RCEP, với sự tham gia của 15 thành viên, sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương với 26.200 tỷ USD

Tiêu điểm:

Ham thị trường dễ tính sẽ khiến thị trường cao cấp lãng quên hàng Việt

“Sự quan tâm thái quá về RCEP (hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực) có thể sẽ làm cho sự hào hứng và động lực đối với EVFTA (hiệp định thương mại tự do châu Âu – Việt Nam) và CPTPP (hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) cùng một số thị trường khó tính nguội lạnh, vì RCEP là một thị trường dễ tính và ít đòi hỏi hơn”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu với BSAOnline và Thế Giới Hội Nhập.

Bà nhấn mạnh rằng tình trạng này sẽ dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ít cố gắng hơn trong việc phấn đấu đạt các chuẩn mực về hàng hóa và các yêu cầu bảo vệ môi trường từ các thị trường khó tính, thay vào đó sẽ tập trung vào các thị trường dễ dàng.

Thị trường hiện tại đang rất háo hức về các cơ hội mới từ EVFTA, CPTPP  và đặc biệt là RCEP vừa mới ký kết.Những hiệp định này đã tạo ra những cơ hội mới cho Việt Nam trong bối cảnh thế giới đang chao đảo và mọi người đang xem xét và sắp xếp lại các chuỗi cung ứng, cùng với đó là việc thay đổi và củng cố các mối quan hệ và đối tác. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ có các cơ hội để lấp vào những chỗ trống của các sự thay đổi. Đối với nông nghiệp, sự thiếu hụt của lương thực trên toàn cầu sẽ tạo ra những cơ hội nhất định cho Việt Nam, tuy nhiên thì những thách thức vẫn còn ở đó.

“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không cố gắng thì các thị trường EVFTA hay CPTPP cũng sẽ quên về Việt Nam. Đây sẽ là một điều mất mát vì sự thay đổi từ Việt Nam và các thị trường đã gặp nhau, tạo ra những cơ hội và sự phát triển rất lớn để vươn lên. Việt Nam đi vào những thị trường dễ tính sẽ tự kiềm hãm mình ở mức thu nhập trung bình, nếu cứ tiếp tục làm gia công và các sản phẩm giá trị gia tăng thấp. Đây là những lo lắng lớn nhất của tôi”, vị chuyên gia kinh tế phát biểu.

Bà Phạm Chi Lan cũng nói rằng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa đủ năng lực và tầm cỡ vươn lên. “Nhưng trong thời gian qua, một số nhà sản xuất nông sản đã vượt lên. Chẳng hạn các mặt hàng nông sản đã vào được thị trường châu Á đòi hỏi chất lượng qua EVFTA”, bà nói.

Đề cập đến những thách thức của Đồng bằng sông Cửu Long trước thềm sự kiện Mekong Connect 2020, bà nói: “Như nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam trong năm nay, ngành nông nghiệp cũng gặp những thách thức cực kỳ lớn và trong năm tới, những thách thức này cũng sẽ vẫn còn nguyên. Điều này là vì triển vọng của thị trường thế giới vế các chuyển đổi tích cực vẫn thực sự chưa rõ ràng. Tất cả các dự đoán từ các trung tâm và tổ chức nghiên cứu uy tiến nhất đều cho biết rằng năm 2021 vẫn sẽ là một năm đầy khó khăn, do việc những nhân tố gây khó khăn vẫn còn hiện hữu. Chẳng hạn, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung; sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ; Covid-19 khiến nhu cầu của thị trường suy yếu; biến đổi khí hậu…

Việt Nam là một quốc gia mở cửa rất rộng và hội nhập thị trường rất sâu, cho nên sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bên ngoài, mặc cho việc Việt Nam đã rất thành công trong việc kiểm soát Covid-19. Điều này đã khiến khả năng phục hồi và tăng trưởng bị kiềm hãm, và gây khó khăn cho việc tận dụng những cơ hội và thời cơ mới. Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, nền nông nghiệp và nông sản Việt Nam, ngoài những thách thức chung thì cũng có những thách thức nặng nề, như biến đổi khí hậu, như bão lụt như thời gian vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực nông.

1/ Theo số liệu của VSSA, nếu như trước đây, cả nước có 40 nhà máy mía đường hoạt động thì trong niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29. Niên vụ 2020-2021, dự báo sẽ là một năm tiếp tục nhiều khó khăn với ngành mía đường Việt Nam, đặc biệt với việc dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp. Dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong tiếp tục đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả. Kể từ khi ATIGA có hiệu lực, thì thị trường đường nội địa đã trở thành điểm đến của hàng triệu tấn đường nhập khẩu từ ASEAN. Điều này đã dẫn tới việc đường nhập khẩu và đường lậu đã làm tê liệt ngành mía đường nội địa. Hơn thế nữa, 10 tháng qua đã có 1,3 triệu tấn đường nhập khẩu được nhập về thị trường trong nước với giá còn thấp hơn giá mua mía tại Thái Lan. Giá bán đường của Thái Lan sang Việt Nam thời gian qua chỉ ở mức 350 USD/tấn khiến đường nội địa thật sự teo tóp, nông nông dân trồng mía lâm vào cảnh nợ nần, phải bỏ ruộng mía vì càng đầu tư càng lỗ. Không những vậy, theo VSSA, trong khi các nước sản xuất mía đường khác trong ASEAN dù đã hoàn thành việc thực thi cam kết ATIGA từ năm 2010 và 2015, nhưng thực tế vẫn áp dụng các biện pháp quản lý để bảo vệ ngành mía đường nhằm bảo đảm thu nhập ổn định.

Dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy đường đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không có hiệu quả.

2/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 53,1 – 53,70 triệu đồng/lượng, giảm tiếp tới 550.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 500.000 đồng/lượng chiều bán ra, chênh lệch giữa mua và bán 600.000 đồng/lượng. Trên thị trường thế giới, hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.781,1 USD/ounce.

3/ Lũy kế 11 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam ước đạt 11,7 tỷ USD, so với cùng kỳ năm 2019 tăng 1,6 tỷ USD, đạt tỷ lệ tăng trưởng 15%. Với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ giao trước khi xảy ra Covid-19 là 12,5 tỷ USD, năm 2020 ngành Lâm nghiệp nhiều khả năng sẽ vượt mục tiêu được giao với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 13 tỷ USD, xuất siêu khoảng 10 tỷ USD. Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thời gian khó khăn vừa qua, đặc biệt khi vừa phải đối diện với đại dịch Covid-19 vừa phải chuẩn bị đối phó với những hệ lụy phát sinh từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành gỗ không ngồi chờ khách hàng tìm đến, mà tự thân đi tìm thị trường. Nhờ đó, chuỗi cung ứng đã không bị đứt gãy, thậm chí còn phát triển hơn so với những năm trước đây.

4/ Theo thông tin được Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cung cấp, các cơ quan thẩm quyền tại cửa khẩu Trung Quốc đang tăng cường kiểm soát hàng thủy sản đông lạnh nhập khẩu, trong đó có sản phẩm cá tra đông lạnh Việt Nam nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm Covid-19 khiến lượng hàng đang bị tắc nghẽn tại cảng. Cụ thể, từ ngày 10/11 đến nay, cơ quan thẩm quyền tại cửa khẩu Trung Quốc đã bắt đầu áp dụng chế độ kiểm soát, xông trùng và truy xuất nguồn gốc 100% lô hàng thủy sản đông lạnh tại hầu hết các cảng lớn. Trước tình hình nói trên, VASEP đã gửi công văn nhằm khuyến cáo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra thời gian này, cần bình tĩnh, tránh nôn nóng chào giá thấp, hạ giá cá tra nguyên liệu.

5/ Nhiều chuỗi ẩm thực danh tiếng gây bất ngờ khi bán hàng bằng xe lưu động, thay vì đầu tư mặt bằng hoành tráng. Báo cáo của JLL Việt Nam cho thấy, nhiều đại gia F&B (thức uống và đồ ăn) đang hào hứng thử nghiệm mô hình bán hàng lưu động mô hình take-away, điều trước đây chỉ phổ biến ở các thương hiệu rất nhỏ, thậm chí vô danh. Tính đến tháng 11/2020, khá nhiều thương hiệu ẩm thực nổi tiếng cũng đã bắt đầu tận dụng mô hình lưu động để tăng thị phần và thử nghiệm phản ứng của người tiêu dùng ở địa điểm mới. Chẳng hạn, thương hiệu cà phê Ông Bầu, dù đã phát triển chuỗi lên đến 200 quán, đã hiện diện ở nhiều mặt bằng đắc địa trên đất vàng Sài Gòn, hiện cũng đã sử dụng mô hình xe đẩy dưới các tòa nhà văn phòng hoặc khu dân cư đông người tại TP.HCM.

6/ Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia, Veng Sakhon, tính đến cuối tháng 11/2020, Campuchia đã xuất khẩu được 601.045 tấn gạo, tăng 16,9% tương đương 87.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu được hơn 481.000 tấn gạo thơm và gần 120.000 tấn gạo xay xát các loại. Có hơn 60 quốc gia đã nhập khẩu gạo từ Campuchia trong 11 tháng qua, gồm Trung Quốc, 24 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, 6 quốc gia thành viên ASEAN và 29 quốc gia khác. Hiện tại, Việt Nam là nước nhập khẩu thóc lớn nhất của Campuchia. Tính đến ngày 30/11, Campuchia đã xuất khẩu hơn 1.777.100 tấn thóc sang Việt Nam. Số liệu ghi nhận riêng trong ngày 30/11, Campuchia xuất khẩu được 26.619 tấn thóc sang Việt Nam thông qua các cửa khẩu biên giới giữa hai nước.

7/ Trong bốn tháng vừa, trợ lý tổng đài FPT.AI đã thực hiện 6 triệu cuộc gọi tự động, giúp các ngân hàng cắt giảm 50% chi phí vận hành cho bộ phận chăm sóc khách hàng. Trong bối cảnh Covid-19, các ngân hàng ngày càng quan tâm hơn đến việc ứng dụng công nghệ để tối ưu chi phí, nâng cao trải nghiệm người dùng như: Live Bank của TPBank, ki-ot nhận diện gương mặt tại phòng giao dịch Vietinbank… ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc VietinBank cho biết: “Nhờ AI, mà Vietinbank đã tiết kiệm được 30% thời gian xử lý giao dịch. Chúng tôi định hướng phát triển ứng dụng ngân hàng thành một trợ lý tư vấn tài chính cho khách hàng, chứ không chỉ là kênh tương tác một chiều như hiện tại”. Theo dự báo của Accenture, thị trường AI toàn cầu dự kiến đạt 14,7 tỷ USD vào năm 2025, tăng 154% so với 2018. Việc ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo có thể giúp các doanh nghiệp tăng 30% doanh thu.

8/ Việt Nam đang thu hút được số lượng lớn kỷ lục doanh nghiệp Singapore trong bối cảnh các công ty này tiếp tục tìm kiếm các cơ hội mở rộng hoạt động ra bên ngoài bất chấp đại dịch Covid-19. Gần đây, Cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp Enterprise Singapore (ESG) cho biết họ đã hỗ trợ nhiều hơn gấp đôi số dự án quốc tế hóa cho các doanh nghiệp tìm cách mở rộng vào Việt Nam từ năm 2018. Chỉ tính riêng giai đoạn từ tháng 1-10/2020, ESG đã hỗ trợ nhiều hơn các dự án so với cùng kỳ năm ngoái trên những lĩnh vực như công nghệ thông tin và truyền thông, các dịch vụ nghề nghiệp và giáo dục. Nhìn chung, việc Việt Nam có thể nhanh chóng đối phó với đại dịch Covid-19 có nghĩa là các doanh nghiệp vẫn lạc quan về kế hoạch kinh doanh của họ.

9/ Tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản trong tháng 10 đã tăng lên 3,1%, từ mức 3,0% trong tháng 9, trở thành mức cao nhất kể từ tháng 5/2017. Trong khi đó, số việc làm có sẵn tại Nhật Bản đã được cải thiện từ mức thấp nhất trong 7 năm, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra. Các nhà kinh tế đã cảnh báo rằng nhu cầu lao động có thể sẽ chậm lại vào tháng 11, khi làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới nhất bắt đầu bùng phát ở Nhật Bản. Nhu cầu lao động đã phục hồi rất chậm trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, như nhà hàng, khách sạn và nhà bán lẻ. Ngược lại, thì nhu cầu cho lao động trong lĩnh vực xây dựng lại đang gia tăng mạnh.

Lượng việc làm có sẵn tại Nhật Bản đã được cải thiện từ mức thấp nhất trong 7 năm, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi sau cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra – Ảnh: Nikkei

10/ Facebook Inc cho biết họ sẽ mua công ty khởi nghiệp dịch vụ khách hàng Kustomer, với mục đích bổ sung các công cụ để thu hút nhiều người bán hàng hơn vào nền tảng của mình. Kustomer cho phép các doanh nghiệp tổng hợp các cuộc trò chuyện của khách hàng từ nhiều kênh vào một màn hình duy nhất và cũng để tự động hóa một số phản hồi cho người mua tiềm năng. Công ty có trụ sở tại New York này đã tích hợp các dịch vụ của mình trên Facebook Messenger và Instagram. Thỏa thuận này sẽ cho phép Facebook mở rộng quy mô dịch vụ WhatsApp Business của mình, khi ngày càng có nhiều công ty sử dụng ứng dụng nhắn tin để trả lời các câu hỏi của khách hàng trong thời kỳ của đại dịch Covid-19. Hiện tại thì các chi tiết tài chính của thỏa thuận này vẫn chưa được tiết lộ.

11/ Từ đầu năm 2020 đến nay, Thái Lan đang thống trị thị trường IPO của Đông Nam Á khi đóng góp hơn 60% tổng số vốn huy động được của khu vực. Theo dữ liệu của Deloitte, Thái Lan đã ghi nhận 23 đợt IPO từ đầu năm đến ngày 15/11, giảm từ mức 34 của cả năm 2019. Nhưng số tiền huy động được cho đến nay trong năm 2020 đạt tổng giá trị khoảng 3,94 tỷ USD, vượt qua khoảng 3 tỷ USD so với cả năm 2019. Trên khắp Đông Nam Á, có 100 công ty IPO đã huy động được 6,44 tỷ USD tính đến ngày 15/11. Cả số lượng chào bán và số tiền huy động được đều thấp hơn năm ngoái so với 161 vụ IPO huy động được 7,34 tỷ USD.

Ricky Hồ  – Lê Hiếu/BSA

Ra mắt Liên minh thúc đẩy sản vật địa phương, giới thiệu Giỏ quà Tết 2021