định rằng tổng thống Mỹ có thể áp đặt chế tài bao gồm phong tỏa tài sản của các công ty có tên trong danh sách.

Fed thông báo về ‘thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt’ : Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong ngày thứ năm đã chính thức thông báo về thay đổi chính sách mang tính bước ngoặt. Fed đã bỏ đi chính sách sớm nâng lãi suất nhằm ngăn lạm phát tăng cao, động thái này chắc chắn sẽ khiến cho lãi suất đồng USD tại Mỹ duy trì ở mức thấp trong khoảng thời gian dài, theo tin từ Wall Street Journal.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo thông báo quyết định từ chức :Chiều 28/8, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã triệu tập phiên họp chính phủ và công bố quyết định từ chức với các thành viên nội các.

Indonesia chi 532 triệu USD hỗ trợ các hoạt động dạy và học từ xa : Indonesia chi 7.200 tỷ rupiah (532 triệu USD) bảo trợ xã hội dưới hình thức hỗ trợ phí thuê bao điện thoại và Internet cho các giáo viên, học sinh, sinh viên học tập từ xa trong 4 tháng tới.

Việt Nam điều tra đường lỏng Trung Quốc, Hàn Quốc bán phá giá : Mặt hàng đường lỏng chiết xuất từ tinh bột ngô (bắp) có xuất xứ từ Trung Quốc và Hàn Quốc có dấu hiệu bán phá giá tại thị trường Việt Nam.

Ấn Độ ngưng mua dầu thô từ doanh nghiệp Trung Quốc : Các nhà máy lọc dầu quốc doanh của Ấn Độ đã ngưng mua dầu thô từ các công ty Trung Quốc sau khi New Delhi ra quy định mới nhằm hạn chế nhập khẩu từ các quốc gia có chung biên giới với Ấn Độ, theo Reuters ngày 27/8.

Mỹ cấm vận 24 công ty Trung Quốc xây đảo phi pháp ở Biển Đông: Chính phủ Mỹ ngày 26/8 công bố lệnh cấm vận đối với 24 công ty nhà nước cùng những quan chức của Trung Quốc có liên quan đến hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.

Thép hình chữ H từ Malaysia bị cáo buộc bán phá giá tại Việt Nam:Việt Nam chính thức khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép hình chữ H có xuất xứ từ Malaysia.

Gia hạn điều tra thép Trung Quốc bán phá giá ở Việt Nam thêm 6 tháng : Chiều tối 24/8, văn phòng Bộ Công Thương thông tin, vụ việc thép Trung Quốc có dấu hiệu bán phá giá tại thị trường Việt Nam sẽ bị kéo dài thời hạn điều tra thêm 6 tháng nữa để làm rõ những vấn đề liên quan.

Các nhà bán lẻ Mỹ triển khai mùa mua sắm sớm nhất từ trước đến nay : Đại dịch Covid-19 đang thay đổi cách mua sắm của người tiêu dùng Mỹ và vào kỳ nghỉ lễ sắp tới các nhà bán lẻ và cửa hàng lớn tại Mỹ đang lên kế hoạch triển khai mùa mua sắm sớm nhất từ trước đến nay.

Trung Quốc đe dọa tẩy chay Apple nếu Mỹ cấm WeChat : Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên ngày 28/8 cảnh báo, người tiêu dùng nước này sẽ tẩy chay Apple nếu Mỹ cấm WeChat trong bối cảnh một sắc lệnh của Mỹ phong tỏa ứng dụng xã hội phố biển này sắp được thực thi.

Huawei có nguy cơ ngừng sản xuất smartphone : TSMC, công ty Đài Loan gia công vi xử lý chính cho Huawei sử dụng nhiều công nghệ Mỹ, sẽ phải tạm ngưng cung cấp chip từ 15/9.

Cổ phiếu Alibaba tăng giá kỷ lục khi Ant Group ‘rục rịch’ lên sàn:Giá cổ phiếu của Alibaba đã tăng lên mức kỷ lục mới trong phiên 26/8, một ngày sau khi Ant Group, công ty công nghệ tài chính của tập đoàn này, nộp hồ sơ đăng ký niêm yết.

Điện thoại giá rẻ Trung Quốc cài sẵn phần mềm ‘đặc biệt nguy hiểm’: Một báo cáo mới nhất cho biết nhiều điện thoại giá rẻ của Trung Quốc có nguy cơ bảo mật khi cài sẵn phần mềm độc hại.

VNG khởi kiện TikTok tại tòa TP.HCM đòi bồi thường 221 tỷ đồng :VNG Corporation đã kiện TikTok tại tòa án TP.HCM, khi cho biết ứng dụng video dạng ngắn phổ biến này không có đủ giấy phép cho các bài hát sử dụng trong video.

Nga sẵn sàng hợp tác phát triển 5G với Trung Quốc và Huawei :Hãng thông tấn Sputnik ngày 23/8 đưa tin Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov thông báo Nga sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc và Huawei về công nghệ 5G.

CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ – TRUNG: LỆNH TRỪNG PHẠT CỦA MỸ

Trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục các cuộc tập trận rầm rộ tại Biển Đông thì động thái đáng chú ý nhất tuần qua là ngày 26/8, Bộ Thương mại và Bộ Ngoại giao Mỹ cùng thông báo áp lệnh trừng phạt với 24 công ty Trung Quốc cùng các cá nhân tham gia vào hoạt động bồi đắp, xây dựng và quân sự hóa phi pháp các thực thể ở Biển Đông.

Theo thông báo của Bộ Thương mại Mỹ, 24 doanh nghiệp nhà nước bị liệt vào danh sách cấm vận bao gồm các công ty con của Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC) và một đơn vị của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc. Bộ Thương mại Mỹ sẽ chặn việc xuất khẩu hàng hóa và nguyên liệu của Mỹ cho 24 công ty này.

“Kể từ năm 2013, Trung Quốc sử dụng các doanh nghiệp nhà nước để bồi đắp hơn 1.200 hecta tại các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông, gây mất ổn định khu vực, chà đạp quyền chủ quyền của các nước láng giềng và tàn phá môi trường”, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết trong một tuyên bố. Bên cạnh đó, ông Pompeo cho biết Mỹ sẽ không cấp thị thực cho các cá nhân, quan chức Trung Quốc có liên quan đến hoạt động bồi đắp phi pháp ở Biển Đông.

Đến ngày 28/8, Lầu Năm Góc đưa ra danh sách cập nhật, trong đó có Tập đoàn Tam Hiệp, Tập đoàn Sinochem và công ty Spacesat Trung Quốc.

Mặc dù động thái này của Lầu Năm Góc không đưa ra trừng phạt nhưng một đạo luật năm 1999 quy định rằng tổng thống Mỹ có thể áp đặt chế tài bao gồm phong tỏa tài sản của các công ty có tên trong danh sách.

Lầu Năm Góc đã phải chịu áp lực từ thành viên của cả đảng Dân Chủ lẫn đảng Cộng Hòa để công bố danh sách này, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh ở nhiều lĩnh vực gồm công nghệ, thương mại và chính sách đối ngoại.

Danh sách cập nhật chắc chắn làm tăng thêm căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Trong một diễn biến khác có liên quan tới Trung Quốc, ngày 27/8, Reuters cho biết, các nhà máy lọc dầu quốc doanh của Ấn Độ đã ngưng mua dầu thô từ các công ty Trung Quốc sau khi New Delhi ra quy định mới nhằm hạn chế nhập khẩu từ các quốc gia có chung biên giới với Ấn Độ.

Quy định hạn chế mua dầu thô này trên được Ấn Độ ban hành ngày 23/7 theo sau cuộc đụng độ biên giới với quân đội Trung Quốc tại vùng Kashmir làm 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Nhóm thông tin hội nhập (theo BSA/TGHN)