VietJet và công ty chuyển phát UPS đã thông cáo về việc hợp tác kinh doanh vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và Hoa Kỳ - Ảnh: Nikkei

Tiêu điểm:

VietJet bắt tay với công ty chuyển phát nhanh UPS

Hôm nay, VietJet và công ty chuyển phát nhanh lớn nhất thế giới UPS ra thông cáo về việc hợp tác kinh doanh vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và Hoa Kỳ.

Từ tháng 9, hai công ty này đã bắt tay trong việc đưa hàng may mặc, hải sản, trang thiết bị y tế và các sản phẩm từ Việt Nam, Thái Lan và các nước lân cận về Hà Nội rồi vận chuyển đến Hoa Kỳ trên các chuyến bay hàng tuần thông qua cửa ngỏ Incheon, Hàn Quốc.

Hãng bay của Việt Nam chịu nhiều tổn thất trong 9 tháng đầu năm nay. VietJet đã dừng hầu hết các chuyến bay xuyên biên giới, chỉ vận hành 15.000 chuyến bay nội địa trong quý 3 và chỉ trong lãnh thổ Việt Nam và Thái Lan (hoạt động của hãng con Thai VietJet). Đây là con số rất thấp so với 34.000 chuyến bay trong quý 3 năm ngoái. Hãng cũng lỗ 926 tỷ đồng trong vận chuyển hàng không, thấp hơn con số 1.100 tỷ đồng của quý 2.

VietJet là một trong những hãng đầu tiên ở châu Á chuyển sang khai thác vận tải hàng hóa nhằm thoát khỏi ảnh hưởng dịch bệnh. Sự hợp tác giữa UPS và Vietjet đánh dấu một nỗ lực của ngành logistics trong việc hồi phục hoạt động kinh doanh.

1/ Lần đầu tiên trong 30 năm, hãng hàng không 5 sao Emirates của Dubai đã báo lỗ trong 6 tháng đầu năm tài chính, khi doanh thu sụt tới gần 75% do đại dịch Covid-19. Cụ thể, trong 6 tháng tính tới tháng 9/2020, hãng này lỗ 3,4 tỷ USD, con số kỷ lục so với mức lãi 235 triệu USD cùng kỳ năm trước. Doanh thu của Emirates Group, công ty mẹ của Emirates, đã giảm 74% xuống còn 3,7 tỷ USD trong nửa đầu năm tài chính 2020-2021, với mức lỗ lên tới 3,8 tỷ USD. Để ứng phó với tình hình bế tắc, Emirates Group đã phải sa thải hàng loạt nhân viên. Tính tới ngày 30/9, nhân sự của công ty này đã giảm 24% xuống còn 81.000 người. Tập đoàn này đã phải dùng tới tiền mặt dự trữ, huy động thêm vốn từ cổ đông và vay tiền ngân hàng để duy trì. Emirates cũng nhận được khoản cứu trợ 2 tỷ USD từ chính phủ.

2/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,90 – 56,40 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra. Trong khi đó, giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.879,5 USD/ounce, tăng 14,3 USD, tương đương 0,77% giá trị so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, giá vàng tăng trở lại khi thị trường hoài nghi về hậu cần của việc triển khai vaccine Covid-19 tiềm năng khi các ca bệnh tiếp tục gia tăng ở Mỹ, trong khi hy vọng về kích thích tài chính và tiền tệ hơn sẽ hỗ trợ cho kim loại trú ẩn an toàn như vàng.

3/ Sau hiệp định EVFTA được ký kết, thủy sản Việt Nam hưởng lợi lớn. Trong tháng 10, xuất khẩuhải sản đạt gần 330 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong đó chỉ có cá ngừ vẫn giảm 5,4% còn các mặt hàng khác vẫn tăng: mực, bạch tuộc tăng 15%, cua ghẹ tăng 24% và nhuyễn thể hai mảnh vỏ tăng 10%. Tổng giá trị xuất khẩu hải sản tính đến cuối tháng 10/2020 đạt 2,62 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành xuất khẩu đang dần thích nghi với bối cảnh dịch Covid và biến thách thức thành cơ hội khi nhu cầu thủy sản nói chung giảm nhưng lại tăng nhu cầu với một số phân khúc sản phẩm như tôm chân trắng đông lạnh, cá khô… Với xu hướng này, VASEP dự báo xuất khẩu thủy sản cả năm 2020 sẽ đạt khoảng 8,45 tỷ USD, giảm nhẹ 1,5% so với năm 2020.

Tổng giá trị xuất khẩu hải sản tính đến cuối tháng 10/2020 đã đạt 2,62 tỷ USD, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái

4/ Bộ Công Thương cho biết, có 103.000 tấn đường mã HS 17.01 sẽ được đấu giá cho quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu trong năm 2020. Đối tượng tham gia đấu giá là các thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện và thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất. Tuy nhiên, thương nhân sản xuất đường chỉ được đăng ký tham gia đấu giá quyền sử dụng chủng loại đường thô. Phiên đấu giá sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 2/12/2020. Thời hạn nhận hồ sơ tham gia đấu giá là từ 8h00 ngày 13/11/2020 đến 17h00 ngày 24/11/2020. Trước đó, năm 2019, Bộ Công Thương cũng đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 98.000 tấn gồm 30.000 tấn đường tinh luyện; 68.000 tấn đường thô.

5/ Trong tháng 10/2020, Việt Nam tiếp tục xuất siêu 2,94 tỷ USD cao hơn con số ước tính là 2,2 tỷ USD nhờ đóng góp từ khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2020 đạt 51,58 tỷ USD, tăng 0,4% so với tháng trước đó. Luỹ kế đến hết tháng 10, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt 440,09 tỷ USD. Trong tháng 10, Việt Nam xuất khẩu trên 27,26 tỷ USD và nhập khẩu hàng hóa đạt trên 24,32 tỷ USD. Tổng kim ngạch 10 tháng đầu năm đạt gần 210,29 tỷ USD, tăng 0,3%. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt giá trị xuất khẩu 133,47 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

6/ Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tính đến ngày 20/10, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 23,4 tỷ USD, giảm 5,7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. 10 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông vào Việt Nam đã đạt 4,86 tỷ USD, vượt qua nhiều đối tác khác như Nhật Bản, Hàn Quốc. Xét tổng thể, vốn đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông vẫn khá ổn định ở Việt Nam. Tổng vốn các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục, vùng lãnh thổ Đài Loan và đặc khu Hồng Kông vào Việt Nam trong 10 tháng qua đạt 4,86 tỷ USD, vượt qua vốn của Nhật Bản và Hàn Quốc. Lũy kế đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hồng Kông vào Việt Nam đạt trên 76 tỷ USD.

7/ Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã công bố gói kích thích kinh tế trị giá 265.000 rupee crore (trên 35 tỷ USD) nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang suy thoái do tác động của đại dịch Covid-19. Các biện pháp mới này chủ yếu tập trung vào tạo việc làm, thúc đẩy các ngành cần nhiều lao động như bất động sản và chế tạo. Trong số các biện pháp kích thích này có việc cấp 900 rupee crore cho hoạt động nghiên cứu và phát triển vaccine phòng Covid-19; 3.000 rupee crore cho Ngân hàng EXIM thông qua chuỗi tín dụng theo chương trình IDEAS nhằm thúc đẩy các dự án xuất khẩu. Hơn thế nữa, Ấn Độ cũng gia hạn Chương trình Đảm bảo chuỗi tín dụng khẩn cấp hiện hành cho đến ngày 31/3/2021.

8/ Các nhà lắp ráp iPhone của Đài Loan, Foxconn và Pegatron, đã đều cam kết sẽ đầu tư vào Hoa Kỳ sau khi các đối tác Hoa Kỳ của họ thúc đẩy việc sản xuất nội địa nhiều hơn. Các thông báo này, sau dự báo chiến thắng của Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, cho thấy chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu sẽ tiếp tục thay đổi ngay cả sau khi Donald Trump xuống chức, người đã thúc ép các công ty nước ngoài đầu tư và tạo việc làm tại Hoa Kỳ. Foxconn, hãng đã sản xuất iPhone từ thế hệ đầu tiên, hiện vẫn là nhà lắp ráp lớn nhất của mẫu điện thoại này, trong khi Pegatron chiếm phần còn lại.

Foxconn hiện là nhà lắp ráp lớn nhất của mẫu điện thoại iPhone 12 – Ảnh: Nikkei

9/ Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/11 thông báo chính phủ liên bang đã ghi nhận mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trong tháng 10/2020 là 284,1 tỷ USD, gần gấp 2 lần so với mức thâm hụt trong cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh nguồn thu giảm sút, còn chi tiêu để giải quyết những hậu quả, do dịch Covid-19 gây ra, tăng. Con số này cũng vượt mức thâm hụt ghi nhận được trong tháng 10/2009, ở mức 176 tỷ USD, khi chính phủ phải mạnh tay chi tiêu để đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái do cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Thâm hụt ngân sách trong tài khóa 2020 (kết thúc ngày 30/9/2020), đã lên tới 3.100 tỷ USD, phá vỡ “mốc thâm hụt kỷ lục cũ” 1.400 tỷ USD trong năm 2009. Trong báo cáo tháng 9/2020, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ dự báo thâm hụt ngân sách sẽ ở trên mức 1.000 tỷ USD cho đến năm 2030.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Minh Long vinh dự là nhà tài trợ đặc biệt ASEAN 2020