Các doanh nghiệp châu Âu cho rằng đang chuyển một số đơn hàng ra các nước khác vì tình hình giãn cách ở Việt Nam. Ảnh minh họa: DNCC
1/ Covid-19, thiên tai tấn công sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc | Vàng, Bạch kim trượt giá trước quyết định của Fed | Brazil: giảm 27% sản lượng cà phê xuất khẩu |
  • Chịu ảnh hưởng bởi trận lũ lớn ở Hà Nam, kèm sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19 (chủng Delta), chỉ số sản xuất công nghiệp của Trung Quốc chỉ phục hồi tăng thêm 5,3% so với 6,4% hồi tháng rồi. Thậm chí còn tụt 0,5 điểm % so với dự báo của các chuyên gia. Chỉ số tiêu dùng cũng phục hồi chậm hơn với 2,5% thay vì dự báo 7,0%.
  • Dưới sức ép của dữ liệu kinh tế, Ngân hàng trung ương Mỹ (Fed) vẫn chưa thể quyết định có tăng lãi suất trần hay không. Dẫn đến việc các kim loại quý trượt giá sau một thời gian tăng: Bạch kim rớt xuống $925,50 dollar mỗi oz – thấp nhất trong 9 tháng qua; Vàng giữ vững ở mức $1.800 dollar mỗi oz – vẫn thấp hơn mức cao nhất vào khoảng $1.970 dollar mỗi oz cùng kỳ năm ngoái (trên đà giảm). Bên cạnh đó, ngân hàng UBS hạ dự báo giá Palladium xuống còn $2.000 dollar mỗi oz. Việc tăng giá của đồng dollar khiến vàng và các kim loại quý trở nên đắt đỏ hơn với nội tệ của những nước khác phải mua bằng đồng dollar.
  • Ngày 13, tháng 9, sản lượng cà phê sạch xuất khẩu của Brazil lần đầu tiên rớt 27% trong tháng 8, tương đương 2,33 triệu túi – đây là nước sản xuất cà phê sạch lớn nhất thế giới. Lý do được đưa ra là bởi sự thiếu hụt container rỗng và những khó khăn trong vận tải biển. Hiệp hội Cecafe tại Brazil dự báo khoảng 3,5 triệu túi cà phê sạch sẽ không thể gửi đi đúng hẹn trong năm nay bởi khó khăn trong vận tải – tương đương $500 triệu usd thất thu cho các nhà xuất khẩu cà phê trong năm nay.
Nguồn: Reuters
2/ Doanh nghiệp EU chuyển đơn hàng khỏi Việt Nam
Đơn hàng đã rục rịch rời đi
Theo báo cáo Chỉ số môi trường kinh doanh trong thời gian phong toả, giãn cách xã hội vừa được EuroCham khảo sát, 18% các doanh nghiệp trong ngành sản xuất đã chuyển dịch một phần đơn hàng hoặc nhu cầu sản xuất sang các nước khác. 16% doanh nghiệp cũng đang cân nhắc điều này. Mặc dù vậy, Chủ tịch EuroCham khẳng định, hiện chưa có doanh nghiệp EU nào rời khỏi Việt Nam.
Đây chủ yếu là chuyển các đơn đặt hàng và là quyết định tạm thời của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu việc giãn cách xã hội vẫn tiếp tục kéo dài tại các địa phương thêm 2-3 tháng nữa hoặc lâu hơn, cùng với thiếu vaccine tiêm cho người lao động, chuỗi cung ứng đứt đoạn và dịch bệnh không được kiểm soát…, việc có doanh nghiệp nước ngoài rời đi “hoàn toàn có thể xảy ra”, ông Alain Cany cho biết.
Dịch lần thứ 4 đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Khiến gần 80% doanh nghiệp EU tại Việt Nam có kết quả kinh doanh không tốt 3 tháng qua, trong đó 29% nói “rất tệ” do giãn cách kéo dài.
Phần lớn cho rằng, hạn chế về vận tải, cung ứng hàng hoá (71%) và điều kiện thị trường (51%) là hai tác nhân chính ảnh hưởng mạnh nhất tới sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, hơn một nửa doanh nghiệp cho hay, không có hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý và chính quyền về việc họ cần làm gì trong trường hợp xuất hiện các ca F0 tại nhà máy. Còn gần 2/3 doanh nghiệp đề nghị cần có quy tắc tập trung của Chính phủ cho hoạt động kinh doanh, thay vì để các địa phương tự quyết định.
Khoảng 56% doanh nghiệp EU tại Việt Nam đã tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine cho nhân viên, chủ yếu các công ty có trụ sở tại TPHCM. Với phần nhỏ các doanh nghiệp còn lại, họ cho biết chưa nhận được kế hoạch cụ thể về tiêm phòng cho nhân viên (81%). 9% doanh nghiệp cho biết họ không rõ về kế hoạch tiêm vaccine cho người lao động từ nhà chức trách.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
3/ Triển vọng xa vời của ngành vận tải biển toàn cầu
Gần 18 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, ngành vận tải biển toàn cầu vẫn chìm sâu trong khủng hoảng, và triển vọng phục hồi vẫn còn xa.
Suốt nhiều tháng qua, các chuỗi cung ứng toàn cầu đã bị “kéo căng” đến mức giới hạn, gây ra tình trạng thiếu hụt nhiều mặt hàng, từ chip máy tính đến mặt hàng sữa lắc của McDonald.
Tình trạng dư container rỗng đã kéo dài khi các biện pháp hạn chế tiếp tục làm gián đoạn hoạt động tại các cảng và kho chứa, giữa lúc chi phí vận chuyển tiếp tục tăng cao.
Một điểm mâu thuẫn là nhiều mặt hàng được vận chuyển từ châu Âu sang châu Á là những vật liệu giá trị thấp như giấy loại và kim loại thải.
Một vấn đề khác là các container đang được lưu thông lại bị giữ lại trong khoảng thời gian dài hơn bình thường trung bình 15-20%, đồng nghĩa cần phải có nhiều container hơn để vận chuyển cùng một lượng hàng hóa như trước.
Ông John Fossey, người phụ trách nghiên cứu về mảng container của Drewry, cho biết các công ty sản xuất container, chủ yếu ở Trung Quốc, đã phải chịu chi phí nguyên vật liệu thô gia tăng. Container phần lớn được làm từ một loại thép đặc biệt có thể chống ăn mòn, và giá vật liệu này đã tăng mạnh, bên cạnh sự gia tăng trong chi phí tiền lương cho công nhân.
Triển vọng mờ mịt
Các chuyên gia trong lĩnh vực container không chắc khi nào giá mặt hàng này sẽ hạ nhiệt. Nhưng họ đồng thuận trong quan điểm rằng tình hình này sẽ không thể được giải quyết trong một sớm một chiều.
Ông Gene Seroka, Giám đốc điều hành cảng Los Angeles nhận định, sự tăng mạnh trong nhu cầu hàng hóa do dịch COVID-19 hiện nay là điều chưa từng có trước đây. Theo ông, dù điều đó là tín hiệu tích cực của nền kinh tế toàn cầu, nhưng nó sẽ khiến các vấn đề trong chuỗi cung ứng kéo dài đến năm 2023.
Nguồn: Bnews
4/ Việt Nam – Nga: Dư địa FTA với EAEU
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga trong 7 tháng đầu năm 2021 đã tăng mạnh 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 323,26 triệu USD.
 Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước như: Thủy sản tăng 66%, rau quả tăng 47,6%, hạt điều tăng 59,76%, hạt tiêu tăng 71,3%, cà phê tăng 3,5%, đặc biệt cao su tăng tới 230,8%.Tuy nhiên, vẫn có một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nga giảm là chè, gạo, gỗ và sản phẩm gỗ.
Đối với mặt hàng rau quả: Việt Nam là đối tác ký FTA đầu tiên với khối Liên minh kinh tế Á – Âu với tỷ lệ gần 90% dòng thuế được cắt giảm, trong đó 59,3% được xóa bỏ. Đây là cơ hội tốt đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, trong đó có mặt hàng thế mạnh là rau quả khi xuất khẩu vào thị trường Nga.
Trong 7 tháng đầu năm 2021, dứa chế biến là sản phẩm được các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Nga, đạt 14,6 triệu USD, tăng 73%. Hoặc như Xoài tăng 301,8%, chuối tăng 2.395%, dừa tăng 787,6%…
Đối với cà phê: 6 tháng đầu 2021, Việt Nam là thị trường cung cấp cà phê lớn nhất với khối lượng 36,77 nghìn tấn, chiếm 31,2% thị phần, giảm so với 41% của năm ngoái. Nga đã tăng đáng kể lượng cà phê nhập khẩu từ Brazil, Indonesia, Italia, Uganda. Việt Nam là nước cung cấp cà phê lớn nhất vào Liên bang Nga trong nhiều năm.
Tuy nhiên, cà phê có thương hiệu của Việt Nam hầu như không có trên kệ hàng của các chuỗi siêu thị tại Nga (khoảng 99% cà phê Việt Nam xuất khẩu sang Nga là cà phê thô, cà phê rang xay chỉ có 1%).
Trong 6 tháng đầu năm, giá bình quân cà phê của Việt Nam xuất khẩu vào Nga đạt 1.866 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với mức 6.000 – 7.000 USD/tấn của các nước EU xuất khẩu sang Nga. So với thị trường Italia, lượng cà phê của Việt Nam xuất khẩu vào Nga tuy cao gấp 4,4 lần, nhưng trị giá chỉ cao hơn 1,15 lần khi xuất khẩu vào Nga.
Nguồn: Báo Công Thương
5/ Xuất khẩu gỗ sang EU sụt giảm vì Covid-19
Kim ngạch xuất khẩu gỗ sang thị trường EU tăng trưởng liên tục trong 7 tháng đầu năm 2021. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đạt 396,9 triệu đô la Mỹ, tăng 34,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Tuy nhiên, đến tháng 8 tốc độ tăng trưởng đó bắt đầu chững lại. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang EU giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới thị trường EU trong nửa cuối năm 2021 giảm từ 10 đến 12% so với nửa đầu năm 2021.
Dịch bệnh Covid-19 khiến chuỗi cung ứng đứt gãy, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ngành gỗ chịu ảnh hưởng nặng nề, ngoài ra giá cước vận tải tăng cao là những nguyên nhân chính cản trở đà tăng trưởng trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường châu Âu.
Ngoài những nguyên nhân khách quan kể trên, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp gỗ Việt Nam vẫn còn yếu cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu của ngành này chững lại.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
6/ Armenia tiếp Việt Nam thông qua Liên minh Kinh tế Á-Âu
Armenia, một quốc gia thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) cùng với Belarus, Nga, Kazakhstan và Kyrgyzstan. Việt Nam đã ký FTA với EAEU vào năm 2015 và bắt đầu thực thi vào năm 2016.
Các cơ quan quản lý của Armenia cho biết nước này quan tâm đến việc trao đổi thông tin của các quốc gia thành viên của Liên minh Kinh tế Á-Âu với Việt Nam vì Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu đã ký một thỏa thuận về một trong những nội dung liên quan đến việc trao đổi thông tin về sản phẩm và sự di chuyển của các phương tiện giao thông.
Việc có văn bản này là rất quan trọng đối với Armenia vì nó sẽ cho phép Armenia tập trung hơn vào thị trường Việt Nam và lưu ý đến nhu cầu và xu hướng tiêu dùng. Mặc dù quá trình này mang tính chất hành chính và một phần chính trị của Armenia, nhưng nó cho thấy sức hấp dẫn ngày càng tăng đối với các thành viên EAEU khi quan tâm đến việc phát triển thương mại song phương với Việt Nam thông qua FTA Việt Nam-EAEU.
Nguồn: Báo Công Thương
7/ EVFTA tạo động hợp tác kinh tế với Séc
Ngày 10/9, Diễn đàn Thương mại Séc-Việt đã diễn ra tại Trung tâm thương mại VINAMO ở thành phố Brno, thủ phủ vùng Nam Morava (Cộng hòa Séc).
Tham dự sự kiện về phía nước chủ nhà có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính, tiến sỹ Alena Schillerova, cùng các quan chức cấp cao của Bộ, đại diện lãnh đạo của Liên đoàn Công nghiệp, Tổng cục Hải quan, Ngân hàng Xuất khẩu Séc và các doanh nghiệp.
Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Cộng hòa Séc ở Đông Nam Á và là đối tác thứ 13 trên thế giới. Việt Nam không chỉ xuất khẩu sang Cộng hòa Séc các mặt hàng tiêu dùng mà còn cả các mặt hàng công nghiệp.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp Séc, trong đó có các doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị y tế, đã thành công tại Việt Nam. Việc hiệp định EVFTA có hiệu lực sẽ tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng thương mại giữa hai nước lên ít nhất 50%.
Năm 2020, kim ngạch thương mại Việt Nam-Séc đạt 1,5 tỷ USD, tăng hơn 22% so với năm 2019. Sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đạt 27 tỷ USD, tăng hơn 18% so với cùng kỳ.
Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp Séc, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Jaroslav Hanak nhấn mạnh tới vai trò của liên đoàn trong việc kết nối doanh nghiệp hai nước, cũng như đánh giá cao tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại song phương.
Ông Jaroslav Hanak cho biết Liên đoàn Công nghiệp Séc đã tổ chức 11 diễn đàn doanh nghiệp nhân các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Về Diễn đàn Thương mại Séc-Việt, ông Jaroslav Hanak cho rằng đây cơ hội cung cấp thông tin cho các đoàn doanh nghiệp Séc sang tìm hiểu cơ hội đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác thương mại giữa hai nước sau đại dịch.
Liên đoàn Công nghiệp Séc là tổ chức phi chính phủ (NGO), đại diện cho quyền lợi của các doanh nghiệp Séc trong lĩnh vực công nghiệp vốn chiếm tới 30% GDP cả nước.
Liên đoàn có 11.000 thành viên là các doanh nghiệp tư nhân và 150 doanh nghiệp tập thể, trong đó có Skoda – công ty sản xuất ôtô hàng đầu của Cộng hòa Séc. Liên đoàn có chức năng cung cấp thông tin thị trường nước ngoài cho các doanh nghiệp Séc, cũng như tham gia xây dựng chính sách đối ngoại về kinh tế cho Chính phủ Séc.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Séc Alena Schillerova Schillerova chia sẻ: “Tôi đánh giá cao sự phát triển ngày càng lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Séc. Trước đây, các doanh nghiệp của người Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, nay đã phát triển với quy mô lớn. Đây là cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương. Tôi tin tưởng diễn đàn này sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp Séc cũng như doanh nghiệp Việt Nam về thị trường, cơ hội đầu tư và kinh doanh tại mỗi nước do hiệp định EVFTA mang lại, qua đó đưa quan hệ hợp tác truyền thống hữu nghị giữa hai nước lên tầm cao mới, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.”
Nguồn: VietnamPlus
8/ EVFTA: cơ hội thương mại Việt Nam – Phần Lan
Chiều 11/9, (giờ Việt Nam), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan, tại Thủ đô Helsinki, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đã dự Tọa đàm Doanh nghiệp Việt Nam – Phần Lan.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU đã được phê chuẩn tạo ra cơ hội rất lớn về thương mại giữa Việt Nam và Phần Lan” – ông Ville Skinnari nói, đồng thời nhấn mạnh, việc tổ chức toạ đàm rất có ý nghĩa vì nhiều doanh nghiệp hàng đầu Phần Lan đang rất mong muốn tìm hiểu môi trường đầu tư và cơ hội hợp tác với Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Ville Skinnari, đổi mới sáng tạo và tăng trưởng năng suất là những yếu tố chính để hai bên hợp tác, đóng góp cho nỗ lực xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và phát triển giáo dục trong những thập kỷ tới đây của Việt Nam.
Phần Lan đã thông qua kế hoạch hỗ trợ các khoản vay ưu đãi cho dự án đầu tư vào Việt Nam hơn bất kỳ quốc gia nào. “Đây là ưu tiên rất lớn của Phần Lan. Hy vọng, các doanh nghiệp Phần Lan tham gia đầu tư tại Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn này để đem lại những lợi ích cho cả hai bên” – ông Ville Skinnari nhấn mạnh.
Đồng ý với Bộ trưởngVille Skinnari về xu hướng phát triển của nền kinh tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam coi trọng phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng cường tái chế, tái sử dụng, sử dụng các công nghệ ít cacbon, cắt giảm khí nhà kính và đẩy mạnh khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người dân….
Đặc biệt, 17 Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết, sẽ tạo cơ hội, thu hút các nhà đầu tư từ nhiều quốc gia.
Nguồn: Báo Công Thương
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại tọa đàm
9/ Việt Nam mang lại lợi ích thiết thực cho Nam Phi
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Nam Phi tăng dần đều qua các năm gần đây, đạt 1,4 tỷ USD 2020 (tăng khoảng 23% so với năm 2019) và đạt 706 triệu USD trong 6 tháng đầu 2021.
Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Nam Phi tăng dần đều qua các năm gần đây, đạt mức Tuy nhiên, lượng hàng hóa Việt Nam xuất sang Nam Phi chỉ đạt khoảng 1,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Nam Phi. Với Nam Phi, Việt Nam xuất khẩu các mặt hàng chủ yếu (có tổng giá trị trên 100 triệu USD) gồm điện thoại, giày dép, máy tính và linh kiện điện tử, đồng thời nhập than đá nguyên liệu, hoa quả, hạt, chất dẻo nguyên liệu.
Nam Phi tiếp tục hướng đến xuất khẩu sang thị trường Việt Nam nho tươi, vang, thịt bò, thịt cừu và thịt thú chăn nuôi trong các trang trại phục vụ săn bắn. Việt Nam tích cực tăng cường xuất khẩu sang thị trường sở tại hàng may mặc, dày dép, cà phê, hạt tiêu và hợp tác về giáo dục, khai khoáng.
Thời gian qua, trước diễn biến phức tạp của tình hình COVID-19 ở trong nước và ở Nam Phi, Đại sứ quán Việt Nam đã kêu gọi cán bộ, nhân viên các cơ quan Việt Nam và cộng đồng người Việt ở sở tại quyên góp tài chính ủng hộ trong nước. Cộng đồng người Việt đã hỗ trợ hơn 1 triệu khẩu trang đối với Nam Phi, eSwatini, Botswana, Namibia… Đóng góp và hỗ trợ của cộng đồng người Việt đối với sở tại tuy còn khiêm tốn nhưng thể hiện rõ tinh thần “tương thân tương ái” của người Việt Nam, giống như tinh thần uBuntu của người châu Phi nói chung và Nam Phi nói riêng. 
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đại sứ Hoàng Văn Lợi và Trưởng Văn phòng Thương vụ, Bí thư thứ nhất Phạm Thanh Hải đã làm việc trực tiếp với Giám đốc Sở Phát triển kinh tế và du lịch Abraham Vosloo, Quyền CEO Cơ quan Phát triển kinh tế, thương mại và thúc đẩy đầu tư (NCEDA) Hendrik Louw và một số chuyên gia, nghe giới thiệu về cẩm nang đầu tư và tìm kiếm cơ hội thúc đẩy hợp tác, đầu tư tại tỉnh Northern Cape về khai khoáng, nông nghiệp, quản lý tài nguyên thiên nhiên, du lịch, đào tạo và chuyển giao công nghệ. 
Là tỉnh có diện tích lớn nhất Nam Phi (khoảng 372.889 km²), dân số ít nhất trong 9 tỉnh (khoảng 1,3 triệu người), Northern Cape thể hiện rõ đặc trưng thời tiết bán sa mạc, có nhiều mỏ đá granite và các loại khoáng sản, đá quý, đất hiếm và nhiều sản vật nổi tiếng thế giới của Nam Phi là trà roobois, honeybush và cừu Karoo.
Nguồn: VietnamPlus
10/ Gia công, xuất khẩu điện thoại vẫn hấp dẫn đầu tư
Bất chấp khó khăn do dịch Covid-19, xuất khẩu điện thoại tháng 8-2021 vẫn duy trì mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ. Theo HSBC Việt Nam, tổn thất rơi vào ngành da giày và dệt may vì khu vực Đông Nam Bộ vốn là một đầu mối gia công quan trọng của thế giới.
Trong khi xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 12% trong tháng 8 so với cùng kỳ, xuất khẩu điện thoại lại tăng trưởng 11% so với cùng kỳ bất chấp những khó khăn do Delta gây ra.
Nguyên nhân sâu xa chính là sự phân bố về địa lý của các cụm công nghiệp điện tử. Samsung, nhà đầu tư độc lập lớn nhất Việt Nam, sản xuất điện thoại thông minh tại 2 nhà máy nằm ở miền Bắc, một ở Bắc Ninh và một ở Thái Nguyên. Sau đợt bùng dịch biến chủng Delta đầu tiên xảy ra ở miền Bắc vào tháng 5, các khu công nghiệp đã dần lấy lại hoạt động như bình thường” – các chuyên gia của HSBC Việt Nam lý giải.
Tỉnh Thái Nguyên còn nằm trong số 10 tỉnh thành không có ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 14 ngày vừa qua (tính đến 4/9). Trong khi đó, nhà máy của Samsung tại Khu Công nghệ cao TP HCM là nơi sản xuất đồ gia dụng điện tử lại chịu ảnh hưởng nặng nề. Mặc dù đã sắp xếp mô hình “3 tại chỗ” cho công nhân, nhà máy vẫn chỉ hoạt động được 30-40% công suất.
Nhìn trên bình diện rộng hơn, đợt bùng dịch biến chủng Delta đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng trụ vững của chuỗi cung ứng Việt Nam, đặc biệt là từ các ông lớn ngành công nghệ. Apple và Google là hai trong số các hãng đã trì hoãn việc dời chuỗi cung ứng của họ sang Việt Nam.
Bất chấp những thách thức có thể xảy ra, Việt Nam vẫn là một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong thời gian tới. Các điều kiện nền tảng vững mạnh của Việt Nam sẽ giúp các nhà đầu tư gạt bỏ những biến động ngắn hạn do Covid-19. Các nhà đầu tư Hàn Quốc đã bắt đầu hành động. Samsung chuẩn bị mở rộng nhà máy điện thoại trong 6 tháng cuối năm nay nhằm tăng sản lượng điện thoại màn hình gập 47% lên 25 triệu chiếc. LG Display cũng vừa được duyệt một khoản đầu tư bổ sung 1,4 tỉ USD cho nhà máy ở TP Hải Phòng để tăng sản lượng màn hình OLED” – HSBC Việt Nam nhận định.
Trước đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến 20/8, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 19,12 tỉ USD, giảm 2,1% so với cùng kỳ. Dù vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam trong 8 tháng ước tính đạt 11,58 tỉ USD, vẫn tăng 2% so với cùng kỳ.
Nguồn: Báo Công Thương
11/ EVFTA:  tôm Việt tại EU cao hơn Ấn Độ, Ecuador
Nửa đầu năm 2021, xuất khẩu tôm của Việt Nam tới hầu hết các thị trường lớn ở EU đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020 nhờ 3 nguyên nhân.
Đó là dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt trong giai đoạn đầu năm, góp phần quan trọng khiến hoạt động nuôi trồng và chế biến xuất khẩu ổn định, thuận lợi hơn; các sản phẩm tôm của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh tốt hơn trước nhờ được hưởng ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA; nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu tôm của EU tăng trở lại trong giai đoạn nửa đầu năm 2021.
Điểm rất đáng chú ý trong xuất khẩu tôm sang EU là giá cả. Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, giá xuất khẩu tôm của Việt Nam tới EU trong nửa đầu năm 2021 đạt bình quân 8,63 USD/kg, tăng 0,16 USD/kg so với cùng kỳ năm 2020. Lượng tôm xuất khẩu đáp ứng được các yêu cầu về giảm thuế từ EVFTA tăng trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, nếu đặt lên “bàn cân” so sánh với các nguồn cung tôm khác cho EU như Ấn Độ, Ecuador thì giá tôm của Việt Nam vẫn kém cạnh tranh.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), nhập khẩu tôm 4 tháng đầu năm 2021 của EU từ các thị trường ngoại khối đạt 169,6 nghìn tấn tương đương 1,192 tỷ USD, chiếm 67,9% về lượng và chiếm 73,5% về trị giá tổng nhập khẩu tôm của EU.
Trong đó, Việt Nam là thị trường cung cấp tôm lớn nhất thứ 3 cho EU sau Ecuador và Ấn Độ, chiếm 8% về lượng và chiếm 10,5% về trị giá. Giá nhập khẩu tôm của EU từ Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 đạt bình quân 7,82 EUR/kg, giảm 0,78 USD/kg so với cùng kỳ năm 2020.
Trong khi đó, giá tôm nhập khẩu của EU từ Ecuador và Ấn Độ trong 4 tháng đầu năm 2021 lần lượt ở mức 5,05 EUR/kg và 5,67 EUR/kg. Đây là lý do khiến cho thị phần tôm của Việt Nam tại EU chưa tăng mạnh mặc dù đã được hưởng ưu đãi từ EVFTA.
Kinh tế các nước thành viên EU đang trên đà phục hồi nhờ việc tiêm vắc xin trên diện rộng và triển khai các gói hỗ trợ sau Covid-19. Từ đầu quý 1/2021, các cửa hàng dịch vụ thực phẩm tại châu Âu đã bắt đầu mở cửa trở lại. Nhu cầu tiêu thụ tôm mùa hè tại châu Âu tăng, lượng tôm dự trữ đang ở mức thấp.
Trong khi đó, các nguồn cung lớn cho EU là Ấn Độ và Indonesia đang gặp nhiều khó khăn về lao động do tác động từ dịch Covid-19, sẽ để lại khoảng trống thị trường lớn về nguồn cung cho thị trường EU.
Tuy nhiên, giá các sản phẩm tôm của Việt Nam tại thị trường EU cao hơn so với mức giá tôm của Ấn Độ và Ecuador vẫn là thách thức lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Ngoài ra, các vùng nuôi trồng, chế biến thủy sản lớn của Việt Nam tại ĐBSCL phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của đại dịch, ảnh hưởng không nhỏ tới xuất khẩu tôm trong thời gian tới.
Nguồn: Báo Hải Quan
12/ EVFTA: Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Italia
Italia có các ngành công nghiệp chuyên môn hóa cao như dệt may, thực phẩm, máy móc, kính mắt, … đồng thời là cường quốc kinh tế thứ ba ở lục địa Châu Âu. Ngoài ra, Italia đứng thứ 9 trong số các nước EU đã đầu tư vào Việt Nam. Phần lớn vốn đầu tư vào Việt Nam thuộc sở hữu hoàn toàn của các công ty Italia. Hầu hết các công ty Italia tại Việt Nam đều hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm, vận tải, máy móc và thực phẩm. Hơn nữa, theo Đài Quan sát Phức hợp Kinh tế (OEC), các sản phẩm của Italia xuất khẩu sang Việt Nam chủ yếu là máy móc, da sống, sản phẩm hóa chất, dệt may và thực phẩm. Nhìn chung, có nhiều tiềm năng và cơ hội cho các sản phẩm và công ty của Italia tại Việt Nam.
EVFTA sẽ cắt giảm gần 99% thuế hải quan đối với các sản phẩm của Italia xuất khẩu sang Việt Nam trong thời hạn 15 năm. Do đó, điều này sẽ làm cho các sản phẩm của Italia có thể cạnh tranh với các sản phẩm nội địa và châu Á. Hầu hết các sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đến từ Trung Quốc (32,9%), Hàn Quốc (19,2%), Nhật Bản (6,15%) và các nước châu Á khác. Các sản phẩm của Hoa Kỳ nhập khẩu vào Việt Nam chỉ chiếm 3,19% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam. Đối với các sản phẩm của EU, các sản phẩm của Đức đứng đầu (1,86%), trong khi các sản phẩm của Italia là sản phẩm nhập khẩu nhiều thứ hai (0,61%)..
Những ngành chính mang lại cơ hội đáng kể cho các nhà đầu tư Italia tại Việt Nam bao gồm:
  1. Dệt may: Thị trường Việt Nam đang hấp dẫn đối với các nhà sản xuất Italia, họ nhắm đến các phân khúc người tiêu dùng khác nhau so với ngành công nghiệp địa phương với các mặt hàng thời trang và xa xỉ. Đồng thời, các công ty Italia có thể tìm thấy các động lực mới để chuyển một phần cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam để tận dụng chi phí lao động thấp và thâm nhập thị trường địa phương, hoặc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu của họ bằng cách bao gồm các nhà thầu phụ tùy theo sản phẩm và nếu Việt Nam phát triển thành công chuỗi cung ứng nội địa về vải và tìm nguồn nguyên liệu thô.
  2. Dược phẩm: Đại dịch COVID-19 đã thay đổi hành vi của người tiêu dùng, có thể là trong trung và dài hạn. Cụ thể, người tiêu dùng có xu hướng tăng tiêu dùng các sản phẩm tẩy rửa gia dụng và vệ sinh cá nhân, cũng như các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe như trái cây và nước trái cây giúp tăng khả năng miễn dịch. Ngoài ra, mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp dự kiến sẽ ghi nhận mức tăng trưởng hai con số trong vài năm tới, đặc biệt nếu đi kèm với sự tăng trưởng mạnh mẽ của GDP. Thị trường dược phẩm trong nước vẫn chỉ đáp ứng được 52% nhu cầu nội địa, chủ yếu là thuốc gốc.
  3. Thực phẩm: Một trong những thế mạnh chính của hệ thống kinh tế Italia là thực phẩm như rượu vang, pho mát, giăm bông, giấm, mì ống, cà chua chế biến, v.v. Ẩm thực Italia và chế độ ăn Địa Trung Hải nổi tiếng trên toàn thế giới. Mức thuế cao hiện nay – cùng với sở thích của người tiêu dùng địa phương – đang cản trở sự thâm nhập của thực phẩm Italia vào Việt Nam. Các thuế hiện hành đối với rượu vang, rượu mạnh, mì ống, nước sốt cà chua, giăm bông, giấm và pho mát sẽ được giảm dần và loại bỏ trong khoảng thời gian bảy năm. Một trường hợp ngoại lệ là bia với các mức thuế sẽ được xóa bỏ trong vòng 10 năm để bảo vệ các nhà máy bia địa phương.
  4. Các cơ hội khác: Hệ thống kinh tế Italia có cơ hội phát triển mạnh mẽ trong nhiều ngành, đặc biệt là những ngành có mức độ chuyên môn hóa cao như kính mắt (20%, loại bỏ trong ba năm), trang trí nhà (10-25%, loại bỏ trong ba năm), máy móc (máy làm da, máy làm đá, máy bán hàng tự động, đèn điện và thiết bị phát tín hiệu, v.v.) và hàng tái sản xuất (hàng không vũ trụ, thiết bị hạng nặng và địa hình, phụ tùng xe cơ giới, CNTT, thiết bị y tế, lốp xe, v.v.) , cũng như các dịch vụ chuyên biệt như dịch vụ kiến trúc và kỹ thuật.
Nguồn: Báo Công Thương
13/ Đứt gãy chuỗi cung ứng, 35% số doanh nghiệp tạm đóng
Trên 35% tổng số doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời do đứt gãy chuỗi cung ứng. Hết ách tắc lưu thông hàng hoá khi hàng loạt địa phương ban hành văn bản trái chỉ đạo của Thủ tướng như Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, An Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bạc Liêu…., lại đến Hà Nội khiến người dân “chật vật” vì xin phép giấy đi đường…
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty cổ phần May 10 quan ngại vì mỗi địa phương vận dụng Chỉ thị rất khác nhau. “Câu chuyện cấp giấy đi đường là quá khó. 4 ngày vừa qua là thời điểm căng thẳng nhất, doanh nghiệp không biết lối nào mà lần. Chúng tôi rất lo lắng vì người lao động không thể đi làm được”, ông Việt than thở.
Thậm chí, “trong đợt cấp giấy phép đi đường mới, lãnh đạo địa phương cho biết chưa biết cấp như thế nào, không rõ “dấu cộng” trong các Chỉ thị được hiểu như thế nào”, ông Việt thẳng thắn chỉ rõ,
Nhưng tại Quảng Bình lại khác, từ ngày 27/8 sau khi xuất hiện một số điểm dịch mới, tỉnh đã chính thức đóng cửa toàn bộ. Hơn 1.000 lao động May 10 tại Quảng Bình không thể đi làm trong vòng 12 ngày qua.
Đối với lực lượng lái xe tải nội bộ của công ty, Tổng Giám đốc May 10 chia sẻ, lái xe phải xét nghiệm thường xuyên, khiến chi phí vận chuyển tăng cao.
Ngoài ra, “có những câu chuyện rất hài hước, lãnh đạo địa phương nói không cấm doanh nghiệp, vẫn cho phép doanh nghiệp hoạt động bình thường. Nhưng sự thật, doanh nghiệp được hoạt động nhưng những công nhân của doanh nghiệp bị xã, phường, thôn yêu cầu ai ở đâu, ở yên đó, không cho đi làm”, ông Việt xót xa.
Các chốt chặn, kiểm tra được dựng lên trên khắp cung đường với các điều kiện đối với lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau, điều này đã tạo ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì khái niệm “hàng thiết yếu” được các cấp thực thi ở mỗi địa phương, địa bàn hiểu một kiểu.
Ngay cả khi có văn bản chỉ đạo của Chính phủ cho phép hàng hóa được phép lưu thông “trừ hàng cấm” thì các địa phương vẫn mỗi nơi đưa ra một quy định, hướng dẫn khác nhau khiến việc lưu thông hàng hóa hết sức khó khăn. Điều này còn làm gia tăng chi phí vận chuyển vì thời gian lưu thông tăng gấp nhiều lần chưa kể hàng loạt chi phí phát sinh để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, bao gồm chi phí xét nghiệm của lái xe.
Đề xuất gỡ rối cho vấn đề di chuyển và lưu thông hàng hoá, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho hay, các doanh nghiệp mong muốn được cấp, sử dụng thống nhất mã QR trong quản lý đi lại, vận chuyển trên toàn quốc thay vì mỗi tỉnh, thành lại phát sinh các loại hình giấy phép khác nhau như hiện nay và không có giá trị sử dụng khi di chuyển liên tỉnh.
Đối với người lao động, giấy đi đường bản giấy đang khiến các công ty đình trệ sản xuất, giao thương khó khăn dẫn đến giá cả tăng, hàng hóa thiếu hụt, không cân bằng giữa các khu vực. Nguồn dữ liệu về nhân sự được cấp thẻ, mã phải đồng bộ giữa các chốt, trạm, điểm kiểm soát. Nên ưu tiên tiêm vaccine cho các đối tượng sản xuất, vận chuyển hàng hóa. Nới lỏng giãn cách dần bằng cách quản lý bằng mã QR cho mỗi người dân khỏe mạnh tham gia lao động, sản xuất…
Đồng thời, phải giải quyết dứt điểm tình trạng ùn tắc trong vận chuyển hàng hóa, ưu tiên đặc biệt cho hàng nông sản. Các địa phương có vận tải thủy, đường biển, cảng biển nếu có tình trạng ùn ứ thì phải khắc phục ngay, cần thiết báo cáo Bộ Giao thông vận tải để chỉ đạo, xử lý.
Nguồn: VnEconomy
14/ ASEAN+3: triển vọng phục hồi kinh tế
Theo phân tích của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) ngày 10/9, trong gần 20 tháng qua dịch COVID-19 đã làm đảo lộn nền kinh tế thế giới, trong đó có khu vực ASEAN+3 bao gồm 10 nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á cùng Trung Quốc (tính cả Hong Kong), Nhật Bản và Hàn Quốc.
Tính đến thời điểm AMRO công bố báo cáo, hơn 12 triệu ca mắc COVID-19 được ghi nhận với hơn 250.000 người tử vong trong khu vực này. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực ASEAN+3 đã giảm 0,2% năm 2020 sau khi tăng khoảng 5% hoặc hơn trong nhiều năm trước đó.
Tốc độ phục hồi khác nhau của tất cả các thành viên ASEAN+3 có thể dẫn đến tình trạng bất bình đẳng kéo dài trong nội bộ khu vực. Mặc dù các nền kinh tế khu vực đang trên con đường dần phục hồi, song những nền kinh tế đạt được ít tiến bộ về tiêm phòng vaccine, ít sự hỗ trợ chính sách hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào đi lại và du lịch có thể sẽ bị tụt hậu.
Nếu không có khả năng kiềm chế hiệu quả các đợt lây nhiễm, số ca mắc COVID-19 tăng cao sẽ làm cho bất kỳ sự phục hồi bền vững nào – trong đó có việc nối lại nhiều dịch vụ – khó mà đạt được.
Lòng tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng, những động lực quan trọng thúc đẩy nhu cầu trong nước sẽ bị ảnh hưởng bởi nỗi lo về rủi ro, dù các nhà hoạch định chính sách nhìn chung đã có kinh nghiệm hơn trong việc đưa ra các biện pháp hạn chế.
Triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 diện rộng sẽ có ý nghĩa sống còn trong việc giảm đáng kể ca bệnh nặng và tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển sang trạng thái “bình thường mới”.
Những hỗ trợ này có thể giảm tới mức thấp nhất những thiệt hại về sản lượng, khắc phục việc đóng cửa doanh nghiệp, hỗ trợ bảng quyết toán yếu kém, giảm bớt tình trạng mất việc làm và đảm bảo rằng người lao động có thể được đào tạo lại kỹ năng cần thiết đáp ứng nhu cầu của một nền kinh tế đang chuyển đổi.
Báo cáo cũng lưu ý Khả năng điều chỉnh cho phù hợp với quá trình chuyển đổi số nhanh chóng đang hỗ trợ tăng trưởng trong một số nền kinh tế, khi những nền kinh tế này bước vào trạng thái “bình thường mới”. Khả năng tiếp cận cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và năng lực kỹ thuật đã cho thấy người tiêu dùng và doanh nghiệp thích nghi và được lợi từ một nền kinh tế ngày càng số hóa.
Trong tương lai, khả năng một nền kinh tế biến những thay đổi về hành vi này thành lợi ích kinh tế rộng rãi hơn sẽ phụ thuộc vào khả năng của nền kinh tế đó trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và tăng cường nguồn nhân lực thông qua đào tạo và nâng cao kỹ năng cho người lao động, dẫn đến gia tăng tuyển dụng và phục hồi trong lĩnh vực dịch vụ.
Nguồn: Bnews
15/ Covid-19 ‘xuyên thủng’ xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam
Dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TPHCM và 18 địa phương phía Nam cũng như khu vực Nam Trung bộ- nơi chiếm 90-95% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cả nước- khiến doanh nghiệp “rời” thị trường nhiều, trong khi đó, số còn lại phải sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, ảnh hưởng công suất của doanh nghiệp rất lớn.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thuỷ sản Minh Phú, người thường được cộng đồng xuất nhập khẩu thủy sản gọi là “vua tôm”, tại diễn đàn trực tuyến “Tôm Việt 2021– Giải pháp tháo gỡ khó khăn ngành tôm trong tình hình dịch bệnh Covid-19” diễn ra mới đây cho biết, quy mô nhà máy ở Cà Mau và Hậu Giang có số lượng công nhân lần lượt là 7.000 và 6.000, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhà máy ở Cà Mau hoạt động với 1.600 công nhân và Hậu Giang là 1.300 công nhân theo phương án “3 tại chỗ”. “Điều này có nghĩa, tình hình sản xuất của nhà máy chỉ đạt khoảng 25% và sản lượng chế biến đạt khoảng 50%”, ông Quang cho biết.
Theo ông Quang, do tác động của dịch Covid-19 nên trong tháng 8-2021 sản lượng và giá trị xuất khẩu của đơn vị này lần lượt giảm 30,8% và 17,74% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng đầu năm nay, sản lượng và giá trị xuất khẩu tăng lần lượt 9,87% và 19,56% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ tăng xuất khẩu ở những tháng trước đó đã bù đắp.
Khảo sát của VASEP cho thấy, đối với những doanh nghiệp thuỷ sản tại các địa phương phía Nam, đến cuối tháng 8 chỉ có 30-40% doanh nghiệp hoạt động “3 tại chỗ”; 30-40% phải ngưng hoạt động và số còn lại tạm dừng sản xuất để tổ chức lại nhà máy nhằm thực hiện sản xuất “3 tại chỗ”.
Những đơn vị còn hoạt động “3 tại chỗ” cũng chỉ huy động được khoảng 30-50% so với tổng số lao động, khoảng 50-70% phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương, khiến công suất chế biến giảm 50-60% so với trước. Còn công suất chung của cả vùng, ước đã giảm 60-70%.
Việc phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách xã hội được dự báo cũng hết sức khó khăn khi chỉ có 30-40% doanh nghiệp có đủ năng lực phục hồi, trong khi số doanh nghiệp còn lại (khoảng 60-70%) gặp rất nhiều khó khăn hoặc cần thời gian dài để khôi phục lại hoạt động sản xuất.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
16/ Rào cản tái mở cửa kinh tế toàn cầu
Trung Quốc – “công xưởng thế giới’ đã mất đà tăng trưởng liên tục trong hơn 1 năm qua do ảnh hưởng của các biện pháp nghiêm ngặt để đẩy lùi đại dịch COVID-19. Hàng loạt nhà máy ở Thâm Quyến, Chiết Giang, Vũ Hán… chưa thể trở lại trạng thái bình thường.
Bên cạnh, là khủng hoảng thiếu chất bán dẫn, chip. Phần lớn hoạt động này diễn ra ở Châu Á, kể cả Mỹ – chiếm 47% doanh số bán chip toàn cầu nhưng chỉ chủ động được 12% trong nước. Khủng hoảng chip tác động dây chuyền đến hầu hết các ngành công nghiệp ô tô, điện tử, thiết bị máy móc…
Đặc biệt, tắc nghẽn logictics, suy giảm sức sản xuất quy mô lớn khiến giá 24 loại hàng hoá nguyên liệu thô chính trên toàn cầu đã tăng 29,28% kể từ đầu năm đến nay.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để tháo gỡ những khó khăn, thách thức nói trên, trước hết cần thu hẹp khoảng cách tỷ lệ tiêm vaccine ở các nước giàu và nước đang phát triển. Trong khi những nước đang phát triển ở Đông Nam Á và Ấn Độ chính là nơi cung cấp nguyên liệu thô, xưởng sản xuất cho các nền kinh tế phát triển.
Trên thực tế, các nước giàu vẫn gom vaccine ưu tiên tiêm chủng tăng cường mũi 3 trong nước, trong khi Châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á đang khan hiếm vaccine vô cùng. Ông Mike Ryan- Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO nói: “Chúng ta sẽ nhìn lại việc này trong giận dữ và xấu hổ”.
Tiếp đến, giải quyết mối bất đồng giữa hai trục kinh tế lớn và quan trọng nhất thế giới Mỹ – Trung. Ví dụ, khủng hoảng chip chưa biết khi nào giải quyết được nếu hai quốc gia này quyết định “từ mặt nhau”. Sự đổ vỡ mối quan hệ này là biểu hiện điển hình của đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp
17/ HSBC: Thách thức ở da giày và dệt may
Theo báo cáo của HSBC, “niềm đau” cục đại dịch lần 4 và tình trạng phong tỏa kéo dài chủ yếu nằm ở ngành da giày và dệt may, do khu vực Đông Nam Bộ là đầu mối sản xuất quan trọng của thế giới. Hai ngành này là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu tháng 8 giảm 5,4% so với cùng kỳ 2020.
Việt Nam cũng nằm trong nhóm quốc gia sản xuất hàng dệt may lớn nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Bangladesh. Thị phần của ngành da giày Việt Nam trên thế giới đang chiếm 15%.
Những đợt gián đoạn cung ứng nặng nề có thể tác động mạnh đến người tiêu dùng tại Mỹ, chỉ riêng nước này đã chiếm gần một nửa lượng hàng dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Thương hiệu quốc tế Adidas đang gặp khó khăn trong sản xuất do Việt Nam chiếm gần 30% sản lượng toàn cầu của họ.
Trái lại, theo HSBC, xuất khẩu điện thoại di dộng lại trụ vững đáng ngạc nhiên với mức tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái bất chấp dịch bệnh. Nguyên nhân là các cụm lắp ráp tập trung tại miền Bắc
HSBC cho rằng, càng sớm kiểm soát được đợt bùng dịch Covid-19 thứ tư, Việt Nam càng lấy lại lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài nhiều hơn, và phần quyết định trong phương trình này chính là tăng tốc triển khai tiêm phòng.
Gần đây, Việt Nam đã có dấu hiệu thay đổi chiến lược đối phó với dịch bệnh khi Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu xây dựng kế hoạch phục hồi để “sống chung với Covid-19”. Kịch bản này phụ thuộc phần nhiều vào khả năng đạt được tỷ lệ phủ vaccine rộng vì vậy trọng tâm ưu tiên với các nhà làm chính sách bây giờ chính là đảm bảo nguồn cung vaccine phải đa dạng và tăng tiến độ triển khai tiêm phòng“, HSBC khuyến nghị.
Nguồn: VnEconomy
18/ Mỹ muốn sắp xếp lại chuỗi cung ứng của châu Á?
Singapore, có thể là nước có hợp tác về quốc phòng mạnh mẽ nhất với Mỹ trong số tất cả các quốc gia ASEAN, là nơi Mỹ đặt sự hiện diện hải quân của mình trong khu vực.
Sự đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 nghiêm trọng đến mức Tổng thống Mỹ Joe Biden phải ban hành sắc lệnh hành pháp vào ngày 24/2, trong đó kêu gọi cách tiếp cận toàn chính phủ để đánh giá sự dễ tổn thương trong các chuỗi cung ứng then chốt và việc tăng cường khả năng phục hồi.
Đặc biệt quan trọng trong đó là chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bao gồm rất nhiều thành phần được sản xuất tại một số quốc gia.
Ngoài ra, chất bán dẫn là một công nghệ nền tảng, được sử dụng trong ô tô, y tế, quốc phòng, tiện ích công, hàng hóa tiêu dùng và trong các lĩnh vực khác.
Singapore là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Mỹ lớn nhất ở Đông Nam Á và là nơi tập trung nhiều nhất các công ty đa quốc gia của Mỹ trong khu vực. Các công ty ở Singapore cũng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng chất bán dẫn.
Về phần mình, Việt Nam nổi lên là một lựa chọn từ xu hướng chuyển dịch sản xuất. Các ngành như may mặc, dệt may và giày dép đã bắt đầu chuyển sang Việt Nam.
Gần đây hơn, các công ty công nghệ cao cũng đã dịch chuyển một số hoạt động của họ, trong đó có Apple, Samsung, Intel, Dell, Sharp và hàng trăm nhà sản xuất khác, từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan sang Việt Nam.
CPTPP nắm giữ “chìa khóa”
Lựa chọn chính sách khôn ngoan nhất sẽ là Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà tiền thân Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Đây là khuôn mẫu sẵn có tốt nhất để Mỹ làm sâu sắc mối quan hệ thương mại với châu Á, và cũng có thể là với Anh – nước đã xin gia nhập CPTPP.
Mục tiêu cố gắng sắp xếp lại các chuỗi cung ứng ở châu Á mà không can dự kinh tế rộng rãi hơn với khu vực sẽ là một nhiệm vụ quá nặng nề đối với chính quyền ông Biden.
Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam
19/ Vai trò thương mại điện tử trong phục hồi chuỗi cung ứng
Khi Covid-19 định hình lại hành vi của người tiêu dùng và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử đã trở thành một kênh hiệu quả để các công ty, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa các nhà xuất khẩu, tiếp cận người tiêu dùng nội địa lẫn bán hàng xuyên biên giới.
Đơn cử là câu chuyện 3 tấn vải thiều Bắc Giang vào tháng 6 vừa qua đã được sàn thương mại điện tử Voso xuất khẩu và thông quan thuận lợi tại sân bay Frankfurt, Đức.
Theo các chuyên gia kinh tế, thương mại điện tử xuyên biên giới có thể sẽ mở ra câu chuyện xuất khẩu cho các sản phẩm nông sản nói chung và các sản phẩm khác vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã chính thức có hiệu lực.
Thách thức không nhỏ
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), cho biết với tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp như hiện nay, kênh thương mại điện tử đang góp phần hỗ trợ kênh phân phối truyền thống, giúp người dân có thể mua sắm thuận lợi tại nhà và giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.
Lượng đơn đặt mua hàng trên các sàn giao dịch trực tuyến được ghi nhận tăng gấp 2-3 lần so với bình thường. Đáng tiếc, hàng hóa từ nhà sản xuất không đến được tay người tiêu dùng bị gián đoạn ở khâu giao nhận hàng hóa.
Các ứng dụng vận chuyển, như NowFresh (đi chợ), NowShip (giao hàng hóa thiết yếu) đều phải dừng hoạt động sau khi Hà Nội siết chặt hoạt động của các nhân viên giao hàng, shipper công nghệ. Tại TPHCM, các dịch vụ cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng xe máy, như Grab, Be, Gojek, My Go và FastGo có lúc phải dừng hoạt động hoặc vận hành chật vật.
Bên cạnh đó, các sàn Sendo, Voso cho hay không thể tập kết, phân luồng hàng do một số kho bãi nằm trong khu vực bị hạn chế đi lại do giãn cách xã hội dẫn đến thiếu hụt nguồn cung tạm thời…
Một thách thức không nhỏ khác là làm sao đảm bảo được chất lượng cho các loại hàng hóa đặc thù, như hàng nông sản vốn đòi hỏi điều kiện nhất định trong các khâu từ thu hoạch, đóng gói, vận chuyển từ nông trại đến tay người tiêu dùng.
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, trong một cuộc họp gần đây cũng cho biết Bộ Công Thương ủng hộ phương án các địa phương cho phép hệ thống logistics của các sàn thương mại điện tử tiếp tục được hoạt động bình thường trong địa bàn của mình.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
20/ Cẩn trọng với gian lận xuất xứ
Giữa tháng 8 vừa qua, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) đã cập nhật danh sách cảnh báo 10 mặt hàng có nguy cơ bị gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp hoặc biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể gồm: gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, đá nhân tạo, gạch men, xe đạp điện, ống đồng, vỏ bình gas, ghim đóng thùng, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục. Đáng chú ý, các mặt hàng này đều xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Chống bán phá giá, lẩn tránh thuế, nguồn gốc bất hợp pháp… là những vấn đề mà các nước nhập khẩu hàng hóa thường áp dụng, có những điều khoản ràng buộc tại các FTA. Do đó, doanh nghiệp cần từng bước nâng cao năng lực, chủ động tìm hiểu, đáp ứng các điều kiện, tiêu chí về quy tắc xuất xứ để hội nhập, cũng như ứng phó kịp thời khi có tranh chấp xảy ra.
Theo ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TP.HCM, quy tắc xuất xứ là một trong những rào cản lớn nhất của doanh nghiệp trong việc tận dụng các ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Quy tắc xuất xứ được ví như một trong những chìa khóa quan trọng mở cánh cửa cho hàng hóa của Việt Nam thâm nhập sâu rộng vào thị trường EU, CPTPP, RCEP đầy tiềm năng.
Ông Nguyễn Tiến Chương cho biết thêm, những năm qua, Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai thường xuyên có các chương trình để thông tin, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, tổ chức những lớp tập huấn liên quan đến các vấn đề phòng vệ thương mại, xuất xứ hàng hóa đối với các FTA thế hệ mới.
Nguồn: Báo Đồng Nai
21/ Doanh nghiệp nỗ lực giữ đơn xuất khẩu
Là doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo có nhà máy tại TP. Cần Thơ, ông Phan Văn Có – Giám đốc Marketing của Vrice – chia sẻ, thời gian qua doanh nghiệp vẫn liên lạc với đối tác nên khi mở cửa trở lại sẽ ưu tiên giải quyết hàng hóa tồn được lưu tại các cánh đồng về kho. Tranh thủ thu hoạch số ruộng lúa còn lại và thực hiện giao hàng cho các đơn hàng kỳ hạn tháng 10-11/2021. “Đối với các đơn hàng đã mất, chúng tôi sẽ chủ động liên lạc lại với khách hàng để giữ mối liên hệ và hy vọng có thể hợp tác trong năm tiếp theo”- ông Có nói.
Trong khi đó, suốt thời gian qua Công ty CP Xuất nhập khẩu Hàng Việt – một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh lại chọn cách giữ liên lạc thường xuyên với đối tác nhập khẩu và cập nhật về tiến độ chống dịch, kế hoạch giao hàng theo lộ trình để đối tác yên tâm.
Ở lĩnh vực nông sản, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho hay, việc xuất khẩu của các doanh nghiệp nông sản đã chậm lại trong 2 tháng trở lại đây, đặc biệt trong tháng 8/2021 đã giảm mạnh tới gần 25% so với cùng kỳ. “Hiện hoạt động xuất khẩu giảm mạnh nhất tại thị trường Trung Quốc nên chúng tôi đã có nhiều kiến nghị tháo gỡ tới các Bộ, ngành, địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể là kiến nghị các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phương tiện giao thông vận tải lưu thông nhằm giải tỏa ùn ứ hàng hóa từ các vùng sản xuất đến các nhà máy đóng gói, cũng như đến các cửa khẩu xuất khẩu. Mặt khác, cấp giấy phép đi đường nhanh chóng thuận lợi cho các lao động tại các nhà máy đóng gói rau quả xuất khẩu tập trung, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa… đến các cửa khẩu”, ông Nguyên nói.
Theo các doanh nghiệp, khi tái khởi động trở lại, vấn đề lo lắng nhất là lao động bởi thời gian qua rất nhiều doanh nghiệp không thể giữ chân được lao động nên rất nhiều trong số đó đã về quê hoặc tìm kiếm công việc tạm thời khác. Thời điểm hiện tại, để vận động lao động ngưng việc đó quay lại là rất khó. Thứ nhất, tâm lý người lao động còn lo sợ dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát triệt để. Thứ hai tết âm lịch đã cận kề, thời gian làm việc cũng không được dài, trong khi phải trang trải nhiều chi phí đi lại, ăn, ở cũng không tích lũy được nhiều. Do đó không ít lao động tìm những công việc tạm thời ở quê cho đến khi kết thúc năm 2021.
Chính vì thế, rất nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã cố gắng “gồng mình” để hỗ trợ một phần lương cho người lao động, giữ chân họ.
Như Công ty CP Xuất nhập khẩu Hàng Việt, ông Nguyễn Văn Sang – Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, dù đóng cửa hoàn toàn các hoạt động song công ty vẫn hỗ trợ một phần lương cơ bản trong suốt 3 tháng qua để giữ chân lao động.
Nguồn: Báo Công Thương
22/ Chuyển đổi số: không thể đi một mình
Theo đại diện của VNPT-IT, 3 yếu tố quyết định chuyển đổi số thành công là con người, thể chế, công nghệ. Việc thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số. Nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất của chuyển đổi số. Đặc biệt khi chuyển đổi số, doanh nghiệp cần tập trung vào 4 trụ cột chính.
Thứ nhất, nâng cao trải nghiệm của khách hàng bằng việc thấu hiểu nhu cầu khách hàng ở cấp độ từng cá nhân. Xây dựng trải nghiệm khách hàng. Tương tác với khách hàng qua nhiều kênh số hoá.
Thứ hai, tăng năng suất của đội ngũ nhân viên thông qua thiết lập môi trường làm việc thông minh, linh hoạt, an toàn cho đội ngũ nhân viên. Đồng thời, trang bị cho nhân viên các công cụ làm việc mọi lúc mọi nơi.
Thứ ba, tối ưu hóa hoạt động của doanh nghiệp: tự động hoá và tối ưu hoá hoạt động sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ công tác quản trị, điều hành doanh nghiệp.
Thứ tư, chuyển đổi sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp nhằm khai thác sức mạnh của dữ liệu để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới … mang đến các giá trị mới cho khách hàng.
Để chuyển đổi số tối ưu nhằm bật dậy, phục hồi nhanh hơn trong bối cảnh mới, không doanh nghiệp nào chuyển đổi số một mình, hành trình này cần tăng cường quan hệ hợp tác, hiểu được đối tác làm được gì, để hợp lực với nhau, khắc phục được hạn chế về năng lực cũng như nguồn lực. Nhằm tránh rủi ro, doanh nghiệp có thể thí điểm chuyển đổi số ở quy mô nhỏ, nếu thành công thì nhân rộng.
Nhìn bài học chuyển đổi số từ Nestlé, ông Urs Kloeti, Giám đốc nhà máy Nestlé Bông Sen, chia sẻ Nestlé chuyển đổi số bắt đầu từ dưới lên (từ nhà máy) đến cấp quốc gia, cấp vùng, quốc tế. Tập trung phát triển và ứng dụng các cải tiến công nghệ, hướng đến nhà máy thông minh.
Nestlé có hơn 40 ứng dụng được phát triển nội bộ nhằm số hoá việc thu thập dữ liệu thay thế các quy trình thủ công (tốn nhân lực nhưng hiệu quả không cao).
Nestlé giải quyết những vấn đề của doanh nghiệp bằng công nghệ, từ đó tìm giải pháp công nghệ phù hợp chứ không phải từ giải pháp công nghệ rồi mới tìm ra vấn đề để giải quyết.
Khi ứng dụng Nestlé xác định đâu là cơ hội, đâu là khoảng trống cần khoả lấp, và cần lộ trình phát triển công nghệ rõ ràng, bồi dưỡng trình độ cho đội ngũ nhân lực để họ thích nghi với quá trình chuyển đổi”, ông Urs Kloeti chia sẻ.
Nguồn: VnEconomy
Chuyển đổi số sẽ tăng mạnh trong giai đoạn tới.
23/ Xuất khẩu cá ngừ sang EU: tiềm năng kèm thách thức
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam là thị trường ngoại khối cung cấp cá ngừ lớn thứ 8 của EU, chiếm 4,9% về lượng và chiếm 5,8% về trị giá, đạt 10.700 tấn với trị giá 47,5 triệu EUR (tương đương 56,7 triệu USD), tăng 23,9% về lượng và tăng 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn so với mức thị phần 4% về lượng của cùng kỳ năm trước – thời điểm EVFTA chưa có hiệu lực.Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ các loại của Việt Nam sang thị trường EU trong nửa đầu năm 2021 đạt 15.870 tấn, trị giá 73,33 triệu USD, tăng 39,3% về lượng và tăng 31,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Mặt hàng cá ngừ chiếm 15,2% về lượng và chiếm 15,1% tổng trị giá xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tới EU.
Có thể thấy, kết quả này ghi nhận sự cố gắng của doanh nghiệp và người dân khi đáp ứng các quy định IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định) của thị trường EU để được hưởng ưu đãi từ EVFTA.
Mặc dù tăng về lượng, nhưng sản phẩm cá ngừ của Việt Nam lại có sự sụt giảm về trị giá. Theo số liệu từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá xuất khẩu cá ngừ tới EU trong 6 tháng đầu năm 2021 giảm 0,27 USD/kg so với cùng kỳ năm 2020, đạt bình quân 4,62 USD/kg. Cụ thể, giá xuất khẩu cá ngừ tới Đức nửa đầu năm 2021 giảm 1,07 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2020, đạt 3,47 USD/kg. Giá xuất khẩu tới Bỉ giảm 0,79 USD/kg. Giá xuất khẩu tới Romania, Bulgaria, Hy Lạp, Ba Lan đều giảm so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực.
Nguyên nhân khiến giá xuất khẩu cá ngừ sang EU giảm một phần là do giá cá ngừ trên toàn cầu đang có xu hướng giảm chung, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp trên toàn cầu trong nửa đầu năm 2021 cũng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU vẫn đạt những thành tựu nhất định, kể cả khi giảm giá, vì những ưu đãi thuế quan từ EVFTA đã tạo nên lợi thế cạnh tranh cho mặt hàng này. Cụ thể, EU đã xóa bỏ thuế quan cho các sản phẩm cá ngừ tươi sống và đông lạnh (trừ thăn/philê cá ngừ đông lạnh) ngay khi EVFTA có hiệu lực.
Còn đối với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh, EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 3 năm, từ mức thuế cơ bản 18%. Với các sản phẩm thăn/philê cá ngừ hấp (nguyên liệu để sản xuất cá ngừ đóng hộp), EU sẽ xóa bỏ thuế quan cho Việt Nam theo lộ trình 7 năm, từ mức thuế cơ bản 24%. Riêng đối với các sản phẩm cá ngừ chế biến đóng hộp (như cá ngừ ngâm dầu đóng hộp, đóng túi, các sản phẩm cá thuộc họ cá ngừ đóng hộp…), EU sẽ miễn thuế cho Việt Nam trong mức hạn ngạch 11.500 tấn/năm.
Bên cạnh, mặc dù được hưởng các ưu đãi thuế suất từ EVFTA, nhưng mức giá cá ngừ Việt Nam đang cao hơn so với nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác. Đồng thời, các nhà nhập khẩu cá ngừ EU luôn ưu tiên nhập khẩu những sản phẩm cá ngừ trong nội khối EU cho dù có mức giá cao hơn.
Nguồn: Báo Công Thương
24/ ‘Zero Covid’? Doanh nghiệp tan biến hay trỗi dậy?
Bài học của Pharmacity
Theo ông Chris Blank, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Pharmacity, sự bất ngờ của dịch Covid-19 đã làm đảo lộn hoàn toàn kế hoạch kinh doanh của Pharmacity, khiến họ phải nhanh chóng thích ứng với tình hình mới và nỗ lực tồn tại.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cho ra đời một “siêu ứng dụng” và một kênh thương mại điện tử mới để nâng cao hơn nữa các dịch vụ của mình và mang đến những trải nghiệm thuận tiện hơn cho các khách hàng,” ông Chris Blank chia sẻ với VnEconomy.
Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh rất lớn nhưng công ty này vẫn kiên định với tham vọng kinh doanh của mình tại thị trường Việt Nam. DD 2025, Pharmacity đặt mục tiêu đạt doanh thu hơn 1,5 tỷ USD và tuyển dụng lực lượng lao động hơn 20.000 nhân viên, so với mức 4.000 nhân viên vào thời điểm hiện tại.
Những doanh nghiệp đang vùng vẫy
Những lời than vãn của nhiều doanh nghiệp Việt Nam nhận được nhiều chia sẻ của cộng đồng, trong bối cảnh những thành phố lớn vẫn thực hiện lệnh giãn cách xã hội triệt để nhằm phòng chống dịch. Ông Nguyễn Khánh Trình, CEO Cleverads, cho biết đã gần 2 năm kể từ ngày “cơn lốc” Covid tràn tới, đất nước đã trải qua 4 đợt giãn cách và lần này là nặng nhất. Lệnh giãn cách đã làm xáo trộn toàn bộ hoạt động và thay đổi các kế hoạch kinh doanh của Cleverads.  
Chi nhánh TP. HCM của chúng tôi đã không được đi làm 5 tuần, trong khi Hà Nội thì lên tới hơn 1 tháng. Tôi khẳng định rằng rất nhiều SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) tại Việt Nam hiện nay không có đủ dòng tiền để hoạt động trong 3 tháng và sẽ “chết” nếu không được cứu!” Doanh nhân Khánh Trình bày tỏ nỗi lo ngại lớn canh cánh trong lòng.
Lấy ví dụ tại doanh nghiệp chuyên về quảng cáo như Cleverads, đây là một dạng rủi ro rất lớn. Toàn bộ công ty của ông Trình không được đi làm nhưng công ty vẫn phải đóng đầy đủ các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho toàn bộ người lao động. Ông Trình nói, đây là một số tiền không nhỏ đối với một SME. “Tôi xin nhắc lại là mỗi tháng vài trăm triệu đồng!”.
Đối với vấn đề bảo hiểm xã hội, theo ông Trình, điều này rất khó hiểu bởi vì khi doanh nghiệp đang gặp rủi ro lớn, cơ quan bảo hiểm xã hội không chi trả cho người lao động của công ty ông đồng nào nhưng lại bắt doanh nghiệp đóng đầy đủ các loại bảo hiểm. Và chưa hết, nếu doanh nghiệp nộp chậm sẽ bị tính lãi phạt rất cao.
Người lao động không được đi làm, đang ở trạng thái thất nghiệp rõ ràng, nhưng có được nhận đồng bảo hiểm thất nghiệp nào đâu? “Vậy ý nghĩa của bảo hiểm xã hội là gì ở những thời khắc nhạy cảm như thế này đối với các doanh nghiêp?”, CEO Cleverads tỏ ra bức xúc.
Ý kiến góp ý thẳng thắn của ông Khánh Trình không phải ngoại lệ. Ông Nguyễn Hoàng, CEO IRB Group, cho biết chỉ số Nikkei Asia đánh giá khả năng chống dịch của Việt Nam ở mức 121/121 nước. Ngân hàng Thế giới đầu năm đánh giá kinh tế Việt Nam có khả năng tăng trưởng 6,7% trong năm 2021, thì mới cách đây vài ngày hạ xuống còn 4,8%. Hơn 80.000 doanh nghiệp trong nước đã chia tay thương trường “không kèn không trống”.
Mấy ông bạn doanh nghiệp FDI Nhật Bản đã phải chào tạm biệt mà chưa hẹn ngày quay lại, đã thế họ còn kèm theo câu “Bạn tôi về nhiều lắm, vì ở đây cũng không thể phục hồi được,” ông Hoàng viết trên Facebook cá nhân.
Bản thân doanh nghiệp của ông Nguyễn Hoàng cũng phải gồng mình rất nhiều trong 2 năm qua và cố gắng giải quyết rất nhiều khó khăn bủa vây.  “Từ ngày 15/8/2021 tới giờ, tôi đã buộc phải hủy 8 đơn hàng xuất khẩu cao su thiên nhiên, không dám ký hợp đồng nào nữa vì tháng 8 và tháng 9 không thể đóng hàng vào container, vận chuyển ra cảng do ảnh hưởng từ việc phong tỏa tại Bình Dương và TP. HCM,” ông Hoàng thổ lộ.
Nguồn: VnEconomy
25/ HSBC:  2 viễn cảnh Việt Nam trong 2021
Ngày 13/9, ông Tim Evans – Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam đưa ra một số nhận định về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021.
Viễn cảnh 1, tăng trưởng GDP nằm trong ngưỡng 5%-5,5%, phụ thuộc vào tiến độ và mức hiệu quả của chương trình tiêm vaccine, việc mở cửa lại nền kinh tế cùng với khả năng phục hồi và khởi động lại các thị trường xuất khẩu lớn trong bối cảnh nhiều thách thức do biến chủng Delta.
Viễn cảnh 2, nếu chương trình tiêm vaccine triển khai không đủ nhanh trong khi giãn cách còn kéo dài, nền kinh tế sẽ chịu thêm nhiều tác động nặng nề và thêm áp lực lên chuỗi cung ứng, GDP sẽ có khả năng tăng trưởng ở mức 3,5%-4%.
Dù trong viễn cảnh nào, nền kinh tế cũng cần được mở cửa trở lại và triển khai một cách thận trọng và bài bản theo lộ trình,” ông Tim Evans nhấn mạnh.
HSBC đã điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 xuống 5,1% phản ánh tác động nặng nề của đợt bùng dịch thứ tư.
Cách duy nhất để vượt qua tình thế ngặt nghèo này là chủ động triển khai tiêm phòng và đảm bảo ngành y tế có đủ nguồn lực để điều trị cho các bệnh nhân nặng. 
Cũng theo HSBC, khi nền kinh tế mở cửa trở lại, các khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ sớm được giải quyết, đơn hàng sẽ lại đổ về và FDI cũng phục hồi phong độ với bối cảnh chính phủ ổn định với các chính sách nhất quán, nguồn nhân lực chất lượng/bền bỉ, một loạt Hiệp định Tự do Thương mại và cam kết của chính phủ đầu tư 7% GDP vào phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo đánh giá của CEO HSBC, các điều kiện nền tảng vẫn vững mạnh và Việt Nam đã tự tạo cho mình một vị thế đáng ngưỡng mộ trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong những năm gần đây thông qua một loạt Hiệp định Tự do Thương mại. Với lượng dự trữ ngoại hối tăng cao cộng thêm tiền tệ ổn định, lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát, dòng vốn FDI tiếp tục tăng mạnh chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất, Việt Nam có tâm thế hoàn toàn sẵn sàng đón nhận tương lai. Vì vậy, HSBC dự báo tăng trưởng GDP sẽ đạt 6,8% trong năm 2022 với một triển vọng đáng tin cậy trước mắt cũng như về lâu về dài.
Khách hàng của chúng tôi được khuyến cáo nên gạt bỏ những ‘niềm đau’ trước mắt và bắt đầu lên kế hoạch cho tương lai khi chúng ta vượt qua dịch bệnh tồi tệ này. Cơ hội sẽ mở ra, kinh tế sẽ phát triển, Việt Nam sẽ phục hồi và một lần nữa chứng minh không quốc gia nào giỏi hơn Việt Nam khi phải đương đầu với một thách thức hay trở ngại,” ông Tim Evans nhấn mạnh.
Nguồn: VietnamPlus
26/ Anh hoãn một số quy định kiểm soát hậu Brexit
Ngày 14/9, Vương quốc Anh thông báo sẽ hoãn thực hiện một số quy định kiểm soát nhập khẩu hậu Brexit lần thứ hai do dịch bệnh tạo sức ép lên doanh nghiệp và chuỗi cung ứng.
Hậu Brexit, Anh vẫn chưa thực hiện các quy định kiểm soát nhập khẩu đối với các hàng hóa như thực phẩm để cho các doanh nghiệp thời gian thích ứng.
Đã hoãn sáu tháng kể từ ngày 1/4, Chính phủ Anh tiếp tục lùi thời điểm yêu cầu tờ khai hải quan và thực hiện các kiểm soát đầy đủ đến ngày 1/1/2022. Các tờ khai về an toàn và an ninh sẽ là bắt buộc từ ngày 1/7/2021.
Bộ trưởng phụ trách Brexit, David Frost, cho biết Chính phủ Anh muốn các doanh nghiệp tập trung phục hồi hoạt động sau đại dịch hơn là phải tuân thủ các quy định mới tại biên giới và đây là lý do thời điểm áp dụng các quy định kiểm soát biên giới được lùi lại.
Các nguồn tin trong lĩnh vực logistics và hải quan cũng cho biết cơ sở hạ tầng chưa sẵn sàng cho việc thực hiện việc kiểm soát đầy đủ.
Nguồn: VietnamPlus
27/ Giải pháp ứng phó phòng vệ thương mại?
Dịch COVID-19 kéo dài và diễn biến phức tạp khiến nhiều nước nhập khẩu sử dụng triệt để các biện pháp phòng vệ thương mại cho việc bảo vệ sản xuất trong nước.
Vậy giải pháp nào giúp doanh nghiệp chủ động sử dụng và ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại? Đây sẽ là nội dung chính của cuộc trao đổi giữa phóng viên TTXVN với bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI).
Phóng viên: Để doanh nghiệp Việt Nam tự bảo vệ khi bước vào thị trường lớn thì cần những biện pháp gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Đối với phòng vệ thương mại, các thị trường lớn sử dụng công cụ này đối với các hàng hóa có năng lực cạnh tranh tốt và xuất khẩu mạnh của Việt Nam.
Ví dụ như ở thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) tiến hành điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp với hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam có thế mạnh như thủy sản, giày da,…
Thời gian gần đây, không chỉ là những thị trường lớn hay mặt hàng có thế mạnh mà ngay cả những mặt hàng mà doanh nghiệp Việt Nam mới tìm được con đường xuất khẩu hoặc thấy được tiềm năng xuất khẩu thì đã là đối tượng của các vụ kiện phòng vệ thương mại. Đặc biệt điều này đang diễn ra ở những thị trường nhỏ và ngay cả ở khu vực ASEAN.
Các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị những giấy tờ, chứng từ để chứng minh cho chi phí sản xuất. Để làm được điều này, doanh nghiệp cần duy trì hệ thống kế toán minh bạch, bởi khi vụ kiện đã xảy ra thì không quay trở lại để sắp xếp.
Đồng thời, doanh nghiệp cần thường xuyên theo dõi các hệ thống cảnh báo về nguy cơ phòng vệ thương mại để chuẩn bị trước. Bởi sớm một ngày thì doanh nghiệp có lợi một ngày.
Hiện có những hệ thống cảnh báo như từ các đối tác của doanh nghiệp ở nước ngoài, từ cơ quan quản lý nhà nước như Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội ngành nghề…
Tuy nhiên, khi bị kiện phòng vệ thương mại thì doanh nghiệp cũng cần xác định chiến lược của mình ở thị trường bị kiện. Không phải bất kỳ vụ kiện nào cũng phải tham gia đến cùng, nếu doanh nghiệp xác định đó là thị trường không thể bỏ được thì đầu tư tham gia. Còn nếu xác định là thị trường tạm thời hay tập trung vào thị trường khác thì doanh nghiệp cần chuyển hướng và không nên quá để ý.
Khi tham gia vụ kiện, doanh nghiệp cần chiến lược bài bản và sự tham gia của một mình doanh nghiệp là chưa đủ mà cần có sự hỗ trợ về mặt pháp lý của chuyên gia.
Phóng viên: Vậy bà đánh giá thế nào về việc nhận thức của doanh nghiệp trong việc ứng phó với các công cụ phòng vệ thương mại?
Bà Nguyễn Thị Thu Trang: Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp xuất khẩu hiểu nhiều hơn về phòng vệ thương mại. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư và tường tận về phòng vệ thương mại mới chỉ dừng lại ở những ngành từng va vấp.
Với xu hướng bị kiện phòng vệ thương mại ở những thị trường không lớn, thông tin của doanh nghiệp về quy trình điều tra và kinh nghiệm về ứng phó của doanh nghiệp là không nhiều hoặc với những ngành trước đây chưa từng bị kiện phòng vệ thương mại mà bây giờ phải đối diện thì đây là thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Vì vậy, nhận thức của doanh nghiệp, sự chuẩn bị của doanh nghiệp rõ ràng ở nhiều lĩnh vực và trong nhiều trường hợp là chưa đủ, cần thúc đẩy trong thời gian tới.
Để đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt về mặt kỹ thuật, những sự chuẩn bị này thường diễn ra từ trước chứ không phải khi vụ kiện xảy ra. Về mặt này, nhiều doanh nghiệp cũng còn lúng túng và chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Phóng viên: Xin cảm ơn bà!
Nguồn: Bnews
28/ Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam-Campuchia
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 83/2021/NĐ-CP biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Campuchia giai đoạn 2021-2022.
Nghị định này gồm 3 phụ lục kèm theo. Phụ lục I: Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản thỏa thuận Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2021-2022; Phụ lục II: Danh mục hàng hóa nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan của Việt Nam để thực hiện Bản thỏa thuận Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2021-2022; Phụ lục III: Danh mục các cặp cửa khẩu được phép thông quan các mặt hàng hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo Bản thỏa thuận Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2021-2022.
Theo Nghị định, phía Việt Nam sẽ áp dụng thuế suất 0% cho phía Campuchia gồm 31 mặt hàng, như gia cầm sống, thịt và phụ phẩm gia cầm, chanh, lúa gạo, chế phẩm chứa thịt lợn (dạng đóng bao bì kín khí để bán lẻ), lá thuốc lá chưa chế biến..
Danh mục hàng hóa bao gồm lúa gạo và lá thuốc lá chưa chế biến áp dụng thuế suất 0% đối với lượng nằm trong hạn ngạch được quy định tại Phụ lục II. Cụ thể, lúa gạo (với hạn ngạch 300.000 tấn/năm), lá thuốc lá chưa chế biến (với hạn ngạch 3.000 tấn lá thuốc lá/năm).
Điều kiện áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt
Nghị định quy định hàng hóa nhập khẩu được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Bản thỏa thuận Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2021-2022 phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Thuộc Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Bản thỏa thuận Việt Nam-Campuchia từ ngày 1/1/2021 đến ngày 31/12/2022 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định.
Có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của Vương quốc Campuchia cấp.
Thông quan qua các cặp cửa khẩu nêu tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 13/9/2021 đến ngày 31/12/2022.
Nguồn: Báo Chính Phủ
BSA Tổng hợp