Du khách lên máy bay trong tour tham quan sân bay Tùng Sơn ở Đài Loan. Ảnh: Reuters

Tiêu điểm:

Hàng không thế giới dè dặt bay về tương lai trong thập niên khó khăn

Sự hồi phục như mức độ trước dịch của hàng không được Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo là vào năm 2024. Tuy nhiên, một vài chuyên gia lại cho rằng quá trình hồi phục của hàng không và du lịch cần cả một thập niên, không chỉ vài ba năm.

Hàng không và du lịch là thước đo cụ thể sự năng động và sức sống của nền kinh tế, đặc biệt ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm tỷ trọng chính trong thị trường hàng không toàn cầu. Dịch bệnh nổ ra, các nước đóng cửa biên giới để bảo vệ người dân và nỗ tái kích hoạt các ngành kinh tế bị dịch bệnh đánh sụp. Sự ích kỷ và dân tộc chủ nghĩa trỗi dậy ở từng quốc gia.

Xem thêm chi tiết tại link:

Hàng không thế giới dè dặt bay về tương lai trong thập niên khó khăn

1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 55,85- 56,40 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào so với cuối tuần trước. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.829,6 USD/ounce, tăng 1 USD, tương đương 0,05% so với chốt phiên trước.

2/ Từ thông tin và dữ liệu của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho rằng, các nhà xuất khẩu của Việt Nam không bán phá giá lốp xe vào Hoa Kỳ. Trong khi đó, các đối tác bị điều tra khác đều bị cho là đã bán phá giá với biên độ phá giá từ 14,24% đến 38,07% đối với Hàn Quốc; 52,42% đến 98,44% đối với Đài Loan (Trung Quốc) và từ 13,25% đến 22,21% đối với Thái Lan. Đây là một kết quả hết sức tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu lốp xe của Việt Nam bởi Hoa Kỳ là thị trường lớn và quan trọng nhất đối với ngành sản xuất lốp xe.

Mỹ hiện là thị trường lớn và quan trọng nhất đối với ngành sản xuất lốp xe của Việt Nam

3/ UBND tỉnh Bắc Giang hốm 18/1 trao giấy chứng nhận cho bốn dự án đầu tư nước ngoài của ba nhà đầu tư với tổng giá trị 570 triệu USD, trong đó có Nhà máy Fukang Technology của Foxconn – hãng chế tạo linh kiện điện tử, máy tính lớn nhất thế giới đang sản xuất Macbook, iPhone, iPad cho Apple. Đáng chú ý nhất là dự án Nhà máy Fukang Technology của Foxconn với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay. Với dự án này, rất có thể các sản phẩm của Apple như Macbook, iPad… sẽ sớm được sản xuất tại Việt Nam, bởi Foxconn hiện đang là hãng chế tạo linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại lớn nhất thế giới, và cũng đang là đối tác sản xuất/lắp ráp lớn nhất của Apple.

4/ GoStream, startup nội địa cung cấp nền tảng livestream cho các nhà bán hàng, vừa nhận thêm lần rót vốn thứ hai của VinaCapital Ventures. Số tiền cụ thể không được hai bên tiết lộ. Tuy nhiên, tại TechFest 2020, nhà sáng lập GoStream từng chia sẻ đang hoàn tất những bước cuối của vòng gọi vốn series A với số tiền một triệu USD. GoStream được thành lập năm 2017, cung cấp công cụ livestream đa nền tảng. Công ty đang có nhiều khách hàng doanh nghiệp và có hơn 100.000 lượt livestream mỗi ngày. Tháng 11/2020, GoStudio – một sản phẩm của GoStream – đã giành giải quán quân tại Techfest Vietnam 2020, đồng thời trở thành đại diện của Việt Nam tham gia Startup World Cup 2021.

5/ Hàng loạt mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối diện với khó khăn trong xuất khẩu trước tình trạng thiếu container rỗng. Do đó, nhiều doanh nghiệp buộc phải dời kế hoạch xuất hàng cho đơn hàng cũ và từ chối đơn hàng mới vì không thể giao đúng theo hợp đồng. Không chỉ thiếu hụt container rỗng mà trước đó, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho biết, từ cuối tháng 10/2020, các doanh nghiệp thủy sản thuộc hiệp hội này đã nhận thông báo của một số hãng tàu vận tải container như Wan Hai Lines Ltd., Heung Aline, Interasia, Yaming Shipping Vietnam… về tăng phụ phí với hàng container xuất khẩu từ Việt Nam đi các thị trường châu Á. Nhiều doanh nghiệp thủy sản cho biết, để thuê được tàu xuất khẩu, họ phải trả phí gấp đôi, gấp ba so với trước thời điểm tháng 10/2020. Hiện mức thuê doanh nghiệp phải bỏ ra vào khoảng 7.200 USD/container (tăng hơn 5.000 USD). Do ảnh hưởng của COVID-19, thời gian quay vòng trung bình của một container đã vọt lên 100 ngày, so với mức 60 ngày trước đây. Tình trạng này đã dẫn tới việc thiếu container rỗng đóng hàng xuất khẩu ở trên toàn cầu, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa.

6/ CEO của Amazon, tỷ phú Jeff Bezos đã có một tuần bội thu trước người sáng lập Tesla, tỷ phú Elon Musk và đã trở lại ngôi vị giàu nhất thế giới sau một tuần đầy biến động. Theo Forbes, hai người này đã trao đổi vị trí cho nhau gần như mỗi ngày trong tuần qua để giành ngôi vị giàu nhất thế giới trong danh sách tỷ phú theo thời gian thực của Forbes. Cổ phiếu của Amazon đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần mới mức giảm nhẹ 1%, trong khi đó, cổ phiếu của Tesla lại mất hơn 2%. Mặc dù mất 1,4 tỷ USD trong ngày cuối tuần song tài sản của tỷ phú Jeff Bezos vẫn ở mức cao 181,5 tỷ USD. Với mức này, tỷ phú Bezos hiện đang là người giàu nhất thế giới trong bảng xếp hạng của Forbes.

7/ Lệnh cấm của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến giá cổ phiếu của Xiaomi sụt giảm và tài sản của các giám đốc điều hành bốc hơi hàng tỷ USD. Theo Bloomberg Billionaires Index, tài sản của Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Xiaomi Lei Jun bay hơi gần 3 tỷ USD do giá cổ phiếu giảm 10%. Tài sản của ông Lin Bin, phó chủ tịch công ty, cũng sụt 1,5 tỷ USD. Tài sản của ít nhất 5 cổ đông tỷ phú khác cũng lao dốc. Trong quý III/2020, doanh số điện thoại thông minh của Xiaomi vượt Apple và hãng này cũng giành giật thị phần từ Huawei. Tuy nhiên, đòn giáng từ chính quyền Tổng thống Trump đã xóa sạch đà tăng của Xiaomi. Định giá công ty hiện giảm xuống còn 738 tỷ USD. Xiaomi đã khẳng định rằng họ không thuộc sở hữu hoặc chịu kiểm soát của quân đội.

8/ Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc vừa công bố GDP nước này tăng 2,3% năm ngoái và 6,5% quý 4 so với cùng kỳ năm trước đó. Theo đó, Trung Quốc là nền kinh tế lớn duy nhất vẫn tăng trưởng trong năm 2020, bất chấp đại dịch hoành hành toàn cầu. Sự hồi phục được hỗ trợ bởi các chính sách kích thích tài khóa và tiền tệ, thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và bất động sản. Ngay khi số ca nhiễm tại đây được kiểm soát và nhà máy mở cửa trở lại, nhu cầu của thế giới với hàng hóa Trung Quốc tăng vọt, đặc biệt là thiết bị y tế và đồ dùng để làm việc từ xa. Dù vậy, người tiêu dùng nước này vẫn ngần ngại chi tiêu. Năm nay, các nhà kinh tế học dự báo GDP Trung Quốc tăng 8,2%, tiếp tục vượt trội so với các nước này, kể cả khi các nền kinh tế lớn bắt đầu hồi phục khi vaccine được phổ biến.

9/ Cơ quan quản lý y tế Brazil (Anvisa) đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp hai loại vaccine Covid-19 từ Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sinovac của Trung Quốc và AstraZeneca của Anhđể bắt đầu tiêm chủng khi nước này bước vào đợt dịch thứ hai làm chết nhiều người. Chính phủ của Tổng thống Bolsonaro đã đặt mục tiêu khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia trong tuần này, nhưng đang phải chờ đợi các lô vaccine AstraZeneca. Viện Fiocruz do chính phủ Brazil tài trợ hiện vẫn đang chờ lô hàng vaccine AstraZeneca đang bị trì hoãn vì dây chuyền lắp ráp ở Rio de Janeiro. Bộ Y tế Brazil đã đặt 2 triệu liều vaccine AstraZeneca từ Ấn Độ, nhưng có thể mất vài tuần để phê duyệt xuất khẩu.

Ảnh: Financial Times

10/ Ủy ban phụ trách nâng cấp sân bay quốc tế Suvarnabhumi của Thái Lan vừa thông qua kế hoạch phát triển trị giá gần 60 tỷ baht (gần 2 tỷ USD) để hỗ trợ hồi phục nhu cầu đi lại bằng đường hàng không hậu đại dịch Covid-19. Theo đó, dự án phát triển này bao gồm việc xây dựng 3 nhà ga mới, dự kiến hoàn thành vào năm 2024. Ba nhà ga này, được gọi là Phần mở rộng phía Đông, Phần mở rộng phía Tây và Phần mở rộng phía Bắc, dự kiến sẽ tăng công suất đón tiếp hành khách của sân bay thêm 60 triệu lượt người mỗi năm. Sau khi hoàn thành, sân bay Suvarnabhumi sẽ có thể đáp ứng 90 chuyến bay mỗi giờ so với công suất hiện tại là 68 chuyến bay/giờ.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA