(Từ 31/8-6/9/2020)

CÂU CHUYỆN TUẦN NÀY: GẠO HỮU CƠ LÊN TÀU SANG ĐỨC VÀ BỘT RAU SẤY LẠNH VÀO HÀ LAN

Chia sẻ tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: “Xuất khẩu châu Âu từ lợi thế EVFTA, hàng Việt cần gì?” do Hội DN HVNCLC và BSA Channel tổ chức hôm 3/9, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP công nghệ cao Trung An cho biết, công ty đã ký hợp đồng cung cấp gạo hữu cơ với 3 khách hàng Đức, số lượng 3.000 tấn. Trong đợt giao lô hàng đầu tiên, có 6 container gạo ST20 và Jasmine với số lượng 150 tấn sẽ được giao cho nhà nhập khẩu.

Theo CEO Trung An Phạm Thái Bình, đơn vi này đã xuất khẩu sang thị trường châu Âu từ nhiều năm nay, tuy nhiên, đây là lô gạo đẩu tiên hưởng thuế suất từ EVFTA. Với thuế suất nhập khẩu về 0%, ông Bình khẳng định lợi nhuận của Trung An đã tăng nhiều so với trước. Cụ thể, trước đây gạo hữu cơ ST20 xuất vào EU có giá 800 USD/tấn nhưng nay tăng lên 1.000 USD/tấn.

Cũng theo ông Bình, “người tiêu dùng châu Âu sẵn sàng trả 3.000 – 4.000 đô la Mỹ cho một tấn gạo. Vấn đề là phải đáp ứng được chất lượng và tiêu chuẩn đề ra. Người tiêu dùng châu Âu, có hay không có hiệp định thì cũng không thay đổi tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là sản phẩm không được có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và phải đạt các chứng nhận quốc tế”

Cũng như Trung An, Công ty Thiên Nhiên Việt đang chinh phục thị trường châu Âu bằng 20.000 sản phẩm mang thương hiệu Quảng Thanh như bột rau má, tía tô, diếp cá, chùm ngây, lá sen, trà xanh, cần tây… được nhập khẩu chính ngạch. Bà Nguyễn Ngọc Hương – Giám đốc Công ty TNHH Thiên Nhiên Việt cho biết, để chinh phục được thị trường khó tính này, Thiên Nhiên Việt đã triển khai mô hình sản xuất khép từ canh tác, chế biến, bảo quản… đúng tiêu chuẩn.

Khi EVFTA có hiệu lực, phía châu Âu dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn/năm với gạo xay xát, gạo chưa xay xát và gạo thơm, cùng thuế trong hạn ngạch là 0%, gạo tấm sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm và từ 3-5 năm cho sản phẩm từ gạo. Ngoài hạn ngạch này thì châu Âu sẽ tính thuế bình thường. Để xuất khẩu được vào thị trường này, doanh nghiệp phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe.

Cũng chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Huy, chuyên gia tiêu chuẩn của Dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập cho rằng, châu Âu rất minh bạch các vấn đề về thuế và tiêu chuẩn nhập khẩu. Những thông tin này đăng tải công khai trên web của họ. Bất cứ nhà xuất nhập khẩu nào cũng có thể tìm được những thông tin cần thiết về các tiêu chuẩn nhập khẩu vào EU. Tại đây, các thông tin về doanh nghiệp vi phạm các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm cũng sẽ được công khai.

A – NHẬT KÝ HÀNG VIỆT

– Sau 3 năm xin phép, Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam đã được thành lập: Sáng 4/9, ông Lê Ngọc Anh (chủ thương hiệu nước mắm Lê Gia), ủy viên Ban Vận động thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam, cho biết Bộ Nội vụ ngày 3/9 đã ban hành quyết định số 609/QĐ-BNV cho phép thành lập Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam.

– Tái đánh giá doanh nghiệp “HVNCLC – Chuẩn hội nhập” tại Cỏ May: Ngày 31/8 vừa qua, tại “đại bản doanh” Công ty TNHH Cỏ May, huyện Châu Thành, Đồng Tháp, các chuyên gia tiêu chuẩn của dự án HVNCLC – Chuẩn hội nhập đã có buổi làm việc, tái đánh giá các điều kiện, tiêu chí để đảm bảo cho việc duy trì chứng nhận HVNCLC – Chuẩn hội nhập của DN này với các dòng sản phẩm, như gạo Bốn Mùa, Long Châu 66…

– Cấp trên 7.200 bộ C/O mẫu EUR.1 sau một tháng EVFTA có hiệu lực: Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 1 tháng kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực (từ ngày 1/8-31/8/2020), các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU.

– Cá ngừ Việt sang châu Âu tăng vọt nhờ EVFTA: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết tính đến hết tháng 6, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU giảm 17,3% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng bước sang tháng 7, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này lại tăng 65% so với cùng kỳ năm trước. Việc Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/8 đã tác động mạnh tới xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU.

– Trái cây rớt giá, xuất khẩu sụt giảm trong tháng 8: Theo báo cáo theo dõi tình hình giá cả thị trường nông sản tháng 8/2020 mà Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) công bố ngày 4/9, nhiều loại trái cây rớt giá, kim ngạch xuất khẩu cũng sụt giảm mạnh.

– HoREA kiến nghị cấp ‘sổ hồng’ cho người nước ngoài mua nhà tại TP.HCM : Hiệp hội Bất động sản TP.HCM vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP.HCM về việc xem xét cấp “sổ hồng” cho người nước ngoài mua nhà trên địa bàn thành phố theo Luật Nhà ở.

– Gold Time huy động vốn đa cấp, chiếm đoạt của khách hàng 900 tỷ đồng : Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa khởi tố vụ án “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Thời gian Vàng (Công ty Gold Time).

– Hàng không được giảm thêm nhiều loại giá, phí : Mức giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa giảm tới 50% sẽ được áp dụng từ đầu tháng 3 đến hết tháng 9.

– 18 container hàng hóa của Asanzo bị tạm giữ được thông quan trở lại : Cục Điều tra chống buôn lậu đề nghị Cục Hải quan TP.HCM và Hải Phòng phối hợp thông quan 18 container hàng hoá của Công ty Tập đoàn Asanzo không có dấu hiệu vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

– Cẩn trọng khi đầu tư vào farmstay : GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nhận định mô hình kinh doanh sử dụng đất trang trại để phát triển du lịch nghỉ dưỡng (farmstay) đang được nhiều nhà đầu tư (NĐT) khai thác như loại hình bất động sản (BĐS) hình thành trong tương lai là trái với quy định của pháp luật hiện hành.

– Tồn kho của một số ngành sản xuất tại TP.HCM tăng 2,5 – 5 lần Cục Thống kê TP.HCM vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế xã hội của thành phố cho thấy chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng ước tăng 20,7% so cùng thời điểm năm ngoái. Một số ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp như chế biến gỗ và sản xuất gỗ tre nứa tăng hơn 401% (5 lần); sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng hơn 155% (hơn 2,5 lần); sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng gần 138% (gần 2,4 lần); công nghiệp chế biến chế tạo khác tăng hơn 66%; sản xuất kim loại tăng hơn 60%.

– Doanh thu bán lẻ hàng hóa và tiêu dùng sụt giảm: Tổng cục Thống kê cho biết tính chung 8 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước giảm nhẹ 0,02% so với cùng kỳ năm trước.

– Video: Nữ cử nhân kinh tế – luật khởi nghiệp với nhang sạch từ gương sen

– Video: Doanh nghiệp HVNCLC Chuẩn hội nhập sáng tạo sản phẩm mùa dịch

– Video: BIENCO phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ dừa

– Video: Khẩu trang kháng khuẩn cho người Việt

– Video: SASCO với sản phẩm nước mắm truyền thống cho người Việt

– Video: Rau câu trứng I CÙNG NẤU Tập 3

– Video: KOYU & UNITEK Đưa gà Việt “chuẩn – chất” vào thị trường Nhật Bản

B – HỘI NHẬP

– Đại dịch Covid-19 tiếp tục ‘ám’ châu Á : Châu Á ghi nhận hàng loạt ca nhiễm mới hôm 4/9, nâng tổng số ca nhiễm lên hơn 7,4 triệu trong khi số người chết vì dịch Covid-19 tại khu vực đã vượt mốc 100.000.

– Cyprus tước quốc tịch của 7 người thuộc chương trình ‘hộ chiếu vàng’ : Cộng hòa Cyprus sẽ tước quốc tịch của 7 người và xem xét lại trường hợp của khoảng 4.000 người khác do vi phạm các điều khoản của chương trình đổi đầu tư lấy hộ chiếu, theo AFP ngày 4/9.

– Xuất khẩu của Hàn Quốc ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc : Trung Quốc chiếm 24,3% xuất khẩu của Hàn Quốc trong bảy tháng đầu năm nay, tăng 1,5 điểm phần trăm so với một năm trước đó, theo báo cáo từ cơ quan vận động hành lang kinh doanh hàng đầu, Liên đoàn các ngành công nghiệp Hàn Quốc (FKI).

– Lào đối mặt nguy cơ vỡ nợ ngày càng cao : Thời báo Tài chính (FT) hôm 2/9 cho biết Lào đối mặt với nguy cơ vỡ nợ ngày càng cao do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và ngành điện lực nước ngày đang ngập trong các khoản nợ.

– Nhật Bản, Australia và Ấn Độ ra tuyên bố chung : Ngày 1/9 (giờ địa phương), các bộ trưởng kinh tế Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã ra tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị trực tuyến nhằm thảo luận việc hợp tác hướng tới xây dựng các chuỗi cung ứng bền vững trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.

 Các hãng bán lẻ Indonesia xem xét lại kế hoạch mở rộng kinh doanh : Các công ty bán lẻ lớn trong nhiều lĩnh vực của Indonesia đang xem xét lại kế hoạch mở rộng kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đặt cược vào số hóa đồng thời đánh giá kỹ nhu cầu mở các cửa hàng vật lý mới.

– Trung Quốc cấp thiết cải cách thị trường tài chính để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ : Theo một nhóm nghiên cứu bán chính thức của Trung Quốc, Trung Quốc cần làm thị trường tài chính trong nước đủ lớn và đủ mở để ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào của Hoa Kỳ nhằm chia rẽ tài chính.

– Từ 20/9, thực hiện cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN : Một trong những kết quả đáng chú ý nhất của hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN, được Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh là việc thống nhất thực thi cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa toàn ASEAN từ ngày 20/9.

– Samsung thu hẹp khoảng cách sản xuất chip với TSMC : Samsung đang cố gắng cạnh tranh gay gắt với công ty dẫn đầu thị trường sản xuất chip là TSMC trong vài năm qua, đặt kỳ vọng trở thành nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới vào năm 2030.

– Ấn Độ cấm 118 ứng dụng của Trung Quốc : Bộ Thông tin và Công nghệ Ấn Độ đã thông báo lệnh cấm đối với 118 ứng dụng Trung Quốc, bao gồm PUBG, PUBG Lite, WeChat Work, Baidu…

– Samsung sẽ sản xuất Galaxy Z Fold 2 tại Việt Nam : Samsung được cho là đang đa dạng hóa việc sản xuất mẫu smartphone màn hình gập Galaxy Z Fold 2, bằng việc tăng cường sản lượng tại hai quốc gia Brazil và Việt Nam.

CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ – TRUNG: MỸ GIA TĂNG SỨC ÉP VỚI TRUNG QUỐC, HUAWEI LÂM NGUY

Trong tuần qua Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép với Trung Quốc khi Trường ĐH North Texas (UNT) ở TP Denton, bang Texas – Mỹ đã chấm dứt chương trình trao đổi với 15 nhà nghiên cứu Trung Quốc đang làm việc tại trường thông qua sự tài trợ của chính phủ Trung Quốc.

Từ lâu giới chức Mỹ đã tỏ thái độ e ngại với chương trình “ngàn nhân tài” của Trung Quốc, tuy nhiên, theo tờ Straits Times, đây có vẻ là lần đầu tiên một trường đại học Mỹ cắt đứt quan hệ với Quỹ Học bổng Quốc gia Trung Quốc. Những nhà nghiên cứu Trung Quốc nêu trên được thông báo vào ngày 26/8 thông qua bức thư của ban giám hiệu nhà trường. Điều này đồng nghĩa với việc họ không còn được ở lại Mỹ, theo tờ Denton Record-Chronicle.

Chương trình “Ngàn nhân tài” được Trung Quốc đưa ra vào năm 2008 nhằm thu hút công dân Trung Quốc, Hoa kiều và người nước ngoài phát triển sự nghiệp tại Trung Quốc, đặc biệt là giáo sư và chuyên gia tại các đại học, viện nghiên cứu và các tập đoàn quốc tế. Trong đợt tổng kết 10 năm, chương trình đã thu hút hơn 8.000 chuyên gia Trung Quốc đang làm việc ở nước ngoài trở về nước, chủ yếu đến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và các thành phố ven biển nơi dễ tiếp cận môi trường nghiên cứu khoa học hơn.

Theo báo cáo vừa mới công bố của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS – Mỹ), Mỹ rất quan ngại về việc Trung Quốc lấy được công nghệ bằng mọi cách. Theo đó, chương trình “Ngàn nhân tài” có mục tiêu ban đầu là tạo ra một “xã hội sáng tạo” chứ không phải phương thức để trộm công nghệ. Tuy nhiên, vào năm 2010, chương trình cho phép các chuyên gia đồng thời làm việc tại Trung Quốc và nước ngoài, trong đó có liên quan đến chuyển giao công nghệ khiến giới chức Mỹ lo ngại.

Cũng trong ngày 2/9 chính phủ Mỹ đã thông báo các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc ở Mỹ sẽ phải có được sự phê chuẩn của Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi họ đến thăm các khu học xá của đại học Mỹ. Ngoài ra, các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng phải có được sự phê chuẩn từ Bộ Ngoại giao Mỹ trước khi tổ chức các sự kiện văn hóa với sự tham gia của hơn 50 người bên ngoài đại sứ quán và lãnh sự quán Trung Quốc ở Mỹ.

Trong một diễn biến khác, câu chuyện Huawei dường như đã “ngấm đòn” trừng phạt từ phía Mỹ cũng được quan tâm trong tuần qua. Theo các chuyên gia, các sắc lệnh hành pháp của Mỹ có thể sẽ khiến Huawei rơi vào “trạng thái khủng hoảng”. Đầu tiên, có thể họ sẽ đánh mất vị thế của “nhà sản xuất smartphone số một thế giới”. Đây là điều được Richard Yu, Giám đốc bộ phận tiêu dùng Huawei, thừa nhận vào đầu tháng 8 vừa qua.

Mọi việc chưa dừng ở đó, cho đến cuối năm nay, số lượng chip 5G được Huawei dự trữ lên đến 50 triệu có thể sẽ cạn kiệt vào quý 1/2021. Sau đó, các dòng sản phẩm như smartphone, máy tính bảng, các thiết bị viễn thông của Huawei sẽ “khủng hoảng thực sự” vì không có linh kiện quan trọng nhất để sản xuất.

Mảng kinh doanh 5G, một “mũi nhọn chiến lược” của Huawei cũng sẽ rơi vào tình trạng khan hiếm linh kiện quan trọng để phát triển các trạm phát sóng 5G. Ngoài việc bị cắt mất nguồn cung chip quan trọng, Huawei còn bị chính phủ các nước loại khỏi các dự án phủ sóng 5G của nhiều quốc gia trên thế giới như: Anh, Pháp, Nhật, Australia và sắp tới có thể là Ấn Độ.

Cũng liên quan đến công nghệ, ngày 4/9, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang cân nhắc khả năng đưa Tập đoàn Quốc tế sản xuất bán dẫn (SMIC) lớn nhất của Trung Quốc vào danh sách đen thương mại trong bối cảnh Mỹ tăng cường gây sức ép đối với các công ty của Trung Quốc.

Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đang làm việc với các cơ quan khác nhằm đưa ra quyết định liệu có nên đưa ra hành động nhằm vào SMIC hay không. Theo đó, các nhà cung cấp của Mỹ buộc phải có một giấy phép đặc biệt trước khi vận chuyển cho công ty này. Nếu bị đưa vào danh sách, SMIC có thể sẽ chịu chung số phận như Huawei và ZTE.

Nhóm thông tin hội nhập