Việt Nam xuất khẩu sang Áo chủ yếu là điện thoại các loại và linh kiện

1/ Bông Cotton tăng nhẹ | Trung Quốc bán đấu giá 28.000 tấn Ngô nhập khẩu | Lúa mì từ Biển Đen về ĐNA tăng giá do cước vận tải

  • Trong diễn biến leo thang của EU đối với các công ty Trung Quốc liên quan đến vấn đề người thiểu số Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, chính phủ Pháp đã tiến hành một cuộc điều tra với hàng loạt tập đoàn thời trang có khả năng sử dụng nguồn sợi Cotton đến từ vùng này. Song song đó, hợp đồng thì tương lai của bông Cotton trên sàn ICE đã tăng hơn 1% vào thứ 6 vừa rồi, khả năng bởi một đồng bạc xanh Dollar vẫn suy yếu và việc giá nông sản toàn cầu tăng cao. Tuy nhiên, bông Cotton vẫn đang trên đà giảm nhẹ xuyên suốt cả tuần.

  • Nhằm tiếp tục cảnh báo giới đầu cơ và hướng đến mục tiêu bình ổn giá, Trung Quốc lại bán đấu giá hơn 28.000 tấn Ngô nhập khẩu vào thứ 6 tuần rồi – ngày 2 tháng 7.

  • Giá Lúa mì từ vùng Biển Đen của Châu Á tăng vào tuần này; nguyên nhân chính là do giá vận tải biển tăng cao – một diễn biến chung của thị trường vận tải toàn cầu. Từ vùng Biển Đen đến Đông Nam Á, giá vận chuyển mỗi tấn Lúa mì đã tăng lên $305-310 dollar Mỹ, từ $280 dollar chỉ trong vài tuần trước đó.

Nguồn: Reuters

2/ Việt – Ấn: dư địa hợp tác                                                                               

Thương mại song phương

Trong hai thập kỷ qua, thương mại song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ đã tăng trưởng đều đặn từ 200 triệu USD năm 2000 lên 12,3 tỷ USD trong năm tài chính 2019-2020. Hai nước đặt mục tiêu nâng thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2020, nhưng sự gián đoạn thương mại liên quan đến Covid-19 đã dẫn đến sự suy giảm thương mại 9,9% xuống còn 12,3 tỷ USD trong năm tài chính vừa qua.

Việt Nam đã nổi lên là đối tác thương mại lớn thứ 18 của Ấn Độ, còn Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ bảy của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Ấn Độ bao gồm điện thoại di động, linh kiện điện tử, máy móc, công nghệ máy tính, cao su thiên nhiên, hóa chất và cà phê.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài

Ấn Độ ước tính đã đầu tư gần 2 tỷ USD vào Việt Nam bao gồm cả nguồn vốn được chuyển qua các quốc gia khác. Hơn 200 dự án đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực bao gồm năng lượng, thăm dò khoáng sản, hóa chất nông nghiệp, sản xuất đường, chè, cà phê, công nghệ thông tin và linh kiện ô tô. Một số doanh nghiệp lớn của Ấn Độ như Adani Group, Mahindra, Công ty Hóa chất SRF và Tập đoàn Năng lượng tái tạo khổng lồ Suzlon đã thể hiện sự quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam.

Việt Nam đưa ra một số lý do hấp dẫn để đầu tư như tăng khả năng tiếp cận thị trường, chính sách đầu tư thuận lợi, hiệp định thương mại tự do, tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, chi phí lao động thấp và lực lượng lao động trẻ. Theo báo cáo của Standard Chartered về các cơ hội thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ có tiềm năng tăng 10% hàng năm, tương đương khoảng 633 triệu đôla Mỹ. Dự báo tăng trưởng này chủ yếu tập trung vào xuất khẩu hàng hóa (53%) và dịch vụ (46%). Ngành công nghiệp dược phẩm trong nước của Việt Nam hiện chỉ có thể đáp ứng 53% nhu cầu của cả nước, tạo cơ hội đáng kể cho các nhà đầu tư Ấn Độ vì Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất thuốc biệt dược toàn cầu hàng đầu cung cấp 20% tổng nhu cầu toàn cầu theo khối lượng.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Ấn Độ có gần 300 dự án tại Việt Nam, trị giá gần 900 triệu đôla Mỹ tính đến tháng 12/2020. Ấn Độ và Việt Nam còn biên độ lớn để tăng cường thương mại nếu hai bên có cách tiếp cận chủ động đối với thương mại và đầu tư để khai thác tiềm năng này.

Nguồn: Báo Công Thương

3/ Cơ hội từ EVFTA: xuất khẩu sang Áo

Sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Áo tăng, song mức tăng vẫn còn khá thấp, trong khi đó, dư địa phát triển ở thị trường này còn rất nhiều. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng Hiệp định EVFTA để đẩy mạnh phát triển xuất khẩu sang thị trường này.

Trong những năm gần đây, hoạt động thương mại của Việt Nam và Áo ghi nhận tốc độ phát triển tích cực với kim ngạch thương mại hai chiều tăng đều qua các năm. Nếu như trong năm 2009, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Áo mới chỉ đạt 256,8 triệu USD, năm 2010 đạt 267,4 triệu USD thì đến năm 2013 đã tăng lên 1,95 tỷ USD, năm 2019 đã đạt tới hơn 3,6 tỷ USD. Tính từ năm 2010 đến nay, Việt Nam liên tục xuất siêu sang Áo với mức xuất siêu năm sau cao hơn năm trước.

Đáng chú ý, nếu như kim nhập khẩu hàng hóa của Áo từ Trung Quốc và Hoa Kỳ đều giảm rất mạnh trong năm 2020 (giảm lần lượt 40,5% và 55,4%) thì kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam lại tăng tới 184% so với năm 2019, lên gần 3,2 tỷ USD. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm 50 thị trường nhập khẩu hàng đầu của Áo (cả nội khối và ngoại khối) trong năm 2020.

Trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Áo, sản phẩm điện thoại di động và phụ tùng chiếm gần 80% tỷ trọng. Các mặt hàng này chủ yếu được xuất khẩu bởi khối doanh nghiệp FDI. Các mặt hàng còn lại như: hàng dệt may, giày dép các loại, sản phẩm gốm sứ, gỗ và sản phẩm gỗ… kim ngạch xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trên tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Áo.

Để có thể tận dụng hiệu quả hơn các cam kết thuế quan trong EVFTA và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Áo, bên cạnh việc nỗ lực gia tăng thị phần đối với các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may hay giày dép, theo Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ, các doanh nghiệp nên cố gắng mở rộng các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ lực mà Áo cũng đang có nhu cầu nhập khẩu lớn như cà phê hay hàng thủy sản.

Nguồn: Báo Công Thương

3/ Ngành logistics: Khai thác cơ hội từ FTA

Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – VCCI) – cho biết, logistics là một trong những ngành tăng trưởng nhanh, ổn định nhất của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng bình quân 14 – 16%/năm.

Bà Trang dẫn chứng, trong cam kết của Hiệp định EVFTA về mở cửa dịch vụ vận tải biển, điều kiện vận hành đội tàu treo cờ Việt Nam chỉ được thành lập liên doanh vốn nước ngoài đến 49%, thuyền viên quốc tịch nước ngoài không quá 1/3 định biên tàu, thuyền trưởng phải là công dân Việt Nam… Vì thế, cơ hội thu hút đầu tư từ các công ty nước ngoài, tận dụng kinh nghiệm, kỹ năng quản trị, nguồn vốn, mạng lưới sẵn có của đối tác khi liên doanh với đối tác trong nước rất lớn.

Ông Nguyễn Duy Minh – Tổng thư ký Hiệp hội DN và Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) – cho hay: Hiện, cả nước có khoảng 3.000 công ty tham gia cung cấp các loại hình dịch vụ logistics, trong đó, 70% có trụ sở ở khu vực TP. Hồ Chí Minh và khoảng 30 công ty logistics đa quốc gia. Trong khi đó, thế mạnh của DN logistics Việt Nam là đầu tư, khai thác cảng, vận tải bộ, đại lý thủ tục hải quan, khai thác kho bãi và có đội ngũ nhân sự lành nghề… Vì thế, khi thực thi FTA với những cam kết liên quan đến lĩnh vực logistics vốn là thế mạnh của các bên, sẽ không có chuyện DN logistics nội kém năng lực cạnh tranh trước DN ngoại.

Bên cạnh đó, trong từng chuỗi logistics cũng cho thấy năng lực cung cấp của các logistics Việt Nam. Hiện nay, đến 90% cảng biển Việt Nam là do DN trong nước khai thác.

Chiến lược phát triển ngành dịch vụ logistics đặt mục tiêu đến năm 2025, tăng trưởng đạt khoảng 15 – 20%/năm, chiếm tỷ trọng từ 8 – 10% GDP; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics 50 – 60%; chi phí logistics giảm tương đương 16 -20% GDP.

Nguồn: Báo Công Thương

4/ Hai điểm ‘nghẽn’ của ngành ôtô Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, quy mô thị trường ôtô Việt Nam bằng 1/3 của Thái Lan và 1/4 của Indonesia. GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ôtô, cũng như thúc đẩy ngành công nghiệp ôtô trong nước phát triển, tạo ra lợi nhuận. Hệ thống giao thông yếu kém (mà chủ yếu do tổ chức giao thông kém) cũng ảnh hưởng không nhỏ tới cầu của thị trường, làm cho nhu cầu về sử dụng ôtô của nền kinh tế chưa lớn.

Điểm nghẽn thứ 2 được Bộ Công Thương chỉ ra là giá thành xe sản xuất, lắp ráp trong nước cao hơn xe nhập nguyên chiếc từ ASEAN trong bối cảnh hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, và chi phí sản xuất ôtô trong nước cao hơn các quốc gia trong khu vực 10-20%.

Nếu trước đây xe nhập khẩu từ ASEAN chịu thuế 30% thì xe lắp ráp, sản xuất trong nước rẻ hơn. Nhưng khi thuế này về 0% theo cam kết Hiệp định thương mại tự do, ôtô nhập khẩu lại rẻ hơn xe lắp ráp, sản xuất trong nước. Đó cũng là lý do lượng xe nhập khẩu gia tăng thời gian qua.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 5 xe nhập khẩu vào Việt Nam tăng hơn 166%, trên 5.000 chiếc loại dưới 9 chỗ ngồi. Giá nhập bình quân (chưa gồm thuế, phí) khoảng 300 triệu đồng một chiếc. Phần lớn trong số này là xe từ Thái Lan, Indonesia…

Không riêng xe từ ASEAN, ôtô nhập khẩu từ châu Âu tới đây cũng cạnh tranh về giá với xe trong nước khi tận dụng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Từ tháng 8 năm ngoái, thời điểm EVFTA có hiêu lực, thuế nhập khẩu ôtô từ EU đã giảm thêm 7% (so với mức 70% trước đây). Lộ trình cam kết, Việt Nam sẽ giảm thuế nhập khẩu ôtô từ EU trong 10 năm, mỗi năm trung bình 7% và sẽ về 0% sau 10 năm.

Bộ Công Thương cũng chỉ ra lý do khiến giá xe trong nước cao hơn nhập khẩu, do dung lượng thị trường hiện tại của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam còn nhỏ, nên không tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô của ngành. Điều này khiến chi phí cao hơn so với các nước ASEAN khác vốn đã có thị trường và ngành công nghiệp ôtô đi trước rất lâu.

Bên cạnh đó, các linh kiện, phụ tùng để sản xuất, lắp ráp ôtô hầu hết phải nhập khẩu từ nước ngoài, nên phải chịu thêm loạt chi phí vận chuyển, lưu kho, bảo hiểm… cộng dồn đẩy giá thành xe sản xuất, lắp ráp trong nước lên cao.

Nguồn: Báo VnExpress

5/ ‘Ngọn hải đăng’ EVFTA giúp vải thiều Việt ùn ùn vào EU

Việc miễn giảm thuế nhập khẩu theo cam kết trong Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) là một điều kiện thuận lợi cho quả vải thiều Việt Nam chinh phục cộng đồng 27 quốc gia nổi tiếng khắt khe về tiêu chí an toàn thực phẩm.

Thâm nhập thị trường khó tính

Ông Chung Trí Phong, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Pacific Foods cho biết, lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên được Công ty cổ phần Pacific Foods chính thức xuất sang thị trường EU thông qua Czech vào chiều 7/6, “sau 3 năm tìm hiểu và đàm phán các thủ tục, điều kiện kỹ thuật cho việc xuất khẩu”.

Tiếp theo, gần 1 tấn vải thiều Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) được nhập vào Pháp qua cảng hàng không Charles de Gaulle ngày 13/6 và thêm gần 1 tấn “hạ cánh” xuống sân bay Schipol (Hà Lan) ngày 17/6.

Theo bà Quỳnh Phương, chủ công ty ACEM (Paris) sở hữu trang bán hàng điện tử chợ Việt-Pháp, viêc tất cả các lô vải thiều chính ngạch vào châu Âu đều được dán tem truy xuất nguồn gốc itrace247, do Cục Xúc tiến Thương mại, là một trong những tiêu chí quan trọng giúp tạo được niềm tin cho người tiêu dùng châu Âu về an toàn thực phẩm.

Bà Phương khẳng định: “Nhờ có tem truy xuất, người tiêu dùng ngay lập tức có thể tiếp cận được với thông tin về nhà sản xuất, cũng như quy trình chế biến, hay chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Thanh Hà, để đạt được chất lượng sản phẩm như vậy là cả một quá trình dài: “Vải thiều Thanh Hà có những đặc trưng khác biệt so với những quả vải thiều được trồng ở nơi khác. Để đến được với những thị trường khó tính, chúng tôi phải quy hoạch các vùng trồng tập trung, hướng dẫn quy trình chăm sóc cho người dân, cử cán bộ theo dõi giám sát chặt chẽ quá trình sản xuất, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để bảo đảm những tiêu chuẩn cụ thể đối với từng thị trường. Ví dụ, thị trường như Nhật Bản có những bộ tiêu chí riêng, thị trường EU có những bộ tiêu chí riêng…”.

Vải thiều được giá, cửa sang EU rộng mở

Tại một số thị trường châu Âu, vải thiều có tem truy xuất nguồn gốc được bán với nhiều mức giá khác nhau, dao động từ 15-20 Euro/kg, thậm chí tại một số siêu thị trong hệ thống Carrefour ở Brussels (Bỉ) là 25 Euro/kg. Dù được đánh giá tốt về chất lượng, nhưng đây vẫn là mức giá cao, gấp 3 lần so với quả vải nhập từ Madagascar hay Nam Phi được bán rộng rãi vào dịp lễ cuối năm ở châu Âu.

Với tư cách là một nhà phân phối bán lẻ, vải của Việt Nam, về mặt chất lượng là rất tốt, nhưng về mẫu mã bao bì thì nên cải tiến một chút. Hiện tại, bao bì còn hơi sơ sài, hy vọng trong tương lai, chúng ta có thể chú trọng hơn về mẫu mã bao bì để nâng giá trị của quả vải Viêt Nam tại thị trường châu Âu”.

Chỉ trong khoảng 3-4 ngày, cửa hàng của Quỳnh Phương bán được 500 kg vải thiều Thanh Hà do công ty Rồng Đỏ (Red Dragon) xuất khẩu. Đây là con số không hề nhỏ, chủ yếu bán cho cộng đồng người Việt tại Pháp.

Tuy nhiên, bà Quỳnh Phương vẫn tin vào tiềm năng tiêu thụ quả vải thiều Việt Nam tại thị trường châu Âu: “Trong tương lai, tôi nghĩ quả vải Việt Nam sẽ có tiềm năng lớn để vào các siêu thị tại Pháp, bởi vì với chất lượng như thế này, quả vải thiều Việt Nam sẽ được đón nhận rất nhiệt tình”.

Nguồn: Báo Thế giới và Việt Nam

6/ Xuất khẩu sang Thụy Điển sẽ tăng trưởng khi dịch bệnh được kiểm soát

Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát với diễn biến khó lường và kéo dài khiến Hiệp định EVFTA chưa phát huy được tác dụng như kỳ vọng. 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong quý I/2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Thụy Điển đạt hơn 362 triệu USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020. 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Thụy Điển quý I/2021 giảm mạnh hơn so với mức giảm kim ngạch xuất khẩu của 5 tháng cuối năm 2020 và cả năm 2020 chủ yếu do xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện giảm mạnh. 

Trong khi đó, xuất khẩu các mặt hàng tiêu dùng gồm hàng dệt may, giày dép, túi xách, vali, mũ, ô dù, thủy sản… sang thị trường Thụy Điển trong quý I/2021 tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, số liệu thống kê cho thấy hầu hết các mặt hàng nông sản của Việt Nam chưa khai thác thị trường Thụy Điển.

Trong các tháng đầu năm 2021, kinh tế Thụy Điển đã có dấu hiệu phục hồi sau khi suy thoái vào cuối năm 2020. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Thụy Điển (NIER), kinh tế Thụy Điển được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong quý II/2021.

Trong quý III/2021, khi hầu hết tất cả người lớn đã được tiêm vắc xin và tỷ lệ nhiễm bệnh thấp hơn, tiêu dùng hộ gia đình sẽ tăng nhanh và kinh tế nước này sẽ có bước chuyển mình rõ ràng hơn.

Trong dài hạn, hầu hết hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Thụy Điển vẫn còn tiềm năng khi thị phần hàng hóa của Việt Nam vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng nhập khẩu của nước này. 

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), hiện nay chỉ có mặt hàng thủ công nghệ bằng mây, tre, lá của Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn trong tổng nhập khẩu của Thụy Điển, khoảng 40%; tỷ trọng mặt hàng giày dép các loại cao thứ 2 cũng chỉ chiếm khoảng 6%; các mặt hàng khác chỉ chiếm tỷ trọng dưới 2%.

Do đó, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu hàng hóa của Thụy Điển phục hồi, với những ưu đãi từ Hiệp định EVFTA, hàng hóa của Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu sang thị trường này.

Nguồn: Vietnambiz

7/ Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc tăng trưởng tích cực

Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu rau quả đạt hơn 2 tỷ USD

Trong 5 tháng đầu năm 2021, hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,05 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc chiếm tới 61,7% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam, tăng 1,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2020.

Đáng chú ý, tình hình xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc tiếp tục được cải thiện, từ đầu tháng 6/2021 các lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về kiểm dịch thực vật để đơn giản hóa quy trình thủ tục và rút ngắn thời gian thông quan cho xuất khẩu trái cây tươi.

Đẩy mạnh mở cửa xuất khẩu chính ngạch

Xuất khẩu thuận lợi đa số rơi vào các mặt hàng truyền thống, đã được cấp phép xuất khẩu chính thức. Đối với các mặt hàng mới như ớt, khoai lang tím… để có được kim ngạch tốt, thì cần nâng cao năng lực cạnh tranh bằng các biện pháp kỹ thuật và thương mại.

Trong khi đó, nhận định về khả năng cạnh tranh của rau quả Việt Nam với các nước trong khu vực, ông Nguyễn Như Tiệp- Cục trưởng Cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad)- cho rằng, các sản phẩm của chúng ta đang yếu về mẫu mã, bao bì cần phải cải thiện sớm.

Liên quan đến mặt hàng khoai lang, ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT)- cho biết, Cục đã cử cán bộ xuống các điểm sản xuất khoai lang tím ở Vĩnh Long, hướng dẫn bà con cách phòng trừ sâu bệnh, cách đóng gói sản phẩm sau khi đã được cấp mã số vùng trồng.

Chia sẻ về tình hình mở cửa thị trường cho rau quả Việt sang thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Quý Dương- Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT)- cho biết, Trung Quốc là thị trường chủ lực và quan trọng cho xuất khẩu nông sản, trái cây của Việt Nam. Đối với sầu riêng và khoai lang, do tình hình Covid-19, Trung Quốc không cử chuyên gia sang làm việc được. Phía Cục có nhiều hình thức để trao đổi với phía Hải quan Trung Quốc, do đó, Trung Quốc chấp nhận phương án tạm thời cho xuất khẩu khoai lang, sầu riêng. Theo yêu cầu của phía Hải quan Trung Quốc, Cục đã gửi tài liệu kỹ thuật để họ đánh giá, trên cơ sở đó sẽ có ý kiến chính thức trả lời.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc bao gồm: Thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đồng ý phương án cho xuất khẩu tạm thời hai mặt hàng là khoai lang và sầu riêng. Bộ NN&PTNT đã giao Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với các địa phương để hoàn tất hồ sơ kỹ thuật gửi phía Trung Quốc nhằm sớm xuất khẩu các nhóm ngành hàng này. Ngoài ra, nhà quản lý vẫn đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường thêm cho các loại trái cây Việt Nam khác như: bưởi, chanh leo, na, roi, bơ, dừa,…

Khối lượng xuất khẩu trái cây tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trung bình trong những năm gần đây là từ 3,3 – 3,5 triệu tấn/năm. Thị trường Trung Quốc giờ không còn “dễ tính” như trước. Hàng hóa, nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc hiện nay đòi hỏi rất cao không chỉ về chất lượng, mà mẫu mã, bao bì, quy cách đóng gói, đặc biệt là Trung Quốc rất chú trọng mã số vùng trồng. Yêu cầu này bắt buộc đối với hàng hóa của tất cả các quốc gia, không riêng gì Việt Nam.

Nguồn: Báo Công Thương

8/ Thông đường cho trái cây và sản phẩm chế biến sang Hàn Quốc

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản có thế mạnh của Việt Nam đặc biệt là mặt hàng trái cây tươi và trái cây chế biến sang Hàn Quốc và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có cơ hội tiếp cận, kết nối với các đối tác tiềm năng tại thị trường Hàn Quốc, tới đây, Bộ Công Thương (Vụ Thị trường châu Á – châu Phi) sẽ phối hợp với Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) tổ chức “Hội thảo giao thương trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam sang hệ thống phân phối của Hàn Quốc”. Hội thảo dự kiến sẽ diễn ra trong 3 ngày từ ngày 27-29/7/2021 theo hình thức trực tuyến và miễn phí đăng ký tham dự cho toàn bộ doanh nghiệp.

Khoảng 40 doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi (dừa, dứa, chuối, xoài, thanh long) hoặc đông lạnh và sản phẩm chế biến khác từ trái cây của Việt Nam tham gia hội thảo. Về phía Hàn Quốc dự kiến có đại diện KOTRA, các diễn giả của Công ty Dịch vụ Hải quan Shinhan Hàn Quốc, Viện nghiên cứu Tiếp thị mới nông sản Hàn Quốc, các doanh nghiệp nhập khẩu trái cây tươi của Hàn Quốc và đại diện các hệ thống phân phối lớn của Hàn Quốc (E-Mart, Lotte Mart, Home Plus…).

Hàn Quốc là thị trường có dung lượng nhập khẩu trái cây tươi lớn, giá trị hơn 1,6 tỷ USD/năm và đang tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, trái cây tươi của Việt Nam mới chiếm thị phần rất khiêm tốn tại thị trường này. Đến nay có 6 loại trái cây tươi của Việt Nam đã được phép xuất khẩu chính thức vào thị trường Hàn Quốc, bao gồm: dừa, dứa, thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ, xoài, chuối.

“Hội thảo giao thương trực tuyến về thúc đẩy xuất khẩu trái cây tươi và các sản phẩm chế biến từ trái cây của Việt Nam sang hệ thống phân phối của Hàn Quốc” lần này được kỳ vọng là dịp các Sở Công Thương, các doanh nghiệp nhìn lại những thành quả đã đạt được, đánh giá một cách toàn diện các cơ hội và thách thức trong xuất khẩu mặt hàng trái cây tươi và trái cây chế biến sang Hàn Quốc, từ đó, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và ngày càng thúc đẩy hơn nữa xuất khẩu các mặt hàng này vào Hàn Quốc trong thời gian tới.

Nguồn: Báo Công Thương

9/ EAEU xem xét cơ chế ưu đãi dành cho ASEAN

Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) đang xem xét thực hiện cơ chế thương mại ưu đãi không chỉ với từng quốc gia thành viên của ASEAN mà còn với toàn khối ASEAN. Đó là thông tin từ Bộ trưởng Ủy ban Kinh tế Á Âu phụ trách hội nhập và kinh tế vĩ mô Sergei Glazyev cho biết tại cuộc đối thoại kinh doanh EAEU-ASEAN diễn ra bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế St.Petersburg trong tháng 6 vừa qua.

ASEAN nhấn mạnh sự hợp tác với EAEU đã được củng cố và tăng cường, đồng thời khuyến khích khai thác sâu hơn tiềm năng tăng trưởng và tạo cơ hội cho các liên kết kinh doanh trực tiếp. Số hóa và tăng trưởng bền vững là những lĩnh vực then chốt trong phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Thương mại của ASEAN phần lớn được thực hiện với các nước khác ở Đông Nam Á, Trung Quốc và Ấn Độ; tuy nhiên, môi trường đó đang bắt đầu thay đổi khi có thêm thương mại và dịch vụ song phương với Liên minh Kinh tế Á-Âu và đặc biệt là với Nga.

EAEU là một khối thương mại bao gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Nga. Nhóm này có ý nghĩa tiềm năng địa chính trị và thương mại rất lớn vì nó về cơ bản kéo dài từ biên giới của EU đến biên giới của Trung Quốc.

Với các lệnh trừng phạt của phương Tây tác động đến Nga, những phát triển giữa EAEU và ASEAN có ý nghĩa quan trọng bởi vì nhu cầu sản xuất ở Nga đang bị kìm hãm – ví dụ, các lệnh trừng phạt đã làm ngưng trệ phần lớn thương mại tự nhiên của Nga với EU và họ cần phải lấy nguồn từ nơi khác. ASEAN là một bước đi hợp lý, và một bước đi đã chứng tỏ thành công với thương mại và đầu tư của Việt Nam từ Nga đang gia tăng đáng kể sau khi đạt được thỏa thuận FTA với EAEU. EAEU cũng có thể tạo một cửa ngõ trong tương lai đến Châu Âu cho hàng hóa Đông Nam Á. Nhân khẩu học là điều đáng chú ý đối với các nhà sản xuất tại ASEAN vì khối EAEU có thu nhập GDP bình quân đầu người cao hơn đáng kể so với chính ASEAN.

Các thành viên ASEAN đã quen thuộc với những tác động của việc ký kết FTA với Trung Quốc vài năm trước. Các thành viên ASEAN khác đang đàm phán FTA với EAEU, đáng chú ý nhất là Singapore, Indonesia, Campuchia và Thái Lan, trong khi Malaysia và Philippines bày tỏ sự quan tâm và đang nghiên cứu vấn đề này. Ấn Độ là một quốc gia khác, gần với ASEAN, cũng đang đàm phán một FTA với EAEU. Bản thân ASEAN cũng đang nghiên cứu tiềm năng cho một FTA ASEAN-EAEU.

Về FDI, con số này tương đối nhỏ, với các thành viên chủ yếu của EAEU là Kazakhstan và Nga đóng góp tổng cộng khoảng 15,4 tỷ USD, chủ yếu vào các lĩnh vực dầu khí và du lịch. Đổi lại, các thành viên ASEAN là Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam đã đầu tư nhiều nhất vào EAEU, khoảng 9,3 tỷ USD, chủ yếu vào nông nghiệp, thực phẩm và thuốc lá.

Thái Lan cũng là nước hưởng lợi từ Nga khi nước này tiếp tục thu hút lượng khách du lịch Nga ngày càng tăng. Một số trong số này đang đầu tư vào bất động sản và các doanh nghiệp nhỏ trong nước, một hiện tượng gần đây tồn tại ở những nơi khác trên khắp Đông Nam Á, bao gồm các khu vực như Goa ở Ấn Độ và Sri Lanka. Xu hướng đó sẽ lan rộng hơn nữa trong toàn khối ASEAN.

Nhìn chung, thương mại hàng hóa giữa ASEAN và EAEU là tương đối cân bằng và bổ sung cho nhau, trong khi khả năng tiếp cận của cơ sở hạ tầng được xây dựng nhờ Sáng kiến ​​Vành đai & Con đường tác động tích cực đến cả hai khối. Trong khi vẫn còn nhiều việc phải làm; đối với các nhà đầu tư nước ngoài ở châu Á, tiềm năng chuỗi cung ứng mới nổi đến và đi từ ASEAN vào EAEU, và các nơi khác vào Trung Quốc và Ấn Độ, đều cần được xem xét.

Nguồn: Báo Công Thương

10/ Việt Nam hưởng lợi từ dịch chuyển chuỗi cung ứng

Tại Invest ASEAN – Hội nghị các nhà đầu tư hàng đầu tư thường niên năm thứ 8 do Maybank Kim Eng tổ chức với chủ đề ASEAN Rising: The Next Decade (Sự trỗi dậy của khu vực Đông Nam Á: Thập kỷ tiếp theo) kéo dài 3 tháng, từ tháng 6 đến tháng 8/2021, bà Linda Liu, Chuyên gia kinh tế Maybank Kim Eng (chuyên về các vấn đề Việt Nam) cho rằng, sự bùng phát Covid có khả năng sẽ tiếp tục củng cố ý tưởng về sự thay đổi chuỗi cung ứng và chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang các nước ASEAN.

Xuất khẩu là động lực chính của nền kinh tế với sự hồi phục còn rất nguyên vẹn và phần lớn không bị xáo trộn quá nhiều bất chấp sự bùng phát của các đợt dịch bệnh Covid.

Với tiêu dùng nội địa, nhu cầu vẫn đang bắt kịp với cung, nhưng việc bùng phát covid lần thứ 4 có thể kiến tiêu dùng giảm bớt, doanh số bán lẻ đã giảm 1% trong tháng 5.

Về thu hút nguồn vốn FDI, Việt Nam tiếp tục là điểm đến ưa thích của các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng cũng như là một trong các quốc gia thụ hưởng tiềm năng từ câu chuyện tái định vị chuỗi cung ứng. Dòng vốn FDI tiếp tục phục hồi vào đầu năm 2021. Phần lớn đến từ nguồn vốn FDI đăng ký từ Nhật Bản và các nhà đầu tư Hàn Quốc… cho thấy mong muốn chuyển chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam.

Bà Linda Liu kỳ vọng, sẽ tiếp tục nhìn thấy dòng vốn FDI hồi phục tốt hơn trong nửa cuối năm 2021, qua đó góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế trong năm nay.

“Nhìn lại năm 2019, nơi căng thẳng đỉnh điểm của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung Quốc, vốn FDI vào các lĩnh vực sản xuất, chế tạo chiếm 50% tổng số đơn đăng ký của Việt Nam. Điều này xuất phát từ thực tế là sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam”, bà Linda Liu nhận định.

Minh chứng rõ ràng hơn, Foxconn và Pegatron – được biết đến là nhà thầu cho một số nhà sản xuất điện thoại trong đó có Apple, cho thấy rằng họ sẽ tăng cường các cơ sở sản xuất và chuyển một số năng lực sản xuất của họ từ Trung Quốc đến Việt Nam. Các nhà sản xuất Nhật Bản và Hàn Quốc… cũng là động lực lớn thúc đẩy sự thay đổi quan tâm này.

Cụ thể, năm 2020, Chính phủ Nhật Bản thực hiện kế hoạch tài trợ cho các nhà sản xuất địa phương của họ để thay đổi và tái định vị chuỗi cung ứng. Trong số 30 công ty đăng ký thể hiện sự quan tâm đến việc di chuyển đến Việt Nam.

Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Khối nghiên cứu phân tích, Maybank Kim Eng Việt Nam chia sẻ thêm, nhìn những “ông lớn” dến Việt Nam, bên cạnh Tập đoàn Pegatron đến từ Đài Loan (Trung Quốc), đã lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD cho 3 dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại Việt Nam, thì trước đó còn có Foxconn, Wistron… đều là 3 tên tuổi của Tập đoàn toàn cầu lớn nhất trong ngành công nghệ, sản phẩm của các dự án tại Việt Nam sẽ cung cấp cho Microsoft, Sony, Lenovo và Apple… Tất cả những điều này cho thấy, dòng vốn FDI đang chảy về Việt Nam, và Việt Nam thực sự được hưởng lợi từ sự dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Theo ông Thành, Việt Nam mong muốn làm nhiều hơn nữa bên cạnh việc thu hút vốn FDI.

MBKE dự kiến ​​lượng đường cao tốc tăng gần gấp 4 lần trong 5 năm tới. Điều đó cũng cho thấy quyết tâm của Việt Nam trong việc muốn thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp FDI trong sự dịch chuyển chuỗi cung ứng này.

Nguồn: Báo Đầu tư

11/ Đưa du lịch ASEAN thoát ‘vòng xoáy’ dịch bệnh

Gần 300 du khách quốc tế đầu tiên đã đến đảo Phuket của Thái Lan ngày 1/7 trong bối cảnh nước này đang nỗ lực khôi phục ngành du lịch bị dịch bệnh COVID-19 “tàn phá”.

Không chỉ Thái Lan, các quốc gia khác ở Đông Nam Á cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm vực dậy ngành du lịch hầu như đang trong tình trạng  “đóng băng” và chịu tổn thất nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Thái Lan đã mất khoảng 50 tỷ USD doanh thu từ du lịch trong năm ngoái, khi lượng du khách quốc tế giảm đến 83% so với năm 2019.

Năm ngoái, số lượng khách du lịch quốc tế đến Campuchia giảm 80,2% so với năm 2019.

Du lịch Việt Nam cũng không tránh khỏi xu thế suy giảm chung. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, năm ngoái, lượng khách quốc tế đến Việt Nam giảm 79,5% so với năm 2019, khách nội địa giảm 34,1%; tổng thu du lịch giảm 58,7% (tương đương 19 tỷ USD). Khoảng 40-60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, ngay từ năm ngoái, các nước Đông Nam Á đã tìm nhiều cách thức khác nhau để duy trì hoạt động của ngành du lịch. Khi hầu hết các nước phải đóng cửa biên giới để ngăn chặn sự lây lan của virus, hầu hết các quốc gia ASEAN xác định thị trường nội địa là “điểm tựa”. Chương trình “We Travel Together” trị giá 22,4 tỷ Baht (khoảng 720 triệu USD) của Thái Lan, áp dụng đến hết tháng 8/2021, cung cấp 5 triệu đêm lưu trú tại các khách sạn và khu nghỉ dưỡng trong nước và 2 triệu vé máy bay,với mức giá chỉ bằng 40% mức thông thường.

Tại Indonesia, gói kích thích trị giá 25.000 tỷ Rupiah (1,7 tỷ USD) được thực hiện dưới hình thức giảm trực tiếp giá vé máy bay, phòng khách sạn cũng như cung cấp các phiếu mua tour giảm giá trên các ứng dụng trực tuyến trong khuôn khổ chương trình phục hồi kinh tế quốc gia có tổng trị giá gần 320.000 tỷ Rupiah.

Singapore tung ra gói kích cầu du lịch nội địa trị giá 450 triệu SGD, còn Malaysia tháng 6/2020 công bố biện pháp ưu đãi thuế dịch vụ du lịch có hiệu lực trong vòng một năm và giảm thuế thu nhập cá nhân lên tới 1.000 RM cho các chi phí du lịch trong nước cho đến ngày 31/12/2021. 

Tại Việt Nam, bên cạnh một loạt chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch được chính phủ triển khai, chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” phát động từ đầu tháng 5/2020 cùng với thông điệp “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn” đã giúp thị trường du lịch sôi động trở lại, tần suất các chuyến bay trong nước dần khôi phục, thậm chí tăng thêm, công suất buồng phòng tăng mạnh trở lại, một số nơi đạt 80-90% vào cuối tuần. 

Đầu năm nay, việc nhiều nước trên thế giới bắt đầu triển khai tiêm vaccine, dần mở cửa biên giới đem lại hy vọng cho khu vực  ASEAN. Indonesia đang áp dụng chiến dịch du lịch an toàn có tên gọi “Indonesia care”, đồng thời xúc tiến triển khai chương trình “bong bóng du lịch” với nhiều quốc gia trong đó có Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Trung Quốc, Singapore và Hà Lan.

Chương trình khuyến khích du lịch của Thái Lan đã được triển khai ở đảo Phuket, dự kiến sẽ mở rộng sang các điểm du lịch khác như Koh Samui, Koh Tao và Koh Phangan, Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) hy vọng sẽ có 100.000 lượt du khách nước ngoài tới Phuket trong quý III năm nay và sẽ tạo ra doanh thu khoảng 8,9 tỷ baht (khoảng 277 triệu USD).

Phần lớn các nước đều thúc đẩy chương trình tiêm chủng để tạo điều kiện mở cửa du lịch. Ở Thái Lan, tính đến ngày 27/6, đã có 63% người dân trong tỉnh Phuket được tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ hai. Indonesia cũng triển khai thiết lập các “vùng xanh” hay “hành lang không COVID-19” tại các điểm du lịch như đảo Bintan, Batam thuộc tỉnh Quần đảo Riau, và đảo Bali với việc ưu tiên cung ứng vaccine cho ít nhất 70% người dân sở tại ngay trong tháng 7.

Tuy nhiên, những làn sóng lây nhiễm mới sau sự xuất hiện của biến thể mới COVID-19 khiến nhiều quốc gia khu vực lại gồng mình chống dịch. Điều này đang tạo ra nhiều thách thức đối với nỗ lực của các nước ASEAN. Thậm chí, Indonesia ngày 1/7 đã quyết định đình chỉ các chương trình phục hồi du lịch như mở cửa trở lại Bali cho du khách nước ngoài, chương trình du lịch dựa vào vaccine và thỏa thuận hành lang du lịch (TCA) cùng chương trình “Làm việc từ Bali” do việc áp đặt lệnh hạn chế các sinh hoạt cộng đồng khẩn cấp tại đây. Nước này đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng đột biến với gần 24.900 ca ngày 1/7.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới thuộc Liên hợp quốc (UNWTO) dự báo ngành công nghiệp không khói trên toàn cầu sẽ khó có thể phục hồi toàn toàn cho đến năm 2023. Báo cáo nêu rõ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 và các chứng nhận về COVID-19 là yếu tố chính giúp khôi phục ngành du lịch.

Theo các chuyên gia, để đưa ngành du lịch của ASEAN thoát “vòng xoáy” COVID-19, các quốc gia cần tăng cường hợp tác đa phương để có sự chuẩn bị tốt cho việc nối lại hoạt động du lịch trong nội khối cũng như ngoài khối.

Nguồn: Báo Tin tức

12/ 2 doanh nghiệp cá tra Việt Nam được hưởng thuế suất 0% XK vào Mỹ

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 16 (POR16) đối với các lô hàng cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ giai đoạn từ ngày 1/8/2018 – 31/7/2019.

2 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp) và Công ty cổ phần Nam Việt (An Giang) đã được hưởng mức thuế suất là 0%.

Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khác (trừ các trường hợp doanh nghiệp có mức thuế suất riêng biệt) xuất khẩu cá tra sang Mỹ chịu mức thuế chống bán phá giá bằng mức thuế suất toàn quốc là 2,39 USD/kg.

Ngoài ra, theo kết quả kế thừa từ kỳ xem xét POR15, Công ty cổ phần Thủy sản NTSF (Cần Thơ) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ hưởng mức thuế suất là 0,15 USD/kg.

Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông (Cần Thơ) vẫn hưởng mức thuế 0,19%.

Đây cũng là điều kiện tốt thúc đẩy khối lượng hàng cá tra sang Mỹ trong thời gian tới.

Hiện nay, Việt Nam có hơn 10 doanh nghiệp cá tra tham gia xuất khẩu sang thị trường Mỹ; trong đó, Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông và Công ty cổ phần Nam Việt là 3 doanh nghiệp có giá trị xuất khẩu lớn nhất.

Tính riêng 5 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp này đạt lần lượt 104 triệu USD; 46,8 triệu USD và 41,5 triệu USD.

Việt Nam đang là nhà cung cấp cá tra đông lạnh hàng đầu cho thị trường Mỹ, chiếm 90-95% tổng giá trị nhập khẩu cá tra của nước này. Ngoài Việt Nam, Mỹ cũng nhập khẩu sản phẩm cá tra tươi, ướp và đông lạnh từ Trung Quốc và một số thị trường chuyển tiếp khác.

Tính đến hết tháng 5/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 134,2 triệu USD, chiếm 21% tổng giá trị xuất khẩu, tăng 55,3% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra lớn thứ hai của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam.

Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam

13/ Việt Nam – Israel: Nhiều tín hiệu tích cực trong trao đổi thương mại

Số liệu mới nhất cho thấy, trong tháng 5/2021, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 144,68 triệu USD. Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2021, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Israel đạt 719,80 triệu USD. Đáng chú ý là, xuất khẩu của Việt Nam sang Israel vẫn tăng mạnh 25,1% so với cùng kỳ năm trước và đạt 342,86 triệu USD.

Trong tháng 5/2021, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Israel vẫn giữ được đà tăng trưởng mạnh so với tháng 4 trước đó. Cụ thể, giày dép các loại tăng 17,8% , hạt điều tăng 15,6%, thủy sản các loại tăng 8,1%, hàng dệt may tăng rất mạnh 125,0%.

Tuy nhiên, điện thoại các loại và linh kiện lại giảm mạnh 18,3% và cà phê giảm 35,1%. Trong 5 tháng đầu năm 2021, ngoại trừ mặt hàng cà phê giảm 17,5% và mặt hàng dệt may các loại giảm 13,2%.

Đáng chú ý là, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực còn lại đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong đó, giày dép các loại tăng cao 87,3%, thủy sản tăng 36,5%, điện thoại các loại và linh kiện tăng 19,5%, hạt điều tăng 15,5%, giày dép các loại tăng 87,3%.

Riêng về nhóm mặt hàng thủy hải sản, tính đến ngày 15/6/2021, xuất khẩu cá ngừ sang Israel đạt 16,63 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước, chiếm tỷ trọng 5,2% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của cả nước. Israel là một trong 10 thị trường nhập khẩu cá ngừ hàng đầu của Việt Nam. Tính đến hết tháng 5/2021, sản lượng nhập khẩu cá ngừ mã HS 03 từ Việt Nam của Israel đứng thứ 3, sau Mỹ và Italy, và đứng thứ 4, sau Mỹ, Italy và Nhật Bản đối với cá ngừ mã HS 16. Hiện tại, Israel là thị trường xuất khẩu thủy hải sản đứng thứ 22 trong số trên 100 thị trường Việt Nam đã có xuất khẩu thủy sản sang đó.

Ngoài ra, mặt hàng gạo thơm, hạt dài, loại 5% tấm, đóng bao 5kg; các loại thực phẩm khô như bánh tráng cuốn, bánh đa nem, phồng tôm…. tiếp tục xâm nhập và được phân phối trên thị trường Israel.

Nhiều cơ hội giao thương

Mặc dù quy mô thị chỉ khoảng 9,3 triệu dân nhưng hiện tại Israel đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam tại khu vực Trung Đông (sau UAE và Thổ Nhĩ Kỳ).

Trong 6 tháng vừa qua, thị trường Israel có nhiều biến động và khó khăn do những vấn đề an ninh, chính trị nhạy cảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Israel vẫn tiếp tục quan tâm đến giao dịch, kinh doanh với thị trường Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp Israel bày tỏ mong muốn vào Việt Nam trực tiếp gặp gỡ đối tác, tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong các dự án thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhập khẩu các mặt hàng thuộc lĩnh vực tái tạo, nhập khẩu các mặt hàng thuộc nhóm lương thực, thực phẩm, gạo, đồ khô như bánh tráng cuối, bánh đa nem, phồng tôm hay hàng tiêu dùng như dệt may, giày dép, nông, lâm, thủy sản các loại,…

Nguồn: Báo Công Thương

14/ Nhập siêu tăng: Bước chạy đà cho sự phục hồi

 

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tính chung 6 tháng đầu năm ước đạt 157,63 tỷ USD, tăng 28,4%. Về nhập khẩu, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tính chung 6 tháng đầu năm ước đạt 159,1 tỷ USD, tăng 36,1%.

Mặc dù cán cân thương mại có sự “đảo chiều” nhưng đến 93,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng tư liệu sản xuất. Trong đó, nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng nhập khẩu 72 tỷ USD, tăng 33% và chiếm 45,2%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 77,35 tỷ USD, tăng 40,2% và chiếm 48,6%. Nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 9,78 tỷ USD, tăng 28% và chiếm 6,1%.

Nhận định về con số xuất siêu trong nửa đầu năm, ông Trần Thanh Hải cho rằng, có 3 yếu tố chính tạo tạo nên mức nhập siêu này.

Thứ nhất, ảnh hưởng của dịch bệnh trong thời gian vừa qua đã tác động rất lớn lên nhóm hàng điện tử – nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, làm sụt giảm sản xuất của nhóm này và làm cho xuất khẩu bị ảnh hưởng.

Thứ hai, các ngành như dệt may, da giày, đồ gỗ hiện đang nhập nguyên liệu về để phục vụ cho kế hoạch sản xuất, trả hàng theo đơn đã đặt của các đối tác nước ngoài từ nay đến cuối năm, dẫn đến khối lượng nguyên liệu nhập khẩu có sự gia tăng.

Thứ ba, giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu trên thị trường thế giới trong thời gian vừa qua đã có những biến động rất mạnh như mặt hàng thép, xơ sợi, phân bón… đẩy giá trị nhập khẩu tăng lên, mặc dù khối lượng nhập khẩu có thể giữ nguyên.

Tuy nhiên, ông Trần Thanh Hải cũng nhìn nhận, trên thực tế, chúng ta vẫn duy trì được năng lực sản xuất và xuất khẩu rất tốt. Những yếu tố về giá hay về tăng nhập khẩu nguyên liệu chỉ là yếu tố tạm thời. Qua giai đoạn này thì chúng ta có thể duy trì được cân bằng cán cân thương mại và có thể trở lại xuất siêu.

“Đáng mừng nhất là qua đợt dịch vừa rồi là mặc dù chúng ta có bị ảnh hưởng ít nhiều nhưng hiện nay, các nhà máy ở khu vực Bắc Ninh, Bắc Giang đã khôi phục trở lại sản xuất bình thường và cố gắng để đẩy mạnh sản xuất, bù đắp lại phần thiếu hụt của 2 tháng vừa qua”, ông Trần Thanh Hải nói.

Bước chạy đà cho sự phục hồi

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải, các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong thời gian vừa qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may… bởi đây là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi và sự phục hồi này cần tương xứng ngay khi các thị trường nhập khẩu phục hồi, các đơn hàng quay trở lại với doanh nghiệp.

“Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày hiện đã có đơn hàng tới hết quý III, thậm chí quý IV năm nay… nên nhập khẩu nguyên liệu tăng là tất yếu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Thêm vào đó, Thứ trưởng cũng phân tích, năm 2021, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với 2020, trong khi có đến 93,9% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu là nhóm hàng tư liệu sản xuất, do vậy, nhập siêu hoàn toàn là do nguyên liệu sản xuất.

“Thường những tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng, nên cán cân thương mại hàng hóa sẽ cân bằng lại vào những tháng tới”, Thứ trưởng nhận định.

Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thị trường nhập khẩu, nhất là nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để có biện pháp kiểm soát kịp thời, cân bằng trở lại cán cân thương mại.

Nguồn: Báo Chính phủ

15/ Nửa đầu 2021, nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 1,82 tỷ USD

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, giá trị nhập khẩu sữa và các sản phẩm sữa ước đạt 650 triệu USD, tăng 14,5%; giá trị nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 727 triệu USD, tăng 51,5%.

Ước tính trong 6 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 12,8 ngàn con lợn giống, tương đương kim ngạch nhập khẩu khoảng 10 triệu USD; trên 2,2 triệu con gia cầm giống, tương đương kim ngạch nhập khẩu khoảng 12,2 triệu USD.

Đối với thức ăn gia súc và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong 6 tháng đầu năm, ước tính tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là 10,8 triệu tấn, tương ứng với 3,84 tỷ USD, tăng 32,7% về số lượng và 50,3 % về giá trị so với cùng kỳ 2020. Trong đó thức ăn giàu năng lượng đạt 6,8 triệu tấn, tương ứng 1,68 tỷ USD, tăng 75,6% về số lượng và 112% về giá trị so với cùng kỳ 2020; thức ăn giàu đạm đạt 3,73 triệu tấn, tương ứng với 1,65 tỷ USD, giảm 6,3% về số lượng và tăng 23,7% về giá trị; thức ăn bổ sung đạt 0,31 triệu tấn, tương ứng 0,49 tỷ USD, giảm 1,5% về số lượng và tăng 17,8% về giá trị.

Ở chiều ngược lại, trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ước đạt 196,8 triệu USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa ước đạt 60 triệu USD, tăng 35,2; thịt và phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 54,6 triệu USD, tăng 30,8%.

Năm 2021, ngành chăn nuôi đặt mục tiêu tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân năm 2021 đạt khoảng 5-6%. Sản lượng thịt các loại đạt khoảng 5,7 triệu tấn, trong đó, thịt lợn đạt khoảng 3,67 triệu tấn (tăng 6,1%), thịt gia cầm đạt khoảng 1,5 triệu tấn (tăng 5,8%), thịt bò đạt khoảng 395 ngàn tấn (tăng 6%). Sản lượng trứng đạt khoảng 15,6 tỷ quả (tăng 7,5%) và sản lượng sữa đạt khoảng 1,21 triệu tấn (tăng 11,5%).

Để đạt được mục tiêu đặt ra, Cục sẽ tập trung chỉ đạo đồng bộ các giải pháp tiếp tục tái đàn, tăng đàn đàn lợn theo hướng an toàn sinh học; ổn định phát triển đàn gia cầm và phát triển một số loại vật nuôi khác; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, sản xuất theo chuỗi và truy xuất được nguồn gốc;… Tiếp tục triển khai các nội dung xây dựng chuỗi sản xuất tuần hoàn, an toàn sinh học và theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm. Tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về thị trường sản phẩm chăn nuôi, nguồn cung và giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới, có biện pháp chỉ đạo kịp thời tránh tình trạng đột biến về giá cả đối với các sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, nguồn phụ phẩm của nông – lâm – nghiệp để chủ động một phần thức ăn trong nước, giảm giá thành sản phẩm, đặc biệt là gia súc ăn cỏ và gia cầm.

Nhiều khó khăn thách thức trong những tháng cuối năm

Nhận định về những khó khăn thách thức của ngành chăn nuôi trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, đã chăn nuôi theo thị trường sẽ có lúc mất, lúc lãi, lúc hòa nên không vì nhìn thấy một vài thời điểm, hiện tượng giá thức ăn chăn nuôi tăng, giá gia súc, gia cầm giảm mà coi đó là thực trạng chung của ngành.

Định hướng nhiệm vụ trong sáu tháng cuối năm 2021, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo ngành chăn nuôi tập trung cao độ, đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ thành quả đạt được, đây là điều kiện tiên quyết cần ưu tiên.

Song song đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt là lĩnh vực chế biến để nâng giá trị gia tăng cho ngành.

Nguồn: Báo Công Thương

16/ ‘Điểm mặt’ hàng loạt địa phương lơ là trong gỡ ‘thẻ vàng’ IUU

Cụ thể, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên không hoàn thành theo tiến độ quy định. Việc cấp giấy phép khai thác cho tàu cá còn thấp. Đến nay, số lượng tàu cá đã cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định là 51.613/94.572 tàu, đạt 54.55%.

Bên cạnh đó, tình trạng tàu cá thường xuyên mất kết nối thiết bị VMS với trạm bờ vẫn diễn ra phổ biến, tuy nhiên kết quả xử lý tại các địa phương còn rất hạn chế.

Ngoài ra, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác tại nhiều địa phương chưa đảm bảo được độ tin cậy, điển hình như các tỉnh: Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Phú Yên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Nam Định, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Tiền Giang, Bạc Liêu, Trà Vinh…

Về vấn đề tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, đại diện Bộ NN&PTNT nêu rõ, đến nay các lực lượng chức năng đã ngăn chặn, chấm dứt được tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.

Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan… có giảm (từ đầu năm 2021 đến nay xảy ra 15 vụ/25 tàu, so với cùng kỳ năm 2020 giảm 9 vụ/12 tàu). Tuy nhiên, tình hình tàu cá vi phạm vùng biển các nước trong khu vực vẫn xảy ra, còn diễn biến phức tạp. Các tỉnh như Cà Mau, Bình Định, Bà Rịa -Vũng Tàu, đặc biệt là tỉnh Kiên Giang chưa có chuyển biến, tiếp tục để xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Bộ NN&PTNT nhận định, nếu chậm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực hiện các quy định quốc tế về chống khai thác IUU, việc gỡ cảnh báo “thẻ vàng” sẽ gặp khó khăn, không loại trừ khả năng bị đề nghị nâng lên cảnh báo “thẻ đỏ”.

Các địa phương như: Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau…, đặc biệt là Kiên Giang phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các bộ, ban ngành liên quan triển khai quyết liệt hơn nữa các giải pháp để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tàu cá địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài…

“Các địa phương cần khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát hành trình tàu cá để theo dõi, quản lý chặt chẽ tàu cá hoạt động trên biển; xử phạt nghiêm các hành vi khai thác IUU nhằm răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt là các tỉnh Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cà Mau, Kiên Giang…”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Hải quan

17/ Việt Nam – Algeria: Cần thúc đẩy xuất khẩu hậu đại dịch

Algeria là một thị trường đầy tiềm năng, là cửa ngõ đối với hàng hóa Việt Nam nhằm thâm nhập vào thị trường châu Phi. Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến sụt giảm trong kim ngạch xuất khẩu sang Algeria.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của nước ta sang Algeria chỉ đạt 55,31 triệu USD, giảm 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam hiện nay vẫn chỉ là cà phê, kim ngạch đạt 32,50 triệu USD, kim loại thường 3,4 triệu USD, sản phẩm hóa chất 2,82 triệu USD, thủy sản 648.634 USD, hạt tiêu 375.400 USD…

Một nguyên nhân khác có thể là do chính sách cắt giảm nhập khẩu hàng hóa để giảm thâm hụt cán cân thương mại của nước này. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của nước này chỉ đạt 15,2 tỷ USD, giảm gần 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Mặt khác, vẫn còn tồn tại nhiều rào cản để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường này. Thứ nhất, hàng hóa của Việt Nam khi nhập khẩu vào quốc gia này phải chịu mức thuế trung bình lên đến 50% do Algeria chưa phải thành viên của WTO. Hơn nữa, do thâm hụt thương mại tăng cao, chính phủ nước này đã ban hành các biện pháp hạn chế nhập khẩu.

Những tín hiệu tích cực

Chính phủ Algeria dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 vào khoảng 4,2% nhờ xuất khẩu dầu khí tăng 10,1%. Ngay cả lĩnh vực phi dầu khí cũng tăng 3,2%. Lĩnh vực xây dựng tăng 3,8% và dịch vụ hàng hóa tăng 3,6%. Việc phục hồi hoạt động kinh tế tại Algeria được phản ánh bằng mức thu thuế cuối tháng 4/2021 tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Các ngân hàng của nhà nước cũng đã tăng các khoản cho vay, đặc biệt dành cho khu vực tư nhân.

Algeria có thể coi là một thị trường tiềm năng và quan trọng đối với Việt Nam khi quốc gia này được coi là cửa ngõ giúp các doanh nghiệp tiếp cận vào thị trường châu Phi khi Hiệp định Thương mại của lục địa này đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Algeria, nhu cầu về hàng hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng, dự kiến sẽ tăng khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng mạnh trong nửa cuối năm 2021, sẽ dẫn đến đầu tư tìm kiếm tài nguyên cao hơn. Tiếp đó, việc tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) và tầm quan trọng ngày càng tăng của chuỗi giá trị khu vực (RVC) sẽ mở ra cơ hội mới cho các nước châu Phi. Mặt khác, việc triển khai một số dự án trọng điểm được công bố từ năm 2021 trở về trước, bao gồm cả những dự án bị đình trệ do đại dịch, có thể hỗ trợ FDI. Cuối cùng, việc hoàn thiện Nghị định thư đầu tư bền vững trong khuôn khổ Hiệp định Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA) có thể tạo động lực cho đầu tư nội lục địa.

Nguồn: Báo Công Thương

18/ Tăng sốc cước vận chuyển container từ Á sang Âu, Mỹ

Giá cước tăng hơn 50% chỉ trong 2 tháng

Công ty tư vấn Drewry Shipping Consultants (Anh) cho biết tính đến ngày 1-7, chi phí vận chuyển container 40 feet (FEU) trung bình ở 8 tuyến đường biển chính của thế giới đã lên mức 8.399 đô la Mỹ, tăng hơn gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng đến 53,3% kể từ tuần đầu tiên của tháng 5-2021, tức tăng với tốc độ chưa từng thấy.

Một số công ty cho biết họ bị tính giá đến 20.000 đô la cho những hợp đồng ký kết vào phút cuối để kịp đưa hàng lên tàu.

“Thương mại toàn cầu giờ đây giống như nhà hàng đắt khách nhất trong thành phố. Nếu bạn muốn đặt chỗ với hãng tàu, bạn cần phải lên kế hoạch trước 2 tháng. Mọi chủ hàng đang cố gắng giành được bất cứ suất đặt chỗ nào mà họ có thể nhưng tất cả đều không còn”, Brian Bourke, Giám đốc tăng trưởng của Công ty Seko Logistics, có trụ sở tại Itasca, bang Illinois, nói.

Các chuyên gia hàng hải nói rằng giá cước vận tải biển tăng là kết quả của hàng loạt sự “đứt gãy” khắp các chuỗi cung ứng, dẫn đến sự trì hoãn hoạt động ở các cảng và mạng lưới phân phối nội địa khi các công ty bán lẻ và nhà sản xuất ở phương Tây chạy đua bổ sung kho hàng đã cạn kiệt trong thời kỳ dịch bệnh, và khi họ dần tái mở cửa.

Dữ liệu của Công ty tư vấn Sea-Intelligence (Đan Mạch) cho thấy, trong 5 tháng đầu năm 2021, có đến 695 tàu container đến các cảng ở Bờ Tây nước Mỹ chậm hơn 1 tuần so với bình thường. Trong giai đoạn 2012-2020, tức suốt 9 năm, chỉ có tổng cộng 1.535 tàu container đến chậm như vậy.

Philip Damas, Giám đốc Tư vấn chuỗi cung ứng ở Drewry Shipping Consultants, nói: “Container mắc kẹt trên biển trong thời gian dài hơn. Container ở các cảng cũng chờ nhận hàng lâu hơn. Công suất của ngành vận tải container đang bị tổn thất”.

Khi các chủ hàng sốt sắng tìm cách vận chuyển hàng để kịp kế hoạch, một số hãng tàu cũng ra giá cước cao hơn.

Ông nói: “Cuộc đấu giá cước vận tải biển đang tăng tốc”.

Ngành vận tải biển căng thẳng đến năm 2022

Zhu Guojin, nhà tư vấn ở Công ty logistics Jizhi Supply Chain Service Yiwu cho biết phần lớn khách hàng của công ty ông bao gồm Amazon và một số nhà nhập khẩu Mỹ, đang rất cần hàng dù phải trả giá cao hơn. Ông nói: “Năm ngoái, nhiều khách hàng trì hoãn vận chuyển hàng với hy vọng chi phí sẽ giảm xuống. Nhưng bây giờ, họ không như vậy nữa. Phần lớn họ dường như không quan tâm đến giá cả nữa”.

Damas dự báo tình trạng căng thẳng của ngành vận tải biển vẫn duy trì ở mức nghiêm trọng cho đến Tết Nguyên đán hoặc đầu năm 2022, khi các nhà máy Trung Quốc đóng cửa để nghỉ Tết.

Brian Bourke, Giám đốc Tăng trưởng ở Công ty Seko Logistics cho biết, công ty ông đã lên kế hoạch cho tình huống vận tải biển tiếp tục căng thẳng cho đến cuối năm nay.

 “Giá cước đang tăng với tốc độ “tên lửa” và có khả năng điều này sẽ không thay đổi cho đến năm sau”, Jonathan Roach, nhà phân tích ở Công ty Braemar ACM, có trụ sở ở London, nói.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

19/ Xuất nhập khẩu 2021: Góc nhìn hậu cần và vận tải quốc tế

Số liệu tổng hợp của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA) cho thấy, sản lượng vận chuyển bằng container thông qua các cảng biển 4 tháng đầu năm 2021 đạt 6.216.332 TEUs, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, cụm cảng phía Bắc chủ yếu là khu vực Hải Phòng bao gồm Cảng nước sâu Lạch Huyện (HICT) đạt 1.406.483 TEUs, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.

Cụm cảng miền Trung cho thấy sản lượng tăng gấp đôi trong vòng 10 năm trở lại đây được đóng góp chủ yếu nhờ sự phát triển hệ thống cảng tại Đà Nẵng.

Tp.HCM và khu vực Đông Nam Bộ đương nhiên là đầu tàu của cả nước khi tổng sản lượng qua các cảng của cả hai khu vực này chiếm tới 72,1%, đạt 4.483.237 TEUs, tăng trưởng 21,5% so với cùng kỳ năm 2020. Riêng cụm cảng nước sâu lớn nhất cả nước Cái Mép – Thị Vải đạt sản lượng 1.673.429 TEUs, tăng trưởng 29% so với cùng kỳ và chiếm tỷ phần 27% trong tổng sản lượng toàn quốc.

Dù chiếm tỷ phần rất nhỏ song mức tăng trưởng tới 600% ghi nhận tại cảng Vinalines Hậu Giang, một cảng thuộc hệ thống cảng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long được hiểu là do có sự dịch chuyển phương thức vận tải hậu cần (logistics) phục vụ cho xuất khẩu gạo tại khu vực này trong thời gian qua.

Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí đối tác số 2 (về sản lượng) sau Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa đường biển (bằng container) vào Mỹ. Điều đáng ghi nhận ở đây là con số hơn 1 triệu TEUs sản lượng của chỉ 5 tháng đầu năm này chính là sản lượng “mơ ước” cả năm xuất khẩu vào Mỹ của Việt Nam trong giai đoạn trước năm 2018.

Chuỗi cung ứng dịch chuyển, ai hưởng lợi?

Hãy khoan nói về lượng hàng “tiểu ngạch” xuất khẩu thực chất từ Trung Quốc “mượn đường” Việt Nam để “rửa” chứng nhận xuất xứ (C/O) nhằm hợp thức hóa cho việc nhập khẩu vào Mỹ, chỉ ước tính riêng lượng hàng hóa xuất khẩu tăng lên của Việt Nam có được do sự “tiếp quản” các đơn hàng mà phía các nhà sản xuất của Trung Quốc không thể thực hiện. Nhìn xa hơn một chút, sản lượng xuất khẩu bằng container của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2019 đạt gần 1,5 triệu TEUs, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2018.

Sản lượng Mỹ nhập khẩu bằng container từ Việt Nam trong năm 2020 đạt khoảng 1,86 triệu TEUs, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2019 (con số này của Trung Quốc là 2,28%, mức tăng trưởng quá khiêm tốn để được hiểu là một khối lượng hàng hóa rất lớn mà quốc gia này đã “mất” về tay Việt Nam và một số quốc gia khác trong năm 2020).

Xa hơn nữa, cũng là hệ quả của thương chiến, làn sóng dịch chuyển kho tàng, nhà xưởng, máy móc thiết bị, văn phòng cùng nguyên vật liệu, phụ liệu của các nhà máy sản xuất từ Trung Quốc tràn sang các quốc gia Đông Nam Á mà trong đó phần lớn chọn Việt Nam như một trong những điểm đến lý tưởng và tối ưu.

Trong rổ hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ, ngoài mặt hàng chủ lực và truyền thống là gỗ nội thất (chiếm 45% tỷ trọng), các mặt hàng cho thấy mức tăng trưởng đáng kể hiện thuộc nhóm ngành hàng thiết yếu phục vụ cho y tế và bảo vệ sức khỏe bao gồm găng tay, khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế, máy móc thiết bị y tế (máy thở)…

Sự dịch chuyển và đứt gãy chuỗi cung ứng còn có một chiều tác động lên hoạt động nhập khẩu. Việt Nam nhập khẩu linh kiện máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu cho sản xuất gia công. Do tác động của đại dịch Covid-19, việc nhập khẩu nguyên phụ liệu, đơn cử như nguyên liệu cho ngành dệt may trở nên khó khăn và khan hiếm hơn bao giờ hết. Điều này dẫn tới sự ngưng trệ sản xuất may mặc theo các hợp đồng gia công đã ký với khách hàng quốc tế từ trước đó.

Suốt trong năm 2020, các xưởng may của Tổng công ty may mặc Nhà Bè đã phải buộc mình chuyển đổi cơ cấu, sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ thay vì những đơn hàng thời trang gia công cho các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã được ký kết từ trước đó. Phần vì thiếu nguồn cung nguyên liệu để sản xuất thành phẩm, phần cũng vì quần áo thời trang không thuộc nhóm ngành hàng thiết yếu được ưu tiên đối với vận tải quốc tế trong bối cảnh đại dịch.

Nguồn: Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy

BSA Tổng hợp