(Từ 27/7-2/8/2020)
CÂU CHUYỆN TUẦN NÀY: DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN ĐÓNG GÓP CHƯA ĐẾN 10% GDP
Báo Thanh Niên dẫn lời bà Phạm Chi Lan cho biết, xây dựng nền kinh tế thị trường là mong muốn chung được nhắc đến từ lâu ở Việt Nam và thực tế đã được cụ thể hóa bằng hệ thống luật pháp, các văn bản… Nhưng thực tế trải nghiệm và qua các cuộc điều tra khảo sát, bà Lan cho rằng “khoảng cách từ miệng đến tay còn xa vời lắm”. Ở Việt Nam, để xóa được khoảng cách từ văn bản chính sách cho đến hành động, cũng phải dùng “nhất tiền tệ, nhì quan hệ”.
Những năm gần đây, Việt Nam đã có một số doanh nghiệp tư nhân phát triển lớn mạnh nhưng sự phát triển này được là nhờ có mối quan hệ thân hữu. Bởi, nếu không có mối quan hệ, các doanh nghiệp này rất khó tiếp cận được với nguồn lực đầu tư của nhà nước và không có cách nào để lớn được.
“Trong cơ cấu GDP hiện nay thì doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI đóng góp phần lớn, mức độ đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân chưa đến 10% thì làm sao chúng ta có nền kinh tế thị trường”, bà Phạm Chi Lan nêu vấn đề.
Còn theo TS Lê Đăng Doanh, trên thế giới đã có 90 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Nhưng theo đánh giá của Mỹ, Liên minh châu Âu, Việt Nam chưa được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường, theo các tiêu chí, tiêu chuẩn riêng của họ. TS Lê Đăng Doanh kiến nghị, cần phải đẩy mạnh gỡ bỏ rào cản trong thể chế, nhà nước điều hành không can thiệp sâu vào nền kinh tế thị trường, chỉ nắm giữ ngành quan trọng, cốt yếu để Việt Nam có nền kinh tế thị trường thực sự. Nếu được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường, nền kinh tế sẽ có được nhiều lợi ích. Trong xuất nhập khẩu sẽ giảm được rất nhiều thủ tục, giúp các doanh nghiệp giảm được nhiều chi phí.
Tại báo cáo Điểm lại với tiêu đề “Trạng thái bình thường mới ở Việt Nam sẽ ra sao? Tác động kinh tế của Covid-19” được công bố ngày 30/7, Ngân hàng Thế giớ, cũng khuyến nghị ba biện pháp mà Chính phủ cần sớm thực hiện nhằm tránh bẫy kinh tế Covid-19 và có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng cao, trong đó cũng nhấn mạnh việc “hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân”.
Cụ thể báo cáo khuyến nghị:
Biện pháp thứ nhất là cần cân nhắc và thận trọng từng bước gỡ bỏ hạn chế đi lại quốc tế, cân đối với những quan ngại về an toàn, do nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào khách và đầu tư nước ngoài.
Biện pháp thứ hai là đẩy nhanh triển khai chương trình đầu tư công hiện hành nhằm tăng cầu trong nước. Tuy nhiên, để triển khai hiệu quả biện pháp này cần đảm bảo nguồn lực được điều chuyển đến những dự án đem lại tác động tích cực lớn nhất cho cả nền kinh tế và việc làm, đồng thời giảm thiểu được tổn thất tài chính và kỹ thuật trong quá trình triển khai.
Ba là cần hỗ trợ có mục tiêu cho khu vực tư nhân, đặc biệt là những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất như du lịch, chế biến chế tạo cho xuất khẩu, thông qua hỗ trợ tài chính kết hợp với các chính sách khuyến khích thông minh.
A – NHẬT KÝ HÀNG VIỆT
Chọn ‘con đường khó’ để tái chế rác thải nhựa: Bỏ ra số tiền lên tới 60 triệu đô la Mỹ, cử đội ngũ nhân sự chuyên ngành ngược xuôi các nước tìm kiếm công nghệ phù hợp, xây dựng mạng lưới thu mua vỏ chai đã qua sử dụng…, Nhựa Duy Tân chấp nhận đi con đường khó khi đầu tư nhà máy nhựa tái chế. Đó là cách để doanh nghiệp góp phần giải quyết vấn đề đang nhức nhối hiện nay: chất thải nhựa.
Vissan lãi ròng quý 2/2020 giảm hơn 30% dù doanh thu tăng gần 10%: Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan, UPCoM: VSN) ghi nhận doanh thu quý 2/2020 tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 1.233 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm hơn 30%, chỉ còn 41 tỷ đồng.
Đại học Nam Cần Thơ đẩy mạnh mô hình ‘doanh nghiệp trong trường học’: Doanh nghiệp trong trường học là mô hình mới tạo bước đột phá của trường Đại học Nam Cần Thơ (DNC) mà hiện nay chưa có nhiều trường áp dụng. Mô hình này bắt nguồn từ việc giải quyết câu chuyện tìm nơi thực tập cho sinh viên và đồng thời cũng tạo những điều kiện thuận lợi cho sinh viên học tập và thực hành nhằm nâng cao tay nghề và kỹ năng thực hành ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Eximbank lần 3 mời cổ đông họp thường niên: Hội đồng quản trị của ngân hàng có trụ sở tại tòa nhà Vincom, TPHCM quyết định tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên lần 3 tại Hà Nội, trong mùa “cao điểm” dịch Covid-19 trở lại.
Ông chủ Mỹ Hảo tiết lộ chiêu đưa hàng sang Mỹ
Vincommerce góp 45% doanh số cho Masan nửa đầu năm 2020: Dấu ấn của Vincomerce đóng góp vào kết quả kinh doanh của Masan ngày càng rõ nét hơn, trong bối cảnh ngành hàng tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong mùa dịch Covid-19.
HAGL Agrico duy trì có lãi trong 2 quý đầu năm: Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần tăng 13% đạt 499 tỷ đồng, trong đó trái cây vẫn là mặt hàng chủ lực với doanh thu 424 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp giảm 6% còn 127 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp giảm về mức 25,5%.
Cổ phiếu của ‘vua cá tra’ một thời bị hủy niêm yết bắt buộc: Gần 230 triệu cổ phiếu HVG của Công ty cổ phần Hùng Vương tại Tiền Giang do ông Dương Ngọc Minh sáng lập, từng được ví như “vua cá tra” ở đồng bằng sông Cửu Long đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM hủy niêm yết bắt buộc.
Doanh nghiệp ĐBSCL sẽ được tư vấn trực tuyến về EVFTA: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đã chính thức ra mắt cổng thông tin tư vấn trực tuyến Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam (EVFTA) tại địa chỉ https://www.vccimekong.com/vi/cac-cau-hoi-thuong-gap cho doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Covid-19 khiến FLC vượt 39% ‘kế hoạch lỗ’ cả năm: Lũy kế 6 tháng đầu năm, FLC đã hoàn thành vượt mức 39% kế hoạch lỗ đặt ra cả năm nay, vì tác động của Covid-19 đến các hoạt động cốt lõi của tập đoàn.
Vinmec phát triển thành công 2 bộ kit phát hiện và chuẩn đoán virus SARS-CoV-2: Bộ VinKit SARS-CoV-2 Multiplex RT-PCR do Vinmec nghiên cứu, cải tiến có khả năng tích hợp phản ứng “3 trong 1”, giảm được 70% thao tác kỹ thuật, tăng gấp đôi tốc độ thực hiện, đảm bảo độ chính xác cao với chi phí thấp.
Vợ chồng trẻ khởi nghiệp với mật hoa dừa: Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu họ đã có ý tưởng khai thác giá trị tăng thêm từ cây dừa bằng cách rất riêng. Đó là mát xa hoa dừa để lấy mật, từ đây nhiều dòng sản phẩm chế biến từ mật hoa dừa đã được ra đời.
Bên trong nhà máy sản xuất gà rán ở Việt Nam
B – HỘI NHẬP
Kinh tế Mỹ hứng cú sốc chưa từng có vì dịch Covid-19: Nền kinh tế Mỹ trong quý 2/2020 đã giảm đến 32,9% so với cùng kỳ năm trước – mức cao kỷ lục kể từ khi số liệu này bắt đầu được thống kê vào năm 1947.
Mỹ cân nhắc mở cửa cho dân Hong Kong định cư: Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 30/7 cho hay Mỹ đang cân nhắc các biện pháp cho phép người dân Hong Kong định cư tại Mỹ sau khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên đặc khu này.
Nền kinh tế Thái Lan có thể bị thu hẹp 8,5% vì Covid-19: Nền kinh tế Thái Lan có thể sẽ thu hẹp 8,5% trong năm 2020, tệ hơn so với ước tính trước đây và và là mức suy giảm lớn nhất ở châu Á.
Bloomberg: Kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay: Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn từ ngân hàng UBS Group AG cho biết nền kinh tế của Trung Quốc sẽ tăng trưởng 2,5% trong năm nay.
Covid-19 tăng tốc trở lại: Covid-19 được đánh giá là đại dịch nghiêm trọng nhất, giữa lúc làn sóng thứ hai, thứ ba đang xuất hiện và diễn biến khó lường ở nhiều nơi.
Ngành dệt may châu Á điêu đứng vì đại dịch Covid-19: Theo nhật báo Yomiuri, ngành dệt may châu Á đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 khi một số lượng lớn các đơn đặt hàng đã bị hủy.
Trung Quốc soán ngôi Nga thành đối thủ số 1 của Mỹ: Thời báo Tài chính (FT) cho rằng Mỹ bắt đầu coi Trung Quốc là mối đe dọa chính, dù chính Nga đã thách thức phương Tây khi sáp nhập bán đảo Crimea.
Kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc tăng kỷ lục: Dù quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan căng thẳng nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu của Đài Loan sang Trung Quốc dự kiến đạt mức kỷ lục trong năm nay.
Trung Quốc bỏ trần giới hạn sở hữu nước ngoài trong lĩnh vực tài chính: Trung Quốc vừa dỡ bỏ trần giới hạn sở hữu nước ngoài trong hầu hết các ngành nghề có liên quan tới lĩnh vực tài chính trị giá 45 nghìn tỷ USD của nước này.
Mỹ điều tra các gói hạt giống bí ẩn nghi gửi từ Trung Quốc: Cơ quan chức năng Mỹ tiến hành điều tra thành phần, nguồn gốc của các gói hạt giống bí ẩn nghi được gửi từ Trung Quốc.
Mỹ cảnh báo ‘hợp tác với Huawei sẽ phải trả giá’: Đại sứ Mỹ tại Brazil Todd Chapman hôm 29/7 cảnh báo nước chủ nhà rằng họ có thể đối mặt hậu quả nghiêm trọng nếu cho phép tập đoàn Huawei của Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G.
Thái Lan sẽ giảm xuất khẩu thịt heo sang Việt Nam: Việt Nam đang tăng cường nhập heo sống từ Thái Lan nhưng hiện nay do giá thịt heo nội địa tăng lên nên Bộ Thương mại Thái Lan đang có kế hoạch giảm lượng heo xuất khẩu.
Chính phủ Ấn Độ cấm thêm 47 ứng dụng của Trung Quốc: Không lâu sau khi ban hành lệnh cấp 59 ứng dụng Trung Quốc do lo ngại về an ninh, chính phủ Ấn Độ tiếp tục mở rộng lệnh cấm thêm 47 ứng dụng khác.
CUỘC ĐỐI ĐẦU MỸ – TRUNG: MỸ TÍCH CỰC TÌM ĐỒNG MINH
Sau bài phát biểu gây dậy sóng dư luận của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 24/7, dư luận thế giới lại chờ đợi cuộc tham vấn cấp bộ trưởng giữa hai đồng minh Mỹ và Úc (AUSMIN).
Cuộc tham vấn này kết thúc vào rạng sáng 29/7, với Tuyên bố chung và cuộc họp báo chung giữa các bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao hai nước. Trong tuyên bố chung, Mỹ và Úc đã ca ngợi vai trò của Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống đại dịch Covid-19: “Họ tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ với ASEAN, kiến trúc khu vực do ASEAN dẫn đầu và Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và ca ngợi Việt Nam, với tư cách chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, về vai trò lãnh đạo ASEAN trong cuộc chiến đấu chống lại đại dịch Civod-19”.
Ngày 30/7, trong phiên điều trần tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nhắc đến căng thẳng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh ông Pompeo nhấn mạnh đường lối cứng rắn đối với Trung Quốc, theo Reuters.
Ông cho biết các quốc gia khác đang hỗ trợ những sáng kiến của Mỹ như không sử dụng thiết bị của tập đoàn Huawei (Trung Quốc) trong dự án phát triển mạng di động thế hệ mới 5G và tăng cường các cuộc diễn tập ở Biển Đông.
Tuy nhiên, ông Pompeo cũng lưu ý việc thiết lập một liên minh quốc tế đối phó Trung Quốc gặp nhiều khó khăn. Ông đồng thời bày tỏ bức xúc trước việc nhiều quốc gia ủng hộ các động thái của Bắc Kinh vốn bị Washington xem là đe dọa quyền tự trị ở Hong Kong.
Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ “đang xem xét” các biện pháp nhằm cho phép người Hong Kong đến Mỹ định cư, sau khi Bắc Kinh ban hành luật an ninh quốc gia cho đặc khu hành chính này, theo báo South China Morning Post.
“Chúng tôi đang xem xét việc đó”, Ngoại trưởng Pompeo nói khi được hỏi liệu Mỹ có mở rộng các cơ hội tị nạn hay thị thực (visa) cho người Hong Kong hay không. Ông Pompeo nói thêm rằng ông nghĩ Vương quốc Anh đã đưa ra “quyết định đúng đắn” khi tạo điều kiện để mở đường cho người Hong Kong trở thành công dân Anh.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump “đang tích cực xem xét cách thức chúng ta nên đối xử với những người từ Hong Kong muốn xin tị nạn hoặc cấp một chương trình thị thực liên quan việc đó”.
Phiên điều trần diễn ra sau khi Washington và Bắc Kinh mới đây trả đũa lẫn nhau, yêu cầu đóng cửa các lãnh sự quán ở Houston và Thành Đô. Ngoại trưởng Mỹ tái khẳng định Washington yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại thành phố Houston vì đó là “sào huyệt gián điệp”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định có sự ủng hộ của quốc tế đối với các chính sách cứng rắn của Mỹ nhắm vào Trung Quốc.

Nhóm thông tin hội nhập