Pinduoduo hiện là sàn phân phối các sản phẩm nông nghiệp trực tuyến lớn nhất - Ảnh: Nikkei

Tiêu điểm:

Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang “thèm khát” trái cây Đông Nam Á

Nhà vườn trái cây ở Đông Nam Á đang được các hãng thương mại điện tử Trung Quốc chú ý, như nền tảng trực tuyến nông sản Pinduoduo,  Alibaba và JD.com. Thị trường nông sản trong khu vực đang trở thành “đấu trường” cạnh tranh giữa các hãng công nghệ Trung Quốc khi họ tăng cường đầu tư và trợ cấp cho nông dân.

Pinduoduo hiện là sàn phân phối các sản phẩm nông nghiệp trực tuyến lớn nhất. Trong năm 2019, công ty đã nhân đôi doanh thu lên khoảng 20 tỷ USD, chiếm hơn 13% tổng giá trị hàng hóa (GMV) của công ty. Cũng không dừng lại ở đó, Pinduoduo gần đây đã đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng là nâng GMV, từ các sản phẩm nông nghiệp, lên hơn gấp 7 lần, hơn 145 tỷ USD hàng năm, vào năm 2025.

Xem thêm chi tiết tại link:

Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang “thèm khát” trái cây Đông Nam Á

1/ Trong 8 tháng đầu năm 2020, Nga tăng mạnh nhập khẩu trái bưởi tươi từ thị trường Việt Nam, đạt 19 tấn, trị giá 71.000 USD, tăng 683,2% về lượng và tăng 355,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu trái bưởi sang thị trường Nga là rất lớn, do nhu cầu tiêu thụ trái cây nhiệt đới tại Nga ngày càng tăng. Trước đây, Trung Quốc là thị trường cung cấp bưởi lớn nhất cho Nga với khoảng 5.000 container bưởi hằng năm. Vụ mùa năm 2020, khi lệnh cấm nhập khẩu bưởi của Nga từ thị trường Trung Quốc vẫn còn hiệu lực, Nga đã chuyển sang nhập khẩu bưởi từ các nguồn cung khác như Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Việt Nam.

2/ Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) đã đàm phán thành công với các đối tác để xuất khẩu thịt gà sang thị trường Singapore và Hong Kong. Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát như hiện nay, trong tháng 11/2020 này, các đối tác Singapore và Hong Kong sẽ đến Việt Nam để ký kết hợp đồng. Hiện trung bình mỗi năm, công ty xuất khoảng 350 tấn thịt gà sang cho thị trường Nhật Bản. Dự kiến mỗi năm, công ty sẽ xuất khẩu hàng trăm tấn thịt gà sang 2 thị trường này. Để xuất khẩu thành công thịt gà, Công ty TNHH Koyu & Unitek đã liên kết với nông dân nuôi gà theo tiêu chuẩn an toàn và đầu tư nhà máy chế biến hiện đại.

3/ Giá vàng miếng SJC đang ở mức 56 – 56,5 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Giá vàng thế giới trên sàn Kitco đang được giao dịch ở mức 1.882,1 USD/ounce, tăng 3,5 USD, tương đương 0,19% giá trị so với chốt phiên trước.

4/ Trong tháng 10 vừa qua, Campuchia đã xuất khẩu sang Việt Nam hơn 1,4 triệu tấn thóc (lúa), tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2019. Ông Veng Sakhon, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Campuchia đã khẳng định với báo giới hôm 31/10 rằng, trong 10 tháng đầu năm 2020, Campuchia đã xuất khẩu hơn 530.000 tấn gạo. Đây là mức tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm 2019. Theo Tổng thư ký Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) Lun Yeng, hầu hết số thóc xuất khẩu sang Việt Nam là giống ngắn ngày, có thể thu hoạch trong vòng 3 tháng. Giống lúa ngắn ngày không phải là mục tiêu chế biến xuất khẩu của Campuchia nhưng vẫn được khuyến khích xuất khẩu để giúp nông dân tăng thu nhập.

Theo Tổng thư ký Liên đoàn Gạo Campuchia (CRF) Lun Yeng, hầu hết số thóc xuất khẩu sang Việt Nam là giống ngắn ngày – Ảnh: KhmerTimes

5/ Xuất khẩu gạo của Ấn Độ có thể sẽ đạt mốc kỷ lục trong năm nay do giảm cung của các nước xuất khẩu gạo đối thủ tại châu Á cũng như việc đồng rupee giảm giá, giúp tăng khả năng cạnh tranh của gạo nước này. Theo ông Nitin Gupta – Phó Chủ tịch phụ trách lúa gạo của Olam India – xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm 2020 sẽ tăng nhờ nhu cầu về gạo non basmati tăng mạnh từ các nước châu Phi do giá bán hấp dẫn, trong khi cầu về gạo basmati tương đối ổn định. Chẳng hạn xuất khẩu gạo non basmati sang Senegal và Benin có thể tăng gấp đôi. Ông Gupta cho biết thêm, giá bán gạo Ấn Độ vẫn thấp hơn nhiều so với giá gạo Việt Nam và đặc biệt là so với gạo Thái Lan.

6/ Australia ngừng xuất khẩu tôm hùm sang Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ ngoại giao giữa hai nước trở nên căng thẳng. Động thái này làm dấy lên mối lo ngại rằng Bắc Kinh chuẩn bị tung ra các đòn trả đũa thương mại nhắm vào lĩnh vực buôn bán hải sản. Theo Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud, Australia đang có “những mối quan ngại sâu sắc” về các cuộc thanh tra của Trung Quốc, đồng thời đã cử quan chức làm việc với phía Bắc Kinh để tìm hiểu rõ sự việc. Ông Littleproud chia sẻ rằng những con tôm hùm bị yêu cầu kiểm tra nguyên tố vi lượng của khoáng chất và kim loại, việc từng được thực hiện trước khi lô hàng rời khỏi Australia. Theo số liệu của chính phủ Australia, khoảng 94% doanh thu xuất khẩu tôm hùm Australia là từ Trung Quốc.

7/ Ngành đồ uống nóng của Nhật Bản, bao gồm cà phê nóng, trà nóng và các đồ uống nóng khác, được dự báo sẽ tăng từ 2.100 tỷ yen (19,6 tỷ USD) vào năm 2019 lên 2.500 tỷ yen (26,6 tỷ USD) vào năm 2024, ghi nhận tốc độ tương trưởng (CAGR) hằng năm là 3,6%. Một bản báo cáo cho thấy ‘cà phê nóng’ là loại đồ uống nóng được ưa chuộng nhất với doanh số trị giá 1.400 tỷ yen (13,4 tỷ USD) vào năm 2019. Thị phần giá trị của Nhật Bản trong lĩnh vực đồ uống nóng toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng từ 9,6% năm 2019 lên 9,9% vào năm 2024. Tuy nhiên, thị phần của nước này ở cấp khu vực dự kiến ​​sẽ giảm từ 24,3% năm 2019 xuống 22,8% vào năm 2024.

8/ Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc, công bố hôm nay, kim ngạch xuất khẩu mì ăn liền trong 9 tháng đầu năm đã tăng 36,3% so với cùng kỳ năm ngoái, lên tới 456 triệu USD trong khi xuất khẩu kim chi tăng 38,5%, lên 109 triệu USD. Tổng giá trị nông sản xuất khẩu của quốc gia này đã tăng 6,5% lên 5,5 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm nay do nhu cầu thực phẩm chế biến sẵn trên toàn cầu tăng cao trong bối cảnh ngày càng nhiều người làm việc tại nhà và hạn chế đến nhà hàng do đại dịch Covid-19. Trước đó, xuất khẩu mì ăn liền của Hàn Quốc đã tăng gấp đôi so với con số 219 triệu USD năm 2015 do sự phổ biến ngày càng rộng văn hóa Hàn Quốc trên toàn cầu.

9/ Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch để hợp nhất 9 công ty nhà nước dưới quyền một công ty mẹ duy nhất, bao gồm hãng hàng không Garuda Indonesia, hãng hàng không giá rẻ Citilink, chuỗi khách sạn và các công ty điều hành các địa điểm du lịch lớn. Điều này được dự kiến sẽ cho phép các công ty loại bỏ các chi phí không cần thiết và cùng nhau thực hiện các hoạt động kinh doanh ​​như các gói du lịch giảm giá. Chính phủ đã có kế hoạch để cung cấp 8,5 ngàn tỷ rupiah (578,7 triệu USD) hỗ trợ tài chính cho công ty mẹ mới này.

Chính phủ Indonesia đã lên kế hoạch để hợp nhất 9 công ty nhà nước dưới quyền một công ty mẹ duy nhất – Ảnh: Nikkei

10/ Một số hãng bay đang làm những điều không tưởng để có doanh thu mùa dịch, như giảm giá vé dịp cao điểm hay khuyến mãi “mua 1 tặng 1”. Trong tháng 8 và 9, Alaska Airlines tung nhiều đợt khuyến mại trong 48 giờ để bán toàn bộ hàng 3 ghế với giá một vé duy nhất. Hãng này thường có từ 10 đến 12 đợt khuyến mại lớn mỗi năm. Nhưng gần đây, họ tổ chức khuyến mại 3 lần một tháng. Trong khi đó, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu Ryanair tung ra chương trình ưu đãi mua “2 tặng 1” cho các chuyến bay đến giữa tháng 12. Hãng còn quảng cáo một số vé đặc biệt trong 24 giờ, giảm giá 50% và tung chương trình bán một triệu chỗ ngồi với giá 5 euro, tương đương 5,8 USD mỗi ghế. AirAsia đầu năm nay đã bán “vé đi không giới hạn”, cho phép khách hàng lựa chọn các điểm đến nội địa được khai thác bởi các hãng hàng không thuộc cùng tập đoàn này ở Thái Lan, Malaysia…

Ricky Hồ – Lê Hiếu/BSA

Các sàn thương mại điện tử Trung Quốc đang “thèm khát” trái cây Đông Nam Á