(Từ 7/9 – 13/9/2020)
Sáng 8/9/2020, Hội DN HVNCLC tổ chức buổi kết nối B2B cho DN trong Hội với các đối tác Ausviet Food và Tae Han food. Đây là 2 chuỗi siêu thị có tiếng ở thị trường Úc.

Kết nối trực tuyến B2B giữa DN HVNCLC và các nhà phân phối ở Úc

CÂU CHUYỆN TUẦN NÀY: LÀNH MẠNH HÓA QUAN HỆ KINH TẾ VIỆT NAM – TRUNG QUỐC
“Trước mắt, Việt Nam cần tập trung vào một số khía cạnh bao gồm chủ động hơn về nguồn cung, chủ động hơn về công nghệ và cách thức phân bổ nguồn lực, cải thiện chất lượng thương mại, có chính sách quản lý đầu tư và đấu thầu nước ngoài hợp lý hơn.”
Đó là nhận định của TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) trong bài viết “Cần làm gì để lành mạnh hóa quan hệ kinh tế Việt Nam – Trung Quốc” trên báo Phụ nữ TP.HCM.
Việt Nam đang lệ thuộc vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc, bài báo dẫn số liệu: quy mô thương mại giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc hiện xấp xỉ 100 tỷ USD, tương đương với thương mại giữa Trung Quốc và Nga năm 2019. Nhưng không chỉ có lĩnh vực thương mại. Đầu tư cũng là một lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng nhanh giữa Trung Quốc và Việt Nam. Tính đến hết năm 2019, vốn đầu tư của Trung Quốc ở Việt Nam (tính gộp cả vốn từ Hong Kong và Trung Quốc) chiếm khoảng 26% tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, với quy mô khoảng 10 tỷ USD.
Đáng quan tâm hơn, đằng sau sự tương thuộc về thương mại, số liệu này cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào chuỗi cung ứng từ Trung Quốc. Đối với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, nhập khẩu vải từ Trung Quốc chiếm tới hơn 65% nguồn vải dùng cho ngành may mặc và có tới hơn 60% nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày cũng phải nhập từ Trung Quốc. Ngoài việc phụ thuộc vào nguồn cung thì phụ thuộc về công nghệ cũng là một khía cạnh sống còn khác đối với doanh nghiệp mà số liệu thương mại thông thường không phản ánh được hết. “Theo tính toán của chúng tôi, 40-50% doanh nghiệp Việt Nam đang sử dụng công nghệ được nhập khẩu từ Trung Quốc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” – bài báo viết.
Để giải quyết thách thức này, theo TS Thành, đầu tiên Việt Nam cần phải đa dạng chuỗi cung ứngchuyển đổi số một cách thông minhnâng cao tỷ lệ thương mại chính ngạch; và quản lý thật tốt đầu tư nước ngoài.
Việc nâng cao tỷ lệ thương mại chính ngạch (thay vì tiểu ngạch) cũng sẽ giúp đẩy nhanh việc giảm xuất khẩu hàng hóa kém chất lượng và không có tiêu chuẩn phù hợp, qua đó nâng cao giá trị hàng xuất khẩu sang Trung Quốc và (có thể) góp phần giảm nhập siêu.
Ở khía cạnh đa dạng hóa nguồn cung, theo TS Thành Việt Nam trên thực tế đã thực hiện việc đa dạng hóa nguồn cung sớm hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á. Chúng ta có FTA với các nền kinh tế Á – Âu do Nga dẫn đầu, có FTA với EU (tức EVFTA) – nơi mà quy định xuất xứ nguồn cung hạn chế rất nhiều việc phụ thuộc vào nguồn cung Trung Quốc – và cả CPTPP – nơi mà xuất xứ hàng hóa được thiết lập theo tiêu chuẩn Mỹ.
Đọc toàn bài tại đây
A – NHẬT KÝ HÀNG VIỆT
– Kềm Nghĩa không chỉ là kềm: Từ mặt bằng vỏn vẹn 1,5m2, sau bốn thập niên Kềm Nghĩa hiện là tập đoàn có nhà máy hiện đại trên diện tích 5 ha ở khu công nghiệp Tân Phú Trung ở Củ Chi, TP.HCM.
– Sản phẩm của Vĩnh Thành Đạt và Sài Gòn Food đắt khách tại Phiên chợ Xanh – Tử tế: Ngay trong lần đầu tiên tham dự Phiên chợ Xanh – Tử tế, các sản phẩm của doanh nghiệp HVNCLC  – Chuẩn hội nhập được người tiêu dùng quan tâm, tìm hiểu và chọn mua.
– An Giang: Phát hiện số lượng lớn thuốc BVTV không rõ nguồn gốc: Lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh An Giang liên tiếp phát hiện số lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không rõ nguồn gốc, không hóa đơn.
– Không để mất thương hiệu ‘hạt điều Bình Phước’: Hội Điều Bình Phước khẳng định những sản phẩm rao bán trên mạng xã hội trong thời gian gần đây không phải là hạt điều có nguồn gốc Bình Phước mà là hạt điều nhập khẩu vụ cũ đã kém chất lượng.
– Chăm sóc cánh đồng lớn với Drone AI : Với “Hệ thống AI xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái”, ứng dụng sẽ phát hiện điểm bị sâu bệnh và qua các thuật toán AI, drone sẽ phun thuốc trừ sâu đúng chỗ cây trồng bị sâu bệnh.
 Gạo thơm Campuchia sẽ có giá cạnh tranh với gạo Việt Nam và Thái Lan : Báo Khmer Times ngày 9/9 dẫn lời một nhà xuất khẩu gạo Campuchia cho hay giá gạo thơm loại một của Campuchia sẽ cạnh tranh tốt trên thị trường với các nước xuất khẩu gạo lớn là Thái Lan và Việt Nam.
– 30.000 tấn gạo thơm ĐBSCL được hưởng thuế suất 0% khi sang EU : EU đã nâng hạn ngạch nhập khẩu gạo từ Việt Nam từ 50.000 tấn lên 80.000 tấn/năm, trong đó, 30.000 tấn mở thêm hạn ngạch là gạo thơm từ ĐBSCL, được đặc cách thuế quan và theo lộ trình chỉ còn thuế suất 0% trong vòng 3-5 năm tới.
– Nông nghiệp xuất siêu hơn 6 tỷ USD : Bộ NN&PTNT thông tin sau 8 tháng đầu năm 2020, ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.
– TP.HCM đưa đặc sản Chợ Lớn lên online: Chophiencholon.vn được mở bán từ ngày 21 đến 25/9, khách hàng có thể mua sắm hàng hóa đa dạng và phong phú thông qua website: chophiencholon.vn hoặc ứng dụng di động.
– Việt Nam là nước tiêu thụ xe máy nhiều thứ hai ở Đông Nam Á : Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực nhưng doanh số bán xe máy tại quốc gia này sau nửa đầu năm 2020 đã giảm 42,2%.
– Hàng loạt ‘ông lớn’ bất động sản lỗ nặng : Tám tháng năm 2020, cả nước có 923 doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) giải thể, tạm ngừng hoạt động do tác động của đại dịch Covid-19, tăng 136% so với cùng kỳ, cao nhất so với các lĩnh vực kinh tế khác.
– Vingroup bác tin đồn bán Vinschool và Vinmec : Chiều 11/9, nguồn tin chính thức của Vingroup khẳng định không có kế hoạch bán cổ phần của Vinmec và Vinschool như thông tin hãng tin Reuters vừa đăng.
– First News chính thức khởi kiện Lazada : Nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Lazada Việt Nam đã có phản hồi liên quan đến thông tin Công ty Văn hóa Sáng tạo Trí Việt (First News) chính thức nộp đơn khởi kiện Lazada lên TAND quận 1, TP.HCM.
– Chưa đủ điều kiện trình Thủ tướng Dự án hàng không Cánh Diều: Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời Nhà đầu tư Dự án vận tải hàng không Cánh Diều về việc chưa đáp ứng các điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
– Hà Nội công bố 23 dự án được bán cho người nước ngoài : Sở Xây dựng TP Hà Nội vừa công bố danh sách 23 dự án nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu.
– Ngành thép liên tục bị điều tra, kiện phòng vệ thương mại : Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI) vừa ra thông báo khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội có xuất xứ từ Việt Nam và Indonesia.
– Video: Vĩnh Thành Đạt xây dựng thương hiệu trứng gia cầm từ công nghệ và tiêu chuẩn
– Video: Lai Phú đưa bánh kẹo Việt vươn xa
– Video: Kết nối trực tuyến B2B cho doanh nghiệp HVNCLC với đối tác từ Úc
– Video: Khởi nghiệp từ vỏ trái cây
– Video: Doanh nghiệp HVNCLC – Chuẩn hội nhập tận dụng lợi thế EVFTA để xuất khẩu
– Video: Tái đánh giá hoạt động của doanh nghiệp sau khi đạt HVNCLC – chuẩn hội nhập
B – HỘI NHẬP
– Ấn Độ chi mạnh để thu hút doanh nghiệp nước ngoài : Ấn Độ đang có kế hoạch cung cấp các ưu đãi trị giá lên tới 1.680 tỷ rupee (23 tỷ USD) để thu hút các công ty thiết lập cơ sở sản xuất tại nước này.
– CDC Mỹ đặt văn phòng ở Việt Nam để ứng phó Covid-19: Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ vừa công bố sớm mở 1 văn phòng Đông Nam Á đóng tại Hà Nội, để cùng ứng phó tình hình bệnh dịch Covid-19.
– Nhập tơ tằm Trung Quốc gắn mác hàng Việt để xuất đi Ấn Độ : Một doanh nghiệp đã nhập tơ tằm Trung Quốc, gắn mác hàng Việt Nam rồi xuất sang Ấn Độ để “né” 20% thuế suất.
 Doanh nghiệp Mỹ ngày càng bi quan khi hoạt động tại Trung Quốc : Các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc ngày càng tỏ ra quan ngại về nguy cơ căng thẳng thương mại song phương có thể kéo dài nhiều năm tới và gây ảnh hưởng dài hạn cho hoạt động kinh doanh tại nước này.
– Trung Quốc cố gắng thu hút các công ty nước ngoài : Trung Quốc đang cung cấp một loạt các nhánh ô liu cho các công ty Mỹ và châu Âu để tiếp tục và mở rộng hoạt động kinh doanh của họ ở nước này, ngay cả khi mối quan hệ đối địch với Washington có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh mới có thể buộc các công ty phải chọn một trong hai bên.
– Nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc thừa nhận ‘không thể thiếu Mỹ’ : Nhà sản xuất chip nhớ flash hàng đầu của Trung Quốc thừa nhận không có cách nào để thay thế thiết bị sản xuất chip của Mỹ, và nhấn mạnh việc Mỹ siết chặt “cấm vận” sẽ tàn phá ngành bán dẫn Trung Quốc.
– Huawei công bố nền tảng di động Harmony OS 2.0 : Huawei đã công bố nền tảng Harmony OS đầu tiên của mình tại Hội nghị nhà phát triển (HDC) vào năm ngoái, và giờ đây công ty công bố bản kế nhiệm Harmony OS 2.0.
– Samsung ngừng cung cấp màn hình OLED cho Huawei: Không lâu sau khi có thông tin cho biết Samsung sẽ ngừng cung cấp chip cho Huawei từ tuần tới, giờ đây một thông tin mới nói rằng công ty Hàn Quốc cũng ngừng cung cấp tấm nền OLED cho Huawei.
– Samsung sẽ chuyển một phần sản xuất ti vi từ Trung Quốc về Việt Nam : Theo Nikkei Asian Review, sau khi đóng cửa nhà máy sản xuất ti vi tại Thiên Tân (Trung Quốc) vào tháng 11 tới, Samsung sẽ chuyển sản xuất này sang một số nước, trong đó có Việt Nam.
– Hàn Quốc phát triển công nghệ kết nối di động không cần SIM : Theo LG Uplus, công nghệ mới sẽ giúp các nhà sản xuất hướng tới các thiết bị nhỏ gọn hơn do công nghệ này không yêu cầu không gian cũng như linh kiện để lắp thẻ SIM.
– Australia điều tra hoạt động cạnh tranh trên App Store và Google Play : Cơ quan giám sát cạnh tranh của Australia (ACCC) ngày 8/9 thông báo mở cuộc điều tra về hoạt động cạnh tranh trên thị trường ứng dụng di động của nước này trong khuôn khổ của dự án nghiên cứu về nền tảng kỹ thuật số trong vòng 5 năm.
 Ấn Độ thông qua các đề xuất về xuất khẩu điện thoại : Một ủy ban của Chính phủ Ấn Độ đã thông qua các đề xuất của các nhà sản xuất theo hợp đồng cho iPhone như Foxconn, Pegatron và Wistron cũng như Samsung, Karbonn, Lava và Dixon về việc xuất khẩu điện thoại di động tổng trị giá khoảng 100 tỷ USD từ Ấn Độ.
CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ – TRUNG: CÁC HÃNG CÔNG NGHỆ TRUNG QUỐC NGẤM ĐÒN
Nhà sản xuất chip nhớ flash hàng đầu của Trung Quốc Yangtze Memory Technologies Co thừa nhận không có cách nào để thay thế thiết bị sản xuất chip của Mỹ, và nhấn mạnh việc Mỹ siết chặt “cấm vận” sẽ tàn phá ngành bán dẫn Trung Quốc.
Trong khi đó, theo Korea Times vài tuần sau lời yêu cầu của Ngoại trưởng Mỹ, giới chức công nghiệp Hàn Quốc cho biết các nhà cung cấp hàng đầu cho Huawei gồm Samsung Electronics, SK hynix, Samsung Display và LG Display đang xem xét lại mối quan hệ đối tác với Huawei cũng như tạm ngừng bán chíp nhớ và màn hình smartphone cao cấp cho tập đoàn này của Trung Quốc. Việc tạm ngừng giao dịch sẽ được thực hiện từ ngày 15/9 tới.
Trên mặt trận ngoại giao, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 9/9 cho biết đã thu hồi thị thực của hơn 1.000 công dân Trung Quốc theo tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc đình chỉ nhập cảnh đối với các sinh viên và nhà nghiên cứu bị coi là có nguy cơ an ninh.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) trực tuyến tối 9/9, ông Pompeo nhấn mạnh đã đến lúc chính phủ các quốc gia Đông Nam Á nên xem xét lại mối quan hệ với những doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, theo AFP. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các nước Đông Nam Á cắt đứt quan hệ với 24 công ty nhà nước Trung Quốc bị Washington cấm vận vì liên quan đến hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Trước đó, chính phủ Mỹ hôm 26/8 tuyên bố liệt 24 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào danh sách cấm vận, bao gồm các công ty con của Tập đoàn Xây dựng Viễn thông Trung Quốc (CCCC) và một đơn vị của Tập đoàn Đóng tàu Trung Quốc.
Đây là một động thái nhằm gây áp lực với Bắc Kinh vì chính quyền Trung Quốc tăng cường hoạt động quân sự hóa Biển Đông, chiếm đóng, bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông.
Nhóm thông tin hội nhập