Tiêu điểm:

Đặc sản đồng bằng sẽ xuất hiện tại 5 phòng triển lãm trên cả nước

Các đặc sản địa phương OCOP – mỗi phường xã một sản phẩm – từ 3 sao trở lên của bốn tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Đồng Tháp (ABCD) sẽ được tiếp cận rộng hơn với thị trường trong ngoài nước trong nỗ lực chung của ABCD. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư phát biểu như trên tại họp báo trước thềm sự kiện Mekong Connect 2020 tổ chức ngày 15/12 tại TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp.

Ông Trần Anh Thư nói rằng bốn tỉnh thành ABCD sẽ xây dựng chương trình tiếp thị chung, thương hiệu chung cho các sản phẩm cùng nhóm của mình. Bốn tỉnh thành trên cũng dự kiến sẽ mở phòng triển lãm chung các đặc sản của địa phương tại Phú Quốc, TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ và Châu Đốc. “Các tỉnh khác ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể tham gia phòng triển lãm này sau khi cùng thảo luận với nhóm ABCD”, ông nói.

Bốn tỉnh thành cũng đã làm việc với các sàn thương mại điện tử toàn cầu như Amazon và Alibaba, hay các sàn trong nước như Tiki và Shopee.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nói rằng: “Chúng tôi đã thảo luận với các sàn về thanh toán điện tử. Và chương trình bán sản phẩm OCOP sẽ thực hiện đồng thời với chương trình chuyển đổi số của chính phủ”.

Ông cũng nói rằng các sàn điện tử đòi hỏi các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long cung cấp các sản phẩm theo bốn tiêu chuẩn chính: đồng bộ, qui mô, chất lượng và giá cả. “Đây là thách thức của doanh nghiệp đồng bằng. Nhưng các hệ sinh thái khởi nghiệp cùng các nỗ lực của bốn địa phương sẽ hỗ trợ nhiều. Các sản phẩm hữu cơ của bốn tỉnh thành chúng tôi như mít, dừa, đường thốt nốt, trái cây… có triển vọng lớn trên các sàn giao dịch mới và phòng triển lãm”, Chủ tịch Phạm Thiện Nghĩa nói.

Sự kiện Mekong Connect 2020 với chủ đề chính “Đưa sản phẩm dịch vụ ĐBSCL vào chuỗi giá trị toàn cầu” sẽ chính thức khai mạc ngày 21/12/2020 tại TP. Cao Lãnh, Đồng Tháp. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Đồng Tháp và là lần thứ 5 Mekong Connect được tổ chức ở ĐBSCL.

Diễn đàn Mekong Connect 2020 năm nay có sự tham gia của 700 doanh nhân, nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp,  các nhà quản lý nhà nước 4 tỉnh ABCD (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp), đại diện các Bộ Ngành, các nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ, xuất nhập khẩu, các startup trong nông nghiệp, các chuyên gia trong ngoài nước… và giới truyền thông.

Diễn đàn năm nay diễn ra trong một bối cảnh ĐBSCL đứng trước những thách thức mới bên cạnh những cái khó bao lâu nay của vùng đồng bằng: như hạn mặn, ô nhiễm, không còn phù sa và nhiều sản vật, nạn biến đổi khí hậu, tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ…

Một ngày trước khi họp báo, VCCI và Đại học Fulbright đã công bố “Báo cáo thường niên đầu tiên về kinh tế ĐBSCL” tại Cần Thơ với sự tham dự rộng rãi của lãnh đạo các tỉnh đồng bằng: Đồng Tháp, Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long…

Báo cáo được các doanh nghiệp tham dự đánh giá là khá công phu, nhiều số liệu và phân tích có tính cảnh báo về những bất cập, sa sút của đồng bằng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và sự chậm thay đổi thể chế và chính sách.

“Nếu mô hình này – bao gồm cả chính sách của nhà nước và tập quán của người dân và doanh nghiệp – không thay đổi, thì tụt hậu là điều không thể tránh khỏi và sự tan rã của ĐBSCL chỉ là vấn đề thời gian. Ngược lại, nếu đủ dũng khí và trí tuệ để chuyển sang mô hình phát triển mới, những thách thức hiện nay sẽ trở thành cơ hội to lớn để ĐBSCL tăng cường năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, từ đó mở ra một tương lai xán lạn cho hơn 17 triệu đồng bào cũng như những thế hệ tương lai”, báo cáo viết.

“Chúng ta cần chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp”, ông Phạm Thiện Nghĩa nhận định.

1/ Tính đến hết năm 2019, vốn FDI vào nông nghiệp Việt Nam – ngành nông, lâm, thủy sản – đạt 3,5 tỉ USD, chiếm 0,97% tổng vốn FDI vào Việt Nam trong khi mức trung bình toàn cầu là 3% tổng FDI.

Các đối tác quan trọng nhất đầu tư FDI vào nông nghiệp Việt Nam gồm: Đài Loan, quần đảo Virgin (Anh), Singapore, Thái Lan chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân chính là do doanh nghiệp FDI khó tiếp cận đất nông nghiệp để xây dựng vùng nguyên liệu ổn định; các dịch vụ hỗ trợ logistic và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế.

2/ Vụ đông năm nay các cánh đồng rau phía Bắc vừa được mùa được giá: năng suất tăng 30%, giá bán tăng 40-50%. Nông dân có lãi 5-6 triệu đồng/sào, tăng 50% so với năm trước. Lượng rau của Trung Quốc nhập vào Việt Nam tương đối lớn mỗi năm, chủ yếu là rau cải bắp. Do mưa bão ở Trung Quốc kéo dài, nên sản lượng rau của nước này cũng sụt giảm. Mặt khác ở thị trường trong nước, miền Trung chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa bão trong các tháng qua. Hiện nông dân , hiện chưa kịp phục hồi gieo trồng nên nhu cầu tiêu thụ rau ở các tỉnh miền Trung tăng rất cao so với mọi năm.

3/ Sáng nay, giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn vẫn đang ở mức 54,65 – 55,15 triệu đồng/lượng, giảm 100 ngàn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào – bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào – bán ra ở mức 500 ngàn đồng/lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, hiện giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.832 USD/ounce, giảm 7,5 USD, tương đương 0,41% so với chốt phiên trước

4/ Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI là doanh nghiệp đầu tiên áp dụng hình thức mua bán vàng vật chất trực tuyến, cho phép nhà đầu tư giao dịch vàng thông qua thiết bị điện tử.Hình thức giao dịch vàng này cho phép khách hàng, nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua – bán vàng trực tuyến. Nhà đầu tư có thể giao dịch, mua bán vàng tại bất cứ đâu chỉ bằng máy tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Điều kiện để người dân có thể thực hiện giao dịch mua vàng vật chất online tại DOJI là có tài khoản tại ngân hàng TPBank và thực hiện mua bán vàng thông qua website của doanh nghiệp.

5/ Peugeot và tập đoàn Trường Hải (Thaco) vừa ký hợp đồng hợp tác chiến lược trong hoạt động sản xuất và kinh doanh các loại xe máy mang thương hiệu Peugeot. Tập đoàn công nghiệp của Pháp sẽ thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp xe máy Peugeot Motocycles để phân phối tại thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang khu vực Đông Nam Á cùng một số thị trường khác như Australia, Hong Kong và Đài Loan…  Ngay trong năm 2021, Thaco sẽ xuất khẩu mẫu xe Peugeot Django sang các thị trường Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Đài Loan. Theo kế hoạch, đến năm 2023, tổng sản lượng xuất khẩu xe máy Peugeot do Thaco sản xuất sẽ cán mốc 30.000 chiếc.

6/ Ở các thị trường phát triển như Hoa Kỳ, châu Âu hay Đông Á, khi thương mại điện tử phát triển một, diện tích bất động sản kho vận sẽ tăng gấp ba lần.

Tại Việt Nam, doanh thu từ thương mại điện tử ước tính đạt 4,07 tỷ USD vào năm 2015, tăng lên 6,2 tỷ USD vào năm 2017. Đến năm 2020, thị trường dự kiến đạt khoảng 13 tỷ USD, tăng gấp đôi 2017. Trong hai năm qua, dòng vốn FDI vào bất động sản logistic tại Việt Nam tăng mạnh. Các quỹ đầu tư lớn đã đầu tư khoảng 3 tỷ USD cho giai đoạn 1 và một số quỹ cũng đang kêu gọi đầu tư giai đoạn 2.

“Nhu cầu của các nhà đầu tư vào bất động sản khu công nghiệp vào thị trường Việt Nam trong thời điểm này cũng rất lớn. Trước kia họ thường có nhu cầu tìm quỹ đất để phát triển với quy mô từ 5.000-10.000 m2 tuy nhiên đến nay đã tăng lên 10.000 – 50.000 m2”, bà Trang Bùi, giám đốc cấp cao của hãng JLL Vietnam, cho biết.

JLL nói rằng kho lạnh sẽ là phân khúc nổi bật trong lĩnh vực logistics khi các kiện hàng đông lạnh tăng và nhu cầu trữ lạnh tăng đối với vaccine Covid-19 trong thời gian tới.

JLL dự báo trong 12 tháng tới giá sẽ tăng trưởng khoảng 12% do quỹ đất hạn chế. Hiện nay, giá thuê trung bình tại miền Bắc là 3,9 USD/m2/tháng, cao hơn 0,3 USD/m2/tháng so với giá thuê trung bình tại miền Nam.

7/ Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore cho biết những du khách đầu tiên sẽ có thể đến nước này từ nửa cuối tháng 1/2021 thông qua tuyến đường mới, vốn sẽ mở cho những người đến lưu trú ngắn hạn lên đến 14 ngày. Biện pháp mới này sẽ bổ sung cho các thỏa thuận khác mà Singapore đã đạt được liên quan tới hoạt động đi lại về kinh doanh bao gồm cả với Trung Quốc, Đức và Indonesia. Theo thỏa thuận mới nhất này, khách du lịch sẽ phải tuân thủ các thủ tục y tế và xét nghiệm nghiêm ngặt, cũng như sẽ phải ở tại các cơ sở tách biệt. Ví dụ, khách du lịch sẽ được phép gặp khách địa phương thông qua tấm vách ngăn.

Trước đó, Singapore đơn phương cho phép du khách từ New Zealand, Brunei, Australia và Việt Nam nhập cảnh nước này mà không cần cách ly. Kể từ ngày 18/1 sắp tới, Singapore cũng mở cửa cho du khách đến từ Đài Loan.

8/ Khối lượng trái phiếu mà Chính phủ Nhật Bản phát hành trong năm nay có thể lên tới 112.000 tỷ yen, khoảng 1.070 tỷ USD. Con số này cao gấp hai lần so với khối lượng phát hành năm 2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cao gấp 3,44 lần so với kế hoạch ban đầu.Theo dự kiến, khối lượng trái phiếu mới sẽ được đưa vào dự thảo ngân sách bổ sung thứ ba có tổng giá trị 73.600 tỷ yen, khoảng 707 tỷ USD, trong tài khóa 2020 mà Chính phủ Nhật Bản dự kiến thông qua trong ngày 15/12. Nếu kế hoạch này được triển khai, tỷ lệ nợ công trên tổng thu ngân sách chính phủ sẽ lên tới 56,3%, tạo áp lực lên ngân sách quốc gia.

9/Cơ quan ngân sách của Bộ Tài chính Indonesia đã đề nghị Tổng thủ quỹ Nhà nước chuẩn bị sẵn sàng khoản ngân sách 3637,3 tỷ rupiah (45,4 triệu USD) để mua 3 triệu liều vaccine Covid-19.Theo Bộ trưởng Terawan Agus Putranto, Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 trong đợt giao hàng đầu tiên từ phía Trung Quốc. Số lượng của đợt tiếp theo là 1,8 triệu liều và dự kiến sẽ được giao cho Indonesia trong tháng 1/2021. Nhân viên y tế Indonesia sẽ là nhóm đối tượng đầu tiên được tiêm phòng. Bộ Y tế Indonesia được dự kiến sẽ sử dụng 1,2 triệu liều vắc-xin đầu tiên đến tiêm cho các nhân viên y tế tại khu vực đảo Java và Bali. Indonesia ước tính sẽ cần tổng cộng khoảng 246,575 triệu liều vaccine trong trường hợp mỗi người cần tiêm 2 liều và phải loại trừ 15% số vaccine có thể bị hư hỏng trong quá trình vận chuyển.

10/Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cho biết Chính phủ nước này sẽ tạm dừng chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go To Travel” trên phạm vi toàn quốc trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19 gia tăng. Phát biểu tại cuộc họp của lực lượng đặc nhiệm của chính phủ ứng phó với dịch Covid-19, Thủ tướng Suga cho biết chương trình trợ cấp này sẽ được tạm dừng trên toàn quốc từ ngày 28/12/2020 đến ngày 11/1/2021. Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định tiếp theo tùy thuộc diễn biến tình hình dịch bệnh sau kỳ nghỉ Năm Mới. Theo chương trình “Go To Travel”, Chính phủ Nhật Bản sẽ trợ cấp tới 20.000 yen (185 USD)/ngày) cho người dân đi du lịch.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Bản tin thị trường – ngày 14/12/2020