Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng đầu năm nay, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 440,09 tỉ đô la, tăng 2,7% với cùng kỳ năm trước - Ảnh: Nikkei

Tiêu điểm:

Việt Nam xuất siêu kỷ lục gần 20 tỉ đô la trong 10 tháng

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy trong tháng 10 vừa qua, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư thêm 2,94 tỉ đô la Mỹ, nâng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu cả nước trong 10 tháng qua đạt mức thặng dư gần 19,5 tỉ đô la.

Kết quả này cũng ghi nhận đây là mức xuất siêu cao nhất tính trong thời gian 10 tháng và tính cả thời gian 1 năm của đất nước cho đến hiện nay. Mặc dù vậy, kết quả thặng dư trên cũng chủ yếu dựa vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu trong 10 tháng qua.

Xem thêm chi tiết tại link:

Việt Nam xuất siêu kỷ lục gần 20 tỉ đô la trong 10 tháng

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,98 – 56,48 triệu đồng/lượng, tăng 80.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.896,9 USD/ounce, tăng 7,7 USD, tương đương 0,41% giá trị so với chốt phiên trước.

2/ Sau 8 năm đàm phán, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 15 nước ký kết hôm 15/11, bao gồm: 10 nước thành viên Asean, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc. Với sự tham gia của 15 thành viên, RCEP sẽ tạo ra thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD, tạo nên khu vực thuơng mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định cũng thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước Asean trong bối cảnh các chuỗi cung ứng bất ổn gần đây. Nguyên nhân là những nước tham gia vào hiệp định hầu hết đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam như nông, thuỷ sản.

RCEP dự kiến sẽ tạo ra một thị trường trên quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD – Ảnh: Nikkei

3/ Pharmacity đã gọi vốn thành công 730 tỷ đồng (31,8 triệu USD) trong vòng gọi vốn Series C của công ty nhằm mở rộng hoạt động. Phía Pharmacity cho biết, công ty đang hướng tới mục tiêu thành lập 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021. Để thực hiện mục tiêu đó, trung bình mỗi ngày chuỗi bán lẻ dược phẩm này sẽ mở mới 1 cửa hàng. Cùng với chiến lược này, Pharmacity còn hoàn thiện chuỗi cung ứng hàng hóa, thông qua việc hợp tác với Công ty DH Logistic Property Việt Nam thuộc Tập đoàn Daiwa House (Nhật Bản) nhằm mở mới Trung tâm phân phối hàng hóa tại Khu công nghiệp Lộc An (Đồng Nai). Trung tâm phân phối mới của Pharmacity sẽ đáp ứng được về số lượng và điều kiện bảo quản cho các sản phẩm là thuốc, thực phẩm chức năng và các mặt hàng tiêu dùng nhanh của công ty.

4/ Công ty đầu tư KKR của Hoa Kỳ và công ty thương mại điện tử Rakuten của Nhật Bản hôm nay đã thông báo rằng họ sẽ mua 85% cổ phần của Seiyu, chuỗi siêu thị Nhật Bản thuộc sở hữu của gã khổng lồ bán lẻ Walmart. KKR sẽ nắm giữ 65% cổ phần của Seiyu, trong khi Rakuten nắm giữ 20%, và Walmart sẽ giữ phần còn lại. Seiyu hiện điều hành hơn 300 cửa hàng tại Nhật Bản với khoảng 35.000 nhân viên. Tình hình tài chính của họ đã bị ảnh hưởng sau sự sụp đổ của nền kinh tế bong bóng Nhật Bản, và họ đã chấp nhận đầu tư từ Walmart vào năm 2002. Vào năm 2008, gã khổng lồ bán lẻ của Hoa Kỳ này đã biến Seiyu trở thành một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của họ.

5/ TikTok đã được gia hạn thêm 15 ngày, đến ngày 27/11, để đạt được thỏa thuận về việc bán các hoạt động kinh doanh của mình tại Hoa Kỳ. Công ty này đang tìm kiếm sự chấp thuận từ chính phủ Hoa Kỳ để bán cổ phần thiểu số cho Oracle và Walmart, với kỳ vọng điều này sẽ giúp giải quyết các mối quan ngại về an ninh quốc gia. ByteDance đã yêu cầu gia hạn thêm 30 ngày vào tuần trước và cho biết chính phủ đã không đưa ra vất kỳ phản hồi nào đối với nỗ lực về một thỏa hiệp từ công ty. Hạn chót mới này sẽ có liên quan đến một loạt hạn chế sâu rộng hơn bao gồm việc cấm các nhà cung cấp dịch vụ của Hoa Kỳ được phép hợp tác kinh doanh với TikTok.

6/ Chính phủ Australia đã thông báo sẽ chi 1 tỷ AUD (726,3 triệu USD) để xây dựng một nhà máy sản xuất vaccine theo thỏa thuận với công ty dược phẩm CSL Ltd nhằm đảm bảo nguồn cung vaccine ngừa cúm và thuốc chữa rắn cắn. Theo thỏa thuận, chi nhánh sản xuất vaccine Seqirus của CSL sẽ đầu tư 800 triệu AUD (583,8 triệu USD) cho một cơ sở sản xuất tại thành phố Melbourne, trong khi chính phủ sẽ đảm bảo mua vaccine của công ty trong 10 năm.. Bộ trưởng Y tế Australia Greg Hunt cho biết thông qua thỏa thuận trên, Australia sẽ vừa có năng lực sản xuất vaccine trong nước, vừa có hợp đồng dài hạn mua vaccine ngừa cúm và thuốc kháng nọc độc rắn. Trước đó, Chính phủ Australia đã công bố mua tổng cộng 134,8 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 từ các nguồn cung cấp trong và ngoài nước.

7/ Google và công ty đầu tư của chính phủ Singapore Temasek đã đầu tư vào công ty thương mại điện tử Tokopedia của Indonesia. Google hiện nắm giữ 1,6% cổ phần của Tokopedia trong khi Anderson Investments, thuộc sở hữu của Temasek, giữ 3,3% cổ phần. Khoản đầu tư này của Google vào Tokopedia là lần đầu tư thứ hai của họ vào một “kỳ lân” của Indonesia, sau khi đầu tư vào nhà cung cấp siêu ứng dụng Gojek vào năm 2018. Cổ phiếu của Tokopedia mà Google nắm giữ được định giá 16,7 tỷ rupiah (1,1 triệu USD) trong khi cổ phiếu do Anderson nắm giữ có giá trị 33,4 tỷ rupiah. Bloomberg đã thông báo vào tháng trước rằng Tokopedia hiện đang tìm cách huy động khoảng 350 triệu USD từ hai công ty này.

8/ Chính phủ Hàn Quốc sẽ chi 800 tỷ won (722 triệu USD) cho việc sáp nhập Korean Air Lines (KAL) và Asiana Airlines, trong bối cảnh hai hãng hàng không lớn nhất của quốc gia này đang vật lộn với các hệ quả từ đại dịch Covid-19. Thông báo này được đưa ra hai tháng sau khi thỏa thuận mua lại, trị giá 2,2 tỷ USD, giữa Kumho Industrial, công ty mẹ của Asiana và Công ty Phát triển Hyundai đổ vỡ. Công ty xây dựng HDC cũng đã từ bỏ việc mua lại Asiana vào tháng 9 khi đại dịch Covid-19 đã tàn phá lĩnh vực hàng không. Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc cũng đã cho biết rằng họ sẽ đầu tư 800 tỷ won vào Hanjin KAL, công ty mẹ của KAL, để giúp họ mua thêm cổ phần của KAL. KAL sau đó sẽ sử dụng số tiền này để mua cổ phần của Asiana nhằm đưa hãng hàng không nhỏ hơn này về dưới trướng của mình.

800 tỷ won sẽ được chi cho việc sáp nhập giữa Korean Air Lines (KAL) và Asiana Airlines – Ản: Nikkei

9/ Zambia, nhà sản xuất đồng lớn thứ hai châu Phi, trở thành quốc gia đầu tiên tuyên bố vỡ nợ sau cuộc khủng hoảng vì dịch Covid-19. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế của vùng cận Sahara được dự báo suy giảm 3,3% trong năm nay, mức lớn nhất trong vòng 25 năm qua. Đối với một “con nợ” như Zambia, gánh nặng tài chính càng trầm trọng hơn khi không thể đáp ứng các khoản lãi suất phải thanh toán trị giá 42,5 triệu USD vào cuối tuần trước, và buộc phải tuyên bố vỡ nợ khi bị chủ nợ từ chối hoãn nợ. Nguy cơ vỡ nợ của Zambia vốn đã được cảnh báo từ lâu. Các khoản nợ của quốc gia này đã tăng dần kể từ năm 2012, khi chính quyền Lusaka liên tục nới lỏng chính sách tài khóa và tăng cường chi tiêu cơ sở hạ tầng trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng kém và đồng tiền mất giá.

10/ Trung Quốc đã quyết định đình chỉ nhập khẩu sản phẩm của các doanh nghiệp có tiền sử gây lây nhiễm Covid-19 sau khi làm việc với giới quan chức của 109 quốc gia. Động thái cứng rắn vừa được đưa ra hôm nay sau khi hải quan Trung Quốc nhận được các báo cáo về hàng đông lạnh nhập khẩu dương tính với Covid-19 được tìm thấy tại nhiều nơi. Theo đó, hải quan nước này đã chính thức thông báo đến tất cả 109 quốc gia từng có chuỗi xuất khẩu thực phẩm đông lạnh sang Trung Quốc và sẽ đình chỉ nhập sản phẩm từ các công ty đang có nhân viên bị nhiễm Covid-19. Trước đó, trong hai ngày liên tục, quốc gia này đã có các báo cáo về sự hiện diện của Covid-19 được tìm thấy trên các bao gói sản phẩm đông lạnh nhập khẩu ở ít nhất 5 địa phương gồm Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc), Tế Nam và Lương Sơn (tỉnh Sơn Đông), Tuyền Châu (tỉnh Phúc Kiến) và Lan Châu (tỉnh Cam Túc).

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA