1/ Đồng Yuan – Nhân dân tệ tăng cao nhất trong 5 năm | Các đồng tiền Châu Á đều tăng, với đồng Won (Hàn Quốc dẫn đầu)

  • Ngày 22 tháng 7, đồng Nhân Dân Tệ Yuan của Trung Quốc tiếp tục tăng sau một tuần tăng liên tiếp so với đồng Bạc Xanh Dollar yếu hơn. Điều này không chỉ thể hiện sự lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế của Trung Quốc, mà còn thể hiện dựa trên vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục chảy về Trung Quốc. Các nhà đầu tư tiền tệ cho rằng nhiều công ty đang bán tháo đồng Dollar và ưu ái hơn việc tích trữ đồng Yuan thông qua việc dòng vốn chảy vào thị trường chứng khoán tại đây. Một trong những ưu thế của đồng Yuan là sự độc lập của Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc, vốn dựa trên nền tảng của kinh tế nội địa, thay vì chịu ảnh hưởng của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (FED), như một số đồng tiền của các nền kinh tế Châu Á lân cận.

  • Cùng ngày, dữ liệu giao dịch cho thấy hầu hết các đồng tiền Châu Á đều tăng so với đồng Bạc Xanh Dollar; mà dẫn đầu là đồng Won – nội tệ của Hàn Quốc. Có thể đây là tín hiệu lạc quan về nền kinh tế của các nước Châu Á dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch, cũng có thể đây là hệ quả của chính sách nới lỏng tiền tệ (liên tiếp in tiền) của Ngân Hàng Trung Ương Mỹ (FED):

Nguồn: Reuters

2/ Kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 10

Dự báo được đưa ra tại Hội thảo trực tuyến “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững” do CIEM tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia Hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) diễn ra sáng ngày 15/7.

Bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM, nhắc lại tốc độ tăng GDP đạt 5,64% trong 6 tháng đầu năm 2021, trong đó quý I tăng 4,65% và quý II tăng 6,61%.

“Đà phục hồi tăng trưởng vẫn hiện hữu, mặc dù vậy, việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng cả năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn”, Viện trưởng CIEM đánh giá.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM trình bày báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 theo hai kịch bản.

Trong kịch bản thứ nhất, dịch bệnh ở Việt Nam dự báo được kiểm soát vào tháng 10/2021, tạo điều kiện cho việc nối lại hoạt động sản xuất – kinh tế ở mức bình thường.

Ở kịch bản này, tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt mức 5,9%. Xuất khẩu cả năm dự báo tăng 16,4%, thặng dư thương mại ở mức 4,2 tỷ USD và lạm phát bình quân năm 2021 đạt 2,6%.

Kịch bản thứ hai giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản thứ nhất, chỉ khác ở điểm dịch bệnh được khống chế sớm trong tháng 8/2021, và giả thiết tốc độ tăng GDP của thế giới, M2, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn NSNN ở mức cao hơn.

Trong kịch bản thứ hai, tăng trưởng kinh tế năm 2021 có thể đạt mức 6,2%. Ngoài ra, xuất khẩu cả năm tăng 18,3%, thặng dư thương mại dự báo 5,4 tỷ USD và lạm phát bình quân năm 2021 đạt 2,8%.

Nguồn: Vietnambiz

3/ Việt Nam vượt Nhật, một trong ba đại diện ĐNA thu hút FDI nhiều nhất thế giới

Việt Nam lọt top 20 quốc gia thu hút FDI nhiều nhất 

Theo Báo cáo đầu tư 2021 của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) mới công bố, dẫn đầu top các nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất là Mỹ với 156 tỷ USD, vị trí thứ 2 là Trung Quốc với 149 tỷ USD, vị trí thứ 3 là Hồng Kông (Trung Quốc) với 119 tỷ USD… Việt Nam nằm ở vị trí 19 với thu hút FDI trong năm 2020 là 16 tỷ USD, tăng 5 bậc so với năm 2019 và cao hơn Nhật Bản ở vị trí 20 với 10 tỷ USD.

Đáng chú ý, lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia giảm trung bình 36%, thu nhập tái đầu tư của các công ty liên doanh nước ngoài (một phần quan trọng của dòng vốn FDI trong những năm trước) cũng giảm theo.

Theo UNCTAD, thực tế sụt giảm FDI xảy ra nhiều hơn ở các nền kinh tế phát triển, dòng vốn FDI tại đây đã giảm 58%, lý do một phần vì tái cơ cấu doanh nghiệp và các dòng tài chính ổn định. Trong khi đó, FDI ở các nền kinh tế đang phát triển giảm ít hơn với mức 8%, chủ yếu là do quá trình chuyển đổi linh hoạt tại châu Á.

Nhìn chung, các nền kinh tế đang phát triển hiện chiếm 2/3 tổng vốn FDI toàn cầu, tăng so với mức gần 1/2 trong năm 2019.

Dự báo năm 2021-2022

UNCTAD dự đoán dòng vốn FDI toàn cầu sẽ chạm đáy vào năm 2021 và phục hồi một phần với mức tăng khoảng 10 – 15%. Điều này khiến dòng vốn FDI thấp hơn khoảng 25% so với mức năm 2019 và hơn 40% so với mức đạt đỉnh gần đây vào năm 2016.

Các dự báo hiện tại cho thấy sự gia tăng FDI nhiều hơn vào năm 2022 và có thể đưa FDI trở lại mức 2019 là 1.500 tỷ USD.

Ngoài ra, việc thu hút vốn FDI sẽ không đồng đều. Bên cạnh đó, dòng vốn FDI vào châu Á sẽ vẫn phục hồi do khu vực này vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với đầu tư quốc tế trong suốt thời gian diễn ra dịch COVID-19. Báo cáo cũng cho biết khả năng phục hồi đáng kể FDI vào châu Phi, châu Mỹ Latinh và vùng Caribbean trong tương lai gần.

Nguồn: Vietnambiz

4/ Đáp ứng UKVFTA, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa

Theo đó, đối với hàng hóa từ Vương quốc Anh, Điều 24 Thông tư 02/2021/TT-BCT quy định, nhà xuất khẩu được phép tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa khi hàng hóa có xuất xứ từ Vương quốc Anh và đáp ứng quy định khác của UKVFTA.

Cụ thể, nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hóa chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ.

Nhà xuất khẩu sử dụng mẫu lời văn khai báo xuất xứ bằng một trong các phiên bản ngôn ngữ được quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này và phù hợp với quy định pháp luật của Vương quốc Anh.

Trường hợp nhà xuất khẩu khai báo bằng cách viết tay, lời văn khai báo được viết bằng mực và chữ cái in hoa.

Thuật ngữ “chứng từ thương mại khác” nêu tại Khoản 2 Điều 24 có thể là phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói. Chứng từ vận tải như vận tải đơn hoặc vận tải đơn hàng không được coi là chứng từ thương mại khác.

Nội dung tự chứng nhận xuất xứ không được thực hiện trên một mẫu riêng biệt. Nội dung tự chứng nhận xuất xứ được phép thực hiện trên một trang khác của chứng từ thương mại với điều kiện nhận biết được trang đó là một phần của chứng từ thương mại.

Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ phải có chữ ký viết tay của nhà xuất khẩu. Tuy nhiên, nhà xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định Vương quốc Anh được phép không ký tên với điều kiện nhà xuất khẩu cung cấp cho các cơ quan có thẩm quyền của nước thành viên xuất khẩu văn bản cam kết rằng, nhà xuất khẩu chịu trách nhiệm toàn bộ về chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.

Cùng với đó, chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa có thể phát hành sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện được xuất trình tại nước thành viên nhập khẩu không muộn hơn 2 năm hoặc theo quy định của nước thành viên nhập khẩu kể từ khi hàng hóa được đưa vào lãnh thổ nước thành viên nhập khẩu.

Điều 25 của Thông tư 02/2021/TT-BCT Bộ Công Thương quy định về tự chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa từ Việt Nam với 7 nội dung bao gồm nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 19 Thông tư này khi hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam và đáp ứng quy định khác của UVKFTA.

Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên hóa đơn, phiếu giao hàng hóa chứng từ thương mại khác có đủ thông tin về hàng hóa, bằng cách đánh máy, đóng dấu hoặc in nội dung lời văn khai báo xuất xứ hàng hóa trên chứng từ.

Ngoài ra, nhà xuất khẩu sử dụng mẫu lời văn khai báo xuất xứ bằng một trong các phiên bản ngôn ngữ được quy định tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Trường hợp nhà xuất khẩu khai báo bằng cách viết tay, lời văn khai báo được viết bằng mực và chữ cái in hoa.

Đáng lưu ý, thuật ngữ “chứng từ thương mại khác” nêu tại khoản 2 Điều 25 có thể là phiếu gửi hàng, hóa đơn chiếu lệ hoặc phiếu đóng gói. Chứng từ vận tải như vận tải đơn hoặc vận đơn hàng không không được coi là chứng từ thương mại khác.

Hơn nữa, nội dung tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa không được thực hiện trên một mẫu riêng biệt. Mặt khác, nội dung tự chứng nhận xuất xứ được phép thực hiện trên một trang khác của chứng từ thương mại với điều kiện nhận biết được trang đó là một phần của chứng từ thương mại.

Nhà xuất khẩu tự chứng nhận xuất xứ nêu tại khoản 1 Điều 25 nộp chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa cũng như việc tuân thủ quy định khác của Thông tư này theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

Chứng từ tự chứng nhận xuất xứ có thể phát hành sau khi xuất khẩu hàng hóa với điều kiện được xuất trình tại nước thành viên nhập khẩu không muộn hơn 2 năm hoặc theo quy định của nước thành viên nhập khẩu kể từ khi hàng hóa được đưa vào lãnh thổ nước thành viên nhập khẩu.

Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày phát hành chứng từ chứng nhận xuất xứ, nhà xuất khẩu nêu tại khoản 1 Điều này khai báo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu theo quy định từ điểm c đến điểm h khoản 1 Điều 15 Nghị định số 31/2018/NĐ-CP trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử tại địa chỉ www.ecosys.gov.vn của Bộ Công Thương.

Nguồn: VietnamPlus

5/ Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng đầu tư, kinh doanh

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn tại Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Hoa Kỳ tổ chức trực tuyến sáng ngày 14/7, do Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumsay Kommasith và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Bliken đồng chủ trì.

Ông Anthony Blinken – Ngoại trưởng Hoa Kỳ – khẳng định, Hoa Kỳ luôn coi trọng quan hệ với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và sẽ dành quan tâm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược năng động, hiệu quả với ASEAN, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục đi đầu thúc đẩy nỗ lực toàn cầu ứng phó Covid-19. Hiện, Hoa Kỳ đã đóng góp 2 tỷ USD trên tổng số 4 tỷ USD cam kết, đồng thời sẽ cung cấp 500 triệu liều vắc xin cho cơ chế COVAX và đang triển khai hỗ trợ 80 triệu liều vắc xin cho các nước trên thế giới. Trong đó, dành 96 triệu USD giúp ASEAN nâng cao năng lực ứng phó dịch bệnh.

Bên cạnh đó, phía Hoa Kỳ cũng đề xuất một số định hướng cho quan hệ hợp tác ASEAN – Hoa Kỳ, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, trao quyền cho phụ nữ, môi trường-biến đổi khí hậu… trên cơ sở các nỗ lực phục hồi đồng đều, bền vững trong cả khu vực.

Trao đổi về Biển Đông, tái khẳng định các lập trường của từng bên, hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Hai bên cũng chia sẻ sự trông đợi về sớm có Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 với quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan được tôn trọng và đề cập phù hợp.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, các nước ASEAN và Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh tại thị trường các nước ASEAN trong bối cảnh có sự dịch chuyển các luồng thương mại-đầu tư do COVID-19. Bộ trưởng hoan nghênh và mong muốn Hoa Kỳ tích cực hỗ trợ ASEAN thúc đẩy thu thẹp khoảng cách phát triển và phát triển bền vững tại các tiểu vùng, kết nối Mê Công-Hoa Kỳ với phát triển chung của ASEAN.

Chia sẻ với Hội nghị những đánh giá về tình hình khu vực và quốc tế, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh khu vực phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, phức tạp, các nước cần phát huy trách nhiệm, duy trì đối thoại, đẩy mạnh hợp tác vừa bảo đảm hòa bình, ổn định vừa phục hồi thành công. Bộ trưởng đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ASEAN tại các diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho quá trình hình thành trật tự khu vực dựa trên luật lệ.

Về Biển Đông, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn phát biểu đề cao luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển; khẳng định lập trường nguyên tắc nhất quán của ASEAN về Biển Đông; mong muốn Hoa Kỳ tiếp tục đóng vai trò xây dựng, ủng hộ các nỗ lực của ASEAN duy trì hoà bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, cũng như ủng hộ nỗ lực của ASEAN trong hỗ trợ tìm giải pháp ổn định tình hình Myanmar.

Nguồn: Báo Công Thương

6/ Việt Nam – EAEU: Tận dụng FTA, hợp tác đi vào chiều sâu

Ngày 13/7/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc trực tuyến với Bộ trưởng phụ trách Thương mại, Ủy ban Kinh tế Á – Âu Andrey Slepnev. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của hai Đồng Chủ tịch mới của hai Phân ban trong Ủy ban hỗn hợp thực thi FTA Việt Nam – EAEU, đặc biệt là trong bối cảnh năm 2021, hai bên kỷ niệm 5 năm thực thi Hiệp định này.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên bày tỏ sự tin tưởng vào mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa Việt Nam và các nước thành viên EAEU sẽ ngày càng phát triển.

Hiện, FTA Việt Nam – EAEU đã đóng góp cho sự phát triển thương mại hai chiều mạnh hơn nữa giữa Việt Nam và các nước thành viên EAEU. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, ngay từ khi bắt đầu có hiệu lực vào ngày 05/10/2016, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2016 đạt 3,04 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2015. Những năm tiếp theo, thương mại song phương đều có mức tăng trưởng tích cực, ở mức trên 25%. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thương mại song phương vẫn đạt mức tăng trưởng gần 10%. 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch thương mại với các nước thành viên EAEU ước tính đạt 2,7 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó xuất khẩu từ Việt Nam ước tính đạt 1,66 tỷ USD, tăng 31,3%.

Về phía EAEU, Bộ trưởng Andrey Slepnev cũng bày tỏ sự vui mừng về những kết quả tốt đẹp trong thương mại song phương kể từ khi FTA Việt Nam – EAEU có hiệu lực vào ngày 05/10/2016.

Đi vào trao đổi về một số nội dung hợp tác cụ thể, Bộ trưởng Andrey Slepnev mong muốn hai bên phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ các vấn đề mở cửa thị trường cho sản phẩm của nhau, thúc đẩy triển khai các dự án ưu tiên, góp phần tạo chỗ đứng cho hàng hóa của các nước EAEU tại thị trường Việt Nam và từ đó thâm nhập sang thị trường các nước trong khu vực ASEAN. EAEU cũng đặc biệt quan tâm đến việc sớm ký kết Nghị định thư sửa đổi lần 2 Nghị định thư hợp tác về sản xuất ô tô với Nga, sớm đưa vào hiệu lực Nghị định thư tương tự với Belarus và miễn trừ biện pháp tự vệ cho sản phẩm phân bón nhập khẩu vào Việt Nam.

Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng khẳng định, thời gian qua Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc các cam kết trong Hiệp định, đã thể hiện thiện chí áp dụng linh hoạt, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nước thành viên EAEU, nhất là trong lĩnh vực sản xuất ô tô.

Thời gian tới hai bên cần tập trung xử lý các vấn đề bất hợp lý tồn tại trong thương mại nông sản và đề nghị phía EAEU xem xét cấp phép thêm cho các doanh nghiệp thủy sản của Việt Nam có thể xuất khẩu sang EAEU.”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất.

Đối với những lĩnh vực hợp tác khác mà hai bên quan tâm, như xuất nhập khẩu dệt may và hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, hai Bộ trưởng cũng thống nhất cần tiếp tục tăng cường trao đổi, kịp thời giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh trên cơ sở cân bằng lợi ích.

Nguồn: Báo Công Thương

Hai bên thống nhất sẽ phối hợp phối hợp tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp, dự kiến vào tháng 10/2021

7/ EVIPA sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư EU vào Việt Nam

Quan hệ thương mại tốt đẹp

Hồi đầu tháng 6, các nhà lãnh đạo EU đã thông báo hiệp định đầu tư của khối liên minh này với Trung Quốc hiện đã không còn khả thi. Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) là một thoả thuận có “tham vọng chưa từng thấy” mà Trung Quốc ký kết với một vùng lãnh thổ, theo Uỷ ban châu Âu. Theo các chuyên gia Đức, Việt Nam sẽ là quốc gia hưởng lợi từ việc đỉnh chỉ phê chuẩn hiện định này. Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất châu Á trong thập kỷ vừa qua.

Về thương mại, quan hệ của Việt Nam và EU đã được cải thiện đang kể trong những năm gần đây. Năm 2020, Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ 15 của EU về trao đổi thương mại hàng hoá, với kim ngạch thương mại song phương trị giá 43,2 tỷ Euro (51,2 tỷ USD), theo số liệu của Uỷ ban châu Âu. Trong đó cán cân xuất khẩu nghiêng về phía Việt Nam. Điều đó khiến EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Hoa Kỳ. Trong quý I/2021, giá trị hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt giá trị khoảng 10 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quan hệ đầu tư còn nhiều dư địa phát triển

Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư vào Việt Nam, EU lại là các nước đi sau. Theo số liệu của EU, tính đến năm 2019, tổng vốn đầu tư tích luỹ của EU vào Việt Nam đạt 7,2 tỷ USD. Con số này là rất nhỏ so với 60 tỷ USD đầu tư tích luỹ của Hàn Quốc và Nhật Bản vào Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận được khoảng 15,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong đó, 5,64 tỷ USD đến từ Singapore, tiếp đến là Nhật Bản (2,44 tỷ USD) và Hàn Quốc (2,05 tỷ USD). Đây cũng là 3 nhà đầu tư có vốn tích luỹ đầu tư vào Việt Nam lớn nhất.

Hiện nay, dòng vốn đầu tư vào Việt Nam từ châu Âu đã tăng đáng kể. Tính đến tháng 5/2021, luỹ kế vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hà Lan (10,3 tỷ USD) đã vượt qua Hoa Kỳ (9,6 tỷ USD). Tuy nhiên, Pháp, Đức và Luxembourg – các quốc gia có dòng vốn đầu tư ra nước ngoài tương đối lớn lại chỉ là các nhà đầu tư lớn thứ 16,17 và 18 tại Việt Nam. Thuỵ Sĩ và Bỉ chỉ đứng ở vị trí 20 và 22.

Trên thực tế, Việt Nam đã ký kết thành công nhiều hiệp định thương mại và đầu tư khác nhau. Điều này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh an toàn cho các nhà đầu tư EU vào Việt Nam.Bên cạnh hiệp định EVFTA có hiệu lực vào năm ngoái, Việt Nam cũng đang tham gia một loạt các thoả thuận thương mại khác như CPTPP hay RCEP. Bên cạnh đó, giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu còn tồn tại Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), được ký cùng lúc với hiệp định EVFTA.

Nguồn: Báo Công Thương

8/ Thị trường cà phê: những trắc trở?

Giá cà phê lập đỉnh?

Trên sàn giao dịch robusta London, nơi các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam thường dùng để tham chiếu, giá cứ nhồi lên mấy tuần liên tiếp. Hiệu suất đầu tư cà phê trên sàn này tính từ đầu năm đến nay tăng 24,09%, tương đương với 343 đô la Mỹ/tấn, khi đóng cửa cuối tuần chốt tại 1.767 đô la/tấn so với 1.424 lập vào ngày 31-12-2020. Giá phái sinh đang muốn tìm lại đỉnh cao gần nhất xuất hiện vào quí 4-2018 bấy giờ được ghi nhận là 1.792 đô la/tấn. Liệu giá cà phê nội địa có lên tương đồng với thời kỳ ấy tại mức 38,5 triệu đồng/tấn?

Nhiều nhà xuất khẩu cho rằng nhìn con số và riêng độ nhảy tại sàn London, ai cũng thấy còn đà tăng kể từ đầu tháng 7-2021 khi sàn chuyển cấu trúc giá từ thuận chiều sang nghịch đảo. Nên chuyện tăng lên mức ấy chỉ là vấn đề thời gian. Nhưng cụ thể đến khi nào thì đạt các mức ấy, không dễ có câu trả lời, nhất là giá cà phê trong nước.

 

Giá tăng nhưng giao dịch trong nước trầm lắng

“Cách nay một tuần, có nhà nhập khẩu chào mua cà phê xuất khẩu 37,1 triệu/đồng/tấn nhưng không ai bán, họ chuyển sang chấp nhận mua cùng giá với hàng nguyên liệu cũng không mua được”, một doanh nhân tại TPHCM cho biết. Tuy vậy, cũng chỉ có người thiếu hàng hoặc mua để đầu cơ giá lên chứ không phải nhiều người nhảy vào mua một lúc “đại trà” như những năm trước. Như vậy, nhu cầu mua hàng như nhà nhập khẩu nêu trên nên được xem là trường hợp hiếm hoi.

Trong khi đó, người bán hàng thực đến nay không có sẵn cà phê trong tay do đã gởi hàng vào kho, dù muốn bán cũng không thể đòi được mức cao ấy mà chỉ quanh 36,5 triệu đồng/tấn vì chủ kho báo không có nhu cầu mua, nên giá rẻ mới chốt. Còn rút hàng ra? Chủ kho tính biết bao nhiêu phí và lãi gộp ngân hàng, nên cũng chỉ quanh mức thấp, thậm chí tệ hơn mức giá họ chấp thuận.

Bên bán không được tự do đã đành, bên mua còn quá nhiều hàng trong kho chưa giải phóng, nên mạch trao đổi đều bị tắc. Trong khi đó, hàng robusta Brazil đã thu hái xong cho năm nay với phần chắc robusta nước này được mùa, chừng 1,2 triệu tấn, bằng 2/3 sản lượng cà phê Việt Nam. Nên giá trên sàn hiện nay không do nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất là Việt Nam quyết định, mà chính là Brazil và tiếp đó là Indonesia vì nước này cũng đã ra hàng niên vụ mới.

Mặt khác, so với giá bán xuất khẩu tính theo phương thức giao hàng qua lan can tàu (FOB), giá cà phê loại 2 của Brazil đang được tính cao hơn giá niêm yết sàn London đến 100 đô la/tấn, cao hơn giá cùng loại tối đa 5% đen bể của Việt Nam đến 200 đô la/tấn.

Tại sao? Cước tàu đang chi phối mạnh giá xuất khẩu cà phê tùy từng nước. Một container 20 feet từ Brazil qua Mỹ, người mua phải trả 4.000 đô la/container trong khi từ Việt Nam 10.000 đô la/container. Như vậy, thị phần xuất khẩu qua Mỹ của cà phê Việt Nam cho hàng cà phê thương mại tạm thời bị hạn chế.

“Mua hàng mà để đó thì làm sao mà mua tiếp được!”, đại diện một nhà nhập khẩu cho biết. Nhiều người muốn bán lại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam hay thường gọi là “cà phê xuất khẩu ngược” cũng không xong vì giá mua trước đây ở mức cộng (cao hơn giá niêm yết), thì nay phải bán trừ lùi, không ai chịu lỗ kiểu này. Chính vì tắc nghẽn trong khâu hậu cần mà giao dịch trên thị trường nội địa “đứng bánh” và… chưa biết cho đến khi nào.

Một số trắc trở cần thấy trước

Có lẽ để giải quyết một phần khó khăn do giá cước tàu quá cao, sàn cà phê robusta phải dàn xếp bằng cách cho giá tháng giao hàng gần cao hơn giá tháng xa mà thị trường gọi là vắt giá. Theo dõi giao dịch, lần vắt giá này không xuất phát từ thiếu hàng thực sự nhưng phải nói rõ các tồn kho tại nước tiêu thụ và sàn giảm do hàng từ các nước sản xuất không đi được. Còn tồn kho hàng thực thì vẫn đầy tại nước sản xuất, chủ yếu nằm trong tay người mua là các nhà nhập khẩu.

Tồn kho đạt chuẩn thuộc sàn robusta London tuần trước tụt xuống dần chỉ còn 147.060 tấn. Cấu trúc vắt giá đang báo hiệu cho thị trường biết sàn và kho tại các nước tiêu thụ đang cần hàng nhưng chỉ cung cấp vừa đủ số tiền chênh lệch như tỏ ý muốn dàn xếp giá cước, nên mức chênh lệch giữa các tháng chỉ một vài chục đô la Mỹ. Thế thì một khi các nhà kinh doanh “cáp” được giá tàu, đó cũng là lúc báo hiệu hướng lên của giá trên sàn sẽ không như ý muốn.

Hơn nữa, lượng hàng robusta tại Brazil hết sức sẵn sàng. Giá cước Brazil-Mỹ rẻ. Cơ hội robusta Brazil chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu nhiều hơn.

Một khó khăn trước mắt nữa là dịch Covid-19 với biến chủng Delta “sát thủ”, nhiều nước bắt đầu siết lại lệnh phong tỏa. Chắc có lẽ thị trường cà phê lại gánh thêm một khó khăn do tiêu thụ cà phê giảm.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

9/ Việt Nam cung cấp cà phê lớn nhất cho Áo

Áo là một trong những nước dẫn đầu châu Âu về mức tiêu thụ cà phê trên đầu người. Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 5 cho Áo, nhưng là thị trường ngoại khối cung cấp lớn nhất.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cho biết, nhập khẩu cà phê của Áo giai đoạn 2016 – 2020 giảm bình quân 0,53%/năm (tính theo lượng) và giảm 0,41%/năm (tính theo trị giá), từ 64,15 nghìn tấn, trị giá 423 triệu USD năm 2016, giảm xuống 62,6 nghìn tấn, trị giá 415 triệu USD năm 2020. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 – 2020, Áo tăng nhập khẩu từ Việt Nam, tốc độ tăng trưởng bình quân 15,54%/năm (tính theo lượng) và 14,57%/năm (tính theo trị giá), từ 1,45 nghìn tấn, trị giá 2,96 triệu USD năm 2016, tăng lên 2,2 nghìn tấn, trị giá 3,92 triệu USD năm 2020.

Cập nhật số liệu thống kê trong quý I/2021, Áo nhập khẩu cà phê đạt 13,24 nghìn tấn, trị giá 101,38 triệu USD, giảm 26% về lượng và giảm 3,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Quý I/2021, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Áo đạt 7.657 USD/tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá nhập khẩu bình quân cà phê của Áo tăng ở hầu hết các thị trường cung cấp.

Áo nhập khẩu cà phê chủ yếu từ các thị trường nội khối EU. Với các thị trường ngoại khối, Áo nhập khẩu chủ yếu từ Việt Nam, Brazil, Indonesia. Trong quý I/2021, Áo giảm nhập khẩu cà phê từ hầu hết các nguồn cung cấp chính, nhưng tăng từ Slovakia.

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế, Việt Nam là nguồn cung cà phê lớn thứ 5 cho Áo, nhưng là thị trường ngoại khối cung cấp lớn nhất. Trong quý I/2021, Áo nhập khẩu cà phê từ Việt Nam đạt 510 tấn, trị giá 965 nghìn USD, giảm 9,9% về lượng và giảm 6,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Áo tăng từ 3,17% trong quý I/2020 lên 3,85% trong quý I/2021.

Tận dụng cơ hội từ EVFTA song song với nắm bắt xu hướng tiêu dùng

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Áo cho biết, Áo là một trong những nước dẫn đầu châu Âu về mức tiêu thụ cà phê trên đầu người. Trong báo cáo cà phê năm 2020, người Áo tiêu thụ bình quân 162 lít cà phê/năm (2,6 ly cà phê/ngày). Người Áo tiêu thụ 7,2 kg cà phê/năm, cao hơn so với người Đức (5,7 kg cà phê/năm).

Cà phê là loại đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất ở Áo. Có tới 84,6% dân số Áo uống cà phê. Cà phê chủ yếu được dùng tại nhà (63,1%); tại nơi làm việc (26,5%); 83,9% người uống dùng cà phê với bữa sáng; 66,2% người uống vào buổi trưa; 60% người tiêu dùng uống cà phê không đường; 74% người tiêu dùng uống cà phê với sữa, trong đó 23,5% người tiêu dùng chọn sữa thực vật hoặc sữa hạt.

Dịch Covid-19 tác động đến xu hướng tiêu dùng cà phê của người Áo. Trong bối cảnh giãn cách xã hội, cà phê được tiêu thụ nhiều hơn tại nhà, đặc biệt là nhóm đối tượng trẻ tuổi. Lượng cà phê tiêu thụ tăng thêm 20% so với mức bình thường.

Phân khúc cà phê giá thấp và trung bình cũng được sử dụng nhiều hơn, đã có 3,2% người tiêu dùng Áo chuyển sang sử dụng loại cà phê rẻ hơn. Chủng loại cà phê được người Áo ưa chuộng: hạt cà phê tươi, vỏ cà phê mới xay và cà phê tươi mới xay. Các loại cà phê chính được tiêu thụ: Espresso, cà phê nâu, cà phê melange viên, latte macchiato, cappuccino, cà phê pha lạnh hoặc đá, cà phê tonic. Người tiêu dùng chuộng cà phê chất lượng cao, có nguồn gốc rõ ràng, rang và pha cẩn thận.

Gần đây, người tiêu dùng chuộng các loại cà phê lạnh và sáng tạo với hương vị đa dạng. Theo đó, phần lớn (46%) cà phê được pha bằng máy tự động hoàn toàn hoặc máy espresso điện. Tại nhà, xu hướng pha bằng viên nén vẫn đang tăng (từ thị phần 11,7% trong tổng pha cà phê tại nhà vào năm 2009 lên 45,7% vào năm 2020). Xu hướng pha bằng phin cà phê cũng tăng (từ 4,9% vào năm 2018 lên 7,8% vào năm 2019).

Mặc dù dân số thấp (khoảng 9 triệu người), Áo là nước tiêu thụ nhiều cà phê và sẵn sàng trải nghiệm các loại mới, có chất lượng cao. Người tiêu dùng tự pha bằng máy, đặc biệt là chủ yếu dùng viên nén, để thưởng thức ly cà phê. Các thương hiệu cà phê lớn của Đức, Thụy Sỹ và Hà Lan chiếm thị phần lớn tại Áo. Số liệu cho thấy, Áo chủ yếu nhập khẩu cà phê hạt (chưa rang) từ Brazil (Arabica) và Việt Nam (Robusta). Còn đối với cà phê đã rang, Áo nhập khẩu chủ yếu từ các thị trường Đức, Hà Lan và Ý, thị phần chiếm trên 80%. Do đó, việc nắm bắt được xu hướng tiêu dùng sẽ giúp cà phê Việt hiện diện nhiều hơn và rộng hơn tại thị trường này.

Hiện, trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Áo, chiếm chủ yếu là các mặt hàng được xuất khẩu bởi khối doanh nghiệp FDI, trong đó, sản phẩm điện thoại di động và phụ tùng chiếm gần 80% tỷ trọng. Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng còn lại như: sản phẩm gốm sứ, gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê… chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Có thể nói xuất khẩu hàng hóa sang Áo chưa tận dụng được nhiều cơ hội từ EVFTA.

Trong số các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà Áo cũng đang có nhu cầu nhập khẩu có mặt hàng cà phê. Do đó, để có thể tận dụng hiệu quả hơn các cam kết thuế quan trong EVFTA và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Áo.

Nguồn: Báo Công Thương

10/ UKVFTA giúp thương mại song phương Việt – Anh tăng ngoạn mục

Với giá trị nhập khẩu rau và hoa quả hằng năm lên tới hơn 8,4 tỷ USD, cùng hiệu quả từ Hiệp định UKVFTA, Vương quốc Anh là thị trường lớn đầy tiềm năng cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam.

Các sản phẩm Việt Nam được giới thiệu tại hội thảo gồm chuối, thanh long, xoài, bơ, dứa, ổi, vải, nhãn, mít, dừa, thanh long, hạt điều, hạt tiêu, cà phê…

Ông Kevin – đại diện chợ Birmingham – cho biết mỗi ngày chợ này đón 5.000 khách, tiêu thụ từ hàng chục tới hàng trăm tấn cho mỗi mặt hàng như chuối, thanh long, xoài, bơ, vải, nhãn, mít, chanh leo, dứa…

Theo ông Harry Hoan Tran – Giám đốc Công ty Midan Global Ltd., đây là một đầu mối tiềm năng để hoa quả và nông sản Việt thâm nhập vào thị trường Anh.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tạ Hoàng Linh – Vụ trưởng Vụ Thị trường Âu-Mỹ, Bộ Công Thương – cho biết sau khi hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Anh (UKVFTA) có hiệu lực, thương mại song phương đã tiến triển ngoạn mục với tổng giá trị đạt 3,3 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 29%, bất chấp sự bùng phát của dịch Covid-19.

Theo ông Tạ Hoàng Linh, UKVFTA mang lại cơ hội tiếp cận và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp hai nước, đồng thời thúc đẩy quan hệ thương mại toàn diện, lâu dài và ổn định giữa hai bên.

Ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh – cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng lợi thế của Việt Nam, là một trong số các quốc gia sớm ký thỏa thuận thương mại tự do với Anh, để tiếp cận và mở rộng thị trường sang nước này.

Theo số liệu của chính phủ Anh, năm 2019, nước này nhập khẩu hơn 3,6 triệu tấn hoa quả, trị giá gần 3,9 tỷ bảng (hơn 5,4 tỷ USD). Nhập khẩu rau đạt 2,3 triệu tấn với tổng giá trị hơn 2,5 tỷ bảng (hơn 3,5 tỷ USD).

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam

11/ Thuỷ sản quyết tâm gỡ “thẻ vàng”

Tại cuộc họp trực tuyến với 28 tỉnh, thành phố ven biển vào ngày 13/7 vừa qua tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU) đã đề ra quyết tâm chấm dứt tình trạng vi phạm các quy định về chống khai thác IUU vào năm 2022 để gỡ “thẻ vàng” của EC.

Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành thủy sản với các địa phương ven biển, các bộ, ngành có vai trò quan trọng như quốc phòng, công an, ngoại giao… Theo đó, Bộ Quốc phòng chủ trì mở đợt cao điểm trong năm 2021 để tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát tại các khu vực vùng biển chồng lấn, chưa được phân định giữa Việt Nam và các nước; nghiên cứu, sử dụng các công cụ hỗ trợ như máy bay không người lái… Ðồng thời, cần thường xuyên làm tốt công tác hợp tác quốc tế; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm quyền của EC trong công tác phòng, chống khai thác IUU.

Từ 2012 đến nay đã có 25 nước bị cảnh báo thẻ (19 “thẻ vàng” và 6 “thẻ đỏ”), trong đó có 14 nước đã gỡ được thẻ, riêng khu vực Ðông Nam Á có Thái Lan và Philippines đã gỡ được thẻ.

Ðể gỡ “thẻ vàng”, Thái Lan đã tập trung các giải pháp mạnh mẽ để cải cách triệt để hệ thống quản lý nghề cá, nguồn nhân lực đáp ứng được các trách nhiệm, và các quy định của luật pháp quốc tế đã cam kết thực hiện, sửa đổi khung pháp lý đáp ứng được các yêu cầu quốc tế trong việc tuân thủ các quy định quốc tế về quản lý nghề cá như biện pháp quốc gia treo cờ, biện pháp quốc gia có cảng, biện pháp quốc gia ven biển, biện pháp thị trường đi kèm với một khung xử phạt nghiêm ngặt.

Với Philippines, mặc dù lý do phạt thẻ vàng chủ yếu tập trung vào các đội tàu khai thác cá ngừ, tuy nhiên họ cũng đã nỗ lực hết sức để thực hiện các giải pháp đồng bộ triệt để như ban hành một đạo luật riêng có tên “Luật Ngăn ngừa, giảm và xóa bỏ khai thác IUU” năm 2015 phù hợp các quy định quốc tế về quản lý nghề cá bền vững và chống khai thác IUU với mức xử phạt cao nhất tương đương với 40 tỷ đồng Việt Nam và chỉ mất 11 tháng để dỡ bỏ “thẻ vàng” thành công.

Nguồn: Báo Nhân dân

12/ Việt – Nhật: hợp tác chuỗi cung ứng sản xuất, phát triển công nghiệp nền tảng

Tại buổi gặp ngày 14/7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Taikio nhất trí đánh giá quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Nhật Bản còn rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển chặt chẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Về hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, hai bên nhất trí tăng cường khuyến khích, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Việt Nam, thắt chặt hơn nữa chuỗi cung ứng sản xuất giữa hai nước. Hai bên khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nâng cao năng lực cho các ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam như hóa chất, vật liệu, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, v.v… Đặc biệt, hai bên thống nhất xây dựng và hoàn thiện Sáng kiến Đối tác hợp tác đổi mới công nghệ Việt Nam – Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực sản xuất, quản lý nhằm phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam theo từng giai đoạn, trước mắt là lĩnh vực điện – điện tử, ô tô, dệt may.

Trong lĩnh vực năng lượng, hai bên hoan nghênh và đánh giá cao Sáng kiến chuyển đổi năng lượng ASEAN do Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đưa ra tại Hội nghị Bộ trưởng Năng lượng ASEAN và Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản tháng 6/2020.

Được thiết kế một cách toàn diện, bao gồm cả hỗ trợ xây dựng lộ trình, hỗ trợ cung cấp tín dụng với nguồn ngân quỹ lên tới 10 tỷ USD, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực sử dụng các công nghệ giảm carbon, sáng kiến này được kỳ vọng sẽ giúp các nước ASEAN và Việt Nam thực hiện thành công quá trình chuyển dịch năng lượng, hướng tới giảm phát thải các bon, đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển xanh và bền vững. Bên cạnh đó, hai bên còn nhất trí hợp tác chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ nhiều dự án năng lượng quan trọng như dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn 3, dự án khí lô B, v.v…

Trong lĩnh vực thương mại, hai bên vui mừng nhận thấy quan hệ thương mại Việt Nam – Nhật Bản đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất trong thời gian qua. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của hai nước mang tính bổ sung rõ nét, không có sự cạnh tranh trực tiếp nên có nhiều cơ hội và dư địa để phát triển.

Bộ trưởng và Đại sứ cùng nhấn mạnh vai trò quan trọng của thực thi hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương đối với thương mại song phương như Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực. Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhằm tăng cường, đa dạng hóa chuỗi cung ứng nông sản, Bộ trưởng đề nghị phía Nhật Bản tăng cường mở cửa thị trường nông sản và hỗ trợ đưa nông sản Việt Nam vào hệ thống phân phối tại Nhật Bản.

Nguồn: Báo Công Thương

13/ Ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu trên 4 tỷ USD trong 2021

Số lô tôm xuất khẩu bị cảnh báo chất lượng giảm 11%

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu tôm sáu tháng đầu năm đạt 1,5 tỷ USD (trong đó, tôm sú đạt 200 triệu USD, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD).

Đáng chú ý, theo ông Lê Bá Anh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản, trong 5 tháng đầu năm 2021, có 15 lô hàng tôm bị cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu cảnh báo (giảm 11% so với cùng kỳ năm 2020), trong đó đáng chú ý là cảnh báo về các chỉ tiêu dịch bệnh (5 lô), tồn dư hóa chất, kháng sinh cấm 4 lô; vi sinh 5 lô.

Còn tại trong nước, Cục đã thực hiện lấy 537 mẫu tôm nuôi (thẻ, sú) tại 76 vùng nuôi tôm tập trung để phân tích dư lượng hóa chất, kháng sinh tại vùng nuôi. Kết quả, đã phát hiện 6 mẫu vi phạm. Các trường hợp phát hiện vi phạm đều được điều tra, xử lý theo đúng quy định tại Thông tư 31/2015/TT-BNNPTNT ngày 6/10/2015 của Bộ NN&PTNT quy định về giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi. Cũng trong 5 tháng đầu năm nay, 4 tỉnh trọng điểm là Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định phòng, chống tạp chất trong tôm. Kết quả, phát hiện 36 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 455 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngành nuôi tôm vẫn gặp một số tồn tại, khó khăn, đặc biệt là việc cấp mã số xác nhận đăng ký cơ sở nuôi đạt kết quả chưa cao. Giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm lỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp).

Ngoài ra, còn một số thách thức mới về xuất khẩu như sự thay đổi quy định kiểm dịch đối với sản phẩm nhập khẩu ở nhiều quốc gia, những cảnh báo về an toàn thực phẩm. Một số thị trường nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm, như Hàn Quốc, sản phẩm tôm phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch.

Tăng năng suất, chất lượng

Theo ông Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT từ nay đến năm 2025 phải đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD. Trong năm 2021, ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu hơn 4 tỷ USD.

Như vậy, muốn tăng năng suất thì cần phải nâng cao chất lượng, hạ giá thành con giống, thức ăn, kiểm soát môi trường nuôi và thú y phòng bệnh, nâng cao chất lượng tôm tại khu vực nuôi. Đồng thời, cần đẩy mạnh chế biến với công nghệ cao, nhiều sản phẩm, nhiều thị trường thì chúng ta mới đạt được mục tiêu Chính phủ giao cho ngành NN&PTNT.

“Bộ sẽ làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về thủ tục đất đai để làm căn cứ pháp lý cho cấp mã số vùng nuôi, đảm bảo cho truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, an toàn sinh học là yếu tố quan trọng của Tổ chức Thú y Thế giới để có thể xuất khẩu được tôm nguyên con sang các thị trường. Với sản xuất nhỏ lẻ, Bộ sẽ bàn với các địa phương tìm giải pháp căn cơ để đảm bảo an toàn sinh bệnh”, ông Phùng Đức Tiến cho biết.

Nguồn: Báo Công Thương

14/ Đẩy mạnh kết nối ngành xây dựng và nội thất Việt vào Nga

Tăng cường kết nối, giao thương

Về thương mại, trong 5 tháng đầu năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Liên bang Nga đạt 2,21 tỷ USD tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất khẩu đạt 1,37 tỷ USD, tăng 41,2% so với cùng kỳ năm 2020 và nhập khẩu đạt 845 triệu USD giảm 0.22% so với cùng kỳ năm 2020. Các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là máy tính, điện thoại và linh kiện điện tử, dệt may, da giày và máy móc thiết bị điện tử,… Ở chiều ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nga trọng tâm các loại khoáng sản, sắt thép, than các loại,… Trong đó, gỗ và các sản phẩm từ gỗ là ngành hàng Việt Nam đang nhập siêu khá lớn từ Liên bang Nga với 13 triệu USD.

Về đầu tư, Nga hiện đứng thứ 25 trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đạt 956,73 triệu USD (148 dự án). Các dự án đầu tư của Liên bang Nga tập trung chủ yếu vào các ngành dầu khí, công nghiệp chế tạo, khai khoáng, giao thông vận tải, viễn thông, nuôi trồng và đánh bắt hải sản.

Nắm bắt nhu cầu thị trường

Ông Sergey Ianchenko – Phó Trưởng đại diện Cơ quan Thương mại Liên Bang Nga tại Việt Nam đánh giá Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và là quốc gia nhiều tiềm năng. Ông cho biết, từ khi Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu ký kết và thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA) năm 2016, hợp tác kinh tế thương mại giữa khối EAEU và Việt Nam nói chung và Việt Nam với Liên bang Nga nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, tăng cường trao đổi thương mại, dịch vụ, đầu tư song phương và mở rộng quan hệ hợp tác trong khu vực. Ước tính, từ khi Hiệp định có hiệu lực vào cuối năm 2016, tốc độ tăng trưởng thương mại hai chiều giữa Việt Nam và các nước EAEU trung bình hàng năm đã đạt vào khoảng gần 30%.

Tại hội nghị, ông Oleg Numerov – Phó trưởng Ban kinh doanh lâm nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội chế biến gỗ và nội thất Nga đã giới thiệu tại hội nghị các doanh nghiệp Liên bang Nga và nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Liên bang Nga, trọng tâm ngành xây dựng và đồ gỗ nội thất của thị trường này.

Ông Oleg Numerov cho biết, người tiêu dùng Nga quan tâm đến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế và hơn thế nữa là giá thành sản phẩm phù hợp. Để tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường Liên bang Nga, các doanh nghiệp Viêt Nam cần nắm rõ các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật cũng như bắt nhịp được xu hướng tiêu dùng tại thị trường này. Hy vọng rằng, sau hội nghị các doanh nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga sẽ tiến tới tìm hiểu sâu hơn và sẽ có những ký kết hợp đồng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, những chia sẻ của bà Ekaterina Lebedeva – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Xanh Pectecbua, Ông Mikhail Veselov – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Vùng Primorie và Bà Regina Budarina Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nga – Việt, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp của Hội được cộng đồng doanh nghiệp hai nước quan tâm và trao đổi sôi nổi. Các doanh nghiệp chủ động đặt câu hỏi, tìm hiểu những vấn đề về hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường, tìm kiếm bạn hàng, đối tác và những chính sách hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước cũng như hoạt động xúc tiến đầu tư công nghiệp trong thời kỳ Covid-19.

Ngay sau Hội nghị, chương trình giao thương đã kết nối trực tuyến cho các doanh nghiệp Việt Nam trao đổi với gần 80 doanh nghiệp Liên bang Nga. Buổi giao thương đã diễn ra thành công với hơn 100 phiên giao thương nhỏ. Các doanh nghiệp Liên bang Nga và Việt Nam tham gia đánh giá cao việc ban tổ chức đã thu xếp các phòng giao thương trực tuyến riêng, danh sách doanh nghiệp được chia theo nhu cầu của từng doanh nghiệp cũng như các lĩnh vực, ngành hàng phù hợp, đảm bảo hiệu quả giao thương.

Nguồn: Báo Công Thương

15/ Ngành da giày: Đơn hàng khả quan bất chấp dịch bệnh

Nửa đầu năm, xuất khẩu giày dép các loại đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Bắc Mỹ, EU, châu Á đều tăng mạnh.

Có được kết quả này, theo bà Phan Thị Thanh Xuân, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam (Lefaso), qua các đợt dịch trước, nhiều doanh nghiệp ngành da giày đã chủ động thích ứng, hạn chế tối đa những khó khăn để đứng vững trước những thử thách của thị trường.

– Bà có thể chia sẻ thêm về tình hình của các doanh nghiệp da giày trong nửa đầu năm?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Khó khăn luôn thường trực tại các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua, đó là an toàn cho sản xuất và luôn lo lắng dịch bệnh có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Chính việc chống dịch như vậy khiến gánh nặng chi phí tăng lên nhiều. Đơn cử, đợt dịch lần thứ 4 vừa qua, tại một doanh nghiệp có công nhân bị nhiễm bệnh đã phải tạm dừng một xưởng sản xuất sản xuất trong điều kiện giãn cách.

Vì vậy, để duy trì sản xuất, doanh nghiệp sẽ phải phát sinh thêm một số khoản chi phí phòng dịch, gồm chi phí mua dụng cụ test, trang bị đồ phòng hộ…

Thực tế, doanh nghiệp da giày mật độ công nhân rất đông, đứng cách nhau có nửa mét, khả năng nhiễm bệnh rất cao, do vậy phải tuân thủ phòng dịch. Kể cả doanh nghiệp chưa có công nhân nhiễm bệnh vẫn phải thực hiện giãn cách bởi nguy cơ rất lớn.

– Sản xuất trong điều kiện dịch bệnh, phải giãn cách, chia ca như vậy đã ảnh hưởng như thế nào đối với kết quả sản xuất-kinh doanh của ngành, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Sản xuất trong nước khó khăn nhưng bù lại đơn hàng cũng tốt, điều này cũng giúp xuất khẩu của ngành da giày duy trì tăng trưởng, có những tháng tăng trưởng xuất khẩu của ngành đạt tới 20%.

Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu giày dép các loại đạt 10,4 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường truyền thống như: Bắc Mỹ, EU, châu Á đều tăng mạnh.

Có thể thấy, ngành da giày Việt Nam hiện đang có lợi thế so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Bên cạnh các lợi thế truyền thống về nhân công, môi trường chính trị, thì việc kiểm soát tốt dịch bệnh là ưu thế lớn giúp doanh nghiệp Việt Nam đón được đơn hàng dịch chuyển từ các quốc gia khác. Với các thị trường nhập khẩu lớn như: Mỹ, EU… đơn hàng trong nửa đầu năm 2021 tăng 10%.

– Xuất khẩu giày dép của Việt Nam vào một số thị trường trong 5 tháng 2021:

Việc tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) cũng giúp doanh nghiệp da giày trong nước tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh vô cùng khó khăn.

Tiêu chí xuất xứ cho phép 40% công đoạn sản xuất trong nước không quá khó, doanh nghiệp trong nước đã thực hiện theo tiêu chí này khi sử dụng ưu đãi GSP trước đó nên không gặp trở ngại.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland cũng giúp da giày Việt Nam duy trì xuất khẩu sang thị trường Anh với kim ngạch khoảng 200-300 triệu USD/năm.

Chính phủ đang nỗ lực đàm phán để đưa thêm vaccine về Việt Nam, nhiều khả năng cuối năm 2021 chúng ta sẽ đạt mục tiêu hơn 70% dân số được tiêm vaccine. Như vậy sẽ rất tốt bởi đơn hàng cho quý 3,4 của các doanh nghiệp khá dồi dào, đồng nghĩa thị trường xuất khẩu vẫn giữ được ổn định.

Dù vậy, lo ngại nhất thời điểm hiện tại là đảm bảo an toàn cho sản xuất trong nước, bởi nếu để dịch bùng lên, nguy cơ các đơn hàng có thể dịch chuyển sang một số nước. Bởi các nhãn hàng lớn đều đặt nhà máy sản xuất tại nhiều quốc gia trong trường hợp bất lợi sẽ di chuyển đơn hàng rất nhanh.

Do đó, nếu bị đứt gẫy chuỗi cung ứng thì sẽ rất khó khôi phục lại bởi muốn thiết lập được chuỗi cung phải kéo theo nhiều khâu, từ hậu cần, nguyên phụ liệu, đến hệ thống tài chính.

Trong khi đó, muốn chen vào lại chuỗi cung ứng phải mất nhiều thời gian, chưa kể doanh nghiệp bị phá sản không thể nhanh chóng mở lại nhà máy. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho sản xuất là nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay để đảm bảo được tăng trưởng xuất khẩu cho ngành không chỉ trong năm nay mà còn cho cả nhiều năm tới.

– Để chủ động các phương án trước mọi diễn biến của dịch bệnh, Hiệp hội đã có những giải pháp gì hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, tốc độ luân chuyển hàng hoá rất nhanh, thời gian sản phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng rất ngắn, nếu không đáp ứng được sẽ bị loại bỏ.

Sau giai đoạn dịch bệnh, áp lực đầu tiên doanh nghiệp sản xuất da giày trong nước phải đối mặt là thiếu lao động. Do vậy, về phía doanh nghiệp cần chủ động tăng năng suất lao động.

Cùng đó, doanh nghiệp cần có cả chiến lược dài hơi cho đầu tư vào công nghệ để đổi mới sản xuất, áp dụng các mô hình quản lý tiên tiến mới có thể cạnh tranh, đáp ứng các tiêu chí là điều kiện bắt buộc để có thể xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu lớn như EU.

Về phía Chính phủ, không chỉ bằng các gói hỗ trợ mà cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa trên mọi phương diện, tránh tình trạng phí chồng phí ngay tại thời điểm khó khăn như hiện tại.

Trong bối cảnh khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay, mọi sự hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu đều rất cần thiết đối với doanh nghiệp.

– Việc tiêm vaccine đối với doanh nghiệp trong ngành da giày đã được chuẩn bị như thế nào và Hiệp hội có kiến nghị gì trong việc giữ ổn định sản xuất?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Một số doanh nghiệp da giày như công ty Pouchen cũng đã được tiêm vaccine nhưng cũng chỉ cục bộ, số lượng doanh nghiệp được tiêm vẫn còn chưa nhiều.

Hiệp hội đã kiến nghị và Chính phủ đã đưa công nhân tại các khu công nghiệp làm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine, đây là điều kiện rất tốt giúp doanh nghiệp bảo vệ người lao động, ổn định sản xuất.

Nguồn: VietnamPlus

16/ Chống tăng giá cước vận tải biển: ‘hóng’ Mỹ?

Ngày 9-7-2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành một sắc lệnh (Executive Order) nhằm tăng cường sự cạnh tranh, chống độc quyền, tăng giá cước quá mức trong ngành vận tải biển và một số ngành khác như đường sắt, y tế, nông nghiệp…

Sắc lệnh yêu cầu Ủy ban Hàng hải liên bang Mỹ (FMC) phối hợp với Bộ Tư pháp điều tra và đưa ra những biện pháp trừng phạt để ngăn chặn các hành vi chống cạnh tranh của các hãng tàu biển dẫn đến sự leo thang của các loại phí áp lên các nhà xuất khẩu Mỹ.

Sắc lệnh nêu rõ ngành vận tải biển đã nhanh chóng hợp nhất từ năm 2000 khi 10 hãng tàu biển lớn nhất chỉ kiểm soát 12% thị trường. Hiện nay, con số này đã tăng lên trên 80%, làm cho việc xuất khẩu hàng hóa của các nhà chế tạo nội địa Mỹ phụ thuộc hoàn toàn vào “lòng nhân từ” của các hãng biển lớn nhất này. Điều này cho phép các hãng tàu quyền lực áp mức phí quá cao lên các nhà xuất khẩu cho thời gian mà hàng hóa của họ nằm chờ để chất lên hoặc dỡ xuống.

Mặc dù phí phạt do giữ và bốc dỡ chậm mà nhà xuất khẩu Mỹ phải trả cho hãng là mục tiêu của sắc lệnh này, nó cũng có thể gây chú ý hơn đến việc giá cước vận tải biển mà nhà nhập khẩu Mỹ phải trả đang tăng mạnh, góp phần làm tăng lạm phát ở Mỹ.

Một số chuyên gia trong ngành cho rằng sắc lệnh trên có thể ngăn các hãng tăng giá cước thêm trong những tháng tới bất chấp nhu cầu mạnh mẽ, tương tự như việc giá cước xuyên Thái Bình Dương đã phần lớn ổn định từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay sau khi Bộ Vận tải Trung Quốc xem xét vấn đề. Mặc dù sắc lệnh không trao cho FMC quyền điều tiết giá cước vận tải biển nhưng nó chắc chắn là một yếu tố phải cân nhắc khi các hãng tàu biển muốn tăng giá cước trong thời gian tới.

Tuy vậy, một số chuyên gia khác thì có cái nhìn dè dặt hơn về hiệu quả của sắc lệnh này. Theo họ, việc hợp nhất các hãng tàu diễn ra chủ yếu bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009 đúng lúc các hãng đặt đóng những con lớn. Nhu cầu sụp đổ làm các hãng đầu tư lớn vào năng lực vận chuyển mất vốn nên phải sáp nhập với các hãng khác.

Để tăng hiệu quả, các hãng tàu cũng liên minh với nhau để chia sẻ công suất vận chuyển, như cách các hãng hàng không liên minh chia sẻ ghế trống. Và cho đến năm 2019, hầu như chẳng ai phàn nàn chuyện liên minh này có quá nhiều quyền lực (làm giá) cả. Bởi vậy, chính nhu cầu quá lớn trong khi chuỗi cung ứng bị quá tải ở mọi nơi, chứ không phải các hãng tàu là nguyên nhân tăng đột biến giá cước phí vận tải biển. Vấn đề này có thể tự khắc phục, một khi nhu cầu lắng xuống và người lao động trở lại làm việc bình thường. Do đó, sắc lệnh của Tổng thống Biden về bản chất chỉ là “Hãy làm việc của mình đi”, khi trên thực tế thì họ (các cơ quan chức năng) đã (và sẽ) làm.

Liên hệ với tình hình ở Việt Nam. Báo chí trong nước phản ánh, giá cước và mức phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam đang là “vùng tối”, khó kiểm soát dẫn đến hiện tượng giá tăng “phi mã” thời gian qua(3).

Cục Hàng hải Việt Nam dường như “bó tay” trước hiện tượng giá cước phí tăng này, thừa nhận các quy định pháp luật hiện hành như quy định niêm yết giá cước và các loại phụ thu “…không mang lại nhiều ý nghĩa trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát giá. Giá cước niêm yết không phản ánh giá thực tế. Các loại phụ thu của hãng tàu không được đăng ký kê khai với cơ quan có thẩm quyền mà do hãng tàu tự quyết định nên không kiểm soát được mức giá và các loại phụ thu”.

Như vậy, có thể nói hiện tại phía Việt Nam đã hết cách/từ bỏ ý định ngăn ngừa các hãng tàu ngoại tăng cước phí. Tuy vậy, như kinh nghiệm của Trung Quốc và có thể cả ở Mỹ lần này (thông qua sắc lệnh của ông Biden) cho thấy, một khi chính quyền sở tại can thiệp, các hãng tàu có thể sẽ phải tìm cách hạn chế việc tăng giá cước phí.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

17/ Giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu cho nhãn

Ngoài việc tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước, nhãn Việt Nam đã được một số thị trường lớn và người tiêu dùng trên thế giới biết đến và đón nhận như Trung Quốc, Australia, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, châu Âu, Trung Đông…

Cục trưởng Vũ Bá Phú nhấn mạnh: Trong số các thị trường này, Việt Nam đã xuất khẩu nhãn tươi vào các thị trường có thứ hạng cao như Australia, Mỹ.., “Điều này đồng nghĩa với việc quả nhãn tươi xuất khẩu của Việt Nam đã được công nhận có chất lượng cao, hoàn toàn có thể tự tin lưu thông ở nhiều thị trường khó tính khác”, Cục trưởng Vũ Bá Phú khẳng định.

Giới thiệu về sản phẩm nhãn sông Mã của tỉnh Sơn La với các đối tác, các thị trường xuất khẩu, ông Nguyễn Thành Công – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La – cho hay: Sơn La hiện có trên 19.000ha nhãn, sản lượng dự kiến năm 2021 đạt 112.000 tấn. Trong đó, có 2.246ha được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp mã vùng trồng, sản lượng thu hoạch ước đạt gần 22.000 tấn để phục vụ xuất khẩu.

Sản phẩm nhãn của Sơn La đã được doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, đã sản xuất theo quy trình an toàn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Nhãn của Sơn La trong những năm vừa qua ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước cũng đã xuất khẩu được sang một số thị trường như: Mỹ, Australia, Hà Lan, Anh, Pháp, Trung Quốc…

Nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn

Khẳng định chất lượng nông sản, trong đó có trái cây tươi của Việt Nam đang được người tiêu dùng Trung Quốc ưa dùng, ông Dư Tâm Thâm – Phó Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Ôn Châu (Trung Quốc) – cho rằng: Ôn Châu sẽ là thị trường xuất khẩu tiềm năng cho trái cây tươi của Việt Nam, trong đó có quả nhãn. Hiện, Ôn Châu có hơn 7.000 doanh nghiệp thương mại; có đường vận chuyển thẳng từ Ôn Châu đến Hải Phòng (Việt Nam) và đường bay trực tiếp từ Ôn Châu đến Đà Nẵng (Việt Nam). Không chỉ vậy, Ôn Châu còn có lợi thế về kho bãi, cảng biển; có nhiều thương nhân Ôn Châu ở nước ngoài, chưa kể đến có hàng triệu Hoa kiều sinh sống rộng rãi trên nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

“Chúng tôi kỳ vọng, sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam, trong đó có quả nhãn sẽ sớm hiện diện tại thị trường Ôn Châu”, ông Dư Tâm Thâm kỳ vọng và lưu ý, các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu của Việt Nam phải đảm bảo các điều kiện như: Chất lượng sản phẩm ổn định; có thương hiệu, ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, bảo quản, nhất là đối với sản phẩm nước trái cây đóng hộp, sấy khô… Đặc biệt, khi hợp tác với các doanh nghiệp Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm những đối tác phù hợp để cùng phát triển thị trường.

“Ủy ban Xúc tiến thương mại quốc tế Ôn Châu sẵn sàng hợp tác với Cục XTTM Việt Nam để kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam với các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản Ôn Châu. Đồng thời, tận dụng hàng loạt lợi thế của Ôn Châu để tăng cường nhập khẩu nông sản Việt Nam”, ông Dư Tâm Thâm khẳng định.

Cùng chung quan điểm, bà Hứa Tiểu Xuyên – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa quả Trung Quốc – Đông Nam Á khu vực Bằng Tường – cho hay: Diện tích trồng nhãn của Trung Quốc hiện không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước. Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu nhãn tươi từ Việt Nam, Thái Lan…

“Quả nhãn Việt Nam có cùi dày, ngọt, giá thành phù hợp nên khả năng cạnh tranh là rất lớn. Ngoài việc xuất khẩu quả nhãn tươi vào thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt cần không ngừng nghiên cứu phát triển các sản phẩm chế biến có công suất lớn, nhất là long nhãn và các sản phẩm đóng hộp”, bà Hứa Tiểu Xuyên khuyến cáo.

Cũng theo thông tin từ Cục XTTM, trước Hội nghị “Giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam năm 2021”, Cục XTTM đã tổ chức các phòng giao dịch trực tuyến giữa các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trồng nhãn Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài trong hai ngày 15 và 16/7/2021.

Đã có gần 200 cuộc giao thương được diễn ra giữa gần 30 doanh nghiệp Việt Nam từ các tỉnh, thành phố như An Giang, Bến Tre, Bình Dương, Đồng Tháp, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hưng Yên, Sơn La, Tiền Giang… với gần 70 nhà nhập khẩu nước ngoài đến từ CHLB Đức, Hà Lan, Mỹ, Indonesia, Malaysia, Pháp, Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc…

Tại các phiên giao thương, các doanh nghiệp, nhà vườn nhãn Việt Nam đã giới thiệu, quảng bá tới khách nước ngoài đa dạng sản phẩm nhãn chất lượng cao của Việt Nam như nhãn tươi, long nhãn sấy khô, phấn hoa nhãn, mật ong hoa nhãn, nhãn ngâm đường, siro, nước nhãn… từ nhiều vùng nhãn lớn của Việt Nam. Một số nhà nhập khẩu lớn tại Hoa Kỳ, Hà Lan, Pháp, thương nhân Trung Quốc, chuỗi siêu thị tại Singapore… đã bày tỏ quan tâm sâu tới các sản phẩm nhãn của Việt Nam và đề đạt mong muốn nhập khẩu số lượng đáng kể các lô hàng nhãn tươi, sản phẩm nhãn chế biến của Việt Nam.

Nguồn: Báo Công Thương

18/ Xuất khẩu gạo chuyển dịch theo hướng giảm lượng, tăng chất

Tính chung 6 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của nước ta đạt 3,02 triệu tấn, trị giá 1,6 tỷ USD, giảm 14% về lượng và giảm 4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù giảm nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ hai về xuất khẩu gạo toàn cầu bởi Thái Lan – nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới chỉ xuất khẩu được 2,2 triệu tấn gạo với giá trị 1,38 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, giảm 21% về lượng và 28,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Charoen Laothammathat, so với mục tiêu đặt ra cho cả năm 2021 là 6 triệu tấn với trị giá 5 tỷ USD, Thái Lan chỉ có thể xuất khẩu 5,7 triệu tấn gạo trong năm nay.

Cơ cấu gạo chuyển dịch sang các loại gạo giá trị gia tăng cao

Được biết, trong nửa đầu năm 2021, lượng gạo thơm xuất khẩu (Jasmine, DT8, KDM…) tăng khoảng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1,16 triệu tấn và chiếm gần 39% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước (tăng so với tỷ trọng 30% của cùng kỳ).

Đáng chú ý, đã có khoảng 38,3 nghìn tấn gạo ST24 và 2,7 nghìn tấn gạo ST25 xuất khẩu trong nửa đầu năm nay, tăng vọt 11,5 lần và 154,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, gần 90% lượng gạo ST 24 (khoảng 34 nghìn tấn) được xuất khẩu sang Trung Quốc và 95% (2,5 nghìn tấn) gạo ST25 xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Tuy vậy, nhìn chung xuất khẩu gạo thơm của Việt Nam phần lớn là phân khúc giá trung bình, do vậy thị trường tiêu thụ gạo thơm mạnh nhất vẫn là các nước châu Phi và châu Á.

Xuất khẩu gạo thơm tăng nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm của các mặt hàng gạo khác, đặc biệt là sự sụt giảm của gạo trắng.

Cùng với gạo trắng, xuất khẩu các mặt hàng gạo khác như gạo giống Nhật, gạo nếp, gạo lứt… cũng đều giảm trong nửa đầu năm nay.

Xuất khẩu gạo tới các thị trường chính cũng có những sự biến động nhất định trong nửa đầu năm nay

Lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Philippines – thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm nay chỉ đạt 1,09 triệu tấn, giảm 20,6% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 36% tổng lượng gạo xuất khẩu của cả nước. 

Tương tự, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường lớn khác là Malaysia giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm 2020, giảm 55,9% xuống chỉ còn 151,1 nghìn tấn.

Trong khi Philippines giảm nhập khẩu do giá gạo ở mức cao và sản lượng nội địa tăng thì Malaysia đã chuyển sang nhập khẩu gạo giá rẻ từ thị trường Ấn Độ kể từ cuối năm ngoái đến nay.

Ngược lại, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh 26,9% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 580,9 nghìn tấn (chủ yếu là gạo nếp và gạo thơm).

Ngoài ra, khối lượng gạo xuất khẩu sang thị trường Ghana cũng tăng 32% so với cùng kỳ, Bờ Biển Ngà tăng 10,8%, Singapore tăng 31,2%, Hong Kong tăng 32,2%… Các thị trường kể trên chủ yếu nhập khẩu gạo thơm từ Việt Nam.

Đáng chú ý, lượng gạo xuất khẩu sang Bangladesh tăng rất mạnh từ 96 tấn của cùng kỳ năm trước lên 52,8 nghìn tấn trong 6 tháng năm nay. Nước này đã đẩy mạnh mua vào khi nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lũ lụt hồi năm ngoái.

Xuất khẩu gạo dự báo đạt 6,1 triệu tấn trong năm nay

Với việc xuất khẩu gạo đang có sự chuyển hướng từ gạo trắng sang các loại gạo thơm có giá trị gia tăng cao.

Mới đây, Cơ quan thường trú Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Post) đã hạ dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2021 xuống còn 6,1 triệu tấn so với ước tính 6,3 triệu tấn của Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra do giá cả không cạnh tranh. 

Trong khi đó, việc Philippines giảm thuế nhập khẩu gạo cũng có thể ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này trong thời gian tới.

Cụ thể, trong tháng 5/2021 Philippines đã hạ thuế suất ưu đãi (MFN) đối với nhập khẩu gạo xuống 35% từ 40% đối với các lô hàng trong khối lượng tiếp cận tối thiểu (MAV) và 50% đối với các lô hàng ngoài MAV. Điều này làm cân bằng mức thuế suất áp dụng đối với các lô hàng từ các nhà xuất khẩu gạo ASEAN và ngoài ASEAN.

Việc Philippin giảm thuế quan đối với gạo được cho là sẽ có lợi cho các nước như Ấn Độ và Pakistan vì các nước này có thể đưa ra mức giá cạnh tranh hơn.

Trên thị trường thế giới, giá gạo châu Á liên tục sụt giảm kể từ đầu tháng 5 đến nay do nhu cầu thấp trong khi nguồn cung đang tăng lên, đồng nội tệ của Ấn Độ và Thái Lan giảm cũng gây áp lực lên giá gạo.

Theo Reuters, tính đến giữa tháng 7/2021, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 364 – 368 USD/tấn, giảm 11 USD/tấn so với đầu tháng 5 và là mức thấp nhất trong gần 16 tháng do nguồn cung gạo mới được đưa vào thị trường nhưng nhu cầu vẫn duy trì ở mức thấp.

Tại Thái Lan, giá gạo trắng 5% tấm của nước này đã giảm tới 88 USD/tấn so với đầu tháng 5 xuống còn 405 – 412 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2019 do biến động tỷ giá và nhu cầu không có nhiều cải thiện.

Còn tại Việt Nam, giá gạo trắng 5% tấm đã giảm 20 USD/tấn so với đầu tháng 5/2021, dao động ở mức 465 – 470 USD/tấn – thấp nhất kể từ tháng 7/2020. Nông dân đã bắt đầu thu hoạch vụ Hè thu tại phần lớn các khu vực của ĐBSCL nhưng giao dịch vẫn chậm do các hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.

Mặc dù giảm nhưng giá trắng của Việt Nam hiện vẫn đang cao hơn 58 USD/tấn so với gạo Thái Lan và cao hơn 100 USD/tấn so với gạo Ấn Độ.

Thời gian gần đây, không chỉ giảm giá gạo trắng, Thái Lan đã hạ mạnh giá chào bán của các loại gạo khác. Tính đến giữa tháng 7/2021, giá gạo Hom Mali cao cấp vụ 2020-2021 của Thái Lan đã giảm 95 – 100 USD/tấn so với cuối tháng 5 đầu tháng 6; gạo Jasmine của Thái Lan giảm 45 – 60 USD/tấn; gạo nếp giảm 60-65 USD/tấn.

Nhưng ngược lại với gạo trắng, giá gạo thơm của Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại vẫn đang khá cạnh tranh trên thị trường. Giá gạo Jasmine của Việt Nam đang được chào bán ở mức 558 – 562 USD/tấn so với hơn 600 USD/tấn sản phẩm cùng loại của Thái Lan.

Về thị trường trong nước, sản xuất lúa Hè Thu thời gian qua đang gặp không ít khó khăn khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật liên tục tăng cao khiến nông dân lo lắng, nhất là trong bối cảnh giá lúa đang có xu hướng giảm. 

Tại một số tỉnh ĐBSCL, hiện giá một số loại phân bón đã tăng mạnh gần gấp đôi so với vụ Đông Xuân.

Nguồn: Vietnambiz

19/ Ngành gỗ bán hàng online và mục tiêu xuất khẩu đạt 15 tỷ USD

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ nửa đầu năm 2021 ước đạt 8,71 tỷ USD, tăng 61,6% so với cùng kỳ năm 2020; xuất siêu khoảng 7,2 tỷ USD. Ông đánh giá như thế nào về những kết quả này trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang gây ra không ít khó khăn cho giao thương toàn cầu, thưa ông?

Ông Bùi Chính Nghĩa: Đây là con số tăng trưởng rất ấn tượng trong nửa đầu năm nay. Các doanh nghiệp ngành gỗ đã tận dụng rất tốt những cơ hội từ thị trường để bứt phá tăng trưởng tốt. Từ việc xác định nhu cầu của thị trường tăng cao, các thị trường trọng điểm như Mỹ, EU, Nhật Bản đến đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, các hình thức thương mại điện tử để quảng bá và bán sản phẩm trên nền tảng trực tuyến cũng như qua các trang mạng xã hội…

Các yếu tố giúp ngành gỗ đạt con số xuất khẩu ấn tượng là gì, thưa ông?

Ông Bùi Chính Nghĩa: Thời gian qua, dù kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam có rất nhiều khó khăn, song được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành đã hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, ngành gỗ nói riêng có sự ổn định sản xuất, chế biến, tiêu thụ và đặc biệt là xuất khẩu.

Thứ hai, thị trường đồ gỗ thế giới rất lớn, thị phần của Việt Nam cũng chỉ mới chiếm 6-7% nên còn rất nhiều dư địa để phát triển. Thứ ba, doanh nghiệp Việt Nam rất cố gắng, có sự sáng tạo, chủ động tìm kiếm mặt hàng, đổi mới phương thức bán hàng.

Nguồn nguyên liệu trong nước hiện nay đã bắt đầu dần ổn định. Tỉ trọng nguồn nguyên liệu trong nước đóng góp vào trị giá xuất khẩu từng bước được nâng lên.

6 tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường EU rất ấn tượng, tăng trưởng trên 54% so với cùng kỳ năm trước. Số liệu 6 tháng đầu năm nay, đã có sự tăng trưởng vượt bậc với giá trị ấn tượng. Một trong những nguyên nhân là Việt Nam đã tận dụng tốt Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA).

Ông đánh giá như thế nào về khả năng quản trị, đầu tư và cơ cấu mô hình hoạt động của doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam trước sự thay đổi của thị trường thế giới do bị tác động của đại dịch COVID-19?

Ông Bùi Chính Nghĩa: Quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp ngành gỗ đã được quan tâm và đổi mới rất nhiều. Các doanh nghiệp cũng rất sáng tạo trong chuyển đổi mô hình, tái cơ cấu hoạt động; thiết lập được những kênh bán hàng rất mới.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao 2 con số, Việt Nam liên tục nằm trong top đầu thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Định hướng xuất khẩu của ngành chế biến lâm sản thời gian tới là làm sao gia tăng giá trị thặng dư dựa trên nền tảng thiết kế thương hiệu sản phẩm thay vì chỉ là giá trị sản xuất hiện nay.

Để duy trì tốc độ tăng trưởng hướng tới mục tiêu xuất khẩu khoảng trên 15 tỷ USD trong năm nay, thời gian tới Tổng cục Lâm nghiệp có những giải pháp nào để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gỗ trong nước tìm kiếm được cơ hội xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động?

Ông Bùi Chính Nghĩa: Tổng cục Lâm nghiệp đang được giao xây dựng nghị định về một số cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp. Trong đó, có xác định một số cơ chế, chính sách cho ngành chế biến gỗ.

Chúng tôi cũng đang xây dựng Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ hiệu quả, bền vững trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2021.

Ngoài ra, Tổng cục sẽ tiếp tục nắm bắt hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời, tham mưu Bộ, báo cáo Chính phủ để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành gỗ cũng như các doanh nghiệp khác bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua.

Nguồn: Báo Chính phủ

20/ Nguyên liệu thủy sản mắc kẹt với quy định kiểm dịch

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) trong tuần cao điểm bị tác động của đại dịch COVID-19 tại TP HCM và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhiều lô nguyên liệu thủy sản nhập khẩu về Việt Nam đã ách tắc tại các cảng, trong khi các nhà máy đang không có nguyên liệu cho sản xuất.

Nguyên dân là tình hình chống dịch khó khăn, Cơ quan Thú y Vùng 6 chỉ chấp nhận kiểm dịch các lô hàng thủy sản tại cảng. Còn trường hợp doanh nghiệp mang hàng về kho của doanh nghiệp (theo quy định từ trước tới nay) thì phải chờ đến hết dịch COVID-19, cán bộ thú y mới tới kiểm hàng được. Điều này bất khả thi cho sản xuất kinh doanh.

Trong khi doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn và chi phí nếu để hàng ở cảng chờ như quy định. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc lưu thông vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương cũng đang rất kẹt.

Do đó, VASEP và cộng đồng doanh nghiệp đề xuất Bộ NN&PTNT và Cục Thú y có phương án hỗ trợ cho việc duy trì sản xuất kinh doanh, lưu thông được hàng hoá, nguyên liệu phục vụ sản xuất kinh doanh trong bối cảnh COVID-19 hiện nay.

Cụ thể là cần có quyết định tạm thời về cơ chế miễn – giảm kiểm tra nhập khẩu dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro và lịch tuân thủ của doanh nghiệp.

Nói về quy định kiểm dịch trong cuộc họp với Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP cho biết sản phẩm thủy sản nhập khẩu chế biến làm thực phẩm (đông lạnh, hàng khô, đồ hộp, nấu chín, ăn liền…) hiện nay vẫn tiếp tục thuộc danh mục phải kiểm dịch.

VASEP kiến nghị với Bộ NN&PTNT rà soát văn bản liên quan đến kiểm tra nhập khẩu để các sản phẩm chế biến dùng làm thực phẩm cho người đảm bảo an toàn thực phẩm và gỡ khó cho doanh nghiệp thủy sản”, ông Nam nói.

Nguồn: Vietnambiz

21/ Hoa Kỳ – Thị trường tiềm năng của trái cây Việt Nam

Với thu nhập cao, xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng thành phần rau, quả của người tiêu dùng Hoa Kỳ, cùng với đó hệ thống phân phối đa dạng, nhiều cấp, Hoa Kỳ được đánh giá là thị trường nhập khẩu tiềm năng với trái cây Việt Nam.

Thống kê mới nhất ngày 24/6/2021 ghi nhận GDP quý I của Mỹ tăng tới 6,4% (so với mức trung bình trước đại dịch chỉ khoảng 3%). Với đà này, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, năm 2021, giá trị nhập khẩu trái cây vào Hoa Kỳ có thể lên tới 15,1 tỷ USD.

Theo ông Bùi Huy Sơn – Tham tán Công sứ, Thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, do đặc tính đa dạng và cởi mở, người tiêu dùng tại thị trường Hoa Kỳ luôn muốn trải nghiệm sản phẩm mới. Điều này cũng sẽ mở ra cơ hội cho các hoa quả, đặc sản từ vùng nhiệt đới của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường này. Ngoài yếu tố cung cầu, có lẽ đây cũng là một phần lý do mà trái cây nhập khẩu đáp ứng tới 2/3 nhu cầu thị trường Mỹ.

Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ có khoảng gần 3 triệu kiều bào, hơn 30 nghìn lưu học sinh và rất nhiều người Mỹ đã từng trải nghiệm, yêu mến đặc sản trái cây Việt Nam.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 4 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu rau quả sang Hoa Kỳ đạt 57,4 triệu USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Đến nay, Việt Nam đã chính thức được cấp phép xuất khẩu 6 loại hoa quả tươi sang Hoa Kỳ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm, và vú sữa. Các hoa quả khác có thể được xuất khẩu ở dạng đông lạnh hoặc sản phẩm chế biến (đóng hộp, sấy khô).

Cần phối hợp chuỗi phân phối lớn nhịp nhàng

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất khẩu trái cây, đặc biệt là trái cây tươi sang Hoa Kỳ cũng gặp các khó khăn. Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được trồng ngày càng nhiều tại các bang như Florida, California, hay tại Mehico và các nước Nam Mỹ.

Ngoài ra, do khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển, bảo quản cao. Hoa quả tươi có mùa vụ ngắn cũng đòi hỏi các khâu trong chuỗi phân phối phải rất nhịp nhàng, hiệu quả.

Vì vậy, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp Hoa Kỳ xem xét liên kết, đầu tư (mua lại hoặc thuê dài hạn) kho lạnh để lập trung tâm phân phối hàng Việt Nam tại một cảng nhập khẩu lớn ở Bờ Tây, sau có thể mở thêm tại Bờ Đông hoặc phía Nam, với quy mô đủ lớn, phục vụ nhiều nhóm hàng, sẽ giúp giảm chi phí, tạo thế chủ động cho các doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường.

Tuy nhiên, đối với giai đoạn đầu tiếp cận thị trường, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng lưu ý doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phối hợp nhà nhập khẩu, phân phối tại Mỹ nghiên cứu phương thức thanh toán linh hoạt, hỗ trợ chia sẻ rủi ro.

Ngoài ra, với thị hiếu người tiêu dùng Mỹ là ngày càng ưu chuộng sản phẩm “dùng ngay”, chẳng hạn như gọt vỏ, thái miếng nhỏ, bán kèm cả tăm, dĩa phục vụ người dùng và xu hướng ưu thích sản phẩm “đa năng”, dùng theo nhiều cách như ăn trực tiếp hay pha cocktail, trộn salat, làm bánh, nấu chè… Nếu doanh nghiệp Việt Nam tận dụng và phát triển sản phẩm theo hướng này, chúng ta không chỉ tập trung vào phân khúc khách hàng người Việt hay gốc Á mà còn hướng tới phục vụ quanh năm cho thị trường 332 triệu người tiêu dùng tại Hoa Kỳ.

Nguồn: Báo Công Thương

22/ Kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại khi các chiến dịch tiêm chủng thần tốc hoàn thành

Tiêm chủng là “đáp án” tốt nhất để trở lại bình thường

Hai giảng viên và nghiên cứu viên Khoa Kinh doanh và Quản trị, Đại học RMIT – TS. Greeni Maheshwari và TS. Daniel Borer nhấn mạnh, tiêm chủng là đáp án tốt nhất để khôi phục nền kinh tế đang bị tổn thương và trở lại cuộc sống bình thường.

  1. Daniel Borer đặc biệt chỉ ra rằng, việc tiêm phòng có thể giúp giảm thiểu rủi ro do gián đoạn nguồn cung ở các khu công nghiệp. Dịch bùng phát dữ dội trở lại khiến năng suất làm việc giảm và các nhà máy trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam – nơi nhà cung cấp cho nhiều công ty toàn cầu đặt nhà máy – hoạt động dưới công suất.

“Tiêm phòng là chìa khóa để đưa toàn bộ các hoạt động kinh tế quay lại. Việt Nam sẽ gặp bất lợi nếu chuỗi cung ứng bị gián đoạn và tiếp tục đóng cửa biên giới với các doanh nghiệp nước ngoài như một biện pháp ngăn chặn lây lan vi rút, trong khi các nước khác trong khu vực đã mở cửa nhờ tiêm chủng thành công” – TS. Daniel Borer nhấn mạnh.

Theo TS. Greeni Maheshwari, hàng trăm ngàn công nhân sản xuất được tiêm vắc- xin sẽ giúp duy trì sản xuất. Việc tiêm chủng sẽ có lợi với các nhà máy, nơi hàng ngàn công nhân làm việc trong khoảng cách gần. Đợt tiêm chủng này sẽ giúp chống lại vi- rút và đảm bảo sức khỏe tốt cho người lao động, từ đó nâng cao sản xuất và thúc đẩy nền kinh tế nói chung.

Trong đợt triển khai tiêm chủng Covid-19, TS. Daniel Borer đánh giá, một thách thức mà Việt Nam phải đối mặt hiện nay là khôi phục kinh tế dần dần nhưng vẫn đảm bảo an toàn khi số người được tiêm chủng ngày càng tăng. Theo ông, miễn dịch cộng đồng được cho là đạt khi 60 – 80% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Nếu Việt Nam chờ để đạt miễn dịch cộng đồng trước khi khôi phục kinh tế, thì những tháng quý giá sẽ mất đi và nhiều công ty có thể sẽ phá sản.

“Chính phủ Việt Nam có thể triển khai một hệ thống với doanh nghiệp có 60% nhân viên được tiêm chủng đầy đủ trở lại hoạt động bình thường. Việc quản lý vi mô ở cấp độ doanh nghiệp sẽ cho phép tăng tái thiết hoạt động của các công ty và phục hồi kinh tế, đồng thời vẫn hạn chế ở những lĩnh vực số lượng được tiêm chủng ít hơn” – TS. Daniel Borer chia sẻ thêm.

Duy trì lợi thế thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn hậu Covid-19

Theo TS. Maheshwari, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và nền kinh tế nước nhà sẽ tăng trưởng trở lại khi các chiến dịch tiêm chủng thần tốc hoàn thành.

Triển khai tiêm chủng cũng sẽ giúp một số ngành như sản xuất và du lịch phục hồi hoạt động. Điều này sẽ mang lại tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong thời gian tới”.

Theo đó, để thu hút đầu tư nước ngoài vào hạ tầng, cần thúc đẩy hoặc thực hiện phát triển một số mảng như cải thiện các cơ sở cảng biển, phát triển cảng biển mới, tiếp tục xây dựng đường sá, đường cao tốc và thành lập các khu kinh tế mới. Bên cạnh đó, việc áp dụng các chính sách thân thiện với nhà đầu tư bằng cách gỡ bỏ bớt các rào cản quan liêu giúp giảm thời gian thành lập doanh nghiệp có thể thúc đẩy ý định đầu tư vào Việt Nam của các nhà đầu tư.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

23/ Standard Chartered tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 20/7, ngân hàng Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 6,5% cho năm 2021, giảm nhẹ so với mức 6,7% được ngân hàng đưa ra hồi tháng 6.

Đây là lần thứ 2 Standard Chartered hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021. Theo đó, trong dự báo đưa ra hồi đầu năm, tổ chức này đã nhận định kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 7,8% trong năm nay.

Dù hạ dự báo, song Standard Chartered vẫn đánh giá đây là mức tăng trưởng cao. Ngân hàng cũng dự báo mức tăng trưởng trong năm 2022 sẽ đạt 7,3% dựa trên kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.

Điều cần chú ý hiện nay là liệu những tác động lên lĩnh vực công nghiệp sẽ là nhất thời hay sẽ kéo dài. Đại dịch đã gây ra những ảnh hưởng lên nền kinh tế trong nước khi lĩnh vực du lịch bị co hẹp, chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu từ thị trường quốc tế suy yếu, tuy nhiên, các yếu tố bên ngoài đang cho thấy những dấu hiệu hồi phục. Xuất khẩu trong nửa đầu năm đã tăng 28,4% và nhập khẩu tăng 36,1%.

Cũng theo Standard Chartered, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 4% cho đến cuối năm 2023 để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.

Mới đây, Standard Chartered đã hạ dự báo tỷ giá USD/VND xuống 22.900 vào cuối quý 3 (từ mức 23.100) và 22.850 vào cuối năm nay (từ mức 23.000) và duy trì dự báo tỷ giá USD/VND ở mức 22.500 vào cuối năm 2022. Cán cân thanh toán quốc tế mang đến sự hỗ trợ tích cực cho đồng VND, nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ và dòng vốn FDI ròng ở mức cao.

Nguồn: Báo Hải quan

24/ Là phân khúc màu mỡ, vì sao các hãng bay Việt mất 90% thị phần vận tải hàng hóa quốc tế vào tay doanh nghiệp ngoại?

Trong khi đó đề xuất thành lập hãng vận tải hàng hóa chuyên dụng của IPPG mới đây bị Bộ Giao thông Vận tải từ chối.

90% thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế trong tay doanh nghiệp ngoại

Từ năm 2020, cả Vietnam Airlines hay Vietjet đều đã nhanh chóng triển khai vận tải hàng hóa trên cabin, sau đó là tháo ghế tàu bay để tăng công suất vận tải.

Trong tháng 6, doanh thu từ vận tải hàng hóa (freighter) của Vietnam Airlines thậm chí đã vượt doanh thu vận tải hành khách. Điều này đến từ hai hướng, một là công suất vận tải hàng hóa tăng lên khi hãng đã tháo ghế tổng cộng 7 tàu bay, hai là vận tải hành khách đang ở mức đáy với load factor (hệ số tải hành khách) chưa đầy 40%.

Nhưng trên thực tế, các hãng hàng không nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế với gần 90%.

Vì sao Vietnam Airlines đã nghiên cứu dự án hàng hóa nhiều năm nhưng chưa triển khai?

Trả lời câu hỏi vì sao chưa triển khai mạnh freighter, Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết:

“Vietnam Airlines có nghiên cứu dự án thành lập hãng vận tải hàng hóa freighter từ khá lâu, cách đây 4 – 5 năm. Nhưng thực tế thị trường thì việc tổ chức vận tải hàng hóa hàng không đạt yếu tố quy mô. Đó là mạng bay đủ lớn, đội tàu bay đủ lớn để khai thác tất cả các nguồn hàng. Nguồn hàng ở đây là yếu tố liên quan đến chân hàng từ các nước đến Việt Nam và theo chiều ngược lại. Korean Air và China Airlines là hai hãng hàng không có vận tải hàng hóa lớn và hiệu quả. Họ có mạng đường bay cũng như đội bay đủ lớn để đem lại hiệu quả về quy mô.

Vietjet Air kiến nghị lập hãng Cargo Airlines, nhưng cần được Chính phủ hỗ trợ

Vietjet Air cũng không đứng ngoài cuộc chơi này, hãng cũng nhanh chóng chuyển đổi cấu hình máy bay hành khách sang vận tải hàng hóa và là hãng hàng không đầu tiên được Nhà chức trách phê chuẩn giấy phép CPIC (Cargo in Passenger Carbin).

Doanh thu vận chuyển hàng hóa trong và ngoài nước của Vietjet Air trong năm 2020 tăng trưởng 16% thông qua các thỏa thuận liên danh, đưa hàng hóa đến châu Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, Vietjet cũng sử dụng khoang hành khách để vận tải hàng hóa kết nối Việt Nam – Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, Malaysia và Indonesia. Thỏa thuận ký kết với các đối tác chiến lược thúc đẩy Vietjet mở rộng trong mảng vận tải hàng hóa.

Đề xuất thành lập hãng bay hàng hóa của “vua hàng hiệu” chưa được chấp thuận

Trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa có một hãng hàng không vận chuyển hàng hóa chuyên dụng, IPPG của ông Johnathan Hạnh Nguyễn đưa đề xuất thanh lập hãng hàng không IPP Air Cargo.

Ông Hạnh thông tin các hãng air cargo quốc tế như UPS, Fedex, DHL, Cathay Cargo, Airbrigde Cargo… rất mạnh nên doanh nghiệp Việt Nam không cạnh tranh được. Bên cạnh đó, hệ thống logistics của Việt Nam chưa phát triển, công nghệ đi chậm hơn so với thế giới 20 năm. Chi phí vận chuyển hàng hóa luôn bị “than” cao hơn nhiều so với thế giới, làm giảm sức cạnh tranh vì các kho hàng, bến bãi, vận chuyển chưa được đầu tư những hệ thống nhanh gọn để giải phóng hàng hóa nhanh cho doanh nghiệp. Hàng về phải chuyển vòng qua nhiều cảng, thời gian nằm bãi lâu, đẩy chi phí hàng hóa lên cao và giảm chất lượng hàng hóa.

Ông Hạnh cũng cho biết, Việt Nam không có máy bay lớn chuyên dụng để chuyển hàng hóa nhanh nên phụ thuộc vào các doanh nghiệp ngoại, chấp nhận bị họ “siết” giá.

Mục tiêu của IPP Air Cargo là thành lập một hãng hàng không vận tải hàng hóa nội địa – quốc tế. Dự án có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% vốn chủ và 70% huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Giai đoạn 1 (2021 – 2022), IPP Air Cargo sẽ chỉ hoạt động trong thị trường nội địa như một đơn vị trung chuyển.

Sau 2022, IPP Air Cargo sẽ đầu tư hệ thống máy bay sức chứa lớn hơn, cùng các hãng air cargo quốc tế khác bay vận chuyển hàng hóa ra nước ngoài và hợp tác chở hàng từ nước ngoài về Việt Nam.

Tuy nhiên, đề xuất của IPPG đã bị Bộ Giao thông Vận tải từ chối, do giai đoạn khó khăn của thị trường vận tải hàng không, việc thành lập các hãng hàng không mới (bao gồm cả các hãng chuyên vận tải hàng hóa) là chưa phù hợp.

Theo Bộ GTVT: “Công ty cổ phần IPP Air Cargo hoàn toàn có thể đề nghị thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa theo đúng quy định của pháp luật vào thời điểm sau khi thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022)”.

Nguồn: CafeF

25/ CPTPP: cánh cửa cho hàng Việt sang Peru

Ngày 14/7, Quốc hội Peru đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau hơn 3 năm kể từ khi Hiệp định được ký kết từ tháng 3 năm 2018, qua đó đưa Peru trở thành nước thành viên thứ 8 thông qua CPTPP.

Quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Peru phát triển tương đối mạnh trong thời gian qua. Thời điểm trước đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 48,3% trong vòng 5 năm từ mức 284,96 triệu USD (năm 2014) lên mức 422,73 triệu USD (năm 2019).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Peru bao gồm điện thoại và linh kiện điện tử, máy vi tính và sản phẩm điện tử, giày dép các loại, clanhke và xi măng, hàng dệt may và thủy sản, trong khi Peru xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng bột cá, quặng antimon và tinh quặng, khoáng sản. Nhìn chung, Peru được đánh giá là thị trường tiềm năng bởi 75% các công ty xuất – nhập khẩu của Peru là vừa và nhỏ, hàng hóa dễ thâm nhập, cạnh tranh và có thể đi vào các nước láng giềng như Ecuador, Colombia, Bolivia và Brazil.

CPTPP đánh dấu lần đầu tiên hai nước có quan hệ FTA, theo đó doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt các cơ hội mà Hiệp định mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng thế mạnh. Trong đó nổi bật là đồ đồ khi đồ gỗ ngoại thất sang Peru được hưởng mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; Các sản phẩm nông sản như hạt điều, chè, hạt tiêu, rau củ quả, một số loại cà phê có thuế suất về 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

Hàng dệt may, giày dép sang Peru cũng thuế suất giảm theo lộ trình và về 0% vào năm thứ 16. Hàng năm Peru nhập khẩu khoảng 350 triệu USD hàng giày dép, chủ yếu là giày dép giả da hoặc có thành phần nhựa. Với CPTPP, mặt hàng giày dép xuất xứ từ Việt Nam vốn đã được biết đến tại Peru sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm của Trung Quốc và Brazil.

Bên cạnh đó, các sản phẩm thủy sản, hàng tiêu dùng, cao su, thiết bị điện tử, vật liệu xây dựng… cũng là các mặt hàng tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Peru.

Với việc các quy định nhập khẩu của Peru được đánh giá là đơn giản hơn so với mặt bằng chung các nước, doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng những cơ hội mà Hiệp định CPTPP mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Peru.

Nguồn: Báo Công Thương

BSA Tổng hợp