Tony Fernandes từng được xem là “bàn tay vàng” của ngành hàng không một thời, bởi đã gầy dựng một đế chế hàng không gồm nhiều hãng bay giá rẻ khắp châu Á - Ảnh: MalayMail

Tiêu Điểm

“Bàn tay vàng Midas” của ông chủ AirAsia lại có phép màu?

Tỷ phú Tony Fernandes đang tập lái xe máy để lấy bằng và làm công việc giao thức ăn từ ngày 1 đến 25/12 sắp tới ở khu vực Klang Valley của thủ đô Kuala Lumpur. Dĩ nhiên, không phải vị tỷ phú đến hồi sa cơ thất thế đến vậy. Ông đang quảng cáo cho nền tảng giao nhận đồ ăn AirAsia Food hiện có khoảng 200 điểm bán hàng (merchant) ở Klang Valley sau khi chạy thử nghiệm từ tháng 6 vừa rồi. Cái mới là AirAsia Food tính mức huê hồng là zero để “tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sống còn trong dịch”.

Tony Fernandes từng được xem là “bàn tay vàng” của ngành hàng không một thời, bởi đã gầy dựng một đế chế hàng không gồm nhiều hãng bay giá rẻ khắp châu Á bằng việc mua lại một hãng hàng không thua lỗ với giá 1 ringgit, tương đương gần 5.550 đồng thời giá hiện nay, vào năm 2001.

Trong tham vọng mở rộng đế chế hàng không của mình, Fernandes từng bốn lần cùng với các đối tác Việt Nam – như Pacific Airlines năm 2005, Vinashin năm 2007, VietJet năm 2010 và Thiên Minh năm 2018 – nộp đơn xin phép thành lập hãng bay liên doanh ở Việt Nam. Nhưng tất cả các nỗ lực đều thất bại vì chính sách bảo hộ hàng không của Việt Nam không hở một khe…

Dù vậy, các nhà phân tích nói rằng các bước phát triển của AirAsia đã được bà Nguyễn Thị Phương Thảo học tập và cóp nhặt để phát triển thành “hãng hàng không bikini” đang cạnh tranh ngang ngửa với hãng quốc doanh Vietnam Airlines. Đó là đồng phục màu đỏ và các nữ tiếp viên nóng bỏng mặc bikini để quảng cáo cho VietJet. Ngay cả mô hình “hàng không tiêu dùng” mà bà Thảo hay nói cũng là những ý tưởng sao chép từ AirAsia.

Nhắc đến sự kiên trì với bốn lần thất bại của Fernandes mới thấy rằng ông quả là kiên nhẫn hay dễ hiểu hơn là “chịu đấm ăn xôi”.

Nhưng “bàn tay vàng Midas” dường như không bao giờ biết đầu hàng, dù rằng giờ đụng đến đâu tập đoàn hàng không giá rẻ lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương đều toàn thấy lỗ.

Hàng không thế giới đang tan nát trước bão Covid. AirAsia cũng không thoát được ngoại lệ bi ai đó. AirAsia Japan hôm qua vừa tuyên bố phá sản. AirAsia India thì Fernandes không còn vốn để châm thể, phó thác cho khả năng tài chính của tập đoàn Tata ở Ấn Độ. Còn tại quê nhà Malaysia, AirAsia sa thải đến 6.000 nhân viên, khoảng 30% nhân lực của hãng.

AirAsia Food chỉ mới là ý tưởng mới của chuyển đổi số ở thị trường Malaysia. Hồi đầu tháng 10 vừa rồi, AirAsia cũng tung một “siêu ứng dụng” để cạnh tranh với Grab và Gojek trên thị trường Thái Lan.

Và liệu “bàn tay Midas” của Fernandes lại có thần lực hay phép màu như trước đây trong cơn khốn khó của hàng không?

Khi bạn nhận một order do đích thân một tỷ phú giao thì mọi thứ đều có thể quay lại vinh quang ngày cũ!

1/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 55,75 – 56,2 triệu đồng/lượng, tăng trở lại 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào so với giá khảo sát sáng qua. Giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.870,9 USD/ounce, giảm 9,1 USD, tương đương 0,48% giá trị so với chốt phiên trước.

2/ Hàng năm, nhiều loại trái cây nhiệt đới được châu Âu nhập khẩu với giá trị tăng nhanh hơn lượng nhập khẩu. Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến các loại trái cây và hương vị mới. Điều này dẫn đến giá trị của các lại trái cây đặc trưng vùng nhiệt đới được nâng cao hơn, nhất là ở khu vực Bắc Âu. Hàng năm, nhiều loại trái cây nhiệt đới được châu Âu nhập khẩu với giá trị tăng nhanh hơn lượng nhập khẩu. Giá trị nhập khẩu của châu Âu đối với các mặt hàng như vải tươi, chanh dây, khế và thanh long 40% trong 5 năm qua, lên 142 triệu euro vào năm 2019. Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan lưu ý các hãng xuất khẩu trái cây của Việt Nam, trong những dịp lễ đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu trái cây sẽ tăng đáng kể, đây sẽ là cơ hội cho nhiều loại trái cây đặc trưng nhiệt đới. Cụ thể, cao điểm nhập khẩu trái cây của châu Âu sẽ là vào tháng 4, tháng 5 và tháng 12 hàng năm.

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, người tiêu dùng châu Âu đang ngày càng quan tâm đến các loại trái cây và hương vị mới

3/ Bộ Công Thương ban hành quyết định rà soát lần thứ nhất việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm nhôm có xuất xứ Trung Quốc. Cơ quan này hiện đã ban hành quyết định áp dụng các biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm có xuất xứ Trung Quốc. Mức thuế chống bán phá giá hiện hành là khoảng 2,49-35,58% tùy tên nhà sản xuất, xuất khẩu. Theo đó, các công ty được rà soát mức thuế gồm nhóm công ty Xingfa, nhóm công ty JMA, công ty Jinwoshengdi, công ty Antai và công ty Weiye. Thời gian rà soát từ ngày 1/10/2019 đến hết ngày 30/9/2020.

4/ Công ty tiện ích Tokyo Gas và công ty thương mại Marubeni của Nhật Bản sẽ xây dựng một nhà máy nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng tại Việt Nam, với kỳ vọng sẽ đánh thẳng vào nhu cầu ngày một gia tăng đối với một nguồn năng lượng sạch hơn than. Hai công ty Nhật Bản này đã ký kết một biên bản ghi nhớ với Petrovietnam Power, thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, được gọi là Petrovietnam, và một công ty xây dựng địa phương khác cho dự án với tổng vốn đầu tư ước tính là 200 tỷ yên (1,93 tỷ USD). Họ và các đối tác Việt Nam sẽ bắt đầu nghiên cứu tính khả thi và đàm phán về giá điện, nhằm mục tiêu đưa nhà máy vào vận hành vào năm 2026. Nằm ở tỉnh ven biển Quảng Ninh, cách Hà Nội khoảng 200 km, nhà máy điện LNG sẽ có công suất 1.500 megawatt, tương đương với một lò phản ứng hạt nhân.

5/ Chính quyền bang Melaka của Malaysia đã chấm dứt thỏa thuận với nhà phát triển chính của dự án cơ sở hạ tầng Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường sau nhiều năm trì hoãn. Điều này đặt ra câu hỏi về tương lai và cam kết của chính phủ Malaysia đối với các dự án khác trong Sáng kiến này. Việc chấm dứt thỏa thuận xây dựng Melaka Gateway ở Malaysia có nghĩa là dấu chấm hết cho dự án 10,5 tỷ USD. Cụ thể, chính quyền bang Melaka tuyên bố rằng thỏa thuận với KAJ Development về phát triển hỗn hợp Melaka Gateway đã bị chấm dứt sau khi doanh nghiệp này đã không hoàn thành dự án ​​hàng hải rộng 246,45 ha mà họ đã ký hồi tháng 10/2017 và cả các công trình cảng, khu kinh tế và các điểm du lịch trên ba hòn đảo nhân tạo ở bang này.

6/ Dù kinh doanh thua lỗ nặng nề do các tác động của đại dịch Covid-19, nhưng Airbnb vẫn không từ bỏ kế hoạch phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) tại Phố Wall. Công ty này vẫn chưa ấn định ngày IPO nhưng đang bắt đầu thực hiện kế hoạch này bằng việc nộp hồ sơ tài chính cho Ủy ban Chứng khoán và Hối đoái Hoa Kỳ (SEC). Từ đầu năm 2020 đến nay, Airbnb lỗ 697 triệu USD với doanh thu 2,52 tỷ USD do tác động của dịch Covid-19. Có thời điểm, tỷ lệ đặt phòng của Airbnb ở Bắc Kinh – thị trường trọng điểm của hãng trong năm nay đã lao dốc tới 96% so với mức trước dịch Covid-19. Công ty buộc phải sa thải 25% lao động và cắt toàn bộ chi phí tiếp thị, đồng thời huy động 2 tỷ USD quỹ khẩn cấp.

7/ Apple thông báo rằng sẽ cắt tỷ lệ hoa hồng (chiết khấu) trên App Store sau khi gặp sự phản ứng mạnh mẽ của các nhà phát triển ứng dụng ký gửi ứng dụng trên App Store.  Apple hiện tính phí hoa hồng 30% đối với doanh số bán hàng trên App Store và mua hàng trong ứng dụng. Từ tháng 1, tỷ lệ này sẽ được cắt giảm xuống còn 15% cho các nhà phát triển có doanh số bán hàng dưới một mức nhất định. Apple cho biết kế hoạch cắt giảm phí này là nhằm để hỗ trợ các công ty và cá nhân vừa và nhỏ trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

8/ Tiếp nối AsiaAir Japan, Norwegian Air (Na Uy) đã vừa trở thành nạn nhân mới nhất của đại dịch Covid-19 trong ngành hàng không. Cụ thể, hãng hàng không của Na Uy Norwegian Air đã quyết định nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Ireland, trụ sở đặt phần lớn máy bay. Theo luật Ireland, hãng sẽ được tòa án bảo hộ khỏi các chủ nợ trong tối đa 100 ngày. Norwegian Air cho biết họ sẽ tiếp tục vận hành các tuyến bay hiện tại, vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ đại dịch. Cổ phiếu của hãng, niêm yết tại Na Uy, đã mất hơn 98% giá trị trong năm nay. Trước đó, hãng cũng đã lao đao vì máy bay 737 Max bị cấm bay suốt 20 tháng sau 2 tai nạn chết người. Norwegian Air cho biết, mục đích của quá trình bảo hộ phá sản này là giảm nợ, điều chỉnh quy mô đội bay và huy động vốn mới.

Norwegian Air (Na Uy) đã trở thành nạn nhân tiếp theo của đại dịch Covid-19 đối với ngành hàng không toàn cầu – Ảnh: Nikkei

9/ Economic Intelligence Unit vừa công bố Báo cáo Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu (Worldwide Cost of Living) nghiên cứu tác động của đại dịch lên 130 thành phố. Đây là bản báo cáo thứ hai trong năm. So với báo cáo hồi tháng 3, thứ hạng đã thay đổi đáng kể. 3 thành phố đắt đỏ nhất thế giới, cùng đứng hạng 1 là Paris (Pháp), Hong Kong (Trung Quốc) và Zurich (Thụy Sĩ). Đại dịch tác động lên giá hàng hóa, tiền tệ, làm xáo trộn thứ hạng các thành phố trong báo cáo của EIU. Theo báo cáo, Zurich và Paris nhảy lên đầu bảng là do đồng franc Thụy Sĩ và euro mạnh lên. Ngoài ra, Singapore hiện đứng thứ 4 trong danh sách, với việc giá cả tại quốc đảo này đi xuống do làn sóng lao động nước ngoài rời đi.

10/ Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết vào hôm nay rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục cắt giảm thuế quan và mở rộng nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, đồng thời cam kết thúc đẩy cải cách và thúc đẩy mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng đổi mới. Ông Tập cũng cho biết, Trung Quốc sẽ ký các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia hơn và sẽ thúc đẩy sáng kiến ​​Vành đai và Con đường chất lượng cao. Chiến lược “lưu thông kép” dự kiến ​​rằng giai đoạn phát triển tiếp theo của Trung Quốc sẽ phụ thuộc chủ yếu vào “lưu thông nội địa” hoặc chu trình sản xuất, phân phối và tiêu dùng nội bộ, được hỗ trợ bởi sự đổi mới công nghệ trong nước.

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Ngày 21/11 khai trương “Organic Town – GIS Market” tại Q.1, TP.HCM