(Từ 14/9 – 20/9/2020)

CÂU CHUYỆN TUẦN NÀY: VINGROUP TẤN CÔNG VÀO TIỆM TẠP HÓA

Một số hình ảnh rò rỉ cho thấy khi các chủ tạp hóa hợp tác cùng VinShop thì sẽ được hỗ trợ về biển hiệu, bố trí cửa hàng. Ngoài ra trên biển hiệu của cửa hàng tạp hóa này ngoài VinShop có sự xuất hiện của cả VinID.

Hiện VinShop đã xuất hiện trên cửa hàng ứng dụng Appstore, CH Play cũng như có địa chỉ website VinShop.vn

Với ứng dụng VinShop, các chủ tiệm tạp hóa có thể đặt hàng giá tốt với nhiều ưu đãi, hàng hóa luôn được đảm bảo chất lượng từ các thương hiệu, nhà cung cấp nổi tiếng. Đồng thời, các đối tác của VinID tối ưu hiệu quả quản lý gian hàng của mình trên ứng dụng VinID và hỗ trợ thanh toán qua ví điện tử VinID Pay.

Ứng dụng và mô hình hoạt động VinShop có vẻ rất giống với Mitra Bukalapak của nhà bán lẻ trực tuyến Bukalapa của Indonesia.

Trong khi Covid-19 vẫn hoành hành khắp đất nước, Bukalapak – một trong những nền tảng thương mại điện tử hàng đầu của Indonesia – vẫn bám sát chiến lược mở rộng mạng lưới các ki-ốt nhỏ lẻ, theo CEO Rachmat Kaimuddin. “Thương mại điện tử vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong các giao dịch bán lẻ ở Indonesia, khoảng 3% đến 5%”, Kaimuddin, người vừa đảm nhận chức vụ CEO của Bukalapak vào tháng 1, nói với Nikkei Asian Review.

Ông nói thêm rằng “mọi người vẫn không thoải mái với giao dịch trực tuyến [và] vẫn thích được trả tiền trực tiếp … Họ thích mua hàng từ hàng xóm, từ các ki-ốt nhỏ lẻ”.

Bukalapak được thành lập vào năm 2010 và trở thành một trong những nền tảng thương mại trực tuyến hàng đầu Indonesia, chủ yếu dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2018 nó đã đạt được trạng thái kỳ lân, tức startup được định giá hơn 1 tỷ đô la.

Bukalapak đã đầu tư vào mảng bán lẻ offline vào năm 2017 khi ra mắt “Mitra Bukalapak”, một ứng dụng dành cho các ki-ốt nhỏ lẻ. Nền tảng này giúp các chủ ki-ốt nhỏ lẻ kết nối với các công ty hàng tiêu dùng để được cung cấp hàng hóa.

CEO Kaimuddin nhấn mạnh rằng ông sẽ tiếp tục chiến lược “hai chiều”, nói rằng “các ki-ốt rất quan trọng đối với xã hội Indonesia, và cả offline và trực tuyến đều không thể bị loại trừ” trong kỷ nguyên Covid-19.

Công ty có khoảng 1,5 triệu thương nhân bán lẻ hoạt động trên ứng dụng Mitra Bukalapak ở 34 tỉnh, thành khắp cả nước, ngay cả ở những địa điểm xa xôi như Nam Halmahera cận West Papua.

A – NHẬT KÝ HÀNG VIỆT

– 28 dự án đầu tiên tranh tài vòng bán kết 1 Cuộc thi khởi nghiệp 2020: Chiều 19/9, vòng bán kết 1 cuộc thi Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Thanh niên nông thôn 2020 đã chính thức khởi tranh tại TP.Thái Nguyên. Có 28 dự án đến từ 17 tỉnh, thành phía Bắc tham gia tranh tài để chọn ra những dự án xuất sắc nhất thi vòng chung kết.

– ‘Hộ chiếu’ của ẩm thực Việt Nam: Nước mắm truyền thống Việt Nam sẽ là “hộ chiếu” của ẩm thực Việt Nam bước ra thế giới, có mặt không chỉ trên bàn ăn của người Việt ở khắp nơi mà còn là gia vị cho nhiều món ăn của các nền ẩm thực trên thế giới. Đó là khẳng định của khách mời tham gia tọa đàm “Nước mắm truyền thống – Từ bàn ăn gia đình Việt ra thế giới” do Trung tâm BSA, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 17/9, tại TP.HCM.

– Công bố nhãn hiệu bò thịt chất lượng cao Bình Định : Ngày 18/9, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định tổ chức lễ công bố nhãn hiệu chứng nhận bò thịt chất lượng cao Bình Định.

– Xuất khẩu lô hàng trái cây đầu tiên theo hiệp định EVFTA : Chiều ngày 17/9, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre tổ chức lễ công bố xuất khẩu lô hàng trái cây đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).

– Gia Lai xuất khẩu lô cà phê đầu tiên sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA : Ngày 16/9, tại Gia Lai, lô cà phê đầu tiên của Việt Nam đã chính thức xuất khẩu sang thị trường EU theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

– Ả Rập Saudi mở lại cửa cho 12 DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam : Ngày 15/9, Vụ Thị trường châu Á, châu Phi – Bộ Công Thương cho biết Ả Rập Saudi đã cho phép 12 doanh nghiệp (DN) Việt Nam được xuất khẩu trở lại mặt hàng thủy sản vào thị trường này.

– Vissan khai trương chuỗi cửa hàng trên dịch vụ đi chợ hộ Lomart : Nhằm khẳng định cam kết luôn mang đến nguồn thực phẩm chất lượng, an toàn đến tận tay khách hàng, Công ty CP Việt Nam Kỹ Nghệ Súc Sản Vissan chính thức ra mắt gian hàng trực tuyếntrên ứng dụng Lomart.

– Vingroup lại tiến vào ‘tiệm tạp hóa’ với app VinShop? : Thông tin trên một số diễn đàn đang đặt ra nghi vấn Vingroup sẽ cho ra mắt ứng dụng VinShop kết nối giữa chủ tạp hóa bán lẻ và các đơn vị cung cấp hàng hóa.

– Phạt 80 triệu đồng chủ chợ online để lộ thông tin thanh toán của khách : Từ ngày 15/10, một số quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực.

– Nhiều doanh nghiệp du lịch mất khả năng trả lãi vay ngân hàng : Do nhiều doanh nghiệp du lịch không phát sinh doanh thu nên không có khả năng trả lãi, do đó cần có chính sách lùi thời gian trả lãi vay ngân hàng đến cuối năm 2021, theo Bộ VH-TT-DL.

– VieOn khởi kiện MoMo : Công ty cổ phần VieOn cho biết đang phải chịu nhiều tổn thất khi phía công ty đối tác MoMo đơn phương dừng hợp đồng.

– TP.HCM kiến nghị Thủ tướng xem xét bỏ khung giá đất : UBND TP.HCM vừa có công văn do ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP, ký kiến nghị Thủ tướng xem xét bỏ quy định về khung giá đất.

– Ôtô trong nước được gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt : Thủ tướng vừa ký ban hành Nghị định số 109/2020/NĐ-CP ngày 15/9/2020 gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước.

– BSA và DTS bắt tay hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Go–Online : “Trung tâm BSA và DTS sẽ tổ chức những chương trình huấn luyện, đào tạo, hỗ trợ bán hàng và truyền thông, nhằm nâng cao năng lực kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó có DN HVNCLC, DN khởi nghiệp trong mạng lưới của BSA”.

– Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả doanh nghiệp : Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp cho tất cả các doanh nghiệp.

– Video: [Cùng nấu] Bắp nữ hoàng chay mặn đều dùng được – 2 Món gỏi dinh dưỡng homemade cực tiện lợi

– Video: Doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển thị trường Châu Âu

– Video: Doanh nghiệp Việt tìm đường qua Úc

– Video: Sản phẩm dừa Bến Tre của công ty Beinco hút khách tại Phiên chợ Xanh

B – HỘI NHẬP

 Canada dừng đàm phán về hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc : Quyết định dừng đàm phán FTA với Trung Quốc ghi dấu bước đảo chiều về chính sách của Thủ tướng Justin Trudeau, vốn đặt mục tiêu đưa Canada thành nước đầu tiên trong nhóm G7 ký kết FTA với Trung Quốc.

– ADB: Khó dự báo sự phục hồi của kinh tế Thái Lan : Bất chấp thành tích của Thái Lan trong việc kiềm chế tương đối hiệu quả Covid-19, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn đánh giá tác động của đại dịch này đối với kinh tế Thái Lan nghiêm trọng hơn dự kiến và sự phục hồi kinh tế vẫn còn khó dự báo.

– Mỹ cấm vận công ty Trung Quốc đứng sau dự án đáng ngờ tại Campuchia : Theo Reuters, công ty Trung Quốc bị cấm vận là nhà phát triển địa ốc Union Development Group, đăng ký kinh doanh tại Campuchia là công ty tư nhân, lãnh đạo là ông Li Tao.

– Ông Yoshihide Suga được bầu làm thủ tướng Nhật Bản : Trong phiên họp bất thường ngày 16/9, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu ông Yoshihide Suga, tân Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, làm thủ tướng thứ 99 ở nước này.

– Thái Lan sắp cho phép du khách nước ngoài ở lại tới 270 ngày : Chính phủ Thái Lan có kế hoạch cho phép du khách nước ngoài có thể ở lại đất nước này tới 9 tháng, bắt đầu từ tháng tới.

– Đài Loan hưởng lợi lớn từ làn sóng ‘thoát Trung’ : Theo bà Wang Mei-hua – người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan thì kể từ tháng 1/2019 đến nay, đã có hơn 38 tỷ USD tiền đầu tư đã quay trở lại Đài Loan.

– Sony, TSMC và MediaTek thiệt hại lớn khi Mỹ cấm vận Huawei : Ít nhất sự thiệt hại lên đến 26 tỷ USD với Sony, TSMC và MediaTek khi Mỹ cấm vận Huawei.

– Thế giới bị mất 100 triệu hécta rừng trong 2 thập kỷ vừa qua : Nếu như năm 2000, tỷ lệ diện tích rừng bao phủ trên tổng diện tích đất trên thế giới là 31,9% thì tới năm 2020 con số này đã giảm xuống còn 31,2%, tương đương 4,1 tỷ hécta rừng.

CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ – TRUNG: MỸ TIẾP TỤC GIA TĂNG SỨC ÉP, TRUNG QUỐC PHẢN ỨNG YẾU ỚT

Lệnh ‘cấm vận’ của Mỹ đối với Huawei bắt đầu có hiệu lực. Từ sau nửa đêm ngày 14/9, tất cả nhà cung cấp của Huawei trên khắp thế giới sẽ phải dừng bán hàng cho Huawei nếu sản phẩm của họ chứa công nghệ Mỹ.

Theo tờ Nikkei Asian Review, các nhà cung cấp muốn tiếp tục kinh doanh với Huawei sẽ cần giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ.

Để chuẩn bị cho lệnh cấm này, Huawei đã bắt đầu tích trữ nhiều chip tồn kho từ cuối năm 2018. Tập đoàn với hơn 190.000 nhân viên và doanh thu hơn 124 tỷ USD này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc giữ chân các nhân tài. Các báo cáo cho biết Huawei đã để mất hàng trăm nhân viên vào tay những công ty đối thủ như Apple, Samsung, Xiaomi, Oppo… Các công ty này đã sẵn sàng để thâu tóm thị phần của người khổng lồ Trung Quốc.

ByteDance ‘chạy đua’ khi thời hạn 20/9 đến gần. Công ty ByteDance của Trung Quốc ngày 17/9 thông báo rằng đề xuất lựa chọn hãng phần mềm của Mỹ Oracle làm đối tác công nghệ vận hành ứng dụng TikTok của công ty vẫn cần có sự thông qua của Chính phủ Trung Quốc và Chính phủ Mỹ.

ByteDance công bố thông tin trên trong bối cảnh còn chưa đầy ba ngày nữa sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump buộc TikTok đạt được thỏa thuận chuyển nhượng về quyền vận hành ứng dụng này tại Mỹ vào ngày 20/9 có hiệu lực.

Theo hãng tin Reuters, đề xuất mà ByteDance gửi tới giới chức Mỹ ngày 16/9 bao gồm việc thành lập trụ sở tại Mỹ và vẫn cho phép ByteDance nắm phần lớn cổ phần của TikTok. Đề xuất này sẽ được Ủy ban đầu tư nước ngoài (CFIUS), do Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ đứng đầu, thẩm định.

Mỹ cấm người dân tải ứng dụng WeChat và TikTok. Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/9 đã công bố quyết định cấm người dân nước này tải các ứng dụng WeChat và TikTok của Trung Quốc trên điện thoại di động nhằm “đảm bảo an ninh quốc gia”. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 20/9 tới.

Trung Quốc tố Mỹ bắt nạt TikTok, WeChat, dọa đáp trả. Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 19/9 tuyên bố cương quyết phản đối lệnh cấm của Mỹ đối với ứng dụng WeChat và TikTok.

Cơ quan này gọi hành động của Mỹ là sự bắt nạt và kêu gọi Washington nghiêm túc tuân thủ quy tắc và trật tự quốc tế minh bạch và công bằng.

“Nếu Mỹ nhất quyết làm theo ý họ, Trung Quốc se có biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của các công ty Trung Quốc”, Reuters trích thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Nhóm thông tin hội nhập (theo BSA)