Việt Nam tiếp tục đạt kết quả tích cực trong thu hút vốn FDI
1/ Toyota giảm sản xuất 40% tháng 9 | Cotton từ Tân Cương tiếp tục bị ghẻ lạnh tại Đức | Thổ Nhĩ kỳ đánh thuế 0 đồng các loại hạt và ngũ cốc | Dự báo giảm sản lượng cà phê toàn cầu | Giá các loại hạt, dầu thực vật có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới
  • Ngày 9 tháng 9 tại Tokyo, sự đứt gãy chuỗi cung ứng nghiêm trọng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lần 4 (chủng Delta), cộng với diễn biến của tình trạng thiếu chip toàn cầu, đã khiến nhiều hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới phải giảm cung so với dự kiến trước đó và cùng kỳ năm ngoái. Riêng Toyota đã giảm 40% sản lượng xe sản xuất trong tháng 9 so với dự toán. Và đồng thời tập đoàn này cũng dự báo sản lượng sẽ tiếp tục giảm sâu hơn trong tháng 10.
  • Một tổ chức về nhân quyền tại Đức (ECCHR) đã tố cáo chuỗi bán lẻ giảm giá Lidl và thương hiệu thời trang chủ yếu dành chon am Hugo Boss (BOSSn.DE), cùng nhiều nhà bán lẻ khác về sự cố tình làm ngơ vì lợi nhuận khi họ tiếp tục sử dụng cũng như phân phối sản phẩm có nguồn gốc bông Cotton từ Tân Cương, thuộc Trung Quốc – điểm nóng của dư luận quốc tế về hành vì đàn áp người dân tộc thiểu số đạo hồi Duy Ngô Nhĩ (dựa theo nội dung bản cáo trạng dài 96 trang gửi đến cơ quan Công Tố thuộc tòa án liên bang Karlsruhe). Đây không phải trường hợp ngoại lệ mà là một xu hướng toàn cầu tác động lên nhiều hãng lớn từ xa xỉ đến bình dân, và cả giày dép – như Burberry, H&M, Nike … Tân Cương hiện là nơi cung cấp 17% tổng sản lượng bông Cotton trên toàn thế giới.
  • Ngày 8 tháng 9, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều loại ngũ cốc và hạt xuống bằng 0 từ đây cho đến cuối năm: lúa mì, lúa mạch đen, yến mạch, đậu gà, đậu lăng.
  • Tổ chức Hiệp Hội Cà Phê Đa Quốc Gia (ICO) dự báo sản lượng cung của cà phê toàn cầu sẽ giảm so với lượng cầu bắt đầu từ tháng 10 (mùa đông năm nay). Nguyên nhân chính được cho là do biến đổi khi hậu, đặc biệt ở những vùng vật liệu chính của ngành như Nam Mỹ (khô hạn ở Brazil).
  • Singapore ngày 8 tháng 9, các nhà nhập khẩu hạt và dầu hạt dự kiến sẽ có chậm trễ ít nhất 1 tháng sau khi bão Ida đổ bộ vào những cảng xuất khẩu trọng yếu tại Đông Nam nước Mỹ. Tình trạng này có thể dẫn đến không chỉ đội giá vận chuyển, mà còn giá nông sản nói chung khi nguồn cung vẫn chậm chạp, và cầu bị dồn ứng trong nhiều tháng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy.
Nguồn: Reuters
2/ Bộ Công Thương: Việt Nam chưa quy định cấm ethylene oxide
Bộ Công Thương cho biết, hiện chưa có quy định nào của Việt Nam cấm dùng ethylene oxide trong nông nghiệp, thực phẩm nhưng doanh nghiệp cần kiểm soát chất này. Các tổ chức quốc tế về an toàn thực phẩm cũng chưa ban hành quy định về giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.
Theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), quy định về dư lượng chất ethylene oxide (EO) trong thực phẩm trên thế giới khác nhau. Hiện Việt Nam cũng chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.
Ở chiều ngược lại, số ít khu vực, quốc gia đưa ra quy định về hàm lượng EO trong sản phẩm thực phẩm, như Mỹ và Canada quy định trong các loại thảo mộc, rau củ khô, vừng là 7 mg/kg với EO; 940 mg/kg với 2-chloroethanol.
Hàn Quốc giới hạn tạm thời đối với 2-chloroethanol: 30 mg/kg trong thực phẩm thông thường, 10 mg/kg với thực phẩm cho trẻ sơ sinh.
Tại EU, ethylene oxide bị cấm sử dụng khử trùng, lưu trữ thực phẩm từ năm 1991. Theo quy định năm 2015, ngưỡng tối đa chất EO có trong chè, ca cao, cà phê hạt, gia vị, các loại củ là 0,1 mg/kg.
Các loại hạt có dầu thì ngưỡng tối đa EO cho phép là 0,05 mg/kg; trái cây, rau, nấm; các loại ngũ cốc và sản phẩm từ động vật là 0,02 mg/kg. Các sản phẩm trồng trọt dư lượng EO được phép tối đa 0,05 mg/kg.
Cũng theo Bộ Công Thương, hiện nhiều quốc gia thuộc EU đang siết kiểm tra dư lượng EO trong các sản phẩm thực phẩm. Điều này xuất phát từ cuối năm 2020, khi Bỉ cảnh báo nhiều lô hạt vừng từ Ấn Độ có chứa chất EO vượt nhiều lần so với giới hạn cho phép là 0,05 mg/kg.
Dữ liệu Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Uỷ ban châu Âu (RASFF) cho thấy, có 690 cảnh báo liên quan tới EO được các nước thuộc EU phát đi. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).
Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao….
Ngoài ra, do quy định về dư lượng EO trong thực phẩm, nông nghiệp tại từng khu vực, quốc gia khác nhau nên mức giới hạn dư lượng EO cho phép với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác.
Vì thế, Bộ Công Thương lưu ý, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cần kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng, thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm.
Nguồn: VnExpress
3/ Chuyên gia Deloitte: những tia sáng lạc quan
Phân tích về thực trạng kinh doanh trong nước, đại diện Deloitte cho biết, mặc dù nhiều doanh nghiệp khó khăn, thậm chí phải ngừng hoạt động, nhưng doanh nghiệp đăng ký mới trong 8 tháng qua vẫn tăng tính theo quy mô bình quân doanh nghiệp.
Trên thực tế, hơn 2/3 nhà lãnh đạo tham gia khảo sát tin tưởng vào triển vọng của doanh nghiệp mình trong 12 tháng tới.
Khảo sát của Deloitte cũng nêu ra thông tin, phần lớn các doanh nghiệp tư nhân đang trong quá trình xây dựng khả năng phục hồi đều tập trung vào bảy yếu tố chính: Chiến lược, tăng trưởng, vận hành, công nghệ, lực lượng lao động, nguồn vốn và xã hội.
52% các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cao đặc biệt tin tưởng vào triển vọng doanh nghiệp trong ba năm tới, so với chỉ 15% của các doanh nghiệp có khả năng phục hồi thấp.
Bên cạnh đó, các lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng tăng trưởng và công nghệ, bao gồm chuyển đổi số, là những yếu tố nằm trong danh mục các yếu tố quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp kiên cường.
Nguồn: Thời báo Tài chính Việt Nam
4/ Việt Nam làm gì để thành cường quốc kỹ thuật số?
Nguồn: Báo cáo Điểm lại của Ngân hàng Thế giới, tháng 8.2021.
Lao động có kỹ năng số
Mặc dù chuyển đổi kỹ thuật số sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, những công việc này sẽ đòi hỏi nhiều  kỹ năng mới. Có thể kỳ vọng thị trường lao động sẽ điều chỉnh dần dần do nhu cầu cao về lao động có kỹ năng sẽ làm tăng mức lương tương đối.
Ở các nước đã thành công, Chính phủ tập trung cung cấp thông tin cho người lao động về các xu hướng và nhu cầu của thị trường lao động để họ tự quyết định; nâng cao chất lượng các chương trình giáo dục kỹ thuật và dạy nghề; và hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động về tài chính khi học kỹ năng mới.
Bảo đảm tư nhân luôn năng động
Giải pháp thứ hai là phải bảo đảm khu vực tư nhân trong nước luôn năng động vì chu kỳ đổi mới trong nền kinh tế kỹ thuật số rất ngắn.
Chính phủ cần bảo đảm sự cạnh tranh khi một số doanh nghiệp hàng đầu về kỹ thuật gần thống trị tuyệt đối, có tác động ngoại lai mạng lưới và lợi thế về quy mô.Cần giảm bớt các rào cản gia nhập và tăng cường các quy định pháp lý để tránh lạm dụng.
Đồng thời, chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước và các nhà đầu tư nhỏ và có tài năng đang gặp khó khăn về tài chính bằng việc cung cấp cho họ nhiều phương án tài trợ như Singapore.
 Điều kiện tiếp cận dữ liệu
Chính phủ có thể nâng cao khả năng tiếp cận thông tin bằng cách liên thông cơ sở dữ liệu của các cấp, các ngành và thông qua sáng kiến ​​dữ liệu mở – trong đó có việc chia sẻ dữ liệu công trực tuyến theo cách thân thiện với người dùng. Chính phủ cũng có thể khuyến khích khu vực tư nhân thu thập và chia sẻ dữ liệu vì các công cụ và nền tảng kỹ thuật số mới đã làm giảm sự độc quyền của Nhà nước.
Việt Nam cần nhanh chóng khắc phục 3 thất bại thị trường này để đưa đất nước tiến lên trên con đường hướng tới những mục tiêu kinh tế số đầy tham vọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải hết sức cẩn trọng để không tạo ra những thất bại mới cũng như những can thiệp có mục đích tốt nhưng không giải quyết hiệu quả những biến dạng của thị trường.
Nguồn: Tạp chí Tài chính
5/ Giãn cách kéo dài có thể gây lạm phát trong 2022
Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, nhận định nếu dịch không được kiểm soát, giãn cách xã hội kéo dài, sản xuất trong nước phụ thuộc vào nguyên, nhiên vật liệu từ bên ngoài; trong khi đó, giá trên thế giới tăng cao dẫn đến giá thành tăng. Điều này tạo áp lực rất lớn lên lạm phát năm 2022.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước đang gặp khó khăn trong sản xuất cũng như lưu thông khiến cho giá cả hàng hóa tăng cao, ông cho biết điều này sẽ tạo áp lực lên lạm phát nền kinh tế trong năm 2021 như thế nào?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Nhiều lao động ngoại tỉnh đã và sẽ phải hồi hương, gây nên tình trạng thiếu hụt lao động đối với khu vực doanh nghiệp. Để có lao động làm việc, doanh nghiệp sẽ phải trả lương cao hơn, tăng chi phí đào tạo và tuyển dụng lao động, kết quả làm tăng giá thành sản phẩm, giảm sức cạnh tranh.
Trong 7 tháng năm 2021, có gần 79,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, gần 40,3 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn. Riêng Cần Thơ có đến 95% số doanh nghiệp ngừng hoạt động.
Một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, doanh nghiệp áp dụng phương thức “3 tại chỗ” đã đội chi phí bình quân tăng thêm 9,4 triệu đồng cho một lao động của doanh nghiệp. Giãn cách xã hội kéo dài sẽ đẩy giá cả tăng cao.
Năm 2021 và năm 2022, dự báo kinh tế thế giới có sự phục hồi mạnh mẽ, khiến nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng cao đột biến. Trong khi, chuỗi lưu thông chưa trở lại hoạt động bình thường, nguồn cung chưa đáp ứng kịp thời tổng cầu dẫn đến giá các mặt hàng gia tăng. Ông nhận định vấn đề này đối với nền kinh tế Việt Nam như thế nào?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tính đến tháng 6/2021 là tháng thứ 9 liên tiếp chỉ số giá hàng hoá thế giới tăng so với tháng trước.
Hàng hoá thế giới 6 tháng đầu năm 2021 đã tăng 47,82% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, nhóm thực phẩm và đồ uống tăng 26,26%; nhóm nguyên vật liệu đầu vào của ngành công nghiệp tăng 56,44%; nhóm nhiên liệu tăng 81,72%; chi phí logistics và vận chuyển quốc tế đều tăng cao, đặc biệt vận tải biển tăng đến 500% so với trước đại dịch.
IMF dự báo năm 2021 lạm phát của Mỹ đạt mức 2,3%, cao hơn mức 1,2% của năm 2020 và thấp hơn mức 2,4% của năm 2022. Lạm phát của Trung Quốc ở mức 1,2% và tăng lên mức 1,9% năm 2022.
Sản xuất của nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế, chi phí nguyên vật liệu nhập khẩu chiếm tới 37%. Lên đến 50,98% trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Việc này đồng nghĩa biến động giá nguyên vật liệu thế giới có tác động rất mạnh tới giá thành sản phẩm sản xuất trong nước, lạm phát. Với kinh tế nước ta, khi giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng 2,06% và dẫn đến gia tăng lạm phát.
Dự báo kinh tế Mỹ năm 2021 tăng 7%, khi đã đạt được mục tiêu lạm phát và dần tiến tới mục tiêu việc làm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, dự kiến năm 2023 sẽ tăng lãi suất. Tỷ giá hối đoái giữa VND với đồng USD và các ngoại tệ tăng sẽ tác động tiêu cực tới sản xuất, xuất khẩu do sản xuất trong nước phụ thuộc đến 37% vào nguyên vật liệu nhập khẩu.
Theo ông, đối với Việt Nam cần lưu ý những gì trong đặt mục tiêu lạm phát năm 2022?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Chính phủ cần lưu ý năm 2022, nền kinh tế nước ta chịu áp lực lạm phát rất lớn. Từ đó, đặt mục tiêu lạm phát năm 2022 phù hợp trong ưu tiên phục hồi nhanh “sức khỏe,” khả năng cạnh tranh của nền kinh tế để đạt được tốc độ tăng trưởng cao.
Năm 2022, dự báo tổng cầu của thế giới vẫn ở mức cao, lạm phát cao hơn năm 2021. Dự báo kinh tế Việt Nam cũng sẽ chịu áp lực rất lớn về lạm phát, đặc biệt lạm phát chi phí đẩy. Vậy, ông có đề xuất giải pháp gì để Việt Nam đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2022 và các năm tiếp theo?
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Theo tôi, trước tiên Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần xem xét triển khai tiêm vaccine cho lực lượng lao động khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể. Từ đó, giúp hai khu vực sản xuất quan trọng này của nền kinh tế sớm quay lại sản xuất kinh doanh, cung cấp hàng hoá cho nền kinh tế.
Đồng thời, đẩy nhanh tiêm vaccine cho toàn dân, song song tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; rà soát bãi bỏ các khoản chi phí không hợp lý cho doanh nghiệp.
Bên cạnh, kết hợp hài hoà giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt khó khăn, sớm trở lại sản xuất kinh doanh; sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, không nên quá chú trọng vào chính sách tiền tệ vì rủi ro lạm phát.
Chính phủ có giải pháp thúc đẩy cạnh tranh trong nước đối với lĩnh vực logistics, thương mại bán buôn và bán lẻ để giảm chi phí thương mại trong nước và quốc tế, giữ khả năng cạnh tranh và thị phần của hàng hoá Việt trên thị trường thế giới.
Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có chính sách và giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá.
-Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Plus
6/ FDI vẫn khả quan
TP HCM vẫn ghi nhận kết quả tích cực trong thu hút FDI. Cụ thể, TP HCM đứng thứ 2 cả nước với tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỉ USD, chiếm 11,4% tổng vốn đầu tư; thành phố dẫn đầu cả nước về số dự án mới khi chiếm tới 34%. Đây là tín hiệu đáng mừng khi thành phố vừa gồng mình chống dịch vừa nỗ lực phát triển kinh tế – xã hội.
Số vốn ngoại “rót” vào Bình Dương đứng thứ 3 với gần 1,7 tỉ USD, tiếp theo lần lượt là Cần Thơ, Hải Phòng, Hà Nội. Đồng Nai cũng là một trong những điểm sáng trên cả nước về thu hút FDI.
Ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng, cho biết thu hút vốn FDI của thành phố cảng đạt trên 1,4 tỉ USD, gấp 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Để duy trì đà thu hút vốn FDI trong thời gian tới, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cho rằng trước mắt cần sớm kiểm soát dịch bệnh, sẵn sàng cho các hoạt động trong trạng thái bình thường mới. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch, cần có sự thống nhất, linh hoạt để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) sản xuất – kinh doanh, lưu thông hàng hóa. Về lâu dài, Việt Nam cần xác định những nhóm ngành, lĩnh vực có xu hướng dịch chuyển đầu tư mà chúng ta có lợi thế để bắt kịp dòng chảy đó.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng cần sớm kiểm soát dịch bệnh, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19. Bên cạnh đó, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng do thực hiện giãn cách để các DN tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh nhiệm vụ cấp bách kiểm soát dịch, chúng ta cần chủ động chuẩn bị các giải pháp phục hồi sản xuất – kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài bằng các chương trình xúc tiến đầu tư.
Nguồn: Báo Người Lao động
7/ Vận tải biển tập nập sau đại dịch
Khi giá vận tải biển tăng mạnh, các công ty vận tải đã “vung tiền” để mở rộng đội tàu của mình. Khả năng vận tải mới được dự báo sẽ đạt mức kỷ lục vào năm 2023. Nhà trung gian môi giới đường biển của Italy Banchero Costa cho biết: “Đơn đặt mua tàu container đang bùng nổ”.
Theo số liệu của công ty, riêng trong 7 tháng đầu năm nay, đã có ít nhất 276 đơn đặt hàng mua tàu biển mới, giúp tăng hơn 10% khả năng của đội tàu container lớn này. Tuy nhiên, sẽ phải mất ít nhất 2 năm để đóng được một con tàu mới, vì vậy thị trường vẫn “nóng” trong ngắn hạn. Banchero Costa hy vọng tăng trưởng công suất vận tải biển có thể đạt mức khiêm tốn là 3% trong năm 2021 và 2022.
Ngành vận tải biển hiện đã sẵn sàng chi tiền để mua nhiều tàu mới sau một thập kỷ nguồn cung èo ọt. Công ty vận tải biển lớn nhất thế giới AP Moller-Maersk của Đan Mạch đã ghi nhận lợi nhuận đạt 3,71 tỷ USD trong quý II, tăng 30% so với cả năm 2020.
Trong khi đó, CMA-CGM của Pháp ghi nhận lợi nhuận ròng quý II khoảng 3,5 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giám đốc điều hành CMA-CGM, ông Rodolphe Saade cho biết: “Sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế toàn cầu đã dẫn tới nhu cầu tăng chưa từng thấy về các dịch vụ vận tải và logistic”. CMA-CGM đã đặt mua 22 tàu container mới, dự kiến vận hành vào năm 2023 và 2024. Công ty sẽ nhận 14 tàu mới trong năm nay.
Nguồn: Bnews
8/ Rộng mở cơ hội vào thị trường Nga
Tại buổi giao thương, đánh giá cao các thế mạnh hàng hóa của Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Nga-Việt, bà Regina Budarina chia sẻ, cơ hội để hàng hóa vào thị trường Nga là rất rộng mở, nhất là các loại mặt hàng nông sản, thực phẩm, đồ uống.
Tuy nhiên, hiện nhiều sản phẩm của các nhà sản xuất Việt Nam chưa được biết tới nhiều tại Nga. Như, xoài tươi Thái Lan ở Nga rất nhiều nhưng xoài Việt Nam khá hiếm hoi, chưa có nhiều kênh tiêu thụ, vì vậy, khách hàng có nhu cầu đều phải ra chợ Việt Nam hay các quán cafe của người Việt.
Trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm Việt Nam, bà Regina Budarina gợi ý, để tiếp cận thị trường Nga, các doanh nghiệp Việt Nam cần đi theo con đường ngắn nhất đó là đẩy mạnh nghiên cứu thị trường. Đồng thời, các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam nên tổ chức thường xuyên các hội nghị chuyên đề, triển lãm… để các thương hiệu Việt đến gần hơn tới thị trường Nga.
Mặt khác, để giảm chi phí vận chuyển, doanh nghiệp nên nghiên cứu vận chuyển bằng đường sắt qua Trung Quốc; lập thêm văn phòng thương mại Việt – Nga để các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia để trao đổi kinh nghiệm. “Với truyền thống hợp tác và mối quan hệ gắn bó giữa hai nước, Hội hữu nghị Nga -Việt rất sẵn lòng giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam muốn cung cấp hàng hoá sản phẩm tới thị trường Nga”- bà Regina Budarina cho hay.
Về phía doanh nghiệp Nga, bà Tatiana Aptel- đại diện Tập đoàn X5 cũng chia sẻ, Tập đoàn X5 hiện có trên 17.352 cửa hàng tiện ích trên toàn Nga. Hiện tại, Tập đoàn X5 rất quan tâm đến các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam như thực phẩm tươi trái cây nhiệt đới, trái cây khố, hải sản….
Liên quan đến vấn đề giao dịch tài chính giữa doanh nghiệp hai nước, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nga – ông Sergey Ivanov cho biết, Ngân hàng Việt Nga có thể giao dịch trực tiếp bằng tiền tệ của nước mình mà không qua bên thứ 3. Ngoài ra, ngân hàng hiện đang có hệ thống văn phòng khắp Việt Nam tại các thành phố lớn như Đà Nẵng, Nhà Trang, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Thời gian qua, thương vụ cũng đã kết nối cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản như gừng, bưởi, rau quả cho các nhà cung ứng hàng vào chuỗi siêu thị của Nga nhưng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khó khăn trong khâu cung cấp hàng với số lượng lớn ổn định và dài hạn.
Bà Nguyễn Thị Thanh- Chủ tịch Chi Hội doanh nhân Quốc tế Việt Âu cho biết, Nga là thị trường đặc biệt được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, mong muốn được đẩy mạnh hợp tác, đầu tư; chuyển giao công nghệ; góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu hai chiều.
Trên cơ sở phản ánh của doanh nghiệp và thông tin của thương vụ Việt Nam tại Nga, hạn chế của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga vẫn là thiếu thông tin về thị trường của nhau. Vì vậy, thông qua buổi kết nối giao thương với doanh nghiệp Nga, Chi Hội doanh nhân Quốc tế Việt Âu kỳ vọng mở ra được cơ hội mới để doanh nghiệp Việt Nam có được thông tin rõ nét về thị trường Nga, qua đó có kế hoạch, chiến lược kinh doanh và khai thác thị trường phù hợp. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ lựa chọn các doanh nghiệp có hàng hóa cụ thể, đầy đù thông tin để hỗ trợ và đồng hành trong các buổi xúc tiến, giao thương sâu hơn với đối tác Nga”- bà Thanh thông tin.
Nguồn: Báo Công Thương
9/ Doanh nghiệp Canada lạc quan về kinh tế Việt Nam
Theo thống kê chính thức, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2021 vẫn tăng trưởng 5,64%. Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ước đạt khoảng 4,8% cho cả năm 2021.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Ottawa, ông Marc Djandji, Giám đốc ASEAN Strategy Group Limited (cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực tiếp cận thị trường, xuất-nhập khẩu, tư vấn quản lý,…), nhận định Việt Nam là một trong những thị trường chứng khoán hoạt động tốt nhất trên thế giới và là một nền kinh tế duy trì sức phục hồi tốt cho đến nửa đầu năm 2021.
Tuy nhiên, ông Marc Djandji nhấn mạnh sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm nay sẽ phụ thuộc vào việc triển khai chiến dịch tiêm chủng.Trên cơ sở đó, ông dự báo trong trung hạn, triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vẫn vững chắc, được thúc đẩy bởi quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút FDI và sức tăng trưởng nhanh trong lĩnh vực chế tạo.
Cùng chia sẻ quan điểm trên, ông Phil Witherington, Giám đốc Tài chính của tập đoàn Manulife nói: “Chúng tôi vẫn rất lạc quan về sức tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Mặc dù sự trỗi dậy của dịch COVID-19 có thể gây tác động ngắn hạn, tiềm năng của thị trường trong thời gian dài hạn vẫn mạnh mẽ và vững vàng. Chúng tôi nhận thấy chính phủ Việt Nam đang có những bước đi đúng đắn và hợp tác với các công ty như Manulife để bảo vệ người lao động và khách hàng tại Việt Nam, cũng như nỗ lực hành động để khuyến khích kinh tế phát triển.”
Nguồn: VietnamPlus
10/ Gánh nặng vẫn đè lên vai doanh nghiệp logistics
Vận tải trong nước của công ty gần như lỗ. Bởi chi phí xét nghiệm, thời gian quay vòng khó, trước mỗi ngày chạy một chuyến giờ 2 ngày mới được một chuyến vận tải. Hơn nữa, đi qua các trạm mất rất nhiều thời gian do kiểm tra dịch bệnh, giấy tờ xét nghiệm…
Bên cạnh đó, các vấn đề về hải quan, lao động ở cảng, sân bay bị hạn chế. Xin giấy đi đường trong TP.HCM, Đà Nẵng từ các Sở Công Thương, Sở Giao thông vận tải vẫn mất nhiều thời gian, 2-3 ngày.
Ngoài ra, những chi phí xét nghiệm, test Covid cho nhân viên đi làm cũng đội chi phí của công ty lên hàng tỷ đồng/2 tháng dịch.
Ông Thạnh nhẩm tính, nếu tính riêng đội xe của Bee Logistics 60 cái, 3 ngày một lần test, nếu đi test tập thể thì chi phí mức 250 ngàn, tính một tháng 1 nhân sự hết 2,5 triệu (trong điều kiện test ghép được).
Tất cả những thách thức trên khiến công suất làm việc của doanh nghiệp giảm tới 50%. Ngoài ra, Covid cũng khiến khách hàng, đối tác của công ty khó khăn nên công nợ nhiều hơn.
Ông Lê Minh, Tổng giám đốc Công ty CP Kho vận Việt Nam (Vinalogistics) bổ sung, chỉ đạo từ Chính phủ là đúng nhưng ở dưới cấp địa phương thực hiện chưa thống nhất.
 “Trong bối cảnh khó khăn chung, doanh nghiệp được hỗ trợ gì cũng tốt. Bản thân ngân hàng cũng là đơn vị kinh doanh, nên có thể giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp ở mức chịu đựng được. Lãi suất cho doanh nghiệp chênh từ 2,5% đổ về là tốt cho doanh nghiệp”, CEO Bee Logistics gợi ý.
Đặc biệt, ông Thạnh đốc thúc, cần ưu tiên, đẩy nhanh tiêm vaccine cho toàn bộ lao động logistics không chỉ ở vùng dịch mà cần trên cả nước. Riêng tại TP.HCM Bee Logistics có 200 nhân viên nhưng vẫn còn mấy chục lao động chưa được tiêm vaccine.
Nguồn: VnEconomy
11/ Việt Nam và Bangladesh: triển vọng song phương
Việt Nam và Bangladesh vẫn là đối tác thân thiết và thiết lập quan hệ vào tháng 2/1973. Năm 2013, hai quốc gia đã kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Việt Nam và Bangladesh đang phấn đấu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương lên 2 tỷ USD vào năm 2021..
Cho đến nay, Việt Nam đã thực hiện một số khoản đầu tư vào Bangladesh: bao gồm đầu tư vào các đặc khu kinh tế của Bangladesh, hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT, hợp tác song phương trong lĩnh vực dệt may, thương mại sản phẩm Halal, thương mại dịch vụ phần mềm, liên kết hàng không trực tiếp, xúc tiến thương mại đay và hàng đay, hợp tác lĩnh vực ngân hàng và hợp tác lĩnh vực du lịch. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Bangladesh bao gồm clinker, xi măng, phôi thép và điện thoại di động. Ngược lại, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt, da, giày, thuốc và mè từ Bangladesh.
Tại Bangladesh, xuất khẩu lớn hàng may mặc sang EU và Mỹ tạo nên phần lớn hàng xuất khẩu. EU đã cho phép sản xuất miễn thuế từ các nước kém phát triển nhất (LDC) như Bangladesh. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Bangladesh cải thiện và thu nhập bình quân đầu người tăng, nước này có thể không còn là LDC.
Việt Nam và Bangladesh đã tạo ra nhiều cơ hội xuất sắc trong các ngành như may mặc và dệt may.Tuy nhiên, Việt Nam đang nỗ lực thu hút đầu tư công nghệ cao và nâng cao chuỗi giá trị từ những cụm sản phẩm đơn giản.
Bangladesh đang cố gắng làm điều tương tự bằng cách đa dạng hóa ngành sản xuất của mình. Thay vì chỉ là hàng may mặc, nước này có thể chuyển sang lĩnh vực sản xuất điện tử như Việt Nam và phát triển chuỗi giá trị. Bangladesh cũng có Trung Quốc là đối tác thương mại lớn và là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường; điều này có khả năng giúp phát triển hơn nữa nền kinh tế của nước này.
Nguồn: Báo Công Thương
12/ Nông sản sang Anh: tiếp cận đối tác tiềm năng
GlobalGAP- điều kiện tiên quyết
Hàng năm, các doanh nghiệp Anh nhập khẩu một lượng lớn rau quả, nông sản để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Năm 2020, dung lượng nông sản tại thị trường này khá lớn, với 5,7 triệu tấn rau quả, trị giá gần 9 tỷ USD; 3,6 triệu tấn trái cây trị giá 5,4 tỷ USD; 23 ngàn tấn hạt điều trị giá 149,5 triệu USD; 14 ngàn tấn hạt tiêu trị giá 1221 triệu USD; 762.526 tấn gạo trị giá gần 660 triệu USD; nhập khẩu cà phê trị giá gần 1 tỷ USD.
Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam đã hiện diện tại thị trường Anh, như cà phê, hạt điều và hạt tiêu được tiêu thụ khá tốt trong các siêu thị lớn. Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, năm 2020, hạt điều xuất khẩu sang Anh đạt hơn 16 ngàn tấn, trị giá hơn 92 triệu USD, chiếm 71% thị phần; hạt tiêu xuất khẩu hơn 5.620 tấn, chiếm gần 40% thị phần; còn cà phê xuất khẩu 27.915 tấn, chiếm gần 5% thị phần cà phê nhập khẩu vào Anh.
Điều này cho thấy, vẫn còn nhiều dư địa cho các mặt hàng nông sản, rau quả của Việt Nam vào thị trường này. Đặc biệt khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực đầy đủ từ ngày 1/5/2021, nhiều nông phẩm Việt Nam nhập khẩu vào Anh được miễn thuế. Tuy nhiên, việc tiếp cận đối với thị trường này không hề dễ dàng bởi sự cạnh tranh và những yêu cầu cao về chất lượng nông phẩm.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Thương mại Việt Nam tại Anh, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ có thể tận dụng được cơ hội thị trường khi sản phẩm đáp ứng được yêu cầu chất lượng và phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người Anh. “Các doanh nghiệp nên thực hành sản xuất theo GlobalGAP vì đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nông phẩm Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường cao cấp.”- ông Nguyễn Cảnh Cường khuyến nghị.
Đánh giá về thị trường Anh, ông John Gavin – Giám đốc Tổ chức hỗ trợ thương mại Đông Nam Á tại UK – cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tại thị trường Anh nhưng phải có chiến lược phù hợp để thiết lập quan hệ bạn hàng lâu dài, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng tại Anh.
Đặc biệt, đối với những sản phẩm có tiềm năng, khá mới mẻ đối với người tiêu dùng Anh như các mặt hàng trà, gia vị, trái cây, các loai ống hút thân thiện với môi trường (ống hút tre, ống hút cỏ, ống hút làm bằng gỗ, ống hút chế biến từ gạo).
Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp tiếp cận thành công thị trường Anh, song theo bà Nguyễn Thu Thủy – Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại), vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa thành công mặc dù có sản phẩm tốt. “Doanh nghiệp Việt cần tăng cường tiếp cận các đối tác tiềm năng để tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường quan trọng này.”- bà Thủy khuyến nghị.
Ngoài ra, Thương vụ Anh cũng đang chuẩn bị tổ chức tiếp một hội thảo về thương mại nông phẩm vào ngày 28/9/2021 tại London với khách mời chủ yếu là giám đốc mua hàng của các chuỗi siêu thị lớn và các công ty nhập khẩu nông sản tại Anh.
Nguồn: Báo Công Thương
13/ WTO ra phán quyết về tranh chấp Mỹ-Trung Quốc với tấm pin năng lượng
Ngày 2/9, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ra phán quyết có lợi cho Mỹ trong tranh chấp với Trung Quốc về mức thuế áp đối với tấm pin năng lượng Mặt Trời.
Điều này đã kéo theo làn sóng phản đối tại Trung Quốc, Hàn Quốc và ngày cả những công ty hoạt động trong lĩnh vực năng lượng của Mỹ.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã hoan nghênh quyết định trên của WTO, đồng thời cho rằng cần tiến hành các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng để mở ra mọi cơ hội cho ngành năng lượng Mặt Trời, cũng như tạo việc làm có mức lương cao nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.
Dự kiến mức thuế áp đối với tấm pin năng lượng Mặt Trời sẽ hết hạn vào tháng 2/2022 và sau đó sẽ giảm từ mức 30% xuống còn 15% trong 4 năm.
Nguồn: VietnamPlus
14/ Kịch bản nào thủy sản sau tháng 9
Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau hơn một tháng hoạt động trong hoàn cảnh giãn cách xã hội và phương thức sản xuất “3 tại chỗ,” kết quả xuất khẩu thủy sản tháng 8 chỉ đạt khoảng 520 triệu USD, giảm tới 36% so với cùng kỳ năm 2020.
Theo kết quả khảo sát của VASEP, từ giữa tháng 7 tới nay, chỉ có khoảng 30-40% số doanh nghiệp thủy sản phía Nam đảm bảo được điều kiện “3 tại chỗ” và cũng chỉ huy động được từ 40-50% người lao động. Do đó, công suất sản xuất trung bình giảm chỉ còn từ 40-50%.Giãn cách lâu, thiếu nguyên liệu, thủ tục bị ách tắc, khiến nhiều doanh nghiệp không đảm bảo tiến độ và bị mất đơn hàng, khách hàng.
Trong khi đó, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu của ngành thủy sản bị đứt gãy hoặc gặp khó khăn trong vận chuyển, chi phí đầu vào và chi phí vận tải đều tăng đang và sẽ là gánh nặng cho cộng đồng doanh nghiệp thủy sản Việt Nam thời gian tới.
Tuy nhiên, sản xuất và chế biến cá tra lại tập trung chủ yếu ở các tỉnh Bắc sông Hậu, khu vực vẫn đang gặp thách thức với sản xuất “3 tại chỗ.” Hơn một nửa các nhà máy phải đóng cửa, tình hình xuất khẩu cá tra sẽ khó cải thiện trong tháng tới.
Tương tự, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ là nơi có nhiều nhà máy và doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu các mặt hàng hải sản như mực, bạch tuộc, cá ngừ, các loại cá biển khác.
Do vậy, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản trong tháng 9 sẽ tiếp tục giảm ít nhất 20%, kim ngạch đạt khoảng 660 triệu USD.
Nguồn: VietnamPlus
15/ Nâng cấp FTA ASEAN – Trung Quốc để dễ dàng tiếp cận
ASEAN và Trung Quốc đã phê chuẩn Nghị định thư nâng cấp ACFTA, sẽ tạo ra những thay đổi đối với Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) bằng cách đơn giản hóa các quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan, các biện pháp tạo thuận lợi thương mại và các quy định đầu tư. Nghị định thư nâng cấp ACFTA thực hiện các thay đổi quan trọng đối với Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc ban đầu được ký kết vào tháng 11 năm 2002.
  1. Đơn giản hóa các quy tắc thương mại hàng hóa: Nghị định thư này nâng cấp và đơn giản hóa các quy tắc xuất xứ, quy định về xuất xứ của hàng hóa và do đó thiết lập tính đủ điều kiện để hưởng các ưu đãi thuế quan theo FTA. Cụ thể là làm rõ nhiều cách mà nguồn gốc của hàng hóa được quyết định. Thứ nhất, xuất xứ của hàng hóa sẽ được xác định theo quốc gia mà hàng hóa được sản xuất hoặc thu hoạch thuần túy. Ngoài ra, nếu hàng hóa được sản xuất ở nhiều quốc gia, thì hàm lượng giá trị khu vực (RVC) ít nhất phải bằng 40% giá trị của hàng hóa và quy trình sản xuất cuối cùng phải được thực hiện tại một quốc gia thành viên của FTA. Cuối cùng, một loạt các Quy tắc cụ thể về sản phẩm đã được đưa vào để làm rõ xuất xứ của hàng hóa đối với các sản phẩm đã trải qua quá trình chuyển đổi đầy đủ trong chuỗi cung ứng hoặc đã trải qua sự thay đổi về phân loại thuế quan.
  2. Đơn giản hóa các quy tắc cho thương mại dịch vụ: như dịch vụ kỹ thuật, xây dựng, thể thao, chăm sóc sức khỏe, chứng khoán và du lịch. Các quy tắc được đưa ra dưới dạng bảng trong Phụ lục 2 của Nghị định thư – nêu rõ những hạn chế trong tiếp cận thị trường và những hạn chế về đối xử quốc gia.
  3. Tăng cường các điều khoản đầu tư: đơn giản hóa thủ tục đăng ký đầu tư, cải thiện khả năng tiếp cận luật, quy tắc, quy định và thủ tục đầu tư và sử dụng các cơ quan xúc tiến đầu tư hiện có khi cần thiết.
  4. Cải thiện hợp tác kinh tế và kỹ thuật đa phương: Theo các sửa đổi, các bên tương ứng được khuyến khích tiến hành hợp tác kinh tế và kỹ thuật sâu hơn trên các hoạt động mang lại lợi ích chung.
Nguồn: Báo Công Thương
16/ Xuất khẩu nông sản vào Thổ Nhĩ Kỳ
Theo số liệu từ Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ (TUIK), nửa đầu năm 2021, tổng lượng nhập khẩu hạt điều đã bóc vỏ (HS 08.01.32.00) vào Thổ Nhĩ Kỳ là 4.915 tấn, tăng 35,4% so với cùng kỳ năm 2020, đạt kim ngạch lên xấp xỉ hơn 17,58 triệu USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam vẫn dẫn đầu, chiếm xấp xỉ 94% thị phần kim ngạch xuất khẩu điều vào Thổ Nhĩ Kỳ trong 6 tháng đầu năm nay với 4.607,82 tấn, đạt 16,47 triệu USD, tăng tới 52,8% về sản lượng.
Việc giá điều có xu hướng giảm đã phần nào giúp đẩy mạnh lượng điều xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm lĩnh gần như phần lớn thị phần nhập khẩu của quốc gia này trong 6 tháng đầu năm.
Việt Nam tiếp tục giữ vị trí quốc gia có lượng xuất khẩu lớn mặt hàng hồ tiêu vào Thổ Nhĩ Kỳ với 2.236,3 tấn, đạt kim ngạch hơn 4,32 triệu USD, tăng mạnh cả về lượng lẫn giá trị (27,6% về lượng và 37,1% về giá trị), chiếm gần 60% thị phần giá trị xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ trong 6 tháng 2021.
Bên cạnh, Việt Nam hiện xếp vị trí thứ 4 về kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su tự nhiên khi chiếm 11,7% thị phần xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ. Nguyên nhân chính là do giá cả và chất lượng sản phẩm của cao su Việt Nam đang dần có ưu thế cạnh tranh với các đối thủ khác.
Ngoài ra, một số mặt hàng của Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có cơ hội để thâm nhập vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ như là cà phê, gạo, chè, thuỷ sản,…
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, đến thời điểm này nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chỉ tập trung vào cạnh tranh về giá nhằm giành đơn hàng, dẫn đến tình trạng bị các doanh nghiệp nhập khẩu lợi dụng những biến động về giá thế giới để chèn ép, bắt bí và trục lợi, chẳng hạn như tình trạng ép buộc giảm giá khi giá giảm…
Đối với mặt hàng hạt tiêu, một phần hạt sẽ theo con đường tạm nhập tái xuất qua một số quốc gia khác như châu Âu nhằm phục vụ mục đích chế biến và tiêu dùng tại các quốc gia này.
Ngoài ra, Việt Nam cần sớm quảng bá sản phẩm có chỉ dẫn địa lý đối với mặt hàng điều (cụ thể là điều Bình Phước) để tạo sự khác biệt, nổi trội về chất lượng so với các sản phẩm khác và có cơ hội đưa vào bán tại hệ thống phân phối lớn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Nguồn: Báo Công Thương
17/ Đứt gãy chuỗi cung ứng: giảm tăng trưởng của DN Đức tại Việt Nam
Theo khảo sát của Hiệp hội các Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), 60% DN Đức tại Việt Nam xác nhận đứt gãy chuỗi cung ứng đã để lại rất nhiều hệ lụy cho DN của họ.
Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô và các mắt xích bị đứt gãy trong chuỗi cung ứng đã và đang ảnh hưởng rộng khắp đến nhiều lĩnh vực của DN Đức tại Việt Nam. Những diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19 trong hiện tại vẫn sẽ cản trở đà phục hồi của nền kinh tế và của DN Đức tại Việt Nam. 58% các DN Đức tại Việt Nam kỳ vọng tình trạng sẽ được cải thiện vào năm sau.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguyên liệu thô là: Nhu cầu thị trường tăng (67%) trong khi không đủ năng lực sản xuất do cơ sở tại Việt Nam xảy ra tình trạng gián đoạn hay ngừng hoạt động bởi đại dịch và các biện pháp phòng chống COVID-19 (chiếm 58%) và sự đứt gãy các kênh vận chuyển, lưu thông, phân phối và tiêu thụ hàng hóa (83%).
Hơn 1/2 DN Đức tại Việt Nam buộc phải tăng giá bán hoặc đang có kế hoạch tăng giá thành sản phẩm để thích ứng với bối cảnh hiện tại. 90% DN Đức cho rằng việc tìm kiếm các nhà cung cấp mới tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và tăng dự trự nguyên liệu đầu vào để đảm bảo quá trình sản xuất cũng là những giải pháp cho tình hình mới giúp doanh nghiệp thích ứng một cách linh hoạt.
Nguồn: Báo Công Thương
18/ Gỡ khó ngành tôm trước cao điểm cuối năm
Theo phân tích của bà Kim Thu, chuyên gia thị trường tôm của VASEP, từ 7/2021 đến nay, tình hình sản xuất, chế biến, xuất khẩu tôm và tiêu thụ trong nước gặp nhiều khó khăn do đại dịch, các nhà máy chế biến tôm phải giảm hoạt động, thu mua tôm bị đình trệ, kéo giá tôm xuống rất thấp.
Tính tới cuối 8/2021, đến 40-50% đơn hàng bị giao trễ hẹn và có khoảng 10-15% đơn hàng bị hủy…
Khó đáp ứng đơn hàng
Trong nửa đầu tháng 8/2021, xuất khẩu tôm Việt Nam chỉ đạt 119,2 triệu USD, giảm 35% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến giá trị xuất khẩu tôm trong tháng 8 năm nay sẽ giảm từ 35-40% so với cùng kỳ.
Hiện nay, nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường trọng điểm có nhiều tín hiệu tích cực. Thị trường Mỹ và EU đã nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại và vắc xin được tiêm diện rộng. Nhu cầu nhập khẩu tôm từ các thị trường này, nhất là loại tôm cỡ lớn rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu, đơn hàng được ký rất nhiều, chỉ lo sản xuất không đủ để đáp ứng các đơn hàng. Tính đến tháng 7/2021, số lượng các đơn hàng của các doanh nghiệp tăng từ 10-20% so với năm 2020 do các thị trường nhập khẩu trên thế giới đều đã khôi phục lại.
Một mối lo khác đến từ người nuôi giảm thả nuôi, nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu trầm trọng trong những tháng cuối năm nay.
Các chuyên gia khuyến cáo bà con tiếp tục thả nuôi nhưng với mật độ thưa để thu hoạch được tôm cỡ lớn, đáp ứng nhu cầu cao của thị trường.
Theo kiến nghị của doanh nghiệp, trong thời gian tới, khi việc tiêm vắc xin đạt được sự bao phủ nhất định, cơ quan hữu quan nên có chiến lược phù hợp, chính sách hợp lí cho từng địa phương để vừa phòng chống dịch vừa phát triển sản xuất, đạt “mục tiêu kép”.
Nguồn: Báo Hải Quan Online
19/ Một số quy định nhập khẩu hàng nông sản và thực phẩm vào khu vực Bắc Âu
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia đã tổng hợp tài liệu “Một số quy định nhập khẩu hàng nông sản và thực phẩm vào khu vực Bắc Âu”.
Trong các nước Bắc Âu, chỉ có Na Uy và Iceland không phải là thành viên của Liên minh châu Âu nhưng là thành viên của Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA) nên có thể nói các quy định nhập khẩu đối với hàng nông sản và thực phẩm của các nước Bắc Âu gần như tương đồng với các quy định của EU.
Do vậy, tài liệu được chia làm ba phần: Phần đầu giới thiệu về các quy định nhập khẩu cơ bản của EU, phần tiếp theo giới thiệu một số các quy định quốc gia bổ sung, và phần cuối cùng sẽ giới thiệu một số ấn phẩm và chuyên đề có liên quan.
Nguồn: Bnews
Tài liệu đính kèm
20/ Việt Nam: trung tâm thương mại cho các doanh nghiệp Anh tại châu Á
Năm 2020, xuất khẩu hàng hóa của Anh sang Việt Nam lên tới 692 triệu USD; giảm lần lượt từ 839 triệu USD và 776 triệu USD trong năm 2018 và 2019. Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là y tế và dược phẩm trị giá 131 triệu USD vào năm 2020, tiếp theo là máy móc cơ khí và thiết bị điện với khoảng 85 triệu USD mỗi loại. Nhập khẩu cũng giảm, đạt 5 tỷ USD vào năm 2020, giảm so với 5,9 và 6 tỷ USD trong hai năm trước đó.
Ngoài xuất khẩu hàng hóa, Vương quốc Anh có xu hướng thặng dư dịch vụ. Năm 2018, là năm có dữ liệu cuối cùng, xuất khẩu dịch vụ của Vương quốc Anh là 435 triệu USD, trong khi nhập khẩu là 304 triệu USD.
Các dịch vụ xuất khẩu chính là dịch vụ tài chính cùng với sự hiện diện của các đại gia ngân hàng Anh, HSBC và Standard Chartered, tại Việt Nam. Tuy nhiên, các lĩnh vực dịch vụ đang phát triển xuất khẩu khác bao gồm giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề, dịch vụ hỗ trợ trong các lĩnh vực tái tạo và hydrocacbon của Việt Nam, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải, và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Q thương mại của Vương quốc Anh tại Việt Nam, Campuchia và Lào sau Hiệp định Thương mại tự do Anh – Việt (UKVFTA) được ký kết vào năm 2020.
Hện diện của doanh nghiệp Anh tại Việt Nam
Đến năm 2020, Vương quốc Anh có khoảng 400 dự án đầu tư rải rác khắp cả nước, lên tới 3,7 tỷ USD vốn đăng ký và trở thành nguồn đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam. Các công ty lớn của Vương quốc Anh như Dragon Capital, Standard Chartered, Diageo, Prudential, AstraZeneca, HSBC và Jardines đã đóng những vai trò quan trọng trong việc phát triển một số lĩnh vực nhất định của nền kinh tế, bao gồm tài chính, văn hóa, y tế và giáo dục. Đặc biệt, nhiều công ty lớn của Vương quốc Anh, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể thu lợi đáng kể từ việc Vương quốc Anh có tiềm năng gia nhập CPTPP trong tương lai trong bối cảnh nước này đang liên tục nâng cấp các tiêu chuẩn về lao động và môi trường của Việt Nam, đồng thời mở rộng các cơ hội mua sắm chính phủ.
Việt Nam cũng sẽ sớm đóng vai trò là trung tâm thương mại và đầu tư lớn để tiếp cận Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) gồm 15 thành viên, dự kiến có hiệu lực vào năm 2021. Thông qua hiệp định này, các công ty của Vương quốc Anh có trụ sở tại Việt Nam sẽ có thể xuất khẩu theo ưu đãi đối với không chỉ các nền kinh tế ASEAN khác mà đối với các thị trường Đông Bắc Á khổng lồ như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, cùng những thị trường khác.
Việt Nam, trong bối cảnh các thỏa thuận thương mại khu vực đang phát triển mà Việt Nam là thành viên, đang bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược đa dạng hóa của nhiều công ty Vương quốc Anh như một chiến lược được gọi là “Trung Quốc + 1”. Bằng cách đó, Việt Nam đang đánh bại các đối thủ nền tảng sản xuất chính trong khu vực như Malaysia, Thái Lan và Indonesia khi đứng đầu chỉ số chi phí cơ bản toàn cầu đối với đất đai, tiện ích, bồi thường theo giờ, thuế doanh nghiệp và các yếu tố đầu vào khác, trước Trung Quốc, Mexico và Malaysia ở bốn vị trí hàng đầu. Kết quả là, các nhà sản xuất của Vương quốc Anh từ hãng giày thời trang Ecco, nhà sản xuất mỹ phẩm Unilever và nhà sản xuất sản phẩm y tế AstraZeneca, đã thiết lập hoạt động tại Việt Nam, cùng với một số công ty công nghệ lớn của Vương quốc Anh có trung tâm gia công tại Việt Nam.
Nguồn: Báo Công Thương
21/ AmCham: Đại dịch không giảm vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) – ông Adam Sitkoff – trong buổi trả lời phỏng vấn với chuyên trang tài chính Bloomberg về những thách thực mà doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đang phải đối mặt và những vấn đề về chuỗi cung ứng.
 “Ngay cả khi chuỗi cung ứng gặp khó khăn và nhiều nhà máy phải đóng cửa, xét về khía cạnh kinh tế, Việt Nam vẫn đang làm rất tốt và ngày càng trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt có tác động lớn đến tiêu dùng ở Mỹ” – ông Adam Sitkoff nhận xét.
Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp hơn nữa. Tuy nhiên Covid-19 gây nhiều cản trở. Rất khó để nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư qua các nền tảng online như Zoom. Việc chuyển dịch chuỗi cung ứng cũng không phải là điều đơn giản. Tôi làm việc với rất nhiều doanh nghiệp, và tôi chưa từng thấy ai cười tươi và thông báo rằng họ phải chuyển dịch chuỗi cung ứng của mình sang nơi khác” – đại diện AmCham cho biết.
Ông Sitkoff thừa nhận các doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam đang gặp khá nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp buộc phải sa thải lao động, nhiều nhà máy đình trệ sản xuất, còn các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động thì đang phải chịu thêm chi phí rất cao và trong điều kiện rất khó khăn.
Khảo sát các thành viên của AmCham cho thấy, 90% rất lo ngại về tác động kinh tế của Covid-19, 65% nói rằng đợt bùng phát hiện tại đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình và hơn 1/4 số doanh nghiệp cho biết các biện pháp chống dịch có thể gây thiệt hại hoặc dừng kinh doanh nếu tiếp tục đến tháng 10. Theo đại diện của AmCham, có những doanh nghiệp phải mất chi phí gấp 3 lần để có được 50% người lao động làm việc. Điều này “gây ra gánh nặng cho chuỗi cung ứng” – ông nhận xét.
Đây là giai đoạn đầy thử thách. Tôi chưa bao giờ chứng kiến sự gián đoạn như vậy trong thương mại quốc tế. Tôi thấy rằng doanh nghiệp bắt đầu lựa chọn vận chuyển bằng đường hàng không, thay vì dùng container và vận chuyển bằng đường biển vì chi phí rẻ hơn và cũng tiết kiệm thời gian hơn. Đây là những điều chưa từng xảy ra trong quá khứ” – ông bày tỏ.
Trong một báo cáo công bố ngày 7/9 của Australia & New Zealand Banking Group – một tập đoàn tài chính toàn cầu, các nhà phân tích cũng khẳng định mặc dù phải đối mặt với những khó khăn trước mắt, Việt Nam vẫn có triển vọng trong dài hạn.
“Đại dịch không làm thay đổi sức hấp dẫn của đất nước này với tư cách là một trung tâm sản xuất. Ngoài ra còn có nhiều dư địa để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hơn nữa” – Báo cáo này viết. Tuy nhiên, tác giả của bài phân tích Dhiraj Nim và Khoon Goh cảnh báo có thể hạ mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới. Báo cáo trước đó dự đoán năm 2021, Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,2%.
Nguồn: Báo Công Thương
22/ ASEAN – Ấn Độ: 3 cơ hội xuất khẩu lớn
Tổng kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và ASEAN đạt 86 tỷ USD vào năm 2020, giảm từ 97 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2019 do đại dịch. Tuy nhiên, đây là mức tăng so với tổng giá trị thương mại năm 2017 là 59 tỷ USD cho thấy quỹ đạo chung là đi lên và chỉ bị trở ngại bởi đại dịch.
Các mặt hàng xuất khẩu của Ấn Độ chủ yếu phản ánh xuất khẩu của các nước ASEAN, chẳng hạn như gạo, thiết bị điện, quần áo và phụ kiện.
Kể từ khi thành lập AIFTA, cả hai khu vực đã nỗ lực để dần dần xóa bỏ thuế quan thương mại đối với 80% số dòng thuế. Ấn Độ đã loại bỏ 590 dòng thuế khỏi danh sách xóa bỏ thuế quan và 489 dòng thuế khỏi danh sách ưu đãi thuế quan đối với nông nghiệp, ô tô, dệt may, hóa dầu, dầu cọ thô và tinh chế, chè, cà phê và hạt tiêu…. Bất chấp quy mô và tiềm năng của thị trường ASEAN, Ấn Độ vẫn bị thâm hụt thương mại, ở mức 24 tỷ USD vào năm 2020. Do đó, Ấn Độ mong muốn đàm phán lại các điều khoản của AIFTA để cân bằng cán cân thương mại.
  1. Kinh tế kỹ thuật số: Covid-19 đã thúc đẩy ASEAN áp dụng nền kinh tế kỹ thuật số, dự kiến sẽ có tổng giá trị hàng hóa 300 tỷ USD vào năm 2025. Với hơn 400 triệu người dùng Internet trong khu vực, nền kinh tế kỹ thuật số của ASEAN mang đến cơ hội duy nhất cho các nhà đầu tư Ấn Độ, đặc biệt là đối với chuyên môn của Ấn Độ trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Lĩnh vực này chiếm 8% GDP của Ấn Độ vào năm 2020, với xuất khẩu dự kiến đạt 150 tỷ đôla Mỹ vào năm 2021.
Giáo dục trực tuyến, viễn thông, thương mại điện tử và y tế từ xa đều là những cơ hội có thể mở rộng. ASEAN gần đây đã chứng kiến một trong những thương vụ hợp nhất công nghệ lớn nhất giữa gã khổng lồ gọi xe và thanh toán Gojek và nhà lãnh đạo thương mại điện tử Tokopedia, được định giá 18 tỷ USD. Các phân khúc dựa trên công nghệ như vậy cũng đang mở rộng ở Ấn Độ với các kỳ lân mới nổi trong thanh toán kỹ thuật số (Paytm), bán lẻ trực tuyến (Flipkart), giáo dục trực tuyến (Byjus) và phân khúc gọi xe (Ola).
Thương mại điện tử là động lực thúc đẩy tăng trưởng kỹ thuật số. Đại dịch đã thay đổi hành vi mua hàng của người tiêu dùng ASEAN, dẫn đến nhiều người chuyển sang thương mại điện tử cho các nhu cầu cơ bản của họ. Điều này đã buộc các nhà bán lẻ và nhà sản xuất trong khu vực phải đưa thương mại điện tử vào hoạt động của họ, vốn trước đây được coi là một “lựa chọn” hoặc một phần của chiến lược bán hàng đa kênh hơn là một sáng kiến kinh doanh cốt lõi. Ngành công nghiệp này dự kiến sẽ đạt 172 tỷ USD vào năm 2025 trong ASEAN. Khoảng 40 triệu người dùng mới vào năm 2020 – so với 100 triệu trong 5 năm trước đó.
  1. Chăm sóc sức khỏe: Chăm sóc sức khỏe đang nhanh chóng trở thành ưu tiên của các thành viên ASEAN, trong đó nhiều nước đang chậm cam kết xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân hoặc hệ thống bảo hiểm y tế quốc gia. Các thị trường lớn như Indonesia và Philippines đã thành công trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Singapore, Thái Lan và Malaysia cung cấp mức độ chăm sóc sức khỏe tiên tiến nhất cho công dân của họ, từ các thủ thuật thần kinh tiên tiến đến thiết lập phương pháp điều trị chuyên biệt như cấy ghép tim.
Ngành công nghiệp chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ, đặc biệt là ngành dược phẩm trị giá hàng tỷ đôla, có thể trở thành nhà cung cấp thiết bị, thuốc và vắc xin đáng tin cậy cho các thị trường này. Hơn nữa, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ có thể thu hút một số trong số 11 triệu người tiêu dùng y tế toàn cầu đến Đông Nam Á để điều trị. Riêng người Indonesia đã chi hơn 1 tỷ đôla Mỹ cho việc điều trị y tế ở nước ngoài trước đại dịch, chủ yếu ở Malaysia và Singapore.
  1. Nông nghiệp: Tiêu thụ lúa mì ở ASEAN đã tăng lên trong nhiều thập kỷ qua, mặc dù ASEAN đóng góp vào khoảng 54% lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Thu nhập bình quân đầu người tăng và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng đã góp phần làm tăng mức tiêu thụ các sản phẩm làm từ lúa mì. Hơn nữa, khí hậu nhiệt đới của khu vực gây khó khăn cho việc trồng trọt với nhiều thành viên, chẳng hạn như Indonesia, gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu lúa mì để làm thức ăn và thực phẩm. Quốc gia này là một trong những nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, với hơn 11 triệu tấn hàng năm, được sử dụng để làm bánh mì nhưng Indonesia lại là thị trường mì ăn liền lớn thứ hai, sau Trung Quốc.
Nguồn: Báo Công Thương
23/ Khơi thông “cao tốc” kinh tế kết nối Việt Nam – EU
Hợp tác chưa tương xứng tiềm năng
Ông Richard Schenz – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Áo – cho biết, Áo mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư mới ở Việt Nam để tránh những đổ vỡ trong chuỗi cung ứng hàng hóa đang có nguy cơ xảy ra trên phạm vi toàn cầu. “Gần đây, chúng tôi đã thiết lập một văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, nhằm thúc đẩy việc tham gia vào các cơ hội hợp tác về công nghệ thành phố thông minh, phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và giao thông vận tải, công nghệ xử lý môi trường, xử lý rác thải…” – ông Richard Schenz chia sẻ.
Về thương mại, Áo nằm trong 5 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam trong EU. Kim ngạch thương mại song phương 2020 đạt 3,2 tỷ USD, con số ấn tượng trong bối cảnh Covid-19, gấp 13 lần so với 2010.
Sớm phê chuẩn EVIPA
Để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Áo trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, hai bên cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên hợp tác như năng lượng sạch, hạ tầng, viễn thông, kinh tế số, ứng dụng công nghệ sinh học. Đồng thời, nâng cao vai trò của Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam – Áo về hợp tác kinh tế thương mại, phối hợp triển khai các chương trình hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức…
Đặc biệt, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã được thực hiện được hơn 1 năm. Nhưng, Hiệp định EVIPA mới chỉ có 6/27 quốc gia chính thức phê chuẩn EVIPA. Do đó, Việt Nam mong muốn Phòng Thương mại và Công nghiệp Áo và doanh nghiệp Áo ủng hộ Việt Nam, có tiếng nói để thúc đẩy Quốc hội và Chính phủ Áo hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVIPA sớm nhất.
Chúng tôi ví EVFTA và EVIPA như là hai cánh của một con chim, nếu chỉ có Hiệp định thương mại mà không có Hiệp định bảo hộ đầu tư thì quyền lợi của các nhà đầu tư Việt Nam, cũng như của châu Âu sẽ không được bảo đảm. Khi hoàn tất phê chuẩn các hiệp định này ở Nghị viện, lúc đó chúng ta mới có thể coi 2 hiệp định này như là một cao tốc, đại lộ kinh tế hai chiều để kết nối châu Âu với Việt Nam” – Chủ tịch Quốc hội bày tỏ.
Nguồn: Báo Công Thương
24/ Ngành dệt may, da giày khó khôi phục trong ngắn hạn
Là ngành công nghiệp lớn, đóng góp giá trị cho xuất khẩu và đảm bảo số lượng lớn việc làm cho nhiều lao động, nhưng ngành dệt may, da giày đến nay đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Một doanh nghiệp dệt may lớn với quy mô gần 5.000 lao động cho hay, công ty đã phải nghỉ sản xuất trong vòng 1 tháng. Theo đó, riêng chi phí khấu hao khoảng 6 tỷ đồng/tháng; chi phí bảo hiểm vẫn phải đóng cho người lao động khoảng 4 tỷ đồng/tháng; chi phí lãi vay ngân hàng phải trả 1,5 tỷ đồng/tháng.
Bên cạnh đó, công ty còn phải trả chi phí xét nghiệm test COVID-19 cho người lao động 2 tỷ đồng/tháng; chi phí đi vận chuyển bằng máy bay cho những đơn hàng gấp 4 tỷ đồng/tháng. Tổng cộng những chi phí cố định đó, công ty phải trả lên đến số tiền 17,5 tỷ đồng/tháng.
Mặt khác, thực tế hiện nay, công ty này vẫn đang trả lương cho người lao động, dù họ ở nhà không đi làm.
Theo tính toán sơ bộ, với một doanh nghiệp da giày với khoảng 9.000 lao động, chi phí triển khai các biện pháp phòng chống dịch mất khoảng 1 triệu USD, chưa kể chi phí đầu vào tăng từ 5-10%.
Các doanh nghiệp cho hay, nặng nhất vẫn là tiền phạt chậm giao hàng. Nếu đơn hàng bị chậm, ngoài việc tăng chi phí vận chuyển bằng máy bay, doanh nghiệp còn có thể bị phạt lên đến cả trăm tỷ đồng.
Hiệp hội cũng đã đề xuất phương án mở cửa dần dần với 3 giai đoạn. Theo đó, giai đoạn 1, doanh nghiệp đưa khoảng 30% công suất. Từ đó có đánh giá, rút kinh nghiệm để tiếp tục triển khai tăng dần lên từ 50-70% công suất sản xuất.
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu dịch còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong thời gian tới, các doanh nghiệp không còn khả năng duy trì và ổn định sản xuất và khó giữ chân khách hàng tại Việt Nam. Đây là thách thức rất lớn cho ngành dệt may, da giày…
Bên cạnh đó, người lao động tại các doanh nghiệp cũng rời bỏ các trung tâm sản xuất lớn ở phía Nam như: Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… để tránh dịch khiến doanh nghiệp thiếu hụt lao động trầm trọng,” ông Vũ Đức Giang nói thêm.
Về vấn đề này, phía Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng, quan trọng hiện này là đảm bảo nhân lực trong điều kiện kế hoạch sản xuất biến thiên, thiếu hụt nguồn vaccine tiêm phòng và dịch bệnh khó dự báo được như hiện nay.
Báo cáo mới đây từ Bộ Công Thương cho hay, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng 7 và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu của hàng dệt và may mặc giảm 9,2%, giày dép các loại giảm 38,5%…
Khó có thể đưa ra một dự báo chính xác về tương lai và triển vọng của ngành dệt may trong thời gian ngắn và trung hạn, khi dịch bệnh trong nước vẫn đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tới sản xuất của doanh nghiệp và tâm lý người lao động.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng, phải trì hoãn, hủy đơn hàng, có nguy cơ bị mất thị trường, thay đổi chuỗi cung ứng.
Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu có thể vẫn gặp nhiều khó khăn khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam buộc phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội khiến cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn, giao thông vận tải, hậu cần và logistics bị gián đoạn.
Nguồn: VietnamPlus
25/ Số hóa xúc tiến thương mại
Năm 2021 được coi dấu mốc quan trọng khi các loại trái cây như: Vải, nhãn tươi được xuất khẩu trực tiếp sang các nước Tây Âu như: Hà Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Anh. Quả vải tươi đã không chỉ hiện diện trong hệ thống cửa hàng, siêu thị châu Á mà chính thức xâm nhập vào chuỗi siêu thị thực phẩm tại châu Âu. Vừa qua, hơn 15 tấn sầu riêng đông lạnh của Công ty TNHH xuất nhập khẩu Ưu Đàm xuất sang Australia đã “cháy hàng” chỉ trong 2 ngày phân phối. Đặc biệt, lần đầu tiên, một lô hàng lớn lên đến 22 tấn quả sấu đông lạnh Việt Nam cũng được nhập khẩu, phân phối và tiếp thị tại thị trường này… Đó chỉ là một số thành quả ban đầu hứa hẹn những triển vọng. Góp phần tạo nên thành công này là nỗ lực của cả hệ thống XTTM, trong đó có các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.
Với vai trò đầu mối, Cục XTTM (Bộ Công Thương) cũng đã rất nhanh, ứng công nghệ thông tin trong triển khai các hoạt động xúc tiến. Sự thành công của hàng loạt các hội nghị giao thương trực tuyến là minh chứng cho những nỗ lực này.
Nhằm đổi mới hình thức, nâng cao hiệu quả hoạt động XTTM cho doanh nghiệp, Cục XTTM đang hoàn thiện hệ sinh thái XTTM (VECOBIZ) trên môi trường công nghệ thông tin. Doanh nghiệp, nhà xuất khẩu có thể tải miễn phí từ Apple Store hay Android để sử dụng trên điện thoại thông minh, ipad, máy tính.
Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục XTTM – cho biết, hệ sinh thái này cho phép cùng một lúc người sử dụng có thể tìm kiếm được những hội chợ ở trong nước và quốc tế có liên quan đến các ngành hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ lực của Việt Nam; kết nối nhà xuất khẩu với nhà nhập khẩu, trong nước với nước ngoài; thông báo và quản lý hội nghị, sự kiện liên quan đến hoạt động XTTM; tìm kiếm cùng một lúc những hoạt động khuyến mại trên khắp cả nước đã, đang, sẽ diễn ra.
Nguồn: Báo Công Thương
26/ 60% doanh nghiệp thủy sản khó khôi phục ngay sau giãn cách
Theo khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tính tới cuối tháng 8/2021, chỉ có khoảng 30-40% doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam hoạt động được “3 tại chỗ”; khoảng 30-40% doanh nghiệp không đủ thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, số phần trăm còn lại đã tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy để thực hiện “3 tại chỗ”. Ước tính, công suất chung của cả vùng đã giảm từ 60-70%.
Chia sẻ nguyên nhân không thể tiếp tục “3 tại chỗ”, bà Nguyễn Thị Ánh- Giám đốc Công ty TNHH Sông Tiền (Tiền Giang) – cho biết, do địa phương thực hiện giãn cách quá lâu, công nhân, người lao động làm việc “3 tại chỗ” đã bắt đầu mệt mỏi và mong được về nhà. Thêm vào đó, việc thực hiện “3 tại chỗ” đã phát sinh rất nhiều chi phí trong khi công suất sản xuất giảm nên công ty không thể tiếp tục được.
Hiện chúng tôi chỉ duy trì được 10 công nhân trong nhà máy để giải quyết những đơn hàng đang dang dở. Số công nhân còn lại tạm thời cho nghỉ việc và được trả lương cơ bản”- bà Ánh cho biết thêm.
Nguyên nhân do chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị dứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; doanh nghiệp bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không đảm bảo tiến độ giao hàng. Đặc biệt là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, hay đang điều trị Covid…
Chỉ tính riêng đến nguồn thức ăn chăn nuôi cho thủy sản hiện cũng đang rơi vào thiếu hụt bởi đơn vị sản xuất cũng phải thực hiện “3 tại chỗ” nên công suất giảm. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới nguồn nguyên liệu nuôi cá tra cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Dự báo, nguồn nguyên liệu từ nuôi trồng sẽ thiếu từ 20-30% và giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10-20% trong những tháng cuối năm”- một doanh nghiệp chế biến thủy sản cho hay.
Chúng tôi đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thứ tự ưu tiên các thành phần được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Theo đó, sau những người làm tại các cơ sở y tế và những cán bộ liên quan phải tiếp xúc với người dân, người cao tuổi, người có bệnh nền thì thứ tự tiếp theo là những người lao động như ngành thủy sản, trong đó đặc biệt ưu tiên cho lực lượng tại các nhà máy đang áp dụng phương thức “3 tại chỗ”. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất các địa phương không áp dụng cứng nhắc quy định sản xuất “3 tại chỗ” bằng việc hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện “1 cung đường – 2 điểm đến” sau khi đã tiêm đủ vắc xin ngừa Covid-19 và nơi ở công nhân là một địa điểm ngoài nhà máy”- đại diện VASEP cho biết.
Cùng với đó, vào tháng đầu tháng 8/2021 VASEP đã kiến nghị Bộ Công Thương xem xét hỗ trợ giảm giá tiền điện dài hạn cho doanh nghiệp thủy sản. Lý do, điện rất quan trọng đối với bất cứ nhà máy nào, từ khâu chế biến – cấp đông – kho bảo quản, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn đầu tư cả khâu nuôi trồng để hoàn thiện chuỗi cung ứng.
 “Chúng tôi đánh giá cao việc giảm giá tiền điện kéo dài trong 3 tháng cho doanh nghiệp thủy sản. Với mức giảm 10%, mỗi tháng chúng tôi sẽ tiết giảm được hơn 100 triệu đồng, bù vào các chi phí đang phát sinh do thực hiện kéo dài giãn cách xã hội”- bà Nguyễn Thị Ánh chia sẻ.
Nguồn: Báo Công Thương
27/ G7 thảo luận về thỏa thuận cải cách thuế toàn cầu
Theo nguồn tin từ Bộ trên, tại cuộc họp tổ chức trực tuyến ngày 9/9, các nước thành viên G7 sẽ cố gắng đạt được tiến triển trong các cuộc đàm phán kỹ thuật về thỏa thuận cải cách thuế toàn cầu.
Hồi tháng Sáu, các Bộ trưởng Tài chính G7 đã đưa ra một cam kết “lịch sử” về việc áp mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các tập đoàn lớn như những “gã khổng lồ” công nghệ tại tất cả quốc gia mà họ hoạt động.
Thỏa thuận mang tính bước ngoặt trên sẽ giúp chấm dứt tình trạng các tập đoàn đa quốc gia chuyển lợi nhuận đến các quốc gia áp dụng mức thuế doanh nghiệp thấp để trốn thuế. Tuy nhiên, một số quốc gia đã phản đối kế hoạch này, đáng chú ý nhất là Ireland – quốc gia đã thu hút các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Apple và Google với mức thuế 12,5%.
Các Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng đã lên tiếng ủng hộ thỏa thuận đánh thuế tối thiểu và việc thống nhất một thỏa thuận cuối cùng dự kiến sẽ diễn ra trong thời gian chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 tại Rome, Italy vào tháng Mười, với hy vọng thỏa thuận có thể được thực hiện vào 2023.
Nguồn: Bnews
28/ ‘3 tại chỗ’ kém hiệu quả, nguồn cung gián đoạn, đơn hàng dịch chuyển…doanh nghiệp xuất khẩu gánh ‘nghìn cân khó’
Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM và doanh nghiệp FDI trên địa bàn TP hồi cuối tháng 8, báo Thanh Niên dẫn lời ông Lê Hữu Bình, đại diện Công ty Jabil Việt Nam, cho biết trong một tháng qua, từ khi chuyển đổi phương án sản xuất và giảm công suất đến 70% vì dịch COVID-19, công ty không thể giao hàng đúng tiến độ nên rất nhiều đơn hàng của công ty bị đối tác hủy, chuyển sang các nhà máy ở Trung Quốc, Mexico, Ấn Độ… 
Jabil là doanh nghiệp thuộc tập đoàn đa quốc gia Mỹ, chuyên lĩnh vực công nghiệp điện tử, kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD mỗi năm nhưng hiện nay “số đơn hàng bị mất có giá trị khoảng 200 triệu USD. Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, sẽ dẫn đến rủi ro là công ty phải thu hẹp quy mô hoạt động tại Việt Nam”, ông Bình thông tin.
Doanh nghiệp xuất khẩu kêu trời vì ‘3 tại chỗ’ lộ nhiều bất cập
Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền, một trong những nguyên nhân khiến hoạt động xuất khẩu của loạt doanh nghiệp thuộc ngành hàng mũi nhọn như lúa gạo, dệt may, da giày, gỗ…chuyển màu “u ám” chính là việc áp dụng các biện pháp chống dịch như “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” kém hiệu quả. 
Ông Điền phân tích mặc dù nhiều doanh nghiệp vẫn bố trí được phương án này nhưng công suất cao nhất cũng chỉ đạt 50 – 70%.
Chẳng hạn việc lập chốt kiểm soát dày đặc ở từng phường, từng xã với nhiều quy định khác nhau khiến cho nông dân không thể ra đồng gặt lúa, thương lái cũng không đến thu mua được. Từ đó, hàng hóa sản xuất không thể vận chuyển đến nơi tiêu thụ, khiến các mặt hàng nông sản thế mạnh của xuất khẩu bị sụt giảm“, ông Điền chia sẻ.
Số liệu của Bộ Công Thương đã chứng minh kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thuỷ sản trong tháng 8 giảm đến 19,2% so với tháng 7 và giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2020. 
Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng Giám đốc điều hành công ty TNHH nông nghiệp hữu cơ Việt Suisse, cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là khâu vận chuyển từ ghe đến xe đều phải tuân theo Chỉ thị 16 và thủ tục lưu thông, điều này mất rất nhiều thời gian và gặp nhiều vướng mắc.
Nhà máy của công ty ở Trà Vinh, để vận chuyển hàng lên TP HCM phải qua các chốt kiểm dịch của tỉnh như Bến Tre, Long An…nhưng mỗi địa phương khi áp dụng quy định lại hiểu và thực hiện theo mỗi cách khác nhau nên dù doanh nghiệp đã chuẩn bị các loại giấy tờ cho tài xế vẫn chưa hẳn lưu thông được tất cả chốt“, ông Hùng cho hay.
Chia sẻ tại diễn đàn “Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng, chống COVID-19” hồi cuối tháng 7, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, thời điểm trước khi dịch bùng phát trở lại (đầu tháng 4/2021), giá cước vận chuyển container đi Mỹ là 1.800 USD/container (40 feet) nhưng nay giá lên tới 9.600 USD/container.
Không riêng các chặng đi Mỹ, giá cước container Việt Nam đi EU cũng đang trong tình trạng tăng phi mã. So với thời điểm tháng 4, cước container đến một số cảng biển tại Nga đã tăng thêm 6.000 USD/container.
Trong khi giá cước tàu tăng vẫn không có dấu hiệu dừng thì hoạt động ở các bến cảng như Yantian (Trung Quốc) hay Cát Lái bị gián đoạn đã tạo thêm thế khó càng thêm khó cho xuất khẩu.
Còn tại Việt Nam, hồi cuối tháng 7, sau ba tuần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, lượng container xuất nhập tàu, conatiner giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận container liên tục giảm so với cùng kỳ khi chưa giãn cách, kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Tân cảng Cát Lái tăng cao, dẫn đến dung lượng tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất.
Những điều này là thực tế bế tắc của tất cả doanh nghiệp, không riêng một ngành hàng nào có thể sống tốt trong giai đoạn muôn vàn khó khăn hiện nay.
Đơn cử như với ngành gỗ, dù hoạt động xuất khẩu 7 tháng đầu năm tăng trưởng tích cực hơn 54% nhưng bước sang tháng 8 cũng không thoát cảnh lo sợ “con sóng” dịch COVID-19.
Từ những khó khăn trong khâu sản xuất, đến vận chuyển đã “đẩy” đối tác dần chuyển đơn hàng sang nước khác khi thấy tình hình chống dịch tại Việt Nam vẫn căng thẳng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho hoạt động xuất khẩu sụt giảm.
Ông Nguyễn Chí Trung, Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, cho hay dịch bệnh phức tạp đã khiến cho các đơn hàng bị đứt quãng và gây nhiều tổn thất cho doanh nghiệp.
Các đơn hàng giao trong tháng 9, tháng 10 của công ty đã bị đối tác cắt và chuyển sang các nước khác như Trung Quốc. Khách hàng cũng cảnh báo nếu tháng 9 không phục hồi sản xuất thì đơn hàng tháng 11, 12 cũng sẽ cắt vì họ không thể chờ đợi lâu được“, đại diện Tập đoàn Gia định chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Chí Trung thiệt hại của doanh nghiệp trước mắt là rất lớn vì nguyên vật liệu công ty đã nhập về mà không thể sản xuất. Thứ hai, với đối tác đã cắt đơn hàng, khi dịch bệnh qua đi việc đơn hàng quay trở lại Việt Nam là rất khó, công ty sẽ mất một thời gian dài để khôi phục.
Nhanh chóng phủ vắc xin cho người lao động để cứu vãn xuất khẩu cuối năm
Do đó, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thanh Điền nhận định: “Hiện giờ nếu chiến lược chống dịch không thể hoàn thành thì cần chuyển sang trạng thái sống chung với dịch để mở cửa nền kinh tế. Theo đó, điều kiện để làm được điều này là cần nhanh chóng phủ vắc xin cho người lao động“.
Ông Điền cho rằng dù đơn hàng tấp nập vào cuối năm, sức mua có thể tăng vào mùa cao điểm nhưng nếu khả năng sản xuất của doanh nghiệp không thể phục hồi khi dịch bệnh vẫn phức tạp thì hàng hóa cũng không cách nào xuất khẩu mạnh như kỳ vọng. 
Phân tích rõ hơn chuyên gia này cho biết hiện nay các địa phương đang ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động nhưng do tình hình dịch vẫn phức tạp nên khi mở cửa lại doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K và quy định giãn cách. Do đó, doanh nghiệp sẽ không thể huy động được 100% công suất, điều này đồng nghĩa với việc hoạt động xuất khẩu cũng không thể tăng trưởng như dự tính.
Trong 4 tháng cuối năm, dù chúng ta có mở cửa lại bằng một chính sách hợp lý như người lao động phải được tiêm đẩy đủ vắc xin, xét nghiệm định kỳ, thực hiện giãn cách, triển khai làm online với nhiều vị trí lao động gián tiếp…nhưng số doanh nghiệp có thể thực hiện chính sách này sẽ không nhiều, dẫn đến hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm có thể tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nền kinh tế phải được khởi động lại từng bước để người lao động có việc làm và doanh nghiệp trở lại hoạt động, dù không thể mong chờ kết quả tăng trưởng sáng sủa như dự báo đầu năm“, ông Huỳnh Thanh Điền nhận định.
Nguồn: VietnamBiz
BSA Tổng hợp