Theo Chi cục Trồng trọt An Giang, điều kiện đất đai, khí hậu và nguồn nước của tỉnh thuận lợi cho việc phát triển cây màu, một số loại cây ăn trái.

Tiêu điểm:

An Giang chuyển đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái

Tỉnh An Giang đã tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang  trồng cây ăn trái, đặc biệt là chú trọng tới cây xoài. Vì đây là loại cây dễ trồng, thích nghi với biến đổi khí hậu, giúp tăng lợi nhuận gấp nhiều lần so với trồng lúa. Theo một số chủ vườn xoài ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Chợ Mới thì giá xoài hiện đạt 22.000 đồng/kg (xoài tượng da xanh loại 1), 40.000 đồng/kg (xoài cát Hòa Lộc loại 1), 25.000 đồng/kg xoài keo, 19.000 đồng/kg xoài cát Chu.

Tính theo từng năm thì năm 2017, tỉnh đã thực hiện chuyển đổi sang rau màu và cây ăn trái trên nền đất lúa kém hiệu quả được 6.520 ha, năm 2018 là 7.006 ha, năm 2019 chuyển đổi 5.714 ha. Năm 2020, kế hoạch chuyển đổi 6.096 ha. Đến cuối tháng 9, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 5.466 ha.

Các mô hình chuyển đổi đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Đối với mô hình sản xuất các loại rau ăn lá, lợi nhuận bình quân từ 120-150 triệu đồng/ha/năm. Mô hình cây ăn trái, sau thời gian đầu tư 3-5 năm mang lại hiệu quả khá cao, từ 500-800 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt An Giang cho biết, nông dân trên địa bàn tỉnh hiện đang chăm sóc 16.720ha cây ăn trái, trong đó chủ lực vẫn là xoài 11.378ha, chuối 1.108 ha, nhãn 428 ha, mít 682 ha, cây có múi 1.422 ha (bưởi 494 ha, cam 365ha, quýt 180 ha…). Theo ông Hiền, giai đoạn 2017-2020, ước tính tổng diện tích chuyển đổi cây trồng trên địa bàn tỉnh đạt 26.000ha. Trong đó, tổng diện tích đã chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang rau dưa các loại 9.300 ha, chuyển đổi sang cây màu 9.262 ha, chuyển đổi sang cây ăn trái 7.054 ha.

Theo Chi cục Trồng trọt An Giang, điều kiện đất đai, khí hậu và nguồn nước của tỉnh thuận lợi cho việc phát triển cây màu, một số loại cây ăn trái. Được sự quan tâm của lãnh đạo các địa phương nên mô hình chuyển đổi cây trồng trên nền đất lúa bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập ổn định cho nông dân. Cùng với cây ăn trái, việc chuyển đổi từ lúa kém hiệu quả sang màu cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, ngoài yếu tố giá cao còn góp phần giải quyết được việc làm cho lao động nông thôn.

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 54,55 – 55,20 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 350.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Chênh lệch giá mua vào – bán ra vẫn quanh mức 650.000 đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.828,3 USD/ounce, tăng 13,1 USD, tương đương 0,72% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, giá vàng lên mức cao nhất trong hơn 1 tuần khi tín hiệu tích cực trong các cuộc thảo luận về gói cứu trợ Covid-19 của Mỹ đã làm giảm sức hấp dẫn của nó như một hàng rào chống lại lạm phát có khả năng xảy ra.

2/ Theo Bloomberg, Grab và Gojek hiện đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc tìm ra một thỏa thuận để hợp nhất hoạt động kinh doanh. Các chi tiết cuối cùng trong thỏa thuận sáp nhập hiện đang được lãnh đạo cao nhất của Grab, Gojek và ông chủ SoftBank thảo luận và đàm phán. Grab và Gojek đã bị kẹt trong một cuộc chiến tốn kém để giành thị phần vài năm qua. Vì vậy, việc sáp nhập sẽ giảm lượng tiền bị đốt và tạo ra một trong những công ty internet mạnh nhất khu vực. Grab hiện có mặt ở 8 quốc gia, được định giá khoảng 14 tỷ USD. Trong khi, Gojek có giá trị khoảng 10 tỷ USD, hoạt động tại Indonesia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đây có thể là thương vụ sáp nhập hai doanh nghiệp internet lớn nhất tại Đông Nam Á.

Grab và Gojek đã bị kẹt trong một cuộc chiến tốn kém để giành thị phần vài năm qua. – Ảnh: Techbike

3/ Alibaba, JD.com và hàng loạt tập đoàn Trung Quốc đối mặt nguy cơ bị hủy niêm yết tại Mỹ.Theo Bloomberg, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật bắt buộc các doanh nghiệp Trung Quốc phải tuân thủ các quy định kiểm toán Mỹ nếu muốn tiếp tục niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ. Luật sẽ có hiệu lực sau khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành. Giá cổ phiếu hàng loạt công ty Trung Quốc lao dốc vì luật mới của Mỹ. Giá cổ phiếu Alibaba giảm 5,5% trong một tuần qua, JD.com lao dốc 5,6% trong khi Pinduoduo cũng mất 5,5%. Thậm chí giá cổ phiếu Nio sụt thảm hại 11,2%. Tồi tệ nhất là Kandi Technologies. Giá cổ phiếu của hãng xe điện Trung Quốc bay hơi tới 38,6% kể từ khi dính cáo buộc gian lận hôm 30/11.

4/ Trung Quốc đã phải nhập khẩu gạo Ấn Độ lần đầu tiên trong khoảng ba thập kỷ do nguồn cung từ Thái Lan, Myanmar và Việt Nam bị thắt chặt và giá cao hơn. Ấn Độ hiện là nước xuất khẩu gạo số một thế giới, trong khi Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lương thực lớn nhất thế giới. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo mỗi năm, tuy nhiên thì quốc gia này đã tránh mua gạo từ Ấn Độ vì các vấn đề liên quan đến chất lượng. Theo Reuters, các doanh nghiệp Ấn Độ đã ký hợp đồng xuất khẩu 100.000 tấn gạo theo các hợp đồng từ tháng tháng 12 năm nay đến tháng 2 năm sau. Giá gạo xuất đi Trung Quốc trung bình đạt khoảng 300 USD/tấn theo phương thức FOB, tức đã bao gồm chi phí vận chuyển ra cản và thủ tục xuất khẩu và thuế xuất khẩu.

5/ Trong quý III/2020, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU). Đây được cho là do tác động của đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế Mỹ gặp khó khăn, trong khi khi các hoạt động kinh tế của Trung Quốc bật tăng trở lại. Dữ liệu của Cơ quan thống kê châu Âu Eurostat đã cho thấy trong 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch thương mại giữa EU và Trung Quốc đạt 425,5 tỷ euro (514 tỷ USD), trong khi kim ngạch thương mại giữa EU và Mỹ đạt mức 412,5 tỷ euro. Kết quả này là do sự gia tăng 4,5% từ lượng hàng hóa nhập khẩu vào EU từ Trung Quốc, trong khi lượng hàng hóa xuất khẩu không thay đổi. Sau đại dịch Covid-19 trong quý I năm nay, thì nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại, nhập khẩu của Trung Quốc từ EU đã hồi phục trong quý III, trong khi nhu cầu về thiết bị bảo vệ cá nhân ở châu Âu đã thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu của Trung Quốc.

6/ Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev đã cho biết rằng chi phí cho một liều vaccine Sputnik V để ngăn ngừa Covid-19 sẽ có mức giá dưới 10 USD. Tính đến nay, thì đã có hai loại vaccine cho Covid-19 đã được đăng ký ở Nga. Loại đầu tiên được đăng ký là Sputnik V do Trung tâm Gamaleya phát triển và loại thứ hai là EpiVacCorona của Trung tâm Vector. Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết hơn 100.000 người đã được tiêm vắc xin Sputnik V do Nga sản xuất để ngăn ngừa Covid-19. Vaccine Sputnik V hiện đã được chuyển đến tất cả các vùng của Nga để tiến hành một chiến dịch tiêm chủng đại trà trong thời gian ngắn.

7/ Nhật Bản vừa thông qua chiến lược thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm, nông sản và hải sản nhằm thực hiện mục tiêu tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này lên 5.000 tỷ yen (47,8 tỷ USD) vào năm 2030. Theo chiến lược này, 27 mặt hàng, trong đó có thịt bò, sò điệp, táo và cá đuôi vàng, sẽ được đưa vào danh sách hỗ trợ xuất khẩu. Bên cạnh đó, chiến lược cũng bao gồm các mục tiêu về giá trị xuất khẩu theo từng mặt hàng vào năm 2025. Mục tiêu này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu đối với thịt bò Nhật Bản ở Trung Quốc dự kiến sẽ gia tăng khi hai nước đang thương lượng về vấn đề xuất nhập khẩu thịt bò. Để đạt được mục tiêu về kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ lựa chọn một số khu vực chuyên sản xuất các mặt hàng trên để cung cấp hỗ trợ về kỹ thuật, tài chính và một số hỗ trợ khác.

8/ Tập đoàn Macquarie Group của Australia đã quyết định mua lại công ty quản lý đầu tư Waddell & Reed Financial Inc, có trụ sở tại Mỹ, với giá 1,7 tỷ USD. Đây là thương vụ sáp nhập lớn đầu tiên của Macquarie dưới sự điều hành của tân Giám đốc điều hành Shemara Wikramanayake. Thỏa thuận này dự kiến sẽ kết thúc vào giữa năm 2021 và sẽ bổ sung 68 tỷ USD tài sản mà Waddell đang quản lý, qua đó củng cố vị thế của Macquarie là một trong 25 nhà quản lý quỹ tương hỗ hàng đầu tại Mỹ. Sau khi thỏa thuận kết thúc, Macquarie sẽ bán nền tảng quản lý tài sản của Waddell & Reed cho công ty tư vấn đầu tư Mỹ LPL Financial Holdings Inc với giá 300 triệu USD và tham gia vào quan hệ đối tác với công ty tập trung vào bán lẻ này.

Tập đoàn Macquarie Group của Australia đã quyết định mua lại công ty quản lý đầu tư Waddell & Reed Financial Inc, có trụ sở tại Mỹ, với giá 1,7 tỷ USD – Ảnh: Techgenez

9/ Báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho thấy đại dịch Covid-19 đã khiến tiền lương tháng giảm đi hoặc tăng trưởng chậm hơn trong 6 tháng đầu năm 2020. ILO nhận định, những nước áp dụng những biện pháp quyết liệt để duy trì việc làm, có thể thấy rõ tác động chính mà khủng hoảng gây nên là tình trạng sụt giảm tiền lương thay vì mất việc hàng loạt. Báo cáo Tiền lương Toàn cầu 2020 đã cho thấy không phải mọi người lao động đều bị ảnh hưởng như nhau bởi khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng tác động tới phụ nữ nặng nề hơn so với nam giới. Số liệu ước tính dựa trên số liệu chọn mẫu của 28 quốc gia châu Âu cho thấy, nếu không có trợ cấp tiền lương, tiền lương của phụ nữ trong quý II năm 2020 lẽ ra đã bị giảm 8,1%, trong khi con số này ở nam giới là 5,4%.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Hiệp định RCEP và những điều cần biết