Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực
Tin tức về thị trường đạm thay thế
1.    Bùng nổ về công nghệ, nhưng ngành protein côn trùng tại khu vực APAC vẫn chưa sẵn sàng để đột phá
Thực phẩm làm từ protein từ côn trùng ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương có lợi thế lớn về chi phí sản xuất và trình độ công nghệ, nhưng mức độ đón nhận của thị trường vẫn là điểm nghẽn chính ngăn cản sự phát triển mạnh mẽ của ngành này trong khu vực.
Protein côn trùng đã nhận được rất nhiều sự quan tâm trong vài năm qua như một nguồn protein thay thế tiềm năng để giải quyết các thách thức về nguồn cung ứng protein bền vững của thế giới, mặc dù ngành này đã chứng kiến ​​thành công vang dội ở các thị trường phương Tây, nhưng vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Điều này thật trớ trêu vì châu Á được xem là khu vực có lợi thế lớn về chi phí nhất để sản xuất protein côn trùng, cả về nguồn cung cấp nguyên liệu và chi phí đầu vào; cùng với thực tế là việc ăn côn trùng như một món ngon truyền thống đã rất phổ biến ở một số quốc gia Đông Nam Á trong nhiều thế kỷ – khiến việc ra mắt không thành công của các sản phẩm protein từ côn trùng thật khó để lý giải. Trong khi đó, thực phẩm protein từ côn trùng đã có nhiều bước phát triển nhảy vọt tại các thị trường như Mĩ, Châu Âu trong vài năm qua, nơi việc tiêu thụ côn trùng còn khá mới mẻ trong chế độ ăn uống của người tiêu dùng.
“Chắc chắn rằng thị trường thực phẩm chứa protein công trùng đang đạt tới độ chín ở phương Tây, đặc biệt là ở Bắc Mỹ,” Giám đốc Phát triển Kinh doanh CricketOne Bicky Nguyễn nói.
“Cách đây 5 đến 7 năm nếu bạn hỏi người tiêu dùng: tại sao họ lại muốn ăn côn trùng hoặc dế? Câu trả lời khi đó chủ yếu là về môi trường và tính bền vững. Chúng tôi đã tiếp thị dựa trên điều đó – nhưng ngày nay, chúng tôi không cần đến những lý tưởng to tát như vậy nữa, hiện giờ chỉ cần tập trung vào việc sản phẩm ngon như thế nào và lợi ích sức khỏe ra sao, vì khách hàng đã am hiểu và sẵn sàng đón nhận những sản phẩm protein côn trùng này. Các dòng sản phẩm ở các thị trường này đã vượt xa khu vực châu Á – khoai tây chiên côn trùng, thanh protein, thanh năng lượng… trở nên rất phổ biến, tại Mĩ còn là các loại bột gia vị, nước sốt gia vị, nước sốt nấu ăn…” – Bà Bicky chia sẻ
Trong khi đó ở châu Á, vẫn còn rất nhiều lỗ hổng trong nhận thức về protein côn trùng, hầu hết người tiêu dùng vẫn đang ở giai đoạn bị thuyết phục bởi tính bền vững và độ thân thiện với môi trường của nó, thêm nữa vẫn còn một chút nghi ngờ về khía cạnh mùi vị. Tại Châu Á, ngành đạm côn trùng vẫn đang có những bước tiến rất chậm, nhưng ít nhất khách hàng đã bắt đầu nhận thức rõ hơn về lĩnh vực này và đang dần tìm kiếm nhiều hơn những sản phẩm liên quan đến thị trường này.
Để đạt được những bước phát triển đột phá tại thị trường Châu Á, bà Bicky Nguyễn tin rằng câu trả lời nằm ở dòng sản phẩm đồ ăn vặt, đây sẽ là hình thức hiệu quả nhất để mang protein côn trùng đến với đông đảo người tiêu dùng hơn.
”Mọi người đều yêu thích đồ ăn vặt, đặc biệt là những món ăn vừa lành mạnh vừa có mùi vị thơm ngon – và thành thật mà nói, chúng tôi vẫn cần rất nhiều nỗ lực để khiến người tiêu dùng thực sự đón nhận dòng sản phẩm đạm thay thế khá đặc biệt này và phát triển các dòng snack chính là cách tốt nhất để làm điều đó.” – Bà Bicky chia sẻ.
Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/10/03/apac-insect-protein-tech-ahead-of-the-curve-but-market-readiness-still-lagging
       Tin tức nổi bật trong nước và quốc tế
1.    Táo hữu cơ Pháp rẻ chưa từng có, bán ngập siêu thị
Những ngày gần đây, người tiêu dùng TP HCM không khỏi bất ngờ khi táo hữu cơ Pháp (táo Juliet) có giá còn rẻ hơn táo thường nhập khẩu từ các nước khác. Trao đổi với Báo Người Lao Động, chủ một doanh nghiệp chuyên cung cấp trái cây nhập khẩu tại TP HCM và các tỉnh phía Nam cho hay gần đây các nhà nhập táo Juliet nhập thêm loại size (kích cỡ) nhỏ nên giá rẻ.
“Táo cỡ nhỏ trước đây các trang trại ở nước ngoài bỏ đi nhưng thị trường Việt Nam lại rất chuộng vì hương vị không kém táo cỡ lớn nhưng giá phù hợp túi tiền. Tương tự như các loại táo mini Nam Phi đóng túi 3 kg đang bán rất chạy tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, hiện đang là thời điểm chính vụ thu hoạch của táo Juliet nên có giá thấp, nhất là loại quả này bảo quản được lâu, vận chuyển bằng tàu biển với chi phí thấp.” – chủ doanh nghiệp này phân tích.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/tao-huu-co-phap-re-chua-tung-co-ban-ngap-sieu-thi-20221002104634265.htm
2.    Doanh nghiệp thực phẩm Italy đẩy mạnh thâm nhập thị trường Việt
Việt Nam là một trong 10 thị trường mới nổi trong ưu tiên phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của Chính phủ Italy. Hiện Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Nhằm tăng cường thương mại giữa 2 nước, ngày 29/9/2022, Tổng lãnh sự Italy tại TP.HCM phối hợp với Công ty MM Mega Market Việt Nam tổ chức tuần lễ “Khám phá hương vị Italy” tại TP.HCM.
Tính trong 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Italy đạt 4,25 tỷ USD và tăng gần 14% so với cùng kỳ. Thống kê, có gần 6.000 doanh nghiệp Italy đang đầu tư vào Việt Nam và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đang đẩy mạnh mở cửa cho đầu tư, thương mại nước ngoài của hai nền kinh tế.
Nguồn: https://vneconomy.vn/doanh-nghiep-thuc-pham-italy-day-manh-tham-nhap-thi-truong-viet.htm
3.    Thịt heo đông lạnh rẻ ngỡ ngàng, ‘càn quét’ các chợ, chất lượng ‘hên xui’
Với ưu điểm giá rẻ và nguồn cung rất lớn, thịt heo đông lạnh nhập khẩu đang dần “càn quét” thị trường tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, chất lượng mặt hàng này đang khá bấp bênh khi hoạt động kinh doanh, đặc biệt buôn bán lẻ khá bát nháo, thiếu kiểm soát.
Theo ghi nhận, giá sườn que và giò đông lạnh là 40.000 đồng/kg, ba rọi 73.000 – 78.000 đồng/kg, heo xay 70.000 đồng/kg, đuôi heo 85.000 đồng/kg… Người bán cho biết giá trên chỉ bằng phân nửa so với giá heo nóng trong nước nên rất được ưa chuộng, cần bao nhiêu hàng cũng có. Tuy nhiên khi được hỏi nguồn gốc thịt heo, chứng nhận chất lượng, thời hạn sử dụng… thì người bán không trả lời.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thit-heo-dong-lanh-re-ngo-ngang-can-quet-cac-cho-chat-luong-hen-xui-2022100122390677.htm
4.    Công ty VISSAN ký kết chuyển giao công nghệ hỗ trợ kỹ thuật phát triển sản phẩm
Vừa qua, tại Hội trường Công ty VISSAN, đã diễn ra Lễ ký kết chuyển giao công nghệ phát triển sản phẩm VISSAN giữa Tổ Chức Thịt Và Gia Súc Úc (MLA) và Công ty VISSAN.
Dự án chuyển giao công nghệ, hỗ trợ kỹ thuật là một hướng đi mới cho dòng sản phẩm thịt bò Úc của VISSAN. Với sự hợp tác giữa MLA và VISSAN dự định sẽ kéo dài trong 6 tháng từ ngày 20/9/2022 đến ngày 20/3/2023, sẽ mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thực hiện 3 mục tiêu chính cho VISSAN đó là: xây dựng mô hình kinh doanh chế biến bền vững, xây dựng hệ thống và tiêu chuẩn trong việc tiếp thị sản phẩm, nâng cao kiến thức và kỹ thuật cho nhân viên VISSAN.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cong-ty-co-phan-viet-nam-ky-nghe-suc-san-vissan-ky-ket-chuyen-giao-cong-nghe-ho-tro-ky-thuat-phat-trien-san-pham-99315.htm
5.    UAE lắp ‘cây ATM’ bánh mì miễn phí cho người nghèo
Khi chi phí sinh hoạt tăng cao, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã triển khai chương trình phân phát bánh mì miễn phí cho người nghèo tại thủ đô Dubai. Tuần trước, 10 “cây ATM” bánh mì tự động đã được lắp đặt tại các siêu thị ở Dubai. Cỗ máy này có màn hình cảm ứng máy tính, cho phép mọi người chọn lựa những loại bánh khác nhau: ổ bánh mì sandwich, bánh mì pitta hoặc bánh chapatis phẳng kiểu Ấn Độ. Tất cả đều thơm phức và nóng hổi.
Theo số liệu của chính phủ từ Trung tâm Thống kê Dubai, chỉ số giá thực phẩm trong tháng 7 vừa qua đã tăng 8,75% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, chi phí vận tải đã tăng hơn 38%. Máy phát bánh mì là sáng kiến của quỹ từ thiện do người cai trị Dubai, ông Mohammed bin Rashid Al-Maktoum thành lập.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/uae-lap-cay-atm-banh-mi-mien-phi-cho-nguoi-ngheo-20220928113259013.htm
6.    Golden Gate bán suất ăn trong bệnh viện
Chủ chuỗi Gogi, Kichi Kichi, Vuvuzela, Manwah… vừa lấn sân sang lĩnh vực cung cấp dịch vụ ăn uống và hàng tiêu dùng nhanh sau hơn 17 năm kinh doanh chuỗi nhà hàng. Ngày 4/10, Công ty CP Thương mại dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa khai trương cụm dịch vụ tiện ích gồm các dịch vụ căng tin, cà phê, siêu thị tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Dịch vụ căng tin này có công suất phục vụ 1.600 khách hàng, 4.500 suất ăn mỗi ngày. Bên cạnh đó, cụm dịch vụ này còn có quán cà phê và siêu thị.
Năm nay, lãnh đạo công ty cho biết sẽ tập trung vào phát triển mạng lưới nhà hàng trên toàn quốc, khai thác các thương hiệu mũi nhọn, phát triển các thương hiệu mới và phát triển các mảng kinh doanh mới như đồ ăn đông lạnh, đồ ăn giao hàng. Ngoài ra, Golden Gate cũng sẽ tối ưu hóa hoạt động của từng nhà hàng để tăng khả năng sinh lời và cải thiện biên độ lợi nhuận trên từng nhà hàng.
Nguồn: https://zingnews.vn/golden-gate-ban-suat-an-trong-benh-vien-post1362063.html
7.    Ớt Trung Quốc nhập vào Việt Nam còn tồn dư hóa chất diệt côn trùng
Thông tin ớt Trung Quốc được Việt Nam nhập khẩu chính ngạch bị phát hiện tồn dư hóa chất diệt côn trùng khiến nhiều người bất ngờ. Cụ thể, trong chương trình giám sát an toàn thực phẩm có nguồn gốc thực vật nhập khẩu 2022, Cục Bảo vệ thực vật (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phát hiện lô hàng ớt tươi Trung Quốc không đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm của Việt Nam. Mẫu ớt bị phát hiện có tồn dư chất Lambda-cyhalothrin, là hóa chất diệt côn trùng với hàm lượng 0,5 mg/kg trong khi hàm lượng tối đa mà Việt Nam cho phép là 0,3 mg/kg.
Ớt Trung Quốc là mặt hàng về chợ không thường xuyên, chỉ khi giá ớt Việt Nam cao hơn Trung Quốc thì thương nhân sẽ đánh hàng một vài container về vì chỉ mất 2 ngày là hàng từ biên giới về đến chợ. Ớt Trung Quốc nhập khẩu có loại ớt xanh, ớt đỏ (cỡ lớn) và ớt cỡ nhỏ như ớt chỉ thiên của Việt Nam. Theo ghi nhận trong tháng 6 có 70 tấn, tháng 7 có 159 tấn và tháng 8 vừa qua có 147 tấn ớt tươi Trung Quốc nhập chợ kinh doanh và đều là hàng nhập khẩu chính ngạch.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/bat-ngo-khi-viet-nam-nhap-ot-trung-quoc-ton-du-hoa-chat-diet-con-trung-20221005111629596.htm
Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử
1.    Kinh doanh bán lẻ tăng tốc trở lại sau đại dịch
Ngày 30/9, Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố nghiên cứu độc lập, bảng xếp hạng Top 10 công ty bán lẻ uy tín năm 2022 với những doanh nghiệp như Central Group, Lotte, Saigon Co.op, Satra, Winmart,… Báo cáo chỉ ra, trái ngược với tình trạng ảm đạm khi hàng loạt các cửa hàng phải đóng cửa nhằm thực hiện giãn cách xã hội cách đây một năm, thị trường bán lẻ đã sôi động trở lại.
Tính chung 9 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 4.170 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Khảo sát doanh nghiệp bán lẻ của Vietnam Report thực hiện trong tháng 8/2022 cho thấy, 53,8% số doanh nghiệp bán lẻ hiện đã đạt hiệu quả kinh doanh bằng và vượt mức trước đại dịch.
Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/kinh-doanh-ban-le-tang-toc-tro-lai-sau-dai-dich-a572418.html
2.    Các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia đua mở rộng đầu tư vào Việt Nam
Các tập đoàn đa quốc gia như Central Retail, Aeon, Lotte Mart thời gian qua đã liên tục mở rộng sự hiện diện tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức với nhiều nhà bán lẻ trong nước.
Thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ trở nên đông đúc với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt, do đó việc phù hợp với nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng sẽ là chìa khóa để bứt phá dẫn đầu.
Nguồn: https://markettimes.vn/la-nen-kinh-te-lon-duy-nhat-tai-dong-nam-a-tang-truong-bat-chap-dai-dich-cac-tap-doan-ban-le-da-quoc-gia-dua-mo-rong-dau-tu-vao-viet-nam-5050.html
3.    Nhiều cơ hội về thương mại điện tử cho doanh nghiệp SME sau đại dịch
Theo nghiên cứu ‘What’s Next in E-Commerce’ được ủy quyền bởi FedEx Express, được thực hiện bởi Harris Interactive vào tháng 7 năm 2022 ở 11 thị trường bao gồm Australia, Hong Kong, Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam. Ở mỗi thị trường, 300 doanh nghiệp vừa và nhỏ (có ít hơn 250 nhân viên tham gia vào thương mại điện tử) cùng với 500 người tiêu dùng (1.000 người ở Ấn Độ) trên 18 tuổi đã được thăm dò.
Theo nghiên cứu, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương về mức độ lạc quan đối với thương mại điện tử, 94% các SME và 87% người tiêu dùng tin rằng tương lai của ngành này ẩn chứa rất nhiều cơ hội để được khám phá và phát triển.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/nhieu-co-hoi-ve-thuong-mai-dien-tu-cho-doanh-nghiep-sme-sau-dai-dich/821185.vnp
Nhóm tin về ngành thời trang
  1. Sự chia rẽ trong thế giới xa xỉ khi hàng hiệu secondhand bùng nổ
Cơn bùng nổ của thị trường túi xách, thời trang, trang sức cao cấp đã qua sử dụng (secondhand) đang đặt ra một tình thế khó khăn cho các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới: Tham gia hay bỏ qua?. Hermès International, LVMH và Chanel quyết đứng ngoài thị trường này, nhưng Kering (sở hữu thương hiệu Gucci), Burberry và Stella McCartney đã nhập cuộc để nắm bắt cơ hội kinh doanh béo bở.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/su-chia-re-trong-the-gioi-xa-xi-khi-hang-hieu-secondhand-bung-no/
  1. Lợi nhuận của H&M giảm đáng kể trong quý III
Nhà bán lẻ thời trang Thụy Điển H&M đã công bố báo cáo lợi nhuận quý III/2022 giảm đáng kể so với một năm trước đó, sau quyết định rời khỏi thị trường Nga. Trong báo cáo kinh doanh mới nhất, H&M cho biết lợi nhuận ròng của họ đã giảm xuống còn 531 triệu kronor (47 triệu USD) trong quý III/2022, giảm 89% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn: https://bnews.vn/loi-nhuan-cua-h-m-giam-dang-ke-trong-quy-iii/260453.html
  1. Gap cắt giảm nhân sự để ứng phó hàng loạt khó khăn
Khoảng 500 việc làm tại Gap đã bị cắt giảm, làm gia tăng thêm những khó khăn mà nhà bán lẻ thời trang và phụ kiện này đang phải đối mặt. Theo nguồn thông tin quen thuộc với vấn đề trên, việc cắt giảm nhân sự của Gap bao gồm sự kết hợp giữa việc sa thải và điều chỉnh các vị trí tại văn phòng của công ty ở New York, San Francisco và khắp châu Á.
Nguồn: https://bnews.vn/gap-cat-giam-nhan-su-de-ung-pho-hang-loat-kho-khan/260455.html
  1. Thương hiệu xa xỉ chật vật mở cửa hàng ở Việt Nam
Theo ông Nick Bradstreet, Giám đốc bộ phận bán lẻ khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Savills, điểm nghẽn lớn nhất mà các doanh nghiệp kinh doanh hàng xa xỉ gặp phải trong quá trình gia nhập thị trường Việt Nam là điều kiện mặt bằng.
Hiện nay, TP.HCM chỉ có Union Square đáp ứng tiêu chí. Còn ở Hà Nội, khu vực trung tâm quận Hoàn Kiếm đang thiếu hụt mặt bằng phù hợp với thương hiệu cao cấp. Nghiên cứu từ Savills cho thấy giá thuê khu vực này cũng tăng mạnh, có những tuyến phố ghi nhận mức tăng 15% giữa năm 2020 và 2021. Đây là lý do trong khi các nhãn hàng cao cấp đều đã có 5-6 cửa hàng tại Singapore và Bangkok nhưng chỉ mới mở 1-2 điểm tại các thành phố lớn của Việt Nam.
Nguồn: https://zingnews.vn/thuong-hieu-xa-xi-chat-vat-mo-cua-hang-o-viet-nam-post1359201.html
Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ
1.    Trung Quốc thiếu nhân tài trong các ngành công nghiệp mới nổi
Các dữ liệu trên thị trường tuyển dụng Trung Quốc cho thấy tình trạng thiếu nhân tài ở các ngành công nghiệp mới nổi như xe điện, dược sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), những lĩnh vực mà Bắc Kinh muốn tự triển khai công nghệ tân tiến nhất để cung cấp cho toàn thế giới và tránh phụ thuộc vào sáng tạo của phương Tây.
Trong khi lực lượng lao động hiện tại có thể chật vật chuyển đổi nghề nghiệp, thế hệ sinh viên trẻ mới tốt nghiệp trong tương lai có thể lấp đầy khoảng trống kỹ năng trong các ngành công nghệ mới nổi. Giám đốc điều hành Maimai (phiên bản LinkedIn của Trung Quốc) – Lin Fan dự báo phải mất từ 3-5 năm thì các nút thắt cổ chai mà tài năng trẻ ngày nay đang đối mặt mới bắt đầu giảm bớt, mở ra một chương mới của sự đổi mới ở Trung Quốc.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/trung-quoc-thieu-nhan-tai-trong-cac-nganh-cong-nghiep-moi-noi/
2.    Grab muốn triển khai ngân hàng số tại Malaysia và Indonesia vào năm 2023
Theo Tech In Asia, Grab đặt mục tiêu triển khai dịch vụ ngân hàng số (digibank) tại Malaysia và Indonesia vào năm 2023. Trong sự kiện Investor Day tổ chức mới đây, đại diện của Grab nói rằng công ty này đang đặt mục tiêu hòa vốn theo EBITDA vào nửa cuối năm 2024, và hoạt động của dịch vụ ngân hàng số dự kiến hòa vốn vào cuối năm 2026.
Tại Indonesia, Bank Fama International sẽ đóng vai trò nền tảng cho kế hoạch triển khai dịch vụ ngân hàng số của Grab. Trước đó, Grab và Singtel đã đầu tư 70 triệu USD vào Bank Fama, qua đó mỗi bên nhận về 16,26% cổ phần của ngân hàng này. Siêu ứng dụng có trụ sở tại Singapore cũng được cho là đang đàm phán để mua phần lớn cổ phần của ngân hàng Malaysia AMMB Holdings (AmBank). Tuy nhiên, Grab hiện chưa đưa ra bình luận gì về thông tin này.
Nguồn: https://viettimes.vn/grab-muon-trien-khai-ngan-hang-so-tai-malaysia-va-indonesia-vao-nam-2023-post160803.html
3.    Intel chọn địa điểm đặt nhà máy sản xuất chip mới tại Italy
Nguồn thạo tin cho biết, Chính phủ sắp mãn nhiệm của Thủ tướng Italy Mario Draghi và tập đoàn công nghệ Intel (Mỹ) đã chọn thị trấn Vigasio ở vùng Veneto, Italy làm địa điểm đặt nhà máy sản xuất chip. Khoản đầu tư của Intel vào Italy là một phần trong kế hoạch rộng lớn hơn được nhà sản xuất chip của Mỹ công bố vào tháng Ba năm ngoái nhằm đầu tư tới 80 tỷ euro (77,5 tỷ USD) trong thập kỷ tới vào việc mở rộng hoạt động trên khắp châu Âu.
Với khoản đầu tư ban đầu trị giá khoảng 4,5 tỷ euro và dự kiến sẽ tăng theo thời gian, Intel cho biết nhà máy ở Italy sẽ tạo ra 1.500 việc làm cộng thêm 3.500 việc làm cho các nhà cung cấp và đối tác, dự kiến sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2025 đến năm 2027. Nhà máy ở Italy sẽ là một nhà máy đóng gói và lắp ráp chất bán dẫn tiên tiến của Intel, sử dụng các công nghệ mới.
Nguồn: https://bnews.vn/intel-chon-dia-diem-dat-nha-may-san-xuat-chip-moi-tai-italy/260454.html
4.    Doanh nghiệp Mỹ đầu tư 100 tỉ USD xây dựng nhà máy chip ở ngoại ô New York
Theo thông báo của bang New York, Micron, công ty sản xuất chip Mỹ sẽ đầu tư tới 100 tỉ USD trong hai thập kỷ tới xây dựng một nhà máy sản xuất chip máy tính tiên tiến ở ngoại ô thành phố New York.
Thông báo này được The New York Times đưa tin lần đầu tiên sau khi Đạo luật Khoa học và CHIPS năm 2022 được thông qua , giúp phân bổ 52 tỉ USD khuyến khích tăng cường sản xuất chất bán dẫn trong nước. Giám đốc điều hành Micron, Sanjay Mehrotra tuyên bố, việc thông qua đạo luật này giúp cho việc đầu tư trở nên khả thi.
Nguồn: https://viettimes.vn/doanh-nghiep-my-dau-tu-100-ti-usd-xay-dung-nha-may-chip-o-ngoai-o-new-york-post160877.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi
1.    Samsung mở rộng sản xuất chip đáp ứng nhu cầu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Công ty Hàn Quốc, nhà đúc chip lớn thứ 2 thế giới, xếp sau TSMC của Đài Loan, đang đặt mục tiêu sản xuất chip hàng loạt trên quy trình 2 nanomet (nm) vào năm 2025 và chip 1,4 nm vào năm 2027. Đây là 2 loại chip được sử dụng trong các ứng dụng như trí tuệ nhân tạo hay điện toán hiệu suất cao.
Samsung đã bắt đầu sản xuất quy mô lớn chip trên quy trình 3 nm từ tháng 6. Công ty cũng đã đàm phán với những đối tác tiềm năng về công nghệ này, gồm Qualcomm, Tesla và AMD.
Nguồn: https://ictnews.vietnamnet.vn/samsung-mo-rong-san-xuat-chip-dap-ung-nhu-cau-linh-vuc-tri-tue-nhan-tao-5002117.html
2.    Tesla lập kỷ lục doanh số mới
Nhà sản xuất ô tô điện Mỹ Tesla vừa công bố số liệu sản xuất và doanh số quý 3. Theo đó, công ty của tỷ phú Elon Musk đã giao tổng cộng 343.000 xe và đạt sản lượng 365.000 xe trong quý.
Về sản lượng, theo Tesla, trong quý, công ty đã sản xuất 19.935 xe Model S và Model X, hai mẫu xe thuộc phân khúc giá cao, và 345.988 xe Model 3 và Model Y, hai mẫu xe thuộc phân khúc giá tầm trung. Như vậy, tổng sản lượng của Tesla trong quý 3 đã tăng so với quý 2, khi công ty này chỉ xuất xưởng 258.580 xe do phải đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc vì dịch Covid-19.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/thi-truong-tieu-thu-lon-nhat-the-gioi-co-dau-hieu-phuc-hoi-doanh-so-xe-tesla-trong-quy-3-lap-ki-luc-20221003135808758.htm
Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng
1.    Shell và Exxon rút khỏi các dự án cũ ở Biển Bắc
Theo các nguồn tin trong ngành và nhiều ngân hàng, hai ông lớn dầu khí của Vương quốc Anh – Shell và ExxonMobil, đã hợp tác thiết lập thủ tục rao bán một lượng lớn tài sản khí đốt tự nhiên ngoài khơi ở miền nam Vương quốc Anh và Biển Bắc của Hà Lan. Cụ thể, hai công ty đã thuê ngân hàng đầu tư Jefferies để phụ trách thương vụ này. Dự kiến đợt rao bán có thể thu về hơn 2 tỷ USD.
Hai ông lớn dầu khí hy vọng quá trình hợp tác rao bán này sẽ thu hút được giá thầu từ một số công ty dầu khí đã bày tỏ sự quan tâm ban đầu.
Nguồn: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/shell-va-exxon-rut-khoi-cac-du-an-cu-o-bien-bac-667145.html
2.    Trung Quốc đang tích cực bán dầu cho châu Âu
Các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đang chuẩn bị tung ra thị trường thế giới một lượng dầu diesel khổng lồ cần thiết để đáp ứng nhu cầu không chỉ trong nước mà còn cung cấp cho châu Âu để đối phó với mùa đông khó khăn sắp tới. Công ty phân tích Shanghai Orient Futures và Citic Futures ước tính Bộ Thương mại Trung Quốc có thể sẽ chấp thuận từ 10 triệu đến 15 triệu tấn dầu tinh chế được phép xuất khẩu vào tháng 10, nâng tổng hạn ngạch của năm nay lên 39 triệu tấn, cao hơn 3,7% so với năm 2021.
Ông John Driscoll, giám đốc điều hành của công ty tư vấn JTD Energy Services, cho biết bất kỳ hoạt động xuất khẩu mở rộng nào từ Trung Quốc sẽ giúp cứu trợ một thị trường đang đối mặt với nguồn cung khan hiếm trước mùa đông. Theo ông, nếu Trung Quốc tiếp tục mở rộng xuất khẩu dầu diesel, thì đó sẽ được coi là một động thái tích cực và mang tính xây dựng cho thị trường.
Nguồn: https://markettimes.vn/trung-quoc-dang-tich-cuc-ban-dau-cho-chau-au-4927.html
3.    Thị trường dầu châu Á có nguy cơ rơi vào khủng hoảng
Sự sụt giảm chưa từng có trong năng lực sản xuất dầu toàn cầu trong 2 năm qua và thiếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng đang vẽ ra một bức tranh u tối. Thị trường dầu mỏ toàn cầu có khả năng sẽ bước vào một cuộc khủng hoảng có khả năng làm rung chuyển các nền kinh tế, đặc biệt khi nhu cầu về nhiên liệu bắt đầu phục hồi trở lại.
Thị trường dầu châu Á có thể sẽ đối mặt với cuộc khủng hoảng khi phải cạnh tranh mua dầu với châu Âu và nguồn cung không chắc chắn, điều này đồng nghĩa với việc các quốc gia sẽ phải mua dầu với mức giá cao và họ phải đứng giữa chọn lựa, hoặc mua dầu đắt đỏ hoặc sử dụng các nhiên liệu thay thế.
Nguồn: https://markettimes.vn/chau-au-san-sang-tra-gia-cao-de-gom-nhien-lieu-thi-truong-dau-chau-a-co-nguy-co-roi-vao-khung-hoang-4907.html
Nhóm tin về nông sản – thủy sản – chăn nuôi
1.    Trâu, bò mất giá, người chăn nuôi ở Yên Bái lo âu
Nhiều tháng qua, người nuôi trâu, bò trên địa bàn tỉnh Yên Bái gặp nhiều khó khăn khi giá trâu, bò hạ thấp từng ngày và rất khó tiêu thụ, buộc họ phải xoay xở đủ cách để duy trì đàn gia súc. Không chỉ mất giá, hiện nay thịt trâu, bò còn không có đầu ra vì nhu cầu tiêu thụ trong nước rất chậm. Nửa năm qua, người nuôi trâu gần như không thể xuất đàn vì không có người mua.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/trau-bo-mat-gia-nguoi-chan-nuoi-o-yen-bai-lo-au-post974229.vov
2.    Trái dừa rớt giá thê thảm do mưa bão kéo dài
Mấy ngày gần đây, trái dừa ở tỉnh Tiền Giang đầu ra khó khăn, giá giảm sâu do mưa bão kéo dài. Đặc biệt, dừa tươi thu hoạch khó khăn có nguy cơ dẫn đến quá lứa.
Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 20.000 hecta vườn trồng cây dừa thương phẩm, trong đó có khoảng 60% diện tích cây dừa lấy nước cung cấp cho nhu cầu giải khát mà chủ lực là dừa Xiêm và dừa Mã Lai. Gần đây, tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang khi đầu ra trái thanh long gặp cảnh bấp bênh, nông dân chuyển sang trồng cây dừa làm cho diện tích cây này ngày càng mở rộng.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/trai-dua-rot-gia-the-tham-do-mua-bao-keo-dai-post974150.vov
3.    Trái cau xuất khẩu khó đầu ra, nhà vườn cần thận trọng mở rộng diện tích
Gần đây, mô hình trồng cau lấy trái bán tươi và bán giống phát triển mạnh ở nhiều địa phương của vùng ĐBSCL như Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng…Thế nhưng gần đây, trái cau xuất khẩu sang Trung Quốc bị dội hàng , rớt giá. Hiện tại, trái cau loại 1 giảm khá sâu, chỉ còn 7.000 – 8.000 đồng/kg.
Trái cau xuất khẩu chỉ duy nhất phục vụ thị trường Trung Quốc, nên khi thị trường này ngừng thu mua giá cau giảm mạnh, thậm chí ít người thu mua. Do đó, nhà vườn cần cẩn khi mở rộng diện tích trồng cây này để không gặp cảnh “cung vượt cầu”.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/trai-cau-xuat-khau-kho-dau-ra-nha-vuon-can-than-trong-mo-rong-dien-tich-post975166.vov
4.    Giá sầu riêng cao ngất ngưởng dù xuất sang Trung Quốc chưa nhiều
Trao đổi với phóng viên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), xác nhận thông tin giá sầu riêng đang cao ngất ngưởng và dự báo trong vài năm tới giá sầu riêng khó giảm.
“Giá thấp cũng ở mức 50.000 – 60.000 đồng/kg, khó bị dội chợ, rơi xuống vài ngàn đồng/kg như thanh long. Lý do là sầu riêng có rải vụ quanh năm khi miền Tây (ĐBSCL) sầu riêng sớm tháng 1, 2 đã có – đến tháng 3-5 chính vụ. Khi ĐBSCL hết chính vụ thì lại đến miền Đông Nam Bộ rồi đến Tây Nguyên. Do hàng không rộ mùa nên không gặp áp lực về tiêu thụ cùng một lúc. Ngoài ra, sầu riêng còn có thể cấp đông, chế biến thành nhiều món ăn có giá trị cao nên không bị áp lực bán tươi” – ông Nguyên phân tích.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/gia-sau-rieng-cao-ngat-nguong-du-xuat-sang-trung-quoc-chua-bao-nhieu-20221003113451757.htm
Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu
1.    Báo Thái Lan đánh giá cao sức cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam
Sau nhiều năm chờ đợi, lô sầu riêng tươi hơn 100 tấn từ Việt Nam cuối cùng cũng đã đến cửa khẩu Hữu Nghị Quan ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vào ngày 19/9 và lần đầu tiên được thông quan theo đường chính ngạch để xâm nhập thị trường nước này.
Tờ Thaizhonghua của Thái Lan ngày 13/9 nhận định, chính vì nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của người tiêu dùng Trung Quốc rất lớn mà các nước láng giềng đã trồng sầu riêng với quy mô lớn, và Việt Nam chắc chắn là một trong những đối thủ mạnh nhất của Thái Lan, tương tự như trong hoạt động xuất khẩu gạo. Nguồn: https://toquoc.vn/bao-thai-lan-danh-gia-cao-suc-canh-tranh-cua-sau-rieng-viet-nam-20220930155012982.htm
2.    Giá gạo Ấn Độ cao nhất trong 1,5 năm qua, Thái Lan hưởng lợi, cơ hội cho gạo Việt
Hiện giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giao dịch ở mức 385 – 392 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2021. Ấn Độ hiện đang xuất khẩu gạo đến hơn 150 quốc gia trên thế giới. Khoảng trống xuất khẩu gạo do Ấn Độ để lại đang mở ra cơ hội cho nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan. Philippines, Indonesia – vốn là hai nước nhập khẩu nhiều gạo từ Ấn Độ đã bắt đầu tìm kiếm nguồn hàng thay thế từ xứ sở chùa vàng. Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng 425 – 435 USD/tấn so với mức 416 – 420 USD/tấn trong tuần trước.
Đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam có thể gia tăng các đơn hàng từ các thị trường đang cạnh tranh trực tiếp như Trung Quốc, Philippines, châu Phi. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cũng được hưởng lợi khi giá gạo xuất khẩu đang tăng lên từng ngày.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-gao-an-do-cao-nhat-trong-15-nam-qua-20221001091048799.htm
3.    Nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 của kỹ sư Hồ Quang Cua được bảo vệ tại Úc
Thương vụ Việt Nam tại Australia cho biết, ngày 21/9/2022, Cơ quan Quản lý Sở hữu trí tuệ Úc (IP Australia) đã công bố vụ việc đăng ký thương hiệu gạo ST24, ST25 “Rice; Best Rice of The World” của Công ty T&L đã không thành công, không được đăng ký.
Đồng thời, Văn phòng IP Australia cũng thông báo, ba nhãn hiệu của kỹ sư Hồ Quang Cua (Ho Quang Tri Private Enterprise) đối với gạo ST24 và ST25 đã chính thức được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tại nước này vào ngày 27-9-2022. Theo đó, ba nhãn hiệu đối với gạo ST24 và ST25 mà kỹ sư Hồ Quang Cua đăng ký tại Úc có hiệu lực ở nước này từ ngày 7-6-2021 đến 7-6-2031. Sau đó, nếu có nhu cầu sử dụng vẫn có thể gia hạn thêm 10 năm nữa mà không giới hạn số lần gia hạn.
Nguồn: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/bao-ve-thanh-cong-gao-st24-st25-khong-bi-dang-ky-nhan-hieu-tai-australia-99442.htm
4.    9 tháng đầu năm, ngành nông nghiệp xuất siêu tăng gấp đôi năm ngoái
Ngành nông nghiệp sau 9 tháng đã trải qua nhiều khó khăn, thách thức như: Xung đột Nga – Ukraine, lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dẫn đến thị trường xuất khẩu nhiều biến động, chi phí sản xuất tăng cao, tuy nhiên ngành vẫn tăng trưởng khá đạt 2,99% so với cùng kỳ năm ngoái, xuất siêu vẫn đạt 6,9 tỷ USD tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm ngoái.
Theo đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với những con số trên ngành tiếp tục khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng như cà phê, cá tra, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt mức tăng trưởng ấn tượng 2 con số, góp phần không nhỏ vào kết quả xuất siêu ấn tượng của toàn ngành trong 9 tháng qua.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/9-thang-nganh-nong-nghiep-xuat-sieu-tang-gap-doi-nam-ngoai-20221004092826261.htm
5.    Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Brazil bật tăng nhờ giá
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Brazil nằm trong top 4 thị trường nhập khẩu cá tra của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm nay. Trong thời gian trên, với trên 64 triệu USD nhập khẩu cá tra từ Việt Nam, Brazil chiếm 3,6% tỷ trọng, đứng sau Trung Quốc, Mỹ và Mexico.
Theo thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), giá trung bình cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Brazil trong 7 tháng đầu năm nay tăng 43%. Do vậy, trong khi khối lượng cá tra sang Brazil trong giai đoạn nay giảm 5%, giá trị vẫn tăng 36%. Giá trung bình nhập khẩu cá tra Việt Nam vào thị trường này tăng liên tục từ đầu năm và lên tới mức cao nhất là 3,4 USD/kg trong tháng 7.
Nguồn: https://ndh.vn/nong-san/kim-ngach-xuat-khau-ca-tra-sang-brazil-bat-tang-nho-gia-1325332.html
6.    Áp thuế chống bán phá giá tạm thời 35% với bàn nhập khẩu từ Trung Quốc
Ngày 30/9, Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 1991 về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm bàn, ghế từ Malaysia và Trung Quốc.
Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng với hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc là 21,4% đối với sản phẩm ghế và 35,2% đối với sản phẩm bàn. Thời gian áp dụng là từ ngày 15/10/2022.
Nguồn: https://ndh.vn/nguyen-lieu/ap-thue-chong-ban-pha-gia-tam-thoi-35-voi-ban-nhap-khau-tu-trung-quoc-1325298.html
7.    Trong 8 tháng, Việt Nam nhập siêu gần 2,3 triệu tấn sắt thép
Theo cập nhật mới nhất từ Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng vừa qua, xuất khẩu và nhập khẩu mặt hàng sắt thép đều giảm. Trong khi xuất khẩu sắt thép giảm đến 30%, nhập khẩu sắt thép chỉ giảm khoảng 8%. Lượng xuất khẩu giảm hơn nhập khẩu rất nhiều khiến mặt hàng sắt thép nhập siêu tăng 1,7 triệu tấn.
Những biến động của kinh tế thế giới tác động là lý do khiến thị trường thay đổi khá nhanh. Lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu đã làm giảm nhu cầu sắt thép ở một số thị trường là đối tác chính của Việt Nam. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, Việt Nam hồi phục khá nhanh sau dịch bệnh, do đó nhu cầu tăng đầu tư, xây dựng cơ bản cao dẫn đến tiêu thụ sắt thép lớn.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/8-thang-viet-nam-nhap-sieu-gan-23-trieu-tan-sat-thep-20221003150916585.htm
BSA