Tiêu điểm:

Israel sẽ trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới miễn nhiễm với Covid-19

Hơn 29% dân số Israel đã được tiêm mũi vaccine ngừa Covid-19 thứ nhất – theo dữ liệu của Our World in Data. Với tỷ lệ này và đà triển khai hiện nay, Israel sẽ hoàn tất việc tiêm chủng cho toàn bộ dân số 9 triệu người vào tháng 3 sắp tới và trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới miễn nhiễm với Covid-19.

Israel từng được xem là hình mẫu trong khống chế và kiểm soát dịch bệnh, để rồi lại vỡ trận. Nay, nhiều nước trên thế giới đang “dòm ngó” quốc gia nhỏ bé này với ánh mắt đầy ghen tị về tốc độ của chiến dịch tiêm chủng, dù rằng Israel đang trong đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ ba.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã có 17 cuộc điện đàm với CEO Albert Bourla của hãng dược Pfizer. Báo chí Israel đưa tin rằng chính phủ nước này đã trả giá khá cao, nhưng không nói rõ là bao nhiêu, để có được 8 triệu liều vaccine của Pfizer. Tương tự như vậy là 6 triệu liều từ Moderna, 4 triệu liều từ Arcturus Therapeutics và một số lượng không rõ từ AstraZeneca.

Chiến dịch tiêm chủng đại trà tại nước này bắt đầu hôm 19/12/2020 với Thủ tướng Benjamin Netanyahu là người tiêm đầu tiên vaccine của hãng Pfizer – BioNTech. Hệ thống y tế miễn phí rộng khắp, nguồn tài chính dồi dào, dữ liệu lớn, tính kỷ luật của người dân và ý chí của nhà cầm quyền đã khiến chương trình tiêm chủng đại trà của nước này được xem là thần tốc và hiệu quả nhất.

Cơ quan y tế Israel nói đến nay đã ghi nhận ít nhất hai người cao tuổi mắc bệnh nền đã tử vong và ít nhất 13 người bị tê liệt cơ mặt dạng nhẹ sau khi tiêm vaccine Pfizer.

Theo dữ liệu của Our World in Data, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hiện đứng thứ hai với 20% tổng dân số đã tiêm chủng và Bahrain đứng thứ ba. Tính về số liều vaccine đã tiêm, Mỹ đứng đầu với 12,28 triệu liều và Trung Quốc đứng thứ hai với 10 triệu liều

1/ Giá vàng miếng SJC ở mức 55,85- 56,40 triệu đồng/lượng, chênh lệch hai đầu là 550.000 đồng mỗi lượng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng trên sàn Kitco hiện đang được giao dịch ở mức 1.837 USD/ounce, tăng 8,4 USD, tương đương 0,46% so với chốt phiên trước. Theo giới phân tích, giá vàng tăng là nhờ triển vọng về các gói kích thích tài chính bổ sung tại Mỹ và chính sách tiền tệ phù hợp.

2/ Năm 2020, Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 1,36 triệu tấn cao su, trị giá 1,83 tỷ USD, tăng 17,2% về lượng và tăng 18% về trị giá, giá xuất khẩu bình quân đạt 1.345 USD/ tấn. Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS 400280) được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 83,26% tổng lượng cao su xuất khẩu sang Trung Quốc trong 11 tháng năm 2020, với 987,63 ngàn tấn, trị giá 1,32 tỷ USD. Tuy nhiên, dự báo, trong năm 2021 có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ giảm nhập khẩu cao su do đã dự trữ lượng hàng nội địa khổng lồ. Sự gia tăng đáng kể trong nhập khẩu cùng với sự giảm dần tiêu thụ của Trung Quốc trong 2 tháng qua cho thấy rằng một lượng lớn dự trữ được tích lũy trong nước, cũng cho thấy khả năng người mua Trung Quốc rút khỏi thị trường.

Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 1,36 triệu tấn cao su, trị giá 1,83 tỷ USD trong năm 2020

3/ Vietravel Airlines đã chính thức mở bán vé thương mại vào rạng sáng hôm nay với mạng bay từ TP.HCM – Hà Nội, Phú Quốc, Đà Nẵng, Nha Trang… Ngày 21/1, hãng sẽ nhận thêm máy bay, nâng tổng số 3 chiếc, phục vụ dịp cao điểm tết. Ông Vũ Đức Biên, tổng giám đốc Vietravel Airlines, cho biết hiện tại hãng đã hoàn tất các công tác chuẩn bị và sẵn sàng phục vụ khách hàng có nhu cầu mua vé thương mại. Các chuyến bay thương mại đầu tiên dự kiến cất cánh vào ngày 25/1. Vietravel Airlines là hãng hàng không thứ 6 và hãng hàng không tư nhân thứ ba của Việt Nam. Đây cũng là một trong số ít hãng hàng không trên thế giới ngược chiều cất cánh giai đoạn mà cả ngành gặp khó khăn trầm trọng vì Covid-19. Hãn dự kiến có lãi từ năm thứ 2 trở đi nếu tình hình thị trường ổn định. Vietravel Airlines định hướng xây dựng hãng hàng không hybrid (lai giữa mô hình giá rẻ và truyền thống). Hãng hiện đang có khoảng 200 phi công và tiếp viên.

4/ Dù dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành, lĩnh vực, các nhà đầu tư Thái Lan vẫnđang tăng cường hoạt động đầu tư, mua bán, sáp nhập tại Việt Nam. Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2020, Thái Lan có 40 dự án đăng ký mới, 23 dự án đăng ký điều chỉnh vốn và 100 lượt góp vốn mua cổ phần vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Con số này tăng hơn gấp đôi so với năm 2019 và gần gấp 7 lần so trong giai đoạn 2015-2020. Hiện Thái Lan là một trong 9 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư luỹ kế đến cuối năm 2020 là 12,8 tỷ USD, tương đương với 603 dự án. Vốn từ Thái Lan chủ yếu đổ vào các ngành/lĩnh vực: công nghiệp chế biến – chế tạo, năng lượng sạch và bất động sản.

5/ Hôm nay, Công ty Cổ phần thanh toán G (Gpay), trực thuộc Tập đoàn Công nghệ G-Group công bố gọi vốn thành công vòng đầu tư thứ nhất (Series A) từ Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc với định giá 425 tỷ đồng (tương đương với 18,4 triệu USD). Theo đó, ví điện tử Gpay cũng đã được chính thức ra mắt sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng các dịch vụ trung gian thanh toán bao gồm: Cổng thanh toán điện tử; Hỗ trợ thu hộ, chi hộ; Ví điện tử. Với hệ sinh thái hỗ trợ từ G-Group với gần 30 triệu người dùng, ví điện tử này hướng đến việc có 5 triệu người dùng thường xuyên vào năm 2021. Theo đại diện Gpay, khoản đầu tư sẽ được công ty sử dụng vào việc tăng trưởng người dùng dựa trên hệ sinh thái sẵn có, phát triển các giải pháp công nghệ mang tính chiến lược và đầu tư phát triển con người.

Lễ công bố khoản đầu tư từ Tập đoàn tài chính KB Hàn Quốc vào ví điện tử Gpay

6/ Kỳ lân trí tuệ nhân tạo AI Inside bước vào thị trường Việt Nam bằng việc hợp tác với công ty OCG Technology – một liên doanh giữa tập đoàn viễn thông VNPT của Việt Nam và hãng viễn thông NTT của Nhật Bản. AI Inside sẽ bán phần mềm nhận diện văn bản, bao gồm cả tiếng Việt, cho các công ty đang hoạt động tại Việt Nam.

Startup 5 tuổi đời ở Nhật Bản có giá trị vốn hóa đạt 2,5 tỷ USD cũng nhắm tới các công ty Việt Nam đang có kế hoạch tự động hóa các công việc chân tay như chuyển các bản viết tay thành văn bản đánh máy, theo Nikkei Asia.

“Chúng tôi sẽ nỗ lực để mở rộng trên phạm vi thị trường toàn cầu”, nhà sáng lập kiêm CEO Taku Toguchi phát biểu. Bên cạnh thị trường Việt Nam, AI Inside cũng lên kế hoạch thâm nhập thị trường Thái Lan và Đài Loan.

7/ Hôm nay, Cơ quan quản lý dược phẩm Pakistan (DRAP) đã phê duyệt việc sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của hãng dược phẩm Sinopharm (Trung Quốc), chỉ 2 ngày sau khi vaccine do hãng AstraZeneca (Anh) và Đại học Oxford phối hợp bào chế được thông qua. Theo Bộ trưởng Y tế Pakistan Faisal Sultan, nước này có thể nhận được hàng chục triệu liều vaccine theo thỏa thuận với công ty Cansino Biologics của Trung Quốc. Vaccine Ad5-nCoV của Cansino Biologics  đang tiến gần tới hoàn tất giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng tại Pakistan. Kết quả sơ bộ sẽ có vào giữa tháng 2 tới. Bộ trưởng Sultan cho biết Pakistan đang lên kế hoạch tiêm chủng miễn phí cho phần lớn người dân và cho phép các công ty tư nhân nhập khẩu, bán vaccine chừng nào có đủ nguồn cung cho công ty được cấp phép.

8/ Theo báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, nền kinh tế thế giới ước giảm 4,3% trong năm 2020, một mức suy giảm chỉ xảy ra trong cuộc Đại suy thoái và trong hai cuộc chiến tranh thế giới. Tuy nhiên, theo The Economist của Anh, con số thiệt hại trên là chưa đầy đủ khi mới chỉ so với quy mô của nền kinh tế thế giới trước đại dịch, chứ chưa so với quy mô sẽ đạt được của nền kinh tế thế giới nếu đại dịch Covid-19 không xảy ra. Ngân hàng Thế giới dự báo, trong năm 2021, nền kinh tế thế giới có thể sẽ phát triển nhanh một cách không bình thường nhờ việc triển khai vaccine phòng Covid-19. Thiệt hại kinh tế do Covid-19 gây ra sẽ không chỉ giới hạn trong năm nay và năm ngoái. Ngân hàng Thế giới dự kiến tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2022 sẽ vẫn thấp hơn 4,4% so với mức mà ngân hàng này dự báo trước đại dịch.

9/ Sau thời gian dài đàm phán, việc sáp nhập giữa 2 tập đoàn Fiat Chrysler Automobiles (FCA) và Groupe PSA (PSA) đã chính thức hoàn thành vào cuối tuần qua. Tập đoàn xe hơi mới có tên gọi Stellantis. Giờ đây, Stellantis trở thành tập đoàn mẹ của 14 hãng xe hơi là Abarth, Alfa Romeo, Chrysler, Citroen, Dodge, DS Automobiles, Fiat, Jeep, Lancia, Maserati, Opel, Peugeot, Ram và Vauxhall. Xét về quy mô sản xuất và doanh số, Stellantis hiện là cái tên lớn thứ 4 trong ngành công nghiệp xe hơi, xếp sau Toyota, Volkswagen Group và liên minh Renault-Nissan-Mitsubishi. Kế hoạch sáp nhập giữa FCA và PSA đã được công bố từ tháng 10/2019. Hai tập đoàn khi đó dự kiến tạo nên một liên minh và mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần của Stellantis.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Lòng biết ơn, niềm trắc ẩn của người làm kinh doanh Việt