Tiêu điểm:
Fintech Việt Nam sẵn sàng bước ra nước ngoài?
MoMo hôm nay 13/1 công bố thành công trong vòng gọi vốn series D từ 6 nhà đầu tư quốc tế, nhưng giá trị vốn góp đã không được thông báo với lý do bảo mật. Các nhà đầu tư mới là Goodwater Capital, Kora Management và Macquerie Capital bên cạnh ba cổ đông hiện hữu. Warburg Pincus là cổ đông lớn nhất của MoMo, đầu tư từ năm 2018 và khi đó cũng không tiết lộ giá trị vốn đầu tư. Còn Goldman Sachs đầu tư từ năm 2013 và Standard Chartered Private Equity góp vốn từ năm 2016.
Nguồn vốn mới sẽ được MoMo tập trung vào việc xây dựng nền tảng siêu ứng dụng (super app), mở rộng hệ sinh thái và ra mắt Quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo MoMo nhằm hỗ trợ các công ty khởi nghiệp tìm được thị trường.
MoMo hiện có 23 triệu người dùng, với 120.000 điểm chấp nhận thanh toán, 30.000 đối tác kinh doanh và kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế. Ví điện tử này đặt mục tiêu chạm mốc 50 triệu người dùng trong hai năm tới và cũng sớm lên sàn chứng khoán.
MoMo là một trong những ví điện tử có mặt đầu tiên ở thị trường Việt Nam vào năm 2010. Chặng đường phát triển của MoMo trong năm 2020 được xem là ngoạn mục khi chạm cột mốc 20 triệu người dùng, tăng gấp đôi so với năm 2019. Đây là hệ quả tất yếu khi người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trên mạng và ứng dụng công nghệ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Vòng gọi vốn series D lần này cũng thực hiện trực tuyến khi các nhà đầu tư không thể đến Việt Nam do các hạn chế đi lại ở khắp nơi.
MoMo thực hiện vòng gọi vốn thứ tư khi những chuyển biến hay cạnh tranh trên thị trường tài chính công nghệ (fintech) tại Việt Nam trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Trước sự kiện này một ngày, hãng gọi xe Be Group tuyên bố bước vào lĩnh vực ngân hàng số với sự hợp tác của VP Bank. Trước đó, hồi tháng 10/2020, ví điện tử VNPay trở thành kỳ lân thứ hai có giá trị trên 1 tỷ USD tại Việt Nam sau Vinagame, sau khi được quỹ đầu tư SoftBank của tỷ phú Nhật Bản Masayoshi Son cùng các nhà đầu tư khác bơm vốn khoảng 300 triệu USD.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy hiện có 39 ví điện tử trên thị trường Việt Nam. Một vài ví được sự hậu thuẫn của các đại tập đoàn công nghệ nước ngoài như Alibaba hay Tencent. Sự cạnh tranh trên lĩnh vực này được xem là sống còn bởi các ví phải “đốt tiền” liên tục để thu hút người dùng – yếu tố mà đại diện MoMo nói rằng họ chưa bao giờ thực hiện. Người tiêu dùng vô cùng bạc bẽo, sẵn sàng từ bỏ ví điện tử này để sang một ví khác có khuyến mãi nhiều hơn và thường xuyên hơn.
Số liệu người dùng của các ví điện tử tại Việt Nam, vì thế, không nói lên quy mô lượng người dùng thường xuyên và mức chi tiêu đến đâu. Theo số liệu của DealStreetAsia, số giao dịch qua ví điện tử tại Việt Nam trong mùa dịch từ tháng 3 đến tháng 6/2020 tăng 200%, nhưng doanh số chỉ tăng 22%.
Các ví điện tử đang đứng trước áp lực buộc phải mở rộng hay tham gia vào một hệ sinh thái lớn hơn. Trong một mức độ nào đó, các ví hay các tổ chức tài chính hay ngân hàng phát hành hay liên kết đứng trước hai vấn đề mới: Một, liên kết các ví nội địa, tức là có thể sử dụng ví MoMo để chuyển tiền sang Moca hay ngược lại. Hai, đạt được các thỏa thuận với đối tác nước ngoài để người dùng Việt Nam có thể sử dụng MoMo hay Moca hay một ví nào khác ở thị trường nước ngoài khi số người Việt đi du lịch nước ngoài ngày một nhiều hơn.
Điều này có nghĩa là họ phải trực diện cạnh tranh với các ví như AliPay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent hay các ví điện tử của Hàn Quốc.
Và đó mới là rào cản lớn nhất hay thách thức lớn nhất của các hãng fintech Việt Nam!
1/ Ngân hàng Nhà nước đã gửi bản đề án hoàn chỉnh về mobile money – thanh toán chi tiêu qua điện thoại di động – lên Thủ tướng Chính phủ và vẫn tiếp nhận ý kiến đóng góp của các bộ ngành. Vụ trưởng Vụ thanh toán Phạm Tiến Dũng cho biết đã làm việc chặt chẽ với Bộ Thông tin – truyền thông, Bộ Công an để xây dựng đề án về tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ qua mobile money trong năm vừa qua.
Trước đó, tháng 6/2020, Thủ tướng đã cho phép thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ. Các hãng viễn thông cũng nôn nóng chờ giấy phép thí điểm mobile money, nhưng đến nay mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ. Các chuyên gia nói rằng triển khai mobile money sẽ tạo cú hích với thanh toán không tiền mặt, đặc biệt ở các vùng hẻo lánh.
2/ Giá vàng miếng SJC ở mức 56,1- 56,70 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 300.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.860,9 USD/ounce, tăng 17,5 USD, tương đương 0,95% so với chốt phiên trước.
3/ Kolon Industries, một công ty sản xuất vật liệu công nghiệp của Hàn Quốc cho biết công ty này sẽ mở rộng nhà máy sản xuất sợi lốp xe tại Việt Nam để tăng cường xuất khẩu sản phẩm. Theo đó, Kolon Industries sẽ đầu tư 68 tỷ won (62 triệu USD) vào Công ty TNHH Kolon Industries Bình Dương để giúp công ty con ở Việt Nam mở rộng nhà máy vào tháng Chín năm sau. Kolon Industries đã đầu tư 140 tỷ won để xây dựng nhà máy sản xuất sợi lốp 16.800 tấn/năm tại Việt Nam vào năm 2018. Việc đầu tư thêm theo kế hoạch trên sẽ nâng công suất nhà máy này lên 36.000 tấn/năm.
4/ Công ty Trung An sẽ đóng container 2 lô hàng đầu tiên trong năm mới 2021 khoảng 300-400 tấn xuất khẩu sang Malaysia và Singapore. Với hai loại gạo thơm Jasmine 85 giá 680 USD/tấn và gạo Hương Lài giá 750 USD/tấn. Đây là số lượng gạo xuất theo hợp đồng xuất khẩu đầu năm trong tổng lượng hàng đã ký kết với khách hàng Malaysia 1.150 tấn, Singgapore 450 tấn và Đức 3.000 tấn. Hiện nay thị trường gạo trên thế giới mở ra nhiều cơ hội thuận lợi, giá chào bán tốt. Khách hàng từ thị trường EU (châu Âu) tới đàm phán đặt hàng nhiều. Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam đang mức cao và khó tăng hơn nữa khi đang gặp cạnh tranh với các nước cùng sản xuất xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan rất mạnh.
5/ Châu Phi vừa đạt được thỏa thuận mua 300 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ COVAX – cơ chế tiếp cận toàn cầu vaccine phòng Covid-19 do WHO khởi xướng nhằm huy động nguồn kinh phí sản xuất và phân phối vaccine cho các nước nghèo. Dự kiến, trong ngày 13/1, Chủ tịch AU đồng thời là Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa sẽ chính thức công bố kế hoạch tiếp nhận và phân phối lô vaccine này. Theo kế hoạch, châu lục 1,3 tỷ dân sẽ tiếp nhận tổng cộng 600 triệu liều vaccine từ COVAX. Chính phủ Peru cho biết sẽ thanh toán khoảng 26 triệu USD để mua 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên của Tập đoàn Sinopharm. Đây là một phần trong thỏa thuận với công ty của Trung Quốc nhằm cung cấp 38 triệu liều cho chương trình tiêm chủng toàn quốc tại Peru. Theo số liệu sơ bộ, vaccine ngừa Covid-19 do Sinopharm nghiên cứu và sản xuất có hiệu quả vào khoảng 79,34% và đã được Trung Quốc cấp phép sử dụng hồi cuối tháng 12/2020.
6/ Signal và Telegram đang dần thay thế WhatsApp để trở thành những ứng dụng được người dùng tin tưởng về độ bảo mật. Theo CNBC, lượt tải xuống từ 2 ứng dụng Signal và Telegram đã tăng đột biến trong một tuần qua, đặc biệt là sau khi WhatsApp đưa ra thông báo yêu cầu người dùng chia sẻ thông tin cho Facebook. Cụ thể, từ ngày 6-10/1, Signal đã đạt mốc 7,5 triệu lượt cài đặt trên App Store và Google Play. Đây là con số kỷ lục tính theo tuần của Signal. Trong khi đó, Telegram đã đạt 5,6 triệu lượt tải trên toàn cầu từ thứ Tư đến Chủ nhật, theo Apptopia. Kể từ năm 2016, WhatsApp đã chia sẻ một số dữ liệu nhất định với Facebook. Tuy nhiên, người dùng lúc đấy vẫn có thể không đồng ý với điều khoản này. WhatsApp cho biết dữ liệu được chia sẻ nhằm phục vụ mục đích cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng cường bảo mật và tinh chỉnh các dịch vụ đề xuất.
7/ Tập đoàn bán lẻ trực tuyến Amazon vừa thông báo khoản đầu tư mới vào vùng đô thị Detroit, với năm tòa nhà mới nhằm đưa các hoạt động đến gần hơn với khách hàng. Các tòa nhà này dự kiến sẽ tạo ra hơn 2.000 việc làm chính thức và bán thời gian. Tại một trong năm tòa nhà, Amazon có kế hoạch mở trung tâm hoàn thiện đơn hàng mới rộng 823.000 feet vuông (76.500 m2), tạo ra 1.200 việc làm toàn thời gian khi đi vào hoạt động trong năm 2021. Đây sẽ là trung tâm thứ tư của Amazon ở bang Michigan sử dụng người máy trong việc hỗ trợ lấy, đóng gói và vận chuyển các món hàng nhỏ đến khách hàng. Kể từ năm 2010, Amazon đã tạo ra hơn 13.500 việc làm tại Michigan và đầu tư trên 2,5 tỷ USD ở bang này, trong đó có tiền đầu tư cho cơ sở hạ tầng và tiền bồi thường cho nhân viên.
8/ Theo Reuters, chính phủ Trung Quốc đã có kế hoạch để yêu cầu các công ty công nghệ như Ant Group, Tencent, JD.com chia sẻ dữ liệu khách hàng vay tiêu dùng, viện dẫn lý do ngăn chặn tình trạng cho vay tràn lan và gian lận. Bên cạnh đó, kế hoạch có nhiệm vụ tăng cường sự giám sát áp dụng lên các công ty công nghệ mảng fintech và củng cố lĩnh vực tài chính của Trung Quốc. Trước đó, chính phủ Trung Quốc xũng đã mở một cuộc điều tra chống độc quyền nhắm vào Alibaba. Theo Reuters, động thái này sẽ ảnh hưởng đến quy mô và lợi nhuận của các công ty công nghệ. Theo thông lệ, ngân hàng sẽ phải trả khoản phí dịch vụ tương đối cao để đổi lấy quyền truy cập thông tin của hàng triệu khách hàng.
9/ Giá của đồng tiền ảo có giá trị và phổ biến nhất thế giới, bitcoin, đã tiếp tục suy giảm thêm 4,12% vào sáng hôm nay, tức là mỗi coin đã “bốc hơi” 1.444 USD. Không chỉ bitcoin, một loạt các đồng tiền ảo khác đều chịu cảnh giảm giá nhanh chóng. Thậm chí, giới chức tại Vương quốc Anh phải lên tiếng cảnh báo về tính rủi ro liên quan đến các loại tiền ảo. Nguyên nhân được các nhà phân tích lý giải do một loạt các đợt bán tháo lớn nổ ra. Chỉ mới tuần trước, Bitcoin còn liên tiếp lập kỷ lục, có lúc giá chạm đỉnh đạt 42.000 USD. Trong bối cảnh các chính phủ liên tục tăng các gói kích thích kinh tế, nhiều nhà đầu tư coi tiền ảo là một kênh đầu tư phòng trừ lạm phát, tương tự như vàng. Tuy nhiên, đà tăng chóng mặt của Bitcoin đã khiến nhiều người lên tiếng cảnh báo bong bóng sắp vỡ.
10/ Chỉ riêng trong tháng 1 này, dự kiến ít nhất năm vụ chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) sẽ diễn ra trên thị trường chứng khoán Indonesia. Thị trường IPO của Indonesia được dự báo sẽ thu hút sự chú ý của khu vực và thế giới trong năm 2021, đặc biệt là khả năng kỳ lân Tokopedia lên sàn trong năm nay.
Kể từ năm 2018, Indonesia là một trong những thị trường IPO năng động nhất ở Đông Nam Á tính theo số công ty mới lên sàn. Đây là chiến lược của chính phủ và thị trường chứng khoán Indonesia (IDX) trong việc khuyến khích các công ty nhỏ và vừa tham gia gọi vốn trên IDX. Indonesia được cho là bắt đầu thu hoạch quả ngọt của các đợt cải cách môi trường kinh doanh, tái cấu trúc các doanh nghiệp nhà nước và việc chính phủ hỗ trợ, thúc giục các công ty vừa và nhỏ cùng các công ty khởi nghiệp Indonesia lên sàn… trong nhiều năm qua.
Trong năm 2019, IDX thành lập nhóm công tác chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng các startup công nghệ tham gia gọi vốn trên IDX. Kết quả là IDX có 55 vụ IPO mới trong năm đó. Riêng số vụ IPO trong năm 2020 chỉ đạt 51, nhưng số vốn huy động chỉ bằng 1/3 trong năm 2019, chỉ cao hơn thị trường Việt Nam và bị các nền kinh tế chính của ASEAN bỏ rơi đằng sau.
Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA
Bản tin thị trường – ngày 12/1/2021