Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

Tin tức về thị trường đạm thay thế

1. Thị trường đạm thay thế của Trung Quốc đón nhận thêm “tay chơi” mới
Gần đây, công ty Eat Just (Mĩ) cho biết họ sẽ thực hiện chiến lược tiếp cận toàn diện để thâm nhập vào Trung Quốc với sự trợ giúp của công ty C2 do Alibaba đầu tư. Theo đó, C2 sẽ hỗ trợ các chiến lược tiếp cận thị trường, bán hàng, xây dựng thương hiệu, thu thập thông tin chi tiết về người tiêu dùng, tuyển dụng và vận động hành lang.
Được thành lập vào năm 2018, C2 là công ty cung cấp dịch vụ hỗ trợ tăng trưởng giúp các công ty nước ngoài mở rộng quy mô ở Trung Quốc. Sự hợp tác lần này với Eat Just là bước đột phá đầu tiên của họ vào lĩnh vực protein thay thế.
Trước khi hợp tác, Eat Just đã đạt được một số bước tiến lớn ở Trung Quốc. Ví dụ: trứng có nguồn gốc thực vật, JUST Egg, đã được tung ra trên các nền tảng thương mại điện tử ở Trung Quốc, như Tmall.com của Alibaba và tăng trưởng đều đặn ở Thượng Hải từ năm 2019. Xe bán hàng lưu động “JUST EGG” cũng thường xuyên xuất hiện tại các phiên chợ cuối tuần. Công ty cũng đã mở studio nấu ăn dựa trên thịt thực vật đầu tiên của Trung Quốc, nơi giúp khách hàng biết những cách khác nhau để nấu các món ăn với các nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật.
Bên cạnh Trung Quốc, Eat Just đã thành lập cơ sở thịt nuôi cấy lớn nhất ở châu Á tại Singapore vào ngày 10 tháng 6. Công ty đã lên kế hoạch nộp đơn đăng ký thịt bò cell-based trước cuối năm 2022 cho cơ quan quản lý Thực phẩm Singapore (SFA). Sau khi được chấp thuận, công ty sẽ cho ra mắt sản phẩm thịt bò xay cell-based tại đây và bắt đầu chuẩn bị cho việc thâm nhập của sản phẩm mới này vào thị trường Trung Quốc.
Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/09/26/china-plant-based-protein-scene-increasingly-competitive-require-localisation-efforts

Tin tức nổi bật trong nước và quốc tế

1. Sự ‘lên ngôi’ của cơm hộp giá rẻ ở Hong Kong
Các cửa hàng nhỏ bán cơm hộp giá cả phải chăng đang ‘mọc nhanh như nấm’ tại Hong Kong, đáp ứng nhu cầu của giới văn phòng và tầng lớp lao động cũng như những người đang phải thắt chặt chi tiêu tài chính.
Hong Kong đã rơi vào tình trạng khó khăn về kinh tế từ năm 2019 do biểu tình kéo dài khiến khách du lịch e ngại. Tiếp đó, hơn 2 năm áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt đã đẩy trung tâm tài chính châu Á này rơi vào tăng trưởng âm. Giới chức tài chính Hong Kong cảnh báo “nguy cơ cao” thành phố này sẽ kết thúc năm 2022 trong suy thoái sâu khi thâm hụt ngân sách dự kiến lên tới 100 tỷ đô la Hong Kong (12,7 tỷ USD), gấp đôi dự kiến ban đầu.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/dang-sau-su-len-ngoi-cua-com-hop-gia-re-o-hong-kong-trung-quoc-20220922155424538.htm
2. Thái Lan tăng giá mỳ ăn liền lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ
Ở Thái Lan, lạm phát đã đạt đến mức cao nhất trong vòng 14 năm qua. Chi phí sinh hoạt cơ bản vì thế mà tăng vọt. Số người vô gia cư, thất nghiệp xếp hàng lĩnh bữa ăn miễn phí cũng tăng theo. Trong một động thái đầy tính biểu tượng về mức độ nghiêm trọng của tình hình, Chính phủ Thái Lan đã tăng giá mỳ ăn liền lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ. Mức giá này đã được tăng sau nhiều sức ép từ các nhà sản xuất. Giáo sư ngành kinh doanh quốc tế Pavida cho rằng đây là tín hiệu báo trước cho những thực phẩm khác tăng giá.
Trong nỗ lực đối phó cùng lúc với hậu quả của đại dịch COVID-19 đối với ngành du lịch và cuộc khủng hoảng lạm phát toàn cầu, Chính phủ Thái Lan đã chấp thuận tăng lương tối thiểu/ngày lên khoảng gần 9 – 10 USD, cũng như gia hạn giảm thuế nhiên liệu. Tuy nhiên, tăng tưởng kinh tế Thái Lan vẫn ỳ ạch, chỉ đạt 2,5% trong quý II.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/thai-lan-tang-gia-my-an-lien-lan-dau-tien-sau-hon-1-thap-ky-20220925183246766.htm
3. Mỹ: Nông sản hữu cơ hút hàng nhưng nông dân vẫn không ham trồng
Trong khi nông dân Mỹ có vẻ do dự với nông sản hữu cơ thì người tiêu dùng Mỹ lại ngày càng ưa chuộng các sản phẩm hữu cơ như chuối, táo, trứng, thịt bò, thịt gà, sữa… Doanh số hằng năm đã tăng gần gấp đôi trong 10 năm qua và hiện đạt mức 63 tỉ USD. Doanh số bán dự kiến sẽ tăng lên đến 5,5% trong năm nay, theo Hiệp hội Thương mại hữu cơ.
Nhưng thay vì phát triển để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, số lượng nhà nông chuyển đổi sang nông sản hữu cơ đang thực sự giảm xuống. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), số nhà nông mới chuyển đổi đã giảm khoảng 70% trong khoảng năm 2008 – 2019. Nông sản hữu cơ chiếm khoảng 6% trong tổng số bán của mặt hàng lương thực, nhưng chỉ có 1% đất nông nghiệp ở Mỹ dành cho cây trồng hữu cơ.
Hồi tháng 9, USDA đã cam kết cấp 300 triệu USD để tuyển dụng và giúp nhiều nông dân thực hiện chuyển đổi sang nông sản hữu cơ. Khoản chi gồm 100 triệu USD nhằm giúp nhà nông học các kỹ thuật mới để trồng cây hữu cơ; 75 triệu USD cho những nông dân đáp ứng các tiêu chuẩn thực hành bảo tồn mới; 25 triệu USD để mở rộng các lựa chọn bảo hiểm cây trồng và giảm chi phí; và 100 triệu USD để hỗ trợ chuỗi cung ứng hữu cơ và phát triển thị trường nông sản hữu cơ.
Nguồn: https://1thegioi.vn/my-nong-san-huu-co-hut-hang-nhung-nong-dan-van-khong-ham-trong-187376.html
4. McDonald’s tại Nhật Bản sẽ tăng giá bán đối với khoảng 60% sản phẩm
Chi nhánh tại Nhật Bản của chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh McDonald’s sẽ tăng giá bán đối với khoảng 60% các sản phẩm, do biến động của tỷ giá hối đoái và đà tăng của chi phí đầu vào. Trong một tuyên bố, công ty McDonald’s Holding Company Japan Ltc cho biết từ ngày 30/9, giá nhiều món ăn trên thực đơn sẽ tăng từ 10 đến 30 yen, trong đó, giá của chiếc hamburger Big Mac sẽ tăng từ 390 yen (2,7 USD) lên 410 yen (2,85 USD). Tại Mỹ, một chiếc Big Mac tương tự có giá 5,15 USD.
Theo một cuộc khảo sát do Tokyo Shoko Research thực hiện trong tháng này, chi phí sản xuất tăng và đồng yen xuống mức thấp nhất trong 24 năm đã khiến 60% các nhà hàng lớn của Nhật Bản tăng giá bán.
Nguồn: https://bnews.vn/mcdonald-s-tai-nhat-ban-se-tang-gia-ban-doi-voi-khoang-60-san-pham/259727.html
5. Hàn Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng kim chi
Theo đài RT (Nga), người dân Hàn Quốc đang phải đối mặt với tình trạng giá kim chi tăng vọt, sau khi nắng nóng khắc nghiệt và mưa lũ quét sạch phần lớn cây cải thảo của đất nước, khiến món cải thảo muối trở nên đắt đỏ hơn rất nhiều và ngày càng khó mua.
Theo dữ liệu từ truyền thông Hàn Quốc, giá cải thảo, nguyên liệu chính làm món kim chi, đã tăng hơn gấp đôi trong năm qua. Giá cải thảo đã tăng tới 41% chỉ trong tháng trước, lên khoảng 3.300 won ( 55.000 đồng)/kg. Công ty Thực phẩm và Nông sản Hàn Quốc cho biết giá củ cải trắng được sử dụng để làm một loại kim chi phổ biến khác cũng tăng mạnh hơn năm ngoái, tăng 146% trong năm qua, lên hơn 2.800 won (47.000 đồng)/kg.
Nguồn: https://baotintuc.vn/the-gioi/han-quoc-doi-mat-voi-cuoc-khung-hoang-kim-chi-20220926102224275.htm
6. Nhà máy trị giá 50 triệu USD của ‘vua bánh gạo’ Đài Loan tại Tiền Giang chính thức được khánh thành
Ngày 7/9 vừa qua, Công ty TNHH Want Want Việt Nam đã chính thức tổ chức lễ khánh thành nhà máy của mình tại khu công nghiệp Long Giang – Tiền Giang. Nhà máy này có tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, tọa lạc trên diện tích khoảng 75.000m2, nhân công khi chạy hết công suất tối đa lên đến 2.000 người, dự kiến có thể tạo ra doanh thu 150 triệu USD/năm.
Ngoài sản xuất các loại thực phẩm phục vụ cho việc ăn vặt – bánh gạo mang thương hiệu Want Want, nhà máy này còn có dịch vụ OEM – gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp/thương hiệu khác.
Nguồn: https://vneconomy.vn/nha-may-tri-gia-50-trieu-usd-cua-vua-banh-gao-dai-loan-tai-tien-giang-chinh-thuc-duoc-khanh-thanh.htm
7. Rau VietGAP “rởm” biến hình vào siêu thị: Khi niềm tin bị ‘đánh cắp’?
Theo điều tra của phóng viên báo Tuổi trẻ, từ khoảng 11h đêm đến 3h sáng mỗi ngày có nhiều người chạy xe máy chở các loại rau ăn lá – trái – củ tới giao cho công nhân nhận và tiếp tục sơ chế, đóng gói vào bịch nhỏ, khay hoặc túi lưới. Sau đó dán tem nhãn “Rau củ quả Đà Lạt”, kèm thông tin của một số nhà cung cấp như Trình Nhi, HugoFarm, Đông A tại TP. Hồ Chí Minh và đưa vào nhiều hệ thống. Đặc biệt trên tem của những đơn vị này còn có logo biểu thị rau củ đạt chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên, rau không phải được cung cấp từ vùng trồng đạt chuẩn VietGAP. Hiện các lực lượng chức năng đang tiến hành điều tra làm rõ thông tin trên.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/rau-vietgap-rom-bien-hinh-vao-sieu-thi-khi-niem-tin-bi-danh-cap-2022092420020394.htm
8. Kiểm tra tem VietGAP giả tràn lan
Việc nhiều doanh nghiệp nhập rau chợ ‘phù phép’ thành rau VietGAP rồi đưa vào siêu thị bị phanh phui là bài học, cần tiến hành tổng rà soát không chỉ việc nhập hàng hóa vào siêu thị. Các siêu thị đã chọn không mua trực tiếp nông sản từ trang trại mà mua qua nhà cung cấp vì nhiều lý do, nhưng có thể có lý do đẩy trách nhiệm cho nhà cung cấp nếu phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP).
Nguồn: https://tuoitre.vn/kiem-tra-tem-vietgap-gia-tran-lan-20220923230917485.htm
9. Rau bẩn ‘đội lốt’ VietGAP: Truy trách nhiệm giám đốc siêu thị
Thời gian qua, trên các phương tiện truyền thông xuất hiện thông tin liên quan đến việc rau không đảm bảo nguồn gốc được lưu hành trên các kệ hàng của các chi nhánh siêu thị lớn dưới “vỏ bọc” VietGAP. Điều này tác động lớn đến tâm lý, niềm tin của người tiêu dùng không chỉ đối với rau xanh và cả các loại thực phẩm khác bày bán trong siêu thị.
Theo khảo sát tại các siêu thị Winmart, Winmart +… trên địa bàn Hà Nội, các mặt hàng rau bị phản ánh như Trình Nhi, Đông A… đều không còn xuất hiện trên các quầy hàng. Các siêu thị cho biết, để đảm bảo chất lượng sản phẩm, nhà cung cấp phải gửi toàn bộ giấy tờ về chứng nhận an toàn thực phẩm, công bố chất lượng, giấy VietGAP, Organic… cho siêu thị. Bộ phận kiểm soát chất lượng, thu mua sẽ kiểm tra thực tế tại nơi sản xuất của các nhà cung cấp.
Nguồn: https://tienphong.vn/rau-ban-doi-lot-vietgap-truy-trach-nhiem-giam-doc-sieu-thi-post1472625.tpo

Nhóm tin về ngành du lịch

1. Du lịch Nhật Bản ‘dốc toàn lực’ đón khách quay lại
Ngành du lịch Nhật Bản đang dần sôi động trở lại với thông tin rộng cửa chào đón du khách vào tháng 10 tới. Từ các đường phố của Kyoto đến các sườn núi của Hokkaido, các cửa hàng tạp hóa, nhà hàng và khách sạn đang tìm cách khôi phục doanh thu thiệt hại trong suốt đại dịch với sự trở lại của du khách nước ngoài bắt đầu từ ngày 11/10 tới.
Mặc dù vậy, ngay cả khi mở cửa lại toàn bộ biên giới, Nhật Bản có thể khó có khả năng đạt được doanh thu từ du lịch ấn tượng cho đến khi Trung Quốc mở cửa du lịch trong nước và ngoài nước (hiện đang bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh). Trước đại dịch, du khách đến từ Trung Quốc chiếm hơn 1/3 chi tiêu của khách du lịch ở Nhật Bản.
Nguồn: https://toquoc.vn/du-lich-nhat-ban-doc-toan-luc-don-khach-quay-lai-20220928091219607.htm

Nhóm tin về ngành bán lẻ – thương mại điện tử

1. Nền tảng số thay đổi cuộc chơi thương mại điện tử Hàn Quốc
Market Kurly là trang thương mại điện tử tại Hàn Quốc chuyên phân phối các thực phẩm tươi sống với slogan nổi tiếng “đặt hàng trước 11 giờ đêm, nhận trước 7 giờ sáng”. Kurly chủ yếu cung cấp dịch vụ giao hàng xuyên đêm tại Seoul và khu vực phụ cận. Khách hàng của nền tảng chủ yếu là những người độc thân hay các đôi vợ chồng trẻ mà cả 2 đều phải đi làm không có thời gian đi chợ. Sản phẩm được giao bao gồm nông sản, thịt, hải sản tươi sống cho tới các món ăn cao cấp đã được chế biến.
Để đáp ứng mục tiêu và chất lượng sản phẩm ở mức cao nhất, chợ Kurly đã xây dựng một hệ thống vận tải hậu cần hiệu quả cao, áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, máy học, IoT… để dự báo nhu cầu chính xác của người tiêu dùng, sau đó tính toán quãng đường vận chuyển tối ưu nhất vào đầu giờ sáng mỗi ngày.
Nguồn: https://ictnews.vietnamnet.vn/cuoc-song-so/nen-tang-so-thay-doi-cuoc-choi-thuong-mai-dien-tu-han-quoc-420035.html
2. Ba xu hướng bán lẻ và thương mại điện tử trong năm 2023
Đại dịch Covid-19 đã chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, nhưng người tiêu dùng đang quay trở lại các cửa hàng truyền thống. Ngoài thay đổi hành vi tiêu dùng, thương mại điện tử còn đối mặt với các vấn đề như chuỗi cung ứng và lạm phát gia tăng. Theo Economic Times, ước tính doanh số thương mại điện tử năm 2022 sẽ thấp hơn 95 tỷ USD so với năm ngoái. Sau đây là 3 xu hướng bán lẻ và thương mại điện tử được dự đoán sẽ phát triển:
– Kết hợp mua sắm tại cửa hàng và trên nền tảng online
– Lạm phát sẽ khiến người tiêu dùng cân nhắc nhiều hơn và chi tiêu ít hơn
– Mua sắm trên mạng xã hội tiếp tục tăng
Nguồn: https://vneconomy.vn/ba-xu-huong-ban-le-va-thuong-mai-dien-tu-trong-nam-2023.htm
3. Giá thuốc tê tăng vọt vì khan hiếm
Hiện lượng thuốc tê dự trữ tại Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương còn khoảng 2.000 ống, chỉ đủ dùng trong 2 tuần tới. Trong khi mỗi ngày bệnh viện điều trị cho khoảng 1.000 bệnh nhân. Với 2/3 dịch vụ ngoại trú phải sử dụng thuốc tê, bệnh viện đang phải chật vật xoay xở. Không chỉ Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương, một số bệnh viện và phòng khám nha khoa cho biết thuốc gây tê đang cháy hàng do nguồn cung đứt gãy. Do khan hiếm thuốc nên giá đã được đẩy lên rất cao.
Theo một số bệnh viện, nguyên nhân của việc chậm cung ứng thuốc là do giấy phép nhập khẩu thuốc tê đã hết hạn từ tháng 3/2022, chờ thủ tục hoàn thiện từ Cục Quản lí dược (Bộ Y tế). Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân khác, như năng lực tham gia thực hiện đấu thầu còn hạn chế; giá mời thầu thấp so với giá thực tế nên không thu hút được doanh nghiệp tham gia; việc gia hạn, cấp số đăng kí chậm; vấn đề tham gia đấu thầu tập trung quốc gia, đàm phán thuốc quốc gia… cũng có những hạn chế nên ảnh hưởng tới nguồn cung.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-thuoc-tang-vot-vi-khan-hiem-post1472582.tpo
4. Đồ gia dụng LocknLock đẩy mạnh nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam
Xâm nhập thị trường Việt Nam ở thời điểm nhiều cạnh tranh nhưng LocknLock lại có chiến lược âm thầm bủa vây người tiêu dùng hết sức bài bản. Ngoài xây dựng hệ thống phân phối gồm các kênh bán hàng như siêu thị, cửa hàng điện máy, trung tâm thương mại, kênh mua sắm trực tuyến và các kênh B2B… LocknLock đã triển khai hình thức nhượng quyền thương hiệu. Đây được cho là một nước đi khôn ngoan giúp tăng độ nhận diện, phủ sóng của thương hiệu đến những thị trường mới.
Nguồn: https://congthuong.vn/do-gia-dung-locknlock-day-manh-nhuong-quyen-thuong-hieu-tai-viet-nam-221358.html
5. Đóng hàng trăm cửa hàng, doanh thu Bách Hóa Xanh giảm mạnh
Thông tin kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm 2022 vừa được Công ty Cổ phần đầu tư Thế giới di động (MWG) công bố với mức giảm doanh thu khá mạnh của chuỗi Bách Hóa Xanh. Lũy kế 8 tháng, doanh số Bách Hóa Xanh giảm 15% theo năm. Doanh số tháng 8 giảm 20% so với mức cao điểm cùng kỳ dù vẫn tăng trưởng dương tháng thứ 6 liên tiếp kề từ tháng 3/2022. Mức giảm của Bách Hóa Xanh có thể xem là một trong những đợt giảm doanh số lớn nhất trong số các chuỗi cửa hàng từ trước đến nay của MWG.
Nguồn: https://vneconomy.vn/dong-hang-tram-cua-hang-doanh-thu-bach-hoa-xanh-giam-manh.htm

Nhóm tin về ngành thời trang

1. Nhiều nhãn hàng xa xỉ tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam
Chính sách Zero-Covid đã gây cản trở cho các nhà bán lẻ tại Trung Quốc, khiến các hoạt động kinh doanh trở nên khó khăn. Những doanh nghiệp này đang tìm đến thị trường Đông Nam Á, nơi mở cửa sớm cho hoạt động bay thương mại. Chia sẻ về mức độ quan tâm của doanh nghiệp quốc tế trong khu vực, ông Nick Bradstreet, Giám đốc Bộ phận Bán lẻ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tại Savills, đánh giá Thái Lan và Việt Nam đang là 2 thị trường nổi bật tại Đông Nam Á.
Nhiều thương hiệu bán lẻ quốc tế đang tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động kinh doanh, bắt nguồn từ những tín hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam đã tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 3,67 triệu tỷ đồng. Nền kinh tế Việt Nam giữ được đà tăng trưởng tốt, Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Việt Nam tăng trưởng 7,5% năm 2022. Đây là những tín hiệu tích cực để thu hút các thương hiệu bán lẻ tìm hiểu và tạo dựng lòng tin về tiềm năng phát triển của quốc gia.
Nguồn: https://vneconomy.vn/nhieu-nhan-hang-xa-xi-tim-kiem-co-hoi-kinh-doanh-tai-viet-nam.htm

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1. Alibaba đầu tư 1 tỷ USD hỗ trợ khách hàng sử dụng điện toán đám mây
Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc cho biết họ sẽ đầu tư 1 tỷ USD trong ba tài khóa tới để hỗ trợ khách hàng sử dụng điện toán đám mây, giữa lúc “gã khổng lồ” thương mại điện tử Trung Quốc đang tìm cách phục hồi tăng trưởng sau một đợt suy thoái lịch sử. Trong thông cáo báo chí được công bố ngày 22/9, Alibaba cho biết kế hoạch đầu tư trên bao gồm “các ưu đãi tài chính và phi tài chính, chẳng hạn như tài trợ, giảm giá và các sáng kiến tiếp cận thị trường.”
Mặc dù điện toán đám mây hiện là một phần nhỏ trong hoạt động kinh doanh tổng thể của Alibaba, nhưng ban lãnh đạo của tập đoàn coi đó là một động lực quan trọng đối với đà tăng trưởng và lợi nhuận của họ trong tương lai.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/alibaba-dau-tu-1-ty-usd-ho-tro-khach-hang-su-dung-dien-toan-dam-may/819960.vnp
2. TikTok Trung Quốc mở rộng hoạt động kinh doanh nhằm tìm kiếm doanh thu từ người dùng
Theo SCMP, Douyin – phiên bản TikTok tại thị trường Trung Quốc – đang nỗ lực đẩy mạnh doanh thu thông qua hoạt động bán hàng trực tuyến và các dịch vụ nội địa hóa như đặt đồ ăn. Với những tính năng mới, Douyin dự kiến trở thành đối thủ cạnh tranh với các đối thủ quen mặt như Alibaba hay Meituan.
Ngoài việc tạo doanh thu từ quảng cáo, sự phát triển của Douyin trong lĩnh vực livestream thương mại điện tử hay những khía cạnh khác có thể phản ánh mô hình kinh doanh mà TikTok hướng tới ở thị trường nước ngoài sau này.
Nguồn: https://zingnews.vn/cach-tiktok-trung-quoc-kiem-tien-tu-nguoi-dung-post1358980.html
3. Grab không có ý định sa thải hàng loạt nhân viên
Grab, công ty đặt xe và giao đồ ăn lớn nhất Đông Nam Á, cho biết không có ý định sa thải hàng loạt nhân viên như một số đối thủ trong ngành đã làm, và đang tuyển dụng có chọn lọc. Giám đốc điều hành Grab, ông Alex Hungate, cho biết, hồi đầu năm, Grab đã lo lắng về suy thoái kinh tế toàn cầu và rất thận trọng đối với các kế hoạch tuyển dụng.
Giám đốc điều hành Grab cho biết thêm, Grab đang tập trung vào các dịch vụ tài chính, liên quan đến thanh toán trực tuyến, ví điện tử và cho vay tài chính phi ngân hàng. Grab đã tái cải tổ mảng công nghệ tài chính của mình trong năm nay để tập trung vào các lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao hơn.
Nguồn: https://bnews.vn/grab-khong-co-y-dinh-sa-thai-hang-loat-nhan-vien/259612.html
4. Nhật Bản ‘hụt hơi’, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc chớp lấy thời cơ ồ ạt tiến vào Đông Nam Á
Một cuộc cạnh tranh khốc liệt mới đang bắt đầu hình thành trên thị trường xe điện tại khu vực Đông Nam Á, giữa các nhà sản xuất ô tô đương nhiệm của Nhật Bản với các công ty mới gia nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các công ty nội địa trong khu vực.
Bloomberg dự kiến doanh số bán xe điện hàng năm trong khu vực sẽ tăng từ 16.000 chiếc vào năm 2021 lên gần 81.000 chiếc vào năm 2025. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng hiện tại, các công ty đương nhiệm của Nhật Bản sẽ mất phần lớn mức tăng trưởng này trừ khi họ đẩy nhanh tiến độ phát triển tất cả các mẫu xe điện mới ở Đông Nam Á.
Nguồn: https://markettimes.vn/nhat-ban-hut-hoi-cac-nha-san-xuat-o-to-trung-quoc-chop-lay-thoi-co-o-at-tien-vao-dong-nam-a-viet-nam-co-san-sang-don-nhan-4626.html
5. Tập đoàn phần mềm máy tính Adobe của Mỹ mua lại Figma với giá 20 tỷ USD
Tập đoàn phần mềm máy tính Adobe của Mỹ thông báo mua lại Figma, ứng dụng thiết kế trên nền tảng website, với giá khoảng 20 tỷ USD. Song thông báo này đã làm dấy lên lo ngại của các nhà đầu tư về mức giá quá cao, dẫn đến giá trị thị trường của Adobe giảm hơn 30 tỷ USD.
Adobe hy vọng thỏa thuận sẽ giúp tăng doanh thu sau ba năm kể từ khi hoàn thành (dự kiến vào năm 2023). Công ty nói thêm tổng trị giá có thể ước tính của toàn bộ các dịch vụ có tích hợp Figma sẽ đạt 16,5 tỷ USD vào năm 2025.
Nguồn: https://bnews.vn/tap-doan-phan-mem-may-tinh-adobe-cua-my-mua-lai-figma-voi-gia-20-ty-usd/259956.html
6. Các đại gia bán dẫn tìm kiếm liên minh ‘chiến lược’ với hãng thiết kế chip Arm
Ngày 22/9, nhà sáng lập và CEO Softbank Group Masayoshi Son cho biết, tập đoàn này có kế hoạch thảo luận với Samsung Electronics về một liên minh chiến lược trong thời gian tới. Nhà lãnh đạo Softbank sang Hàn Quốc trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về việc hình thành liên minh công nghệ đầu tư vào Arm, nhằm đảm bảo tính trung lập của công ty đang có vị trí quan trọng trong ngành bán dẫn.
Về phía Samsung, một thỏa thuận liên minh với Arm sẽ phù hợp với chiến lược chung của tập đoàn khi gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đang dẫn đầu thị trường chip nhớ, nhưng lại bị TSMC bỏ xa về chip logic (non-memory).
Nguồn: https://vietnamnet.vn/cac-dai-gia-ban-dan-tim-kiem-lien-minh-chien-luoc-voi-hang-thiet-ke-chip-arm-2062777.html
7. FPT bất ngờ công bố sản xuất thành công chip vi mạch
Ngày 28/09/2022, FPT Semiconductor- Công ty thiết kế và sản xuất chip vi mạch (trực thuộc FPT Software) chính thức công bố dòng chip vi mạch đầu tiên ứng dụng trong sản phẩm Internet vạn vật (IoT) cho lĩnh vực y tế, hiện thực hóa giấc mơ sản xuất linh kiện bán dẫn khởi tạo bởi trí tuệ Việt. Toàn bộ quá trình nghiên cứu và phát triển dòng chip này được thực hiện tại Việt Nam bởi những kỹ sư của FPT Software. Theo đó, dòng chip bán dẫn tích hợp (IC) được thiết kế hoàn thiện tại Việt Nam sau đó chuyển tới nhà máy đặt tại Hàn Quốc để sản xuất và đóng gói.
Đại diện FPT Semiconductor cho hay, khách hàng đầu tiên và hiện là đối tác chiến lược của doanh nghiệp cùng phối hợp để phân phối các sản phẩm chip này ở các thị trường Úc, Đài Loan, Trung Quốc. Không chỉ đưa sản phẩm đến thị trường nước ngoài, đơn vị này định hướng tập trung triển khai, cung cấp chip “Make in Vietnam” đến các tập đoàn trong nước, nhằm góp phần hoàn thiện chuỗi cung ứng sản xuất các thiết bị cho người dùng tại Việt Nam, trong giai đoạn 2023- 2025.
Nguồn: https://vneconomy.vn/fpt-bat-ngo-cong-bo-san-xuat-thanh-cong-chip-vi-mach.htm
8. Ấn Độ sẽ trở thành cường quốc về chip
Theo CNBC, Ấn Độ hiện đang thực hiện các động thái hướng đến sản xuất chip trong nước và đưa ra nhiều ưu đãi cho ngành công nghiệp này. Lực lượng lao động được giáo dục tốt và giá rẻ có thể giúp Ấn Độ phát triển trong một vài lĩnh vực cụ thể của chuỗi cung ứng như chất bán dẫn hay thiết kế chip. Đây là lĩnh vực đòi hỏi một số lượng lớn công nhân lành nghề.
Các chuyên gia nhận định, Ấn Độ có thể dễ dàng chinh phục thành công trong lĩnh vực thiết kế chip, nhưng sản xuất là một bài toán nan giải hơn nhiều. Ấn Độ không có bất kỳ nhà máy chế tạo chất bán dẫn nào để sản xuất chip. Tuy nhiên, chính phủ đã tìm cách thu hút các nhà sản xuất chip nước ngoài như ISMC, TSMC và Intel.
Nguồn: https://vneconomy.vn/an-do-se-tro-thanh-cuong-quoc-ve-chip.htm
9. Apple bắt đầu sản xuất iPhone 14 ở Ấn Độ
Theo thông tin từ TechCrunch, Apple đang sử dụng các cơ sở của Foxconn ở Sriperumbudur, Ấn Độ, để sản xuất thế hệ iPhone mới nhất của mình. Mặc dù Apple đã sản xuất những chiếc iPhone hàng đầu của mình ở Ấn Độ trước đây, nhưng việc sản xuất iPhone tại quốc gia này diễn ra sau khi dòng iPhone đó đạt được mức tăng trưởng nhất định.
Các công ty khá, như Google dường như cũng đang xem xét các trung tâm sản xuất bên ngoài Trung Quốc. Google được cho là đang có kế hoạch chuyển sản xuất điện thoại thông minh Pixel của mình sang Ấn Độ hoặc Việt Nam. Samsung đã sản xuất thiết bị tại quốc gia này từ năm 2007 và mở nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới tại Ấn Độ vào năm 2018.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/apple-bat-dau-san-xuat-iphone-14-o-an-do-20220927122402445.htm
10. Thị trường bán lẻ Việt Nam thu hút các ‘ông lớn’ smartphone
Trong quý 2/2022, Việt Nam là một trong số những thị trường có kết quả kinh doanh tốt nhất của Apple trên toàn cầu. Không chỉ với Apple, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng là mảnh đất màu mỡ cho nhiều thương hiệu di động khác. Báo cáo mới nhất từ Canalys cho thấy, trong quý II năm nay, người Việt đã mua hơn 34.000 điện thoại mới mỗi ngày. Trong số 3,1 triệu smartphone được bán ra, Samsung vẫn là thương hiệu dẫn đầu chiếm tới 41% thị phần, xếp sau là Oppo. Xiaomi và Apple chia sẻ vị trí thứ 3 và thứ 4.
Theo số liệu do Statista công bố, Việt Nam đang đứng thứ 10 trên toàn thế giới về tỷ lệ người sở hữu smartphone, với hơn 61 triệu thiết bị được bán ra. Bên cạnh đó, với nền kinh tế số thuộc top đầu khu vực, theo các chuyên gia, nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh tại Việt Nam sẽ còn tăng cao trong thời gian tới, chứng minh sức hút của thị trường bán lẻ nước ta với các “ông lớn” công nghệ.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/thi-truong-ban-le-viet-nam-thu-hut-cac-ong-lon-smartphone-20220926160357466.htm
11. App ELSA Speak “lấn sân” bán offline tại nhiều cửa hàng
Ứng dụng học tiếng Anh ELSA Speak với hơn 10 triệu lượt tải tại Việt Nam đã xuất hiện offline, kết hợp cùng nhà sách FAHASA và tiNiStore, đưa các gói học trên app vào bán trực tiếp tại nhiều cửa hàng, giúp người Việt dễ dàng tiếp cận giải pháp nâng cao kỹ năng giao tiếp tiếng Anh.
Sự hợp tác giữa ELSA Speak và các kênh bán hàng offline như FAHASA hay tiNiStore được xem là một bước đột phá mới trong lĩnh vực công nghệ giáo dục giúp xóa bỏ rào cản giữa hình thức tiếp cận online và offline, mang cơ hội tiếp cận tri thức đến tất cả mọi người, ở mọi lứa tuổi.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/app-elsa-speak-lan-san-ban-offline-tai-nhieu-cua-hang-20220924153636632.htm
12. Sói nhỏ ‘Wolfoo’ – lá cờ đầu đưa hoạt hình Việt ra thế giới
Từ một ekip sáng tạo chỉ vỏn vẹn 8 người, sau 8 năm, công ty Sconnect Việt Nam đã sở hữu “đế chế” hoạt hình Wolfoo đồ sộ, đồng hành cùng khán giả nhí khám phá nhiều bài học ý nghĩa trong cuộc sống.
Với nút kim cương được ghi nhận bởi Youtube, 2 tỷ lượt xem mỗi tháng, 50 triệu người theo dõi đa kênh Online và nhiều lần lọt top 50 kênh Youtube sở hữu nhiều lượt xem nhất do trang công nghệ trực tuyến Tubefilter công bố, Wolfoo nói riêng và hệ sinh thái sản phẩm sáng tạo WOA của công ty Sconnect nói chung ngày càng khẳng định vị thế của trí tuệ Việt trong ngành sáng tạo nội dung trên toàn thế giới.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/soi-nho-wolfoo-la-co-dau-dua-hoat-hinh-viet-ra-the-gioi-2064360.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1. Vì sao Ấn Độ bất ngờ ‘quay xe’ dừng mua dầu ‘đại hạ giá’ từ Nga?
Ấn Độ đã mua một lượng lớn dầu thô của Nga kể từ khi xung đột giữa Nga – Ukraine nổ ra để tận dùng nguồn dầu giá rẻ. Tuy nhiên, quốc xe gia này dự kiến sẽ giảm mua dầu của Nga trong tháng này và hướng đến nguồn cung tại châu Phi và Trung Đông. Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ tỏ ra không do dự khi giao dịch với Nga khi họ mua được được dầu thô với giá rẻ hơn nhiều so với giá chuẩn quốc tế và các loại dầu tương tự từ Trung Đông, châu Phi. Tuy nhiên, khi cước vận tải tăng mạnh gần đây, dầu Nga có vẻ không còn rẻ nữa.
Nguồn: https://markettimes.vn/vi-sao-an-do-bat-ngo-quay-xe-dung-mua-dau-dai-ha-gia-tu-nga-4394.html
2. Thiếu tàu vận chuyển, châu Á đối mặt với nguy cơ mua nhiên liệu đắt đỏ hơn do chi phí vận tải tăng cao
Tình trạng thiếu tàu vận chuyển đang ngày một tăng cao khi châu Âu đang tăng cường nhập khẩu nhiên liệu trước mùa đông đang cận kề. Điều này đã khiến chi phí vận chuyển tăng vọt và đang trở thành mối đe dọa mới cho thị trường năng lượng và những người mua hàng tại châu Á sẽ phải trả mức giá đắt đỏ hơn.
Nguồn: https://markettimes.vn/thieu-tau-van-chuyen-chau-a-doi-mat-voi-nguy-co-mua-nhien-lieu-dat-do-hon-do-chi-phi-van-tai-tang-cao-4368.html
3. Ngành thép tại châu Âu có nguy cơ rơi vào trạng thái “ngủ đông”
Bài toán năng lượng của EU đang trở nên phức tạp hơn bao giờ hết khi các nhà máy sản xuất thép đang phải trả chi phí đắt đỏ, thậm chí 1 tháng bằng với cả năm cộng lại. Các nhà máy phải cắt giảm sản lượng và nhân công, khiến bức tranh ngành thép tại châu Âu trở nên u ám hơn bao giờ hết.
Theo thống kê từ EU, nhập khẩu của châu Âu, đặc biệt là từ các quốc gia châu Á – nơi có giá năng lượng dễ chịu hơn đã tăng từ mức 20 – 25% vào năm 2020 -2021 lên mức 40% trong năm nay và đạt đỉnh khoảng 50% trong những tuần qua. Đối với Việt Nam, theo Tổng cục Hải quan, nếu như tại thời điểm tháng 6/2020, xuất khẩu thép sang thị trường EU chỉ chiếm 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu thép thì con số này sau 2 năm đã tăng lên 20,51%, tương ứng với tăng hơn 6 lần. Theo VSA, thị trường EU hiện chiếm gần 18% tổng sản lượng xuất khẩu của các doanh nghiệp thép trong nước, chỉ sau thị trường tại khu vực các nước ASEAN và Mỹ.
Nguồn: https://markettimes.vn/chi-phi-nang-luong-1-thang-cao-hon-ca-nam-cong-lai-nganh-thep-tai-chau-au-co-nguy-co-roi-vao-trang-thai-ngu-dong-co-hoi-lon-cho-cac-nha-san-xuat-thep-chau-a-bao-gom-ca-viet-nam-4440.html

Nhóm tin về liên kết, đầu tư, start-up, DN mới

1. Các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đón làn sóng rót tiền đầu tư
Các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đang được tận hưởng làn sóng rót tiền đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và mua lại. Những quỹ này đang muốn tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn và mất dần sự quan tâm tới thị trường Trung Quốc do các quy định mới tại đây và nguy cơ kinh tế tăng trưởng chậm hơn.
Ông Vishal Harnal, một đối tác quản lý tại quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Global, với tài sản trị giá 2,8 tỷ USD, cho biết một số tổ chức lớn nhất thế giới đang đưa ra các chiến lược để đầu tư và triển khai rót vốn vào các khu vực như Đông Nam Á, nơi mà sáu đến bảy năm trước đây thậm chí không có khả năng thu hút các ngân phiếu có quy mô đủ lớn.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/cac-cong-ty-khoi-nghiep-dong-nam-a-don-lan-song-rot-tien-dau-tu/819963.vnp

Nhóm tin về nông sản – thủy sản – chăn nuôi

1. FPT hợp tác chuyển đổi số cùng Ba Huân tạo cú hích cho ngành nông nghiệp Việt
Tập đoàn FPT và Công ty Cổ phần Ba Huân chính thức hợp tác chuyển đổi số toàn diện, giúp Ba Huân hiện thực hóa tầm nhìn trở thành công ty công nghệ cao và bền vững. Từ đó, tạo ra chuẩn mực chuyển đổi số cho ngành nông nghiệp, mang lại cuộc sống hạnh phúc hơn cho người nông dân.
Theo thỏa thuận hợp tác, FPT – tập đoàn tiên phong chuyển đổi số sẽ tư vấn cho Ba Huân – doanh nghiệp hàng đầu về chăn nuôi tại Việt Nam lựa chọn các giải pháp số phù hợp cho tất cả các lĩnh vực hoạt động: chăn nuôi, sản xuất, cung ứng. Bên cạnh đó, FPT tư vấn Ba Huân xây dựng sản phẩm, số hóa sản phẩm; Quản trị sản xuất tự động; Quản trị nguồn lực; Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu…
Nguồn: https://tienphong.vn/fpt-hop-tac-chuyen-doi-so-cung-ba-huan-tao-cu-hich-cho-nganh-nong-nghiep-viet-post1472108.tpo
2. Làn gió mới cho khởi nghiệp nông thôn
Sáng 25-9, Phiên chợ Xanh – Tử tế trên đường Pasteur (quận 3, TP HCM) đông hơn thường lệ khi có thêm một số gian hàng của các dự án khởi nghiệp đang tham gia cuộc thi “Dự án Khởi nghiệp nông nghiệp – Đổi mới sáng tạo” lần 8 do Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), Hội Doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức. Tại đây, các dự án có dịp ra “thương trường” để giới thiệu sản phẩm, nhận góp ý của người tiêu dùng.
Việt Nam có nguyên liệu rất dồi dào nhưng lâu nay bị lãng phí, bị xem là phụ phẩm, thậm chí là “rác” vì không được sử dụng. Từ ý tưởng và sự đam mê, nhiều sản phẩm mới của các dự án khởi nghiệp ra đời, mang lại nhiều kỳ vọng cho một nền nông nghiệp bền vững từ việc giải quyết những bài toán nhỏ. Tất cả đều bắt nguồn từ những người trẻ có tri thức, năng động, sáng tạo với nhiều dự án chất lượng, góp phần khai phá mỏ vàng tài nguyên nông nghiệp Việt.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/lan-gio-moi-cho-khoi-nghiep-nong-thon-20220925212117446.htm

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1. Nhập rau quả từ Trung Quốc tăng 74%
Ngày 27-9, Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết ước tính giá trị nhập khẩu rau quả trong tháng 9 ước đạt 204 triệu USD, tăng 63,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã chi 1,461 tỉ USD, tăng 36,4% so với cùng kỳ 2021. Về thị trường nhập khẩu, cập nhật đến tháng 8, Trung Quốc tiếp tục là nguồn cung số 1 với giá trị gần 473 triệu USD, tăng đến 74% so với 8 tháng đầu năm 2021, chiếm gần 38% thị phần.
Rau quả Trung Quốc, đặc biệt là quả (trái cây) đã tăng mạnh lượng nhập vào Việt Nam trong năm nay nhờ giá rẻ và chất lượng có sự cải thiện. Việc xuất khẩu sang các thị trường xa khó khăn cũng khiến lượng hàng đổ sang thị trường gần như Việt Nam nhiều hơn. Đặc biệt, gần đây rau quả Trung Quốc không chỉ được bán ở kênh chợ truyền thống, hàng rong mà bắt đầu xuất hiện tại một số siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại TP HCM và ghi rõ thông tin về xuất xứ.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nhap-rau-qua-tu-trung-quoc-tang-hon-60-2022092718465737.htm
2. Đưa thương hiệu gạo ‘Vietnam Rice’ vào thị trường cao cấp
Với mục tiêu tăng tỉ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp lên 60% kim ngạch, với 25% mang nhãn hiệu Gạo Việt Nam/Vietnam Rice vào năm 2030, dự thảo được Bộ Công Thương xây dựng đưa ra nhiều giải pháp về thúc đẩy cầu thông qua đàm phán, mở cửa thị trường, nhằm tận dụng cơ hội mở cửa thị trường và lộ trình cắt giảm thuế quan để đẩy mạnh xuất khẩu.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dua-thuong-hieu-vietnam-rice-vao-thi-truong-cao-cap-20220925082049819.htm
3. Giá xuất khẩu liên tục tăng: Cơ hội tăng trưởng mới cho gạo Việt Nam
Với việc Ấn Độ thắt chặt xuất khẩu gạo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã liên tục tăng. Với xu hướng tăng hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhận định giá xuất khẩu gạo có thể tái lập mức đỉnh của năm 2021. Cùng với đó, xuất khẩu gạo năm nay có thể đạt và vượt so với kế hoạch là 6,3 – 6,5 triệu tấn.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/gia-xuat-khau-lien-tuc-tang-co-hoi-tang-truong-moi-cho-gao-viet-nam-20220923131033441.htm
4. Gạo Việt Nam gia nhập đường đua giá trị
Theo các chuyên gia, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam khá ổn định qua các năm từ 6,3 đến 6,5 triệu tấn, thời gian tới việc đẩy nhanh sản lượng xuất khẩu cũng không phải dễ vì còn phải đảm bảo an ninh lương thực cho 100 triệu dân trong nước. Vì thế bài toán kinh tế ở đây là nâng chất lượng và giá bán gạo Việt Nam. Hiện nay, hơn 80% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gạo chất lượng cao, vừa qua đã có những tấn gạo được xuất khẩu với giá trên 800 USD/tấn – 1000 USD/tấn. Rõ ràng cơ hội để gạo Việt Nam nâng cao giá trị là hiện hữu trong thời gian tới.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gao-viet-nam-gia-nhap-duong-dua-gia-tri-20220928000920442.htm
5. Bão Noru tàn phá mùa màng, Philippines tính sớm nhập khẩu thêm gạo
Với lượng lớn hoa màu tại đảo chính Luzon của Philippines bị siêu bão Noru tàn phá, quốc gia Đông Nam Á này có thể phải tính đến phương án nhập khẩu gạo nhiều hơn trong thời gian tới, trong khi Philippines hiện là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam.
Các loại hoa màu bị ảnh hưởng là ngô, gạo cùng các sản phẩm gia cầm, gia súc và ngư nghiệp. Lúa gạo là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhất, khoảng gần 139.000 ha, khiến người dân lo ngại điều này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm trong thời gian tới. Hiện Bộ Nông nghiệp Philippines đang phối hợp với các cơ quan liên quan để đánh giá mức độ ảnh hưởng.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/bao-noru-tan-pha-mua-mang-philippines-tinh-som-nhap-khau-them-gao-post973708.vov
6. Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo nếp nhưng tăng mua các loại gạo thơm từ Việt Nam
Tỷ trọng gạo nếp trong tổng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đã giảm xuống còn 48% từ mức 74% của cùng kỳ năm 2021. Hiện nay Việt Nam là nước xuất khẩu gạo nếp lớn nhất sang Trung Quốc và đồng thời đây cũng đang là thị trường tiêu thụ gạo nếp số 1 của Việt Nam, chiếm hơn 60% tỷ trọng. Giảm gạo nếp nhưng Trung Quốc đã tăng mạnh nhập khẩu các loại gạo thơm, đặc biệt là gạo ST21, ST24 từ Việt Nam. Lượng gạo thơm xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 7 tháng đã tăng 58,6% lên 188.459 tấn. Ngoài ra, xuất khẩu gạo Japonica, gạo trắng của Việt Nam sang Trung Quốc cũng tăng khá mạnh trong những tháng đầu năm nay.
Nguồn: https://ndh.vn/nong-san/trung-quoc-giam-nhap-khau-gao-nep-nhung-tang-mua-cac-loai-gao-thom-tu-viet-nam-1324698.html
7. Nhiều cơ hội cho xuất khẩu tôm
Biến động địa chính trị thế giới cùng với lạm phát kinh tế tại nhiều quốc gia đã khiến các giao dịch nông sản gặp nhiều trở ngại, trong đó có sản phẩm tôm. Đó là chưa kể đến tình hình dịch bệnh trong nuôi tôm bùng phát, ảnh hưởng đến nguồn tôm nguyên liệu cung ứng cho chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù lạm phát kinh tế khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, lựa chọn dòng thực phẩm phù hợp với khả năng chi trả nhưng tôm Việt Nam vẫn được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng trong quyết định lựa chọn thực phẩm hàng ngày.
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/nhieu-co-hoi-cho-xuat-khau-tom-20220924144921862.htm
8. Rà soát tất cả thủy sản xuất sang châu Âu để gỡ ‘thẻ vàng’
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đề nghị các doanh nghiệp rà soát, sắp xếp hồ sơ đối với tất cả các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào châu Âu từ 2020 đến nay để chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC). Cuộc kiểm tra có tính chất quyết định thủy sản Việt Nam có gỡ được “thẻ vàng” hay bị áp thêm biện pháp nghiêm ngặt hơn.
Nguồn: https://tienphong.vn/ra-soat-tat-ca-thuy-san-xuat-sang-chau-au-de-go-the-vang-post1472258.tpo
9. Kim ngạch xuất khẩu cá tra 2022 có thể đạt kỷ lục 2,5-2,6 tỷ USD
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), riêng trong tháng 8, xuất khẩu cá tra là 195 triệu USD, tăng 5% so với tháng 7. Xuất khẩu cá tra sang nhiều thị trường có tín hiệu tích cực, trong đó sang Trung Quốc tăng hơn 37% với gần 61 triệu USD, gấp đôi doanh số sang thị trường Mỹ. Bà Lê Hằng – Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO, cho rằng xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ tiếp tục khả quan hơn trong những tháng tới.
Bà Hằng cũng dự báo nhu cầu cá tra của các thị trường sẽ tăng trở lại vào một vài tháng tới. Theo đó, biến động tăng trưởng vẫn phụ thuộc vào 2 thị trường lớn nhất là Trung Quốc và Mỹ. Với kết quả hiện nay và xu hướng hồi phục nhẹ trong vài tháng tới, kim ngạch cá tra năm 2022 có thể ghi nhận mốc kỷ lục 2,5-2,6 tỷ USD, cao hơn 56% so với năm 2021.
Nguồn: https://ndh.vn/nong-san/chuyen-gia-vasep-kim-ngach-xuat-khau-ca-tra-2022-co-the-dat-ky-luc-2-5-2-6-ty-usd-1324940.html
10. Động thái ‘lạ’ của các nước khi sầu riêng Việt xuất khẩu sang Trung Quốc
Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng Thư kí Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết, việc ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc, mở ra cơ hội lớn cho sầu riêng Việt Nam tiếp cận thị trường tỷ dân. Theo ông Nguyên, sau khi nhận được thông tin sầu riêng Việt xuất khẩu chính ngạch , các nước đối thủ đã có những động thái “lạ”. Chẳng hạn, Thái Lan kiểm tra gắt gao hơn sản phẩm của nước này. Nếu không đảm bảo chất lượng, họ sẵn sàng hủy bỏ hoặc yêu cầu hàng trở lại, tuyệt đối không cho xuất sang để đảm bảo uy tín thương hiệu sầu riêng. Đặc biệt, Thái Lan đưa các chuyên gia nông nghiệp đi xuống từng nhà vườn, những địa phương trồng sầu riêng để hướng dẫn cho nông dân; kiểm tra chất lượng của sầu riêng ngay tại vườn.
Nguồn: https://tienphong.vn/dong-thai-la-cua-cac-nuoc-khi-sau-rieng-viet-xuat-khau-sang-trung-quoc-post1472066.tpo
11. Nhiều vướng mắc trong xuất nhập khẩu điều
Ngày 23-9, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP HCM (ITPC) phối hợp Cục Hải quan TP HCM tổ chức hội nghị đối thoại với hơn 300 doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM nhằm phổ biến những quy định mới về chính sách thuế, quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tại hội nghị, đại diện Công ty Điều Intersnack nêu vướng mắc trong xuất nhập khẩu điều nguyên liệu và bán thành phẩm tại thị trường nội địa đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho DN. Các DN khác cũng đặt nhiều câu hỏi vướng mắc về thủ tục hải quan liên quan đến lĩnh vực giám sát quản lý, kiểm tra chuyên ngành, thủ tục, cách tính thuế liên quan đến hạt điều nguyên liệu nhập khẩu được gia công đóng gói xuất khẩu; các vướng mắc liên quan đến nhập khẩu nguyên liệu điều gia công, sản xuất xuất khẩu; nhập máy biến tần thuế suất 0% nhưng phụ tùng thì 15%…
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/nhieu-vuong-mac-trong-xuat-nhap-khau-dieu-20220923221207125.htm
12. Xuất khẩu gỗ sẽ gặp nhiều biến động trong thời gian tới’
Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, 8 tháng đầu năm 2022, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 11,07 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy tăng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ có xu hướng chậm lại trong những tháng gần đây.
Báo cáo “Biến động về thị trường xuất khẩu của ngành gỗ: Từ góc nhìn doanh nghiệp – Tháng 8/2022” do Viforest, FPA Bình Định, HAWA, BIFA và tổ chức Forest Trends công bố cho thấy bức tranh xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ còn gặp nhiều thách thức. Theo báo cáo này, cung – cầu gỗ nguyên liệu và các mặt hàng gỗ trên thế giới, đặc biệt tại các thị trường lớn như Mỹ và EU, có nhiều biến động, do tác động của đại dịch Covid-19, xung đột Nga-Ukraine trực tiếp dẫn đến lạm phát cao ở nhiều quốc gia.Do đó, ngành gỗ Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp của các biến động, suy giảm xuất khẩu ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU và Anh.
Nguồn: https://ndh.vn/nguyen-lieu/co-doanh-nghiep-go-giam-den-80-doanh-thu-tu-thi-truong-my-kim-ngach-sang-eu-ve-0-1324670.html
13. Giá xuất cao su đi Ấn Độ cao hơn gần 300 USD/tấn so với sang Trung Quốc
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng, Việt Nam xuất khẩu được 88.720 tấn cao su sang Ấn Độ, trị giá đạt 157,1 triệu USD. Giá xuất khẩu trung bình đạt 1.771 USD/tấn, cao hơn so với giá xuất đi thị trường lớn nhất Trung Quốc gần 300 USD/tấn và tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: https://ndh.vn/nong-san/gia-xuat-cao-su-di-an-do-cao-hon-gan-300-usd-tan-so-voi-sang-trung-quoc-1324689.html
14. Giá cước vận tải đường biển hạ nhiệt
Thời gian gần đây, giá cước vận tải đường biển giảm đang hỗ trợ tích cực, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Nếu hai năm ảnh hưởng dịch 2020 – 2021, giá cước vận tải hàng hóa quốc tế leo thang thì từ giữa tháng 7 năm nay, cước vận tải đã “đổi chiều”, tình trạng khó đặt tàu và khan hiếm container rỗng đã giảm, không căng thẳng như trước.
Theo Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, giai đoạn trước giá cước vận tải tăng đột biến chủ yếu do kẹt cảng và tình trạng thiếu nhân công ở những cảng lớn. Những khó khăn này đã được tháo gỡ. Giá cước dự báo sẽ tiếp tục ổn định. Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, dự báo: “Thời gian tới, lượng tàu đóng mới cũng tăng lên làm tăng số chỗ trên tàu, do đó, điều này cũng làm cho giá cước hạ xuống”.
Nguồn: https://vtv.vn/kinh-te/gia-cuoc-van-tai-duong-bien-ha-nhiet-202209261029492.htm
15. ‘Ông lớn’ vận tải biển chạy đua… lên bầu trời
Hãng vận tải biển lớn nhất thế giới, MSC (Thụy Sĩ) vừa ra mắt đơn vị vận tải hàng hóa bằng máy bay, nối gót các đối thủ đứng ngay sau đó trong ngành, Maersk của Đan Mạch và CMA CGM của Pháp, trong cuộc chạy đua trở thành nơi phục vụ tất cả nhu cầu vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới.
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành vận tải hàng hóa bằng đường hàng không tăng trưởng hơn 21% vào năm ngoái nếu xét trên số liệu đo lường tải trọng và khoảng cách bay. Doanh thu của ngành đã đạt 289 tỉ đô la Mỹ trong năm đó, tăng từ 238 tỉ đô la Mỹ vào năm 2020 và 264 tỉ đô la Mỹ vào năm 2019. IATA kỳ vọng vận tải hàng không thế giới sẽ tiếp tục tăng trưởng 4,4% trong năm nay.
Nguồn: https://thesaigontimes.vn/ong-lon-van-tai-bien-chay-dua-len-bau-troi/