• Từ 11/8 – 17/8/2018

Câu chuyện tuần này: Bộ Công Thương mời doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam mua gạo

Thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đơn vị này vừa phối hợp với Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, Sở Công Thương tỉnh Kiên Giang và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức mời đoàn doanh nghiệp nhập khẩu lương thực Trung Quốc vào Việt Nam giao dịch, kết nối mua hàng.

Theo đó, các doanh nghiệp Trung Quốc được mời tham dự Hội thảo giao thương thương mại gạo giữa doanh nghiệp hai nước Việt Nam – Trung Quốc tại thành phố Cần Thơ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối, giao thương hợp tác trong thương mại gạo.

Có 15 doanh nghiệp kinh doanh nhập khẩu lương thực của Trung Quốc đến từ các tỉnh An Huy, Quảng Đông, Phúc Kiến và đại diện Hiệp hội Lương thực Trung Quốc đã nhận lời mời tham dự sự kiện do Bộ Công Thương tổ chức.

Bên cạnh đó, 15 doanh nghiệp Trung Quốc còn được thăm thực địa kho chứa và cơ sở sản xuất, chế biến gạo của các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang để tạo sự tin tưởng chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm gạo Việt Nam.

Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước cùng tham dự Hội thảo hợp tác thương mại tại thành phố Hồ Chí Minh, nhằm thúc đẩy cơ chế hợp tác giữa Hiệp hộiLương thực Việt Nam và Hiệp hội Lương thực Trung Quốc trong thời gian tới.

Theo Cục Xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp Trung Quốc đánh giá cao về cơ sở sản xuất, chế biến gạo của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời thể hiện mong muốn tiếp tục hợp tác thương mại gạo với Việt Nam, đặc biệt hợp tác trong lĩnh vực phân phối hệ thống siêu thị tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc).

Được biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo số 1 của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Năm 2017, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đạt 2,29 triệu tấn, trị giá đạt 1,03 tỷ USD, tăng 31,6% về số lượng, tăng 32% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016. Mặc dù là thị trường nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam nhưng xuất khẩu gạo Việt vào thị trường này còn nhiều khó khăn và thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo.

“Việc mời doanh nghiệp nhập khẩu lương thực của Trung Quốc sang giao dịch, kết nối mua hàng là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai bên tìm hiểu, trao đổi và thảo luận về nhu cầu, thị hiếu, chủng loại, chất lượng và giá cả sản phẩm. Mặt khác, sẽ tăng cường hiểu biết, hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong quan hệ thương mại gạo giữa hai nước, tạo tiền đề đưa kim ngạch giao thương gạo của hai nước đạt nhiều thành tựu trong thời gian tới.”, Bộ Công Thương nhận định. (VnEconomy)

– TIN BSA:

+ Hội chợ HVNCLC Đồng Nai sẽ chính thức diễn ra từ ngày 28/8 đến 2/9/2018, và vừa qua, Ban tổ chức đã thực hiện việc bốc thăm chia gian hàng tại Hội chợ. Cũng bật mí thêm, ngoài những sự kiện mà chúng tôi có đề cập đến ở bản tin lần trước, như: https://bit.ly/2AVuHSF, thì còn có thêm các chương trình khác nữa – Ngày 2/9, BTC sẽ trao quà cho 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Các em còn được tham gia chương trình rước đèn, phát cỗ, vẽ tranh, thi hát và nhận quà là những sản phẩm chất lượng cao của doanh nghiệp tham gia hội chợ lần này. Mời xem thêm tại đây:https://bit.ly/2nG12U9

+ Trong buổi Ăn trưa làm việc của Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu LBC ngày 10/8 mới đây, ông Pua Wei Meng – Phó TGĐ Tư vấn Tiêu dùng và Bán lẻ của Deloitte Đông Nam Á đã chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến sự chuyển đổi số ảnh hướng đến thị trường bán lẻ ở Đông Nam Á. Vậy ngành bán lẻ thời chuyển đổi số dưới góc nhìn của chuyên gia Deloitte. Xin xem thêm thông tin chi tiết tại đây https://bit.ly/2MmuahQ

+ Tại Phiên chợ Xanh tử tế thứ 100, rất nhiều điều ấn tượng được Ban tổ chức thực hiện, nhất là các hoạt động cho người tiêu dùng, khách hàng khi đến phiên chợ, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng, giới đầu bếp đến để khám phá những sản phẩm độc lạ tại đây.
Thông tin cụ thể có tại đây. https://bit.ly/2MUKlPF. Với khách hàng đã tham gia các chương trình của Phiên chợ 100 tuần trước thì tuần này nhớ tới lấy những phần thưởng sẽ được Ban tổ chức công bố vào thứ bảy, chủ nhật tuần này nhé!

+ Và chuyên mục Tiêu Chuẩn và Hội Nhập tuần này còn gởi đến quý bạn đọc một thạc sĩ có hơn 15 năm đảm nhiệm công tác nghiên cứu về cây dừa tại Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, thuộc Bộ Công Thương… Nhưng chị đã quyết định nghỉ làm để đứng ra khởi nghiệp với cây dừa.Chị tên là Ngô Thị Kiều Dương, hãy truy cập vào link sau đây để xem chị Dương có làm khác biệt không: https://bit.ly/2Mjl7hO

+ Bên cạnh đó, các chương trình về Khởi nghiệp vẫn được tổ chức đều đặn trên các tỉnh thành, kết thúc chuyên đề tại Hà Giang, dự án Sáng tạo khởi nghiệp tiếp tục hành trình đến An Giang tham quan các mô hình của thanh niên nông thôn, với những gương mặt nổi bật trong bàihttps://bit.ly/2MU2ZqW

Và kế hoạch sắp tới là chuyến hành trình lên Lâm Đồng trong sự kiện: https://bit.ly/2Pc14j0

BSA MEDIA

+ Doanh nghiệp mang đến những bữa ăn cho trẻ em, người lớn, người già những bữa ăn thật ngon, bổ dưỡng, an toàn. Và giờ đây, họ mong muốn làm thêm những bữa ăn đạt chuẩn cho những nhân viên văn phòng… Xem thêm tại đây: https://bit.ly/2BhGoDz

+ Đến hẹn lại lên, mùa bánh Trung thu tại Việt Nam đã bắt đầu. Vừa qua từ Nam ra Bắc, nhiều vụ làm bánh Trung thu kém chất lượng bị các cơ quan quản lý nhà nước phát hiện, xử lý. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực làm bánh Trung thu hiện nay đã có những đầu tư mang tính sáng tạo, đột phá để làm ra những sản phẩm chất lượng. Hãy cùng xem điều này tại ABC Bakery. https://bit.ly/2KY30IF

+ Và hãy cùng xem ca sĩ Nguyễn Phi Hùng trổ tài luộc rau, trứng bằng nồi sứ và không dùng nước tại đây https://bit.ly/2MmuFbO

+ Toàn bộ chương trình NIỀM TIN HÀNG VIỆT với Nội dung CHUẨN CHẤT LÀ SỐ MỘT, mời quý doanh nghiệp xem tại đây:https://bit.ly/2MyRc4v

A- NHẬT KÝ HÀNG VIỆT

–  Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm 14 ngân hàng Việt: Hãng đánh giá tín nhiệm Moody’s vừa điều chỉnh xếp hạng và triển vọng tín dụng cho 14 ngân hàng Việt. Theo đó, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank) được nâng xếp hạng nhà phát hành và xếp hạng tiền gửi dài hạn bằng ngoại tệ, nội tệ.

– Hàng loạt tờ báo tại Romania “bôi xấu” hình ảnh cá tra Việt Nam: Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong thời gian gần đây, nhiều tờ báo mạng tại Romania (một trong những thành viên thuộc Liên minh châu Âu – EU) như realitate.net,ziuanews.robzi.roadevarul.ropuppe.ro, secretulsanatatii.net… đã đăng tải nhiều thông tin không chính xác về sản phẩm cá tra Việt Nam, gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp cá tra sang thị trường này. Một tờ báo còn khuyến nghị người dân không ăn, không gọi các món có liên quan đến cá tra Việt Nam tại các nhà hàng, thậm chí còn cáo buộc cá tra được sử dụng dưới nhiều tên gọi khác nhau để tránh người tiêu dùng Romania phát hiện. Thậm chí, một số trang mạng khác còn khuyến nghị người dân nước này tẩy chay cá tra và các nhà hàng có thực đơn món cá này. VASEP cho rằng, việc nhiều tờ báo ở Romania đăng thông tin bôi xấu hình ảnh cá tra Việt Nam có thể gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

– Đến lượt Ấn Độ khởi xướng điều tra chống trợ cấp với thép Việt: Các doanh nghiệp Ấn Độ cáo buộc rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu hàng hoá bị điều tra của Việt Nam đã được nhận các khoản trợ cấp có thể đối kháng từ Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước các cấp của Việt Nam, gây ra thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa của Ấn Độ. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 9/8/2018, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (Bộ thương mại và Công nghiệp Ấn Độ) đã thông báo khởi xướng vụ việc điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm ống thép không gỉ có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Trung Quốc và Việt Nam.

– Doanh nghiệp nhựa ‘điêu đứng’: Doanh nghiệp nhựa Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn như lượng hàng phế liệu tồn kho tại các cảng không được giải phóng, chi phí lưu kho bãi quá cao khiến doanh nghiệp không dám nhận hàng, một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy sản xuất hàng trăm tỷ đồng nhưng “đói” nguyên liệu nên cũng đứng trước nguy cơ phá sản. Tại buổi hội thảo chuyên đề “Ô nhiễm môi trường trong nhập khẩu và tái chế nhựa phế liệu” được tổ chức ở TP Hồ Chí Minh vào ngày 14/8, ông Hồ Đức Lam, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, ngành nhựa là ngành có số lượng doanh nghiệp lớn nhất cả nước với hơn 2.000 doanh nghiệp, sử dụng 118.925 lao động. Ngành nhựa cũng là một trong những ngành năng động và tăng trưởng cao nhất Việt Nam. Trong 10 năm qua, mức tăng trưởng của ngành này là 15-20%/năm nhưng phải nhập khẩu đến 80% lượng nguyên liệu.

– Saigon Co.op tham gia chuỗi giá trị lúa gạo sạch của Vĩnh Long: Ông Phạm Trung Kiên – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, việc đơn vị này tham gia chuỗi giá trị lúa gạo sạch theo hướng hữu cơ là muốn hướng đến nền nông nghiệp an toàn, phát triển bền vững. Saigon Co.op đã ký kết thỏa thuận hợp tác về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long. Theo thỏa thuận hợp tác, Saigon Co.op tiếp tục ký hợp đồng lâu dài và mở rộng phạm vi bao tiêu trên một số sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo thu  nhập cho người nông dân. Đồng thời, cam kết điều chỉnh thu mua theo hướng có lợi nhất để đảm bảo lợi nhuận, cũng như sẽ cũng chia sẻ lợi nhuận để người trồng yên tâm sản xuất.

B – CHUYỂN ĐỘNG THỊ TRƯỜNG

– Ngoại tệ diễn biến căng thẳng, tỷ giá USD tự do vọt lên mức kỷ lục: Thị trường ngoại tệ trong nước vẫn tiếp tục diễn biến căng thẳng khi giá bán USD tự do chiều 15/8 đạt đỉnh 23.600 đồng, tỷ giá trung tâm tiếp tục giữ ở mức cao. Giá USD trên thị trường tự do hôm nay tiếp tục tăng thêm 30- 70 đồng/USD, giao dịch ở mức 23.590-23.600 đồng/USD, trong đó giá mua có mức tăng khá mạnh so với giá bán. Điểm lạ là mức chênh lệch giữa giá bán và mua chỉ tăng có 10 đồng/USD.

– Trong 1 tuần, giới đầu tư rút 1,4 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi: Với tâm trạng bất an, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút lượng vốn ròng 1,3 tỷ USD khỏi các thị trường chứng khoán các quốc gia mới nổi và 100 triệu USD khỏi thị trường trái phiếu các nước này trong vòng 1 tuần qua – hãng tin Reuters dẫn dữ liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho hay. Cuộc thoái vốn tại các thị trường mới nổi tăng tốc trong tuần qua, khi tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ và một số quốc gia khác xuất hiện nhiều bất ổn, bên cạnh những mối lo dài hạn hơn về cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, đồng USD mạnh lên, lãi suất tăng và giá năng lượng tăng.

– Nông sản Đà Lạt giảm giá mạnh: Giá các mặt hàng nông sản Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng như bắp sú, cải thảo, khoai tây, súp lơ, hành tây, cà chua, cà rốt, đậu hà lan, dâu tây, bơ, quả hồng… đồng loạt giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.  Thậm chí nhiều nhà vườn để nông sản úng thối, không thu hoạch bởi “bán không ai mua, cho không ai lấy”.

– Giá thịt heo tăng cao kỷ lục, gấp đôi thời kỳ “giải cứu”: Theo báo cáo mới nhất của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), 10 ngày đầu tháng 8, giá heo hơi trong nước đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá heo hơi xuất chuồng có thời điểm chạm mốc 57.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao nhất trong nhiều năm. So với năm 2017, giá thịt heo ở thời điểm này đã tăng gấp đôi. “Nếu giá heo hơi trên 55.000 đồng/kg kéo dài sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì có thể người chăn nuôi tái đàn ồ ạt khiến tình trạng cung vượt cầu như năm 2017 có thể tái diễn” – Cục Xuất nhập khẩu nhận định. Một chỉ số cho thấy tổng đàn chăn nuôi của Việt Nam không giảm là sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn tăng. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã chi 2,2 tỉ USD để nhập đậu nành, bắp, lúa mì làm thức ăn chăn nuôi, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2017.

– Giá gà công nghiệp lao dốc: Tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, ngày 16/8, giá gà công nghiệp (gà lông trắng) bán ra tại các trang trại chỉ còn 20.000 đồng/kg, giảm 5.000-7.000 đồng so với hồi đầu tháng. Đây là đợt giảm mạnh nhất kể từ đầu 2018, lý do chính đang vào tháng ăn chay, sức tiêu thụ giảm cộng với thời điểm học sinh, sinh viên nghỉ hè. Tuy nhiên, theo phân tích của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, gà trắng nội địa giảm giá còn do bị tác động bởi lượng thịt nhập khẩu về quá nhiều thời gian qua.

– Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng mạnh:  Trong 7 tháng qua, cả nước đã phải chi tới 2,2 tỷ USD để nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong đó riêng nhập ngô đã tốn hơn 1 tỷ USD. Nhập khẩu vật tư nhiều đã khiến thâm hụt thương mại của ngành chăn nuôi quá lớn, lên tới 1,9 tỷ USD. Cùng với biến động tỷ giá USD/VND, thực tế này đang ảnh hưởng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.

– 81% xe ôtô nhập khẩu vào Việt Nam từ Thái Lan và Indonesia: Ôtô nguyên chiếc các loại được đăng ký làm thủ tục hải quan nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Thái Lan với 547 chiếc và Indonesia với 491 chiếc. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tuần từ ngày 3 – 9/8/2018, số lượng ôtô nguyên chiếc các loại đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đã giảm so với lượng nhập khẩu trong tuần trước.

– Mỗi tháng, người Việt chi gần 900 triệu USD mua hàng từ Thái Lan: Trung bình mỗi tháng, Việt Nam đang chi gần 900 triệu USD để nhậphàng hóa từ Thái Lan, gấp đôi số tiền người Thái chi để mua hàng từ Việt Nam, khoảng 450 triệu USD. Theo phân tích từ Trung tâm thông tinthương mại Bộ Công Thương hôm 13/8, Thái Lan hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khu vực ASEAN, thương mại hai nước tăng trưởng mức 15% so cùng kỳ. Một vài số liệu cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thái Lan tăng trưởng gấp đôi so với chiều ngược lại, song giá trị kim ngạch xuất khẩu Việt chỉ bằng nửa Thái Lan. Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, kim ngạch song phương đạt 8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu Việt sang Thái chiếm 2,7 tỷ USD, tăng gần 23% so cùng kỳ và Thái sang Việt gần 5,3 tỷ USD, tăng 11% so cùng kỳ. Hiện nhóm hàng công nghiệp như điện thoại và linh kiện Việt Nam nhập mạnh từ Thái Lan, tăng gần 50% so cùng kỳ năm trước, trung bình mỗi tháng Việt Nam chi gần 125 triệu USD nhập nhóm hàng này từ Thái Lan. Đặc biệt, theo cơ quan này, năm nay, lượng xăng dầu Thái Lan nhập khẩu từ Việt Nam tăng đột biến với 25.800 tấn, trị giá 13,4 triệu USD trong 6 tháng. Tính giá xuất bình quân 520,52 USD/tấn, tăng gấp 14,7 lần về lượng và gấp 45 lần về trị giá.

– Ngành thép Việt trước sức ép chiến tranh thương mại Mỹ – Trung: Ngành thép đang đứng ở tốp đầu các vụ kiện phòng vệ thương mại và dự báo tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu lắng xuống. Chủ động nguồn nguyên liệu và chứng minh rõ ràng nguồn gốc xuất xứ là những giải pháp giúp ngành thép hạn chế các vụ kiện quốc tế không đáng có. Bộ Công thương dự báo, năm 2018, ngành thép sẽ duy trì đà tăng trưởng khoảng 20% so với năm 2017. Trong đó, sản xuất thép xây dựng tăng 10%, thép lá cuộn cán nguội tăng 5%, thép ống hàn tăng 15%, sản xuất tôn mạ và sơn phủ màu tăng 12%. Đặc biệt, sản xuất thép cuộn cán nóng dự kiến tăng mạnh nhất: 154%.

– Bánh Trung thu nhập lậu từ nước ngoài: Theo Cục An toàn Thực phẩm, trong thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh tình trạng bánh trung thu nhập lậu từ nước ngoài tràn lan trên thị trường, giá thành rất rẻ, không có nhãn mác, không tự công bố sản phẩm, có nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Để xác minh và xử lý kịp thời thông tin trên, Cục An toàn thực phẩm – Thường trực Tổ công tác giúp việc ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm đề nghị kiểm tra, xác minh, xử lý thông tin trên theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị cần tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm đối với việc sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu; Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao ý thức, trách nhiệm của chính quyền các cấp, người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm.

– Kim ngạch xuất nhập khẩu 7 tháng năm 2018 bằng cả năm 2013: Sau 7 tháng tính từ đầu năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt mức kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2013. Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2018 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 41,27 tỷ USD, mức cao nhất từ trước tới nay và tăng 6,1% so với tháng 6 năm 2018. Sau 7 tháng tính từ đầu năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 266,17 tỷ USD, tăng 13,5% (tương ứng tăng 31,74 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước và cao hơn mức kim ngạch của cả năm 2013 (264,07 tỷ USD).

– Xuất khẩu cá ngừ có khả năng đạt mục tiêu 500 triệu USD năm 2018:  Cá ngừ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 sau tôm và cá tra, góp phần không nhỏ vào tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước. Tháng 7/2018, xuất khẩu cá ngừ ước đạt 48,4 triệu USD; cộng dồn 7 tháng ước đạt 351 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ. Với đà tăng như hiện nay, 5 tháng còn lại xuất khẩu cá ngừ có khả năng đạt mục tiêu của năm 2018.

– Doanh thu tăng mạnh, Uber vẫn lỗ gần 1 tỷ USD: Bức tranh tài chính của công ty ứng dụng gọi xe Uber đã cải thiện trong quý 2 vừa qua, với doanh thu tăng mạnh và mức thua lỗ được thu hẹp. Theo tin từ Reuters, Uber cho biết doanh thu quý của hãng đạt 2,8 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Hãng vẫn lỗ 891 triệu USD, nhưng mức lỗ này đã giảm đáng kể so với khoản lỗ 1,11 tỷ USD cách đó 1 năm.

–  Vietlott báo lãi 210 tỷ đồng nhờ khách không đến nhận thưởng: Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott), doanh thu chưa thuế đã mở thưởng trong 6 tháng đầu năm nay đạt 1.883 tỷ đồng, trong đó có tới 97% đến từ hai loại hình Mega 6/45 và Power 6/55. Chi phí trả thưởng và trích lập dự phòng trả thưởng giai đoạn này là 1.285 tỷ đồng, tăng hơn 250 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, một vài chi phí chính của doanh nghiệp cũng tăng mạnh khiến lợi nhuận thuần chỉ còn 145 tỷ đồng. Đáng chú ý, hạng mục doanh thu khác của Vietlott lại tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2017, lên mức 116 tỷ đồng. Đây là tổng giá trị các giải thưởng không có người tới lĩnh sau 60 ngày.

– Lượt truy cập vào web Facebook giảm gần một nửa trong hai năm qua: Theo một nghiên cứu thị trường SimilarWeb có trụ sở ở London, lượt truy cập vào Facebook đã giảm gần một nửa trong hai năm qua, với người dùng Internet trẻ tuổi đổ xô đến đối thủ YouTube. Những phát hiện trên được SimilarWeb tổng kết dựa trên kết quả phân tích lưu lượng truy cập web từ năm trang web hàng đầu của Mỹ gồm Google, Facebook, YouTube, Yahoo và Amazon. Google vẫn giữ được vai trò dẫn đầu về lưu lượng truy cập, phản ánh sự thống trị liên tục và vai trò trung tâm của công cụ tìm kiếm này trong đời sống trực tuyến toàn cầu.

C – HỘI NHẬP

– Sen Đỏ được rót 51 triệu USD từ các nhà đầu tư ngoại: Chiều 16/8, Tập đoàn FPT đã phát đi thông tin cho biết Công ty Cổ phần Công nghệ Sen Đỏ (Sendo.vn), sàn thương mại điện tử theo mô hình C2C, đã nhận được khoản đầu tư 51 triệu USD từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.Ba nhà đầu tư mới là SoftBank Ventures Korea, Daiwa PI Partners và SKS Ventures. Các nhà đầu tư hiện hữu của Sen Đỏ gồm Tập đoàn FPT, eContext Asia, SBI, Digital Garage, Beenos, Beenext.

– Mời 100 trí thức người Việt về nước giúp thúc đẩy đổi mới sáng tạo: Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng thông báo: sắp tới Bộ sẽ mời khoảng 100 trí thức Việt Nam tại nước ngoài về nước để làm việc, gặp gỡ, giao lưu với các bộ ngành, doanh nghiệp trong nước nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. “Chúng ta có 4 triệu người Việt ở nước ngoài, trong số đó có 400.000 người làm việc trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Họ rất muốn được nghe nhu cầu trong nước cần gì, họ làm được gì, giao nhiệm vụ cho họ, cách thức tương tác, trao đổi như thế nào”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết. Theo chương trình, từ ngày 18 đến ngày 24/8, 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ ở nước ngoài sẽ về Việt Nam.

– Lo lây lan cúm, Indonesia ngừng nhập khẩu gia cầm từ Malaysia: Ngày 15/8, Bộ Nông nghiệp Indonesia đã ngừng nhập khẩu gia cầm và các sản phẩm làm từ gia cầm từ Malaysia sau khi một trường hợp nhiễm cúm gia cầm đã được ghi nhận tại nước láng giềng này. Người đứng đầu cơ quan kiểm dịch thuộc Bộ trên, Banun Harpini cho biết mục đích của việc ngừng nhập khẩu này là nhằm ngăn chặn sự lây lan virus cúm gia cầm vào Indonesia. Bà cho biết tất cả các quan chức kiểm dịch đều được lệnh thận trọng trước nguy cơ cúm gia cầm lây lan.

– Hỗ trợ các công ty chứng khoán trong công tác quản trị doanh nghiệp: Chiều 15/8, tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “Cách thức xây dựng và vận hành chức năng kiểm toán nội bộ hiệu quả tại Việt Nam và thông lệ quốc tế”. Hội thảo do Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) phối hợp với Hiệp hội kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (IIA) và Công ty Smart Train tổ chức. Đây là một trong những hoạt động nhằm hỗ trợ các công ty niêm yết và công ty chứng khoán thành viên trong công tác quản trị doanh nghiệp áp dụng những mô hình quản trị tiên tiến.

– Phê duyệt đề án giám sát an toàn thông tin mạng đến 2020, định hướng đến 2025: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Giám sát an toàn thông tin mạng đối với hệ thống, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử đến 2020, định hướng đến 2025. Theo đó, định hướng đến năm 2025, mở rộng phạm vi, nâng cao năng lực giám sát an toàn mạng, an toàn hệ thống thông tin (gọi chung là giám sát an toàn thông tin mạng) cho Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng quốc gia tại Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và các bộ, cơ quan ngang bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các nhà cung cấp dịch vụ hạ tầng mạng Internet (nhà mạng ISP) để tăng cường khả năng phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời, chính xác về các sự kiện, sự cố, dấu hiệu, hành vi, mã độc xâm phạm, nguy cơ, điểm yếu, lỗ hổng có khả năng gây mất an toàn thông tin mạng đối với các hệ thống thông tin, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử (hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử).

– Nikkei: Chuỗi cà phê Việt tăng tốc khi đối thủ ngoại đủng đỉnh: “Chúng tôi đặt mục tiêu mở khoảng 700 cửa hàng trên khắp Việt Nam trong 5 năm tới, với tốc độ trung bình 10 cơ sở mới mỗi tháng”, Nguyễn Hải Ninh – nhà sáng lập kiêm CEO The Coffee House cho biết trên Nikkei Asian Review. Chuỗi cà phê này được đánh giá là có tốc độ mở rộng nhanh nhất hiện tại. Cộng Cà Phê – một chuỗi khác tại Hà Nội, thậm chí đã lấn sân sang nước ngoài. Họ mở cửa hàng đầu tiên tại Seoul (Hàn Quốc) tháng trước và lên kế hoạch bổ sung hai cơ sở nữa tại đây. Ở Việt Nam, Cộng Cà Phê hiện có hơn 50 cơ sở từ khi ra mắt năm 2007 và dự định mở thêm một đến hai cửa hàng mới mỗi tháng cho đến năm 2020. Họ thu hút khách hàng nhờ thiết kế mô phỏng Việt Nam giai đoạn đầu thập niên 80.

– Đến lượt Thái Lan cấm nhập rác: Reuters ngày 16.8 dẫn tuyên bố của một quan chức Bộ Môi trường Thái Lan cho biết trong 6 tháng tới, Thái Lan sẽ cấm nhập khẩu 432 loại rác điện tử. Hãng tin Anh nêu quyết định này tiếp sau khi Việt Nam nói sẽ ngưng cấp giấy phép nhập khẩu rác, và truy những vụ nhập khẩu lậu rác thải bằng giấy, nhựa và kim loại.

– Kinh tế Trung Quốc ‘hạ nhiệt,’ đầu tư giảm xuống mức thấp kỷ lục: Nền kinh tế Trung Quốc đang có thêm các dấu hiệu “hạ nhiệt” giữa bối cảnh Mỹ chuẩn bị áp đặt các mức thuế thương mại thậm chí siết chặt hơn đối với hàng hóa Trung Quốc. Đầu tư trong các tháng 1-7/2018 tại nền kinh tế châu Á này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, trong lúc doanh số bán lẻ chững lại. Hoạt động đầu tư vào các tài sản cố định của Trung Quốc đã chậm lại nhiều hơn dự đoán xuống còn 5,5% trong các tháng 1-7/2018, phản ánh nhu cầu nội địa yếu đi và niềm tin kinh doanh sụt giảm. Cuộc chiến thương mại với Mỹ đã làm gia tăng sức ép trong bối cảnh Bắc Kinh nỗ lực khắc chế vấn đề nợ công và ô nhiễm môi trường. Kết quả trên là thấp nhất kể từ đầu năm 1996, theo dữ liệu của Reuters Eikon.

– Nhân dân tệ tiếp tục giảm giá mạnh:  Bất chấp sự khẳng định của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) là không dùng nhân dân tệ (CNY) như một vũ khí trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, giá CNY vẫn giảm mạnh.  Ngày 16.8, giá CNY tiếp tục giảm mạnh, 6,9329 CNY đổi được 1 USD – ghi nhận mức thấp nhất trong vòng 18 tháng trở lại đây. Giá nhân dân tệ giảm gần 7% trong vòng 1 năm trở lại đây.

– Trung Quốc lập phái đoàn sang Mỹ đàm phán thương mại: Trong một diễn tiến bất ngờ, chính quyền Trung Quốc ngày 16.8 tuyên bố sẽ lập một phái đoàn cấp cao sang Mỹ để đàm phán thương mại vào tuần tới, giữa lúc chiến tranh thương mại giữa hai cường quốc kinh tế đang có dấu hiệu leo thang. Theo CNBC, phái đoàn cấp cao của Trung Quốc do Bộ trưởng Thương mại Wang Shouwen dẫn đầu sẽ đến Mỹ vào cuối tháng 8 này để đàm phán những tranh chấp thương mại với Mỹ. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, cuộc đàm phán lần này được tổ chức bởi Mỹ, Washington đã mời phía Trung Quốc tới Mỹ để đàm phán. Về phía Mỹ, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách vấn đề thương mại quốc tế David Malpass sẽ là người chủ trì cuộc đàm phán.

– Tin đàm phán thương mại đưa chứng khoán Mỹ tăng “rực rỡ”: Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trở lại trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, với chỉ số Dow Jones đạt mức tăng mạnh nhất trong hơn 4 tháng. Mối lo về chiến tranh thương mại dịu đi sau khi có tin Bắc Kinh sẽ cử một đoàn quan chức đến Washington đàm phán. Đây sẽ là nỗ lực mới nhất của hai bên nhằm xuống thang xung đột.

– Nga cho Trung Quốc thuê đất cằn cỗi trồng đậu nành: Nga vừa đề nghị cho nông dân Trung Quốc muốn trồng đậu nành thuê đất ở vùng Viễn Đông Nga, một quan chức Nga thừa nhận lô đất dự tính cho thuê đó ở vùng hẻo lánh và cằn cỗi, không màu mỡ nên khó đạt sản lượng cao. Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), Valery Dubrovskiy, Giám đốc Cơ quan Đầu tư-xuất khẩu Viễn Đông Nga (một cơ quan bất vụ lợi) nói nhiều công ty Trung Quốc đã quan tâm ý định cho thuê 3 triệu hecta đất nông nghiệp ở vùng Viễn Đông Nga.

– Nông dân Brazil đổ xô trồng đậu tương bán cho Trung Quốc: Nhiều nông dân Brazil đang bỏ trồng mía để chuyển sang trồng đậu tương cung cấp cho Trung Quốc, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung khiến Trung Quốc giảm mạnh nhập khẩu đậu tương Mỹ. Sau khi Bắc Kinh áp thuế quan lên đậu tương Mỹ, khách mua từ Trung Quốc ồ ạt tăng mua đậu tương Brazil…  Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm, Brazil xuất khẩu 36 triệu tấn đậu tương sang Trung Quốc, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 7, khi Trung Quốc bắt đầu áp thuế đậu tương Mỹ, xuất khẩu đậu tương của Brazil tăng 46% so với cùng 2017, đạt 10,2 triệu tấn.

– Tổng thống Nga mong sớm được gặp lãnh đạo Triều Tiên: Hãng thông tấn KCNA ngày 15.8 đưa tin Tổng thống Nga Vladimir Putin ngỏ ý sẵn sàng gặp lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un “vào ngày gần đây”. KCNA dẫn điện tín của Tổng thống Putin: “Tôi khẳng định bản thân sẵn sàng gặp ông (lãnh đạo Kim) để thảo luận về những vấn đề cấp bách trong quan hệ song phương cũng như trong khu vực”. Thời gian gặp gỡ cụ thể không được đề cập.

– Lãnh đạo Triều Tiên chúc ‘đồng chí’ Putin may mắn: Nhân dịp lễ Ngày giải phóng Triều Tiên 15.8, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã gởi thư chúc “đồng chí Putin may mắn” trong công cuộc xây dựng một nước Nga hùng mạnh. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA đưa tin “thư gởi lời chúc nồng ấm đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhân dân Nga thân thiện”, nhân dịp 73 năm ngày bán đảo Triều Tiên được giải phóng khỏi ách đô hộ của Nhật Bản và kết thúc Thế chiến 2. KCNA còn nhắc lại “truyền thống đầy giá trị của việc nhân dân hai nước cùng sánh vai chống kẻ thù chung trong cuộc kháng chiến chống Nhật khốc liệt chính là cội nguồn của mối quan hệ hữu nghị CHDCND Triều Tiên – Nga, và là động lực dẫn dắt tiếp tục phát triển quan hệ song phương trong thời đại mới”.

– Mất cắp tiền ảo, nhà đầu tư kiện nhà mạng đòi bồi thường 224 triệu USD: Ngày 15/8, nhà đầu tư tiền ảo Michael Terpin đệ đơn kiện hãng viễn thông AT&T, cáo buộc nhà mạng này gian lận và sơ suất khiến số tiền ảo trong tài khoản cá nhân của ông bị đánh cắp. Theo Reuters, trong khiếu nại dài 69 trang gửi lên Tòa án cấp quận tại Los Angeles, Terpin cho biết vào ngày 7/1/2018, số tiền ảo của ông đã bị đánh cắp qua tài khoản điện thoại cá nhân và nói AT&T là nhà mạng cung cấp dịch vụ của mình. Ông cho biết tại thời điểm bị mất cắp, 3 triệu tiền ảo của ông trị giá 23,8 triệu USD và ông yêu cầu AT&T bồi thường thiệt hại 224 triệu USD.

– Nữ sáng lập 34 tuổi đằng sau đế chế mỹ phẩm tỷ USD tại Trung Đông:  Huda Kattan, 34 tuổi, người sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Huda Beauty vào năm 2013, đứng thứ 37 trong danh sách phụ nữ tự thân hàng đầu năm của Mỹ do Tạp chí Forbes xếp hạng – cùng với những nhân vật nữ quyền lực như Oprah Winfrey, Sheryl Sandberg… Theo CNN, Huda – sinh ra tại Mỹ trong một gia đình nhập cư từ Iran, cảm thấy chán nản với công việc trong ngành tài chính nên quyết định bỏ việc để trở thành người trang điểm chuyên nghiệp. Sau đó, năm 2010, cô thành lập một website riêng để hướng dẫn trang điểm, chăm sóc sắc đẹp và các mẹo làm đẹp.

– Siêu du thuyền lớn nhất châu Á giá 145 triệu USD của Trung Quốc: Theo tờ China Daily, siêu du thuyền lớn nhất được chế tạo tại châu Á – “Illusion Plus”, vừa được ra mắt tai Cảng Yantai, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, chuẩn bị cho hành trình tới Monaco qua Thâm Quyến. Có chiều dài 88,5m và rộng 15,4m, Illusion Plus là du thuyền lớn nhất từng được chế tạo tại châu Á và nằm trong top 100 du thuyền lớn nhất thế giới. Du thuyền này được thiết kế và sản xuất bởi công ty CIMC Raffles Offshore Limited của Trung Quốc.

– FBI cảnh báo: sắp xảy ra tấn công hàng loạt máy ATM trên toàn thế giới: Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã gửi một cảnh báo bí mật để cảnh báo rằng bọn tội phạm mạng đang lên kế hoạch ‘rút tiền mặt’ toàn cầu bằng cách sử dụng phần mềm độc hại để tiếp cận các máy ATM và ăn cắp hàng triệu USD. Các ngân hàng đã được cảnh báo rằng họ có thể trở thành nạn nhân của một ‘hoạt động không giới hạn,’ trong đó hàng triệu đôla Mỹ có thể được rút từ máy rút tiền.

D – DOANH NGHIỆP & NHÀ NƯỚC 

– Điểm tên 19 tập đoàn, tổng công ty có thể chuyển giao về ‘siêu ủy ban’: Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo quyết định “Ban hành quy chế chuyển giao quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp” trong đó có nêu tên 19 tập đoàn, tổng công ty lớn. Việc chuyển giao theo lưu ý phải đảm bảo thực hiện nhanh gọn, chặt chẽ và cụ thể; có kế thừa; không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự thảo cũng nhắc tới việc cần có sự phối hợp giữa các bên để cùng xử lý các vấn đề phát sinh trong và sau quá trình chuyển giao theo quy định của pháp luật. Theo dự thảo, Ủy ban chủ động phối hợp với Bộ Nội vụ hoặc theo phân cấp thực hiện việc cử, bổ nhiệm các chức danh người quản lý, điều hành doanh nghiệp, người đại diện vốn, kiểm soát viên theo quy định hiện hành.

– Nâng cấp Cục Quản lý thị trường thành Tổng cục Quản lý thị trường:
 Thủ tướng vừa có quyết định nâng cấp Cục Quản lý thị trường lên thành Tổng cục Quản lý thị trường. Đây là cơ quan cấp tổng cục duy nhất của Bộ Công Thương. Ngày 12/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Quyết định 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản lý thị trường trực thuộc Bộ Công Thương. Tổng cục Quản lý thị trường được giao thực hiện các nhiệm vụ về kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính; chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng quản lý thị trường.

– Mỗi người Việt gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm 2018: Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo nợ công sẽ đạt tỷ lệ 63,92% GDP năm nay nếu tăng trưởng bình quân 6,53% và lạm phát dưới 4%. Kịch bản về dư nợ công năm 2018 và 3 năm tới được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại báo cáo về thu hút, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, ưu đãi nước ngoài 2018 – 2020, tầm nhìn 2025. Theo đó, dự báo về nợ công Việt Nam năm 2018, Bộ Kế hoạch cho biết, nhiều khả năng mức nợ công sẽ đạt 3,53 triệu tỷ đồng, tương ứng 63,92% GDP. Trong đó nợ Chính phủ hơn 2,9 triệu tỷ đồng (52,5% GDP), nợ Chính phủ bảo lãnh 559.000 tỷ và nợ chính quyền địa phương 73.000 tỷ. Mức bội chi ngân sách năm 2018 là 3,71% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương 3,6% GDP. Dữ liệu dự báo nợ công năm nay được đưa ra dựa trên kịch bản cơ sở với tăng trưởng bình quân 6,53%, tương ứng GDP danh nghĩa 5,53 triệu tỷ đồng và lạm phát dưới 4%. Đây cũng là kịch bản được cơ quan ngành kế hoạch đánh giá  “nhiều khả năng xảy ra nhất”. Như vậy, bình quân mỗi người Việt có thể gánh hơn 35 triệu đồng nợ công năm nay, tăng gần 4 triệu đồng mỗi người so với năm 2017 (mức 31,3 triệu đồng).

– Cắt “giấy phép con”, 1 bộ dẫn đầu, nhiều bộ khác vẫn đang “hứa”: Bộ Công thương cho biết, hiện bộ này đang là 1 trong số ít bộ dẫn đầu về cắt bỏ các loại giấy phép con “hành” doanh nghiệp cũng như các sản phẩm bắt buộc phải kiểm tra chuyên ngành, gây phiền hà. Trong thông tin gửi báo giới chiều tối 14-8, Bộ Công thương cho biết: Tổ công tác của Thủ tướng vừa có báo cáo tổng hợp ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh và tình hình ban hành các văn bản liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và điều kiện kinh doanh. Theo báo cáo này, Bộ Công thương hiện nay đang là 1 trong vài bộ đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra và điều kiện đầu tư kinh doanh (còn gọi là giấy phép con).

– 5 dự án đường sắt đô thị đội vốn thêm 132.000 tỷ đồng: Trong văn bản về ODA và vốn vay ưu đãi gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều chương trình, dự án, điển hình là các dự án đường sắt đô thị. Theo tính toán, 5 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đội vốn tới 132.576 tỷ đồng … Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo tăng tổng mức đầu tư từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng, sau khi thẩm định đang đề nghị điều chỉnh xuống 33.568 tỷ đồng. Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hồ Chí Minh tuyến 1, đoạn Bến Thành – Suối Tiên tăng từ 17.387 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng.

– 9 lần xin cấp phép không được, Grab nói Sở Giao thông Khánh Hoà ưu ái Vinasun: Công ty TNHH Grab vừa có văn bản phản hồi thông tinliên quan đến việc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hoà yêu cầu tạm dừng thí điểm dịch vụ GrabCar trên địa bản tỉnh Khánh Hoà. Trong văn bảnnày, Grab cho hay, Grab đã nhiều lần gửi văn bản cũng như làm việc trực tiếp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hoà để xin được xem xét, hướng dẫn để công ty có thể triển khai thực hiện thí điểm Đề án 24 theo đúng quy định. Tuy nhiên, sau 9 lần gửi văn bản và làm việc với UBND, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Khánh Hoà, đến nay, Grab vẫn chưa nhận được hướng dẫn cụ thể nào tư cơ quan chức năng.

– 26 tỉnh, thành xài ‘chính quyền thông minh’ của Zalo: Tính đến tháng 7/2018, có 26 tỉnh, thành của Việt Nam sử dụng ứng dụng “chính quyền thông minh” của Zalo (thành viên của công ty VNG). Trong đó, có 24 tỉnh, thành sử dụng ứng dụng trên trong năm nay, gần đây là các tỉnh thành: Bắc Ninh, Bình Thuận, Đà Nẵng, An Giang và Tiền Giang. Theo đại diện của Zalo, thời gian tích hợp hệ thống “chính quyền thông minh” của Zalo và hệ thống quản lý chung của mỗi địa phương chỉ trong vòng hai tuần. Mô hình “chính quyền thông minh” của Zalo sẽ giúp người dân tra cứu và nhận kết quả của hơn 2.000 thủ tục hành chính như: đăng ký kết hôn, đăng ký hộ tịch, đăng ký hộ kinh doanh, cấp giấy phép lái xe quốc tế, đăng ký giấp phép xây dựng, giấy sở hữu nhà đất…, kể cả kết quả giải quyết khiếu nại, tranh chấp.

– Cưỡng chế kê biên hơn 70 triệu cổ phiếu của ông Hà Văn Thắm: Công ty CP Tập đoàn Đại Dương (OGC) vừa công bố thông tin về việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản ông Hà Văn Thắm của Cục Thi hành án dân sự TP.Hà Nội. Ngày 14.8, OGC nhận được Quyết định 41/QĐ-CTHADS về việc cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản đối với ông Hà Văn Thắm. Tài sản kê biên, xử lý gồm hơn 68,779 triệu cổ phiếu đứng tên Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (Hà Văn Thắm là chủ doanh nghiệp) tại OGC; hơn 3,33 triệu cổ phiếu đứng tên Hà Văn Thắm tại OGC.

BSA – LBC