Nhóm tin về ngành thực phẩm – ẩm thực

Tin tức về thị trường đạm thay thế

1.    Xu hướng thực phẩm năm 2023: “Nhãn sạch” (clean label) và yếu tố lành mạnh cho sức khỏe
Xu hướng chăm sóc sức khỏe và thể chất đã không ngừng gia tăng trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống trong vài năm qua, thậm chí còn tăng nhanh hơn kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra vào năm 2020. Bước sang năm 2023, các chuyên gia trong ngành tự tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục tác động đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng, đặc biệt tập trung vào yếu tố “nhãn sạch” và các tuyên bố về dinh dưỡng lành mạnh cho sức khỏe sẽ thu hút sự quan tâm lớn của người dùng, đặc biệt là ở các thị trường lớn.
“Một cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng gần 60% người tiêu dùng ở châu Á thể hiện sự quan tâm đến yếu tố “nhãn sạch”, rằng điều này có ảnh hưởng công rất lớn đối với quyết định mua hàng của họ”, giám đốc nhóm điều tra tâm lý khách hàng và đổi mới của Innova Markets –  Nicole Jansen cho biết tại sự kiện Fi Asia-Vitafoods gần đây tại Bangkok, Thái Lan.
Theo bà, các công bố về nhãn sạch đang được quan tâm nhất trong khu vực liên quan đến việc sản phẩm là tự nhiên (11%), không có thêm chất phụ gia hoặc chất bảo quản (9%) và không có GMO (5%). Điều này đặc biệt quan trọng ở các thị trường lớn ở Châu Á vì người tiêu dùng ở những thị trường này có xu hướng kiểm tra nhãn sản phẩm nhiều nhất, như Ấn Độ (77%), Indonesia (69%) và Trung Quốc (69%) đều cao hơn trung bình toàn cầu là 58%.
Xu hướng “nhãn sạch” đã phát triển ổn định trong vài năm qua, đi từ các yêu cầu ban đầu về nuôi trồng tự nhiên và không chứa phụ gia, đến các yếu tố như: được chế biến ở mức tối thiểu, chứa ít thành phần hơn, thể hiện sự minh bạch trong chuỗi cung ứng và và cả yếu tố đạo đức trong sản xuất. Không chỉ dừng tại đó, các yêu cầu\tiêu chuẩn có thể sẽ ngày càng được nâng cao hơn nữa trong tương lai gần.
Ngoài “nhãn sạch”, Jansen nói thêm rằng các chứng nhận về lành mạnh cho sức khỏe, hay còn gọi là ‘chủ nghĩa giảm thiểu’, tức là giảm bớt ‘những thứ không tốt cho sức khỏe’ như đường, chất béo và muối, cũng sẽ rất quan trọng trong quá trình quyết định mua hàng của người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng muốn các sản phẩm có ít hơn những thành phần mà họ cho là không lành mạnh cụ thể như đường, muối, chất béo và gluten. Khoảng  20% người tiêu dùng ở châu Á coi đây là ưu tiên hàng đầu trong việc lựa chọn thực phẩm và đồ uống lành mạnh.  Chúng tôi cũng nhận thấy rằng hầu hết người tiêu dùng đều quan tâm đến việc giảm tiêu thụ đường (41%), tiếp theo là chất béo (39%) và muối (31%). Nhìn chung, khoảng 30% người tiêu dùng trong khu vực đã giảm tiêu thụ của những thành phần này.” – Jansen cho biết
Các công ty thực phẩm trong khu vực đã bắt đầu chú ý và điều này có thể thấy được thông qua các đợt ra mắt sản phẩm mới vào cuối năm. Gần 20% trong các đợt ra mắt sản phẩm F&B mới tại APAC tập trung vào việc tinh giảm các thành phần trên, cụ thể khoảng 17% sản phẩm mới cắt giảm lượng đường, 12% giảm lượng muối và 16% đối với chất béo.
Cô cũng tin rằng tất cả những điều trên là chỉ báo tốt cho ngành thực phẩm plant-based. Các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật đã tăng trưởng đáng kinh ngạc 73% từ năm 2017 đến năm 2022 trên các thị trường khác nhau ở Châu Á Thái Bình Dương và vẫn đang phát triển mạnh mẽ để trở thành một trong những xu hướng chủ đạo của ngành thực phẩm trong thời gian tới.
Nguồn: https://www.foodnavigator-asia.com/Article/2022/10/11/clean-label-and-positive-nutrition-claims-crucial-for-consumers-in-2023

Tin tức nổi bật trong nước và quốc tế

1.    Triển lãm về thực phẩm, đồ uống Vietfood & Beverage – Propack tại Hà Nội
Triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm, đồ uống và thiết bị công nghệ chế biến Vietfood & Beverage – Propack diễn ra tại Hà Nội từ ngày 9 – 12/11/2022, quy tụ 300 gian hàng của 250 doanh nghiệp đến từ Ấn Độ, Ba Lan, Hàn Quốc, Nga, Nhật Bản, Thụy Điển, Việt Nam…
Là triển lãm tiên phong và hàng đầu trong ngành thực phẩm, đồ uống, Vietfood & Beverage – Propack chính là cầu nối đầu tiên mở ra cánh cửa cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp cận với thị trường, quảng bá sản phẩm mới đến khách mua hàng tiềm năng, tăng cường nhận diện thương hiệu tới công chúng. Thông qua triển lãm, các đối tác và khách hàng nắm bắt nhanh nhạy hơn về nhu cầu của thị trường, qua đó đưa ra xu hướng phát triển cần thiết cho doanh nghiệp.
Nguồn: https://congthuong.vn/tu-9-12112022-trien-lam-ve-thuc-pham-do-uong-vietfood-beverage-propack-tai-ha-noi-223003.html

Nhóm tin về ngành du lịch

1.    Hong Kong tặng 500.000 vé máy bay để thu hút du khách
Theo SCMP, Hong Kong đang lên kế hoạch xúc tiến du lịch toàn cầu vào năm tới khi thành phố gỡ bỏ toàn bộ biện pháp hạn chế về dịch bệnh. Cụ thể, 500.000 vé máy bay được tung ra có giá trị khoảng 254 triệu USD, là khoản đầu tư cho chiến dịch hút khách du lịch đến thăm Hong Kong (Trung Quốc).
Ngoài 254 triệu USD vé máy bay miễn phí, ngành du lịch Hong Kong sẽ dành riêng khoảng 12.738 USD cho các hoạt động quảng bá, thu hút du khách nước ngoài đến xứ Cảng Thơm. Du khách quốc tế đến thành phố sẽ được chào đón bằng những món quà và các chương trình khuyến mại khác.
Nguồn: https://zingnews.vn/hong-kong-tang-500000-ve-may-bay-de-thu-hut-du-khach-post1363048.html
2.    Ngành hàng không châu Á nỗ lực phục hồi sau dịch COVID-19
Ngành hàng không châu Á phục hồi chậm hơn các khu vực khác trên thế giới, phần lớn do một số nước như Trung Quốc và Nhật Bản chậm dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh được áp đặt nhằm chống đại dịch COVID-19. Trong tháng Tám vừa qua, lưu lượng hành khách quốc tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đạt 38% mức ghi nhận năm 2019. dự đoán đến năm 2025 mới có thể phục hồi về mức trước đại dịch COVID-19.
Theo ước tính mới nhất của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), lưu lượng hành khách hàng không tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào cuối năm nay sẽ phục hồi về mức tương đương 73% mức ghi nhận năm 2019, trong bối cảnh các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại.
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/iata-nganh-hang-khong-chau-a-no-luc-phuc-hoi-sau-dich-covid19/823063.vnp

Nhóm tin về ngành kĩ thuật – công nghệ

1.    Google hỗ trợ Việt Nam tạo bệ phóng cho các ‘kỳ lân’ công nghệ
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang phối hợp với Tập đoàn Google tổ chức khóa đào tạo của chương trình Google for Startups khu vực phía Nam dành cho các công ty khởi nghiệp công nghệ (startup). Chương trình đã thu hút sự đăng ký tham gia của gần 200 doanh nghiệp nổi bật của cộng đồng startup tại Việt Nam.
Google for Startups là một trong những chương trình phát triển trọng tâm được tập đoàn Google ra mắt năm 2011. Chương trình này đã được triển khai ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, nơi hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp rất phát triển, có trụ sở tại nhiều thành phố lớn như London (Anh), Tel Aviv (Israel), Madrid (Tây Ban Nha), Seoul (Hàn Quốc), Warsaw (Ba Lan), Sāo Paulo (Brazil) và Tokyo (Nhật Bản).
Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/google-ho-tro-viet-nam-tao-be-phong-cho-cac-ky-lan-cong-nghe/822664.vnp
2.    Google đầu tư hơn 690 triệu USD vào Nhật Bản
Hãng công nghệ Google thuộc tập đoàn Alphabet Inc (Mỹ) có kế hoạch đầu tư tổng cộng 100 tỷ yen (690,13 triệu USD) vào Nhật Bản đến năm 2024, Giám đốc điều hành Sundar Pichai vừa cho biết. Google sẽ mở một trung tâm dữ liệu ở quận Chiba gần Tokyo vào năm tới – trung tâm đầu tiên ở Nhật Bản – sẽ cung cấp khả năng truy cập nhanh hơn và ổn định hơn vào các dịch vụ của Google.
Nguồn: https://bnews.vn/google-dau-tu-hon-690-trieu-usd-vao-nhat-ban/261251.html
3.    Tháng 9/2022, hơn 1,5 tỷ USD vốn đầu tư đổ vào các dự án crypto
Thị trường gọi vốn tháng 9/2022 đã có gần 100 thương vụ được các quỹ đầu tư rót vốn với giá trị vốn gọi thành công hơn 1,5 tỷ USD. Nhiều công ty và dự án crypto (tiền kỹ thuật số) tiếp tục có những bước phát triển, thị trường gọi vốn cũng có những dấu hiệu tích cực. Số liệu thống kê cho thấy, trong tháng 9, mảng infrastructure (cơ sở hạ tầng) và web3 đang thu hút dòng tiền từ các quỹ đầu tư trong thị trường crypto toàn cầu, lần lượt với 874 triệu USD và 359 triệu USD tiền đầu tư.
Theo thống kê của Coin98 Insights, có một số dự án đã gọi được số vốn đầu tư tương đối lớn từ các quỹ đầu tư như: Mysten Labs gọi 300 triệu USD; Strike (80 triệu USD); Fuel Labs (80 triệu USD); Sardine (51,5 triệu USD); GRNGrid (50 triệu USD).
Nguồn: https://vneconomy.vn/thang-9-2022-hon-1-5-ty-usd-von-dau-tu-do-vao-cac-du-an-crypto.htm
4.    Làn sóng rời bỏ thị trường Nga của nhiều hãng ô tô tên tuổi
Trong lúc cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang ngày càng căng thẳng thì nhiều hãng ô tô lớn đã quyết định rút lui khỏi thị trường Nga. Toyota là hãng xe Nhật Bản đầu tiên tuyên bố rút khỏi Nga mặc dù đây là nhà sản xuất ô tô có thị phần lớn nhất tại đây. Thực tế nguyên nhân của sự rút đi này là do những khó khăn trong việc cung cấp các nguyên liệu và phụ tùng khiến hoạt động sản xuất ô tô của Toyota tại Nga bị gián đoạn.
Cũng giống như Toyota, hãng Mazda cũng đang cân nhắc việc chấm dứt hoạt động sản xuất của hãng tại Nga do chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Ở thời điểm hiện tại, Mazda đang sản xuất xe tại một liên doanh với nhà sản xuất ô tô địa phương Sollers tại phía Đông Vladivostok. Các sản phẩm chính của nhà máy này là Mazda CX-9, Mazda CX-5, Mazda 6 với khoảng 28.000 xe được xuất xưởng vào năm 2021.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/lan-song-roi-bo-thi-truong-nga-cua-nhieu-hang-o-to-ten-tuoi-2067500.html
5.    Nissan chính thức rút khỏi thị trường Nga
Nissan đã chính thức tuyên bố rút khỏi thị trường Nga, bán lại toàn bộ cơ sở vật chất và hoạt động kinh doanh tại đây cho NAMI – Viện Nghiên cứu và Phát triển Ô tô và Động cơ Trung Ương của Nga.
Nhà sản xuất ô tô Nhật Bản được cho chịu thiệt 100 tỷ yen (687 triệu USD) từ thương vụ này nhưng vẫn duy trì quyền mua lại công ty và hoạt động kinh doanh trong vòng 6 năm tới.
Nguồn: https://markettimes.vn/nissan-chinh-thuc-rut-khoi-thi-truong-nga-ban-toan-bo-nha-may-va-co-so-vat-chat-voi-gia-1-euro-5644.html
6.    Thương hiệu smartphone Oppo đang có nguy cơ biến mất hoàn toàn tại châu Âu
Oppo, nhà sản xuất smartphone Trung Quốc lớn thứ 4 thế giới đang khẩn trương tìm hướng đi mới ở nước ngoài, sau khi bị ‘ông lớn’ Nokia khởi kiện vì vấn đề bản quyền. Hiện tại, người dùng sẽ không thể nào truy cập vào các trang website của Oppo tại Đức. Thay vào đó, trang web chỉ hiện lên thông báo ngắn gọn: Thông tin sản phẩm hiện không có sẵn.
Diễn biến bất thường này bắt nguồn từ việc nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc đã thua kiện trước Nokia. Nhà cung cấp thiết bị viễn thông Phần Lan đệ đơn khiếu nại cáo buộc Oppo sử dụng các bằng sáng chế công nghệ mà không trả tiền bản quyền. Vào tháng 8, một toà án tại Đức đã ra phán quyết dừng kinh doanh điện thoại Oppo. Nokia được cho là sẽ tiếp tục nộp đơn kiện bổ sung tại các quốc gia châu Âu ngoài Đức, đồng nghĩa với việc smartphone thương hiệu Oppo có thể bị cấm bán tại các thị trường khác.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/thuong-hieu-smartphone-thanh-cong-tai-viet-nam-dang-co-nguy-co-bien-mat-hoan-toan-tai-chau-au-202210101503498.htm
7.    Người khổng lồ thức ăn nhanh KFC còn lấn sân vào lĩnh vực hạ tầng trạm sạc xe điện
Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng xe điện của người tiêu dùng cũng như thúc đẩy doanh số, KFC đã triển khai lắp đặt hạ tầng trạm sạc xe điện tại chuỗi nhà hàng thuộc sở hữu trực tiếp của KFC và những nhà hàng đã được nhượng quyền. Theo Bloomberg, KFC đã thiết lập quan hệ đối tác với công ty trạm sạc InstaVolt để lắp đặt bộ sạc, triển khai tại chuỗi nhà hàng thuộc sở hữu trực tiếp của KFC và những nhà hàng đã được nhượng quyền. Một trong những địa điểm đầu tiên lắp đặt bộ sạc là chi nhánh Shirley Road của KFC ở Birmingham (Anh).
Không chỉ KFC, chuỗi đồ ăn nhanh McDonald’s cũng đang làm việc với InstaVolt để triển khai cơ sở hạ tầng sạc ở nhiều quốc gia, con số dự kiến khoảng 1.300 địa điểm. Sau khi được lắp đặt, các điểm sẽ được cung cấp điện hoàn toàn từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/khong-chi-ban-ga-ran-ga-khong-lo-thuc-an-nhanh-kfc-con-lan-san-vao-linh-vuc-ha-tang-tram-sac-xe-dien-20221010103021546.htm
8.    Apple mở rộng dây chuyền lắp ráp MacBook lắp ráp đến Thái Lan
Theo nhà phân tích Ming-Chi Kuo từ TF International Securities, Apple sẽ mở rộng dây chuyền lắp ráp MacBook sang Thái Lan. Động thái này nhằm giúp hãng tiếp tục đa dạng hóa các chuỗi cung ứng. Ông Kuo cho biết Apple đang thay đổi chiến lược quản lý chuỗi cung ứng toàn cầu để đối phó với xu hướng phi toàn cầu hóa. Cụ thể, chiến lược này nhằm giảm hoạt động sản xuất, lắp ráp tại các sản phẩm của hãng tại Trung Quốc.
Trước đó, Apple cũng đã chuyển nhiều dây chuyển sản xuất và lắp ráp sang Ấn Độ và Việt Nam. Nhà phân tích này cho biết sự đa dạng hóa này giúp Apple tránh được những rủi ro như thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Nguồn: https://zingnews.vn/se-co-macbook-lap-rap-tai-thai-lan-post1364392.html
9.    Sự kiện quốc tế quy mô lớn về công nghệ blockchain tại Việt Nam
Chiều 11/10, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Blockchain Việt Nam (Vietnam Blockchain Association) đã công bố những thông tin chính thức về Hội nghị thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 (Vietnam Blockchain Summit 2022) quy mô nhất được bảo trợ bởi Ban cơ yếu Chính phủ sẽ diễn ra vào ngày 19-20/10 tại Hà Nội.
Hội nghị Thượng đỉnh Blockchain Việt Nam 2022 sẽ tập trung bàn thảo những vấn đề: xu hướng phát triển các nền tảng công nghệ blockchain; phát triển nguồn nhân lực blockchain cho Việt Nam; khuyến nghị chính sách tiếp cận blockchain…
Vietnam Blockchain Summit 2022 dự kiến sẽ thu hút hơn 1.000 đại biểu, với hơn 50 diễn giả, trong đó có gần 150 đại biểu quốc tế đến từ hơn 30 nền kinh tế, là những cường quốc về công nghệ blockchain trong khu vực và trên thế giới như: UAE, Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Hàn Quốc… sẽ cùng nhau bàn thảo trong gần 20 phiên tọa đàm, trò chuyện công nghệ (fireside chat).
Nguồn: https://nhandan.vn/su-kien-quoc-te-quy-mo-lon-ve-cong-nghe-blockchain-tai-viet-nam-post719402.html

Nhóm tin về ngành công nghiệp nặng – năng lượng

1.    Cơn sốt nguồn cung đất hiếm của phương Tây bị đe dọa
Phương Tây tiếp tục gặp phải những khó khăn liên quan đến năng lượng trong cuộc “chạy đua” hạn chế sự phụ thuộc vào kim loại đất hiếm của Trung Quốc. Tuy nhiên, vấn đề ngày càng trở nên khó khăn sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tăng gấp đôi lệnh hạn chế khí đốt. Không chỉ người dân châu Âu phải gánh chịu hậu quả mà nhiều nhà máy luyện kim và sản xuất kim loại cũng đã phải đóng cửa.
Nguồn: https://markettimes.vn/con-sot-nguon-cung-dat-hiem-cua-phuong-tay-bi-de-doa-5426.html
2.    Không chỉ tích cực nhập khẩu dầu và khí đốt, châu Âu còn đang tìm đến pin mặt trời của Trung Quốc
Với nỗ lực chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu hoá thạch từ Nga, nhu cầu cho pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đã tăng mạnh khi các doanh nghiệp và hộ gia đình ở châu Âu chuyển hướng sang lắp đặt các tấm năng lượng mặt trời trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.
Nguồn: https://markettimes.vn/khong-chi-tich-cuc-nhap-khau-dau-va-khi-dot-chau-au-con-dang-tim-den-pin-mat-troi-cua-quoc-gia-chau-a-nay-5294.html
3.    Châu Á, châu Âu cạnh tranh gay gắt đẩy giá khí đốt tăng 1.100% – thách thức mới của các quốc gia châu Á bao gồm cả Việt Nam
Thị trường châu Á vẫn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nhu cầu toàn cầu đối với LNG. Tuy nhiên khi Nga ngừng cung cấp các đường ống dẫn khí đốt đến châu Âu đã thúc đẩy châu lục này tăng nhập khẩu LNG để thay thế. Cuộc cạnh tranh gay gắt giữa người mua châu Á và châu Âu đã đẩy mức giá tiêu chuẩn châu Á tăng khoảng 12 lần từ đầu năm 2021 lên khoảng 70 USD/mBTU trong năm nay. Thị trường nhiên liệu biến động đang khiến các quan chức ở Việt Nam, quốc gia đã cam kết loại bỏ than đá như một nguồn điện vào năm ngoái lo ngại về việc nhập khẩu LNG.
Nguồn: https://markettimes.vn/chau-a-chau-au-canh-tranh-gay-gat-day-gia-khi-dot-tang-1-100-thach-thuc-moi-cua-cac-quoc-gia-chau-a-bao-gom-ca-viet-nam-5276.html
4.    TPHCM sẽ hết ‘khát’ xăng dầu trong 1-2 ngày tới?
Mặc dù sau khi xăng tăng giá, áp lực xăng dầu tại các cửa hàng đã giảm bớt nhưng nhiều cửa hàng vẫn tạm ngưng bán do chưa có hàng, áp lực xăng hiện nay vẫn còn tới 135% so với bình thường. Đơn vị cung ứng xăng dầu tin rằng, 1-2 ngày tới tình hình sẽ trở lại bình thường.
Đại diện Công ty xăng dầu khu vực 2 thuộc Petrolimex Sài Gòn cũng cho biết, tại TPHCM lượng tồn kho trên 3.000m3, vài ngày tới có tàu vận chuyển thêm 100.000m3 xăng các loại nên nguồn cung cho TPHCM đảm bảo hết tháng 10 và sẽ trở lại bình thường.
Nguồn: https://tienphong.vn/tphcm-se-het-khat-xang-dau-trong-1-2-ngay-toi-post1477477.tpo

Nhóm tin về nông sản – thủy sản – chăn nuôi

1.    Thủ phủ cá tra miền Tây báo động thiếu cá giống
Dù An Giang, Đồng Tháp được xem là thủ phủ cá tra nhưng hiện nay tình trạng cá tra giống xuống cấp, hao hụt đang khiến người nuôi cá đau đầu. Giống chất lượng chỉ đáp ứng 15% cho nhu cầu, còn lại nông dân phải mua từ nguồn ‘trôi nổi’.
Nguồn: https://tuoitre.vn/thu-phu-ca-tra-mien-tay-bao-dong-thieu-ca-giong-20221008170249516.htm
2.    Trúng đậm tép biển, người dân thu nhập tiền triệu mỗi ngày
Dọc bờ biển xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) có nhiều người dân đang tổ chức kéo lưới, giong thuyền ra biển kéo tép. Sau những ngày biển động, từng đàn tép biển bơi vào gần bờ, đây cũng là thời điểm rất đông người dân đi kéo lưới, mang lại thu nhập lớn. Mỗi ký tép có giá dao động 15.000 – 20.000 đồng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/trung-dam-tep-bien-nguoi-dan-thu-nhap-tien-trieu-moi-ngay-20221006124230419.htm
3.    Biến vỏ ấu thành phân bón hữu cơ
Nhận thấy thế mạnh ở Đồng Tháp trồng nhiều ấu, Nguyễn Trường An (29 tuổi; ngụ xã Bình Thành, huyện Lấp Vò) chịu khó tìm tòi, nghiên cứu tận dụng phế phẩm từ vỏ ấu sản xuất phân vi sinh hữu cơ để làm hành trang khởi nghiệp
Nguồn: https://nld.com.vn/mien-tay-24h/bien-vo-au-thanh-phan-bon-huu-co-20221009202757262.htm
4.    “Vương quốc hoa kiểng, cây giống” vào vụ hoa Tết
Huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre được mệnh danh là “Vương quốc hoa kiểng, cây giống”. Để có nguồn thu nhập cao và góp phần làm đẹp mùa Xuân, hiện nay nông dân huyện Chợ Lách đang khẩn trương gieo trồng vụ hoa tết cổ truyền Quý Mão 2023.
Hiện nay, nông dân huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre đã gieo trồng hàng triệu giỏ hoa cúc, gồm cúc mâm xôi, cúc Hà Lan, cúc vàng Hè và đang khẩn trương trồng các loại hoa tươi khác như mào gà, vạn thọ, mã đình hồng, hoa giấy…. Theo kế hoạch tết cổ truyền năm nay, riêng hoa tươi toàn huyện Chợ Lách gieo trồng khoảng 5 triệu giỏ hoa để phục vụ thị trường.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/vuong-quoc-hoa-kieng-cay-giong-vao-vu-hoa-tet-post976577.vov
5.    Hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ
Được thành lập năm 2013, Câu lạc bộ Sáng tạo khởi nghiệp (SKC) do Trung tâm nghiên cứu kinh doanh & Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) sáng lập và vận hành đã trở thành một trong những chương trình uy tín, tập trung hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam. Với mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và lập nghiệp thành công, xây dựng cộng đồng tài năng trẻ khởi nghiệp, bền bỉ 10 năm qua, SKC đã tổ chức cuộc thi “Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ tài nguyên bản địa”. Cho đến hiện tại, đã có gần 1.170 dự án và ý tưởng tham gia với khoảng 1.598 lượt thành viên tham dự 8 cuộc thi.
Từ đây, những “doanh nông” – những người làm ăn kiểu mới, gắn với nông nghiệp, nông thôn, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên bản địa vốn là những sản vật của vùng, miền, rồi nghiên cứu, sáng tạo, cho ra sản phẩm độc đáo. Trong đó, nhiều bạn trẻ đã khởi nghiệp thành công, lớn mạnh và đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đến nhiều thị trường khó tính trên thế giới như: Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước EU…
Nguồn: https://baodautu.vn/khoi-nghiep-xanh-hanh-trinh-kien-tao-nhung-doanh-nong-tre-d175361.html

Nhóm tin về thị trường xuất nhập khẩu

1.    Báo Thái Lan đánh giá cao sức cạnh tranh của sầu riêng Việt Nam – cũ
Sau nhiều năm chờ đợi, lô sầu riêng tươi hơn 100 tấn từ Việt Nam cuối cùng cũng đã đến cửa khẩu Hữu Nghị Quan ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc vào ngày 19/9 và lần đầu tiên được thông quan theo đường chính ngạch để xâm nhập thị trường nước này.
Tờ Thaizhonghua của Thái Lan ngày 13/9 nhận định, chính vì nhu cầu tiêu thụ sầu riêng của người tiêu dùng Trung Quốc rất lớn mà các nước láng giềng đã trồng sầu riêng với quy mô lớn, và Việt Nam chắc chắn là một trong những đối thủ mạnh nhất của Thái Lan, tương tự như trong hoạt động xuất khẩu gạo.
Nguồn: https://toquoc.vn/bao-thai-lan-danh-gia-cao-suc-canh-tranh-cua-sau-rieng-viet-nam-20220930155012982.htm
2.    Cà phê, chanh leo của Gia Lai đã vào được thị trường Nhật, EU
Nông sản là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai, với giá trị kim ngạch 500 triệu USD/năm và đang không ngừng gia tăng. Điều này có được là nhờ nhiều năm qua, tỉnh đã chú trọng xây dựng, mở rộng những vùng nguyên liệu sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn được chứng nhận.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, một số sản phẩm như cà phê, chanh leo của tỉnh đã vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU. Theo kế hoạch giai đoạn 2022 – 2025, tỉnh sẽ tăng diện tích cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn được chứng nhận khoảng 5.000 ha/năm, nâng cao chất lượng nông sản phục vụ xuất khẩu nhằm tăng thu nhập cho nông dân.
Nguồn: https://vov.vn/kinh-te/ca-phe-chanh-leo-cua-gia-lai-da-vao-duoc-thi-truong-nhat-eu-post975914.vov
3.    Cau giảm giá 80 – 85%, chỉ còn 15.000 – 20.000 đồng/kg do Trung Quốc ngừng nhập
Nhiều nông dân trồng cau tại Đắk Lắk đang lao đao do giá cau tươi giảm mạnh, chỉ còn 15.000 – 20.000 đồng/kg, giảm 80 – 85% so với thời điểm được giá cách nay ba năm, nhưng không dễ tiêu thụ.
Nguồn: https://tuoitre.vn/cau-giam-gia-80-85-chi-con-15-000-20-000-dong-kg-do-trung-quoc-ngung-nhap-20221008083250351.htm
4.    Xuất khẩu rau quả bỏ trống nhiều thị trường
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, cho rằng rau quả là 1 trong 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Xuất khẩu rau quả của Việt Nam chiếm khoảng 1,4% tổng nhập khẩu rau quả của thế giới. Nhiều thị trường chưa được các DN Việt Nam khai thác, còn bỏ trống. Nếu được khai thác, các thị trường này sẽ mang đến mức tăng trưởng đáng kể.
Như Trung Quốc, dù Việt Nam xuất khẩu lượng lớn rau quả sang thị trường này nhưng con số vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, hàng hóa chưa cạnh tranh được với các nước xuất khẩu khác. Chẳng hạn, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu chuối 1 tỉ USD, trong đó Philippines chiếm 50%, Campuchia 20%, còn Việt Nam chỉ có 16%. Về thị trường Nhật Bản, mỗi năm nước này có nhu cầu nhập khẩu 20 tỉ USD rau quả nhưng hàng hóa cùng loại của Việt Nam xuất sang đây chỉ chiếm có 3% là quá thấp, cần phải đẩy mạnh khai thác thị phần này.
Nguồn: https://nld.com.vn/kinh-te/xuat-khau-rau-qua-bo-trong-nhieu-thi-truong-20221011213935728.htm
5.    Cục Xuất nhập khẩu: Giá lợn hơi có thể đi lên cuối năm nhờ tiêu thụ tăng
Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và dịch Covid-19, ngành chăn nuôi cơ bản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thức ăn chăn nuôi mức cao. Với những tín hiệu khả quan của việc phục hồi kinh tế nói chung, ngành chăn nuôi đang chờ đợi sự bứt phá cho những tháng cuối năm.
Về xuất khẩu, lũy kế 8 tháng, Việt Nam xuất khẩu được 11.530 tấn thịt và các sản phẩm thịt, giá trị 50,2 triệu USD, giảm 4% về lượng, nhưng cao hơn cùng kỳ năm ngoái là 10,4%. Về nhập khẩu, lũy kế 8 tháng, Việt Nam nhập khẩu 411.190 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 918,7 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và thấp hơn cùng kỳ năm ngoái là 6,9%.
Nguồn: https://ndh.vn/nong-san/cuc-xuat-nhap-khau-gia-lon-hoi-co-the-di-len-cuoi-nam-nho-tieu-thu-tang-1325441.html
6.    Giá gạo Việt Nam tăng vượt Thái Lan, gạo 100% tấm ‘cháy’ hàng
Sau khi Ấn Độ có động thái hạn chế xuất khẩu gạo đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã được điều chỉnh tăng dần và hiện đã vượt gạo Thái Lan. Tuy nhiên, ở phân khúc gạo 100% tấm hiện ngưng chào bán do thiếu nguồn cung.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 5% tấm của Việt Nam hiện tăng 5 USD/tấn so với thời điểm cuối tháng 9/2022 và tăng 35 USD/tấn so với trước thời điểm Ấn Độ áp dụng chính sách hạn chế xuất khẩu (ngày 8/9/2022). Ở phân khúc gạo 25% tấm, gạo Việt Nam có giá 408 USD/tấn, tăng 5 USD so với cuối tháng 9/2022 và tăng 30 USD so với thời điểm trước ngày 8/9. Với gạo 100% tấm, theo VFA, ngoại trừ Ấn Độ đã cấm xuất khẩu (XK) thì hiện Việt Nam cũng không có giá chào bán đối với phân khúc này.
Nguồn: https://tienphong.vn/gia-gao-viet-nam-tang-vuot-thai-lan-gao-100-tam-chay-hang-post1475384.tpo
7.    Việt Nam chi hơn 6,8 tỷ USD nhập khẩu xăng dầu trong 9 tháng đầu năm
Tính chung 9 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 6.525.109 tấn xăng dầu các loại, kim ngạch 6,833 tỷ USD, tăng 22,7% về lượng và tăng 131,8% về kim ngạch so với cùng kỳ 2021.
Về thị trường nhập khẩu, Hàn Quốc dẫn đầu với 2.555.283 tấn, kim ngạch đạt 2,745 tỷ USD, tăng tới 91,62% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng thị trường Hàn Quốc chiếm đến 39,16% tổng lượng xăng dầu nhập khẩu của cả nước trong 9 tháng đầu năm. Các thị trường lớn khác như Malaysia 956.148 tấn, kim ngạch 885,67 triệu USD, nhưng giảm mạnh so với con số gần 1,7 triệu tấn của cùng kỳ năm ngoái; Singapore 960.508 tấn, kim ngạch 978,7 triệu USD, khá tương đồng về lượng nhập khẩu so với cùng kỳ 2021; Thái Lan 877.870 tấn, kim ngạch 960 triệu USD, tăng gần 100.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, những tháng đầu năm Trung Quốc nổi lên là thị trường nhập khẩu xăng dầu lớn hàng đầu của Việt Nam với 627.123 tấn, kim ngạch 676 triệu USD, gấp 2,3 lần về lượng so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương tăng 130%); trong khi kim ngạch gấp tới 4,42 lần.
Nguồn: http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/viet-nam-chi-hon-68-ty-usd-nhap-khau-xang-dau-trong-9-thang-dau-nam-20221011111114719.htm
BSAi